Khi Đường Thận đi tìm sách về, Phó Vị không thấy sách mà cũng chẳng thấy bóng dáng tiểu đồng Ôn Thư: “Tiểu đồng tử lại tót đi đâu chơi thế?”
Đường Thận cười, biện bạch thay cho Ôn Thư đồng tử: “Tiên sinh nhớ nhầm rồi, chúng con tìm mãi mà không thấy tập thơ, Ôn Thư bèn gọi Phủ Cầm đồng tử đến mới biết cuốn sách kia đã không còn ở trong thư phòng tiên sinh. Mấy hôm trước lúc ngắm hoa, tiên sinh đã để nó lại trong vườn hoa. Thế nên, Ôn Thư và Phủ Cầm đi tìm sách với nhau, còn con thì quay về đây trước.”
Không lâu sau, quả nhiên Ôn Thư đồng tử và Phủ Cầm đồng tử mang sách quay về.
Phó Vị mở tập thơ ra, bình phẩm với hai học trò một phen. Đoạn ông chỉ Vương Trăn, bảo Đường Thận: “Sư huynh con vừa bảo nó say kìa.”
Vương Trăn nâng chén uống tì tì, cứ như thể chẳng nghe thấy lời Phó Vị.
Đường Thận: “Sư huynh say đấy à?”
Vương Trăn nhìn cậu, cười nhẹ tênh.
Phó Vị phất tay áo: “Thôi thôi, hôm nay dừng ở đây. Con dìu sư huynh con về nhà nó đi, kẻo ngày mai cả thành Thịnh Kinh lại đồn ầm lên rằng Thượng thư bộ Hộ say rượu rồi nằm bệt ngoài đường cái. Ê mặt lắm, lão phu không kham nổi đâu!”
Đường Thận lập tức đến bên, xốc nách Vương Trăn, dìu chàng ra khỏi Phó phủ.
Vương Trăn có vẻ đã say mèm, vừa lên xe ngựa, hai mắt chàng nhắm nghiền, đầu ngật sang một bên, chẳng mấy chốc thì ngả lên vai Đường Thận. Đường Thận cứng đờ cả người, vội vén mành xe ra lệnh cho xà ích: “Về phủ Thượng thư trước.”
Suốt chặng đường, Vương Trăn nhắm mắt ngủ say sưa, Đường Thận không dám nhúc nhích một phân, chỉ sợ đánh thức chàng. Khi đến phủ Thượng thư, quản gia đã chờ sẵn ngoài cổng.
Đường Thận: “Hình như sư huynh say rượu, nên ta đưa huynh ấy về.”
Quản gia giật mình, ngạc nhiên nhìn Vương Trăn đang gối đầu lên vai Đường Thận. Ông từ tốn hành lễ, nói: “Phiền Đường công tử quá.” Quản gia nhanh nhẹn sai người ra đỡ Vương Trăn vào nhà, bấy giờ Đường Thận mới lên xe về phủ.
Nhưng cậu không ngờ, cổng chính phủ Thượng thư vừa khép, Vương Tử Phong “xỉn quắc cần câu” bỗng mở bừng mắt, đứng thẳng dậy.
Quản gia thấy thế thì nhủ thầm, “quả nhiên”.
Quản gia khăn gói theo Vương Trăn từ thuở chàng mới chuyển lên Thịnh Kinh. Hầu hạ chàng hơn mười năm nay, chưa một lần nào ông thấy Vương Trăn say hết. Thứ nhất, tửu lượng của Vương Trăn cao ngất, đố ai chuốc say nổi chàng. Thứ hai, Vương Trăn là con người cực kì thận trọng, chàng kị nhất là để vuột quyền kiểm soát vào tay kẻ khác. Cho nên, chàng không bao giờ có những hành vi như nốc say bí tỉ.
Vương Trăn thò tay vào ngực áo, rút ra một cuốn cầm phổ mỏng dính. Đây là cuốn cầm phổ mà Đường Thận đã tranh thủ bỏ tọt vào lòng chàng nhân lúc chàng thiêm thiếp ngủ trên xe ngựa. Có lẽ nó là quà sinh nhật tuổi hai mươi chín của chàng đây.
Cuốn cầm phổ này là bản còn sót lại từ triều đại trước, có giá trị liên thành1. Vương Trăn lặng ngắm cuốn cầm phổ, trút tiếng thở dài buồn rười rượi. Chàng ra lệnh: “Nấu canh giải rượu đi.”
[1] Tức là giá trị rất lớn, xuất phát từ chuyện một ông vua đòi đổi mấy tòa thành lấy một viên ngọc.
Quản gia kinh ngạc: “Công tử say ạ?” Trông chàng nào có giống người say rượu? Hai mắt sáng sủa, bước đi vững vàng thế kia cơ mà.
Vương Trăn lắc đầu, nụ cười thoáng trên môi.
“Say đâu phải tại rượu, say tại mình đấy thôi2!”
Khi Đường Thận về đến phủ, thư đồng Phụng Bút vẫn giữ nguyên đèn đợi chủ. Vì hôm sau còn phải lên triều sớm nên Đường Thận nhất định sẽ đi ngủ trước giờ Tuất. Ngửi thấy mùi rượu trên người Đường Thận, Phụng Bút chu đáo hỏi: “Công tử dùng canh giải rượu nhé?”
“… Ừ.”
Chỉ một lát sau, Phụng Bút đã bưng theo bát canh giải rượu Diêu đại nương nấu sẵn, đặt lên bàn trong thư phòng. Tay phải cầm cuốn sách, Đường Thận xem sách trong yên lặng, nhưng mãi chẳng lật sang trang. Một lúc lâu sau, Phụng Bút nhắc: “Công tử, canh nguội rồi kìa.”
Đường Thận giật mình, khẽ “Ờ” một tiếng, với tay lấy bát canh.
Phụng Bút la lên hoảng hốt: “Công tử, đấy là ống đựng bút, cậu cầm nhầm rồi!”
Như sực tỉnh giữa cơn mê, Đường Thận bỗng hoàn hồn. Cái ống đựng bút bằng sứ men xanh trượt khỏi tay cậu, rơi xuống sàn vỡ tan tành. Phụng Bút cuống quýt dọn dẹp, còn Đường Thận cứ há hốc miệng. Lát sau, cậu bảo: “Ngươi ra ngoài trước đi.”
Phụng Bút ngơ ngơ ngác ngác, bèn hót hết mảnh vỡ rồi mang ra khỏi thư phòng.
Đường Thận đặt cuốn sách đã xem suốt nửa canh giờ mà không đọng lại một chữ nào xuống. Những ngón tay cậu siết chặt rồi lại duỗi căng ra. Cậu hít một hơi thật sâu.
Chưa bao giờ cậu nghĩ…
Hóa ra sư huynh lại có tình cảm với cậu!
Không. Có lẽ phải tính từ một tháng trước, từ cái đêm trong phủ Thượng thư – đêm Vương Tử Phong hôn lên mắt cậu qua mu bàn tay. Trước đêm đó, ý niệm đấy chưa từng lóe lên trong đầu cậu, hay đúng hơn, chưa bao giờ cậu dám nghĩ về nó. Nhưng đúng vào đêm hôm ấy, cậu bỗng đoán ra tất cả. Vì thế, cậu chạy bán sống bán chết khỏi chàng, cậu tìm mọi cách lẩn tránh Vương Trăn. Cậu dối mình, dối người, tự vỗ về bản thân rằng mình nghĩ quá lên thôi, đời nào lại có chuyện như vậy.
Thế nhưng hôm nay ở Phó phủ, cậu đã nghe thấy hết. Ván đã đóng thuyền, cậu không thể tiếp tục dối lừa bản thân nữa.
Vương Tử Phong gần đến tuổi nhi lập mà vẫn chăn đơn gối chiếc, không phải vì chàng “bất lực”, không phải vì chàng không tìm được người con gái mình đem lòng ngưỡng mộ, mà bởi vì chàng thích nam giới, vì chàng chưa tìm thấy người con trai khiến chàng rung động!
Trống ngực đổ dồn, những cái cớ Đường Thận có thể viện ra đã cạn kiệt. Nhận thức đến quá đột ngột làm chấn động cả thể xác lẫn tinh thần cậu.
Nửa năm trước ở phủ U Châu, cậu đã thuyết phục Tô Ôn Duẫn rằng Vương Trăn không đồng tính. Nhưng Tô Ôn Duẫn nào hay, chính bản thân cậu cũng lung lay trước lí lẽ của anh ta.
Đường Thận nhắm mắt, không suy nghĩ thêm nữa. Thế nhưng rèm mi vừa khép, Vương Tử Phong lại choán hết tâm trí cậu.
Đường Thận bưng bát canh giải rượu lên tu một hơi cạn sạch để rồi càng chếnh choáng hơn. Cậu say đến nỗi mê man cả thần trí, vậy mà vẫn không tài nào ngủ nổi.
Thế là Đường Thận thức trắng đến tận bình minh.
Ngày kế, sau buổi triều, Đường Thận chỉ làm việc nửa buổi rồi xin nghỉ.
Trên triều, cậu đã trộm nhìn Vương Trăn từ xa. Hiện giờ hai người không làm việc cùng một nơi, cơ hội gặp mặt vốn rất ít ỏi. Chỉ cần lúc lên triều cẩn thận không chạm mặt thì sẽ không xảy ra chuyện gì lạ kì. Trông Vương Trăn vô cùng thản nhiên, thái độ vẫn rất bình thường. Có lẽ chàng không biết cậu đã nghe thấy hết tâm sự của mình tối qua.
Cứ tránh né thế hai ngày, trung tuần tháng Mười, Đường Thận nhận được một phong thư nhà từ Cô Tô.
Người viết thư là đại bá phụ Đường cử nhân của Đường Thận. Đầu tiên ông chúc mừng Đường Thận thăng chức, rồi kể vài chuyện trong nhà họ Đường, chẳng hạn như chuyện tháng trước Đường phu nhân bị ốm nặng, may mà gặp được danh y mát tay. Ông nhắn Đường Thận không cần lo lắng.
Mãi đến cuối thư, Đường cử nhân mới viết: “Đầu tháng Chín, Nhị hoàng tử điện hạ đến phủ Cô Tô nhậm chức Phòng ngự sứ. Phủ doãn đại nhân mở tiệc đón mừng điện hạ từ phương xa tới, bỉ nhân cũng hết sức vinh hạnh khi được dự tiệc. Cách đây mấy hôm, phủ Cô Tô thành lập một cơ quan lạ tên là Ngân khế trang bộ Binh. Cứ tưởng rằng chẳng liên quan gì đến Đường gia, ai ngờ ngày mùng sáu, Nhị điện hạ ra quyết định mở rộng Ngân khế trang bộ Binh, mời hương thân, phú hào Cô Tô chung tay góp sức.”
Đọc đến đây, Đường Thận hơi bất ngờ.
Ngân khế trang bộ Binh là thứ mà người ngoài không thể biết, thậm chí Tô Ôn Duẫn, Dư Triều Sinh cũng không dám khẳng định mình hiểu bản chất của nó. Riêng Đường Thận lại nắm quá rõ về ty Ngân Dẫn. Hai năm về trước, các quyền thần trong triều đình nhen nhóm ý định nhân rộng việc “dùng giấy làm tiền” dưới vỏ bọc là ty Độ Chi, nhưng cuối cùng kế hoạch đó đã thất bại thảm hại. Hiện giờ, vỏ bọc mới của chính sách “tiền giấy” đã trở thành ty Ngân Dẫn, hay đúng hơn là Ngân khế trang bộ Binh.
Công cuộc nhân rộng Ngân khế trang bộ Binh diễn ra hết sức suôn sẻ, từ Vương Trăn, Đường Thận đến các quan trực thuộc ty Ngân Dẫn đều được hoàng đế ban thưởng. Sau khi Ngân khế trang bộ Binh được thiết lập, chính sách “tiền giấy” sẽ chính thức đi vào hoạt động. Mức độ thay đổi được khống chế hoàn toàn bởi Vương Trăn. Tự chàng sẽ chọn mặt gửi vàng3, rồi thúc đẩy chính sách này vào đúng thời cơ và địa điểm phù hợp nhất.
Nhưng cớ sao tự dưng Nhị hoàng tử Triệu Thượng lại đòi nhúng tay vào việc của Ngân khế trang bộ Binh?
Bụng Đường Thận đầy ắp hoài nghi. Mấy ngày sau, hay tin hai hoàng tử khác cũng mong muốn làm nên công trạng ở nơi mình được cử đến, Đường Thận mới sực ngộ ra: Triệu Thượng chưa chắc đã biết vai trò của Ngân khế trang bộ Binh là gì, anh ta chỉ nóng lòng lập chiến tích để khiến hoàng đế phải nhìn mình với cặp mắt khác xưa, hòng đánh bại hai huynh đệ. Thế rồi, anh ta chấm trúng Ngân khế trang bộ Binh.
Chuyện này chẳng nghiêm trọng mấy, nhưng cũng chẳng nhỏ nhặt gì cho cam.
Dù sao Triệu Thượng là hoàng tử hẳn hoi chứ không phải một Phòng ngự sứ Cô Tô tôm tép. Nếu quả thực anh ta muốn can thiệp vào Ngân khế trang bộ Binh, e rằng không ai dám ngăn cản. Ngộ nhỡ Triệu Thượng khui ra bí mật nào quan trọng thì vấn đề chẳng còn là chuyện anh ta vuột mất cơ may tranh ngôi hoàng đế, mà là cục diện Vương Trăn đổ mồ hôi, sôi nước mắt xây đắp suốt hai năm ròng có nguy cơ sụp đổ trong gang tấc.
Đường Thận biết phải báo chuyện này cho Vương Trăn ngay, nhắc chàng đề phòng một chút, nhưng khổ nỗi, hiện giờ cậu không đào đâu ra can đảm để đến gặp Vương Trăn. Cậu không thể nào nói “không” với sư huynh, nhưng cũng không thể chấp nhận tình cảm của chàng được.
Vắt óc suy nghĩ, Đường Thận nảy ra một ý tưởng.
Cậu cố tình nghe ngóng và nắm được tin Triệu Phụ vời Vương Trăn vào cung nhân một ngày nọ. Sau khi tan làm, tranh thủ lúc Vương Trăn chưa về phủ, Đường Thận tất tả qua đó viếng thăm.
Quản gia nói: “Bẩm Đường công tử, công tử nhà chúng tôi vẫn chưa về, mời cậu vào phòng khách ngồi đợi.”
Đường Thận là khách quen của phủ Thượng thư, hai sư huynh đệ còn hay ăn cơm với nhau nữa. Nhà rất gần nhau, họ đi lại cực kì thuận tiện. Mọi khi cũng hay có tình huống Đường Thận đến mà Vương Trăn chưa về, nên quản gia không mấy bận tâm, toan dẫn Đường Thận vào phủ luôn.
Ai ngờ lần này Đường Thận cứ ngập ngà ngập ngừng, cậu nói: “Hôm nay ta còn có việc, nếu sư huynh chưa về thì thôi, ta không quấy rầy nữa. Ta có phong thư gửi sư huynh, phiền ông chuyển giúp ta nhé.”
Quản gia ngẩn người, nhận lấy lá thư.
Nửa canh giờ sau, Vương Trăn về phủ. Nghe chuyện Đường Thận đến tận cổng rồi mà không vào nhà, chàng nhướng một bên mày, bóc thư ra đọc. Thấy Đường Thận ám chỉ với mình rằng Nhị hoàng tử hình như muốn nhúng tay vào việc của Ngân khế trang bộ Binh ở phủ Cô Tô, Vương Trăn giật mình. Chàng chăm chú nhìn phong thư, im lặng rất lâu.
Mãi sau, Vương Trăn mới thở dài: “Đệ ấy cố ý.”
Quản gia đứng cạnh đó, không hiểu gì hết.
Vương Trăn hỏi: “Hôm nay lúc đệ ấy tới phủ thì mặc quan bào hay thường phục?”
Quản gia đáp: “Quan bào ạ.”
Vương Trăn: “Ngươi thấy đấy, nếu đệ ấy muốn ghé chơi thật thì mặc quan bào sang đây làm gì? Đệ ấy vốn không muốn chờ lâu, chỉ cần trao thư thôi là được. Rõ ràng đệ ấy biết thừa là ta đi vắng nên mới chuẩn bị sẵn một lá thư.” Dừng một thoáng, Vương Trăn bỗng đứng bật dậy, kinh ngạc quá đỗi: “Việc hệ trọng cỡ này, làm sao đệ ấy chỉ nhắn với ta bằng một lá thư được? Kể cả mấy hôm nay đệ ấy vẫn lảng tránh ta đi chăng nữa, nhưng gặp chuyện lớn đệ ấy tất phải biết nặng nhẹ, không thể qua loa như thế.”
Đi tới đi lui trong sảnh, Vương Trăn quả quyết: “Nhất định em ấy biết mất rồi. Em ấy biết chắc chứ không phải phỏng đoán hay nghi ngờ. Sao bỗng dưng em ấy lại chắc mười mươi thế nhỉ?”
Hồi lâu, Vương Trăn dở khóc dở cười: “Hóa ra tối đó em ấy đã nghe thấy!”
Ngày kế, sau khi tan làm, Đường Thận vừa về đến phủ, đang ăn tối với Đường Hoàng thì Phụng Bút bỗng xộc vào phòng: “Công tử, Vương đại nhân tới.”
Đôi đũa trên tay Đường Thận rớt “lạch cạch” xuống bàn: “Vương đại nhân nào cơ?”
Phụng Bút lạ lùng nhìn Đường Thận: “Vương Trăn, Vương đại nhân.”
Đường Thận nói ngay tức thì: “Bảo ta bị ốm, không tiện tiếp khách!” Vừa dứt lời, Đường Thận đã lẩm bà lẩm bẩm: “Không được, ai mà lừa nổi ông tổ nghề lừa như Vương Tử Phong! Muốn lừa huynh ấy thì phải tự lừa mình trước tiên. Mình ốm thật, ốm rất nặng, ốm liệt giường liệt chiếu rồi.”
Dứt câu, Đường Thận chạy vọt ra khỏi phòng khách, ba chân bốn cẳng phi về phòng mình. Mới chạy nửa đường, cậu đã lật đật quành lại: “Đường Hoàng, son của em đâu?”
Đường Hoàng phát hoảng vì chuỗi hành động như chớp giật của Đường Thận, phải mất một lúc, con bé mới ngơ ngác bảo: “Ở… ở trong phòng?”
Đường Thận: “Anh mượn một tí nhé.”
Đường Hoàng: “Hả?”
Đường Thận lao như tên bắn đến khuê phòng cô em gái, mở tung tráp đựng đồ trang điểm lượm ngay một hộp son. Rồi cậu lại cuống cuồng phóng về phòng mình, tót lên giường nằm đắp chăn.
Ngoài cổng nhà, Vương Tử Phong mặc quan bào đỏ thẫm, dựa vào kiệu chờ đợi trong im lặng. Tay chàng cầm một cây quạt gấm, nhịp nhịp vào lòng bàn tay, trông rất mực khoan thai, nhã nhặn.
Phụng Bút chạy ra ngoài cổng, thưa: “Vương đại nhân, công tử nhà con bị ốm, không tiếp khách được ạ.”
Vương Trăn sốt sắng lo âu: “Tiểu sư đệ bị ốm cơ à? Thế thì ta càng phải vào thăm đệ ấy. Dẫn đường mau.”
Phụng Bút còn muốn nói thêm cơ, nhưng vừa ngẩng đầu thì vấp phải ngay nụ cười hiền từ ấm áp của Vương đại nhân. Biết điều, nó ngậm miệng, ngoan ngoãn dẫn đường cho chàng.
Công tử à, không phải tại Phụng Bút vô dụng đâu, có thay ai đi chăng nữa cũng thế cả thôi!