Không lâu sau khi Bạch Lãng nhận được giải thưởng nam diễn viên chính xuất sắc nhất nhờ ‘Chung điểm’, anh nhận công việc đóng bộ phim truyển thể từ cuốn tiểu thuyết. Dù phải sau một thời gian nữa mới đến lúc quay, nhưng chọn vai, quảng cáo và thử trang phục tạo hình tượng giai đoạn đầu đã bắt đầu khởi động.
Tin tức vừa công bố đã đưa danh tiếng của minh tinh màn bạc mới Bạch Lãng lên thêm một tầng cao.
Hiện giờ cuốn tiểu thuyết đang rất hot trong thị trường trong nước, có lực lượng fan vô cùng hùng hậu. Sau thành công ba tập phim đầu công chiếu, những người yêu sách đang tò mò gương mặt phương đông xuất hiện trong tập bốn sẽ do ai đảm nhiệm. Thì cuối tháng đã lộ ra thông tin siêu sao màn bạc mới Bạch Lãng thủ vai, cộng thêm danh tiếng và ấn tượng tốt từ quảng cáo của Dung Hàng, quần chúng yêu sách đều ủng hộ, ekip làm phim cũng lạc quan, bởi điều đó đồng nghĩa với việc có thêm một chiêu bài quảng cáo, hai bên kết hợp, hiệu quả gấp đôi.
Thế nên sự nghiệp diễn viên của Bạch Lãng sau khi trở thành siêu sao phát triển nhanh hơn mọi người dự đoán.
Dù sao được góp mặt trong dự án phim Quốc tế cũng là cơ hội rất hiếm hoi. Nhiều siêu sao nổi tiếng trong nước, khi ra đến nước ngoài chỉ tỏa sáng le lói. Bạch Lãng có được cơ hội này cũng coi như số phận mỉm cười. Sau khi hai tập phim mà anh tham gia được làm xong và công chiếu, danh tiếng, đánh giá và doanh thu phòng vé toàn thắng, Bạch Lãng thuận buồm xuôi gió nhận được danh hiệu “Siêu sao Quốc tế” và tăng vọt về giá trị con người. Dù tác phẩm mà anh tham gia thực sự không nhiều.
Ông Bạch tìm đến Bạch Lãng là khi tập thứ nhất anh tham gia vừa được công chiếu.
Khi đó, trên khắp đường phố đâu đâu cũng giăng áp-phích, pano, Bạch Lãng thì bận túi bụi với công tác tuyên truyền, ông Bạch với quần áo nhếch nhác vòng vo ở cửa tòa cao ốc All Entertainment, bị bảo an nhận ra, Phương Hoa nhanh nhạy dẫn ông vào bằng cửa sau tòa nhà, sau đó gọi điện cho Bạch Lãng.
Bạch Lãng lặng đi mấy giây, rồi đồng ý đến gặp mặt.
***
Nhẹ nhàng đẩy cửa ra, trong căn phòng sáng trưng sạch sẽ một bóng hình lom khom, quần áo đầy dầu mỡ, vết nhơ không còn nhìn ra màu sắc vốn có, mái đầu bạc bù xù khô xơ, thân hình gầy đi rất nhiều, vai sụp cả xuống. Bóng dáng này, dù là trước kia khi còn làm nông ở quê cũng chưa bao giờ lôi thôi nhếch nhác đến vậy.
Vừa nhìn thấy, Bạch Lãng chợt khựng lại, “Ba.”
Ông Bạch đang đứng nghệt ra bên cửa sổ như bị người đánh thức, ông lom khom quay lại.
Trên khuôn mặt già nua hằn đầy nếp nhăn là vẻ bối rối, “A, A Lãng…”
Nhìn người cha đã thay đổi quá nhiều, Bạch Lãng không biết nói gì, “Sao ba không ngồi xuống chờ con.”
Trên bàn trà có đặt một cốc trà còn bốc khói, hẳn là nhờ cô thư ký mới bổ nhiệm đặt vào.
Ông cúi đầu, xấu hổ túm quần áo mình, “Sợ, sợ bẩn, ba đứng nói chuyện được rồi…”
Nếu lời này phát ra từ Bạch Lễ, nhất định anh sẽ cho là đóng kịch. Nhưng nếu từ ông Bạch, anh biết, ép người cha yếu đuối của mình phải nói dối cũng đủ làm ông chột dạ hoang mang.
Bạch Lãng không vòng vo, anh hỏi, “Ba tìm con có chuyện gì?”
Ông Bạch nhận ra câu hỏi thiện chí, ông ngẩng đầu, mong mỏi nhìn Bạch Lãng.
Mấy giây trôi đi, ông chỉ thấy Bạch Lãng bình tĩnh đợi chờ, chút mong mỏi bỗng chốc hóa thành căng thẳng, xấu hổ, lúng túng, cuối cùng mặt đỏ bừng. Ông lại gục đầu xuống, né tránh ánh mắt anh, nghẹn giọng nói, “Ba, ba tới… mẹ, mẹ con… không, ý ba là, anh con… nó…”
Ông quanh co mãi không thành lời, Bạch Lãng từ từ bước gần đến bên ông, phóng mắt nhìn ra khung cảnh đường phố nhà lầu bên ngoài; không bị ánh mắt anh quấy nhiễu, anh nghĩ, có lẽ cha mình sẽ dễ nói hơn.
“Bạch Lễ làm sao?”
Hỏi vậy, vì bản thân anh cũng không rõ lắm.
Sau tai nạn của Cừu Tiềm, giữa hai người đã gần như không có bất cứ bí mật nào, nên anh biết Cừu Tiềm từng cho người lừa đuổi Bạch Lễ và cha mẹ ra khỏi hai căn nhà kia. Sau đó, Bạch Lễ có tiền, Cừu Tiềm lại giăng bẫy cho Bạch Lễ nhảy vào, chỉ không biết hắn có lọt không, vì sau đó là tai nạn ập đến, Bạch Lãng và Cừu Tiềm không còn dư sức để ý đến nữa. Ba năm sau, họ về nước, không có ai đến tìm, Bạch Lãng cũng không để Cừu Tiềm đi tìm.
Thực tế, quả là Bạch Lễ không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ cái bẫy của Cừu Tiềm, hắn ném gần như toàn bộ tài sản vào rồi mất trắng. May mắn là số tiền ấy không phải đi vay mượn, tuy thất bại nhưng Bạch Lễ vẫn còn ít tiền mặt trong tay, nếu tìm một công việc yên ổn, nuôi cha mẹ, cuộc sống tuy kham khổ, nhưng chí ít vẫn đủ ăn đủ mặc.
Nhưng Bạch Lễ vẫn ôm mộng làm giàu, chỉ có điều giờ hắn đã trở mặt với Bạch Lãng; thậm chí nhiều người biết Bạch Lãng không còn ở trong nước, chẳng có bất cứ ngân hàng hay tổ chức cho vay nặng lãi nào thần kinh cho Bạch Lễ vay tiền tiêu xài.
Cùng đường, hắn đành phải trông chờ vào xổ số, chơi thì nhiều mà trúng thì ít, bao nhiêu tiền đem đi cá cược sạch. Nhưng ít ra, một ít tiền dư và đồng lương ba cọc ba đồng từ công việc bán vé khu vui chơi của ông Bạch đều được bà Bạch quản lý, không có thu nhập từ Bạch Lễ, cả nhà ba người thuê một căn phòng nhỏ, coi như sống qua ngày.
Nhưng cuộc sống như thế đời nào Bạch Lễ chịu nổi. Từ sau khi bị Bạch Lễ bán trộm mất hai căn nhà, bà Bạch ngày ngày chửi rủa Bạch Lễ như kẻ thù, không bữa cơm nào không ca cẩm bài ca không quên, càng ngày càng khiến Bạch Lễ vốn đã cục tính bị dồn nén, đến một ngày, rốt cuộc hắn không chịu nổi, xô bà Bạch té lăn ra đất, dập phần xương mắt cá chân.
Bà Bạch ngã ra đất thì la làng la nước, không quên đe dọa Bạch Lễ rằng bà phải kiện thằng con bất hiếu! Trời đánh thánh vật! Thằng con ăn hại lớn tồng ngồng còn bắt cha mẹ phải nuôi này! Bạch Lễ vừa tức lại vừa sợ, hắn biết con đánh cha, cháu đánh ông sẽ tăng thêm một bậc vào tội cố ý gây thương tích. Bí quá hóa liều, hắn kích động cướp chiếc thẻ ngân hàng mà bà Bạch vẫn giữ như báu vật, sau đó đá cửa bỏ trốn, không thấy trở về.
Đến khi ông Bạch đi làm về, bà Bạch đã đau ngất đi. Vì bà tưởng chỉ bị sái chân, nhịn đau xoay về là ổn, nhưng lợn thành hóa lợn què, đến khi vào viện, phần xương bị dập đã bị ép không thể hồi phục như cũ. Cú ngã này, bà Bạch thành người tàn tật.
Bà Bạch càng uất ức, chống nạng đến sở cảnh sát tố cáo con trai, đẩy Bạch Lễ đang lẩn trốn bên ngoài thành tội phạm truy nã. Chẳng qua, Bạch Lễ có bị bắt hay không, tình hình của nhà Bạch gia cũng chẳng khá lên được.
Sau khi bị Bạch Lễ cuỗm hết tiền bạch, đồng lương còm cõi của ông Bạch chỉ đủ lo tiền thuốc thang cho bà Bạch, không đủ trả tiền nhà, mặc dù chủ nhà tốt bụng cho nợ mấy tháng, nhưng khu vui chơi nơi ông Bạch làm việc cũng bị phá bỏ di dời, không còn công ăn việc làm, nếu không nhờ bà Bạch bán nốt số trang sức cuối cùng kiếm được một chỗ che mưa che nắng tồi tàn, thì có lẽ hai ông bà đã phải tha phương đầu đường xó chợ.
“Sau đó, ba với mẹ con đi mót, mót rác bán lấy tiền,” – ông Bạch nói lắp bắp, giọng ngày càng lí nhí, “Cũng, cũng sống qua ngày, nhưng, nhưng mấy hôm trước mẹ con tranh, tranh chỗ với người ta bị đánh, người ta gọi người, ba, ba với mẹ con không mót mấy ngày rồi, ba, ba không còn cách nào, mới, mới…”
Nghe đến đây, Bạch Lãng rũ mắt, đáy lòng rối ren.
Kiếp trước, Bạch Lễ có tiền, là dùng tiền của Bạch Lãng làm ăn, nên không mâu thuẫn với cha mẹ.
Đời này, Bạch Lãng chắn Bạch Lễ, Bạch Lễ quay ra ăn của cha mẹ, dẫn đến cơ sự ngày hôm này, âu cũng là quả báo…
Nhưng Bạch Lãng tự hỏi, đây là điều anh muốn chăng?
Nhìn cha già, mẹ cũng đã gãy chân, anh, anh có hả dạ không?”
“A, A Lãng,” – cuối cùng ông Bạch nghẹn ngào, “Ba biết, ba với mẹ con mù quáng tin anh con, trước, trước kia, cả nhà hiểu, hiểu nhầm con, là chúng ta sai, ai, ai cũng bảo đáng đời, nhưng, nhưng…”
“Ba, đừng nói nữa.” – Bạch Lãng ngắt lời.
Ông Bạch tái nhợt đi.
Nhìn con trai chưa nhìn mình lấy một lần, ông mấp máy miệng, cuối cùng lại run rẩy ngậm lại…
“Mỗi tháng một vạn, con sẽ gửi vào tài khoản của ba.”
Mới giây trước còn tủi nhục, giây sau đã trợn mắt nhìn Bạch Lãng.
Lúc này, anh nhìn cha mình.
“Không thể nhiều hơn, vì một nửa là phần của Bạch Lễ. Đời này, con sẽ không trả thêm cho anh ấy một đồng tiền nào.”
“Không… đã, đã nhiều lắm rồi.” – ông Bạch lắp bắp khó tin.
“Hai người một vạn, trong thành phố có lẽ sẽ khó khăn, nhưng về quê vẫn đủ sống,” – Bạch Lãng đi đến bàn làm việc, cầm bút viết nhanh ra một dãy số, lại rút tiền từ trong ví, cùng đưa cho ông, “Có việc, gọi cho con.”
Ông Bạch hết nhìn thứ trong tay Bạch Lãng lại nhìn anh, run rẩy nhận, mới nghẹn nấc nói,
“A, A Lãng, là ba và mẹ có lỗi với con… con…”
Bạch Lãng nghiêng đầu đi, không muốn nghe lời này, nó như vạch ra vết thương mà anh đã cố chôn giấu.
“Mau về đi thôi, đưa mẹ đi khám… ăn một bữa ngon.”
Ông Bạch xấu hổ như muốn nói điều gì, rồi lại chần chừ không thể diễn đạt, cuối cùng lau mắt, lê bước ra khỏi phòng. Khi đến cửa, đứng trước cửa phòng, ông quay đầu lại hỏi một câu,
“… A Lãng, con sống có tốt không?”
Bạch Lãng đưa lưng về phía ông, không trả lời, mắt đã hoe hoe.
Bao nhiêu năm, cuối cùng anh cũng đợi được một câu hỏi chân tình.
Coi như có tiến bộ.
***
Sau đó, Bạch Lãng ở lỳ trong phòng, đứng cạnh cửa sổ nhìn ra khung cảnh bên ngoài như ông Bạch làm ban nãy, bần thần rất lâu.
Cho đến khi một đôi tay ấm áp vòng từ phía sau, mang theo hơi ấm yên tâm quen thuộc.
“Đừng khóc.”
Bạch Lãng khép đôi mắt chua chát, “Ai bảo.”
“Em là người mềm lòng. Không nhẫn tâm được, cũng không tự dưng tha thứ được.”
Bạch Lãng xoay người trong vòng tay Cừu Tiềm, hít sâu mùi hương trên người Cừu Tiềm, bật cười, “Nghe có vẻ như do em tự chuốc vậy.”
“Không lo,” – Bạch Lãng cảm nhận cái hôn đặt nhẹ lên đầu, “Cứ làm điều em muốn, vui là được.”
Bạch Lãng tựa vào lòng gã, nhắm mắt, gật đầu đồng ý rồi mới nói, “Tối nay ăn lẩu, lát nữa đi siêu thị mua đồ.”
“Đi,” – Cừu Tiềm gật đầu.
“Gọi Nhị Hồng, Tiểu Lý, nhà chị Phương với A Tán đến nữa.”
Cừu Tiềm bất mãn, “Kêu lắm người đến làm gì?”
“Lẩu phải đông mới ngon.”
“Anh ăn được phần của nhiều người, cũng thế.”
“Lợn.”
“Đó là Tiểu Hải.”
Cách đấy mười mấy cây, Tiểu Hải hắt hơi một cái rõ to bên cạnh Dung Tán, “Hắt xì!”
Nhận khăn giấy từ tay Dung Tán, Tiểu Hải lau qua quýt.
“Lạnh quá, về nhà bảo chú A Bạch làm lẩu ăn thôi!”
Vừa nói xong, điện thoại đã reo lên.
***
Trước Tết Âm lịch, Bạch Lãng nhận được một thùng thức ăn.
Bên trên ký tên ông Bạch, cùng một bức thư viết tay đã nhiều nếp gấp.
Câu đầu tiên bên trong, dù chỉ là hình thức, nhưng viết, “A Lãng, con có khỏe không?”