Người thời xưa tham gia khoa cử phải kinh qua bốn cửa ải: thi Đồng sinh, thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Trong đó thi Đồng sinh gồm thi huyện, thi phủ, và thi viện. Đường Thận ba tháng nữa sẽ đối mặt với kì thi huyện.
Thi huyện cũng chia ra làm năm trường. Trường thi đầu tiên là quan trọng nhất, còn được gọi là “chính tràng”, phải viết hai bài chế nghệ và một bài thơ thí thiếp ngũ ngôn lục vận. Kể từ ngày cá cược với Đường Vân về chuyện thi huyện, Đường Thận mỗi ngày đều viết hai bài bát cổ văn và làm một bài thơ thí thiếp1.
[1] Về trường/tràng mình đã chú thích chương trước. Ngũ ngôn lục vận là thơ Đường với năm cặp câu, sáu vần chân (vần gieo ở chữ cuối câu thứ 2 trong một cặp). Thơ thí thiếp là thơ làm theo đề cho sẵn.
Cách thi viết thời cổ còn khó hơn viết luận văn ở thời kì hiện đại. Chế nghệ rất khắt khe về tính ứng đối và kết cấu bài văn. Làm thơ thí thiếp thì càng gò bó hơn. Từ số lượng từ trong một câu đến luật bằng trắc hay việc gieo vần chân đều phải chính xác, không được sai một chữ.
Lương Tụng đọc hai bài chế nghệ, vê vê râu mép, cười: “Đầu voi đuôi chuột!”
Đường Thận: “….”
“Tiên sinh, so với nửa tháng trước đã tiến bộ lắm rồi mà!”
“Con không đặt mục tiêu cao một tí được à? Ta hỏi con, kì thi huyện chỉ còn cách ba tháng, chỉ đỗ đồng sinh một cách tạm bợ con có cam tâm không? Đến lúc thi phủ tiếp tục ngồi chen chúc ngoài sân nhé?”
Đường Thận nghe vậy thì ớn cả người: “Không ạ!” Nỗi khổ nhường ấy chịu một lần trong đời là đủ rồi, còn lâu mới có lần thứ hai!
Lương Tụng nói: “Vậy mình xem đề số một nào, ‘thứ khí hạo nhiên ấy.’ Câu này lấy từ chương Công Tôn Sửu trong sách Mạnh Tử chắc con đã biết, con xem xem mình phá đề thế nào?” Không đợi Đường Thận trả lời, Lương Tụng đã đọc lên: “Con phá đề là… Thứ khí hạo nhiên ấy, là anh hoa chính khí khắp trời, khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng2.”
[2] Đề gốc là “kỳ vi khí dã”, tức “cái khí (hạo nhiên” ấy”. Đây là vế mở đầu câu trả lời của Mạnh Tử khi được người học trò Công Tôn Sửu hỏi “khí hạo nhiên là gì”. Đoạn sau Đường Thận viết “thiên địa hữu chính khí, tạp nhiên phú lưu hình”, ý là chính khí có sẵn trong trời đất, giao hòa với nhau tạo ra muôn vật. Mình sử dụng bản dịch của Nguyễn Văn Thọ.
Đường Thận: “Lẽ nào con phá đề thế chưa hay?”
Lương Tụng cười: “Hay, hay lắm chứ! Nhưng sau đó con viết tiếp cái gì? Viết bài chế nghệ, con có thể mượn quan điểm của người khác để phá đề và thừa đề. Cái đó không sao, mười thí sinh thì chín người sẽ làm thế. Nhưng nếu làm thế, văn của con phải truyền tải được tối thiểu ba phần mười cái thần của người nói câu đó. Ta hỏi, với thái độ được chăng hay chớ như hiện giờ, sau câu mở bài có thể coi là thiên cổ tuyệt cú như ‘anh hoa chính khí khắp trời, khoác hình vật chất khắp nơi vẫy vùng’, con đã viết nổi một áng văn với bút lực dồi dào như phần mở đầu chưa?”
Đường Thận im thin thít, không đáp được.
Cậu cũng không thể nói toạc móng heo ra là, chẳng dám mơ ý văn tuôn trào, một vạn cậu cộng lại cũng chỉ xách dép cho đại thần Văn Thiên Tường, viết làm sao nổi bài văn xứng với Chính khí ca3?
[3] Bài thơ nói về sinh khí của trời đất tạo nên trật tự trên thế giới và sức mạnh chính nghĩa của con người, sáng tác khi nhà thơ bị giam cầm.
Lương Tụng: “Con phá đề vô cùng sáng tạo, giám khảo nào đọc cũng sẽ thấy hào hứng. Phần sau con viết cũng có thể coi chỉn chu cân đối. Xét như bình thường thì cũng có thể đạt đến hạng ba. Nhưng ghép với câu phá đề xuất chúng của con, thì sẽ thành đầu voi đuôi chuột. Chế nghệ quan trọng là đầu đuôi hô ứng, văn chương quán thông4…”
[4] trôi chảy, thống nhất
Đường Thận khiêm tốn lắng nghe lời chỉ bảo.
Khi cậu mới tập viết chế nghệ, Lương Tụng phê bình câu cú chưa chuẩn, bằng trắc còn sai. Sau mười ngày luyện tập, Lương Tụng mới bắt đầu truyền đạt cho cậu các quy cách viết chế nghệ. Đến hiện tại, Đường Thận đã tiến bộ vượt bậc rồi, theo đánh giá của Lương Tụng, cậu có thể đỗ kì thi huyện. Song, nếu muốn đạt hạng nhất thì phải cải thiện phần phá đề nhiều hơn. Vậy nên mới có chuyện hôm nay Đường Thận mượn câu thơ trong “Chính khí ca” để phá đề.
Tiểu thuyết mạng chuyên môn kể nhân vật chính quay về thời cổ đại, đại phát thần uy, tùy tiện sao chép thơ từ ca phú của cổ nhân là nổi như cồn trong văn đàn. Đừng nói đến thi huyện, thi Đình cũng chỉ là cái mắt muỗi với nhân vật chính.
Xui xẻo sao, đến lượt Đường Thận, cậu chỉ biết nuốt nước mắt vào tim.
Tiểu thuyết toàn phét lác!
Đạo thơ mà đòi thành tài tử phong lưu, không cần phải thi thố ấy à?
Thực ra mà nói thì, khoa cử có thi làm thơ, nhưng sáng tác thơ cũng phải dựa theo đề bài, tức “viết văn bằng thơ”, giống như văn bát cổ, phải có đủ phá đề thừa đề…đến thúc cổ! Còn văn bát cổ càng khỏi phải bàn. Đường Thận sống hơn hai chục năm, học lên đến tiến sĩ, cả đời chưa đọc được mẩu văn bát cổ nào thì lấy đâu ra vốn mà đạo? Huống hồ làm gì có chuyện giám khảo cho đề y chang vậy được?
Đường Thận vừa chăm chú tiếp thu những điều Lương Tụng giảng giải, vừa lấy bút nhỏ ra ghi chép lời thầy.
Lương Tụng thấy vậy ngưng giảng, hỏi: “Con viết gì thế?”
Tiểu Đường lang thành thật trả lời: “Tiên sinh, tiểu tử tuy đọc một lần không quên, nhưng ngài giảng rất nhanh, con sợ bỏ sót, nên phải chép lại để nhớ cho kĩ ạ.” Kĩ năng ghi chép là kĩ năng không thể thiếu của học sinh hiện đại.
Lương Tụng ngẩn người một lát. Đoạn, ông vừa cười vừa an ủi: “Hầy, con à, chốc nữa viết lại hai bài nhé!”
Đường Thận sụp đổ.
Nhưng không lâu sau đó, cậu tự dưng lại được thoát khỏi bể khổ. Từ Tuệ vội vã đi vào thư phòng, đưa một phong thư cho Lương Tụng. Lương Tụng mở thư ra đọc xong, sắc mặt vô cùng xấu. Ông bảo Đường Thận: “Con về sớm đi, mai không cần đến.”
Đường Thận bụng đầy thắc mắc, nhưng không tọc mạch mà chỉ hỏi: “Bao giờ mình học tiếp ạ?”
Lương Tụng trầm ngâm rồi bảo: “Đến lúc ấy vi sư sẽ sai quản gia báo cho con trước một ngày.”
Đường Thận vâng lời ra về.
Cậu không ngờ, lần đó hai thầy trò từ biệt kéo dài đến tận đầu năm sau.
(Bản edit chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy vào đúng trang để có trải nghiệm đọc truyện tốt nhất hoặc theo dõi trên ứng dụng WordPress.)
Mùng một tháng Giêng, khi trời còn tờ mờ sáng, Đường Thận đã ra khỏi giường đón năm mới cùng Đường Hoàng, Diêu Tam và Diêu đại nương.
“Chúc mừng năm mới!”
“Chúc mừng năm mới!”
Đường Thận và Đường Hoàng đều còn nhỏ, đáng lẽ hai anh em phải cúng giao thừa, nhưng Diêu đại nương bảo hai đứa đi ngủ sớm, còn bà thì thức đến nửa đêm. Hôm sau, bốn người cùng dán câu đối xuân, bái thiên địa và các thần linh. Đường Thận và Đường Hoàng đều vái lạy trước bài vị Đường tú tài và mẫu thân.
Buổi chiều, kế toán Lâm đến hạch toán các khoản thu chi.
“Tiểu đông gia, chúc mừng năm mới!”
“Sao bác vội thế, nghỉ thêm hai hôm nữa cũng được mà.”
“Cuối năm tôi kiểm tra các khoản thu chi ở Trân Bảo Các, thấy xà phòng thơm và tinh dầu lãi to nên không nhịn được, sang báo tin sớm cho tiểu đông gia mừng.”
Kế toán Lâm tuy lớn tuổi nhưng tính sổ sách đâu ra đấy. Đường phu nhân cũng không giấu giếm sổ thu chi, kế toán Lâm lấy được sổ từng quý ở Trân Bảo Các, bèn dành một ngày một đêm tính toán tỉ mỉ, tổng kết lại lợi nhuận năm cũ.
“Xà phòng thơm bán chạy nhất, lời nhiều. Tinh dầu cũng bán chạy, nhưng vì đắt nên rất ít người mua.” Kế toán Lâm nói: “Đường phu nhân bảo, hôm nay sẽ sai người mang tiền lãi năm vừa qua đến cho cậu.”
Ông vừa nói dứt lời, người của Đường phủ đã đến, chính là Đường quản gia và Hải Đường – nha hoàn thân cận của Đường phu nhân. Hai người chúc Tết Đường Thận, Đường Hoàng, tặng quà Tết, và đưa tiền lãi năm vừa qua cho Đường Thận.
Quản gia thưa: “Tiểu thiếu gia, phu nhân đã tìm được manh mối chuyện xảy ra cách đây một tháng. Phu nhân nói, đợi khi nào yết bảng kì thi huyện, phu nhân nhất định sẽ bắt tận tay, day tận trán kẻ có tội. Hôm nay là Tết, trong nhà đông người nên phu nhân không qua đây được. Phu nhân hỏi tối nay thiếu gia và tiểu thư có muốn sang nhà ăn cơm không ạ?”
Đường Thận đã vứt chuyện này ra sau đầu từ lâu, ngẫm một lát mới hiểu là đang nói đến vụ gây sự của Đường Vân. Hẳn Đường phu nhân nghĩ có người xui khiến con mình. Cậu đáp: “Thôi, bọn ta đã chuẩn bị cơm rồi.”
Quản gia không dài dòng nữa, cùng Hải Đường ra về luôn.
Không khí ăn mừng năm mới ở Cô Tô hết sức náo nhiệt, mãi đến tận mười sáu tháng Giêng vẫn có người gõ cửa chúc Tết.
Đường Thận có tiền trong tay lại nghĩ ngợi xem có nên đầu tư tiếp cái gì không. Nhưng khi đi khảo sát thực tế, cậu mới nhận ra phủ Cô Tô giàu thật đấy, nhưng vì quá sung túc nên thành ra chẳng thiếu thứ gì! Cậu bán được xà phòng thơm và tinh dầu vì đây là những mặt hàng xa xỉ. Chí ít thì tinh dầu là xa xỉ phẩm, còn xà phòng thơm là mặt hàng cao cấp. Trong bụng cậu biết, nếu không có tài lực hùng hậu của Đường gia chống lưng, cậu không thể kinh doanh xà phòng thơm và tinh dầu dễ dàng như vậy được.
Mười bảy tháng Giêng, khách đến chúc Tết nhà Đường cử nhân đã vơi hẳn, Đường Thận bèn dẫn Đường Hoàng sang chúc Tết. Đường phu nhân đích thân tiếp đãi hai huynh muội. Phu nhân không hỏi Đường Thận định chia hoa hồng hai mặt hàng xà phòng thơm và tinh dầu như thế nào, chỉ nói: “Bác định trong năm nay sẽ đưa xà phòng lên kệ, cháu trai này, cháu thấy có được không?”
Đường Thận đáp: “Cháu cũng nghĩ như đại bá mẫu. Đã đến lúc rồi, chần chừ thì lỡ thời cơ mất.”
Đường phu nhân hài lòng lắm: “Được, để bá mẫu thu xếp. Mong là việc buôn bán sẽ thành công như cháu nói.”
Tinh dầu là mặt hàng xa xỉ, người thường không mua nổi. Xà phòng thơm là mặt hàng cao cấp, khách hàng tuy đông hơn nhưng vẫn có hạn.
Từ đầu đến cuối, con át chủ bài đích thực của Đường Thận chính là xà phòng.
Cậu đến thăm xưởng ở ngoại ô, thợ thuyền đã về ăn Tết hết. Cậu và Diêu Tam cùng nhau làm một chậu xà phòng. Đường Thận tính toán lại chi phí sản xuất xà phòng, mời chủ xưởng đến hạch toán thêm một lượt để chắc chắn là giá xà phòng đã được tối thiểu hóa.
Diêu Tam nói: “Tiểu đông gia, giá xà phòng thế này rẻ quá. Mình định giá thấp thế này có lỗ không? Hay là nâng giá lên một chút.”
Đường Thận chưa kịp giải thích, Đường Hoàng đã cười khanh khách bảo: “Diêu đại ca, giá đấy mà là rẻ á? Đắt hơn di tử những hai đồng rồi đấy!”
Diêu Tam sửng sốt: “Ơ, tôi nói xà phòng mà, sao A Hoàng lại so sánh với di tử?”
Đường Hoàng lắc đầu, chép miệng ra vẻ “nước đổ lá khoai” hệt như Đường Thận cách đây nửa năm: “Diêu đại ca cũng đã sử dụng xà phòng rồi, công dụng của xà phòng cũng giống di tử phải không?
“Phải. Nhưng xà phòng của chúng ta sạch hơn di tử nhiều, giặt rửa cũng hiệu quả hơn hẳn!”
“Anh nói có lý, nhưng chung quy thì xà phòng và di tử vẫn rất giống nhau. Nhà mình làm xà phòng không phải để bán cho thiểu số mà để bán cho đa số, lãi ít nhưng bù lại số lượng tiêu thụ rất nhiều. Nếu mình bán quá đắt so với di tử, người Cô Tô họ đâu có khờ mà đi mua của mình, họ mua di tử chứ.”
Diêu Tam ngẫm nghĩ một lúc, bỗng nhiên tỉnh ngộ ra: “Thì ra là thế!”
Đường Hoàng bắt chước mấy tay hủ nho, rung đùi đắc ý: “Trẻ nhỏ thật dễ dạy.”
Đường Thận dở khóc dở cười, búng trán con bé: “Trẻ nhỏ dễ dạy cái quái gì! Em học từ đâu ra?”
“Kế toán Lâm nói thế đấy, trẻ nhỏ thật dễ dạy. Đường Thận, anh đừng có bắt nạt em!”
Đường Thận không cợt nhả nữa: “Anh có hỏi em ai nói ‘trẻ nhỏ dễ dạy’ đâu, anh hỏi em là ai nói cho em biết nhà mình làm xà phòng để bán cho số đông, lãi ít, lượng nhiều?”
Đường Hoàng đảo mắt một vòng: “Em đoán!”
“Em đoán cái con khỉ!” Đường Thận túm cổ áo cô nhóc lại: “Cấm chạy, nói đàng hoàng với anh, em nghe những điều đó từ đâu?”
Đường Hoàng bụm mặt la lên: “Bớ làng nước ơi, anh ta lại bắt nạt tôi! Đồ bắt nạt trẻ con! Đường Thận là đồ vô nhân tính!”
Đường Thận: “…”
Thể loại em ruột quái quỷ gì thế này!
Tháng Giêng đã trôi qua được hơn nửa mà Lương Tụng vẫn chưa về phủ Cô Tô. Học viện Tử Dương đã vào học lại.
Ngày khai giảng, Đường Hoàng và Diêu đại nương chuẩn bị cho Đường Thận một hộp thức ăn. Đường Thận nghịch ngợm búng trán Đường Hoàng, nhưng con bé nhanh chân né được.
Đường Hoàng giãy lên: “Đường Thận lại bắt nạt em, đồ xấu tính!”
Đường Thận cười khẩy: “Chờ tối anh về, liệu hồn khai ra mỗi ngày em đến Trân Bảo Các làm cái gì nhé!”
Con bé lè lưỡi làm mặt khỉ.
Diêu đại nương cầm một chiếc áo bông dày từ trong nhà ra: “Tiểu đông gia mặc thêm áo vào. Hết Tết rồi mà tự dưng trời lạnh quá. Tôi nghe phía Nam đổ trận tuyết lớn, nước đóng băng hết, người ta phải chặn cả đường.”
Đường Thận cũng thấy lạnh, bèn khoác thêm áo bông.
Diêu Tam đi từ trong nhà ra: “Đúng là lạ thật, tuyết lớn cỡ đấy ở Sơn Tây chúng tôi là chuyện thường, không ngờ Giang Nam cũng có tuyết to thế.” Cảm thán xong, anh ta bảo: “Đi thôi tiểu đông gia, tôi đưa cậu đến học viện.”
Dịp Tết này, Diêu đại nương tranh thủ lúc Đường Thận được nghỉ ở nhà, ra sức bồi bổ thằng bé, nhồi như nhồi vịt, cuối cùng cũng khiến Đường Thận tăng thêm được ít thịt, nhưng cậu vẫn khá gầy. Hôm nay Đường Thận mặc hai lớp áo bông dầy, trông hơi cồng kềnh, song nhìn từ sau lưng cũng ra vẻ một tiểu thiếu gia quý phái. Ấy thế mà lúc đến học viện Tử Dương, gặp Tôn Nhạc, Đường Thận bỗng bật cười rinh rích.
Chú béo Tôn hôm nay tròn vo như quả bóng, thấy Đường Thận thì hắt xì ầm cả lên.
Đường Thận: “Này, có bị cảm cũng chớ lây cho tớ đấy. Đã cảm còn đến trường, không sợ Dư sơn trưởng đuổi về à?” [2]
Tôn Nhạc mặt méo xẹo: “Cảm á? Tớ còn ước bị cảm luôn đây, đỡ phải đi học.”
Lên lớp, Đường Thận mới phát hiện hôm nay vắng gần một nửa lớp.
Đường Thận thắc mắc: “Sao vắng thế này?”
Tôn Nhạc xoa lấy xoa để hai bàn tay đỏ cả lên vì lạnh: “Còn sao trăng gì nữa, bị cảm hết chứ còn gì.”
Đường Thận cười: “Cậu mặc còn ấm hơn tớ, sao lại cóng tay thế? Tớ tưởng người béo không sợ lạnh?”
Tôn Nhạc lườm cháy mắt: “Ai bảo cậu thế? Linh ta linh tinh! Béo thì không được phép sợ lạnh à? Chính cậu mới là đồ kì quặc ý, cậu chưa thấy những người ở ngoài thành đâu. Bọn họ phải gọi là gầy xơ gầy xác, e chả mấy mà chết rét hết!”
Đường Thận giật mình: “Người ngoài thành nào cơ?”
Tôn Nhạc chà tay, có vẻ như vừa nhớ ra gì đó, thì thầm với Đường Thận: “Còn ai vào đây nữa, dân chạy nạn từ phía Nam đấy. Hôm qua tớ với mẹ ra trạm phát cháo ngoài thành, ngoài đó đông lắm…Thật luôn, cơ man là người, không nhìn rõ nổi ai với ai, nối đuôi nhau đến vô tận. Dưới trời tuyết nặng hạt là cả một biển người.”