Phù Dung Trì

Quyển 3 - Chương 2: Truyền kì về Thiên Vĩnh đế



PHẦN 3: Hoàng vị hoàng đế

Chuyện kể rằng, đất Khương La thuở xưa là một bình nguyên rộng mênh mông, có vạn đàn ngựa hoang, vạn hồ nước ngọt, vạn loài chim chóc, vạn giống cây rừng,... Ngựa ở Khương La nổi tiếng dũng mãnh khó thuần, mỗi đàn có đến vài trăm con. Nhân gian còn ca tụng tổ tiên của ngựa Khương La chính là vị hoàng tử nào đó sống ở Long Cung, bởi vì phạm lỗi mà bị trời phạt, phải hóa thành bạch mã đi lưu đày ở vùng bình nguyên này.

Những con ngựa trắng ấy gọi là Bạch Cự Long. Trong một vạn đàn ngựa có không tới một trăm con Bạch Cự Long. Giống ngựa ấy có lông trắng như tuyết, không lẫn một sợi khác màu. Mà đặc biệt hơn cả – cũng là bằng chứng cho xuất thân hiển hách chính là cái sừng nhỏ be bé nằm ngay trên đầu. Bạch Cự Long xưa nay luôn là con đầu đàn, không kể đực cái. Người đầu tiên thuần hóa được chúng chính là vị hoàng đế đầu tiên của nước Khương La – Ngưu Chỉ Ôn. Bởi vì có thể cưỡi trên lưng con bạch mã một sừng, Ngưu Chỉ Ôn được tôn làm tộc trưởng của tất cả các bộ lạc định cư trên đất Khương La. Dưới sự dẫn dắt của ông, một quốc gia đã ra đời, từ đó trải qua chín nghìn năm thăng trầm với hơn năm mươi triều đại. Khương La xưa nay vẫn luôn là một cộng đồng vững mạnh. Lúc suy yếu nhất nó vẫn chễnh chệ chiếm đóng một bờ cõi bình nguyên. Khi thịnh vượng nhất, nó trở thành đại vương quốc không kẻ nào dám xem thường. Qua các dòng họ vua chúa, chẳng còn ai nhớ nổi tất cả tên tuổi của những vị Hoàng đế trị vì Khương La. Người ta chỉ biết một vài người nổi bật nhất, ví dụ như tên hôn quân Liêm Sở Vinh từng giết hai trăm cận thần, bắt con dân xây dựng mười cung điện nguy nga, thành lập võ đài xem tù nhân đánh nhau với dã thú. Cái tên của hắn trở thành biểu tượng cho một thời đại đen tối. Sau này còn có một người làm các bậc thông thái tranh luận hàng trăm năm, ông ta là “vua tốt” hay “vua xấu”. Hạ Hầu Vĩnh Khang là cái tên khá mới, hoàng đế đời hai mươi ba của triều đại Hạ Hầu, đế hiệu là “Thiên Vĩnh”. Vị vua này được nhắc tới với hai lời nhận xét: “Tàn nhẫn và anh minh”.

Hạ Hầu Vĩnh Khang bị xem như “vua xấu” bởi vì ông ta là một người tham vọng và tuyệt tình. Sau khi lên ngôi, Hạ Hầu Vĩnh Khang ban thuốc độc cho tất cả phi tần của tiên đế, hậu cung trong một ngày không sót lại sinh mệnh nào. Năm năm tiếp theo, các vị vương gia và một vài công chúa lần lượt vì tai ương mà chết, người thì bị ám sát, người thì mắc bệnh lạ, người thì bất cẩn rơi xuống núi,.. Đủ loại nguyên nhân. Họ cứ lần lượt ra đi cho đến khi không còn một ai có thể đe dọa tới ngai vàng của Hoàng đế nữa. Hạ Hầu Vĩnh Khang trị vì 32 năm, gây ra sáu cuộc chiến tranh, xóa tên tám tiểu vương quốc, mở rộng bờ cõi thêm bốn mươi vạn dặm về các hướng Đông Tây Nam Bắc. Tính hiếu chiến của ông gây ra cảnh lầm than cho biết bao dân tộc. Vì thế, Hạ Hầu Vĩnh Khang bị gọi là hôn quân. Chữ “hôn quân” này thật không sai, hậu cung của ông ta có đến mấy trăm phi tử. Nghe nói ông ta rất thích con gái mắt to, hễ thấy ai mắt sáng đẹp tròn tròn một tí là đều đem về cung. Hạ Hầu Vĩnh Khang trở thành vị Hoàng đế có hậu cung đông nhất nhì trong lịch sử. Mà nghe nói hắn còn mang mệnh khắc thê, trong 32 năm tại vị có tới mười bốn hoàng hậu, người trước chết người sau thay, chẳng ai sống quá một năm. Thế rồi ngai phượng dần dần trở thành nỗi sợ hãi chứ không phải niềm khao khát. Phi tần vẫn tranh sủng nhưng họ chỉ cầu làm quý phi, ai nghe đến được phong hậu là sợ tái mặt. Từ khi vị Hoàng hậu thứ mười bốn bệnh chết, Hoàng đế không lập hậu nữa, năm đó ông ta mới ba mươi. Thế hệ sau này gọi Hạ Hầu Vĩnh Khang là “hôn quân không vợ”. Thời đại của hắn trở thành điển tích trong sử sách là nơi có hậu cung tựa chốn bồng lai, giai nhân dập dìu, ngày đêm say mem rượu và chìm trong nhục dục.

Bên cạnh những nho sĩ phê phán thói háo sắc, tham vọng và tàn nhẫn của hắn vẫn có không ít người quay sang ca ngợi, thờ phụng tài trí của hắn. Không thể phủ nhận Hạ Hầu Vĩnh Khang là một Hoàng đế rất tài ba, một nhà quân sự chính trị lỗi lạc, một bộ não tinh vi đa mưu túc trí. Bằng chứng chính là những cuộc viễn chinh tốc chiến tốc thắng, Hoàng đế thu phục một quốc gia trong vỏn vẹn mấy tháng, nhẹ nhàng như đánh ván cờ. Hắn trị nước minh bạch, sáng suốt, trên nhường dưới kính thâu tóm tất cả vào tay. Những năm hắn trị vì là thời đại nông nghiệp hùng mạnh, đê điều vững chắc, kinh tế thịnh vượng, dân chúng ăn no mặc ấm. Các quan thần trong ngoài ai cũng một lòng phụng sự cho hắn, lời hắn dù vô lý tới đâu họ cũng tin, cũng nghe bởi vì Hạ Hầu Vĩnh Khang không bao giờ sai. Có một cố tích truyền miệng rằng năm đó Khương La đánh Trung Lương, chiến sự diễn ra hai tháng thì binh Khương La bị đột kích ở hẻm núi thiệt hại quá nửa. Sứ giả thông tín cấp tốc phi ngựa về kinh xin chỉ thị của Hoàng đế. Hạ Hầu Vĩnh Khang lúc này đang lười biếng chơi cùng các phi tần. Hắn cho sứ giả thông tín trực tiếp vào nội viện, trong lúc nghe báo cáo còn đùa giỡn với hai mỹ nhân ôm sát người. Sứ giả thông tín buồn bực không dám biểu lộ, nghĩ rằng lời mình vô ích, không ngờ rằng lúc đợi cho lui thì Hoàng đế nhẹ nhàng phán một câu: “Trận này ta thua nhưng là bàn đạp để thắng. Trung Lương thế thượng phong giờ chắc đang hân hoan ăn mừng. Lệnh cho Tả tướng lập tức mở kho xuất thêm nửa tháng quân lương. Hữu tướng với số binh còn lại vào ngày mùng một theo ám vệ của trẫm đi đường rừng áp sát núi Ngọ, lựa hướng gió đốt doanh trại địch. Sáng cùng ngày không cần đánh, thừa cơ địch rối loạn mà đi ngược hạ lưu sông tiến sát kinh thành Trung Lương. Đến lúc đó, các ngươi tự biết phải làm gì!”

Kết quả đúng nửa tháng sau, khi quân lương vừa hết cũng là lúc đoàn binh chiến thắng trở về, mang theo đầu của Hoàng đế Trung Lương – Sở Chính Hàn. Cho nên mới nói, Hạ Hầu Vĩnh Khang là một hôn quân rất có tài trị quốc bình thiên hạ. Chẳng ai hiểu được trong đầu hắn nghĩ gì, lúc hắn bàng quang có khi là đang chú ý, lúc hắn chủ quan có khi là đang phòng bị, lúc hắn lơi là có thể là đang âm thầm giăng thiên la địa võng... Không chỉ vậy, Hoàng đế còn nổi tiếng văn võ toàn tài. Di bút của hắn có rất nhiều học giả đam mê nghiên cứu, những công trình hắn tự sáng tạo trở thành một điều huyền bí trong mắt các nhà thông thái, ví dụ như những guồng máy chạy bằng gió có thể tát nước cho đồng ruộng hay hệ thống cửa đê di động cho phép điều chỉnh mực nước các con kênh,...

Tóm lại, Hạ Hầu Vĩnh Khang là tên hôn quân háo sắc nhưng giỏi trị nước, tàn nhẫn nhưng lại anh minh, tham vọng nhưng luôn sáng suốt,... Rốt cuộc hắn ta đáng khen nhiều hay đáng trách nhiều?

Khi giảng về vị Hoàng đế này, Thái phó từng nói với Chu Lạc Ca Dương: “Ngài anh minh cả đời mà không hiểu sao những năm tháng cuối cùng lại sơ sẩy với dòng họ Chu Lạc. Thái tổ Tân Kiến giữ chức Binh bộ thượng thư chỉ mất năm ngày đã phế truất Hạ Hầu Vĩnh Bình. Điều này quả thật khó mà lý giải, một vương triều vững chắc như thế chỉ năm ngày đã tan vỡ... Hay là có chỗ nào đó vốn mục rữa từ lâu...?”

Lúc Thái phó im lặng chiêm nghiệm, Tiểu Ninh Tử cũng đang cúi đầu ghi nhớ kiến thức mới này, Chu Lạc Ca Dương thì đang nhóp nhép ăn vụn. Sau khi nuốt trôi cái bánh hạnh nhân cuối cùng, hắn mới uể oải nói một câu:

“Theo ta thấy, lão hoàng đế đó anh minh cả đời, cơ trí như vậy thì chắc cũng tự sắp xếp cho mình một cái chết và một sự kết thúc cả cơ nghiệp hắn xây dựng. Bởi vì loại người biến thái như lão thường mắc chứng tâm thần khó trị. Lão chết thì sẽ khéo cả triều đại xuống mồ! Bởi vì trên đời này không có ai xứng đáng thừa hưởng cơ ngơi đó, mà lão ta cũng không tìm thấy người để trao đi cơ ngơi đó!”

Thái phó ngơ ngác nhìn Tam hoàng tử, cân nhắc xem lời này có lý lẽ hay không. Chu Lạc Ca Dương nhíu mày rồi bổ sung thêm:

“Còn nữa, khả năng lớn là Thái tổ chúng ta may mắn được lão nhìn trúng, soán vị nhà Hạ Hầu chẳng qua là điều lão đã sắp xếp. Ái chà chà, ta đã nói lão này biến thái mà! Con cháu nhà mình không thương, để ngai vị rơi vào tay người khác họ. Chậc chậc...”

Nhiều năm sau này, người ta hay so sánh Thái Minh đế với Thiên Vĩnh đế. Ví dụ như họ đều lên ngôi khi còn rất trẻ, ví dụ như hành động tàn nhẫn và độc đoán trong nội trị – ngoại trị. Các trụ cột triều đình dưới thời Thái Minh đế không sao quên được cái ngày hắn đăng cơ. Chàng thiếu niên 16 năm đó so với Hạ Hầu Vĩnh Khang 17 năm xưa hình như không mấy khác biệt.

Chu Lạc Kha Viêm cảm thấy sai lầm lớn nhất của mình là không nhận ra kẻ địch. Suốt đời hắn luôn cạnh tranh với Thái tử Chu Lạc Ca Thần, tâm nguyện lớn nhất là triệt tiêu được vị đại ca vốn mang mệnh thiên tử kia. Nhưng rồi có một ngày hắn nhận ra con cọp em mới là chủ nhân thực sự của cái hang. Hắn giết con cọp anh, nghĩ mình đã an toàn nên thong dong chui vào hang nộp mạng. Nấp sau bóng tối là tên sát nhân thực sự, chết dưới nanh vuốt của nó chỉ có thể oán trách bản thân sao không giết nó từ khi còn bé, sao không nhìn ra nó đáng sợ hơn con cọp anh bao nhiêu lần.

Còn đối với Triệu Hoàng hậu, phu quân của nàng là một người đa nhân cách, trái tim của ngài là chiếc rương khóa chặt. Theo năm tháng phai tàn trong hậu cung thâm sâu, Triệu Tiếu Vy dần học được cách sống thờ ơ với tất cả mọi chuyện diễn ra xung quanh. Nàng chỉ ung dung cười, xem trò hề của đám phi tần đua nhau tranh sủng, xem kết cục bi thương của những ả đàn bà ngu ngốc. Đó là cách Triệu Hoàng hậu tự vệ trước một cuộc hôn nhân lạnh lẽo hơn nước giếng, đó là cách chung sống hòa bình với vị Hoàng đế độc như rắn rết.

Trong bốn vách tường cung cấm nguy nga này, không có được long tâm thì tốt nhất phải an phận, sống bình yên hết tháng ngày trong nhà tù lộng lẫy... Ngài là vị “hôn quân” rất có nhân tính, chỉ cần không phạm sai lầm, ai cũng có cơm ăn áo mặc. Chỉ tiếc rằng nhiều người không hiểu ra đạo lý đó!

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv