Phượng Hoàng Tại Thượng

Quyển 3 - Chương 130: Vạn kiếp bất phục



Đứa trẻ bị cha ruột vứt bỏ chẳng biết từ lúc nào đã tỉnh lại, song nó không hề gào khóc, cực kỳ yên tĩnh.

Nam tử để sách xuống, đưa tay nhẹ vuốt mi tâm mình, “Cô Hà, tại sao lại ném củ khoai nóng bỏng như thế cho bổn thần.”

Trên người đứa trẻ này không chỉ chảy dòng máu Long thần mà còn thu nạp cả lực bổn nguyên của Tà thần, tương lai nếu nó sinh ác tâm, tất nhiên sẽ là phiền phức của lục giới, không, phải là phiền phức cực lớn mới đúng.

Cũng khó trách tại sao Cô Hà không dám để nó lại trong tộc, dân trong tộc mà biết ắt liền sẽ chẳng yên… Đừng nói là Không Động không chứa chấp được đứa trẻ này, nếu chuyện này đến tai Tiên giới, e cả Thiên đế cũng chẳng thể ngồi yên không đoái hoài.

Tâm tư y dần trở nên nặng nề, đưa tay đến gần khuôn mặt non nớt của đứa trẻ, toàn thân từ từ tỏa ra sát khí, khiến ống tay áo cũng phải lay động. Song khi ngón tay y chạm đến mi tâm của đứa trẻ, mọi động tác đều đột ngột dừng lại, sát khí trùng điệp chậm rãi thu liễm, lần nữa trở về hư vô.

Ngắm nhìn ấn ký hình hoa long lâu từ từ hiện ra dưới đầu ngón tay, y rốt cuộc cũng biết vì sao Cô Hà lại mang đứa trẻ này đến tìm mình.

Cô Hà đã sớm biết, chỉ cần có ấn ký này ở đây, y sẽ không bao giờ xuống tay được.

Y chậm rãi ôm đứa trẻ vào lòng, đối mắt với con ngươi đen kịt của bé, vẻ mặt y tuy lạnh nhạt nhưng giọng nói lại mang theo dịu dàng khó thể che giấu, “Thường Y, là nàng sao?” Dứt lời y lại lắc đầu, thở dài đầy cô tịch, “Sao lại có thể là nàng chứ? Nàng đã… không còn trong lục giới từ lâu lắm rồi.”

Trầm Chu xem tới đây liền không nhịn được trầm ngâm: “Thường Y? Hình như đã nghe thấy cái tên này ở đâu thì phải…”

Tên nghe quen nhưng lại nhất thời không nhớ ra.

Phượng Chỉ không hổ là thượng thần sống từ thời thượng cổ, điềm nhiên nói rõ cho nàng biết: “Có tổng cộng bốn vị thượng thần sáng tạo nên Không Động, Thường Y là vị nữ thần duy nhất, đáng tiếc khi đại kiếp hồng hoang ập xuống, nàng ấy đã lấy thân hóa giải đại kiếp cho Không Động, không còn tồn tại trên lục giới nữa.” Rồi chàng dịu dàng trấn an nàng: “Tuy Thường Y là thượng thần của Không Động, song nàng ấy đi về cõi tiên hơi sớm, tiểu bối như nàng không nhớ rõ tên nàng ấy cũng là chuyện dễ hiểu.”

Trầm Chu kêu lên: “Ta nhớ ra rồi, thuở khai sơ có vị nữ thần xả thân ngăn cản đại kiếp cho Không Động, tương truyền máu nàng ấy nhỏ xuống biển Thái Hư rồi hóa thành một vạt hoa long lâu. Vị nữ thần đó chính là Thường Y.”

Phượng Chỉ *ừm* khẽ, nhìn về phía Mặc Hành trong huyễn cảnh, “Nghe nói khi còn sống Thường Y không hay qua lại với hai vị thượng thần khác, chỉ thân cận với mỗi Mặc Hành, thậm chí phần lớn thời gian đều ở chỗ Mặc Hành, bỏ không tư đinh của mình.”

Trầm Chu im lặng nghiền ngẫm rồi hỏi: “Tại sao Mặc Hành lại nhìn Phù Uyên mà gọi tên của Thường Y?”

Phượng Chỉ suy đoán: “Có lẽ là ấn ký hoa long lâu trên trán Phù Uyên khiến y nhớ tới cố nhân.”

Nhưng theo giọng điệu vừa rồi của Mặc Hành, dường như còn có ẩn tình khác. Chẳng lẽ y cho rằng người có ấn ký hoa long lâu trên trán chính là chuyển thế của Thường Y sao? Ngay sau đó nàng lại thấy tức cười vì suy nghĩ này của mình.

Làm gì có chuyện Mặc Hành cho rằng thần tiên cũng chuyển thế chứ.

Trầm Chu nhìn Mặc Hành trong huyễn cảnh trầm ngâm, chậm rãi đưa tay lên sờ trán mình, ấn ký trên trán nàng chính là nhờ thần lực của diễm linh châu mà thành, không phải vừa sinh ra đã có. Vừa nghĩ đến đây, ánh mắt nàng không khỏi lộ ra vẻ phức tạp, tuy đã hết sức che giấu nhưng giọng nói vẫn có chút ảm đảm: “Nếu Mặc Hành đã động sát tâm, giờ phút này hẳn nên giết Phù…” Nàng thoáng khựng lại, đổi giọng: “”Nên giết đại ca mới phải.” Thân thể nàng hơi run run, “Nhưng tại sao đại ca lại nói mình bị Mặc Hành vứt bỏ ở đầm Vân Uyên chín năm trước?”

Phượng Chỉ đáp: “Giữa Tố Ngọc và Tu Ly có nhiều ẩn tình như vậy, chỉ e Mặc Hành và Phù Uyên cũng có hiểu lầm gì đó…”

Nàng khẽ *ừ*, giữ chặt tay chàng, chua xót nói: “Phượng Chỉ, trên thân ta cũng chảy dòng máu Tà thần…”

Phượng Chỉ giữ vai nàng, chưa lên tiếng thì chợt nghe thấy trên trời vọng xuống một giọng nói lười nhác nhưng nghiêm nghị, “Lò hương sắp cháy hết rồi, Tiểu Phượng, cưng và nha đầu phải nhanh lên.”

Hai người chỉnh đốn lại tâm trạng rồi tiếp tục đi qua từng huyễn cảnh.

Chuyện xảy ra sau đó thật ra cũng không có gì đáng nói, bệnh tình của Tố Ngọc lúc xấu lúc tốt, nhưng Tu Ly chưa bao giờ mất kiên nhẫn, suốt hai trăm năm vẫn dốc lòng chăm sóc nàng.

Qua huyễn cảnh, Trầm Chu có thể nhìn ra Tu Ly chật vật đến thế nào.

Sau khi từ bỏ lực bổn nguyên, thân thể vốn suy yếu mà vẫn phải chăm sóc Tố Ngọc, lại không thể bỏ bê chính sự, tất nhiên sẽ dẫn đến lao lực quá độ. Nhưng bất kể mệt mỏi đến đâu, chỉ cần trở lại bên cạnh Tố Ngọc, trên mặt Tu Ly liền tràn đầy thỏa mãn. Dường như chỉ cần nhìn thấy nàng là chàng có thể tiếp tục tiến tới.

Chàng dẫn nàng tản bộ, cùng nàng dùng bữa, kể chuyện xưa nàng thích cho nàng nghe… Có lẽ sự kiên nhẫn của chàng đã được đền đáp, vì gần một trăm năm mà Tố Ngọc không phát điên lần nào. Thậm chí khiến Trầm Chu có ảo giác rằng nàng đã khỏi hẳn rồi, về sau sẽ không lại phát cuồng nữa.

Song mong chờ của Trầm Chu lại rơi vào hư vô ở một trăm năm sau.

Một trăm năm sau, Tố Ngọc lại hoài thai lần nữa.

Lúc sinh Phù Uyên, Tố Ngọc không đợi long thai kết thành trứng đã mổ bụng lấy con. So với lần đầu tiên, kỳ mang thai này của Tố Ngọc trôi qua hết sức thuận lợi, long thai kết trứng rồi được sinh ra, đợi thêm một trăm năm nữa, thai nhi sẽ tự phá vỏ chui ra.

Từ đó về sau, Tố Ngọc dường như đã quên mất Phù Uyên, không còn nhắc đến cái tên này nữa. Nàng trông nom đứa con mới sinh của mình, còn Tu Ly trông nom nàng. Nhìn đôi nam nữ trong huyễn cảnh, Trầm Chu đã mấy lần không cầm được nước mắt, nếu không có Phượng Chỉ ở bên cạnh, e nàng đã chẳng khống chế được tâm trạng mình.

Lúc trước nghe nhắc đến phụ mẫu, trong lòng nàng là một mảnh mập mờ, còn bây giờ là tràn đầy sự chua xót.

Mẫu hoàng và phụ quân của nàng thật sự quá khổ.

Huyễn cảnh rốt cuộc cũng đi đến hồi cuối.

Trầm Chu thật sự muốn thoát ra khỏi huyễn cảnh, nhưng nếu không xem tiếp thì sẽ không tìm được đáp án nàng muốn tìm.

Tuy toàn thân đều kêu gào chống cự, song nàng vẫn niệm quyết, đi tới ngày Không Động xảy ra đại loạn.

Đó một buổi sáng tươi đẹp, nhưng vì biết hôm nay Không Động sẽ gặp đại kiếp gì, trong mắt Trầm Chu, bi thương oanh liệt lại ở khắp mọi nơi.

Đi đến trước điện Vĩnh Lạc của cung Hoa Dương, một bóng dáng đỏ thẫm đập vào mắt Trầm Chu. Nữ tử mặc trường bào đỏ kia đang gượng nằm bên một cái nôi, ánh mắt hết mực dịu dàng và chăm chú, miệng khe khẽ hát một điệu hát dân gian. Giọng nàng rất khàn cũng rất khẽ, không nghe kỹ sẽ không nhận ra.

Trên đại điện vang lên tiếng bước chân, nam tử dừng ở sau lưng nữ tử, đứng lặng một lúc mới cúi xuống nhẹ nhàng ôm nàng vào lòng, “Tiểu Ngọc.”

Giai điệu trong miệng nữ tử vẫn không ngừng, ánh mắt luôn không rời đứa trẻ nằm trong nôi.

Nam tử ôn tồn bảo: “Tiểu Ngọc, nàng đã ở đây cả ngày rồi, còn tiếp tục nữa sẽ quỵ mất. Hoa ngoài điện nở rộ rồi, giao nơi này lại cho nữ quan trông coi đi, chúng ta ra ngoài tản bộ một chút nhé?”

Nữ tử quay đầu lại liếc chàng rồi sẵng giọng trách: “Suỵt, chàng đánh thức A Chu bây giờ. Ta muốn ở đây với A Chu.”

Nam tử bất đắc dĩ thở dài, nói: “A Chu đã ngủ rồi, không cần chúng ta trông chừng đâu.” Sau đó chàng phải vừa dỗ vừa lừa mới mang được nàng ra ngoài.

Ngoài điện muôn hoa rực rỡ, hai người ngồi tựa vào nhau trên bậc thềm ngọc, cánh hoa theo gió bay lả tả, không lâu sau trong tóc và trên váy nữ tử đã vương đầy hương hoa.

Tố Ngọc vẫn còn ngâm nga khúc hát ru kia, hát xong nàng lại tựa vào lòng Tu Ly, nhẹ nhàng nhắm mắt lại, “Tu Ly, ta mệt mỏi quá.”

Tu Ly hôn lên tóc nàng, “Thế thì ngủ một giấc đi, nàng đã mấy ngày không ngủ rồi đấy.”

Nàng nói: “Ta sợ… sợ vừa mở mắt ra thì A Chu của chúng ta không còn ở đó nữa. Sợ Cô Hà sẽ bắt con bé đi.”

Nam tử đã quen với việc nàng nói năng lộn xộn lung tung, chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Có ta ở đây, không ai có thể mang A Chu đi cả.”

Nàng nắm chặt tay chàng, “Tu Ly, chàng sẽ cạnh ta chứ?”

“Ừ.”

“Sẽ luôn ở cạnh ta chứ?”

“Ừ.”

“Chàng thề đi, thề xong ta mới tin.”

“Được, ta thề sẽ vĩnh viễn ở cạnh nàng. Ngủ đi, Tiểu Ngọc.”

Nói xong câu này, nam tử lại thiếp đi trước. Nữ tử trong lòng chàng ngước lên ngắm chàng, nhìn hàng mày vẫn chau chặt trong khi ngủ của chàng thì chậm rãi đưa tay vuốt phẳng nếp nhăn. Trầm Chu không biết khi đó thần trí của Tố Ngọc phải chẳng đã tỉnh táo, nàng chỉ cảm thấy khi đó, hành động của Tố Ngọc chan chứa tình yêu dành cho Tu Ly.

Đúng vào lúc này trong điện Vĩnh Lạc bỗng vọng ra tiếng động.

Tố Ngọc nghiêm mặt, vội vàng đứng dậy đi vào trong điện.

Đi được nửa đường nàng bỗng đụng phải một thiếu niên áo trắng. Khi thấy rõ diện mạo của nhau, cả hai đều giật mình chết trân. Vẻ mặt thiếu niên thay đổi, trong mắt nổi lên vẻ vui mừng, bước lên thêm một bước, nhìn khẩu hình thì dường như muốn gọi ‘mẹ’.

Nhưng chữ kia còn chưa thoát khỏi môi cậu, Tố Ngọc đã lạnh lùng nói: “Không được qua đây!”

Có lẽ vì tướng mạo của thiếu thật sự rất giống Cô Hà, sắc mặt Tố Ngọc liền trở nên tái mét. Nàng run rẩy che mặt, như có sợ hãi cũng có chán ghét, vừa loạng choạng lui lại vừa thì thào: “Tại sao… ngươi lại ở đây?”

Nhìn thấy phản ứng của nàng, trong mắt thiếu niên xẹt qua vẻ đau xót. Hắn mím chặt môi, đau đớn hỏi: “Người… không muốn nhìn thấy con đến vậy sao?”

Tố Ngọc nhìn thiếu niên qua kẽ ngón tay, “Ta đương nhiên không muốn nhìn thấy ngươi.” Từng câu từng chữ của nàng đều khiến người nghe rùng mình, “Ta chỉ ước gì ngươi chết quách đi.”

Nghe vậy thiếu niên sững sờ, thật lâu sau mới trở lại bình thường, “Vậy sao, thì ra người hận ta đến như vậy.” Bàn tay trong ống tay áo siết thật chặt, tựa như còn có lời muốn nói song cuối cùng lại im lặng không nói gì.

Trầm Chu không biết thiếu niên đã mang tâm trạng gì tìm đến cung Hoa Dương, có lẽ hắn cũng như nàng, rất muốn biết phụ mẫu mình trông ra sao.

Sau đó Tố Ngọc lên tiếng chất vấn: “Ngươi muốn làm gì với A Chu?”

Thiếu niên giật mình, nhỏ giọng đáp: “Con chỉ muốn… nhìn cô bé một cái…”

Tố Ngọc lắc đầu, “Không, ngươi muốn bắt A Chu đi, ta không cho phép, tuyệt đối không cho phép!”

Trên thân nàng bỗng phừng phừng sát khí, trong tay hóa ra một thanh trường đao, chém thẳng về phía thiếu niên. Thiếu niên vô thức đưa tay ra đỡ, song lại có một bóng đen xuất hiện chắn trước mặt hắn, dùng tay không cản lưỡi đao lại.

Nam tử cuống quýt gọi: “Tiểu Ngọc!”

Thiếu niên ngẩng đầu lên, liền nhìn thấy một nam tử áo đen, mái tóc trắng nhẹ tung bay trong gió, vì dùng tay không đỡ đao mà máu tươi tứa ra, chảy xuống từng giọt một.

Giọng nam tử vừa cô tịch vừa dịu dàng, “Tiểu Ngọc, nàng nhận lầm người rồi.” Chàng lại quát với thiếu niên sau lưng mình, “Đi mau.”

Nhưng đã muộn.

Khi đó Tố Ngọc đã coi Phù Uyền thành Cô Hà, Cô Hà là cơn ác mộng nàng luôn muốn phong ấn, hễ phong ấn bị cởi bỏ thì chính là vạn kiếp bất phục.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv