Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 8: Mùa hè của cô ấy (8)



Lần này thầy Dương xếp chỗ ngồi theo chiều cao như lần đầu, Thư Niệm và Tư Ngưng lại tiếp tục ngồi cùng bàn với nhau.

Đương nhiên, Tống Kỳ Thanh ngồi hàng cuối lớp.

Có điều lần này cậu chàng không ngồi gần cửa sổ mà ngồi cạnh cửa sau lớp.

Và vì thế, một tháng kế, số lần Thư Niệm ra vào lớp bằng cửa sau nhiều hẳn lên.

Thời tiết ngày càng trái gió trở trời, mọi người đã thay áo khoác đồng phục thu sang kiểu áo khoác len xám chuyên mặc với đồng phục mùa đông nhà trường phát.

Ngày nào Thư Niệm cũng chăm chỉ ôn luyện bài vở.

Tính cô vừa nhút nhát vừa hướng nội nên cũng không quen nhiều bạn, tính chung chung cũng chỉ có mỗi Tư Ngưng là bao giờ cũng dính lấy nhau như hình với bóng mà thôi.

Bước sang tháng 12, kỳ thi thứ sau nửa học kỳ đầu của trường cũng cách họ ngày càng gần hơn.

Thư Niệm vẫn y hệt trước, trong tiết thì chăm chú nghe giảng, hết tiết cũng chẳng rời khỏi bàn học phút giây nào, bao giờ cũng thấy cô lăm lăm cuốn sách trên tay.

Ắt hẳn trong mắt người khác, Thư Niệm đích thị là một cô mọt sách hướng nội chính hiệu.

Mà chỉ có mình cô hay, bản thân là đang tranh thủ đuổi theo được bước nào hay bước đấy trong từng phút từng giây.

Dẫu tự biết, rằng bản thân sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp Tống Kỳ Thanh.



Vào giữa tháng, Thư Niệm đạt hạng 20 trong kỳ thi tháng thứ hai.

Đã lọt vào top 20 như mong muốn, dù lọt vào với “vé” chót top nhưng cũng đủ mãn nguyện rồi.

Bởi lẽ hết thảy mọi nỗ lực của bản thân cô đều nhận lại được phần thưởng xứng đáng.

Lần đổi chỗ ngồi sau kỳ thi tháng này thầy xếp theo điểm số, thứ hạng, có điều Thư Niệm vẫn không thể ngồi chung với Tống Kỳ Thanh.

Mà trở thành bạn cùng bàn của Tưởng Phong.

Cái cậu Tưởng Phong này là một tên con trai ưa nói ưa quậy, rất hoạt bát, mà cũng khờ khạo ra trò.

Cậu ta đối xử với cô rất nhiệt tình, đáng nói hơn là còn nhiệt tình hơn so với người khác. 

Thư Niệm chẳng bao giờ mang bình nước về nhà khi tan học, bình nước luôn được đặt ngay ngắn trên bàn, vì hôm sau đến trường cô sẽ đến phòng trữ nước châm nước ấm đầy bình, lúc rót còn thuận tiện ủ cho ấm tay rồi uống cho đã khát.

Từ khi ngồi cạnh Tưởng Phong, cứ mỗi sáng đến lớp là thấy ngay chiếc bình đã được rót đầy nước ấm đến bỏng cả tay.

Thư Niệm hỏi Tưởng Phong: “Cậu lấy nước cho tớ à?”

Tưởng Phong cười nói: “Thì tớ cũng muốn uống nước nên tiện tay lấy cho cậu luôn.”

Thư Niệm lúng ta lúng túng nói cảm ơn rồi lại khó xử nói với cậu ta: “Không cần phiền cậu đâu, tớ tự làm được.”

Tưởng Phong lại trả lời: “Phiền gì chứ, tiện tay thôi ấy mà.”

Thư Niệm là người luôn sợ làm phiền người khác nên đối diện với một Tưởng Phong quá đỗi nồng nhiệt thế này cứ làm cô khó chịu, bức bối trong lòng.

Cuối cùng, cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lấy bình nước về nhà rồi sáng mang theo đến lớp.

Sau khi Tư Ngưng hay chuyện còn đùa rằng: “Tưởng Phong lên cơn gì à? Hay là tên này có ý với cậu?”

Mặt Thư Niệm bị câu ghẹo này chọc đến đỏ bừng, cô vừa ngượng vừa nhíu mày giận dỗi: “Ngưng Ngưng cậu đừng có nói bừa, cậu ấy chỉ là…nhiệt tình quá thôi.”

Quả tình Thư Niệm biết Tưởng Phong không phải nhiệt tình thật mà là vì có ý nên mới đối xử tốt với cô đến vậy. 

Từ hôm Tưởng Phong mở miệng hỏi kiểu con trai cô thích là gì trong kỳ đại học thể thao, Thư Niệm đã biết Tưởng Phong thích mình rồi.

Nhưng cô không thể đồng ý với cậu ta được.

Bởi vì trái tim cô đã rung động với một cậu con trai khác, hơn nữa, Thư Niệm thật sự chẳng muốn yêu sớm gì vào năm cấp ba.

Giờ cô chỉ muốn cố gắng rèn giũa tập luyện để sẵn sàng cho kỳ thi đại học quan trọng nhất cuộc đời học sinh diễn ra sau hai năm rưỡi nữa.

Còn việc Tưởng Phong chả hề che giấu tình cảm của mình, với cô mà nói thật sự chả khác gì một gánh nặng ngàn cân. 



Cuối tháng 12, thứ ba trước đêm Giáng Sinh và lễ Tạ Ơn, Tư Ngưng kéo Thư Niệm ra khỏi lớp vào giờ ra chơi để hít thở không khí.

Hai người cùng đến căn tin trường. 

Quầy hàng bán đồ ăn vặt dịp lễ đầy ắp các loại quà bánh, giá cả cũng chát chúa đến ê cả răng.

Thư Niệm không định mua, táo cũng vẫn hoàn táo, khác là khác mỗi bao bì đóng gói bên ngoài mà thôi.

Cô đi sang quầy hàng kế bên, định mua thêm mấy cây kẹo m út vị dâu.

Thế mà vừa đi tới đã bắt gặp Tống Kỳ Thanh đang cầm hai cây kẹo m út dâu đứng cạnh tủ mát chọn nước ngọt.

Thư Niệm sững sờ ngay tức thì.

Cậu ấy…Cũng thích ăn kẹo dâu à?

Rồi chính mắt Thư Niệm nhìn thấy Tống Kỳ Thanh mở cửa tủ mát lấy một chai nước ngọt hiệu Bắc Băng Dương (*).

Mà trời lạnh căm căm thế này sao cậu lại uống băng (*) nhỉ? Không sợ lạnh à?

(*) Tên hãng nước ngọt quốc nội (Tiếng anh Arctic Ocean), sản xuất nước có gas (nước ngọt) và soda ướp lạnh, vì nhãn hiệu và logo đều có hình gấu Bắc Cực (Tên hãng là vùng biển Bắc Cực) và băng tuyết in to nên Thư Niệm mới nghĩ câu trên.

Thư Niệm còn đang nghĩ lăn tăn, lúc Tống Kỳ Thanh quay người sang thì cũng mau lẹ quay lưng về phía người ta.

Cô bước đến quầy bán kẹo, muốn tìm kẹo m út vị dâu, thế mà chả tìm ra cây nào hết.

Chắc hai cây cuối Tống Kỳ Thanh đã mua cả rồi.

Thư Niệm đi loanh quanh ngắm nghía song lại chẳng tìm được món quà vặt nào muốn ăn, sau rốt tiện tay vớ một túi mì giòn ăn liền rồi trở lại chỗ thu ngân.

Tống Kỳ Thanh cũng đã rời khỏi quầy bán kẹo lẫn nước ngọt. 

Thư Niệm đang định lấy ví trả tiền thì chợt nhìn thấy trên quầy chờ tính tiền có một cây kẹo m út vị dâu.

Cô chỉ chỉ cây kẹo m út nọ, hỏi chị nhân viên đứng trực: “Cái này có bán không ạ?”

“Có bán nhé,” Chị thu ngân nói: “Đây là kẹo cậu học sinh ban nãy để lại, em ấy bảo thiếu 5 hào lúc tính tiền, cũng không đem theo điện thoại nên để lại một cây kẹo.”

“Em lấy,” Thư Niệm vô thức nói nhanh hơn, cô lặp lại: “Em muốn lấy.”

Thu ngân nói với Thư Niệm: “Cả thảy một tệ năm.”

Thư Niệm lấy điện thoại thanh toán tiền rồi xách quà vặt ra cửa đứng chờ Tư Ngưng.

Thư Niệm nào ngờ bấy giờ lại được chứng kiến tận mắt cảnh một bạn nữ nào đó chặn đường tỏ tình Tống Kỳ Thanh.  

Tống Kỳ Thanh vừa rời khỏi căn tin chưa được mấy bước đã bị một bạn nữ tóc dài đội mũ len cản đường.

Thậm chí Thư Niệm còn nghe rõ mồm một tiếng bạn nữ này.

Cô nàng nói với Tống Kỳ Thanh: “Tống Kỳ Thanh, tớ là Giang Thấm Thấm lớp 10/4, tớ rất thích cậu.”

“Đây là thư tớ viết,” Cô bạn này lấy ra một phong thư hồng, đưa cho Tống Kỳ Thanh rồi mạnh dạn tiếp lời: “Hy vọng cậu sẽ trả lời.”

Hình như Tống Kỳ Thanh cũng không ngờ sẽ có người thẳng thừng chặn đường tỏ tình thế này, cậu chàng hoảng ra mặt, chân còn bất giác lùi về sau mấy bước.

Nghe bạn nữ nói xong, Tống Kỳ Thanh không nghĩ ngợi gì mà từ chối luôn: “Tớ xin lỗi, không nhận thư của cậu được, còn trả lời thì giờ tớ sẽ nói luôn, tớ thật sự không định có bạn gái trong cấp ba, chúc cậu học hành thuận lợi.”

Cậu nói một mạch rồi hơi gật đầu, vòng qua bạn nữ sải bước tiếp tục đi nhanh về phía trước.

Thư Niệm tận mắt chứng kiến cậu từ chối lời tỏ tình của cô bạn nọ.

Vừa dứt khoát vừa kiên quyết mà còn không mất lịch sự tí nào.

Cậu ấy nói, mình không định có bạn gái trong cấp ba.

May mà Thư Niệm là một cô bạn nhát gan, chỉ dám thích thầm, nào dám công khai.

Nếu tánh tình cô mà lớn gan như bạn nữ này, dám tỏ tình trước mặt cậu thì chắc chắn cũng sẽ bị cậu từ chối thẳng thừng thế này.

Thư Niệm bóc bao gói phần đầu kẹo m út, ngậm kẹo trong miệng.

Lúc đi với Tư Ngưng về phòng học, Thư Niệm theo quán tính vào lớp từ cửa sau.

Sau đó mới sực tỉnh, bây giờ Tống Kỳ Thanh không còn ngồi gần cửa sau nữa.

Cậu đang ngồi cùng bàn với một cô bạn khác.

Thư Niệm không kiềm được liếc nhìn về bàn hiện tại của cậu, sau đó nhìn thấy cậu chàng đang giảng bài cho bạn cùng bàn.

Cậu cũng ngậm kẹo trong miệng, một bên má phồng lên, trông đáng yêu đến lạ.

Giờ phút này đây, Thư Niệm vui vẻ trong lòng vì hai người họ đang cùng ngậm và cùng ăn một loại kẹo m út.

Về chỗ rồi, Thư Niệm kẹp giấy gói kẹo m út vào vở bài tập vật lý.



Thứ sáu, ngày học trước khi nghỉ lễ, Thư Niệm bất ngờ nhận được một quả táo lễ Tạ Ơn đặt trong hộp quà được đóng gói xinh đẹp.

Cô hỏi Tư Ngưng, cô nàng bảo không phải mình tặng.

Vậy chỉ còn một khả năng.

Người tặng là Tưởng Phong.

Thư Niệm trả lại hộp quà nguyên vẹn, nhưng lại bị Tưởng Phong đẩy lùi về.

“Một quả táo thôi mà, cậu nhận đi.” Cậu trai bảo thế.

Thư Niệm đâu chịu nhận, đẩy ngược về chỗ cậu ta rồi nhỏ giọng đáp: “Không cần tặng quà cho tớ.”

Tưởng Phong cũng không khăng khăng đòi tặng nữa, Thư Niệm thầm thở phào nhẹ nhõm một hơi. 

Vậy mà, đến giờ tan học Tưởng Phong lại đẩy hộp táo trở lại bàn học cô, sau đó cậu ta khăn gói chạy biến luôn.

Từ đầu tới cuối Thư Niệm còn không kịp phản ứng phản ang gì.

Cô cầm hộp táo khó giải quyết trên tay, đứng cạnh bàn học do dự mãi không biết làm sao.

Ngay lúc Thư Niệm dợm dúi hộp táo vào hộc bàn Tưởng Phong thì giọng Tống Kỳ Thanh chợt vang lên từ sau lưng cô.

“Có muốn tớ đưa cậu ấy không?” Cậu chàng hỏi.

Thư Niệm quay đầu lại nhìn rồi cúi gằm xuống rất nhanh, gật gật đầu.

Cô đưa hộp cho Tống Kỳ Thanh, nhẹ giọng nói: “Phiền cậu đưa cậu ấy giúp tớ, cảm ơn.”

Tống Kỳ Thanh không nói gì ngoài chữ “Ừ.”



Hôm sau là thứ bảy, cũng là lễ Tạ Ơn.

Chỉ là với Thư Niệm ngày nghỉ lễ cũng không khác gì ngày nghỉ thường.

Cô vẫn như thường lệ, đến thư viện tỉnh từ sớm tinh mơ.

Trước khi bắt đầu mở bài ôn tập, Thư Niệm giở quyển Trò Sudoku ra chơi một ván.

Thư Niệm giờ đã thích việc giải Sudoku.

Một phần là vì đây là trò Tống Kỳ Thanh thích, phần là vì Thư Niệm nhận ra giải toán Sudoku là một cách giúp bản thân bình tĩnh khá hiệu quả, vả lại trò này đúng là dễ bề rèn tư duy logic thật.

Giải xong một ván, cô lại trả quyển sách về kệ.

Thư Niệm vừa về chỗ mình đã nhìn thấy Tống Kỳ Thanh xách cặp đến.

Cậu dừng lại ngay chếch phía đối diện cô rồi kéo nhẹ ghế dựa ra sau.

Dưới đôi mắt ngỡ ngàng của Thư Niệm, Tống Kỳ Thanh cười cười với cô, còn hơi hếch cằm lên như chào hỏi.

Thư Niệm ngạc nhiên chớp chớp mắt.

Cậu chưa từng đến đây vào thứ bảy hay chủ nhật kia mà.

Dạo còn nghỉ hè cô đã cố ý quan sát quy luật đến thư viện tỉnh của cậu chàng, cậu chỉ đến đây từ thứ ba đến thứ sáu thôi.

Sao hôm nay lại đến vậy?

Thư Niệm mù mờ song cũng không định tìm tòi nghiền ngẫm gì thêm.

Cậu xuất hiện bây giờ thật sự khiến cô ngạc nhiên, cũng là một niềm vui bất ngờ.

Kể cả khi lúc ở đây hai người cũng mạnh ai nấy bận việc người nấy, hoàn toàn không tìm nhau nói năng gì.

Nhưng có thể được nhìn thấy cậu đã khiến Thư Niệm vui vẻ lắm rồi.

Đến trưa Thư Niệm đến một quán ăn gần thư viện dùng bữa, lại tiếp tục tình cờ bắt gặp Tống Kỳ Thanh đang ăn mì trong quán.

Tuy thời tiết trở lạnh nhưng người đến quán ăn bữa trưa bấy giờ cũng không ít ỏi gì, lúc Thư Niệm vào thì cũng hết sạch bàn trống rồi.

Mà bà chủ quán tiếp đón nồng nhiệt quá nên Thư Niệm ngại không dám bước ra khỏi quán ăn ruột này của mình.

Cô gọi một phần ăn rồi lấy điện thoại thanh toán.

Mấy tháng nay Thư Niệm rất hay đến quán ăn cơm trưa nên bà chủ cũng đã quen mặt cô, bà nói với Thư Niệm: “Cô bé, con cứ ngồi đại chỗ nào đi đã, ngồi cùng bàn với khách khác cũng được đấy.”

Thư Niệm hơi mắc chứng sợ giao tiếp nghe thế thì thật sự không biết nên ngồi đâu mới tốt.

Để cô ngồi ăn cơm với người dân nước lã thật sự khiến cô rất khó chịu.

Người duy nhất cô quen trong quán là Tống Kỳ Thanh.

Nhưng nếu so ra thì có khi cô ngồi với cậu chàng còn mất tự nhiên hơn ngồi với người khác.

Lúc cô còn đang định tìm bàn có nữ để ngồi ăn cùng thì Tống Kỳ Thanh nhìn cô một cái, tốt bụng nói: “Thư Niệm, đến đây ngồi này.”

Đây là lần đầu tiên cậu gọi tên cô.

Thư Niệm được gọi tên mà tim run bần bật.

Cô vốn định tránh chỗ cậu, nhưng người ta đã mở miệng, Thư Niệm mà từ chối thì lại càng khó xử hơn.

Thế là cô cười cười xấu hổ, bước đến bàn cậu chàng ngồi, chờ phần ăn mình gọi được dọn lên.

Tống Kỳ Thanh đã ăn được non nửa bát mì pan mee (*), còn đang cầm điện thoại chơi.

(*) Pan mee hay còn gọi là banmian, một món phở của người Hakka: Món mì tươi kết tinh văn hóa ẩm thực giữa Malaysia và Trung Quốc có thịt băm, trứng, tương ớt và một số gia vị khác

Bữa trưa của Thư Niệm được chủ quán mang đến rất mau.

Bà chủ nhìn thấy lọ giấm nhỏ trên bàn đã cạn, bèn nói với Thư Niệm: “Cô đi lấy cho con lọ giấm mới.”

Bà chủ biết Thư Niệm thích ăn miến với giấm nên mới nói thế.

Thư Niệm gật đầu nói cảm ơn, chờ bà chủ thay lọ giấm mới rồi mới cầm lấy, cho một ít vào phần miến nước rồi lấy đũa trộn lên, xong xuôi mới bắt đầu cúi mặt ăn.

Tống Kỳ Thanh ngồi đối diện cô, ngón tay nhanh nhẹn lướt trên màn hình điện thoại.

Một ván game cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian, cậu chơi xong thì Thư Niệm cũng đã ăn hết phần cơm trưa.

Bấy giờ Tống Kỳ Thanh mới đặt điện thoại sang một bên rồi cúi đầu ăn mì.

Sợi mì trong bát của cậu đã gần vón cục lại cả.

Thư Niệm đã ăn đẫy bụng, khi cô lau miệng chuẩn bị rời đi, Tống Kỳ Thanh cũng vừa mới ăn xong.

Cậu đứng dậy trước cô, cầm điện thoại xoay người ra ngoài.

Thư Niệm nối gót theo sau anh đi ra quán ăn.

Bầu trời hôm nay quang đãng sáng ngời, tuy lạnh thì vẫn lạnh run lên đấy nhưng có ánh sáng mặt trời ban trưa chiếu soi xuống vẫn mang lại hơi ấm cho người ta.

Thư Niệm cúi đầu nhìn bóng Tống Kỳ Thanh phản chiếu trên nền đất.

Lát sau, cô lấy điện thoại ra từ túi áo, cầm bằng một tay, tay còn lại giơ chữ V trước camera của máy rồi ấn nút chụp.

Trong phô ảnh, tay cô tạo dáng chữ V, bên cạnh là một bóng đổ dài trên đất.

Là bóng của Tống Kỳ Thanh.

Thậm chí máy ảnh còn bắt được một góc gót giày cậu nữa.

Buổi chiều Tống Kỳ Thanh không ở thư viện tỉnh lâu, cậu thu dọn đồ đạc rời khỏi vào độ hai giờ chiều.

Không chào hỏi gì với Thư Niệm mà đi luôn.

Sau khi cậu đi, Thư Niệm vẫn đang cúi đầu học bài ngẩng đầu nhìn bóng lưng rời đi của cậu chàng, lại nhìn chỗ cậu vừa ngồi một chốc rồi tiếp tục vùi đầu vào bài vở.



Sáng hôm chủ nhật, Thư Niệm ngủ dậy, thấy thời tiết không tốt lắm, vòm trời âm u đầy mây mù, e là sắp có bão đến.

Nhưng cô vẫn chuẩn bị đồ đạc đến thư viện tỉnh.

Hôm qua Thư Niệm có cảm giác hôm nay Tống Kỳ Thanh sẽ không đến nữa.

Thật vậy, cả buổi sáng chẳng mảy may thấy bóng dáng cậu đâu.

Chuyện này hoàn toàn nằm trong dự liệu của Thư Niệm, sáng cô cũng đã đoán là sẽ vậy rồi nhưng lòng vẫn không kiềm được cảm giác hụt hẫng thất vọng.

Trưa ấy Thư Niệm lại đến quán cũ ăn cơm, gọi một phần mì.

Là món mì pan mee mà hôm qua Tống Kỳ Thanh đã ăn.

Món mì đặc biệt này khá cay, Thư Niệm đổ rất nhiều giấm vào để bớt độ cay rồi mới ăn mì.

Ăn trưa xong về thư viện, cô bèn nhìn thấy một bóng người quen thuộc ở chiếc ghế mà Tống Kỳ Thanh thường ngồi.

Không gian bên trong thư viện tỉnh rất ấm cúng, Tống Kỳ Thanh cởi áo len ngoài, chỉ mặc độc mỗi áo trắng cao cổ bên trong.

Thư Niệm đứng sau lưng cậu, nhìn bóng dáng cậu mà giật mình.

Cô thật sự không ngờ hôm nay cậu vẫn sẽ đến, còn là chiều mới đến nữa.

Thư Niệm chậm rãi đi qua, nương theo lối nhỏ bên cạnh lách qua cậu rồi ngồi vào chỗ mình.

Dù hôm qua cậu đã chủ động vẫy tay chào cô nhưng Thư Niệm thật sự không thể tự nhiên thoải mái chào cậu lại được.

Cô chẳng nói chẳng rằng, chỉ cầm bút cúi gằm đầu nhìn lăm lăm đề thi, lòng thì sầu muộn trách bản thân thật sự chả được tích sự gì.

Chỉ mỗi chuyện chào hỏi nhau thôi mà còn chả dám làm.

Đương nhiên, thời cơ chào hỏi giờ đã hết, Thư Niệm chỉ có thể tiếp tục im như thóc, cố gắng bình tĩnh để tập trung tinh thần giải đề.

Đông đến, ngày ngắn mà đêm thì dài, trời vừa 5 giờ chiều đêm đã bao phủ khắp muôn phương.

Khi thư viện tỉnh đóng cửa thì trời tối sẫm hết cả rồi.

Và không biết tuyết đã rơi tự bao giờ.

Lúc Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh lần lượt xách cặp ra ngoài thì nhìn thấy trời đầy tuyết, cả thế gian trước mắt ngập trong một màu trắng thuần bao la.

Tuyết đã đọng một lớp dày trên đất.

Thư Niệm đi đầu bước xuống bậc thang, đồng thời dịu dàng nói với cậu chàng: “Hẹn gặp lại nhé, Tống Kỳ Thanh.”

Tuy chiều không thể chào hỏi người ta nhưng tối có thể chào tạm biệt mà.

Tống Kỳ Thanh gật đầu, cười đáp: “Hẹn gặp lại.”

Thư Niệm dẫm lên lớp tuyết đọng bước đến trạm chờ xe, lúc cô còn đang chờ chuyến số 21 thì Tống Kỳ Thanh chạy xe đạp vụt qua từ phía sau cô.

Phần bánh xe cũng phủ đầy tuyết, trông hệt như chiếc diều tuyết lãng đãng giữa tầng không và được gió tuyết cuốn đi, càng bay càng xa.

Đứng trước biển báo bến xe buýt, Thư Niệm hơi ngẩng mặt lên, nhìn những bông tuyết rơi trên bầu trời đêm, nụ cười khẽ nở trên môi.

Đêm Giáng Sinh năm 2016, được may mắn cùng cậu ấy ngắm tuyết đầu mùa rơi nơi đất Thẩm Thành.



Trường khai giảng vào thứ hai, Tư Ngưng nói Thư Niệm biết họ sắp phải phân ban.

Mà chuyện này là do Tề Hạ rủ rỉ cho Tư Ngưng hay.

Thư Niệm hỏi cô nàng: “Bao giờ bắt đầu chia thế?”

Tư Ngưng lắc đầu, “Tớ cũng đâu biết, nhưng chắc là mấy ngày nữa là đến rồi.”

“Cậu nghĩ mà xem, sau kỳ nghỉ tết Dương là tới cuối kỳ, Nhà trường nhất định sẽ cho mọi người về nhà bàn bạc với phụ huynh chuyện chọn ban tự nhiên hay xã hội gì đó, khai giảng sau lễ chắc sẽ chốt luôn không chừng đấy?”

Tư Ngưng đoán đúng phốc.

Dù ngày cuối cùng trong năm rơi vào thứ bảy nhưng vì để họp bàn chuyện tết Dương Lịch nên nhà trường thông báo mọi người phải đến học bù một hôm.

Trước khi tan học, thầy cô chủ nhiệm toàn khối 10 tổ chức một buổi họp lớp, chủ yếu là để phổ cập cho học sinh về chuyện phân ban.

Thầy Dương bảo lớp trưởng Tề Hạ phát cho mỗi người giấy đăng ký ban rồi lớn giọng nói: “Các em đừng điền vội, cứ về nhà nói chuyện với phụ huynh một chút rồi đi học điền vào giấy đăng ký và nộp lại là được.”

“Đem giấy về nhà dịp lễ nhớ phải giữ cho kỹ đấy nhá, hạn nộp giấy phân ban là vào sau kỳ nghỉ lễ.”

“Cuối cùng, thầy muốn nói chuyện này, em nào thật sự muốn chọn ban chọn, nhất là ban xã hội đừng lo ban này sẽ thiếu giáo viên hay trình độ giáo viên không được xuất sắc làm gì, thầy cô ban văn, ban xã hội trường chúng ta là giáo viên xuất sắc cấp tỉnh, cũng sẽ không có chuyện không nhiệt tình giảng dạy, các em đừng chăm chăm tin vào tin hành lang trôi nổi làm gì, trường ta tuy mạnh khoa học tự nhiên thật, nhưng chủ yếu là vì ban này có nhiều em chọn, ban xã hội trường ta cũng không kém cạnh chút nào đâu.”

“Các em cứ suy nghĩ thật kỹ về môn học mình yêu thích là môn mình giỏi, hy vọng các em có thể bình tĩnh, cũng như tỉnh táo chọn ban, bởi lẽ chuyện này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thi đại học sau này của các em.”

Thư Niệm nhìn tờ giấy đăng ký phân ban trong tay, hơi mím môi.

Cô học lý rất tệ, hóa học với sinh cũng không giỏi giang gì, trái lại thành tích ba môn văn sử địa của cô đều rất ổn, thành tích vẫn luôn vững vàng ổn định.

Thư Niệm không bối rối lắm, dứt khoát quyết định chọn ban xã hội.

Cô muốn đến học ban xã hội.

Và, cô cũng biết, chắc chắn Tống Kỳ Thanh sẽ chọn khoa học tự nhiên.

Rất có thể qua kỳ nghỉ tết Dương Lịch này, khoảng cách giữa cậu và cô không còn là bạn cùng lớp nữa.

Khoảng cách đã lùi đến người bên xã hội người bên tự nhiên luôn rồi.

Nghe có vẻ không nghiêm trọng gì.

Nhưng thật ra nếu khác ban thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không học cùng lớp, cũng có thể không học cùng tầng.

Mà ít ra vẫn còn học cùng một tòa nhà, thậm chí cùng một khu học nhỉ.

Ấy vậy mà trong mắt Thư Niệm, khoảng cách này đã xa lắm rồi, xa đến độ từ nay về sau họ chẳng còn có dịp gặp nhau nữa.

Cậu như một cơn mơ xa xăm chẳng thể nào với đến…

Hết 08.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv