Edit: Ry
Cốc Nghi trở về thế giới hiện thực.
Anh lấy ra bức tượng bán thân mình điêu khắc lại năm đó, chụp vài tấm, viết hai email tố cáo nặc danh.
Một cái gửi cho hiệu trưởng trường học, cái còn lại gửi cho chủ tịch hiệp hội điêu khắc.
Tiếp đó anh lập tài khoản trên mạng xã hội.
Năm đó chuyện này bị truyền lên internet, tất cả mọi người đều biết, thế nên Cốc Nghi không thể không đổi sang các thành phố khác, bắt đầu lại cuộc sống.
Có ông chủ nhận ra anh, cho là anh sẽ làm ảnh hưởng đến hình tượng công ty, không nói năng gì đuổi việc anh.
Từng lần như vậy anh lại hạ thấp yêu cầu tìm việc của mình.
Sinh viên từng học ở đại học nghệ thuật danh tiếng, cuối cùng lại đi làm những công việc lặt vặt không ai muốn làm.
Lần này Cốc Nghi đã chuẩn bị sẵn tinh thần.
Dù cho không ai tin tưởng anh.
Anh đợi nửa ngày cũng không nhận được hồi âm, thật ra còn nhận được một email nói anh đừng có tung tin đồn nhảm.
Cốc Nghi chỉ nhàn nhạt nhìn màn hình.
Ngón tay bấm nút gửi, đem tất cả những chuyện năm đó chưa được giải thích, dùng câu chữ trần thuật lại lên mạng xã hội.
Một hòn đá nhỏ ném xuống đáy hồ, không dậy nổi được một gợn sóng.
Cốc Nghi hiểu được điều đó.
Anh đã chuẩn bị sẵn cho việc bị chèn ép, nếu chuyện này lại bị đối phương đè xuống, vậy anh sẽ tiếp tục dùng cách thức như này để ném đá nhỏ xuống hồ.
Sẽ luôn có 1-2 người nhìn thấy.
Bước ngoặt xảy ra lúc hai giờ sáng.
Bài giải thích đã sắp chìm xuống kia bỗng được đào lên. Từng bình luận, từng lượt thích, từng lượt chia sẻ.
Chúng tăng lên một tầm cao mới.
Chuyện này năm đó đã gây bão trên mạng, người biết không ít. Gã thầy giáo kia còn nhân cơ hội nâng tầm tiếng tăm, trở thành một nhà nghệ thuật được mọi người yêu mến.
Trong bình luận có nghi ngờ, có chỉ trích nhục mạ, còn có một ít người tin tưởng.
Cốc Nghi năm 20 tuổi có thể sẽ vì những điều này mà hoài nghi bản thân.
Nhưng Cốc Nghi 24 tuổi vẫn giữ được sự bình thản.
Anh muốn cho bản thân bị vu oan năm đó một sự thật.
Bài thanh minh của gã thầy kia được đăng lên vào hôm sau, một vài vị giáo sư trong giới nghệ thuật cũng lên tiếng giúp gã.
Như Cốc Nghi dự đoán, đối phương không thừa nhận.
Cốc Nghi cũng không vội thả ảnh chụp ra, anh đợi các trang báo mạng đưa tin để tạo nên cơn sóng lớn, đợi những người kia ngầm đắc ý, đợi gã thầy kia tưởng rằng mình lại chiến thắng bằng những thủ đoạn ghê tởm.
Mấy bức ảnh Cốc Nghi tự mình điêu khắc các tác phẩm, cộng thêm bức tượng nửa người được anh điêu khắc lại, cùng với ảnh quá trình điêu khắc của bức tượng đó.
Trình tự của nó, tỉ lệ của nó, thủ pháp của nó.
Phong cách vẫn còn chút khác biệt với tác phẩm của gã thầy kia.
Những nội dung này, Cốc Nghi đã mất một thời gian rất dài mới tự nghiên cứu ra được.
Anh tìm lại những tác phẩm cũ của gã thầy, các tác phẩm hiện giờ, phân tích xu thế mũi dao của gã, phân tích ý cảnh trong các tác phẩm của gã, lại so sánh chúng với bức tượng nửa người kia.
Cuối cùng Cốc Nghi thả ra một đoạn ghi âm.
Là đoạn ghi âm năm đó anh cầu xin gã qua điện thoại, gã ta thừa nhận xong lại từ chối nói chuyện với anh.
Chuyện này giống như khởi đầu, ngay sau đó có người bóc phốt đời sống cá nhân hỗn loạn của gã ta, cùng với một vài chuyện mờ ám gã làm.
Cốc Nghi không có hứng thú xem kết cục của gã ta.
Anh đợi đến khi chiều gió trên internet đã ổn định thì trở lại thế giới tinh thần tìm Kỷ Trạch.
Kỷ Trạch đã khôi phục hình người, nhưng chỉ giới hạn ở đây.
Để ra ngoài được còn cần thêm một thời gian nữa.
Không biết Kỷ Trạch kiếm đâu ra một sợi lông vũ, ngồi xổm trước ổ của tiểu Lai, cùng với xúc tu nhỏ trêu chọc con chim màu lam không có lông kia.
Cốc Nghi uống sữa, ánh mắt đảo qua phần gáy của Kỷ Trạch, đột nhiên hỏi: "Cái nhẫn lồng qua dây xích bạc hồi trước anh hay đeo đâu? Em thấy nó có vẻ quen quen."
"Cái đó anh lấy từ thế giới tinh thần của em."
"Nhưng em chưa từng mua dây xích nào mà."
"Nó là từ hộp quà ngày trước em thắng được ở cửa hàng." Kỷ Trạch còn nhớ rõ hơn Cốc Nghi. Gã im lặng một lát rồi nói: "Anh trả lại rồi."