Từ xa xưa, đậu phụ đã là món ăn được rất nhiều người ưa thích, đồng thời cũng được nhiều thi nhân bình về nó.
Đông Pha tiên sinh từng thán rằng: “Loại đậu này chỉ cần hấp lên thôi cũng đủ béo ngậy thơm ngon.”
Lạc Anh làm xong cơm trưa cho mình, sau đó dựa theo trí nhớ viết ra các món trong đại tiệc đậu phụ ở kiếp trước.
Đậu hũ yến, tiệc đậu phụ, lẽ dĩ nhiên không phụ lại tên gọi của nó, tất cả món ăn đều được chế biến từ đậu phụ. Bất kể là tào phớ, đậu phụ thái sợi hay canh đậu phụ văn tư đều được điểm tên. Và cho dù là ninh, hầm, xào hay nấu canh thì khi thưởng thức vẫn vô cùng tuyệt vời, kết hợp với một loại nguyên liệu bất kỳ nào đó thì cũng không thể làm mất đi hương vị ban đầu.
Nói đến nguồn gốc của đại tiệc đậu phụ ở kiếp trước, kể ra cũng có chút thú vị, cho đến bây giờ Lạc Anh vẫn còn nhớ như in.
Nguyên nhân đến từ cuộc gây gổ của tiểu Hoàng Đế và tiểu Hoàng Hậu, khi đó hai người họ vẫn là Thái Tử và Thái Tử Phi, Tiên Đế còn tại vị. Trong thực đơn của Đông Cung ngày đó có hai món làm từ đậu phụ, canh đậu phụ văn tư và đậu phụ phục ngư.
Cũng không biết vì nguyên nhân gì khiến hai người tranh cãi với nhau, Thái Tử cho rằng canh đậu phụ ngon nhất, Thái Tử Phi lại khăng khăng nói canh đậu phụ chẳng qua chỉ là kỹ xảo của đầu bếp mà thôi, đậu phụ phục ngư ăn ngon hơn.
Thái Tử giận dỗi biện luận, lẽ nào “đậu phụ phục ngư” không dùng đến kỹ xảo, hơn nữa còn chế biến từ những nguyên liệu quý giá, nếu không có những nguyên liệu đó hỏi xem món này sẽ ăn ngon chăng.
Đôi trẻ tranh cãi bất phân thắng bại bèn đi tìm Hoàng Hậu xin phân xử, người nào cũng tự cho mình là đúng, nửa bước không nhượng bộ.
Thái Hậu khi ấy vẫn là Hoàng Hậu tỏ vẻ hai món đều ngon, nhưng bà thích đậu phụ chiên hơn.
Cả ba người đều bảo trì ý kiến riêng, đành phải tìm Tiên Đế phân xử cho phu nhân, con trai và con dâu của mình.
Tiên Đế dứt khoát ném cái nồi này cho Thẩm Trạm đang có mặt trong Ngự thư phòng.
“Thẩm ái khanh nghĩ sao?”
Thẩm Trạm trầm ngâm một lúc rồi lên tiếng: “Thần cho rằng đậu phụ ma bà hợp với khẩu vị của thần hơn.”
Tiên Đế nhìn bốn người này nghiêm túc suy nghĩ một phen, quyết định tiếp tục quăng cái nồi này đi, gọi đại tổng quản Ngự Thiện phòng Lạc Anh đến.
“Lạc trù thấy thế nào?”
Lạc Anh không chớp mắt đảo qua mấy người: “Thần cho rằng chỉ cần là đậu phụ thì món nào cũng ngon.”
Đã vậy Tiên Đế liền hạ lệnh cho Lạc trù tiến hành làm một bàn tiệc đậu phụ, đậu phụ muôn hình vạn trạng, sau khi dùng xong sẽ cùng đánh giá xem món nào ngon nhất.
Trong yến tiệc đậu phụ lần đó, các vị sư phụ trong ngự thiện phòng đều trổ hết tài nghệ vốn có của mình, ước chừng có hơn mười món đậu phụ không trùng với nhau, ăn đến mức hai cặp phu thê tôn quý nhất Đại Lương mỗi lần ngửi thấy mùi đậu phụ đều trốn thật xa.
Đỗ sư phụ đến từ Giang Nam làm canh đậu phụ văn tư, ngày đó Lạc Anh làm món này cho cả nhà Hạ Hiểu Phong cũng nhờ được Đỗ sư phụ truyền tay nghề.
Đỗ sư phụ là người Giang Nam, nên bàn về công phu dùng dao mấy chục năm so với Lạc Anh mới miễn cưỡng học nghệ mười năm đương nhiên phải ở một tầm khác.
Một khối đậu phụ trong tay dù có bịt mắt bằng miếng vải đen cũng có thể cắt thành những sợi mỏng như lông trâu.
Thái Tử Phi nói món này nhờ vào kỹ xảo không sai chút nào, chỉ cần xem món canh đậu văn tư này cũng có thể hiểu được tay nghề của đầu bếp như thế nào.
Hương vị của canh đậu văn tư trong bữa yến tiệc hôm đó, thuần túy, ngọt thanh vừa miệng, cho đến bây giờ Lạc Anh vẫn chẳng thể nào quên.
Thái Tử Phi thích đậu phụ phục ngư, thật ra nó chính là đậu phụ hầm bào ngư, ngày trước người ta gọi là phục ngư còn hiện tại đổi thành bào ngư. Món đậu phụ phục ngư này nói đơn giản thì rất đơn giản, nói khó thì xác thực là rất khó, bởi lẽ quy trình chế biến hơi phức tạp một chút. Để nấu món này không chỉ cần đậu phụ mà nguyên liệu chủ yếu là bào ngư, nấm hương, đặc biệt không thể thiếu nước súp gà.
Cắt bào ngư thành từng lát mỏng, đậu phụ nên chọn loại tươi mềm, trụng sơ qua để loại bỏ mùi đậu, sau đó nấu chung cùng nước súp gà đã ninh nhừ rồi cho bào ngư vào, dầu ăn và nấm hương, cuối cùng là thưởng thức.
Đặc trưng của món ăn này là sự đậm đà của súp gà thấm đều vào đậu phụ và bào ngư, hòa chung với hương vị của nấm hương, ngon ngọt lành miệng.
Thái Tử cho rằng món này quý giá cũng không sai, một khối đậu phụ nho nhỏ còn phải dùng canh gà để làm nước dùng, cộng thêm bào ngư tươi sống. Về sau ngự thiện phòng còn nghiên cứu ra một cách chế biến mới cho món ăn này là thêm cá phi lê và bắp cải trắng vào.
Chưa nói đến cải trắng, mùi vị của cá phi lê không tồi, nước súp đậm đà cuộn quanh cá phi lê tươi, lát cá thái mỏng gần như trong suốt, hồng hào, còn đậu phụ trắng nõn, bào ngư phi thơm, cuối cùng rắc một chút hành lá trang trí trông hấp dẫn vô cùng.
Còn món đậu phụ chiên mà Thái Hậu thích thì bất kỳ ai cũng phải thốt một tiếng, tuyệt.
Tài nghệ chiên đậu thuộc về Thôi sư phụ, cũng là người duy nhất không nhận làm thầy của Lạc Anh.
Trên đời này luôn có một số người kiên định với quy tắc riêng, một khi đã nhận định tuyệt nhiên không thể thay đổi, giống như Thôi sư phụ, ông cho rằng Lạc Anh chỉ là một nữ tử không thể đảm đương vị trí đại tổng quản Ngự Thiện phòng.
So với các sư phụ khác thì Thôi sư phụ có phần nhỏ mọn hơn một chút, ở một mức độ nào đó những vị sư phụ khác đều nhận đồ đệ thân truyền, và bọn họ không ngại việc trò giỏi hơn thầy, đồ đệ giỏi đói chết sư phụ, cho dù giấu diếm một chút thì họ sẽ luôn bỏ ra 60% trong khả năng của mình.
Trái ngược hẳn với Thôi sư phụ chỉ nhận những đứa trẻ họ hàng làm đồ đệ, còn người ngoài hiếm khi nhận được một hoặc hai câu chỉ điểm đã là may mắn rất lớn.
Ban đầu, Thôi sư phụ thấy Lạc Anh là một tiểu cô nương được sư phụ cô đưa đến Ngự thiện phòng thì không mấy hòa nhã, về sau lại càng thể hiện rõ, cho đến khi tay nghề của Lạc Anh ngày càng nhuần nhuyễn, đôi khi còn phát huy tốt hơn một vài vị sư phụ, Thôi sư phụ vẫn giữ nguyên thái độ như ban đầu, bày ra bộ mặt thối.
Tuy ông ấy không thích Lạc Anh, nhưng khi Lạc Anh mới bắt đầu đi theo những người khác học nấu ăn, hoặc trong lúc học cách dùng dao thi thoảng đúng lúc Thôi sư phụ đi ngang qua sẽ xụ mặt mắng một trận, “Cầm dao còn không vững thì nấu nướng cái nỗi gì?” “Cô đang thái sợi khoai tây hay cắt khối đấy hả, tranh thủ xin sư phụ cô tiễn cô đến cung nào đấy đi…”
Bây giờ ngẫm lại, khi ấy mỗi lần quay về phòng tay chân cô đều ê ẩm đau nhức vẫn cố gắng kiên trì, cho dù đã mệt đến mức không còn sức lực nào nhưng chỉ cần nghĩ đến những lời châm chọc khiêu khích của Thôi sư phụ lại tự động nạp đầy năng lượng chiến đấu. Quyết không để bị xem thường, để sư phụ không phải hối hận khi nhặt mình về và xứng đáng với những chỉ dẫn của các vị sư phụ.
Thôi sư phụ có một tay nghề độc môn, cũng chính là công thức bí mật của món “đậu phụ chiên” mà cho đến bây giờ Lạc Anh vẫn chưa biết cách làm.
Nhưng quả thực món đậu phụ chiên của Thôi sư phụ rất đặc biệt, thanh đậu vàng ruộm óng ánh nhưng không hề bị khô cứng. Bề ngoài miếng đậu trông thì khô, không có nước tương hay nước xốt nhưng khi ăn thì có vị mặn vừa phải và vẫn giữ được sự mềm mịn thanh đạm, khiến người ta phải vừa ăn vừa gật gù tán thưởng.
Những lúc như vậy, bản mặt thối của Thôi sư phụ càng thêm đắc ý, chẳng qua biểu cảm vẫn không mất đi vẻ cáu kỉnh. Tuy Thái Hậu thích ăn món đậu chiên này, nhưng người đời thường nói ăn trứng không bằng nhìn thấy gà mái già, mỗi lần truyền gọi đều ban thưởng đầy đủ cho Thôi sư phụ nhưng vẫn chẳng mấy khi cho truyền ông ấy.
Dù sao thì… không một ai thích nhìn bộ mặt trời sinh đã cáu kỉnh, Thái Hậu dù không có việc gì quan trọng cũng rất thích triệu kiến Lạc Anh, cô gái nhỏ tựa như nụ hoa mới hé, vừa nấu ăn ngon lại còn xinh đẹp!
Về phần bệ hạ, tuy không định rõ thích ăn món đậu phụ nào, nhưng trong yến tiệc ngày đó, “đậu phụ hộp” là lựa chọn được ông đụng đũa nhiều nhất.
Đậu phụ hộp này là tay nghề của sư phụ Lạc Anh, những miếng đậu phụ có kích thước tựa như những nút mạt chược được chiên vàng xuê.
Phần nhân ở giữa vô cùng đầy đặn, được nhồi bằng gạo nếp, mộc nhĩ, măng đông, nấm hương và tôm nõn, đôi khi sẽ là rau hẹ trứng chim cùng miến, hoặc đôi khi chỉ thuần túy là thịt bằm mà thôi. Ăn một khối đậu phụ hộp đều tựa như đang đón chờ một điều bất ngờ tiếp theo, nhưng có thể khẳng định rằng mỗi một khối đều cực kỳ thơm ngon!
Lạc Anh tính toán thêm món này vào thực đơn phòng ăn riêng cổ truyền buổi tối, đảm bảo mọi người sau khi ăn xong sẽ phải khen ngon.
Còn về món đậu phụ ma bà Thẩm Trạm thích, phải nói thêm vài lời.
Nhờ vào việc giao thương đường biển ở Đại Lương thuận lợi nên cũng giúp cho các loại gia vị đã được truyền đi khắp nơi, gia đình bình thường cũng có thể ăn ớt và hồ tiêu.
Tựa như một người có khẩu vị đặc biệt, đậu phụ Ma Bà chú trọng các loại gia vị, tuy vậy nhưng mỗi người làm ra lại có một hương vị khác nhau.
Đậu phụ ma Bà phủ đầy sa tế, rắc thêm một lớp hành lá tươi xanh khiến hai màu xanh đỏ kết hợp tạo ra một phản ứng màu sắc bắt mắt vô cùng. Mà những khối đậu phụ trắng nõn như tuyết xen lẫn trong đó càng nổi bật hơn, mềm mịn nõn nà, điều đặc biệt ở đây chính là hương vị cay nồng hấp dẫn!
Một đĩa đậu phụ Ma Bà cay, thơm ngát và nóng hổi, chỉ cần một miếng có thế ăn hết hai bát cơm.
Về Thẩm Trạm, người khác thì không biết nhưng Lạc Anh lại hiểu rất rõ, từ khi đảm nhận chức vị mật sứ miệng lưỡi ngày càng hỗn. Nói chuyện không biết nể mặt người khác, thích gì nói nấy, đặc biệt rất khảnh ăn.
Thân là mật sứ nên bình thường có thể phải biến mất nửa tháng trời để bí mật điều tra, thậm chí cả tháng phải chấp nhận gặm lương khô, vì hắn không còn lựa chọn nào khác. Nhưng chỉ cần trở lại kinh thành, có thời gian lại tiến cung tranh thủ ăn từng bữa như muốn bù lại những ngày tháng bị bạc đãi kia.
Nói cách khác, mật sứ chính là đặc vụ ẩn của bệ hạ, một tổ chức thu thập tình báo và xử lý những cơ cấu bí mật. Thẩm Trạm là đầu lĩnh mật thám, hơn thế toàn bộ triều đình đều biết xuất thân của hắn, người người đều nói Thẩm Trạm tính tình cổ quái, tránh còn không kịp, chỉ sợ chọc vị mật thám này tức giận sẽ điều tra lên đầu mình.
Đôi khi hắn sẽ bất chợt phái người đến Ngự Thiện phòng gọi đồ ăn, người nào trực ban hôm ấy coi như xui xẻo, không một ai muốn nhận công việc này, sợ vị mật sứ không rõ vui giận này nổi bão mà rước họa vào thân.
Cuối cùng phần lớn đều do Lạc Anh làm, đầu tiên do tay nghề của cô tốt, hai là cô được Đế Hậu ưu ái nên Thẩm Trạm khó có thể tìm cô gây khó dễ.
Có điều Lạc Anh không ngờ tới đó là, người mà ai ai cũng e ngại, Thẩm đô đốc sau này lại trở thành một trong những người bạn hiếm hoi cô có thể trò chuyện trong cung cấm này.
Buổi đại tiệc đậu phụ kết thúc bằng việc Đế Hậu và phu thê Thái Tử, Thái Tử Phi từ bỏ ăn đậu phụ trong một tháng. Mà Lạc Anh cũng băn khoăn mãi món đậu phụ chiên của Thôi sư phụ, rốt cuộc phải làm như thế nào? Nhưng mãi cô vẫn không cạy được miệng ông ấy, chỉ đành tự mình tìm ra công thức mà thôi.
Sau này vẫn là Thẩm Trạm thản nhiên nói một câu: “Củ cải và bắp cải có đặc điểm riêng, Thái Hậu thích ăn đậu phụ chiên của lão Thôi, còn ta thích ăn đậu phụ cay cô làm, tự cô có sở trường riêng của mình cần gì phải so sánh với người khác làm gì?”
Một lời đánh thức người trong mộng, đúng vậy, ông ấy làm đậu phụ chiên của ông ấy, cô làm đậu phụ cay của cô, khẩu vị của Thái Tử và Thái Tử Phi còn không giống nhau, chỉ cần đậu phụ cay cô làm có người thích là đủ rồi.
Gà: Lâu rồi không gặp. Món quà mừng năm mới 2023 nha các tình yêu
Đậu phụ hộp
Đậu phụ Ma Bà
Đậu phụ Phục Ngư