Trong bốn vị tướng công ở điện Cần Chính, Hữu thừa Từ Bí – Từ tướng công là người cao tuổi nhất, năm nay đã ngoài bảy mươi. Có người đồn năm ngoái Từ tướng công đã xin bệ hạ cho cáo lão hồi hương. Ban đầu, Triệu Phụ ưng thuận, song hiềm nỗi, khắp cả triều đình không chọn được ai thế chỗ Từ Bí cả. Vì sự ra đi của ông sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thế cờ giữa các phe phái trên triều, Triệu Phụ quyết định giữ Từ Bí lại.
Từ tướng công tính tình hiền lành, thường ghé gian sau của điện Cần Chính trò chuyện với các quan tứ phẩm.
Quan lại khắp nơi dâng tấu sớ về Thịnh Kinh, đều phải qua tay Từ Bí sàng lọc rồi mới dâng lên hoàng đế. Lên chức Trung Thư xá nhân, mới từ gian nhà của Từ Bí về, Đường Thận đã thấy hai sai nha gánh một hòm tấu chương theo sau lưng mình.
Đường Thận ngửa mặt lên trời thở dài.
Thế là đi đứt cả buổi sáng chỉ để đọc tấu sớ.
Đến trưa, bụng Đường Thận sôi ùng ục. Trong lúc các quan còn làm việc, nhóm sai nha trong điện Cần Chính đã gánh thùng cơm lên, xới cơm chia canh cho các vị.
Quan lại Trung Thư tỉnh làm việc trong điện Cần Chính dù sao cũng là quan tứ phẩm. Kể cả xét trong đế đô Thịnh Kinh của Đại Tống, họ vẫn thuộc hàng quan lớn, là những bề tôi thân cận nhất của thiên tử. Tuy vậy, đến giờ ăn trưa, sai nha cũng chỉ phục vụ một món mặn một món chay cực kì đạm bạc. Cơm rắn đến nỗi nhai mỏi cả răng, thức ăn thì ổn, nhưng nói tóm lại là không ngon lành gì cho cam.
Hồi Đường Thận còn làm Khởi Cư xá nhân, những hôm vào cung trực, cậu thường được ăn ké những món ngon mà đầu bếp hoàng cung chế biến sau khi Triệu Phụ dùng bữa xong. Nếu không có phiên trực thì cậu ăn ở nha môn, cơm canh cũng không khác gì đồ ăn trong điện Cần Chính cả, còn dở hơn cả đồ ăn căng-tin ở thời hiện đại!
Đường Thận ăn uống phủ phê ở Cô Tô suốt hai năm, về nhà luôn có Diêu đại nương cơm nước cho, tay nghề không phải bàn cãi. Giờ cậu chuyển sang công tác ở điện Cần Chính, được tiếng là quan lớn đấy, nhưng từ rày xin chia tay những tháng ngày ăn ké cơm vua, đón chào những tháng ngày ăn cám ăn trấu.
Đường Thận ngán ngẩm, xơi miếng cơm nhạt như nước ao bèo.
Trong điện Cần Chính, các quan có vẻ tập mãi cũng thành quen, lẳng lặng ăn trưa.
Ăn được nửa bữa, Đường Thận ngẩng lên, tự dưng thấy bóng ai quen ơi là quen đứng ngoài phòng. Đường Thận ngạc nhiên lắm, nghĩ ngợi một lát bèn đặt đũa xuống mò ra ngoài.
Giữa sân, Vương Trăn mặc quan bào đỏ, tay cầm một chiếc lệnh bài, mắt dõi theo từng bước chân Đường Thận.
Đường Thận chú ý đến lệnh bài của chàng trước nhất, hỏi: “Sư huynh qua đây có việc gì thế? Cái này là cái gì?”
Vương Trăn giấu lệnh bài vào tay áo, ngắm nghía Đường Thận một hồi, thở dài: “Tiểu sư đệ gầy đi rồi.”
Đường Thận ngớ người, nghĩ bụng, có tóp bớt lạng nào đâu nhỉ?
“Sao sư huynh lại nói vậy?”
Vương Trăn: “Hôm nay chưa gầy, dăm ba hôm nữa thể nào cũng sút cân. Cơm điện Cần Chính, đệ có nuốt nổi không?”
Lòng Đường Thận nặng trĩu nỗi sầu không biết tỏ bày cùng ai.
Vương Trăn trông điệu bộ cậu thì biết thừa. Chàng mỉm cười: “Đi thôi.”
Đường Thận chẳng hiểu gì nhưng vẫn tò tò bám theo Vương Trăn. Vương Trăn đi qua hành lang chạm trổ, sai nha thấy chàng đều dừng lại chào một tiếng “Vương tướng công” rồi mới đi tiếp. Chàng dẫn Đường Thận đến tận phòng làm việc của Thượng thư bộ Hộ. Đến cửa, Đường Thận do dự dừng bước.
Vương Trăn quay lại bảo cậu: “Hôm nay Mạnh đại nhân không làm việc trong cung.”
Mạnh đại nhân tức là Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng chứ còn ai!
Đường Thận vẫn không quên, lần đầu tiên cậu sang điện Cần Chính đã bị Mạnh đại nhân tha lôi từ chỗ bốn tướng công đến tận chỗ Thượng thư Lục bộ, y như dắt con khỉ xiếc diễu hành cho các quyền thần nhất phẩm, nhị phẩm trong triều ngắm chơi! Đáng ghét làm sao, người chung phòng làm việc với Vương Trăn cũng chính đầu sỏ trong sự kiện ấy – Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng!
Biết Mạnh Lãng không có ở đây, Đường Thận mới thoải mái vào nhà theo Vương Trăn.
Sau một hồi lâu, hai sai nha xách hộp đựng thức ăn vào phòng. Họ nhấc nắp hộp, bày biện từng đĩa một lên trên bàn. Những món ăn này tuy không sánh được với đẳng cấp ngự trù, cũng kém tay nghề đầu bếp nhà Vương Trăn, nhưng trong mắt kẻ mới xơi cơm căng-tin là Đường Thận thì mâm cơm này chẳng khác nào sơn hào hải vị!
Tiêu chuẩn của Vương Tử Phong đúng là tiêu chuẩn VIP1!
Sư huynh đệ hai người nhập cuộc tự nhiên. Đến khi cơm nước no nê, Đường Thận mới tò mò hỏi: “Sư huynh ơi, bữa cơm này từ đâu mà ra thế ạ? Đệ tưởng các quan trong điện Cần Chính phải ăn chung với nhau hết cơ mà?”
Vương Trăn giải thích: “Đệ nói đúng rồi, nhưng đệ không biết có một nhà bếp nhỏ dành riêng cho bốn vị tướng công.”
“Ủa?” Khoan, chuyện đó thì có liên quan gì đến huynh?
Vương Trăn uống trà Long Tỉnh, phóng tầm mắt ra xa, nhẹ nhàng bảo: “Hữu tướng ưu ái, ta cũng hay được chia phần tí đỉnh.”
Ngẫn ra một hồi, Đường Thận mới ngộ ra…
Hữu tướng?
Vương Thuyên?
Nhị thúc tổ của Vương Trăn!
Quả nhiên trong triều cứ có người quen là nhàn, đến miếng ăn cũng phải hơn kẻ khác! Cơ mà ngẫm lại thì, hình như cậu cũng có người quen mà, cậu có Vương Trăn, nên cậu cũng được ăn ké đấy thôi.
Dùng bữa xong, hai huynh đệ uống chén trà rồi Đường Thận phải về đọc tấu chương. Trước khi đi, cậu suy tư một chút, ngập ngừng gọi: “Tử Phong sư huynh.”
“Ừ?”
“Bây giờ đệ làm việc ở chỗ Từ tướng công.”
Vương Trăn ngước lên nhìn Đường Thận.
Đường Thận đang nhìn chàng đầy trông mong.
Hồi lâu, Vương Trăn mới mỉm cười: “Tiểu sư đệ, mai lại sang ăn cơm nhé?”
Đường Thận thở phào nhẹ nhõm, cười tươi rói: “Vâng!”
Từ khi Triệu Phụ lên ngôi đến giờ, Trung Thư tỉnh đã thay mấy tướng công rồi. Có người là bị biếm trích do phạm phải tội lớn, song hầu hết là do các vị tướng công tuổi cao sức yếu, xin Triệu Phụ cho từ quan về quê dưỡng già. Bốn vị tướng công đứng đầu điện Cần Chính hiện giờ, ai cũng có thể gây dựng đảng phái riêng cho mình.
Trong đó, Tả tướng Kỷ Ông Tập xuất thân hàn môn, không hay qua lại với ba người kia, một mình một phái.
Hữu tướng Vương Thuyên xuất thân danh môn, thuộc dòng dõi Lang Gia Vương thị. Ông và Tả thừa Trần Lăng Hải là đôi bạn đèn sách chí cốt, hai người rất thân với nhau.
Còn lại, Hữu thừa Từ Bí rất nhiều tuổi rồi, là nguyên lão ba triều đức cao vọng trọng.
Vương Trăn thuộc phái quan viên trẻ tuổi, nhưng chàng là cháu trai của Vương Thuyên. Dù thế nào đi chăng nữa, chàng vẫn dính dáng đến Vương Thuyên. Hôm nay, Đường Thận cố ý đem chuyện mình đang làm việc dưới trướng Từ Bí ra để hỏi, Vương Trăn đáp: Mai lại sang đây ăn cơm chung. Nói vậy tức là chàng đã rõ chuyện này và không hề ngại.
Tuy chuyện không to tát mấy, nhưng Đường Thận không muốn nó làm tình cảm sư huynh đệ của mình với Vương Trăn trở nên xa cách.
Đến giờ, cậu không còn coi Vương Trăn là đối tượng để mình lợi dụng nữa. Đối với cậu, chàng đã dần dần trở thành một sư huynh thực thụ, một người bằng hữu mình có thể tin tưởng, một người huynh trưởng mình có thể dựa dẫm. Đường Thận mãi mãi không quên việc Vương Trăn làm vì mình ở trạm dịch Thứ Châu đêm hôm đó.
Triệu Phụ sai Vương Trăn đến kiểm tra tiến độ án tham ô, Vương Trăn hoàn toàn có thể hành quân theo tốc độ bình thường. Một khi chàng đến Thứ Châu, dù không đoạt được sổ kế toán từ tay Tô Ôn Duẫn, chàng cũng vẫn được Triệu Phụ ngợi khen. Năm nay chàng chưa đến hai mươi bảy tuổi nhưng đã quan cao lộc hậu, là Thượng thư bộ Hộ đương triều. Xét công trạng lần này của chàng, Triệu Phụ chỉ thưởng vàng bạc chứ không thưởng gì thêm. Hiện giờ dù chàng có lập công to bằng trời đi chăng nữa, những thứ Triệu Phụ có thể ban cho cũng chỉ là vật chất.
Vì thế, Vương Trăn hành quân gấp gáp đâu chỉ nhằm mục đích chen chân vào vụ án tham ô Thứ Châu sớm hơn một chút hòng tăng thêm chút công trạng? Chàng vội vã như vậy âu cũng là vì Đường Thận.
Thứ Châu là vũng bùn lầy khổng lồ, mà Đường Thận chỉ là một Khởi Cư lang bé nhỏ giữa muôn trùng nanh vuốt. Ai cũng biết cậu là tai mắt của hoàng đế, cậu là kẻ lạc loài nhất ở Thứ Châu, không một ai muốn dính líu đến cậu cả.
Đường Thận biết, Vương Trăn vì mình nên mới ngày đêm không quản, gấp rút hành quân đến Thứ Châu.
Hôm nay Vương Trăn lại tỏ rõ thái độ với cậu, nỗi lo âu trĩu nặng trong lòng Đường Thận cuối cùng cũng tan biến.
Cậu đang định về thì Vương Trăn bỗng đứng dậy từ ghế thái sư, níu tay cậu lại.
“Tử Phong sư huynh?”
“Cảnh Tắc à, hôm nay huynh vui lắm.”
Đường Thận sửng sốt.
“… Đệ không hiểu ý sư huynh.”
Vương Trăn nở nụ cười, gương mặt chàng vốn đã đẹp mê hồn, cười lên càng tao nhã gấp bội. Chàng buông tay: “Về đi.”
Đường Thận: “….?”
Vương Tử Phong lại lên cơn gì không biết?
Ôm nỗi băn khoăn trở về phòng, Đường Thận đọc tấu sớ suốt cả một ngày. Đến tối, xe ngựa của bốn vị tướng công nối đuôi nhau rời điện Cần Chính, theo sau là các quan thượng thư nhị phẩm. Chờ đến khi các quan tam phẩm ra về hết, Đường Thận và các quan tứ phẩm mới lần lượt rời cung.
Đầu tháng chín, Diêu Tam và Đường Hoàng tiếp tục đi Ninh Châu.
Nửa tháng sau, hai người từ Ninh Châu về. Diêu Tam mang theo một phong thư cho Đường Thận: “Tiểu đông gia, tôi đã gặp Vương đại nhân, đưa thư của cậu cho ngài ấy, ngài ấy bảo tất cả vẫn ổn. Sau đó thì ngài có gửi lại thư này cho cậu, cậu đọc nhé.”
Đường Thận bóc thư ra.
Trong thư, Vương Tiêu có viết một số tin tức về quan đạo Ninh Châu.
Quan đạo Ninh Châu là con đường dễ làm nhất trong ba quan đạo. Tuy nhiên, do thời tiết khó lường, miền Bắc mưa to liên tục, đường sá lầy lội rất khó thi công, tiến độ xây dựng quan đạo Ninh Châu chậm hơn rất nhiều. Ban đầu dự kiến xây xong vào cuối tháng chín, nhưng giờ có lẽ phải lui lại đến tận cuối tháng mười.
Kể cả như thế thì mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của Đường Thận. Vào tháng mười một, lưu lượng khách ở lầu Tế Hà mới tăng lên đáng kể.
Đúng lúc này, Tả thị lang bộ Công Lý Ngọc Đức – người phụ trách tuyến quan đạo Ninh Châu – đem đến một bất ngờ cho toàn thể nhân dân cả nước.
Đầu tháng mười, quan đạo Ninh Châu được hoàn thành.
Lý Ngọc Đức trở về Thịnh Kinh với thành công này, vừa kịp trước sinh nhật của Triệu Phụ. Triệu Phụ vô cùng mừng rỡ, ban thưởng rất hậu.
Đại thọ hoàng đế, cả nước hân hoan.
Trưa hôm đó, Đường Thận lại lén lút sang ăn chùa cơm VIP ở phòng Thượng thư. Lạ lùng thay, Vương Trăn chỉ ăn đúng một miếng rồi gác đũa, mỉm cười nhìn cậu.
Đường Thận bị chàng ngó dữ vậy, và miếng cơm cũng khó.
“Sư huynh…” Huynh làm gì thế?
Vương Trăn: “Hôm nay là ngày mấy ý nhỉ?”
Đường Thận nghe thế, đầu tiên là hơi ngạc nhiên một chút, xong lại thấy hết sức buồn cười.
Vương Tử Phong cũng tế nhị thật, đương nhiên cậu biết hôm nay là sinh nhật Vương Trăn rồi. Khắp thiên hạ này e chẳng có sinh nhật ai dễ nhớ hơn sinh nhật Vương Trăn cả. Cứ nhớ đó là ngày trước sinh nhật hoàng đế một hôm thì không bao giờ quên được. Chỉ có điều Đường Thận khá ngạc nhiên khi thấy Vương Trăn để ý chuyện này. Chàng hỏi thế, làm Đường Thận có cảm tưởng như bị bạn gái vặn hỏi có nhớ hôm nay là kỷ niệm một trăm ngày yêu nhau không.
Ý nghĩ kì quặc đấy khiến Đường Thận hơi lúng túng, cậu tằng hắng rồi bảo: “Hôm nay là sinh nhật sư huynh ạ.”
Vương Trăn: “Tối nay tiên sinh cũng muốn đến nhà ta dùng bữa. Lúc nào thì Cảnh Tắc qua được?”
Phó Vị cũng đến à?
Đường Thận nói: “Xuất cung xong, đệ về thay quan bào rồi sang phủ Thượng thư.”
Thế là Vương Tử Phong đã ăn mừng sinh nhật lần thứ hai mươi bảy tại phủ Thượng thư.
Ngày hôm sau là sinh nhật của Thiên tử, muôn dân hồ hởi chung vui.
Sang tháng mười một, mùa đông Thịnh Kinh lạnh cắt da cắt thịt, lượng khách của lầu Tế Hà tăng đột ngột. May mắn thay, chuỗi cung ứng thịt dê, bò không gặp khó khăn gì cả, đường quan đạo Ninh Châu đã xây xong, di chuyển với tốc độ nhanh thì mỗi lượt đi về chỉ tốn một ngày thôi.
Đầu tháng Chạp, quản lí Lục và Diêu Tam lên miền Bắc. Đến khi quay lại, quản lý Lục mang theo một tảng đá trắng về cho Đường Thận. Thấy tảng đá ấy, mắt Đường Thận sáng ngời, cầm nó lên săm soi hồi lâu, rồi ngẩng đầu hỏi: “Tìm thấy ở đâu thế?”
Quản lí Lục nói: “Ở Ninh Châu không có đâu, phải đến sát vùng Đông Bắc Ninh Châu, tức là ngay giáp biên giới với nước Liêu mới kiếm được đấy. Tiểu đông gia, đây là đá Bạch Vân cậu muốn ư? Tôi thấy nó dễ tìm phết! Dân bản xứ họ không gọi là đá Bạch Vân, mà họ gọi là đá Lăng Tử!”