Quan Hạc Bút Ký

Chương 10: Ngước Thấy Đài Xuân (4)



Nói ra cũng lạ.

Đầu xuân năm thứ mười hai vẫn luôn là ngày có gió khô, nhưng vừa đến tháng hai, mưa lại đột ngột nhiều hơn trước rất nhiều.

Đặng Anh cũng chẳng muốn đi lại quá nhiều, gần như cả ngày ở trong Thái Hòa Điện.

Công trình xây dựng lại Thái Hòa Điện chuẩn bị tiếp liệu mất liền bốn năm, bản vẽ công trình ban đầu do Trương Xuân Triển chủ trì phác thảo, vì kết cấu chủ thể làm bằng gỗ nên một khi gặp sét đánh, tình thế cháy lan gần như là bất khả kháng. Trước khi xây lại Thái Hòa Điện, Đặng Anh từng bàn lại với các thợ thầy, tiến hành sửa đổi bản vẽ nhiều lần, bản vẽ đặt trong lều1 bây giờ đã chất cao bằng nửa người.

1 Lều lán đơn giản có mành che ở công trường.

Mưa to mấy ngày liên tiếp, tủ bản vẽ bị hỏng, công trình dùng gỗ cây lớn làm vật liệu xây dựng cũng không sao hoàn thành được.

Đám thợ xây rảnh rỗi, phần lớn ngồi trong lều vừa tránh mưa, vừa tán gẫu.

Chân bàn ghế đều đã mốc meo, nhưng đồng thời cũng phảng phất mùi thơm của gỗ lâu năm.

Có người pha trà, treo trên bếp nhỏ, mọi người đến chia nhau qua uống một ngụm hong người, hơi ẩm trên thân dường như không còn quá khó chịu.

Đặng Anh bưng bát trà, đứng trong đám người trò chuyện với các thợ.

Những người thợ này đa phần đều xuất thân từ Hương Sơn Bang2 của Trương Xuân Triển, đã quen biết Đặng Anh mười mấy năm. Họ đều là người kiếm cơm nhờ tay nghề, không dính dáng gì nhiều đến triều đình và cung đình, không phải băn khoăn nhiều mà cũng có gan nói, nhưng họ không có cái nhìn toàn cục, muốn bày tỏ gì đó với Đặng Anh, song lại chẳng nói được lời phải hay, vả chăng còn sợ nói nhiều sai nhiều, bởi vậy mà trở nên dè dặt trước mặt Đặng Anh.

Đặng Anh biết, những người này còn để ý tâm trạng chàng đã ổn định lại chưa hơn cả chàng.

2 Hội nhóm thợ xây đến từ Hương Sơn, nay thuộc Tân Trúc, Đài Loan.

Nhưng chàng cũng hiểu rõ, đối với chàng hay với những người này, chuyện “bình phục” đều là một quá trình rất dài.

Thế nên, ngoại trừ chuyện công trình, thỉnh thoảng chàng cũng sẽ kể cho họ nghe cuộc sống của mình ở nội đình để hòa giải “khúc mắc” giữa hai bên.

“Hai hôm trước tôi còn định đợi qua kinh trập rồi mới lấy trà Tống sư phụ tặng năm nay mới ra uống. Kết quả, hôm nay mọi người đều vì mưa mà mắc tại đây, thôi thì cứ lấy ra vậy.”

Anh thợ tặng trà cho chàng nghe lời này xong mừng rỡ khôn xiết, vội nói:

“Ngài thích là tốt rồi, vườn năm nay vừa ra vụ mới, nhưng đầu năm nhà tôi ốm bệnh, không kịp hái. Mấy ngày trước tôi chạy về nhờ người trong thôn hỗ trợ, cuối cùng cũng thu được một nửa, hôm nào nhà tôi khỏe hơn rồi sẽ lại bảo nàng đưa thêm một ít đến cho đại nhân.”

Anh ta gọi Đặng Anh là “đại nhân”, vừa dứt lời thì bị người khác kéo tay.

Một loạt dao mắt phóng tới, làm anh ta tức thì mặt đỏ tía tai, há miệng ngẩn người, hối hận mình lỡ lời, không dám nhìn Đặng Anh nữa.

Đặng Anh cười, tiếp lời y: “Tôi còn sợ mọi người vào đây làm công rồi lại chẳng buồn ngó ngàng gì đến ruộng nương vườn tược gì trong nhà nữa ấy chứ.”

Người kia thấy Đặng Anh không trách tội lại càng hối hận hơn, cũng không dám oang oang, cúi đầu rầu rầu đáp: “Dạ, có ít ỏi thì cũng là gia nghiệp tổ tiên, không dám lơ là…”

Bầu không khí có phần u ám, mành cửa lều bị gió thổi phần phật.

Bên ngoài mưa rất lớn, mùi gỗ hơi đất đều mang cái lạnh đầu xuân, thân mình Đặng Anh đó giờ vẫn dưỡng chưa khỏe hẳn, đặc biệt là cổ chân, sớm tối đều sợ lạnh sợ rét, đứng lâu là không thoải mái.

Nhưng chàng vẫn quen đứng cùng đám thợ xây.

Đó là thói quen Trương Xuân Triển đã gìn giữ suốt mấy thập niên.

Ông từng nói với Đặng Anh: “Xây cung thành cũng như mang binh bên ngoài vậy, không tính toán lòng người phức tạp đến thế, mục đích của mọi người là nhất trí, chỉ cần con có thể khiến họ an tâm là họ có thể một lòng một dạ dồn sức vào việc của mình. Lầu cao có vững chãi hay không là do con người quyết định. Nhưng muốn làm chuyện này, chỉ suy tính đến bản thân thôi thì chẳng có lợi ích gì, con phải có nghị lực ‘chung thân vi sĩ, bất diệt văn tâm’. Có nghị lực ấy mới biết ghi nhớ trách nhiệm con cần phải đảm đương. Có thế, cung điện thành trì mà con dẫn dắt họ kiến tạo mới không trở thành một đống gỗ lim vô dụng.”

Lúc Trương Xuân Triển dạy lời này, Đặng Anh hãy còn rất trẻ, không khỏi hỏi lại: “Vậy phải thế nào mới giữ vững được “văn tâm” ạ?”

Trương Xuân Triển nói với chàng: “Bất kể ở đâu cũng không được quên, con xuất thân từ chốn thư trai mười năm khổ học. Dù cho con không thích người và việc trên hoạn lộ, đi con đường không giống với bọn Dương Luân, nhưng con phải nhớ, người thầy chân chính của con trước sau mãi là đại học sĩ Bạch Hoán, con cũng giống như Dương Luân, sống trên đời phải xứng đáng với thân phận và công danh của mình.”

Về sau trưởng thành, Đặng Anh mới dần hiểu được thâm ý bên trong lời dạy này.

Trải qua bao đời sư đồ truyền thừa, đồng môn giao du, họ vẫn đang không ngừng biện luận, giải thích dục vọng “tu thân trị quốc bình thiên hạ” của mình, những dục vọng này chống đỡ quá nửa xương sống của người đọc sách, họ là trụ cột vững chắc của vương triều, cũng là người đặt nền móng cho phần lớn sự nghiệp xã tắc dân sinh.

Trước đây, trong nghiên cứu về giai đoạn đầu triều Minh của mình, Dương Uyển đã tiến hành giải thích khái quát về “văn tâm” của Đại Minh.

Sau khi có sự can thiệp của phép biện chứng, cô không thể không xét phương diện cổ hủ trong đó, nhưng về sau, trong nghiên cứu của cô về Đặng Anh, cô cho rằng khái niệm “văn tâm” này luôn là điểm trụ trong tác phong hành sự của Đặng Anh, thậm chí còn là căn nguyên cho kết cục thảm khốc sau cùng của chàng.

Chàng không thích đứng trên lập trường của đám hoạn quan để tư duy vấn đề, chàng muốn làm chuyện không hợp với thân phận của mình.



Nhưng, phải nói thế nào đây?

Thi thoảng lúc phải gió, Dương Uyển cũng sẽ nảy sinh vô vàn suy nghĩ táo bạo về chuyện này.

“Da thái giám, xương văn sĩ” và “thân kĩ nữ, tâm Quan Âm” đều mang cùng một cảm giác cấm kị, phát huy một chút thôi là có thể viết ra một bộ truyện mấy chục ngàn chữ trên Tấn Giang rồi.

Cô yêu những vết nứt như vậy, so với sách sử chỉ thuần mang tính chất liệt kê, những khe nứt này đều có thể khiến làn gió nhẹ trong tinh thần loài người lưu động trong đó, hơn cả là có thể thể hiện rõ ràng “tính nhân văn” của dòng khoa học xã hội nhân văn.

Đáng tiếc, cô còn chưa kịp chạm được đến điểm này của Đặng Anh. Đặng Anh đã dùng tính cách của bản thân chàng để nội tâm hóa những điều như nước lặng dòng sâu của thời đại đó. Bởi vậy nên chừng mực của chàng hoàn toàn khác Dương Uyển.

Tương tự như Trương Lạc không thích Dương Uyển là vì cảm thấy cảm giác chừng mực của Dương Uyển vượt lên trên mọi phụ nữ của thời đó, điều này khiến hắn vô cùng bất an.

Tuy nhiên, người xung quanh Đặng Anh thì lại chưa bao giờ cảm thấy có bất kì sự giả tạo nào trong tính cách của chàng.

“Mấy tháng ở trong ngục, tôi rất nhớ ngụm trà này, nếu còn có thể nhận được trà mới thì lại tốt quá, chỉ là không biết có làm phiền người nhà anh không?”

Đặng Anh chủ động đề cập tới chuyện xảy ra với mình trước đó.

Nghe xong, anh thợ nói chuyện lập tức hiểu được lời này là để trấn an anh ta.

Trong lòng anh ta vốn hổ thẹn, vội đứng dậy chắp tay: “Chuyện này nào có phiền gì đâu, mồm miệng tôi thất thố, chẳng ăn nói được câu gì nên hồn, không cần đến cũng được, lấy luôn bùn đất bít lại cho xong, sau này chỉ cần giữ lại tay làm việc đưa đồ cho ngài mà thôi.”

Mọi người nghe vậy cùng cười ồ.

Đặng Anh cũng cười lắc đầu.

Khói trà rất ấm, hun mũi chàng ngưa ngứa, chàng giơ tay còn lại lên, dùng mu bàn tay ấn nhẹ mũi.

Hôm nay không phải trực ở nội học đường nên chàng mặc thường phục màu xanh, ống tay áo xắn nửa, đến lưng chừng cánh tay, để lộ ra hai, ba vết thương cũ sắp lành.

“Ngài còn chưa khỏe hẳn ạ?”

Bầu không khí hài hòa rồi, mọi người cũng dám mở miệng hơn.

Đặng Anh nhìn cánh tay mình, gật đầu nói: “Sắp khỏi hẳn rồi.”

Nói đoạn nghiêng người đi khép tấm mành che mưa đằng sau lưng rồi mới xoay lại nói tiếp: “Thực ra… tôi cũng không nghĩ gì nhiều lắm, mặc dù không ở Công bộ nhưng hiện giờ làm việc với mọi người vẫn như lúc trước, nếu mọi người bằng lòng, sau này cứ gọi thẳng tên tôi là được.”

“Nào dám, nào dám.”

Những người còn lại cũng phụ họa theo.

Người vừa cất tiếng quay sang bảo mọi người: “Tôi thấy vẫn nên gọi tiên sinh như hồi trước lúc ở ngoài cung là ổn nhất.”

Đặng Anh cười đồng ý, không từ chối.

Vừa vặn ngoài lều vang một tiếng sấm rền, mọi người cùng đứng lên xúm lại cửa lều. Sấm sét chợt lóe trên bầu trời, mây càng ép xuống thấp hơn, xem chừng màn mưa không có vẻ gì là sẽ ngớt.

Đặng Anh ngẩng đầu, ngắm nhìn mái ngói lưu ly mới xây được non nửa trong mưa, chắp tay im lặng.

“Tiên sinh.”

“Vâng.”

“Năm nay mưa nhiều đến bất thường nhỉ.”

Đặng Anh gật đầu: “Phải. Đầu năm không có tuyết, sang xuân mưa đổ nhiều, cũng khó mà tránh được. Ban nãy trước khi qua đây, tôi thấy vật liệu gỗ lim1 đã bị nước mưa thấm hỏng quá nửa rồi.”

1 Cung điện trong cố cung nhà Minh chủ yếu có kết cấu gỗ, chủ yếu là sử dụng gỗ lim.

“Đúng đó ạ.”

Đám thợ tỏ vẻ sầu lo: “Đã báo với bên nha môn rồi, đấu củng mặt nam đã xây xong mà đến giờ chúng ta vẫn chẳng thấy vật liệu Lưu ly xưởng đưa tới đâu, còn tiếp tục mưa thế này thì lại phải sửa gờ mộng xà trụ một lần nữa mất thôi.”

Đang nói thì Từ Tề sang nha môn Công bộ nghị sự trở về, thân đẫm nước mưa, thần sắc khó coi, dáng vẻ có phần nhếch nhác.

Đám thợ xây vội vàng nhường sang một bên, hành lễ.



Từ Tề nhìn họ, tự rót cho mình một chén trà, khoát tay: “Các người cứ nghỉ ngơi đi.”

Đặng Anh đặt chén trà của mình xuống, đi đến trước mặt Từ Tề hành lễ.

“Mọi người đang thảo luận chuyện Lưu Ly Xưởng, đại nhân…”

Từ Tề ngắt lời chàng: “Ngươi khỏi giục, dù sao mấy ngày nữa là thấy được khoản tiền rồi.”

Nói xong hớp một ngụm trà, thấy thô chát gắt miệng, cục tức trong lòng vốn chưa xuôi, bèn dứt khoát gác chén trà lại, mượn trà trút giận: “Thật đúng là người hay trà cũng đều như nhau, vào mồm vừa chát vừa hôi mà còn không phun ra được.”

Đặng Anh đứng một bên im lặng, Từ Tề càng nói càng tức, chẳng ngại mở miệng quát nạt: “Thằng bị trảm ăn của triều đình, thằng đi trảm cũng ăn của triều đình. Đặng Anh!”

Đặng Anh còn đang nghĩ chuyện Lưu ly xưởng, nhất thời không kịp đáp lời.

“Ngươi còn chưa quen nghe gọi tên à?”

Từ Tề không vui, khó tránh chế nhạo.

“Không ạ.” Chàng vừa nói vừa chắp tay: “Đại nhân, mời nói.”

Từ Tề bỏ chén trà xuống, hỏi: “Lúc trước ngươi ở Công bộ giao thiệp với Nội các như thế nào?”

Đặng Anh bình tĩnh trả lời: “Thực ra chúng ta không cần tham dự quá nhiều vào chuyện kết toán và dự tính đầu năm của Nội các và lục bộ đâu.”

Từ Tề giương mắt: “Là sao?”

Đặng Anh đi ra trước mặt y, đáp: “Sau khi cha tôi đền tội, điền sản ở Sơn Đông đến giờ vẫn còn đang thanh toán, Ti lễ giám và năm bộ còn lại đều đang đợi khoản cuối, hai năm qua, thuế muối và hải mậu đều không tốt lắm, thế nên bất kể năm nay tính toán điều phối thế nào thì cũng phải chờ tuần phủ Sơn Đông vào kinh trình báo, đợi đến lúc ấy, chúng ta bẩm báo nhu cầu thực tế trong việc xây lại Tam đại điện, mới có thể dò được ngọn nguồn của Hộ bộ và ý định thực sự của nội đình, bây giờ nói nhiều cũng không có tác dụng gì.”

Câu này hơi dài, nói xong, chàng không kìm được cúi đầu ho hai tiếng.

Từ Tề hơi sửng sốt, không ngờ chàng lại tự đề cập đến chuyện thanh toán điền sản của Đặng Di, mở miệng hỏi: “Trước đây ngươi thực sự không hề hay biết chuyện nhà họ Đặng các ngươi làm bá chiếm Sơn Đông à?”

“Vâng.” Đặng Anh bình thản đáp: “Mười năm không hỏi ạ.”

Mười năm không hỏi.

Rốt cuộc là cốt nhục lạnh nhạt hay là tự mình thanh liêm đây?

Nhất thời, Từ Tề dậy lên ý muốn có một phán định cụ thể cho người trước mắt.

“Ngươi…”

Y vừa mở lời thì nội thị trên Thái Hòa Môn đánh chuông thúc giục chuẩn bị khóa cửa.

Từ Tề đành thôi, vội vàng cùng đám thợ xây tổng kết hoàn thành danh sách vật liệu cần thiết cho việc xây dựng, đứng dậy rời đi.

Đặng Anh thấy mưa không ngớt ngay được, bèn bảo nhóm thợ xây tự nghỉ ngơi, bản thân thì một mình mở ô băng qua quảng trường Thái Hòa Môn, trở về trực phòng.

Hôm ấy là mồng năm tháng Hai, là ngày hội ấp1 của Nội các và cấp sự trung Lục khoa, đèn đuốc trong trực phòng Nam Tam Sở hãy còn ấm, hội ấp hôm nay không chỉ bàn suông mà còn nhắc đến vấn đề phẩm hạnh của vài vị quan kinh thành, Nội các thứ phụ Trương Tông không thích Lục khoa tấu hặc học trò của mình, hai bên đôi co, cuối cùng để lỡ giờ giấc.

1 Là ngày Lục khoa (tương đương với giám sát, quản lí bộ ngành) và các đại thần Nội các tác ấp (thi lễ vái chào), tức là bộ phận hành chính và bộ phận giám sát giao lưu tình cảm với nhau, tránh mâu thuẫn quá căng thẳng.

Lúc Đặng Anh đi đến trước cửa Nam Tam Sở, Nội các thủ phụ Bạch Hoán cũng vừa đi từ trực phòng hội ấp ra.

Trời mưa quá to, Đặng Anh không xách theo đèn, Bạch Hoán cũng nhất thời không nhận ra tướng mạo Đặng Anh.

Năm đó trong những người đỗ tiến sĩ mặc dầu có hậu bối nhà họ Bạch của ông, nhưng người Bạch Hoán thích nhất lại là hai thanh niên Đặng Anh và Dương Luân. Dương Luân do một tay ông đề bạt, nhưng năm thứ hai Đặng Anh làm thứ cát sĩ1 lại được Trương Xuân Triển nhìn trúng. Sau đó Trương Xuân Triển đã đích thân nói với ông rất nhiều lần, dù Đặng Anh không ở hoạn lộ nhưng vẫn không muốn chàng cắt đứt duyên phận thầy trò cùng Bạch Hoán. Chàng không phải người phí hoài cả đời vào đất đá, đợi Tam đại điện hoàn thành rồi, vẫn sẽ trả chàng về.

1 Tương đương với cương vị một thực tập sinh ở Hàn lâm viện, thông thường, thanh niên thi đỗ tiến sĩ đều sẽ nhậm chức này vài năm.

Nào ngờ, còn chưa trả về, Trương Xuân Triển đã đổ bệnh nặng.

Tiếp đó, dưới sự bày mưu tính kế của Trương Tông và thêm dầu vào lửa của ông, Đặng đảng hoành hành ngang ngược nhiều năm cuối cùng cũng sụp đổ.

Tuổi xế bóng, thấy sắc trời.

Mà học trò ông thích nhất thì cứ thế không thể tìm về được nữa.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv