Đường Thận vươn đôi tay đón lấy miếng bạch ngọc cực phẩm từ Vương Trăn.
Vàng bạc có giá, nhưng ngọc là vô giá. Bốn năm trước Đường Thận đã từng tặng Vương Trăn một miếng ngọc, miếng ngọc ấy là bảo ngọc thượng hạng mà cậu phải tìm kiếm rất lâu mới có được. Nhưng so với miếng ngọc hôm nay Vương Trăn tặng cậu, thì miếng ngọc kia rõ là thầy đồng tay mơ gặp đại phù thủy.
Miếng ngọc bạch trên tay Đường Thận lúc này đây, chỉ chạm vào thôi đã thấy ấm áp, nhẵn nhụi và êm mướt. Cứ hễ chuyển động, nền ngọc bóng bẩy sẽ loáng lên một vệt sáng lung linh, hệt như chú rồng trắng bé xíu. Tuy Đường Thận không nghiên cứu sâu về ngọc và đá quý, chỉ hù được người ngoài nghề, nhưng cậu nhận ra đây là một miếng ngọc thượng hạng, được chạm trổ hết sức tài tình và công phu. Trên ngọc khắc hoa văn lưu vân bách phúc1, những đám mây trùng trùng uốn lượn thành hình Như Ý, thay cho lời chúc mọi sự vĩnh viễn được như ước ao.
[1] Mây và dơi. Dơi đồng âm với Phúc trong tiếng Trung nên rất hay xuất hiện trong các họa tiết trang trí. Xem hình
“Sư huynh tặng đệ món quà quý nhường này, đệ không dám nhận.” Đường Thận ngẩng đầu, đẩy đưa một câu khách sáo.
Vương Trăn: “Có phải sinh nhật năm nào của đệ ta cũng tặng quà quý thế này đâu.”
Đường Thận: “Ơ?”
Khoan đã, huynh nói thế là thế nào?
Theo lẽ thường, bây giờ là lúc huynh nên bảo “Sư đệ cứ yên tâm mà nhận” chứ! Vương Tử Phong, sao huynh có thể đổi phắt kịch bản như vậy!?
Vương Trăn giấu ý cười trong đáy mắt: “Năm nay là lễ đội mũ của đệ.”
Ngụ ý rằng, mọi năm vẫn tặng đệ quà quý, nhưng không quý báu bằng năm nay. Năm nay đặc biệt hơn vì đây là quà mừng đệ trưởng thành. Sang năm sau, chúng ta lại quay về nếp cũ.
Đường Thận: “…”
Cậu tiu nghỉu: “Sư huynh xuất thân Lang Gia Vương thị, gia nghiệp bề thế giàu sang, sao lại keo kiệt như vậy.”
Vương Trăn nghe thế liền xòe quạt đánh “soạt” một cái, điềm nhiên nói: “Lang Gia Vương thị nào đã đến phiên ta thừa kế? Chưa bàn tới chuyện sau này ta có được thừa hưởng nhà họ Vương không, kể cả có đi chăng nữa, tiểu sư đệ cũng muốn hưởng một phần gia sản của ta ư?”
Đường Thận: “???”
Cái chủ đề này từ đâu chui ra vậy?
Hi vọng của Đường Thận tắt ngúm, thực tình mà nói, xưa nay cậu đã bao giờ cãi thắng Vương Trăn cái gì. So tài hùng biện chẳng bằng, chỉ đành thỉnh thoảng giả vờ làm nũng mới gỡ bí được. Đường Thận bèn lấy ngay viên ngọc, miễn cho Vương Trăn lại kiếm cớ trêu ghẹo cậu rồi tịch thu bảo ngọc về.
Trông cái điệu bộ cất ngọc nhanh thoăn thoắt của Đường Thận, Vương Trăn vừa thấy hài hước vừa thấy dễ thương quá chừng, ánh nhìn tiểu sư đệ càng say sưa hơn.
Đường Thận để ý thấy điều ấy, bèn hỏi: “Sao sư huynh lại nhìn đệ thế?”
Vương Trăn hỏi ngược lại: “Sư đệ vội cất bạch ngọc thế, có phải sợ ta tịch thu nó không?”
Đường Thận nghĩ thầm, huynh tự biết thế là tốt lắm.
Vương Trăn thở vắn than dài: “Không ngờ, trong lòng tiểu sư đệ ta lại là người như vậy. Thôi, đêm đã khuya, ta đây chẳng quấy rầy đệ nữa, về phủ.” Nói đoạn, Vương Trăn làm bộ như đau lòng lắm, quay lưng toan bỏ đi.
Trong lúc nhất thời, Đường Thận không rõ Vương Tử Phong thất vọng thật hay đang cố tình trêu cậu, nhưng cậu không thể để Vương Trăn đi như vậy được. Chẳng may vì chuyện này mà giữa hai người có khoảng cách thì hỏng bét. Đường Thận vội vàng níu tay áo Vương Trăn, Vương Trăn dừng bước, ngoái đầu nhìn bàn tay đang túm áo mình.
Đường Thận nói: “Trong lòng đệ sư huynh sánh ngang thần tiên, đệ tôn kính và ngưỡng mộ sư huynh đến nhường nào, đâu phải sư huynh không biết? Huynh đừng nói đệ thế!” Núi có thể đổi, sông có thể dời, nhưng vuốt mông ngựa mãi trường tồn cùng thời gian. Mở màn bằng chiêu nịnh, cấm có sai bao giờ.
Quả nhiên, nét mặt Vương Trăn tươi lên ngay. Chàng nói với vẻ sâu xa: “Kính ngưỡng kia à?”
Đường Thận thốt lên mà chẳng kịp nghĩ suy: “Lòng kính ngưỡng của đệ với sư huynh dạt dào bất tận như con sông cuồn cuộn nước, có thể ví với Hoàng Hà mùa lũ về, trào dâng không ghìm nổi.”
Vương Trăn ngây người, dường như chính chàng cũng không phản ứng kịp với một tràng ngợi ca của Đường Thận.
Mãi sau Vương Trăn mới bật cười. Chàng gập cây quạt, gõ nhẹ một cái lên đầu Đường Thận, động tác dịu dàng hệt như đang dạy dỗ vãn bối mà thôi. Chàng trách: “Chín quá hóa nẫu2!”
Đường Thận liền tỉnh ra. Vương Trăn đang răn cậu rằng sau này nịnh nọt phải có chừng mực, thổi phồng lên quá thì mất hay.
Đường Thận gật đầu: “…Vâng.”
Vương Trăn: “Sau này đệ kính ngưỡng hơn nữa cũng được, hoặc đừng chỉ dừng lại ở kính ngưỡng.”
Đường Thận ngẩng đầu: “Ơ?”
Vương Trăn ném cho cậu một ánh mắt và một nụ cười, không giải thích gì thêm, cứ thế ung dung lướt đi.
Đường Thận tiễn Vương Trăn ra khỏi phủ Thám Hoa thì trở lại thư phòng, cẩn thận suy ngẫm về câu cuối Vương Trăn nói với cậu.
“Kính ngưỡng nhiều hơn? Đừng chỉ dừng lại ở kính ngưỡng?” Đường Thận nhíu mày, chìm trong suy tư. Sau một hồi vắt óc, cậu thở dài bất lực: “Huynh hay thật đấy Vương Tử Phong à, chẳng khiêm tốn tí nào cả! Hơn cả kính ngưỡng ư? Lẽ nào huynh thật lòng muốn ta cung phụng huynh như cha ruột?”
Nghĩ đến đây Đường Thận lại suy ngẫm, nếu cậu có một người cha như Vương Trăn thật, nhất định cuộc sống hiện tại của cậu sẽ thảnh thơi gấp mấy.
Quẳng chuyện này ra sau đầu, nét mặt Đường Thận lạnh lẽo dần. Cậu ngẩng đầu, bình tĩnh lia mắt tới góc giá sách. Thế rồi Đường Thận nhấc ngọn đèn dầu trên bàn, cầm ra chỗ đó. Cậu dựng thẳng những cuốn sách nằm nghiêng về vị trí cũ, thò tay di mấy lượt lên mặt tường sau giá sách, mở một ô bí mật.
Đường Thận sai Diêu Tam thuê người chế tạo riêng ô bí mật này, cơ chế mở khóa của nó cực kì tài tình, ngay cả Đường Thận cũng phải cạn chén trà3 mới mở được ô bí mật.
Sau khi mở ngăn mật, Đường Thận lấy thứ cất giấu bên trong ra.
Quay lại án thư, cậu bình tĩnh nhìn chỗ sách vở và giấy tờ bày trên mặt bàn.
Bấy nhiêu đây là tin tức mà cậu thu thập được trong suốt bốn năm qua!
Từ Khởi Cư chú của Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ, đến những hồ sơ không bị bảo mật quá nghiêm trong Đại Lý tự. Là đại quan tứ phẩm, Đường Thận dễ dàng mượn danh chức vụ để nhiều lần tiếp cận với các ghi chép từ đời vua trước đến đời vua này. Ròng rã bốn năm, đến giờ cậu mới gom góp được một chút thông tin liên quan tới biến cố Thái tử ép vua thoái vị ba mươi mốt năm trước.
Cậu gồng hết sức mình, mà chỉ có thể làm được đến vậy.
Có một số việc cậu chắc chắn tuyệt đối, ví dụ như chuyện Thái tử bức vua thoái vị hoàn toàn không thể xảy ra. Nếu năm xưa Thái tử cướp ngôi thật để rồi cuối cùng bị Triệu Phụ bắn chết trong cung, Lương Tụng không đời nào khảng khái chịu chết vì Chung Thái Sinh. Năm năm trước, các đại nho không hẹn mà cùng đem cái chết tỏ chí, chính là để nói với người sau rằng, biến cố Thái tử soán ngôi chắc chẳn còn có uẩn khúc!
Thậm chí Đường Thận có thể đoán được, bàn tay đằng sau vụ việc này rất có khả năng là Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ.
Nhưng ngoài những chuyện đó thì sao?
Vì cớ gì Triệu Phụ – người năm xưa chỉ là Nhị hoàng tử – lại có thể bày ra một vở kịch hết sức quy mô, lật đổ đảng phái Thái tử đương vững mạnh như mặt trời ban trưa?
Ông ta không chỉ loại bỏ được Thái tử, mà còn dẹp tan cả đảng Tùng Thanh khi ấy đang ở đỉnh cao thế lực!
“Liệu… Vương Tử Phong có phát hiện ra không?”
Bên kia, Vương Trăn đã trở lại phủ Thượng thư. Chàng đem những cuốn sách lấy từ nhà Đường Thận bày lên án thư.
Trong thư phòng yên ắng, ngọn đèn cầy nổ tanh tách như tiếng pháo. Vương Trăn ngồi trên ghế Thái sư, lặng lẽ nhìn tập sách. Hồi lâu, chàng vươn tay nhấc mấy quyển tạp thư về nghệ thuật trà lên. Những cuốn sách này chàng đã đọc một lần ở phủ Thám Hoa. Với tài đọc một lần là nhớ từ bé, giờ đây khi chàng xem lại sách, từng câu từng chữ đều như khắc sẵn trong đầu.
Ấy thế mà chàng vẫn thủng thẳng lật từng trang sách, mắt nhìn theo con chữ, nhưng suy nghĩ đã dạt trôi về phương xa tự bao giờ.
Không biết bao thời gian đã trôi qua, trong thư phòng có tiếng thở dài rất trầm.
Nửa canh giờ sau, thư đồng nghe lệnh vào thư phòng, Vương Trăn giao cho người ấy một phong thư, lãnh đạm nói: “Gửi về nhà họ Vương phủ Kim Lăng.”
Người thư đồng sửng sốt: “Công tử, trời đã tối, ban đêm cấm đi lại trong thành, có nên để mai hẵng đưa không ạ?”
“Dùng lệnh của Thượng thư bộ Hộ, gửi ngay trong đêm nay.”
“Vâng.”
Ngày mười bốn tháng ba, Đường Thận rời khỏi Thịnh Kinh.
Chuyến này Đường Thận đi U Châu chỉ dẫn theo mỗi thư đồng Phụng Bút. Xe ngựa lộc cộc lăn bánh ra ngoài cổng thành, thẳng đường lên Tây Bắc.
Từ Thịnh Kinh đến U Châu, ngựa khỏe dồn roi cũng phải mất một ngày rưỡi. Đường Thận đi xe ngựa, nhanh nhất cũng tốn năm sáu ngày. Xe ngựa chẳng bằng ô tô thời hiện đại, đường xá thời này cũng không làm bằng bê tông mà được lát bằng đất đá nghiền vụn. Cuốc xe ngựa xóc nảy đến nỗi cặp mông của Đường Thận đau ê ẩm. Đến tối viết thư nhà gửi về kinh, cậu nghĩ ngợi một lát, cố tình thêm vào một câu.
“….Việc lúc trước cậy nhờ Diêu Tam là chuyện hết sức hệ trọng, nhất thiết phải đặt lên hàng đầu.”
Viết thư xong, Đường Thận xoa bóp cổ tay, than thở: “Đường xá kiểu này nào phải cho người đi!”
Người ta hay nói các quan bị biếm trích đến những nơi hoang vu xa vắng thường hay phải chết ở nơi đất khách quê người, như chiếc lá chẳng được rụng về cội. Nhận xét ấy không hề vô căn cứ. Vốn nguồn cơn của việc bị cách chức thường đã là chuyện khiến con người ta uất ức tủi nhục, người xưa đôi khi không nghĩ thoáng, dễ lâm vào cảnh buồn bực kém vui, lâm bệnh mà mất. Còn như người nào lòng dạ rộng rãi, lạc quan độ lượng, dầu không suy sụp vì chuyện biếm trích thì cũng phải đối mặt với vô vàn gian khổ trên con đường đến làm quan ở miền hẻo lánh. Những khốn khó trên đường giống như chín chín tám mươi mốt kiếp nạn, chẳng may thân thể yếu, có khi chưa tới nơi nhậm chức đã lìa đời.
Phụng Bút đồng tử nói: “Công tử à, từ khi có quan đạo mới, đường đến U Châu dễ dàng hơn trước nhiều.”
Đường Thận thở dài.
Đúng thế, nếu Triệu Phụ không xây con đường này, thì hành trình đến U Châu càng gian nan gấp bội.
Sáu ngày sau, Đường Thận đến U Châu.
Vào tháng ba, Thịnh Kinh đã có liễu xanh nảy mầm, cả thành bừng bừng sắc xuân. Trái lại, ở thành U Châu tít miền Tây Bắc Đại Tống, cảnh tượng vẫn nhuốm màu lạnh lẽo. Gió cuốn theo cát bụi thốc vào mặt, rát bỏng như cạo gió. Trời rất lạnh, Đường Thận mặc áo choàng dày sụ, lặng lẽ vào thành.
Đường Thận vào thành U Châu mà không làm kinh động đến bất cứ quan viên nào, nhưng sau khi cậu vào thành, phủ nha U Châu liền nhận được tin báo ngay.
Phủ doãn phủ U Châu họ Quý, tên là Triệu Tư, tiến sĩ khoa thi năm Khai Bình thứ sáu. Chức phủ doãn là quan văn tứ phẩm, nhưng ở phủ này, người có chức cao nhất không phải phủ doãn, mà phải là Thiên hạ Binh mã Đại Nguyên soái Chu Thái Sư – bậc nhất phẩm!
Đại Tống không chỉ phế bỏ chế độ Tam Ty của triều đại trước mà còn bỏ hẳn chức Thái sư. Từ thời Thái Tổ, Đại Tống chỉ có đúng ba vị Thái sư, nhưng họ chỉ được ban tặng hàm tước Thái sư khi qua đời và được truy phong thụy hiệu. Riêng Thiên hạ Binh mã Đại Nguyên soái thì khác. Ông là Thái sư còn sống duy nhất trong lịch sử Đại Tống hơn một trăm năm qua.
Năm Khai Bình thứ mười, Đại Nguyên soái có công cầm quân đại thắng quân Liêu, thúc đẩy việc kí kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước.
Triệu Phụ vui mừng khôn xiết. Ngày Đại Nguyên soái khải hoàn về kinh, Triệu Phụ đích thân ra ngoài thành nghênh tiếp, hứa hẹn sau này khi Đại Nguyên soái trăm tuổi sẽ phong cho cho ông làm Thái sư. Thế nên tuy hiện tại Đại nguyên soái chưa phải là Thái sư, nhưng việc mai đây ông được phong Thái sư là chuyện ván đã đóng thuyền.
Quan văn ở thành U Châu phần lớn có phẩm cấp làng nhàng, nhưng quan võ cũng chẳng khá hơn là mấy. Tuy vậy, Đại nguyên soái rất hiếm khi về thành U Châu mà chủ yếu ở doanh trại năm này qua năm khác.
Đường Thận đến dịch quán U Châu, quan ở dịch quán đã chờ cậu từ sớm. Đường Thận vừa ổn định nơi nghỉ thì một viên quan phụ trách dịch quán đến bẩm báo rằng có người tới bái phỏng.
Đường Thận lấy làm lạ, đến khi thấy mặt vị khách ấy, cậu lập tức bước tới vái chào.
“Hạ quan bái kiến Chinh Tây Nguyên soái.”
Lý Cảnh Đức mặc quân phục, đội mũ điêu, chân xỏ ủng, khoác áo choàng trắng, dáng dấp oai vệ hiên ngang. Chỉ có mỗi một thứ cản trở tầm mắt người ta, ấy là bộ râu quai nón sum suê của hắn. Vừa gặp Đường Thận, Lý Cảnh Đức đã cười giòn giã: “Đường đại nhân vẫn khách khí với bản tướng quân thế kia à? Không cần hành lễ đâu. Hôm nay ta vừa nghe tin Đường đại nhân đến thành U Châu thì đi từ quân doanh đến ngay. Lâu không gặp, Đường đại nhân vẫn khỏe chứ?”
Đường Thận đáp: “Đa tạ tấm lòng của tướng quân, hạ quan vẫn khỏe.”
Lý Cảnh Đức cười: “Hồi trước, Thịnh Kinh không phải địa bàn của ông đ…của bản tướng quân, bản tướng chỉ có thể cậy nhờ ngươi chiếu cố. Giờ ngươi đã đến thành U Châu – địa bàn của Lý Cảnh Đức ta đây, hễ có việc gì cứ hô tên bản tướng, khỏi phải bận tâm nhé.”
Khóe môi Đường Thận máy một cái, nghĩ thầm: Ta đến đây để đôn đốc ty Ngân Dẫn chứ có phá nhà cướp của, làm xằng làm bậy gì đâu? Làm sao mà gặp rắc rối được?
Bụng nghĩ thế nhưng ngoài mặt Đường Thận nói: “Hạ quan đa tạ tướng quân!”
Lý Cảnh Đức hào phóng khoát tay: “Hầy, nói chi vậy!”