Cuối tháng 8 là độ nắng nóng cao điểm ở thành phố Vân Bàn. Cái điều hòa cũ nằm cô liêu trong góc phòng đã chạy hết công suất suốt hai tháng vẫn đang cần mẫn cống hiến sức già cho đội hình sự.
Sài Lộ ôm chồng hồ sơ to tướng đứng lật lật xem ngay trước cửa gió điều hòa.
Đặng Đăng ngồi còng lưng, tay nhấp chuột, mắt dán vào màn hình đọc thông tin chi tiết về Ngô Anh Tư được cục công an huyện Linh Khê, tỉnh Ninh An gửi lên.
Nửa năm trước, với mong muốn cho nhân viên được ngồi làm việc thoải mái hơn, Tào Vệ Vệ đã đề nghị cấp một loạt ghế mới cho trung đội. Lô ghế này bọc mặt lưới, lót nệm bông, tả thôi cũng biết là ngồi bao êm bao mềm, mỗi tội hè sang thì đến khổ.
Đặng Đăng cảm giác nếu cứ ngồi lọt thỏm trên ghế một lúc nữa thì cái quần đùi của cậu ta cũng sẽ ướt sũng mồ hôi, thế nên cậu chàng tranh thủ nhích nhích mông lên trước để ngồi mé cạnh ghế, trông đúng chuẩn dáng ngồi thục nữ.
“Lạ nhỉ.” Đặng Đăng lẩm bẩm: “Theo trong này thì Ngô Anh Tư đâu có cháu.”
“Sao vậy?” Sài Lộ ngẩng lên nhìn Đặng Đăng, thấy cậu chàng sắp nóng lè lưỡi cô liền nhích người sang một bên và đưa tay gạt cửa gió điều hòa để hơi lạnh thổi về phía cậu ta.
Đặng Đăng ngoái lại vẫy Sài Lộ lại gần. Hồ sơ trên màn hình thể hiện ba năm trước Ngô Anh Tư đã bắt đầu vào ở viện dưỡng lão của huyện Linh Khê. Bà ta được vào theo chính sách “Năm bảo hộ (1)”, tức là về mặt pháp luật bà ta không hề có người có trách nhiệm phụng dưỡng.
Bà ta không có con nên sau khi chồng và người thân trực hệ qua đời hết bà ta trở thành một người già neo đơn đúng nghĩa.
“Thế phía gia đình Trương Sấm thì sao? Có tìm được gì liên quan không?” Sài Lộ hỏi.
Đặng Đăng lắc đầu: “Chẳng thấy nhà Trương Sấm có quan hệ gì với Ngô Anh Tư cả. Mà trong họ hàng Trương Sấm cũng không có anh em trai nào cùng tầm tuổi.”
“Vô lý.” Sài Lộ xắn tay áo lên rồi lại trở về chỗ đứng trước cửa gió điều hòa, “Chính Trương Sấm cũng thừa nhận Ngô Anh Tư là họ hàng rồi mà?”
Đặng Đăng cáu tiết bảo: “Sư bố nó chứ em phải truy lên tổ tông ba đời nhà nó mới được, em không tin là không tìm ra.”
Đúng lúc đó thì cửa phòng làm việc bị đẩy ra, Tán Tài đồng tử (2) Doãn Hạo xách cà phê đá vào: “Sao, cậu định truy tổ tông ba đời nhà ai thế?”
Sài Lộ mắt tinh như cú, cô tia thấy Quý Thương đi sau Doãn Hạo nên vẫy tay loạn xạ. Chào hỏi xong cô mới xăng xái chạy ra lấy cà phê Doãn Hạo mua về.
Doãn Hạo đã hỏi trước có bao nhiêu người ở nhà nhưng Quý Thương vẫn mua dư một ly cà phê. Anh nhét ly đó cho Sài Lộ rồi nháy mắt bảo cô: “Lát nữa đội trưởng Tào triệu tập họp anh Từ kiểu gì cũng về, cầm lấy mà đưa cho ảnh.”
Doãn Hạo liếc nhanh sang Quý Thương, bụng nghĩ thầm cái người này là Nguyệt lão đầu thai hay Cupid đổi quốc tịch vậy, cứ mai mối cho thiên hạ đi, thân mình thì không thèm lo.
“Có mỗi phần của anh ấy còn mọi người nhịn có ổn không?” Sài Lộ vội vàng cầm ly cà phê nhưng còn phải giả bộ hỏi thêm.
Cả đống cà phê mua về chỉ có đúng hai ly đặc biệt mùa hè. Trong đó một ly Doãn Hạo đã cắm ngay ống hút đưa cho Quý Thương. Ly kia là Quý Thương gọi nhưng anh giữ lại cho Sài Lộ làm ‘sính lễ’.
Miếng bìa bọc quanh ly cà phê này khác với những ly còn lại, trên đó in lời quảng cáo – Cà phê đá xua tan nắng nóng, người tặng cà phê người ấm lòng.
“Còn làm bộ.” Doãn Hạo tức khí nói, “Thế thì trả lại đây.”
Sài Lộ vội né vào bên cạnh Quý Thương, tay giữ chặt ly cà phê.
Quý Thương bảo: “Nhớ bảo là cô mua đấy, thế thì ai cũng hiểu thôi.”
Quý Thương chỉ gặp vài lần đã thấy rõ tình cảm của Sài Lộ với Từ Bân, vậy thì người trong đội này ngoài anh chàng đầu gỗ Từ Bân ra chắc ai cũng biết tỏng rồi.
Sài Lộ làm bộ ngượng ngùng nhưng miệng thì cười không mím được, cô nàng ỏng eo cầm ly cà phê đi cất vào cái tủ lạnh nhỏ trong phòng.
Đặng Đăng ngồi sau hấp háy mắt và cười nhạo một tràng đúng cái giọng cay cú của bọn không có người yêu.
Lúc sau, Sài Lộ và Đặng Đăng cùng lược thuật lại những thông tin mình thu được. Quý Thương và Doãn Hạo đều cảm thấy câu đùa “truy tổ tông ba đời” của Đặng Đăng cũng không hẳn là vô lý.
Vậy là Quý Thương nhiệt tình khen ngợi, đối tượng được nghe dỗ ngọt cũng mát cả lòng dạ. Cuối cùng Đặng Đăng hừng hực ý chí bê chồng tài liệu dày cộp về bàn soi soi tìm tìm một hồi lâu mới sực hiểu ra là mình vừa bị Quý Thương phỉnh phờ.
Đặng Đăng nghĩ thầm anh Cửu đúng là quá nham hiểm, chỉ uốn ba tấc lưỡi mà khiến người ta phải cun cút làm cu li cho mình. Thể loại thẳng ruột ngựa như Doãn Hạo chắc chắn không phải là đối thủ của anh Cửu. Cậu chàng rất sáng suốt rút ra một điều rằng may quá, có vẻ Nghê Hiểu không giống anh sếp nhà cô ấy.
Gần đến giờ tan sở Tào Vệ Vệ mới về bắt đầu cuộc họp phân tích vụ án của trung đội hai. Họp xong, Tào Vệ Vệ giữ một mình Doãn Hạo ở lại.
Từ Bân lúc này đang phụ trách chính một vụ án khác nên đã lâu anh chưa gặp lại Quý Thương. Lúc ra khỏi phòng họp, hai người vừa đi vừa trao đổi về vụ này cho đến tận phòng làm việc của trung đội.
Bàn làm việc của Từ Bân nằm gần chỗ Doãn Hạo, Quý Thương ngồi trước bàn Doãn Hạo, anh vừa xem tài liệu về Trương Sấm và Ngô Anh Tư vừa lơ đễnh liếc trên bàn Từ Bân.
“Cà phê đá xua tan nắng nóng, người tặng cà phê người ấm lòng.” Quý Thương cố tình đọc thành tiếng dòng chữ in trên miếng bìa ngoài ly.
“Gì cơ?” Từ Bân ngơ ngác hỏi.
Quý Thương biết ngay mà, Từ Bân đâu có nhận ra. Anh liền chỉ chỉ ly cà phê Từ Bân để trên bàn rồi làm như thản nhiên bảo: “Quảng cáo in ngoài ly cà phê đó.”
Rầm! một cái, ghế Sài Lộ ngồi trượt bắn vào hộc tủ bên cạnh, tiếng va đập như sấm nổ. Cô cuống quýt đứng dậy, bưng hai má đỏ bừng chạy ra ngoài: “Phòng nóng như cái lò vậy. Tôi phải đi kiếm đội trưởng Tào đòi mua điều hòa mới thôi!”
Từ Bân nhìn theo bóng lưng hấp tấp của Sài Lộ rồi lại đưa mắt nhìn dòng chữ bên ngoài ly cà phê, anh ngẩn mặt.
Tào Vệ Vệ giữ Doãn Hạo lại không phải vì công việc. Sau khi bị Doãn Hạo chọc tức đến mức tông cửa bỏ đi, ngày hôm sau vợ chồng Doãn Trác Văn đã về thủ đô nhưng trước đó họ còn gặp Tào Vệ Vệ nữa.
“Cậu làm gì mà để ba cậu giận quá vậy?” Tào Vệ Vệ hỏi Doãn Hạo.
Có vẻ Doãn Trác Văn không nói hết sự tình cho Tào Vệ Vệ, Doãn Hạo liền kiếm cớ đáp: “Thì vẫn chuyện em bỏ thủ đô về Vân Bàn thôi, ba em bảo em quay về nhưng em không chịu.”
Tào Vệ Vệ cười nói: “Cái thằng này, chị không hiểu sao cậu thích Vân Bàn vậy? Ở đây ngoài chị cậu có ai quen biết đâu. Với lại Vân Bàn làm sao bì được với thủ đô? Cậu thử hỏi bất cứ ai trong sở này xem có bao nhiêu người đang chạy các cửa mà chưa được điều đi? Nói như thời xưa thì đấy là hoàng thành, là dưới chân thiên tử, muốn thăng tiến thì đấy mới là đất vàng.”
“Ở đâu mà chẳng ngần ấy việc, chỉ cần được đánh án thì với em đâu cũng thế. Em không phân biệt đâu. Nếu muốn thăng tiến em đã chẳng làm cảnh sát.”
“Phải phải phải.” Doãn Hạo được điều về Vân Bàn đã ít lâu nên Tào Vệ Vệ cũng khá hiểu anh. Bởi vậy chị càng thán phục cậu em này, “Tại chị nghĩ thực dụng quá. Nhưng cậu phải hiểu này Doãn Hạo, giữ niềm tin của mình là tốt nhưng nếu cậu suốt đời chỉ là một cảnh sát viên ở Vân Bàn thì những gì cậu làm được là cực kì giới hạn. Cậu phải thăng tiến, lời nói của cậu phải có sức nặng thì cậu mới làm được càng nhiều điều cậu muốn.”
Doãn Hạo tì người vào bàn họp, trầm ngâm không nói. Thật sự ngay từ đầu anh không hề có ý định ở mãi thành phố Vân Bàn, sau khi điều tra xong vụ Tần Chí Kiệt đương nhiên anh sẽ trở lại thủ đô. Nhưng giờ… có một nhân tố ngoài dự kiến xuất hiện làm thay đổi ý tưởng của anh.
Nhân tố đó là Quý Thương.
“À.” Tào Vệ Vệ vỗ vai Doãn Hạo – người đang nhăn tít cả trán và bảo: “Chị Hạ Quyên bảo chị giới thiệu bạn gái cho cậu đấy, tiêu chuẩn của cậu thế nào hả? Thích cô kiểu gì đây?”
Doãn Hạo đứng thẳng lại, anh vuốt lại vạt áo rồi nhếch miệng, vừa đi ra phía cửa phòng vừa trả lời.
“Em thích người thông minh, mưu lược, tinh tế, nhạy bén. Tốt nhất là phải cao, trắng, nếu có thể trèo tường, leo cửa sổ thì hoàn hảo.”
Tào Vệ Vệ bắt đầu phác họa trong đầu hình ảnh một cô gái cao ráo, xinh đẹp, mảnh mai, vén váy trèo tường. Sao càng nghĩ càng thấy kỳ dị.
“Này…” Tào Vệ Vệ gọi với theo, “Quay lại đây, nói lại rõ ràng cho chị xem nào. Cậu nhăng cuội cái gì vậy.”
“Em không quay lại đâu.” Doãn Hạo đáp trả: “Em có việc với Quý Thương rồi, bận lắm.”
Tào Vệ Vệ đứng dậy định lôi Doãn Hạo lại thì đụng ngay Sài Lộ chạy vào phòng, mặt đỏ bừng. Tào Vệ Vệ sửng sốt hỏi: “Sốt hay sao vậy Tiểu Lộ? Sao mặt em đỏ như mông khỉ vậy.”
…
Quản lý Tần ở bến tàu phía Đông là một tay thạo việc, khi thấy Quý Thương có vẻ hứng thú với chiếc du thuyền Lạc Thần hơn ngay hôm sau ông ta đã đích thân mang hai tấm vé trọn gói đến khách sạn. Dù Lạc Thần không phải du thuyền do bến tàu kinh doanh nhưng nếu có thể thúc đẩy thương vụ này phía sở hữu Lạc Thần đương nhiên cũng sẽ nhớ đến ông ta.
Quý Nhạc Sơn bảo trợ lý Hàn Tinh gửi hai chiếc vé cho Quý Thương. Thế là Quý Thương quyết định sẽ cùng Doãn Hạo lên du thuyền Lạc Thần để thám thính, biết đâu lại có cơ hội lẻn vào tầng bốn cũng nên.
Đêm nay là chương trình giới hạn của Lạc Thần, du thuyền không ra khơi mà chỉ chạy loanh quanh trên sông Tú Thủy. Mọi hạng mục vui chơi giải trí đều diễn ra bình thường, tiếng là để tri ân những khách hàng từ bậc trung đến cao cấp và tệp khách hàng tiềm năng. Ban tổ chức yêu cầu khách lên thuyền phải mặc lễ phục khi tham gia tiệc.
Vì điều kiện thời gian hạn hẹp nên Quý Thương và Doãn Hạo tách nhau ra, Quý Thương về Nhàn Tiêu một mình còn Doãn Hạo về nhà thay đồ rồi tới đón anh cùng đi.
Quý Thương về đến Nhàn Tiêu mới thấy Đinh Cẩm Lan lại tới. Mấy chục năm rồi mà tình cảm giữa Đinh Cẩm Lan và Quý Nhạc Sơn vẫn thân mật như buổi đầu, đến giờ hai ông bà vẫn kè kè với nhau suốt, còn con thì… cứ tự ăn tự lớn thôi. Bởi vậy trước kia rất hiếm khi vừa gặp nhau tuần trước tuần này Đinh Cẩm Lan lại đến “quan tâm thăm hỏi” nữa.
“Ơ? Sao Doãn Hạo không đến?”
Quý Thương vừa bước chân vào phòng đã được phủ đầu bằng câu này. Thế là anh hiểu ngay tức khắc mục tiêu “quan tâm thăm hỏi” của mẹ mình là ai.
Tắm rửa, sấy tóc xong Quý Thương đứng trong phòng để đồ, bắt đầu thấy lúng túng. Bình thường rất ít khi anh mặc đến lễ phục, thật ra đồ thì anh có nhưng chẳng hiểu sao lúc này anh ngắm bộ nào cũng thấy không vừa mắt.
“Mẹ ơi!” gặp việc khó cứ gọi mẹ lo.
Lúc này đi mua mới cũng chẳng kịp, Quý Thương đành mặc thử từng bộ trong tủ cho Đinh Cẩm Lan duyệt.
“Bộ này sao, mẹ?” Quý Thương mặc bộ vét màu nâu sẫm, vừa chỉnh lại ống tay áo vừa hỏi ý kiến Đinh Cẩm Lan.
“Đàng hoàng tao nhã, phong độ ngời ngời. Đúng là chỉ có mẹ với ba con mới sinh ra được thanh niên đẹp trai thế này!” Đinh Cẩm Lan ngắm thấy con nhà mình chỗ nào cũng hay chỗ nào cũng đẹp, mà khen con chưa đủ phải tiện thể khen mình với ông xã nữa.
“Mẹ ơi mẹ nhận xét có tâm một tí được không, bộ trước mẹ cũng nói hệt như thế.” Quý Thương bất mãn, đương nhiên là anh biết vóc dáng và tướng mạo mình ở tầm cỡ nào, nhưng bây giờ anh muốn chọn bộ đồ phù hợp nhất, tôn dáng nhất trong đống quần áo này chứ ai cần mấy câu khen bừa của Đinh Cẩm Lan.
Đinh Cẩm Lan đi tới vuốt thẳng nếp cổ áo cho Quý Thương rồi bảo: “Mẹ mà lại không có tâm? Nhưng mà con trai mẹ mặc bao tải cũng đẹp, mẹ làm thế nào được.”
Quý Thương phì cười, nghe mẹ khen mãi anh cũng bắt đầu bớt căng thẳng: “Thế thì mẹ chọn cho con một bộ đi vậy?”
Đinh Cẩm Lan lùi lại mấy bước, bà khoanh hai tay trước ngực, hơi hất cằm ra vẻ đang nghiền ngẫm rất nghiêm túc: “Hôm nay con trai mẹ cầu kỳ quá nhỉ, bật mí xem con đi sự kiện gì nào?”
Quý Thương chỉnh lại cổ áo, lại vuốt vuốt vạt áo rồi tỉnh bơ đáp: “Tiệc làm ăn bình thường thôi, có gì đâu.”
“Có gì đâu…” Đinh Cẩm Lan nhẩm lại rồi có vẻ suy tư, nói: “Vậy cho hỏi con trai mẹ hôm nay đi cùng với ai thế?”
Quý Thương im im một lúc rồi mới đáp: “Doãn Hạo.”
“À, thì ra là thế.” Đinh Cẩm Lan vỗ tay, bà mỉm cười rồi nhanh chóng gạt thằng con quý sang một bên để đi vào phòng để đồ, “Đợi đấy đợi đấy, mẹ tìm cho con bộ này.”
Có lần để chuẩn bị cho một buổi xem mặt Đinh Cẩm Lan đã đặt riêng cho Quý Thương một bộ âu phục cao cấp nhưng cuối cùng Quý Thương chẳng chịu đi. Bộ vét lúc này vẫn nằm nguyên trong tủ, thậm chí túi bọc chống bụi bên ngoài còn chưa bị gỡ ra.
Đinh Cẩm Lan tìm được rất nhanh. Còn Quý Thương, nỗi thấp thỏm trong anh dần lắng dịu, bấy giờ anh mới nhận ra tiết trời đang độ giữa hè, vậy là anh không mặc áo vét nữa.
Chiếc quần tây ống đứng khiến đôi chân thường ngày giấu trong những cái quần rộng rãi trông càng dài hơn, áo sơ-mi màu mực dập hoa văn tinh tế dắt gọn vào vòng eo mảnh mai khỏe khoắn. Nghiễm nhiên là một chàng người mẫu bước ra từ bìa tạp chí thời trang.
Đinh Cẩm Lan chặc lưỡi tán thưởng, Quý Thương thì ngoài mặt vẫn thản nhiên nhưng thật tình cũng thấy vừa lòng lắm.
Hai mẹ con đang đứng ngắm nghía trước gương thì Doãn Hạo nhắn tin, bảo đã đến bãi đậu xe Nhàn Tiêu rồi. Quý Thương sợ mẹ lại hỏi chuyện dông dài nên không để Doãn Hạo lên phòng.
Anh cài măng-sét rồi lại ngắm mình trong gương vài lần nữa. Chẳng hiểu sao mới nãy còn ưng ý lắm mà giờ tự dưng anh hơi bải hoải. Nhưng không muốn để Doãn Hạo đợi lâu, cuối cùng anh quyết tâm siết chặt điện thoại, rảo bước xuống nhà.Chú thích:
(1) Chính sách “Năm bảo hộ”: là một chính sách của Trung Quốc, theo đó Nhà nước chăm sóc và hỗ trợ về lương thực, quần áo, nhà ở, chăm sóc y tế và mai táng cho các đối tượng là người nông thôn, già yếu, mồ côi, tàn tật không có khả năng lao động và không có nguồn thu nhập. Các đối tượng này phải đáp ứng các điều kiện:
– Không có người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng hợp pháp. Hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng không có khả năng làm điều này.
– Người không có khả năng lao động.
– Người không có nguồn thu nhập.
(2) Tán Tài đồng tử: hay còn gọi là “Thiện Tài đồng tử”, là nhân vật chính trong Phẩm Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm, được mô tả là tiểu đồng hầu cận Bồ tát Quán Thế Âm. Theo Kinh Hoa Nghiêm thì Thiện Tài là một cậu bé người Ấn Độ, sau khi cậu ra đời trong nhà tự nhiên xuất hiện nhiều điềm lành và các của báu nên được cha đặt tên là Thiện Tài (nghĩa là của cải tốt lành).
Còn vì sao các đồng chí gọi giai đẹp của ngành là Tán Tài đồng tử thì nghĩa cũng như tên =))))) chắc vì người ta giàu mí lị có người ta là có ăn =)))
(*) măng-sét: chị em biết từ này nhỉ? có khi nào chị em hông biết hông? nó là cái khuy cài tay áo đó, lung linh mắc xiền hoàn thiện set đồ đó