Muốn xem ngàn dặm xa xôi, hãy lên tầng nữa trông vời nước non1.
Lầu Thiên Lý nằm ở khu Tây thành Thịnh Kinh. Leo lên bốn tầng lầu, tầm nhìn thu trọn một góc Đại Vận Hà mênh mông như thước lụa bạc. Hôm sau kì thi Hội, Đường Thận và quản lý Lục đi đến lầu Thiên Lý, quản lí Hình với gương mặt tròn trịa niềm nở đã chờ sẵn để đón hai người.
Quản lí Hình ngắm nghía Đường Thận, cười: “Không ngờ tiểu công tử còn trẻ như vậy, đúng là thanh niên tài tuấn.”
Đường Thận vái chào: “Quản lí Hình.”
Quản lí Hình: “Thế tử nhà chúng tôi chưa tới, xin mời tiểu công tử lên nhã gian, nghỉ ngơi chốc lát.”
Ba người cùng nhau lên lầu, Đường Thận đi vào nhã gian, quản lí Hình và quản lý Lục đứng ngoài cửa.
Vừa vào nhã gian, Đường Thận đã bắt gặp một tấm bình phong vẽ ngàn dặm núi non. Góc trái phòng là một kệ trưng bày nhiều ngăn, đặt không biết bao nhiêu là các loại đồ cổ, trân bảo lung linh muôn màu. Nhìn qua bên phải, khung cửa sổ hai cánh khép kín. Đường Thận đẩy cửa sổ, ùa vào tầm mắt là cảnh thành thị, người ngựa tấp nập trên đường phố thênh thang của Thịnh Kinh.
“Lên trên lầu này, tất thấy tinh thần nhẹ nhõm, u cảm tiêu tan, nâng rượu đón gió, vui vẻ dương dương làm sao!” Được chiêm ngưỡng phong cảnh phồn hoa của Thịnh Kinh, Đường Thận bỗng thấu hiểu mấy câu văn này của Phạm Trọng Yêm2.
“Câu “tất thấy tinh thần nhẹ nhõm, nâng rượu đón gió” nghe hay lắm. Đã thế, hôm nay không được thiếu rượu đâu nhé.”
Đường Thận nhanh chóng quay lại nhìn, thì ra thế tử Cảnh vương đã vào trong phòng. Thế tử mặc áo bào gấm, đội ngọc quan chỉnh tề. Hai người thấy mặt nhau, Triệu Quỳnh đứng sững lại, ngạc nhiên nhìn Đường Thận. Lát sau, thế tử mới thốt lên: “Hóa ra là ngươi à!”
Đường Thận vái chào: “Bái kiến thế tử Cảnh vương.”
Có một số việc một khi đã biết thì sẽ hiểu nguyên lí ẩn sau. Triệu Quỳnh nhận ra ngay rằng việc Đường Thận đến phủ Cảnh Vương dự yến hẳn là có tính toán. Nhưng chuyện nhỏ nhặt cỡ ấy chẳng khiến y phật lòng, trái lại, y lấy làm mừng vì việc kinh doanh xà phòng lại được chủ trì bởi một sĩ tử có công danh.
Triệu Quỳnh gọi quản lí Hình: “Dâng thức ăn lên.”
Quản lí Hình: “Vâng.”
Triệu Quỳnh hỏi Đường Thận: “Kì thi Hội mới kết thúc hôm qua, Đường công tử thi tốt chứ?”
Đường Thận cười đáp: “Tốt lắm.”
“Tuyệt, thế thì hôm nay không nói chuyện sách vở, chỉ bàn chuyện trời trăng mây gió thôi. Còn đâu chờ yết bảng rồi bàn nhé, được không?”
Đường Thận cũng không muốn vừa gặp mặt đã đi thẳng vào chuyện buôn bán xà phòng và tinh dầu. Hơn nữa, Triệu Quỳnh nói thẳng như vậy tức là có ý định hợp tác với cậu rồi. Đợt đến khi công bố kết quả thi Hội, nếu Đường Thận đỗ Tiến sĩ, thái độ của Triệu Quỳnh rất có thể sẽ thay đổi. Lúc ấy, hai bên lại đàm phán chuyện hợp tác thì vừa có lợi cho Đường Thận, vừa có ích cho Triệu Quỳnh.
Đã tỏ ý nhau, hai người chỉ đơn thuần nâng ly nói chuyện phiếm.
Đường Thận còn nhỏ tuổi, không thể uống rượu, Triệu Quỳnh cũng không ép cậu.
Một canh giờ sau, hai người đã thành bè bạn. Đường Thận ra khỏi nhã gian, xoay người lại vái chào Triệu Quỳnh: “Thế tử không cần tiễn.”
Triệu Quỳnh nói: “Thế khi nào Hạnh bảng gọi tên, ta lại chúc mừng Cảnh Tắc vậy nhé.”
Đường Thận và quản lý Lục rời khỏi lầu Thiên Lý, quản lý Lục xem chừng khá bất ngờ: “Cứ tưởng thế tử Cảnh vương là hoàng thân quốc thích thì khó nói chuyện lắm. Nào ngờ ngài ấy cởi mở dễ gần quá, chẳng làm giá chút nào.”
Đường Thận sực nhớ ra một việc, cười nói: “Quản lý Lục, chú thấy phủ Cảnh vương mở lầu Thiên Lý và Họa Đường Thu với mục đích gì?”
Quản lý Lục đáp: “Hoàng thân quốc thích ở Thịnh Kinh ai ai cũng có sản nghiệp riêng, phủ Cảnh vương buôn bán cũng là chuyện thường, chẳng lẽ có chỗ nào bất thường ư?”
“Phải, đúng là rất bình thường, nhưng phủ Cảnh vương lại chuyên kinh doanh mỹ thực mỹ tửu, ngọc ngà châu báu. Cảnh vương là một Vương gia giàu có song không có thực quyền. Thế nên, có những phi vụ một vốn bốn lời như việc sửa chữa tuyến vận chuyển đường sông năm ngoái, bất cứ quan viên nào nhúng tay vào đều có cơ may hốt bạc vạn, ông ta lại chịu bó tay!”
Việc tu sửa đường sông của triều đình thường là cách tốt nhất để vương công quý tộc và trọng thần đại quan kiếm chác.
Nói thế không có nghĩa là giới quý tộc và quan viên hà lạm, bởi riêng việc mua bán vật liệu tu bổ công trình ở từng châu, từng phủ thôi đã là những phi vụ lớn, đủ cho họ thu lợi nhuận ngay cả khi không tham ô. Tuy không hoàn toàn loại bỏ được tình trạng bòn rút của công, nhưng những dự án này luôn đem lại khoản tiền kếch sù cho quan lại và quý tộc.
Cảnh vương có thể mở tửu lầu và cửa hàng châu bảo lớn nhất Thịnh Kinh, nhưng ông sẽ không bao giờ tranh thủ được một chân trong việc triều đình. Bởi lẽ ấy, ông rốt cuộc vẫn chỉ là một vương gia khá giả, có tiếng mà không có miếng.
Ở vào hoàn cảnh ấy, có người tha hóa, có người lại say sưa hưởng lạc đến quên đường về.
Đường Thận ngẫm nghĩ thì thấy thế tử Cảnh vương xem chừng không mấy uất ức với hoàn cảnh nhà mình. Dù sao đương kim thánh thượng rất tạo điều kiện cho công thương nghiệp, dẫu người đời có chỉ trích ông ta là hôn quân, là hoàng đế gàn dở chỉ mong trường sinh bất lão. Xưa nay đầy rẫy quân vương ôm mộng trường sinh, Triệu Phụ may mắn vẫn là một minh quân.
Hoàng đế không hà khắc với anh em nhà mình, Cảnh vương cũng vui vẻ yên phận.
Còn những chuyện thâm cung bí sử, những dây mơ rễ má chằng chịt trong hoàng gia thì chẳng phải điều mà Đường Thận có thể biết được vào lúc này.
Quản lý Lục hỏi: “Tiểu đông gia, bao giờ thi Hội yết bảng vậy? Có phải sau mười ngày giống thi Hương không?”
Đường Thận bật cười: “Nào dễ thế!”
Thi Hội là cửa ải cuối cùng trên con đường khoa cử. Từ nay về sau, một khi đã đỗ thi Hội rồi thì không trượt vào đâu được nữa, chỉ chờ thi Đình xếp hạng tiến sĩ thôi. Thi Đình mà không tốt thì vẫn có danh, chỉ tội là xếp chót.
Bởi tầm quan trọng của kì thi Hội, ngoại trừ việc dán tên, từng quyển thi còn phải được sao chép lại để giám khảo không chấm vào bản chính.
Cử nhân trong thiên hạ có đến hơn vạn người, các tú tài được thuê có nai lưng chép ba ngày cũng chưa chắc đã xong nổi.
Trên thực tế, Đường Thận áng chừng ba ngày là còn nhanh chán. Kì thi hội kết thúc vào trung tuần tháng Hai, nhưng đến tận ngày hai mươi bảy, các giám khảo mới biết mặt mũi bài thi ra sao. Tên đã được quết hồ, chữ cũng không phải là chữ của thí sinh, tất cả đều chung một thể Quán các chỉnh tề nắn nót. Sau khi tế bái Đức thánh Khổng xong, các khảo quan đều khóa mình trong khu vực chấm thi, tập trung phê quyển.
Sau năm ngày, ba mươi giám khảo cũng lọc ra được mười bài xuất sắc nhất.
Nhân lúc Lý Đại học sĩ – quan chủ khảo vắng mặt, một giám khảo mới thì thầm than với đồng nghiệp: “Đề lần này oái oăm phát sợ. Có mấy thí sinh văn chương trác tuyệt mà viết lạc đề hết trơn. Thậm chí có bài phá đề chệch đến mức muốn vớt cũng không vớt nổi. Về tình về lí đều không thể xếp bài kiểu ấy vào mười hạng đầu được, đành phải chấm cho đỗ tiến sĩ, hi vọng thi Đình có cơ hội trổ tài bứt phá.”
Đợi Lý Đại học sĩ tới, các quan cùng nhau xét duyệt lại mười quyển đáng chú ý nhất.
Thi Hội, Thi Hương và thi Đồng sinh đều lấy trường đệ nhất là chính. Ở trường đệ nhất lần này, Lý Đại học sĩ ra ba đề mục, lần lượt là: “Viên quan ấp Nghi xin gặp”, “bỏ Mặc tất về với Dương”, và “ta mỗi ngày tự xét mình ba điều”.
Riêng đề thứ nhất thôi đã loại được hàng đống thí sinh rồi.
Ba vị Phó khảo lần này có hai người là học sĩ viện Hàn Lâm, một người là Thị lang bộ Lễ. Một phó khảo nói: “Ta thấy quyển này xứng với danh hiệu Hội Nguyên nhất. Mời chư vi xem, Nghi phong nhân thỉnh kiến, trò này phá đề bằng cách mượn Khổng thánh để răn dạy người trong thiên hạ. So sánh đối chiếu rõ ràng, kết luận vô cùng xác đáng.””
Mọi người đọc quyển ấy xong thì gật gù: “Viết tốt thật!”
Phó khảo khác nói: “Thế chư vị xem thử quyển này đi.”
Mọi người lại ngó sang.
Lý Đại học sĩ có tuổi rồi nên không tinh mắt, thính tai bằng các giám khảo khác. Ông giơ quyển bài trước mặt, nheo mắt đọc: “năm lần bảy lượt xin được nghe lời răn của Thánh, chẳng hóa là đã thấy Đức thánh mà không biết đường ngộ ra hay sao…Ờ, trò này hết sức sùng bái Đức thánh Khổng. Để xem bài thứ hai coi.” Đọc một hồi, Lý Đại học sĩ nói: “Bài này thường quá, được cái lời văn chặt chẽ, câu chữ chải chuốt, nhưng phá đề chẳng có gì nổi bật cả. Hừ, quyển này lọt vào mười hạng đầu còn được, chứ làm sao đòi đoạt Hội Nguyên?”
Phó khảo bị Lý Đại học sĩ xét nét, trong bụng thở vắn than dài. Lý Đại học sĩ là học giả lão làng, nổi tiếng là trái tính trái nết. Có thể thấy ngay từ cái cách ông ta ra đề tréo ngoe là vị Đại học sĩ này cũng chẳng được lòng mọi người ở viện Hàn Lâm mấy.
Phó khảo nói: “Lý đại nhân đã đọc bài chế nghệ thứ ba của trò này chưa ạ?”
Lý Đại học sĩ bèn đọc tiếp bài còn lại. Chỉ một lát sau thôi, ông đã phải trầm trồ kinh ngạc, dí bài thi vào sát tận mặt để soi tỉ mỉ từ trên xuống dưới, đoạn thốt lên: “Thật phi thường! Câu ‘hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn’ mới hay làm sao. Văn chương kết nối được cả tư tưởng xưa và nay, cứ ngỡ như đang được nghe lời răn của Tăng thánh vậy.” Nói rồi, ông lại nhẩm đi nhẩm lại tám chữ này, xong mới đưa bài cho các giám khảo khác trong sảnh chấm thi cùng đọc.
Lý Đại học sĩ rạng rỡ mặt mày, khen: “Sâu sắc từng câu chữ, đúng là một áng văn trác tuyệt, xứng đáng xếp hạng nhất kì thi Hội lần này!”