Đổng Hiền là nhân vật chính trong câu chuyện “tình yêu cắt áo” của Hán Ai Đế rất nổi tiếng. Ai Đế vì Đổng Hiền đã cam tâm tình nguyện bỏ đi không ít những người đẹp trong hoàng cung để sủng ái một mình ông ta, thậm chí còn muốn đem giang sơn nhường lại cho ông ta. Mối tình giữa họ trở thành hình mẫu cho những người đồng tính luyến ái ở đời sau.
Đổng Hiền tự là Thánh Khanh người vùng Vân Dương. Cha là Đổng Cung từng làm đến chức ngự sử. Vào thời đó, Đổng Hiền còn là một người hầu bên cạnh thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều. Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Ai Đế, khi đó đã là hoàng đế nhìn thấy. Chỉ nhìn một cái, Ai Đế đã phát hiện, dường như mấy năm không gặp, Đổng Hiền đã trưởng thành và tuấn tú hẳn lên và đem so với những cung nữ phấn sáp trong lục viện anh ta còn kiều diễm hơn. Ai Đế không cầm được sự vui mừng lệnh cho Đổng Hiền theo sau mình hầu hạ. Từ đó Ai Đế đối với Đổng Hiền ngày càng sủng ái hơn. Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền. Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, bắt Đổng Hiền lúc nào cũng phải ở bên cạnh mình. Cha của Đổng Hiền là Đổng Cung cũng được thăng lên Bá Lăng Lệnh rồi Quang Lộc đại phu.
Theo sử sách còn ghi chép lại, Đổng Hiền không chỉ có khuôn mặt giống mỹ nữ mà từ ngôn ngữ cử chỉ đều giống phụ nữ, “tính tình dịu dàng”, “giỏi quyến rũ”. Vì thế Ai Đế ngày càng súng ái Đổng Hiền hơn. Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình. Người đời sau gọi mối tình đồng tính là “mối tình cắt tay áo” cũng là có nguồn gốc là điển cố này.
Sau sự kiện đó, Đổng Hiền biết rằng hoàng đế có lòng yêu thương mình thật sự nên vô cùng cảm động. Nhưng để tránh những sự việc như thế tái diễn, ông ta tổ chức một cuộc cải cách y phục trong hoàng cung. Ông ta là người đi đầu trong việc mặc loại y phục tay bó tà ngắn, vừa hoạt động thuận lợi, dễ dàng không giống tập quán trang phục của triều Hán về trước, lấy việc mặc áo lót rộng và ống tay dài làm đẹp. Cách cải cách này của Đổng Hiền trở thành một trào lưu trong hoàng cung. Các cung nữ phi tần đều tranh nhau học theo cách mặc của ông ta, cắt ống tay áo mặc một bộ đồ giản tiện và cho đó là mốt thời thượng.
Để biểu hiện sự sủng ái của mình đối với Đổng Hiền, Ai Đế còn phong Đổng Cung là đại thần là một chức quan chuyên lo gỗ đá cho các công trình xây dựng. Ai Đế còn lệnh cho Đổng Cung xây dựng cho Đổng Hiền một tư dinh mới thật tráng lệ, quy mô vượt hơn hẳn các vị đại thần. Những ngọc lạ châu quý trong cung đều để cho Đổng Hiền tự chọn lấy, thậm chí nhiều đồ dùng của vua như giày, quần áo và xe ngựa đều dùng chung với Đổng Hiền. Vợ và em của Đổng Hiền nhiều lần được ban thưởng mà không rõ lý do vì sao.
Ân sủng trong nội cung còn chưa đủ, Ai Đế còn muốn người được mình yêu thương có một địa vị đứng đầu trong triều chính. Ai Đế muốn phong Đổng Hiền tước hầu nhưng mãi vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp. Sau đó vừa lúc thừa tướng Vương Gia chết, trong triều giảm đi một thế lực phản đối Đổng Hiền, Ai Đế đã bãi miễn chức Đại tư mã đang do một người họ ngoại đảm nhiệm, phong cho Đổng Hiền chức Đại tư mã. Đây là chức quan cao nhất trong triều đình nhà Hán.
Đổng Hiền mới bước vào tuổi 22 mà đã đạt đến chức vị đó, quyền lực rất lớn, cơ hồ đã có thể chia đôi thiên hạ cùng với hoàng đế. Theo sử sách còn ghi chép lại thời đó có một vua của Hung Nô đến Trung Quốc để triều kiến hoàng đế triều Hán. Ông ta thấy người giữ chức Đại tư mã quyền lực nhất triều lại là một thiếu niên mỹ mạo tuấn tú, bất giác cảm thấy kinh hãi vô cùng. Khi ông ta hỏi dò, hoàng đế mới đáp rằng: “Tuy Đại tư mã tuổi còn rất trẻ nhưng là người hiền đức nhất nước này. Vì tài năng mới được thăng chức vị cao như vậy”. Kết quả là, Thiền Vu của Hung Nô tin đó là sự thật mới kính cẩn hướng về phía Đổng Hiền hành đại lễ còn chúc mừng hoàng đế triều Hán có được một hiền thần tuổi rất trẻ như Đổng Hiền.
Sau đó, tình yêu của Ai Đế tựa hồ như không cồn biết làm thể nào để tỏ sự sủng hạnh đặc biệt của mình đối với Đổng Hiền. Có một ngày, Ai Đế mở yến tại điện Kỳ Lân cùng chư thần, sau khi uống vài cốc rượu, đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt đầy thâm tình rồi cười nói rằng: “Trẫm muốn theo vua Nghiêu vua Thuấn thực hiện việc nhường ngôi, liệu có được không?”. Ý của câu này chính là Ai Đế muốn học theo cách làm của các vua thời trước lấy ngôi vị của mình nhường lại cho Đổng Hiền. Một câu nói của thiên tử khiến cả triều văn võ bá quan ngỡ ngàng, nói cũng không thành lời.
Đợi khi các đại thần tỉnh lại, một người mới tiến lên phía trước nói: “Thiên hạ này là thiên hạ của Cao hoàng đế chứ không phải là thiên hạ của bệ hạ. Bệ hạ chỉ là người kế thừa lại thiên hạ này của tổ tông mà thôi. Nếu truyền lại ngôi vị thì chỉ có thể truyền lại cho con cháu đời đời mà thôi. Bệ hạ là vua một nước, cần phải biết rằng thiên tử không nói đùa, cho nên ngàn vạn lần không nên nói những lời như vậy!”. Ai Đế nghe lời nói này, im lặng không nói thêm lời nào nữa nhưng hiển nhiên là không còn hứng thú gì. Ai Đế lệnh đuổi người đó ra khỏi bữa tiệc về sau có mở yến tiệc cũng không cho ông ta tham gia nữa.
Ai Đế khi đó còn rất trẻ nhưng đã sớm nghĩ đến những ngày sau khi mình chết đi sẽ không còn Đổng Hiền nữa, thấy rất thương tâm. Ai Đế bèn lệnh cho các đại thần xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để chuẩn bị sau này nếu Đổng Hiền có chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ của mình. Ý muốn của ông ta là sau khi chết cũng muốn được chôn cùng người yêu của mình, “sống thì cùng giường, chết thì cùng huyệt”. Nhưng điều đó là không thể được, ngày họ phải chia tay đã sớm đến. Tháng 6 năm Nguyên Thọ thứ hai, Ai Đế mới chỉ 26 tuổi mắc bạo bệnh mà chết. Thái hoàng thái hậu để cho Vương Mãng làm chủ triều chính. Vương Mãng cực lực phản đối Đổng Hiền, không muốn để cho ông ta tiến cung. Đổng Hiền cũng biết mình gặp đại họa đến nơi rồi, vì thế ông ta và vợ con cùng tự sát tại nhà để tránh hậu hoạn và cũng là chết để đáp lại mối tình của Ai Đế dành cho mình. “