Edit: Ryal
Mùa đông năm Nguyên Cảnh thứ mười bốn.
Còn chưa đầy hai tháng nữa là tới lễ Vạn Thọ, bầu không khí tưng bừng nhộn nhịp bao trùm cả kinh đô. Trong thành họp chợ đêm, không biết bao nhiêu hộ buôn bán nhỏ lẻ cùng góp mặt, đèn đuốc sáng trưng như ban ngày. Sứ giả ngoại quốc cũng đến ăn mừng sinh nhật của Hoàng đế Đại Chu, những người xứ lạ mũi cao mắt sâu xuất hiện ở khắp các con phố.
Nhưng vào chính lúc này, quan viên vùng Hoài Nam dâng mười hai tấu chương liên tiếp, báo tin tám thành trì ở biên cương đã bị phản quân chiếm đóng bằng giọng văn kinh hoảng.
Tri phủ Giang Ninh cũng dâng tấu xin tạ tội: E rằng không thể tới kinh đô chúc thọ Hoàng đế, quân phản loạn sắp đánh tới phủ Giang Ninh, mong triều đình gửi viện quân cứu giúp.
Nguyên Cảnh Đế đang chìm trong cảm giác hả hê khi được muôn người bái lạy, lại phần nào sung sướng khi sắp đến sinh nhật tuổi năm mươi, thế nên lão nổi cáu khi nghe những chuyện này.
Lễ Vạn Thọ đã rất gần, sứ giả ngoại quốc cũng đã tới kinh đô, mọi người đều chú tâm vào Hoàng đế. Lão không thể khoa trương gửi binh đi đánh giặc – chẳng khác nào bắc loa công bố cho cả thiên hạ biết sự hỗn loạn của đất nước này, còn gì là mặt mũi Đại Chu cơ chứ?
Nguyên Cảnh Đế chỉ đành bí mật lệnh cho một vị Đại tướng dẫn theo hai nghìn kỵ binh tới Hoài Nam trước, hợp cùng hai vạn quân Yến Bắc ở phủ Giang Ninh, sau đó mới đi diệt quân phản loạn.
Trong mắt Hoàng đế thì quân phản loạn cũng chỉ là một lũ ô hợp mà thôi. Khi đối đầu với đội quân được huấn luyện nghiêm chỉnh, đương nhiên họ sẽ bị nghiền nát.
Nhưng quân tiếp viện còn chưa tới Hoài Nam thì Nguyên Cảnh Đế đã nhận được thư từ An phủ sứ của phủ Giang Ninh, Diêm Quảng Thành. Thư hỏa tốc tám trăm dặm, có thể thấy chiến sự vô cùng căng thẳng.
Trong thư viết phủ Giang Ninh đã rơi vào tay giặc, hai vạn quân Yến Bắc đều đã hi sinh. Tri phủ Phạm Lộc Hiên tự thấy mình không đủ tư cách đối diện với bệ hạ nên nửa tháng trước đã hổ thẹn tự vẫn. Sau khi viết bức thư này, Diêm Quảng Thành cũng mất tích.
Nhất thời toàn dân rúng động.
Đã đến nước này rồi, Nguyên Cảnh Đế đành bất chấp mặt mũi. Nếu còn trì hoãn nữa thì chỉ sợ phản quân sẽ chiếm trọn cả vùng Hoài Nam. Lão vung bút son lên, phái thêm năm vạn quân bôn ba dẹp loạn.
Năm vạn quân sĩ lên đường ra đi. Lúc trước Trấn Viễn Tướng quân cũng chỉ cần chừng ấy để bình Tây Hạ, Nguyên Cảnh Đế rất lạc quan, lão thảnh thơi gác chân trên triều để đợi tin chiến thắng.
Nhưng lão lại phải thất vọng rồi.
Chưa đầy nửa tháng, lính trinh sát chạy về báo tin: Đến Hoài Nam được mười ngày, đội quân năm vạn chỉ còn một vạn quân sĩ, ai nấy thoái chí nản lòng, không dám tiếp tục.
Nguyên Cảnh Đế giận dữ: "Các ngươi bảo chỉ có hai vạn phản quân thôi mà? Sao trẫm phái thêm năm vạn mà không đánh nổi? Lũ ăn hại bỏ đi!".
Trinh sát đáp: "Thưa bệ hạ, phản quân vô cùng thiện chiến, hình như không đơn giản là lũ ô hợp. Thủ lĩnh của chúng là một tên đàn ông trẻ tuổi đeo mặt nạ sói, cực kì oai phong, không ai cản nổi hắn... Thưa bệ hạ!".
Trinh sát quay lại từ chiến trường, đi liên tục không nghỉ, khiến tám con ngựa mệt rã rời mà chết để báo tin cho Hoàng đế. Nhớ lại cảnh nghênh chiến giữa hai quân, lòng gã vẫn tràn đầy nỗi sợ. Gã chưa từng thấy một kẻ nào dường như sinh ra là để xông pha trận mạc giống hắn.
... Tên thủ lĩnh trẻ măng, đeo mặt nạ sói, ngồi trên lưng ngựa, tay cầm cây thương cán bạc rất dài, tựa vị thần cai quản chiến trận hạ mình xuống nhân gian. Hắn một mình xông tới, mở con đường máu giữa cả vạn đại quân, mũi thương khua đến nơi đâu là chỗ ấy có người vong mạng.
Phản quân sau lưng hắn cũng can đảm và ngoan cường như mãnh thú, nào phải một đám ô hợp tụ lại cùng nhau, rõ ràng còn hơn sói hổ!
"Đồ hèn nhát!". Một võ quan cất lời quở mắng. "Ranh con chớ có nói xằng nói xiên, sao có thể tôn vinh quân địch mà hạ thấp sự uy nghiêm của quân mình!".
Nguyên Cảnh Đế hằm hằm nhìn gã, có vẻ không vui.
Trinh sát vội dập đầu: "Ty chức xin cam đoan tất cả đều là thật, không tô vẽ thêm gì cả! Xin bệ hạ phái thêm quân tiếp viện ngay lập tức, nếu không vùng Hoài Nam sẽ gặp nạn mất thôi!".
"Láo toét! Lôi nó xuống!". Nguyên Cảnh Đế ngắt lời.
Khuôn mặt lão đầy vẻ lạnh nhạt. Không phải lão không tin lời trinh sát, nhưng hai mươi ngày nữa là đến sinh nhật lão rồi, lão sẽ không cho phép bất cứ sự hỗn loạn nào xảy ra.
Triều thần cùng hiến kế, có võ quan xung phong đi giết giặc, có văn quan lại bảo không vội gì, cứ tập trung vào lễ Vạn Thọ trước rồi tính sau.
Có rất nhiều điều cần kiêng kị khi mừng ngày sinh Hoàng đế. Ví dụ như Hoàng đế ban lệnh đại xá toàn dân, tù phạm được giảm án, đó là vì phải kiêng giết chóc.
Với một kẻ mê muội sự trường sinh như Nguyên Cảnh Đế, những điều này lại càng quan trọng – lão ngầm muốn tránh ra quân. Đương nhiên, lão vẫn cảm thấy mình nên dè chừng đội quân phản loạn hung hăng mạnh mẽ.
Nếu không phải đánh trận thì tốt...
Đúng lúc có một vị quan nhận ra ý lão mà kiến nghị chiêu hàng.
"Chẳng phải thủ lĩnh của phản quân còn rất trẻ hay sao ạ? Lũ nhãi ranh tầm tuổi ấy thích nhất là tỏ vẻ oai phong, chỉ cần cho hắn một chức quan cao là được, đợi hắn yên rồi thì mai sau xử trí".
"Chiêu hàng?".
"Sắp tới là lễ Vạn Thọ, hẳn Hoàng đế không muốn chiến sự liên miên nên chỉ có cách này để giải quyết mà thôi".
Chiếm được phủ Giang Ninh, những tòa thành nhỏ xung quanh cũng dễ thu phục. Hoài Nam đã sắp thất thủ mà triều đình trì hoãn không gửi viện binh, Thái Thư ngẫm nghĩ, đoán ra được gần hết động cơ của lũ quan viên trên triều.
Chiêu hàng là một phương án cũ rích, đánh thắng thì đánh ngay, khó giải quyết thì dùng kế dụ.
Đầu tiên là phong cho làm quan lớn để đối tượng tạm thời không chống trả, chờ đến khi đối tượng chìm trong quyền thế thì quyết tâm đã bị mài mòn, những thuộc hạ thân tín cũng đã lung lay, bên trong tan rã từng chút một, bên ngoài không thể nổi dậy thêm lần nữa.
"Còn lâu ta mới chịu để lão chiêu hàng". Khuôn mặt Vệ Kinh Đàn lạnh tanh, đôi mắt tĩnh lặng như hồ nước.
Thái Thư gật đầu rồi nhấp một ngụm trà nóng, hắn ta cũng hiểu. Mục đích của họ là ngôi cửu ngũ chí tôn, nếu Vệ Kinh Đàn là người có tầm nhìn ngắn, ham mê danh vọng thì hắn đã chẳng thể trở thành thủ lĩnh của toàn quân Chu Tước.
Chén trà còn chưa cạn, nhưng nhìn sắc mặt chủ nhân, Thái Thư lại có cảm giác hắn chưa dứt lời.
Quả nhiên Vệ Kinh Đàn nhanh chóng nói tiếp: "Tuy vậy, chúng ta vẫn cần một lí do".
Không phải chỉ cần ập vào hoàng cung, giết chết Hoàng đế là có thể lên ngôi một cách danh chính ngôn thuận.
Ở thời đại phong kiến này, mọi sự đều phải theo ý muốn của trời cao. Hoàng đế là chân long thiên tử, là định mệnh do trời cao phái xuống, không phải ai cũng được phép ngồi lên ngai vàng.
Khi một người vô danh tạo phản, thiên hạ sẽ coi người ấy là giặc cỏ nhiễu loạn đất nước, là đang làm chuyện trời cao không thể dung thứ, không kẻ nào thần phục.
Tự cổ chí kim, muốn tạo phản thì phải có lí do đàng hoàng.
Nếu là quan viên thì phải nâng đỡ một con bù nhìn lên làm Hoàng đế, lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu. Nếu là võ tướng thì phải mượn danh tiễu trừ vài kẻ chuyên nịnh hót, làm dấy lên xung động.
Nếu là quân khởi nghĩa thì càng đơn giản, người dân bất mãn với sự hà khắc của triều đình, bách tính lầm than, tất cả đều có thể trở thành lí do khởi nghĩa.
Tiếc là Vệ Kinh Đàn không phải quân khởi nghĩa, cũng không phải võ tướng, không phải quan viên. Hắn thực sự là quân phản loạn.
Chắc chắn chuyện hắn là hậu duệ của Vệ Vương sẽ bị lộ ra ngoài, rồi mọi người sẽ nghĩ hắn là dư đảng của Vệ Vương, có khi cha hắn còn bị chụp mũ là tạo phản từ trước.
Vệ Kinh Đàn không chấp nhận viễn cảnh ấy. Hắn muốn tên Hoàng đế khốn nạn phải tự giác nhận sai, trả lại sự trong sạch cho cha mình.
Thế nên Vệ Kinh Đàn cũng cần một lí do danh chính ngôn thuận.
Khúc mắc ấy khiến hắn rơi vào tình cảnh tiến cũng không được, mà lùi cũng không xong. Tiến là tạo phản, chứng thực tội danh của phủ Vệ Vương, lùi là nhận chiêu hàng, không thể xả nỗi hận, cũng không phải mục tiêu cuối cùng của hắn.
"Nếu tìm được ấn thiên tử thì quá tốt". Thái Thư buột miệng nói.
Ấn thiên tử là thứ có thể biến "tạo phản" thành "thuận theo ý trời".
"Chỉ người giữ ấn thiên tử mới được cao xanh thừa nhận, là thần của thiên hạ, thống lĩnh muôn dân, xứng danh con nhà Trời".
Trong mắt kẻ có quyền lực, câu ấy chỉ là lời nói suông, bởi quyền lực nằm trong lòng bàn tay ai thì thuộc về người đó. Nhưng trong mắt nhân dân, câu nói đã truyền qua muôn thế hệ lại không khác gì châm ngôn cả.
Đặc biệt là trong thời kì triều cương nhiễu loạn, bách tính lầm than, quân nổi dậy vùng lên khắp bốn phía – ai lấy được ấn thiên tử thì sẽ là người nhận được sự đồng ý của cao xanh, đại diện cho mệnh lệnh của thần.
Tất thảy đều danh chính ngôn thuận.
Thái Thư nhìn Vệ Kinh Đàn, lúc trước Thế tử vào phủ họ Dung là để tìm tung tích chiếc ấn. Nhưng chịu cực hai năm, hắn vẫn tay không quay về.
Vệ Kinh Đàn thì chẳng thấy cực, ngược lại hắn còn nghĩ là trời cao đưa ra thử thách để hắn được gặp gỡ Dung Ngọc, phải là quà mới đúng.
Hắn cực kì hạnh phúc.
Thái Thư phát hiện ánh mắt của Thế tử mặt lạnh nhà mình có hơi nhộn nhạo.
"...". Hắn ta khẽ ho khan.
Vệ Kinh Đàn lần nữa nhíu mày lại, quay về với vẻ nghiêm túc: "Chuyện này bàn sau, ta cần suy nghĩ đã".
Thái Thư thừa biết, nhưng không bóc mẽ chủ. "Vậy thì Thế tử nghỉ sớm đi thôi". Lời vừa dứt, hắn ta xin phép cáo từ.
Sáng sớm hôm sau, Vệ Kinh Đàn chỉ để một phần binh sĩ đóng quân tại thành, số còn lại đều về phủ Giang Ninh với hắn.
Phủ Giang Ninh rộng rãi, sản vật dồi dào, trong thời kì thiên tai thì dân chúng ở phủ Giang Ninh dễ thở hơn nơi khác, số lương thảo mà Vệ Kinh Đàn gom được cũng sẽ nhiều hơn. Hắn đưa hầu hết quân binh đến, lập đại bản doanh ở nơi này.
Việc đầu tiên khi về phủ Giang Ninh: có hai người cần gặp mặt.
Họ đã đứng đợi sẵn ở phủ thành chủ. Vệ Kinh Đàn bước vào bên trong, tỏ vẻ cung kính: "Diêm bá, Phạm thúc".
Là Diêm Quảng Thành đã "mất tích" và Phạm Lộc Hiên đã "tự vẫn".
Diêm Quảng Thành bước lên một bước, vừa vỗ vai Vệ Kinh Đàn vừa cảm thán: "Nhiều năm không gặp, lớn tướng rồi đấy nhỉ!".
Phạm Lộc Hiên mỉm cười: "Đúng là đã rất nhiều năm. Lần trước gặp là cháu mới vừa làm lễ đầy tháng nhỉ, ha ha ha ha".
Không ai biết Phạm Lộc Hiên, Diêm Quảng Thành, và cả Sở Ngôn đã chết, đều là bạn chí thân của Vệ Vương. Vì mến tài nhau mà họ có quen biết từ thời Thái Tổ, sau lại vì Thái Tổ cũng kiêng chuyện triều đình kết bè kéo phái mà chỉ âm thầm gửi thư, rất ít khi gặp mặt trực tiếp.
Nhất là Diêm Quảng Thành, ông và Vệ Vương đều không có xuất thân cao quý, đều là võ quan, lại cùng chung chí hướng, còn thân thiết hơn anh em ruột thịt.
Vệ Vương nhận thấy Nguyên Cảnh Đế nghi ngờ mình, biết bản thân khó tránh kiếp nạn, bèn nhờ Diêm Quảng Thành cùng diễn kịch với ông – mục đích là để Diêm Quảng Thành được Nguyên Cảnh Đế tin yêu sau khi ông chết. Nay Vệ Kinh Đàn đã lớn, Diêm Quảng Thành sẽ giúp con ông.
Nếu Vệ Kinh Đàn chỉ muốn làm người thường cũng không sao, Diêm Quảng Thành sẽ đảm bảo hắn có một cuộc đời bình an và suôn sẻ. Nếu Vệ Kinh Đàn có dã tâm muốn làm việc lớn, Diêm Quảng Thành cũng sẽ hỗ trợ, không nề hà.
Năm ấy Phạm Lộc Hiên cũng đã dùng cách tương tự khi Sở Ngôn bị Hoàng đế tra ra chuyện có dính líu đến án mưu nghịch của Vệ Vương.
Mọi thứ đều là con đường do Vệ Vương bày sẵn cho Vệ Kinh Đàn bước tiếp, để sau khi ông nhắm mắt xuôi tay, Vệ Kinh Đàn vẫn được chọn theo cuộc đời mình mong muốn.
Hắn dễ dàng thâu tóm phủ Giang Ninh, bởi hai vạn quân Yến Bắc bị diệt sạch thực ra đã được nhập vào quân Chu Tước theo sự sắp xếp của Diêm Quảng Thành.
Vệ Kinh Đàn cùng nâng chén với hai người Diêm, Phạm, trò chuyện rôm rả suốt một ngày, nghe họ kể về tình nghĩa sâu nặng giữa các bậc cha chú, về sự oai phong của Vệ Vương khi trước, về vinh quang mà phủ Vệ Vương một thời từng nhận được, về nỗi căm hận sâu sắc mà họ đã phải kìm nén suốt bao năm.
Đột nhiên hắn hiểu bản thân nên bước tiếp thế nào.
Phủ Vệ Vương trung thành và kiên định, lấy máu giúp Thái Tổ kiến tạo giang sơn, lấy thịt trấn thủ cả một vùng biên cương giáp Nam Việt rộng lớn. Họ là công thần của Đại Chu, không phải kẻ phản nghịch, không rắp tâm mưu đồ.
Vệ Kinh Đàn không cho phép thanh danh của phủ Vệ Vương bị vấy bẩn, thế nên hắn phải chọn một con đường khác.
Năm ngày sau, sứ giả triều đình đến phủ Giang Ninh cùng ý chỉ chiêu hàng từ Hoàng đế.
Quân Chu Tước toàn những tên cáo già sành sỏi, thừa biết mấy thủ đoạn hẹp hòi này. Họ vừa thắng, không chỉ thắng mà còn là lấy ít thắng nhiều, thắng rất ung dung, khí thế toàn quân cao vời vợi; vậy nên chỉ muốn đánh tới tận kinh thành, lật tung cung điện của tên Hoàng đế khốn kiếp, sao có thể để lão chiêu hàng được đây?
Họ chưa bao giờ quên nguyên do mình phải lưu lạc đến mức này. Quân Chu Tước chỉ nhận Vệ Vương làm chủ, mấy trăm mạng người của phủ Vệ Vương bị giết chết chỉ trong vòng một đêm, lòng họ chưa bao giờ ngừng đau đớn. Nếu không phải vì Hoàng đế khốn kiếp kia vô ơn bội nghĩa thì họ cũng chẳng phải đi tới bước đường này.
Chiêu hàng? Đừng có mơ!
Cả đội quân giận dữ, mắt đỏ ửng, không ngừng gào thét muốn Vệ Kinh Đàn hạ lệnh. Họ phải lập tức xuất chinh, cho triều đình biết thế nào là lễ độ!
Vệ Kinh Đàn lại không kích động đến thế. Hắn gọi các vị tướng kia vào phòng trò chuyện một hồi lâu, sau cùng ai nấy đều mang biểu cảm phức tạp, có vẻ trầm tư như đang cân nhắc điều gì đó.
Ngày tiếp theo, sứ giả nhận được tin của Vệ Kinh Đàn – hắn chấp nhận chiêu hàng, nhưng phải kèm theo điều kiện: chỉ nhận phong thưởng chứ không giao nộp địa bàn và quân binh của hắn.
Trước khi sứ giả tới đây, Hoàng đế đã đưa ra chỉ thị: miễn không vượt quá giới hạn của triều đình, yêu cầu của phản quân nên được thỏa mãn hết sức có thể.
Hai sứ giả liếc nhìn nhau, gật đầu, mở thánh chỉ của Hoàng đế ra tuyên đọc.
... Phong "Ngụy Kinh Đàn" làm Hoài Nam Vương, lấy sông Hoài làm ranh giới, thưởng phủ Giang Ninh ở phía Nam sông Hoài và tổng cộng mười ba thành trì khác như thành Bình, thành Yển... làm đất phong, cho nắm quyền chỉ huy hai vạn quân sĩ, ban lệnh khởi hành về kinh để dự lễ sắc phong ngay lập tức.
Lời tác giả: Chương sau đôi chim cu gặp nhau rồi đó.