Say Mộng Giang Sơn

Chương 83: Phật - Đạo tranh chấp



Xa xa, có tới ba, bốn mươi con tuấn mã béo tốt đang chạy tới, trên ngựa là đám hòa thượng đầu trọc lông lốc, kẻ mặc áo xám, người vận áo tăng đỏ thẫm, đi ở giữa là một con bạch mã vô cùng hùng tuấn, trên mình nó là một Đại hòa thượngvận chiếc áo cà sa màu đỏ thẫm hở một bên vai, làm lộ ra bộ ngực săn chắc, tráng kiện.

Đại hòa thượng này một tay cầm dây cương, một tay nâng túi rượu, vừa thúc ngựa đi vừa ngửa cổ lên tu ừng ực từng hớp rượu lớn, hai ống tay áo tung bay trong gió như hai dải mây đỏ. Vó ngựa của gã phi tới đâu làm đám lá bay lên vàng cũng tung bay lên tới đó.

Ba, bốn mươi con tuấn mã lập tức chiếm gần hết diện tích của cả con đường lớn. Đội ngũ đưa tang dừng lại, đợi đám hòa thượng phóng đãng kia nhường đường. Nhìn đám hòa thượng này tùy tiện, phóng túng, chẳng có vẻ gì là hiểu đạo nghĩa, nhưng dù thế nào thì cũng không đến nỗi lại đi giành đường với cả người đã khuất chứ?

- Hỏng rồi, đám đưa ma này còn không nhường đường thì hỏng bét.

- Ha ha, ngươi coi, ngươi coi, tên đạo sĩ kia đang làm phép kìa...

Dương Phàm lặng lẽ đứng nhìn, thấy lão đạo sĩ áo vàng ban nãy còn ra vẻ cốt cách phi phàm, thần thái tôn nghiêm cao quý như người trời, ấy thế mà giờ đây mặt mày biến sắc, tay vẫn cầm bảo kiếm, loạng choạng lùi về sau mấy bước như muốn chạy xuống nấp đằng sau cỗ quan tài.

- Dừng lại! Đại hòa thượng, Đại Đường ta có đạo lí phải kính trọng người đã khuất, huống hồ ngài lại là người xuất gia, cớ sao thấy nhà ta đang đưa linh mà không biết tự động tránh qua một bên nhường đường, lại cứ xông lên như vậy?

Đám tăng nhân phóng ngựa như bay tới, đến trước mặt đám đưa tang cũng đã ghì cương lại nhưng vẫn chẳng có vẻ gì là muốn nhường đường cả, đã thế lại còn tỏ vẻ ngông nghênh như đợi đoàn đưa tang phải nhường đường cho chúng vậy. Đoàn đưa tang Dương thị ai nấy vô cùng phẫn nộ, mấy người không kiềm chế được phải đứng ra lên tiếng quát lớn.

Tự cổ chí kim, người đã khuất bao giờ cũng được kính trọng nhất. Đoàn đưa dâu mà gặp đoàn đưa tang cũng còn phải nhường đường, huống hồ phía trước kia là một đám tăng nhân, lẽ ra những đạo lí này phải thông tỏ hơn ai hết mới phải. Mặc dù nhìn đám hòa thượng chẳng có vẻ gì là đứng đắn đường hoàng nhưng đạo lí phải tôn trọng người đã khuất ngời ngời, hơn nữa Dương thị lại là nhà quan nên chẳng ai sợ đám hung đồ đội lốt tăng nhân trước mặt cả.

Đám hòa thượng kia đang nghông nghênh tự đắc, bất ngờ bị đám đưa tang lớn tiếng trách móc như vậy thì tức giận đến bật cười. Trong đó có một tên vốn đã rút roi ngựa ra nhưng ngay lập tức lại thu về, quay sang gã Đại hòa thượng áo đỏ ở chính giữa, cười ha hả nói:

- Sư phụ, đám đưa ma kia đòi chúng ta nhường đường cho kìa!

- Hử?

Gã Đại hòa thượng mặc áo cà sa đỏ thẫm ợ lên một tiếng, đôi mắt lờ đờ, đỏ vằn lên vì say rượu trông về phía trước, thấy tình hình trước mắt lập tức nhướn mày, nói:

- Xui quá xui quá, thế nào mà lại đụng ngay phải đám đưa ma chứ. Ra cổng gặp quan tài, chẳng thăng quan cũng phát tài. A Di Đà Phật, không phải kiêng kỵ gì cả!

Hòa thượng này trên mình vận áo cà sa đỏ thẫm, coi bộ có vẻ gã là một Đại hòa thượng có địa vị khá cao, nhưng gã lại ngang nhiên cưỡi ngựa tu rượu ngay giữa đường, lại thốt ra những lời lẽ chẳng khác nào đám lưu manh vô lại đầu đường xó chợ như vậy, thật khiến người ta cảm thấyquá ư nực cười.

Đại hòa thượng nói:

- Khẩn trương bảo họ qua đi...Ớ? Tên đang làm phép kia là đạo sĩ à?

Đại hòa thượng đang định phất tay ra hiệu cho đám đưa tang khiêng cỗ quan tài đi qua thì đột nhiên gã liếc mắt một cái, trông thấy hai tên tiểu đạo sĩ thì không khỏi tò mò, bèn lớn tiếng hỏi.

Tên hòa thượng bên cạnh nói:

- Sư phụ đúng là có con mắt tinh đời, đó chính là hai tiểu đạo sĩ.

Đại hòa thượng áo đỏ cười mắng:

- Tinh cái con bà người ấy! Bọn chúng mặc Đạo bào, ta lại đâu có mù, sao mà không nhìn ra được?

Dứt lời, gã nhảy phắt xuống khỏi yên ngựa, động tác cực kỳ mạnh mẽ dứt khoát.

Đại hòa thượng không chút kiêng nể xông thẳng vào đám người đưa tang, nhìn chằm chằm hai tiểu đạo sĩ kia từ trên xuống dưới đánh giá một lượt rồi mới cao giọng hỏi:

- Chỉ có hai tiểu tử các ngươi làm phép thôi sao? Sư phụ các ngươi đâu rồi?

Lúc này, một vị trưởng bối Dương gia muốn tiến ra lên tiếng trách thì một người đứng cạnh ngay lập tức giữ lão lại, cúi đầu thì thầm vài câu, lập tức mặt lão biến sắc, bất giác lùi lại mấy bước. Dương Phàm và Mã Kiều đứng một bên trông thấy cảnh này rất rõ ràng, càng thêm tò mò về thân phận của đại hòa thượng kia.

Dương Phàm đánh giá kĩ càng gã hòa thượng này một lượt, gã tầm hơn ba mươi tuổi, dáng người cao to tráng kiện, diện mạo anh tuấn, mắt rậm mày ngài, mũi cao miệng rộng, chiếc áo cà sa lệch chéo một bên để lộ ra thân thể vạm vỡ cường tráng, cơ bụng và cơ ngực rắn chắc, đẹp một cách khỏe khoắn, uy phong lẫm liệt tựa một kim cương võ tăng trong Thiếu Lâm tự vậy.

- Sư phụ của các ngươi đâu rồi, mau gọi lão ra đây!

Đại hòa thượng hai tay chống nạnh, quát lớn.

Lát sau, lão đạo sĩ đang nấp sau cỗ quan tài bị mấy tên tăng nhân áo xám lôi ra ngoài. Coi bộ lão đaọ sĩ này cũng rất thích khoe mẽ. Lão để râu, mình vận một bộ pháp phục màu vàng cam, đầu đội Ngũ lão quan, chân đi một đôi giày mũi nhọn bằng vải xanh, tay cầm Thất Tinh kiếm bằng đồng, cả người toát ra vẻ tự tại phiêu diêu mà vẫn rất mực tôn kính.

Mã Kiều thì thầm với Dương Phàm:

- Đại hòa thượng này là ai mà lão đạo sĩ kia lại có vẻ sợ gã đến vậy? Hay lão nợ nần gì gã chăng?

Dương Phàm lắc lắc đầu, nhưng kì thực trong lòng đã mơ hồ đoán được phần nào sự thể, khẽ cười nói:

- Huynh cứ theo dõi kĩ đi, e là sắp có kịch hay coi rồi!

Lão đạo sĩ kia tỏ vẻ vô cùng bối rối, thấy vạt áo Đại hòa thượng liền tiến lên thi lễ, miệng hô Đạo hiệu:

- Vô thượng Thái Ất thiên tôn, bần đạo Nhất Trọc, quán chủ Hoằng Thủ quan, bái kiến Hoài Nghĩa đại sư.

Người tu Đạo khi thi lễ thường thuận miệng xưng “Vô Thượng thiên tôn" hoặc “Vô thượng Thái Ất thiên tôn”. Nếu gặp đám tín đồ đang có chuyện bất hạnh thì sẽ nói “Vô thượng Thái Ất độ ách thiên tôn” hoặc “Vô thượng Thái Ất cứu khổ thiên tôn”. Những lời này được sử dụng tới cuối đời Thanh. Sau đó nhờ công lao của Bình Thư nên cải biến thành “Vô Lượng Thiên Tôn”. Thực ra hai từ “Vô Lượng” này xuất xứ từ Phật giáo chứ không phải là từ dùng trong Đạo giáo. Đạo gia thường dùng từ “Thái thượng”, "Tối thượng", "Vô thượng" để biểu đạt là đang nói tới đáng tối cao chí tôn.

Đại hòa thượng cười ha ha nói:

- Ngươi nhận ra ta sao?

Lão đạo nói:

- Tiết sư danh tiếng lẫy lừng, nổi tiếng khắp cả thành Lạc Dương, bần đạo sao có thể không nhận ra?

Hoài Nghĩa hòa thượng ngửa mặt lên trời cười ha hả, đắc ý hỏi:

- Lão đạo kia, đạo sĩ có thể làm phép siêu độ vong linh, vậy đám hòa thượng chúng ta cũng biết. Lão đạo sĩ ngươi nói xem, là hòa thượng chúng ta làm phép giỏi hơn hay đạo sĩ các người thuật pháp cao minh hơn?

- Cái này... Cái này

Lão đạo sĩ Nhất Trọc nghe hỏi vậy thì vô cùng khó xử, lão biết thân phận thực sự của tay hòa thượng này nên không dám đắc tội với gã, nhưng nếu gã đã hỏi như vậy thì không chỉ còn là chuyện cá nhân hai người nữa mà đã có liên quan tới sự tranh chấp giữa hai bên Phật- Đạo rồi.

Từ khi Đại Đường khai quốc tới nay, Đường Cao Tổ Lý Uyên tôn Lão tử làm thuỷ tổ, tự xưng mình là hậu duệ, phong Đạo giáo làm quốc giáo, lấy Đạo giáo làm tín ngưỡng trong cả nước. Ngài hạ thánh chỉ, trong tam giáo thì Đạo giáo là cao nhất, Nho giáo thứ hai, Phật giáo đứng cuối cùng. Càn Phong (niên hiệu của Đường Cao Tông Lí Trị, ông dùng niên hiệu này hai năm) năm thứ nhất, Đường Cao Tông Lý Trị càng tôn sùng Đạo giáo, phong Lão Tử (người sáng lập ra Đạo giáo) làm “Thái thượng huyền nguyên Hoàng đế”.

Sau khi Đường Cao Tông mắc bệnh băng hà, Võ hậu lên nhiếp chính thì Đạo giáo và Lý Đường trở thành một thể. Để xây dựng lực lượng của mình, Võ hậu liền ra sức lôi kéo Phật giáo, một lòng tin sùng Phật, từ đó địa vị Phật giáo ngày càng tăng, trỏe thành nỗi uy hiếp lớn đối với vị trí quốc giáo của Đạo giáo. Lúc này đây, Đại hòa thượng đặt ra câu hỏi như vậy thì mặc dù lão đạo sĩ rất sợ gã nhưng vẫn quyết không nhượng bộ.

Nhất Trọc đạo trưởng ngẫm nghĩ một chút, giọng kiên quyết:

- Cái này... cũng không nên đem ra so sánh mà làm gì, Phật - Đạo mỗi bên đều có sở trường riêng cả.

Hoài Nghĩa hòa thượng nhíu mày, cười tà mị:

- Hử? Phật giáo ta siêu độ vong linh, hầu hết là lễ Phật tụng kinh, thay vong linh giải trừ nghiệp chướng, dựa vào Phật lực cứu độ người chết tới cõi Niết bàn, thoát khỏi bể khổ của khiếp sinh tử luân hồi tam giới lục đạo để tới cõi Tây Thiên cực lạc, chẳng hay Đạo gia các người siêu độ vong linh như thế nào?

Nhất Trọc đạo trưởng nói:

- Đạo gia chúng ta siêu độ vong linh, hầu hết đều dùng đạo thuật để khai lộ đạo trưởng, liên đăng đạo trưởng, bạt thương đạo trưởng, điền khố đạo trưởng, công đức đạo trưởng tụng niệm xin Thái Ất cứu khổ thiên tôn siêu độ vong linh cho người đã khuất tới cõi Đông Phương Trường Lạc.

Hoài Nghĩa hòa thượng nói:

- Giới cực lạc của Phật gia ta là ở hướng Tây - một cõi trang nghiêm, thanh tịnh, bình đẳng mà Phật A Di Đà đã xây dựng. Tây Thiên cực lạc cao hai mươi tám tầng, có Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát siêu độ vong linh. Hồn người được siêu độ để hồi sinh đều ngụ trong hoa sen trong Thất Bảo trì (ao), sau đó sẽ hóa thành A La Hán. Đông Phương Trường Lạc của các ngươi thì sao?

Nhất Trọc đạo trưởng thấy cứ tiếp tục giảng đạo lí với gã hòa thượng này cũng chẳng được tác dụng gì. Nhưng đã tới nước này thì không thể không tranh luận, đành bất đắc dĩ nói:

- Đạo gia ta có trường sinh cực lạc Niết bàn, cao ba mươi sáu tầng, chuyên cứu độ sinh tử, là pháp môn cho những linh hồn đang mong muốn được hồi sinh.

- Hử?

Hoài Nghĩa hòa thượng gãi gãi đầu trọc của gã, tự lẩm bẩm:

- Sao lại nhiều hơn Tây Thiên cực lạc của ta tới tận tám tầng? À, cõi phương Tây vô lượng chúng ta, một vùng đất Phật đã là ba nghìn thế giới rồi, cho nên hai mươi tám tầng của chúng ta vẫn nhiều hơn ba mươi sáu tầng của các người.

Nhất Trọc đạo trưởng thấy gã lí sự cùn như vậy, cười khổ nói:

- Bần đạo chưa từng đi qua cõi Trường Lạc, lời của Hoài Nghĩa đại sư thực sự không có cách nào xác minh được.

Hoài Nghĩa hòa thượng thấy lão không dám cãi lại, dương dương đắc ý, nói:

- Chư phật Bồ Tát của Phật gia ta thần thông quảng đại, không bị rơi vào lục đạo luân hồi. Đạo gia nhà ngươi cao nhất chẳng qua cũng chỉ là tiên, bản lĩnh đương nhiên còn xa mới bằng Bồ Tát Phật gia ta rồi.

Nhất Trọc đạo sĩ nghe vậy thì trong lòng vô cùng tức tối, lấy hết dũng khí nói:

- Các vị tiên nhân trong Đạo gia chúng ta bất luận Tiên Thiên hay Hậu Thiên, đã tu thành tiên thì đều đạt tới tiêu dao du cảnh, không chịu hạn chế của ngoại vật, nghiệp lực thì càng không cần phải nói, sớm đã không phải chịu kiếp luân hồi rồi. Còn Phật giáo, theo bần đạo được biết, trong Phật giáo cổ điển thì không hề nhắc tới lục đạo, đây chỉ là Phật giáo sau khi truyền tới đông thổ mà thôi, ha ha...

Hoài Nghĩa hòa thượng giận tím mặt, nói:

- Nực cười! Ý ngươi là Phật giáo ta ăn cắp giáo lí Đạo giáo nhà ngươi, mở rộng ngũ đạo thành lục đạo, tự nâng giá trị con người lên, đúng không?

Nhất Trọc đạo trưởng thấy gã có vẻ giận dữ như vậy trong lòng cả kinh, đành nén giận mà nói:

- Tiết sư đã hiểu lầm rồi, hoặc là... hoặc là bần đạo giải thích có gì sai sót chăng...

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv