Cả đêm hôm ấy Phong không về, tôi cũng không ngủ được, không phải tôi thức vì ngóng chờ anh ta mà là cảm giác cứ sao sao ấy, như kiểu trong lòng có một nỗi thất vọng không tên đang lan tràn nên mới khó chịu như vậy.
Thời gian vừa rồi, tôi luôn nghĩ Phong chưa có bạn gái nên mới bỏ ra một số tiền lớn như thế để bao mình, nhưng đến bây giờ mới biết hình như tôi đã nhầm rồi thì phải. Có lẽ người trong tấm ảnh ở đầu giường và cô gái tên Linh kia là một, đều là người yêu của anh ta. Phong không thực sự muốn cơ thể tôi mà đơn giản chỉ mua tôi về làm người giúp việc thôi.
Và cũng vì thế nên suốt gần một tháng qua anh ta mới không thèm đụng vào tôi nhỉ? Anh ta đang có người trong lòng rồi mà.
Tự nhiên được người ta cho tiền trả nợ mà không yêu cầu phục vụ thì lẽ ra tôi phải vui mới đúng. Nhưng chẳng hiểu sao cứ nghĩ đến việc Phong đang yêu một người phụ nữ khác, tôi lại thấy rất phiền lòng. Cả một đêm ấy cứ xoay ngang xoay dọc mãi, đến tận khi trời sáng mới có thể nặng nề thiếp đi.
Mấy ngày hôm sau, có lẽ Phong bận chăm sóc cô gái kia nên không về nhà, tôi chờ ròng rã 3 ngày trời, đến hôm thứ 4 phải đi nhập học nên không đợi nữa, cứ nghĩ anh ta còn rất lâu nữa mới về nên tôi cũng không để lại giấy nhắn mà đến trường luôn.
Tôi cầm cái thẻ trắng đó xuống khu B của hầm gửi xe để mượn xe. Lúc đến nơi mới thấy ở đây loại xe gì cũng có, từ xe ga, xe số, đến cả xe đạp thể thao nữa, bảo vệ nói muốn chọn xe gì thì chọn, nhưng vì tôi không có bằng lái nên cuối cùng chỉ lấy mỗi cái xe đạp điện.
Chú bảo vệ thấy tôi dắt chiếc xe vừa cũ vừa bẩn ra mới tròn mắt hỏi:
– Sao bao nhiêu xe không lấy mà lại lấy cái xe cũ thế hả cháu? Cái đó hỏng đèn nên chú đã cất ra một góc rồi mà, chú chưa kịp đi sửa.
– Vâng, tại cháu không biết đi xe máy, với cả sợ hỏng xe thì lại không có tiền mà đền nên cháu đi cái xe cũ này thôi. Lỡ hỏng thì đền cho đỡ tiếc chú ạ.
Vẻ mặt chú bảo vệ càng lúc càng quái đản, nhìn tôi như kiểu một đứa lạc loài nào mới lọt được vào đây vậy:
– Cháu ở nhà 8808 phải không?
– Vâng ạ.
– Ở nhà của đại gia mà lo không có tiền đền cái gì. Cái xe đạp điện này có khi không bằng nổi cái thảm để chân của xe cậu Phong ấy chứ.
– Thế hả chú?
– Ừ, cháu không biết à?
Chú bảo vệ nói xong thì chỉ tay sang khu bên phải, ở đó là một dãy siêu xe. Sở dĩ tôi biết là siêu xe vì mấy cái xe này giống hệt xe trên tạp chí mà Phong để ở nhà, tôi dọn suốt nên tôi nhớ.
Tôi nhìn nhìn một lúc rồi gượng gạo cười:
– Vâng, nhưng cháu là người giúp việc nhà anh Phong thôi, cháu không có tiền đền thật mà.
– À thế hả?
– Vâng. Thế ai ở đây cũng được mượn xe miễn phí thế này hả chú?
– Không, chỉ có mấy nhà thuộc hộ VIP của chung cư được đặc quyền đó thôi. Nhưng mà người giàu thì đầy xe ra ấy mà, có mấy ai thèm lấy đâu. Xe để ở đây bụi bám dày cả lên, chú phải lau suốt đấy.
– Thế ạ? Thế từ giờ cháu lấy cái xe này đi nhé chú. Cháu sẽ cố gắng giữ gìn, đi xong về trả cho chú ạ.
– Ừ. Cứ lấy đi đi, hỏng cũng không sao đâu.
– Vâng, cháu cảm ơn chú ạ.
Thế là ngày đầu tiên tôi đi nhập học bằng xe đạp điện, trường chỗ tôi học toàn người giàu ơi là giàu, em nào cũng có xe riêng đưa đón, hoặc bèo nhất cũng là đi SH với Liberty, mỗi tôi đi xe đạp điện nên ai cũng nhìn.
Có mấy em nam còn trêu tôi:
– Chị ơi, chị là giáo viên ở trường khác mới đến à?
Tôi xấu hổ lắc đầu:
– Không, mình cũng là học sinh như bạn thôi.
– Ôi em nhìn chị phải hơn 20 tuổi ấy, chắc chị học đúp nên giờ mới đến lớp 11 ạ?
– …
– Nhưng mà nhìn chị xinh nhỉ? Chị có người yêu chưa?
Mấy bạn nam cứ quây lấy tôi rồi nhao nhao cả lên, cuối cùng một cô giáo phải ra dẹp loạn rồi dẫn tôi đi nhận lớp. Tôi được phân vào lớp 11A3, lúc này mọi người đã học được nửa kỳ rồi, có mỗi tôi là nhận lớp muộn nhất, với cả cũng già đầu nhất nữa, thế nên vừa bước chân vào đã trở thành tâm điểm trêu chọc của mọi người.
Mấy đứa con gái trong lớp thấy tôi ăn mặc quê mùa thì cứ tỏ vẻ bịt mũi rồi phẩy phẩy tay, như kiểu hít phải cái gì bẩn thỉu lắm vậy. Tôi biết bọn họ không thích mình nên cũng không dám làm thân gì cả,, chỉ lẳng lặng đi xuống cuối lớp, kiếm một bàn không người để ngồi.
Đã cố tách xa mấy đứa đó rồi nhưng giờ ra chơi vẫn có mấy đứa chạy xuống chỗ tôi gây sự:
– Ê bà chị, già sắp xuống lỗ rồi còn đi học làm gì thế?
Đứa con gái đó người nồng nặc mùi nước hoa, móng chân móng tay thì sơn đỏ chót, miệng nhót nhép ăn kẹo cao su, trông chẳng ra làm sao.
Tôi hơi khó chịu nhưng vẫn tử tế trả lời:
– Chị chưa được đi học hết cấp 3 nên đăng ký đi học ấy mà.
– Ôi bà có nhìn thấy cả lớp này toàn người trẻ, mà ai nấy cũng thơm tho sạch sẽ không? Bà quê một cục thế vào đây học không sợ làm ô uế cả lớp à? Lòi đâu ra cái thứ nhà nghèo vào đây học thế này.
Một đứa khác cũng bĩu môi chen miệng vào:
– Ôi chị Lan, chị không biết à? Nãy em đọc hồ sơ thấy bà chị nhà quê này từ trên Hà Giang xuống đấy, mà trên đó nghe nói nhiều lúa lắm, nghèo đâu mà nghèo, bán mấy tấn lúa đi là đủ nộp học phí trường mình rồi đấy.
Nghe xong câu này cả lũ hùa nhau cười phá lên, kẻ thì chê tôi là loại dân tộc ở Hà Giang, đứa thì bảo đã nghèo còn sĩ, đòi vào tận trường VIP học.
Mới ngày đầu đến trường nên tôi không muốn cãi cọ gì cả, thêm nữa cũng nghĩ mấy đứa trẻ này ít tuổi, lại bốc đồng, mình lớn rồi không chấp con nít. Tôi chỉ bảo:
– Chị không đụng vào các em, các em cũng đừng gây sự với chị. Chị chỉ muốn đi học bình thường thôi, nếu các em không thích thì cứ coi chị như không khí là được.
– Không khí là không khí thế nào, lù lù một đống ngứa cả mắt thế mà bảo không khí. Này bà chị, tôi nói thật nhé, ngày mai vứt cái bộ quần áo rách trên người bà đi, vải rởm còn chẳng bằng giẻ lau chân nhà tôi nữa.
– …
– Về bảo mẹ bà bán thêm mấy tấn thóc nữa đi, mua lấy bộ quần áo hàng hiệu mà mặc, lớp này không chứa loại nhà quê nhé.
Mấy cái đứa này đúng là thấy tôi hiền nên cứ được nước lấn tới, tôi đ.iê.n quá định nói lại thì đúng lúc này chuông vào lớp reo lên, thế là tôi lại đành thôi.
Tôi biết, mình học ở trường tư thế này sẽ bị lạc loài, vừa nhiều tuổi lại vừa nghèo nữa sẽ trở thành trò cười trong mắt những người khác, nhưng bởi vì muốn được học hết cấp 3 nên tôi vẫn tự nhủ mình nên chọn cách yên ổn, mấy đứa kia khiêu khích mãi chán rồi cũng sẽ thôi.
Tôi đi học đến ngày thứ 4 thì Phong về. Hôm ấy vì phải lên thư viện trả sách, với cả không biết bị đứa nào đâm thủng lốp xe đạp điện, phải sửa nên tôi về đến nhà rất muộn.
Mệt nên tôi định về nhà pha một bát mì ăn tạm cho xong, ai ngờ lúc vừa mở cửa đi vào thì thấy phòng khách sáng điện, còn có người ngồi ở ghế sofa nên tôi giật bắn cả mình.
May sao còn chưa kịp hét lên thì Phong đã quay đầu lại, vẻ mặt uể oải nhìn tôi.
Anh ta chỉ nhìn thôi, không nói gì cả, mà tôi thì chỉ là phận người đến ăn nhờ ở đậu, gặp chủ nhà tất nhiên phải mở miệng chào trước:
– Anh ạ. Anh mới về à?
– Ừ.
– Anh đã ăn gì chưa?
– Chưa.
Gương mặt Phong có vẻ rất mệt mỏi, quầng mắt cũng trũng xuống, chắc là mấy ngày rồi phải chăm sóc cô gái kia nên mới hao tâm tổn sức như vậy. Tôi không dám để anh ta chờ lâu nên vội vàng cất cặp gọn vào một góc, xắn tay áo chạy vào bếp:
– Thế anh đợi em tý nhé. Hôm nay em phải trả sách trên thư viện nên về muộn. Giờ em vào bếp nấu cơm ngay đây.
– Đi học rồi à?
– Vâng, em đi học được 4 hôm rồi, nhưng không có anh ở nhà nên em không nói được, với cả cũng không có số điện thoại của anh nữa ạ.
Anh ta không nói gì nữa, chỉ nhắm mắt tựa đầu vào ghế nghỉ ngơi, tôi cũng không làm phiền, nhanh chóng đi lại tủ lạnh lôi đồ ăn ra nấu nướng.
Đến lúc tôi nấu xong, quay lại thì thấy Phong cũng từ phòng tắm bước ra. Cái gã này có bệnh lười sấy tóc, hôm nào tắm xong cũng để đầu tóc ướt rượt, vừa dễ bị cảm mà vừa làm ướt sàn nhà.
Tôi ấm ức nhưng không dám nói, vẫn phải nở một nụ cười rõ tươi bảo anh ta:
– Em nấu cơm xong rồi đây, anh lại ngồi ăn đi.
– Nấu món gì đấy?
– Hôm nay có canh cá nấu chua, thịt kho tiêu ạ. Sáng nay em còn mua tôm nữa, nhưng em không biết anh có ăn được tôm không nên không nấu.
– Ai chẳng ăn được tôm.
– Đâu, có người ăn tôm vào là bị dị ứng đấy chứ. Hôm trước em thấy tay anh nổi mẩn, nghĩ cơ địa anh cũng dễ bị dị ứng nên mới không dám nấu.
Phong nghe xong mới cúi đầu nhìn nhìn tay mình, xong lại ngẩng lên nhìn tôi. Ánh mắt phảng phất chút trầm tư và phức tạp, đến nỗi tôi cũng chột dạ. Cứ nghĩ mình đã nói gì làm đại gia phật lòng, ai ngờ lát sau Phong lại bảo:
– Bị dị ứng thời tiết, không dị ứng tôm.
– À… vâng. Em biết rồi, thế để mai em nấu tôm cho anh ăn.
– Ừ.
Trong bữa ăn hôm ấy, tôi không dám hỏi Phong về tình hình của cô gái đó, chỉ nói mấy chuyện linh tinh, ví dụ như tài liệu của anh ta tôi đã ghi chép xong số liệu rồi, lần này có mấy chỗ bị sai sót, tôi đã khoanh dấu đỏ vào đó, anh ta giở tài liệu ra xem sẽ nhìn thấy ngay.
Phong nghe xong chỉ ậm ừ rồi bảo:
– Đi học thế nào?
– Cũng được ạ, các bạn trong lớp cũng thân thiện lắm, em học mấy bữa cũng bắt đầu quen bạn rồi.
– Thế hả?
– Vâng.
– Lưu số điện thoại này.
Tự nhiên anh ta đổi chủ đề nhanh như xẹt điện thế nên tôi không theo kịp, ngơ ra mấy giây mới vội vã lôi điện thoại ra, chuẩn bị lưu số anh ta.
Phong đọc một dãy số, đến khi tôi lưu xong xuôi thì anh ta mới nói:
– Đến khi nào họp phụ huynh thì bảo cô giáo liên lạc với tôi theo số này.
Tôi suýt nữa sặc cơm, gì mà anh ta là phụ huynh của tôi? Nhìn cái mặt ấy chắc khoảng 31, 32 là cùng, mà tôi năm nay thì sắp sang 25 rồi.
Tôi nửa đùa nửa thật bảo:
– Trông anh trẻ như thế, cô giáo không tin anh là phụ huynh của em đâu.
– Cô biết tôi bao nhiêu tuổi không mà bảo trẻ?
– Chắc là 31 ạ.
– 33 rồi.
– À… 33 thì cũng không làm phụ huynh của em được. Em 25, kém anh có 8 tuổi thôi.
– Bây giờ giới trẻ hay gọi là Suger Daddy đấy.
Tôi suýt sặc cơm thêm lần nữa, lần này thì không nhịn được, ôm bụng lăn ra cười:
– Anh cũng biết trend đấy hả? Suger Daddy ấy.
– Ừ. Sao?
– Không sao ạ. Tại anh chưa hói đầu nên em thấy không giống Suger Daddy thôi. Suger Daddy phải là mấy ông đầu hói bụng phệ cơ.
– Thế thì cô vớ bở rồi còn gì, tìm được Suger Daddy đặc biệt.
– À… đúng nhỉ? Suger Daddy em tìm được vừa không hói đầu bụng phệ lại còn đẹp trai nữa chứ.
– Nịnh nghe buồn nôn c.hế.t được.
– Thật mà.
– Ăn đi.
– Vâng, anh cũng ăn đi.
Sau đó, mặc dù không nói chuyện nữa nhưng tôi thấy tâm trạng của Phong có vẻ khá lên, thậm chí còn ăn tận hai bát cơm, xong xuôi thì đưa cho tôi thêm một xấp tài liệu nữa, dặn tôi khi nào rảnh thì làm.
Những ngày tiếp theo anh ta vẫn đi đi về về thất thường như vậy, hôm thì về ngủ, hôm thì không về. Tôi thì sợ anh ta về lại không có cơm ăn nên vẫn chăm chỉ nấu cơm mỗi ngày, rảnh rỗi sẽ làm tài liệu cho anh ta, thậm chí có hôm buồn quá, buổi tối tôi còn đi xe đạp điện lên thư viện đọc sách.
Tôi không được ăn học tử tế nên giờ được đi học thì thích lắm, cô quản thư viện cứ thấy tôi lên suốt mới nói đùa:
– Giang siêng thế này chẳng mấy chốc mà lọt Top khối thôi. Sau có khi còn đậu được vào trường Đại học to ơi là to ấy chứ.
– Ôi, cháu học dốt lắm, tại không theo được các bạn nên mới phải lên thư viện làm phiền cô suốt đấy.
– Từ khi mở cái thư viện này ra có mỗi mày là siêng nhất thôi đấy, người mà siêng thì kiểu gì cũng thành tài.
Tôi cười cười:
– Cháu chỉ học hết lớp 12 thôi.
– Sao thế?
– Nhà cháu không có điều kiện cô ạ, chắc không đi học đại học được nên cháu không thi.
– Ơ, thế thì cố giành học bổng. Mọi người hay săn học bổng đi du học đấy. Được bao ăn bao ở, bao cả tiền vé máy bay nữa, không mất đồng nào đâu.
– Thật hả cô?
– Ừ, thật mà. Mọi năm trường mình vẫn có người giành được học bổng toàn phần đấy thôi. Giang cố lên. Biết đâu lại được học bổng đấy.
– Vâng, cháu cảm ơn cô ạ.
Nói là nói thế thôi chứ tôi nghĩ mình học ngu thế này làm sao mà săn học bổng được, cố để bằng bạn bè đã là quá lắm rồi, đi du học thì tôi không dám mơ.
Nhưng mà, vì mong ước được học hết lớp 12 nên tôi vẫn rất chăm chỉ. Với cả quãng thời gian ấy Phong không có nhà, chị Hoa lại bận đi làm nên tôi lên thư viện suốt, có hôm trời mưa sấm sét đì đùng cũng vẫn đi.
Bà Hoa hôm ấy được nghỉ sớm nên gọi điện, thấy tôi đang trên thư viện mới trợn mắt bảo:
– Ơ con này mày đ.iê.n à? Đêm hôm mưa gió mày lên thư viện làm gì? Cuồng học quá đấy à?
– Mai em có bài kiểm tra. Mà sách này không mượn về được nên em phải lên học. Sao hôm nay bà về sớm thế? Mọi hôm 11h đêm mới tan ca cơ mà.
– Gớm, cái quán cafe chỗ tao chả ở ngoài trời à? Mưa gió bão bùng thế này có thằng éo nào thèm ngồi hứng mưa đâu mà chả về. Với cả lão chủ cũng tốt, trông hom hem lại ế vợ thế thôi nhưng tốt bụng lắm.
– Haha, bà có gạ ông ấy không mà ông ấy tốt với bà thế?
– Tao mà gạ được thì tốt. Người ta có mấy cái nhà ở Hà Nội đấy. Nhưng chắc kén quá nên không ai lấy.
– Thế mới cần bà ra tay chứ.
– Thôi thôi, tao không có cửa, đẹp như mày thì may ra. À, dạo này ông Phong thế nào rồi?
– Đi suốt chị ạ. Từ hôm em nghe thấy bảo có cô Linh gì t.ự t.ử ấy, ông ấy đi ngày đi đêm. Thỉnh thoảng mới về nhà thôi.
– Hay là người yêu của ông ấy nhỉ? Chứ bình thường người dưng thì ai quan tâm đến việc sống c.hế.t của nhau làm gì?
– Vâng, em cũng nghĩ thế. Thấy người ta thông báo xong là ông ấy hoảng luôn, đến cơm cũng không kịp ăn cơ mà.
– Thế từ bữa đến giờ ông ấy cũng không nói gì với mày à?
– Vâng. Chỉ giao việc thôi, tiền thì vẫn chuyển đều đặn.
Chị Hoa nghe đến đây thì trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc, sau đó mới thở dài:
– Thôi, phận bọn mình là thế ấy mà, nghĩ nhiều làm gì. Ông ấy cứ cho tiền đầy đủ là được rồi. Còn chuyện riêng tư của ông ấy thì kệ ông ấy đi, mình cũng đừng nên tò mò. Hàng tháng cứ nhận tiền đủ, không bị đánh đập, không bị mang cho thằng khác chơi là được rồi.
– Vâng, em biết rồi.
– Thôi mưa gió thế này thì mày về sớm đi, học hành ít thôi, giữ sức khỏe còn nhiều việc khác phải lo.
– Vâng, 10h rồi, em cũng đi về đây.
Cúp máy xong, tôi trả sách cho cô quản thư viện rồi lếch thếch đi xe đạp điện về. Trời Hà Nội lúc này mưa rất to, gió cũng lớn nữa, tôi mặc mỗi cái áo mưa giấy nên bị gió tạt một lúc là rách bươm hết, mưa dội vào người ướt nhẹp.
Chật vật mãi mới về đến nhà được, nhưng mở cửa ra thấy nhà cửa lạnh lẽo trống không cũng buồn, với cả tôi mệt, thế là tôi đi tắm xong cũng trèo lên giường ngủ luôn, chẳng xem điện thoại mà cũng chẳng lọc số liệu nữa.
Mỗi tội, chắc do dầm mưa, nằm ngoài ghế sofa lại lạnh nữa nên nửa đêm tôi sốt, chắc là sốt cao lắm nên cứ mê man đi, khát nước nhưng đầu đau như búa bổ, không sao ngồi dậy để đi lấy nước được.
Tôi cảm thấy cả người mình như bị rất nhiều côn trùng gặm cắn, xương cốt đau rã rời ra, lúc ốm thế này tự nhiên lại nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ cả mấy đứa em nữa, thế là ngủ mơ thôi mà cứ thế rưng rức khóc.
Tôi chẳng biết mình đã khóc bao lâu, chịu sốt bao lâu, chỉ biết một lát sau đó bỗng dưng có ai đó gọi tên tôi, nhưng mí mắt tôi nặng trĩu, cố gắng mãi cũng không thể mở mắt ra được.
Sau đó, tôi cảm thấy có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên trán mình, cuối cùng cả người bị xốc lên, rơi vào một thứ gì đó ấm ơi là ấm.
Tôi nửa mê nửa tỉnh, cứ nghĩ mẹ đã quay về với tôi, mẹ đang ôm tôi vào lòng như ngày thơ bé, thế nên cũng rúc vào lòng mẹ, rấm rứt nói:
– Mẹ ơi, Giang bị người ta bắt nạt, người ta đánh Giang mẹ ạ, còn bắt Giang vào tù nữa, mẹ đánh người ta cho Giang đi.