Ruồi Trâu

Chương 14



Một ngày vào thượng tuần tháng giêng, Mac-ti-ni gửi giấy mời mọi người tới họp phiên thường kỳ hàng tháng của tiểu ban văn học. Thư trả lời của Ruồi trâu là một mẩu giấy có mấy chữ vắn tắt bằng bút chì : " Rất lấy làm tiếc. Tôi không đến được". Thái độ khinh mạn đó của Ruồi trâu làm cho Mac-ti-ni phát cáu, vì trong giấy mời ghi rõ là "rất quan trọng". Hơn nữa, trong ngày hôm ấy Mac-ti-ni còn nhận được ba bức thư khác toàn báo những tin không hay. Lại thêm trời nổi gió đông. (Ở Ý nổi gió đông thì rất khó chịu, khô và nhiều cát bụi). Tất cả những cái đó làm cho Mac-ti-ni cảm thấy trong người vừa khó chịu vừa không vui. Vì vậy khi bác sĩ Ri-cac-đô hỏi Ri-va-ret có đến hay không thì Mac-ti-ni bực tức trả lời :

- Không. Chắc ông ta đã tìm được một trò thú vị hơn rồi. Ông ta không đến được hoặc nói đúng hơn là không muốn đến.

Ga-li gắt :

- Mac-ti-ni, cả Phơ-lô-răng-xơ này có lẽ chẳng ai thành kiến như anh. Anh không ưa ai là y như người ấy làm gì cũng xấu cả. Ri-va-ret ốm thì đến làm sao được ?

- Ai bảo anh thế ?

- Anh không biết à ? Ông ta nằm liệt giường bốn ngày hôm nay rồi.

- Ông ta làm sao ?

- Không rõ. Đáng lẽ thứ năm ông ta gặp tôi nhưng vì ốm nên phải hoãn. Tối hôm qua tôi đến thăm, người nhà nói rằng ông ta rất mệt không thể tiếp ai được. Tôi tưởng là Ri-cac-đô có đến thăm bệnh cho ông ta.

- Tôi chẳng biết gì sất cả. Tối nay tôi đến xem ông ta có cần gì không.

Sáng hôm sau Ri-cac-đô có vẻ bơ phờ, mệt mỏi bước vào căn phòng nhỏ của Giêma. Chị đang ngồi cạnh bàn, đều giọng đọc những con số cho Mac-ti-ni, còn Mac-ti-ni thì một tay cầm kính lúp, một tay cầm bút chì nhọn viết các con số ấy thành chữ nhỏ li ti lên một trang sách. Giêma giơ tay ra hiệu. Ri-cac-đô hiểu rằng không nên quấy rầy người viết mật mã bèn ngồi xuống đi văng đằng sau Giêma. Ri-cac-đô ngáp dài, cố giữ cho khỏi ngủ gật.

- 2,4; 3,7; 6,1;3,5; 4,1; - Giêma tiếp tục đọc đều đặn như máy - 8,4; 7,2; 5,1. Thôi Xê-da đến đây là hết câu đấy.

Chị lấy kim găm đánh dấu đoạn đã đọc xong và quay lại phía Ri-cac-đô.

- Chào bác sĩ. Sao trông anh phờ phạc thế ? Anh có được khỏe không ?

- Không, tôi vẫn khỏe nhưng mệt lắm. Tôi vừa qua một đêm khủng khiếp với Ri-va-ret

- Với Ri-va-ret ?

- Phải. Tôi ngồi bên ông ta thâu đêm suốt sáng, bây giờ lại phải vào bệnh viện làm việc. Tôi rẽ qua chị để hỏi xem có ai trông nom được ông ta trong vài ngày không, bệnh ông ta nặng lắm. Tất nhiên tôi hết sức chữa chạy nhưng không đủ thời giờ, mà ông ta thì cứ khăng khăng không chịu cho các chị hộ lý đến trông nom.

- Ông ta làm sao thế ?

- Chứng bệnh của ông ta rất phức tạp. Trước hết là...

- Trước hết là anh đã ăn sáng chưa ?

- Rồi, cảm ơn chị. Để tôi nói nốt về Ri-va-ret...Chứng bệnh của ông ta phức tạp chắc chắn là do thần kinh bị rối loạn. Nhưng nguyên nhân chính là vết thương cũ không băng bó kỹ lúc đầu, nay tấy lên. Tóm lại sức khỏe của ông ta rất đáng ngại. Chắc ông ta bị thương từ hồi chiến tranh ở Nam Mỹ. Bấy giờ không chữa cẩn thận, chỉ băng bó qua loa nên mới đến nỗi như thế. Còn sống sót được như thế thì kể cũng thật may mắn. Vết thương biến thành viêm kinh niên và thỉnh thoảng lại tấy lên nên hơi bị kích thích một tý là lại tái phát.

- Có nguy hiểm không ?

- Không...không...Trong những trường hợp như vậy chỉ nguy hiểm ở chỗ con bệnh đau quá không chịu nổi và có thể uống thuốc độc tự tử.

- Nghĩa là ông ta đau lắm có phải không ?

- Đau dữ dội ! Tôi lấy làm lạ tại sao ông ta chịu đựng nổi. Tối qua, tôi đã phải cho uống thuốc phiện. Tôi thường rất không muốn cho con bệnh thần kinh dùng thuốc phiện nhưng cũng đành phải cho uống để bớt đau.

- Chắc ông ta còn bị rối loạn thần kinh nữa ?

- Tất nhiên. Nhưng con người ấy quả có một nghị lực phi thường. Chừng nào ông ta chưa bị ngất lịm đi thì ai cũng phải kinh ngạc về sức chịu đựng của ông ta. Nhưng chính vì thế mà tôi phải ở liền suốt đêm với ông ta ! Các anh các chị có biết ông ta ốm từ bao giờ không ? Năm hôm rồi. Mà nhà ông ta chẳng có ai trừ một mụ chủ nhà ngu ngốc, ngủ say đến đổ nhà cũng chẳng biết. Ngữ ấy có tỉnh thì cũng chẳng giúp được việc gì.

- Thế còn cô vũ nữ đâu ?

- Ấy thế mới là kỳ quặc ! Ông ta không để cho cô ta đến. Hình như đối với cô ấy, Ri-va-ret có điều gì như ghê sợ thì phải. Ông ta quả là một trong những người khó hiểu nhất mà tôi từng thấy, thật là một đống mâu thuẫn !

Ri-cac-đô rút đồng hồ chăm chú nhìn với vẻ lo âu, rồi tiếp :

- Thế này thì tôi đến bệnh viện chắc sẽ bị chậm, nhưng đành vậy chứ biết làm sao. Chắc bác sĩ giúp việc sẽ phải bắt đầu khám bệnh một mình. Tiếc rằng tôi không được biết sớm. Bệnh này lẽ ra không nên để kéo dài đêm này qua đêm khác.

Mac-ti-ni xen lời :

- Nhưng tại sao ông ấy không cho người đến báo tin ốm ? Chính Ri-va-ret cũng phải hiểu rằng không ai lại vứt bỏ ông ta một mình như thế chứ ?

Giêma nói :

- Mà cả bác sĩ nữa, tại sao đêm qua không cho người đến gọi chúng tôi mà cứ ngồi trông nom một mình như thế cho mệt.

- Thưa bà chị, tôi đã định cho người đi tìm Ga-li nhưng vừa ướm lời thì Ri-va-ret đã làm ầm lên nên tôi phải thôi ngay. Khi tôi hỏi ông ta muốn cho ai đến thì ông ta sợ hãi nhìn tôi, tay che mặt nói : " Ông đừng nói cho họ biết, họ sẽ cười tôi". Hình như ông ta luôn luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ cho rằng người ta cười mình chuyện gì. Tôi cũng chẳng hiểu ai cười ông ta cái gì được. Lúc nào Ri-va-ret cũng nói tiếng Tây ban nha. Người bệnh thì bao giờ chẳng nói lăng nhăng đủ thứ.

- Bây giờ có ai với ông ta không ?

- Chỉ có mụ chủ nhà với đứa ở gái của mụ ấy.

Mac-ti-ni nói :

- Để tôi đi cho.

- Cám ơn anh. Chiều nay tôi sẽ tới thăm lại. Anh tìm đơn thuốc của tôi ở ngăn kéo bàn cạnh cửa sổ và thuốc phiện để trên giá phòng bên. Nếu lại đau thì cho ông ta uống một liều và chỉ một liều thôi. Nhưng nhất thiết đừng để Ri-va-ret trông thấy lọ thuốc kẻo ông ta lại đòi uống nhiều hơn...

Khi Mac-ti-ni bước vào căn phòng tranh tối tranh sáng. Ruồi trâu quay ngoắt đầu đi. Anh chìa bàn tay nóng bỏng và cố giữ vẻ ngạo mạn thường ngày mà không sao giữ nổi.

- À, Mac-ti-ni ! Chắc ông đến để giục tôi về chuyện sửa bài chứ gì ? Ông đừng trách tôi đã bỏ phiên họp của tiểu ban hôm qua nhé ! Tôi không khỏe lắm và...

- Thôi, nói tới chuyện tiểu ban làm gì ! Tôi vừa gặp Ri-cac-đô nên đến xem có giúp được ông gì không.

Mặt Ruồi trâu sắt lại như một viên đá lửa.

- Ồ, vậy à ? Ông thật có nhã ý. Nhưng xin ông đừng lo. Tôi chỉ hơi khó chịu thôi.

- Ri-cac-đô cũng bảo tôi thế. Có phải ông ấy đã ở đây với ông suốt đêm không ?

Ruồi trâu cắn chặt lấy môi :

- Cám ơn ông. Bây giờ tôi dễ chịu nhiều rồi, không cần gì cả.

- Tốt lắm ! Vậy tôi sang ngồi tạm ở phòng bên. Có lẽ để ông nằm một mình thì tốt hơn. Tôi để hé cửa để ông có thể gọi tôi.

- Xin ông chớ phiền. Thật tôi không cần chút gì cả. Tôi không dám làm ông phí thời giờ vô ích.

Mac-ti-ni liền xẵng giọng ngắt lời :

- Ông đừng nói nhảm nữa ! Che mắt tôi mà làm gì ? Ông tưởng tôi mù hay sao ? Thôi, ông nằm im mà cố ngủ đi.

Mac-ti-ni sang phòng bên, bỏ ngỏ cửa ngồi xuống ghế với một cuốn sách. Chẳng bao lâu anh đã tháy Ruồi trâu lăn lộn trên giường hai ba lần liền. Anh bỏ sách, lắng nghe. Trong phòng im lặng một lát nhưng rồi lại có tiếng lăn lộn, tiếng thở hổn hển, gấp gáp nặng nhọc dường như Ri-va-ret nghiến chặt răng để nén những tiếng rên. Mac-ti-ni trở vào phòng.

- Ri-va-ret, ông có cần tôi giúp gì không ?

Không thấy tiến trả lời, Mac-ti-ni bèn tiến đến bên giường. Mặt tái nhợt như con ma, Ruồi trâu nhìn anh một lát rồi lặng lẽ lắc đầu.

- Lấy thuốc phiện cho ông uống nữa nhé ? Ri-cac-đô bào nếu đau quá thì có thể uống.

- Không, cám ơn ông. Tôi còn chịu được. Chốc nữa có thể còn đau hơn....

Mac-ti-ni nhún vai ngồi xuống cạnh giường. Một tiếng đồn hồ trôi qua đối với anh dường như dài vô tận. Anh lẳng lặng xem xét người bệnh rồi đứng dậy mang thuốc phiện đến :

- Ri-va-ret ! Tôi không thể để ông cứ như thế được nữa. Dù ông có chịu nổi đi nữa, nhưng tôi không chịu được. Ông uống đi thôi.

Không nói một lời, Ruồi trâu uống thuốc. Rồi anh quay đi, nhắm mắt lại. Mac-ti-ni lại ngồi. Hơi thở của người bệnh dần dần trở nên dài và đều hơn. Ruồi trâu mệt quá thiếp đi, ngủ li bì. Hết giờ nọ qua giờ kia anh vẫn không hề nhúc nhích. Trưa rồi lại chiều, Mac-ti-ni nhiều lần lại bên giường nhìn vào thân hình không động đậy đó. Ngoài hơi thở anh nhận thấy cơ thể ấy không có một dấu hiệu gì của sự sống cả. Gương mặt của Ruồi trâu làm cho Mac-ti-ni bỗng dưng hoảng sợ. Hay là mình cho ông ta uống thuốc phiện quá liều rồi chăng ? Cánh tay trái tàn tật của Ruồi trâu đặt trên chăn, Mac-ti-ni nhẹ nhàng lắc cánh tay ấy, định đánh thức Ruồi trâu. Ống tay áo tụt xuống để lộ rõ những vết sẹo sâu hoắm khủng khiếp, chằng chịt suốt từ cổ tay tới tận bả vai.

Bỗng đằng sau tiếng Ri-cac-đô vang lên :

- Khi những vết thương này còn mới thì chắc cánh tay này trông hay đáo để đấy.

- À, anh đã đến đấy à ? Ri-cac-đô, anh xem, ông ta cứ ngủ mãi thế này à ? Cách đây chừng mười tiếng tôi cho ông ấy uống thuốc phiện. Và từ đó ông ấy chẳng nhúc nhích tí nào.

Ri-cac-đô cúi xuống lắng nghe trong giây lát :

- Không sao, thở đều lắm, chỉ vì tối qua bị kiệt sức đó thôi, sau một đêm như thế còn gì nữa. Đến gần sáng có thể còn lên cơn nữa. Chắc sẽ có người lại ngồi trông ông ấy nữa chứ ?

- Ga-li sẽ đến túc trực. Anh ấy cho người đến báo khoảng mười giờ sẽ tới.

- Bây giờ gần mười giờ rồi...À, ông ấy tỉnh rồi ! Anh bảo nhà bếp có đưa xúp lên thì phải cho thật nóng nhé...Bình tĩnh, bình tĩnh, Ri-va-ret ! Chớ, chớ ! Ông chớ có đập phá, tôi không phải là một vị giám mục đâu.

Ruồi trâu bỗng nhiên nhỏm dậy, đôi mắt kinh hoàng nhìn thằng phía trước.

Anh gấp gáp nói bằng tiến Tây Ban Nha :

- Đến lượt tôi ra có phải không ? Cứ để công chúng vui chơi một chút đã. Tôi...À ! Tôi không nhận ra ông nữa, Ri-cac-đô.

Anh ngó quanh phòng rồi lấy tay sờ trán, dường như không hiểu có chuyện gì xảy ra.

- Mac-ti-ni ! Tôi tưởng ông đi từ lâu rồi ! Chắc là tôi ngủ say quá...

- Chứ còn gì nữa ! Như Hằng Nga ngủ trong rừng vậy ! Mười tiếng đồng hồ liền ! Bây giờ ông ăn xúp rồi lại ngủ nữa đi.

- Mười tiếng à ? Mac-ti-ni, ông vẫn ở đây suốt mười tiếng đấy à ?

- Phải, tôi đã sợ rằng cho ông uống thuốc phiện quá liều.

Ruồi trâu hóm hỉnh nhìn Mac-ti-ni :

- Tôi chưa được cái may mắn đó ! Dù có như vậy chăng nữa thì không có tôi, các buổi họp tiểu ban của các ông sẽ bình an vô sự biết bao nhiêu !...Ri-cac-đô, ông cứ bám lấy tôi làm quái gì mãi thế ? Thôi làm phúc để cho tôi yên thân đi ! Tôi rất ghét để cho các thầy thuốc giày vò.

- Được, uống cái này đi rồi tôi để cho ông yên thân. Nhưng một hai ngày nữa tôi lại đến kiểm tra ông cẩn thận đấy. Chắc phút nguy kịch nhất đã qua rồi. : Bây giờ trông ông không giống thần chết nữa rồi.

- Tôi khỏe ngay bây giờ đây mà, cảm ơn ông...Ai đây ? Ga-li hả ?Trời, hôm nay thật là gặp hội mưa rào, khách quý đến tới tấp.

- Tôi ở lại trông nom ông đêm nay.

- Bậy nào ! Tôi chẳng cần ai trông. Cả lũ các ông về đi. Nếu còn lên cơn nữa thì các ông cũng chẳng làm gì được. Tôi chẳng uống thuốc phiện nữa đâu. Thuốc phiện chỉ uống một lần là tốt thôi.

Ri-cac-đô nói :

- Phải, ông nói đúng. Nhưng kiên quyết như thế không phải là dễ.

Ruồi trâu nhìn lên, mỉm cười :

- Ông đừng sợ. Nếu tôit thích thuốc phiện thì tôi nghiện từ lâu rồi.

Ri-cac-đô trả lời khô khan :

- Nhưng dù sao chúng tôi cũng chẳng để ông một mình đâu. Ga-li sang phòng bên cạnh một phút, tôi muốn nói chuyện với anh. Ri-va-ret, chúc ông ngủ ngon nhé ! Mai tôi lại đến thăm.

Mac-ti-ni đã định bước theo Ri-cac-đô nhưng Ruồi trâu khẽ gọi anh lại, chìa tay nói :

- Cám ơn ông.

- Thôi, nói nhảm mãi ! Ngủ đi.

Ri-cac-đô ra về còn Mac-ti-ni nán lại nói chuyện với Ga-li ở phòng ngoài. Mấy phút sau, Mac-ti-ni ra mở cửa thì một cỗ xe ngựa tiến đến cổng vườn rồi bóng một thiếu phụ bước ra, đi vào nhà. Té ra là Di-ta. Hẳn là nàng vừa dự một buổi dạ hội nào về. Mac-ti-ni nâng mũ, đứng sang một bên nhường lối. Rồi anh qua vườn rẽ vào một ngõ tối, đảo về phía núi Đế quốc. Vừa đi được mấy bước thì bỗng nghe thấy đằng sau có tiếng cánh cổng lạch cạch và tiếng bước vội vàng trong ngõ hẻm..

Di-ta gọi :

- Ông chừ tôi một phút.

Mac-ti-ni vừa quay lại thì nàng cũng dừng bước rồi từ từ tiến đến, một tay để sau lưng, men theo hàng rào. Ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn độc nhất ở góc phố vẫn đủ để Mac-ti-ni thấy người vũ nữ cúi đầu bước tới như lúng túng hoặc ngượng ngiụ điều gì.

Mặt cúi gằm, nàng hỏi :

- Ông ấy thế nào ?

- Khá hơn buổi sáng nhiều. Ông ấy ngủ được suốt ngày hôm nay nên trông đã tươi tỉnh hơn trước. Chắc cơn đau đã qua đi rồi.

Nàng vẫn nhìn xuống đất.

- Ông ấy có đau lắm không ?

- Đau lắm. Theo tôi thì không có gì đâu hơn thế nữa.

- Tôi cũng nghĩ thế. Nếu ông ấy không để tôi vào thì nghĩa là ông ấy đau lắm.

- Bệnh ông ấy có thường hay phát ra như thế không ?

- Mỗi lúc một khác...Hè năm ngoái ở Thụy sĩ, ông ấy chẳng ốm chút nào, nhưng mùa đông trước, khi chúng tôi ở Viên thì thật kinh khủng. Mấy ngày liền ông ấy không cho tôi lại gần. Khi ông ấy ốm, có mặt tôi thì ông ấy không chịu được.

Di-ta ngước nhìn Mac-ti-ni rồi lại cúi xuống ngay.

- Khi ông ấy thấy mệt thì ông ấy tìm đủ cớ để bảo tôi đi nhảy, đi nghe hòa nhạc, hoặc đi đâu đó còn ông ta thì đóng cửa nằm khoèo. Nhưng rồi tôi lần về, ngồi ở trước cửa phòng và cứ ngồi như thế mãi. Ông ấy mà biết được thì nguy to. Con chó rền rĩ ngoài cửa ông ấy còn cho vào chứ tôi thì không được vào. Chắc ông ấy quý chó hơn...

Tất cả những chuyện đó nàng kể với một giọng lạ lùng giận dỗi mà khinh bạc.

Mac-ti-ni dịu dàng nói :

- Tôi tin là ông ấy không đau nữa đâu. Bác sĩ Ri-cac-đô chăm sóc rất cẩn thận. Có lẽ chẳng bao lâu nữa thì ông ấy sẽ khỏe hẳn thôi.

Nói chung là bây giờ đỡ nhiều rồi. Nhưng lần sau thì chị phải lập tức cho người đi gọi chúng tôi ngay. Nếu chúng tôi được biết sớm thì đâu đến nỗi đau lòng như thế. Thôi, xin chào chị.

Mac-ti-ni chìa tay cho Di-ta nhưng nàng lùi lại, lắc đầu :

- Tôi không hiểu tại sao ông lại muốn bắt tay tình nhân của Ri-va-ret !

Mac-ti-ni luống cuống nói :

- Cái đó thì tất nhiên là tùy chị.

Di-ta dậm chân :

- Tôi ghét các ông lắm !

Nàng thét lên, mắt sáng quắc như hai hòn than rực đỏ :

- Tôi ghét cả lũ các ông ! Các ông cứ đến nói chuyện chính trị với ông ấy mãi ! Ông ấy để các ông ngồi bên giường suốt đêm, để các ông đổ thuốc cho còn tôi thì chỉ đến nhìn ông ấy qua khe cửa cũng không dám ! Ông ấy là gì đối với các ông ? Ai cho các ông có quyền cướp Ri-va-ret của tôi đi ? Tôi căm ghét các ông ! ...Ghét ! Ghét lắm !

Di-ta òa lên khóc nức nở, quay mình chạy vào trong vườn đóng sầm cửa lại trước mặt Mac-ti-ni.

" Trời ! Ả này thật sự yêu ông ta rồi ! Thật là những câu chuyện hết sức lạ lùng..."

Mac-ti-ni vừa nghĩ thầm như thế vừa bước vào ngõ tối.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv