*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Edit & Beta: Yuki
________________________
Không phải dân mại dâm thì là di cư bất hợp pháp, hoặc cả hai cũng nên.
Ấn tượng đầu tiên của tôi dành cho Shawn cực kì chính xác.
Bởi khi tôi gặp lại cậu lần nữa thì thấy cậu đang cùng sugar daddy đến nhà hàng dùng bữa.
Shawn mang đôi cao gót màu đỏ, mặc chiếc sườn xám hồng đào[1] làm tôn lên vóc người mảnh khảnh cân đối. Mái tóc đen óng ả như lông én vén sau tai, cổ áo dựng đứng che đi yết hầu cồm cộm trên cần cổ mềm mại tựa loài thiên nga trắng. Cậu khẽ cúi xuống toát lên vẻ đẹp phi giới tính, một vẻ đẹp thần bí đậm nét Á Đông mà người Mỹ thích.
Chàng trai mặc trang phục mỏng tang nép vào lòng lão già da trắng, đôi gò má mơn mởn như từng bông tuyết lất phất giữa không trung, bờ môi tô son căng mọng hệt chiếc bánh gato điểm xuyết quả anh đào nhẵn đỏ.
Không biết hai người ấy đang nói gì, thỉnh thoảng lại bật cười khúc khích. Tôi sửa sang chiếc nơ trước cổ rồi đi đến bàn bọn họ.
Shawn đưa mắt nhìn tôi, nét kinh ngạc lờ mờ thoáng qua trong chớp nhoáng. Tôi gật đầu, nở một nụ cười “tiêu chuẩn” đồng thời khom người đưa menu, “Hai vị, mời chọn món.”
Cậu chàng chẳng biết che giấu cảm xúc gì cả. Sugar daddy của cậu thấy cậu nghệt ra bèn hỏi: “Bé cưng, em sao vậy? Em biết cậu này à?”
Shawn lắc đầu, vừa cười lấy lòng vừa giải thích: “Đâu có, do cùng là người Hoa nên tự nhiên thấy thân thuộc thôi.”
Gã đàn ông da trắng với nếp nhăn đầy mặt ngạo mạn liếc tôi, chua ngoa đá xéo: “Ồ, tiếc rằng chỉ là cái thứ tạp chủng.”
Cách gọi sỉ nhục như vầy tôi dần quen rồi, vì vậy vẫn giữ thái độ cung kính tiếp tục phục vụ bọn họ. Đến khi gọi món xong, tôi quay người đi, nụ cười bên khóe môi cũng tắt ngấm.
Ông ta nói không sai, tôi là tên tạp chủng.
Giống với Shawn, tôi cũng mang nửa dòng máu bên kia đại dương. Mẹ tôi từ Hong Kong đến New York trên chuyến tàu chở hàng để tìm bố tôi – thứ đàn ông bội bạc nghe nói là một kẻ lắm tiền.
Thật ra đi tàu hai ngày bà đã hối hận nhưng bấy giờ chẳng còn cơ hội quay đầu nữa.
Lượng khách vượt biên trái phép đông như kiến bò, chen chúc cả khoang chứa hàng chật chội làm bốc lên mùi hôi khó tả. Ai ai cũng ngồi một góc tối ôm giấc mộng Mỹ chìm vào chiêm bao.
Mẹ tôi vừa khó ngủ vừa liên tục nôn thóc nôn tháo, phải, vì bà mang thai rồi.
Tôi may mắn hơn Shawn là tôi sinh ra tại New York. Theo nguyên tắc nơi sinh[2] thì tôi được mang quốc tịch Mỹ dù mẹ tôi hành nghề mại dâm và di cư trái phép.
Hiển nhiên, mẹ làm sao tìm được ông bố kia chứ. Chẳng có tài cán gì nhưng bà được cái khuôn mặt xinh đẹp của phụ nữ ngoại lai nên không khó để sinh tồn trên mảnh đất này. Ngày nay bán thân đã trở thành trào lưu phổ biến, bà cũng không ngoại lệ.
Dòng máu Á Đông là điểm giá trị nhất ở bà. Mỗi khi màn đêm buông xuống, ánh đèn neon lập lòe nhấp nháy, bà sẽ khoác lên mình chiếc sườn xám lộng lẫy và bước đi duyên dáng trên đại lộ phía Đông, híp đôi mắt hẹp dài đánh giá từng gã đàn ông lướt qua trên phố. Chỉ cần vài đồng đô la là đêm đó có thể cùng bà triền miên hoan lạc.
Đã từ lâu tôi chẳng còn nhớ đến bà, nhưng cái cách ăn mặc ấy lần nữa gợi lên ký ức trong tôi.
Sau khi tan làm, tôi vào phòng thay đồ cởi bỏ đồng phục nhân viên, sửa soạn xong gấp đồ lại, cùng lúc không khỏi nhớ đến bộ Âu phục đắt đỏ và buổi phỏng vấn thất bại của mình.
Từ khi tôi tốt nghiệp Học viện Thương mại thì ba tháng rồi không nộp nổi tiền nhà, những thứ đáng giá đều đem đi thế chấp cho bà chủ, còn tôi phải xách vali cuốn gói khỏi đó và bất đắc dĩ đi tìm một công việc thời vụ sống qua ngày.
Đãi ngộ dành cho nhân viên của nhà hàng này cũng không tệ, có thể coi là “danh giá” hơn những nơi khác. Ở đây nhân viên được cung cấp đồng phục, bữa ăn và cà phê, tất cả đều miễn phí.
Mặc dù không bao chỗ ở nhưng tiền lương với tiền tip vẫn ở mức khả quan. Có lẽ tôi cần đi làm ba tháng nữa mới tích cóp nổi một bộ tây trang mới rồi hối lộ bên nhân sự để có thêm buổi phỏng vấn và quay về phố Wall.
Thu dọn xong tôi đi ra cửa sau nhà hàng, thoáng thấy bóng dáng đáng lý ra không nên xuất hiện.
Một chàng trai bận sườn xám khoác chiếc áo lông chồn kém chất lượng đang run cầm cập, tay nọ đan tay kia xoa xoa để sưởi ấm, chân cậu ta đi đôi cao gót sắc lẻm liên tục giẫm giẫm lên nền tuyết trắng xóa.
Thấy tôi bước ra cậu lập tức chững lại, đờ người tại chỗ, làn da tựa mây bay đã sởn cả gai ốc.
Cậu đưa cặp mắt long lanh nhìn tôi, “Hôm đó, cảm ơn anh nhé…”
Rồi hỏi tiếp: “Sao anh lại ở đây?”
Chúng tôi đứng cách nhau rất gần, bốn bề chìm vào tĩnh lặng, ngoài trời tuyết vẫn rơi mịt mùng nhưng tôi có thể nhìn rõ sương giá trên hàng mi dày của cậu.
Tôi không trả lời câu hỏi kia, chỉ thu tầm mắt lại, giữ chặt cổ áo, đi vào màn tuyết lộng gió.
Cậu rối rít chạy theo xin lỗi tôi, giọng nói như đã trưởng thành nhưng còn phảng phất nét ngây ngô đầy trẻ con, trong trầm thấp có mềm mại, ngữ điệu nồng đậm khẩu âm đặc trưng người Hoa, “Thật sự xin lỗi, tôi không có thẻ xanh, không thể bị cảnh sát tóm được. Bộ đồ đấy bao nhiêu tiền? Tôi sẽ bồi thường.”
“Tôi thật sự rất xin lỗi mà… Á!” Vì chạy quá nhanh nên người nọ bị trật chân suýt nữa ngã nhào ra đất, tôi nhanh tay lẹ mắt đỡ cậu.
“Cậu có chỗ ở không? Sống ở đâu?” Tôi thình lình hỏi.
Cậu chàng chớp mắt nhìn tôi, như muốn dò tìm ẩn ý trong lời tôi nói. Lát hồi cậu mới khẽ gật đầu đáp: “Brooklyn, thưa anh.”
“Đi thôi.”
Tôi buông tay, ra hiệu cho cậu dẫn đường. Cậu bước tập tễnh đi trước tôi. Tôi ngắm nhìn tấm lưng ấy, không nhịn được cởi chiếc áo đã sờn trên người ra vứt cho cậu.
Cậu ngạc nhiên bắt lấy, chầm chậm phủ lên mình rồi mới cất giọng: “Cảm ơn anh.”
Tôi đoán chắc đây là câu tiếng Anh cậu ta nói chuẩn nhất, và không có câu thứ hai.
________________________
CHÚ THÍCH:
[1] Minh họa =))
Shawn Tinh Tiết
[2] Trẻ em được sinh ra ở nước nào thì có quốc tịch của nước đó bất kể cha mẹ đứa trẻ có quốc tịch nước đó hay không, nói cách khác nguyên tắc nơi sinh không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ.