Khoảng độ năm giờ sáng, Mận đã đứng ngoài hành lang gọi tôi dậy. Bình thường nếu không phải lên lớp sớm, chắc chắn tôi sẽ ngủ trương thây đến tận trưa. Nhắc đến mới nhớ, không biết giờ này cái lớp C6G của tôi thế nào rồi, khi đi thì vui vẻ hào hứng biết bao nhiêu, khi về lại hay tin thiếu mất một đứa. Có lẽ chỉ trong một đêm, hình ảnh và tên tuổi của tôi đã nổi lềnh bềnh khắp nơi kèm theo dòng thông báo "mất tích". Rồi một tháng, hai tháng hay thậm chí vài năm sau, nếu như tôi vẫn bị mắc kẹt ở đây, mọi thứ liên quan đến tôi đều sẽ chìm dần vào quên lãng.
Cũng may, cũng may là không còn người thân nào ở nhà chờ đợi tôi, tôi cũng chẳng có ai để chờ đợi...
Mận nói cụ Đằng đi làm từ rất sớm, từ khi mặt trời còn chưa mọc, thảo nào tôi thấy trong phòng bớt ngột ngạt hơn hẳn.
Bắt đầu ngày mới với thân phận là mợ hai nhà họ Huỳnh, Mận biểu tôi thay bộ bà ba khác, rồi đưa tôi đi tham quan vòng vòng trong nhà, đợi khi bà hai thức dậy còn bưng trà rót nước. Thật ra trước đó tôi đã được hướng dẫn viên giới thiệu cả rồi, nên là ngoài những chuyện trong kẹt ra, còn chuyện lớn nhỏ nào trong nhà mà tôi không biết nữa đâu.
Tôi biết nhà phú ông giàu nức tiếng cái làng này, ruộng vườn cày cấy cò bay gãy cánh.
Tôi biết phú ông có đến hai người vợ, bà lớn sinh cho ông hai người con là cậu Khải Đằng và cô Cẩm Tú, bà nhỏ vẫn còn khá trẻ, mới mười tám tuổi đã sinh ra cậu út Khải Hoàng. Với bản tính trăng hoa khó bỏ, ông Huỳnh Khởi đã qua lại với con gái của nhà nông dân nghèo và có thêm cậu Thế Hiển, sau này cậu Hiển được nhận về nhà họ Huỳnh làm cậu ba.
Tôi biết trong bốn người con của phú ông, chỉ có cụ Đằng là từng được đi du học ở bên Tây, được định sẵn sẽ về tiếp quản cơ ngơi bề thế của gia đình. Còn cụ Hiển vốn xuất thân nghèo hèn, lại là đứa con ngoài giá thú nên không được nhà họ Huỳnh tôn trọng. Cụ Cẩm Tú tính tình mưa nắng thất thường, suốt ngày chỉ biết lẽo đẽo theo bà hai. Cụ út Khải Hoàng thì đau ốm liên miên, lên chín tuổi cũng chỉ biết nói đôi câu bập bẹ. Sau này, cụ Đằng lấy cụ Sương về làm vợ, tình cảm chưa lâu thì dịch xác sống ập đến. Trước khi qua đời, cụ Sương sinh được cho cụ Đằng một người con trai, cụ Đằng ở vậy nuôi con, đến năm ba mươi lăm tuổi thì bệnh nặng qua đời.
Chậc, tôi biết hết ấy chứ. Nhưng đó là những câu chuyện được người này người kia kể lại, có thể đã được nêm nếm gia vị mặn ngọt chua cay, chung quy thì ở một góc độ nào đó, nó vẫn đúng.
Tôi đứng bên ao sen, đôi mắt đăm chiêu nhìn tia nắng sớm khép nép sau rặng dừa nước. Thật tốt khi biết một sớm mai thức dậy, tôi biết mình vẫn chưa chết.
Để ý hơn một chút, tôi thấy một bé trai ngồi thập thò cạnh bờ ao, nhìn dáng vẻ mảnh khảnh này, đây có lẽ là cậu út nhà phú ông rồi.
"Em là Khải Hoàng đúng không?"
Tôi nhanh nhảu tiến lại gần cậu, hỏi nhỏ.
"Má em đâu? Sao để em ngồi đây một mình vậy?" Thấy cậu không trả lời, tôi ngồi xuống kế bên hỏi tiếp.
"Khải Hoàng, qua đây với má."
Một người phụ nữ chạy lại nắm tay cậu út, nhìn tôi bằng đôi mắt sắc như dao, sau đó không nói không rằng, kéo cậu út đi mất hút. Tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời căn dặn của người phụ nữ ấy: "Từ rày về sau, má cấm con lại gần người lạ, nghe rõ chưa?"
Người lạ? Tính ra thì tôi đã danh chính ngôn thuận gả vào gia đình này, là chị dâu của cụ mà?
"Mợ đừng nghĩ ngợi chi nhiều. Bà ba nhà này trước giờ vẫn luôn như vậy đó, hổng muốn cho cậu út tiếp xúc với ai." Mận sợ tôi tổn thương nên nói vài lời an ủi.
Hỏi ra mới biết, bà ba năm nay chỉ mới hai mươi bảy tuổi, gương mặt vẫn hồng hào tươi trẻ, không lộ dấu vết của người phụ nữ đã có chồng và một con. Là con gái của một thầy thuốc nghèo, từ nhỏ bà đã theo làm cho nhà phú ông, đến năm mười tám tuổi mới chính thức được gả cho ông Huỳnh Khởi. Tuy mang tiếng là bà ba nhà họ Huỳnh, nhưng bà lúc nào cũng bị bà lớn chèn ép, sống lủi thủi cùng cậu út trong căn phòng nhỏ cuối hành lang, không có việc gì quan trọng sẽ không ra ngoài. Nghĩ thấy mà thương cho kiếp hồng nhan bạc phận.
"Vậy lúc bà hai ăn hiếp bà ba, phú ông không nói gì sao Mận?" Tôi tò mò hỏi Mận.
"Mợ nói nhỏ nhỏ thôi, có ai nghe thấy là chết em luôn. Phú ông nào dám nói gì đâu mợ, phú ông mới lỡ làm bà ba có bầu mà bà hai đã quậy banh chành cái nhà này rồi. Bà hai bất đắc dĩ lắm mới để phú ông cưới thêm vợ, còn lại mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do một tay bà hai quyết định, phú ông hổng dám hó hé gì đâu."
Mận càng kể tôi càng thấy ông bà ta ngày xưa cũng sống trong đống drama y như trên phim vậy. Yêu thương, phản bội, ghen ghét, đố kỵ,... cái gì cũng có đủ cả.
"Vậy cậu út năm nay bao nhiêu tuổi rồi Mận?" Suy nghĩ xa xôi một lúc, tôi lại hỏi Mận.
"Dạ cậu út năm nay mới lên chín đó mợ."
Tôi sững sờ. Bây giờ cậu út chỉ mới lên chín tuổi, nhưng theo tài liệu thu thập được thì khi cậu út nhà họ Huỳnh lên mười tuổi, làng Vọng Thê mới bắt đầu bùng nổ dịch xác sống. Như vậy tức là tôi đến sớm hơn vài tháng, thậm chí là một năm? Không, tôi đang nghĩ cái gì vậy chứ. Đến sớm hơn thời điểm xác sống bùng nổ không phải sẽ tốt sao? Biết đâu trong thời gian thấp thỏm lo âu, tôi vô tình tìm được cách trở về năm 2022. Biết đâu tôi sẽ không chết ở năm 1922, mà còn trở về thời hiện đại như một người hùng vừa trải qua cuộc hành trình xuyên suốt một thế kỷ?
Biết đâu được, nhỉ? Ngay cả người từng xem qua rất nhiều bộ phim Zombie như tôi, cũng không thể ngờ rằng dịch bệnh này kỳ lạ này lại có thật trong lịch sử. Thì trên đời này có chuyện quái quỷ gì mà chẳng thể xảy ra.
Đang mải mê với dòng suy nghĩ viển vông, cụ Mận lại lần nữa đánh thức tôi, luýnh quýnh kéo tôi vào trong nhà khi nghe tiếng bà hai gọi. Chưa chi mà tôi đã thấy không xong rồi, bà hai nhà này đáng sợ như vậy, tôi mà sơ hở một chút là bị đuổi ra chuồng gà ngay.
Tôi cùng Mận vòng theo lối tắt phía sau vườn để lên nhà trước. Nền nhà cổ được xây lên khá cao, nên để vào được gian nhà chính cần phải đi lên mười mấy bậc thang đá. Mận đi trước dẫn đường, tôi nối bước theo sau, vừa đi vừa cảm nhận được mối nguy hại đang đến gần.
Trên bộ trường kỷ gỗ nằm ở giữa nhà, tôi thấy bà ba cùng với cậu út ngồi tách biệt sang một bên, bên kia là một người phụ nữ trạc tuổi năm mươi, tóc búi lưng chừng. Tôi đoán đây chắc chắn là bà hai, còn cô gái xõa tóc đứng ngay cạnh bà hai là cô Cẩm Tú chứ không ai khác.
"Dạ con thưa má hai, má ba..."
Đứng giữa bầu không khí ngột ngạt này, tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài cúi đầu, rón rén rót ly trà đưa cho bà hai.
"Mới ngày đầu về làm dâu mà đã ngủ tới trưa trời trưa trật, ở lâu thêm nữa chắc bây không còn coi ai ra cái gì đâu." Bà hai liếc qua ly trà một cái, không thèm để ý đến tôi mà chuyển sang giọng trách móc.
"Dạ con xin lỗi má, con mới về nhà còn non dại, có gì má từ từ chỉ con chứ đừng la rầy con mà tội nghiệp."
"Tui nào dám la rầy cô. Con người cô cũng ghê gớm chứ có hiền lành gì cho cam."
Không có nhiều giai thoại về chuyện tình của cậu mợ hai, cũng không ai biết cô gái nghèo như mợ hai làm thế nào mà được gả vào nhà họ Huỳnh, nên khi nghe bà hai nhắc đến mợ bằng hai từ "ghê gớm", chẳng hiểu sao tôi lại thấy hụt hẫng. Người người đều nói cuộc hôn nhân giữa mợ và cậu hai đã được gia đình sắp đặt từ trước, nhưng nếu đâu đó đã được tính toán kỹ lưỡng, tại sao bà hai còn nói về mợ như vậy? Tại sao lại dễ dàng đồng ý cho một người con gái "ghê gớm" ấy về làm dâu?