Mảnh vỡ của linh tướng lại tiến vào cơ thể một lần nữa và vẫn khiến người ta phải chịu giày vò.
Giống như lần trước, Văn Thời cảm thấy mình ngủ mê man khá lâu và cũng nhớ lại rất nhiều chuyện trong mơ.
Anh mơ thấy mình cứ đi qua đi lại dưới chân núi Tùng Vân, song lại ít khi nào thực sự lên núi. Thôn xóm dưới chân núi nằm gần đường lớn, bên đường có một trạm dừng chân, cọc buộc ngựa đứng thẳng và một quán trà. Đôi lúc anh vội vàng lướt qua, nhưng có khi anh sẽ gọi một bình trà và ngồi trong quán đó một lát.
Bác chủ quán rất tốt bụng, vui cười cởi mở, có thể nói chuyện với bất kỳ ai suốt nửa buổi trời, ngay cả với kiểu người trông có vẻ lạnh lùng mù sương như Văn Thời đây.
Điều không được hoàn mỹ là bác ấy bị què.
Thường mấy kẻ không thức thời sẽ nhằm vào chân của hắn để trêu ghẹo, nhưng bác ấy cũng chả giận, luôn cười khoác lác rằng nếu mà có một tảng đá to đùng rớt từ trên núi xuống, một thằng què như bác ấy sẽ chạy trốn nhanh hơn bất cứ ai cho coi.
Nếu Văn Thời trùng hợp đang có mặt, chẳng cần bao lâu thì anh đã có thể đóng băng những lời nói bất lịch sự kia. Bác chủ quán chỉ cười ha hả châm thêm một bình trà cho anh và trò chuyện về mấy điều lý thú đã xảy ra vào những ngày gần đây.
Anh luôn có thể nghe ngóng được chút tin tức về núi Tùng Vân cũng như bóng dáng của người trên núi nọ thông qua những chuyện đó.
Sau này khi không còn chút linh tướng nào, ký ức cũng bay đi hết trơn và chỉ còn lại một thể xác, anh vẫn quay về núi Tùng Vân trong vô thức.
Nhưng mà núi thì không thấy đâu, thôn xóm cũng mất bóng, chỉ có một trạm dừng chân đứng lẻ loi bên lộ lớn, sau lưng là một rừng cây hoang dã.
Văn Thời đứng ở nơi mà quán trà từng tọa lạc rồi nhìn rừng cây thênh thang kia. Anh chỉ cảm thấy hình như nơi này mình từng khá quen thuộc, nhưng khi nhấc chân lên, anh lại mịt mờ không biết nên đi đâu.
Cuối cùng nhờ tiếng thở dài của một đứa con nít vất vưởng nhìn như ăn mày, anh mới hoàn hồn.
Thằng nhóc kia bò ra từ trong bụi cỏ phía sau trạm dừng chân, trong tay bé còn nắm chặt lương khô không biết đã bao nhiêu ngày. Bé xoay quanh Văn Thời hai vòng, do dự bẻ một miếng nhỏ từ phần lương khô ít ỏi kia và đưa tới, miệng thì nói: “Huynh cũng không tìm thấy nhà nữa hả?”
Thằng nhóc ăn mày kể rằng ông nội mình là một người bị què, có lần té lộn mèo một cái lúc tuổi đã già, không bao lâu thì qua đời. Tuổi bé còn nhỏ, không nhớ đường, đi lòng vòng quanh rừng cây không biết đã bao nhiêu vòng, nhưng vẫn không tìm thấy nhà nằm đâu, bởi thế bé trở thành đứa trẻ lang thang.
Sau đó, thằng nhóc ăn mày đó trở thành đồ đệ của Văn Thời.
Đời sau lưu truyền những điều không giống nhau về tên đồ đệ này. Có người nói hắn là con của bạn cũ Văn Thời, mới sinh ra đã được định sẵn làm đồ đệ, nhưng vì số phận xui rủi, chưa tới hai năm mà sư phụ đã bị kẹt trong đại trận phong ấn. Cũng may là hắn có năng khiếu tuyệt vời, nhờ thế mới không cô phụ cái danh đồ đệ của Văn Thời. Rồi tới năm mười ba mười bốn tuổi, cuối cùng hắn cũng xuất hiện trên bức danh phả, thế là từ đó cái dòng của Văn Thời được độc truyền.
Tên đồ đệ này có tính cách hoàn toàn khác với Văn Thời, có chút dáng vẻ của Chung Tư năm đó, cũng có lẽ là hắn kế thừa bản tính nào đó của ông nội.
Văn Thời không chịu nói chuyện với hắn, hắn sẽ đi khắp thiên hạ để tìm người bà tám, bà tám xong thì tới hỏi Văn Thời rằng vị Tổ sư gia mà mọi người giấu kín như bưng kia trông như thế nào, rằng anh có bức vẽ nào không?
Đó là cuối hè đầu thu của một năm nào đó, mưa đêm không ngớt, rơi lên cái cây ngoài phòng, kêu nghe xào xạc, luôn làm người ta nhớ đến tiếng mưa rơi trong núi sâu.
Văn Thời cầm bút nhúng vào mực, đứng trước bàn, nhìn chằm chằm vào ánh đèn lấp lóe suy nghĩ rất lâu, nhưng mãi cũng không nghĩ ra bộ dáng của người nọ.
Dù anh có cố gắng đến đâu cũng chỉ có thể nhớ lại chiếc mặt nạ có hình dáng mơ hồ, nửa thiện nửa ác, nửa quỷ nửa tiên kia, cũng như cả chiếc áo khoác dài đỏ tươi và một bó hoa mai trắng.
Anh chắp vá lung tung nên một bức tranh, muốn viết tên xuống bên cạnh, thế mà lúc đặt bút lại viết ra một chữ ‘Tạ’.
Đồ đệ nhìn mà sửng sốt hẳn, hỏi anh vì sao lại muốn viết chữ này.
Anh không nói nên lời, lặng thinh đứng đó trong sự ngỡ ngàng.
Một giọt mực rơi khỏi đầu bút, tách một tiếng dừng trên chữ ‘Tạ’ nọ và lập tức ướt lan thành một mảng.
Trái tim của Văn Thời đột nhiên trật nhịp, và rồi anh bừng tỉnh vào giây phút đó.
Trước khi mở mắt, anh nghe đồ đệ hỏi mình một câu giữa cơn mộng mị còn vương vấn: Nếu đã biết rằng cứ ra vào cửa vô tướng sẽ đau đớn đến thế, ngài tội gì phải chịu nỗi khổ nạn này.
Anh nói: Thất lạc một thứ, không tìm lại được thì không thể giải thoát.
Đồ đệ hỏi: Thất lạc gì ạ?
Anh nhìn thể xác trống rỗng của mình, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi bảo: Linh tướng của ta.
***
Văn Thời vừa mở mắt đã trông thấy một cây xà ngang bằng gỗ đang treo cao trên nóc nhà, chỉ ngửi thôi là có thể phân biệt ra nó là gỗ tùng.
Sau đó, anh lại nhìn thấy một cành khô và giá đứng cho chim quen thuộc.
Giá chim trống không đang lắc lư nhẹ nhàng trong gió, tựa như một giây trước vừa có một con Kim sí Đại bàng to bằng bàn tay đứng trên đó, chỉ là nó đã chợt vỗ cánh bay ra ngoài.
Đây là… căn phòng trên đỉnh núi Tùng Vân của anh.
Anh ngơ ngẩn nhìn giá chim đung đưa. Trong nháy mắt, anh không biết hôm nay là ngày nào.
Mãi đến khi một giọng nói vui mừng vọng tới từ bên cạnh: “Anh tỉnh rồi hả anh?!”
Đó là Hạ Tiều.
Văn Thời chớp mắt một cái, bỗng dưng lấy lại tinh thần.
Anh chống tay ngồi dậy khỏi giường, Hạ Tiều vội chạy lại phụ anh, còn bưng tới một ly trà, song lại bị anh giơ tay chặn mất.
“Người nọ đâu?” Giọng Văn Thời vừa trầm vừa khàn, lời cũng không đầu không đuôi.
Hạ Tiều khá sững sờ. Còn chưa kịp trả lời, cậu đã nghe một tiếng nói khác chen vào: “Sư phụ đang ở trong phòng mình kế bên phòng đệ. Quá trình khô hóa giảm sút, nhưng mà tốc độ thì hơi chậm, ngài ấy vẫn chưa mở mắt.”
Người nói là Bốcc Ninh. Hắn còn mượn cơ thể của Chu Húc, song lại quen đường của cả núi Tùng Vân. Hắn bó tay lại bằng khăn vải, mang tới một lò thuốc ào ạt hơi nóng, để nó trên bàn, miệng thì không hề ngừng nói: “Linh tướng của Chung Tư và Trang Dã bị tổn thương khá nghiêm trọng, huynh đã dấy lên một trận để dưỡng thương cho họ. Về phần Kim sí Đại bàng…”
Hắn thu lại khăn vải, lau ngón tay và nói: “Sự khô hóa xuất hiện trên Kim sí Đại bàng vẫn chưa lui sạch, lại bị dọa sợ, e rằng phải đợi thêm chút nữa mới tỉnh lại được.”
Văn Thời đã xuống giường và đang định đi về phía cửa, nghe thế thì ngây ngẩn.
“Bị dọa sợ?” Anh nhíu mày buồn bực nhìn Bốc Ninh: “Kim sí Đại bàng mà bị dọa sợ cái gì.”
Bốc Ninh chẳng hề ngẩng đầu, lau ngón tay hết sức nghiêm túc: “À, đúng là… vô cùng hiếm thấy.”
Phản ứng này của hắn càng kỳ quái hơn.
Văn Thời vốn đang sốt ruột cũng hơi ngớ ra, trên mặt toàn là dấu chấm hỏi.
Anh chẳng hiểu mô tê lại nhíu mày truy hỏi vị sư huynh luôn thẳng thắn này: “Ý huynh là sao?”
Bốc Ninh đã lau hai tay mạnh đến nỗi sắp xước da, nghe vậy mới ngước mắt lên, sau đó tỏ vẻ muốn nói rồi lại thôi với Văn Thời.
Hắn mấp máy môi vài lần… rồi quyết định đi lau bàn.
Không đúng, có vấn đề gì ư?
Văn Thời càng nhíu chặt mày hơn, đang định mở miệng thì đã thấy Bốc Ninh thình lình dừng tay.
Hắn vịn mép bàn, ngoảnh đầu nhìn sang và rặn ra một câu khá uyển chuyển: “Có lẽ là Kim sí Đại bàng chưa thấy quá trình độ linh bao giờ.”
Một dấu “?” từ từ nổi lên trên đỉnh đầu của Văn Thời.
Lúc đầu, anh cũng chưa hiểu, mãi đến khi vị sư huynh được biết đến với danh hiệu ‘da mặt mỏng và thích giảng lễ nghĩa’ này lặng lẽ nhìn mình một lúc lâu rồi bất chợt chắp tay vái mình một cái: “Sư đệ, tha lỗi cho huynh.”
Lúc đứng dậy, da mặt của vị sư huynh nhã nhặn này thế mà lại đỏ ửng.
Văn Thời: “???”
Hai mặt nhìn nhau sau ít lâu, Văn Thời bỗng nhớ ra khoảnh khắc trước khi nỗi đau của đợt độ linh ập tới…
Khi đó, anh hoàn toàn không nhìn thấy Tạ Vấn ngay trước mặt tựa như một kẻ bị mù nặng. Vì vậy, ký ức về cả quá trình trở nên lờ mờ, hầu như là không nhớ rõ gì hết.
Mãi sau, anh mới nhớ ra cảm xúc ấm áp và mềm mại giữa môi mình vào phút chốc ấy, nhớ ra hình như mặt mình chạm trúng chóp mũi của một ai đó, cũng như nhớ ra hương gỗ tùng và mùi máu nồng nặc như có như không giữa hơi thở…
Anh ngây ngẩn ngay tại chỗ, ngón cái lướt nhẹ qua khóe môi.
Lúc anh ngước mắt nhìn lên lần nữa, da mặt của Bốc Ninh lại càng đỏ hơn.
Văn Thời: “…”
Bốc Ninh lại bày ra biểu cảm ‘xem ra đệ nhớ ra rồi’, sau đó lại vái một cái với anh.
Tin tức ùa tới vừa đột ngột vừa nhanh chóng, Văn Thời nhất thời không biết phải xử lý vụ nào trước. Có lẽ đời này anh chưa từng dại ra như vậy, đứng hình một hồi lâu mới thốt lên một câu với Bốc Ninh: “Chẳng phải có trận che mắt ư?”
Lão Mao đi theo Tạ Vấn thì không tính, sao Bốc Ninh lại biết được?
Ai dè Bốc Ninh lại vái anh cái thứ ba: “Cả núi Tùng Vân đều nằm trong trận. Huynh là chủ trận, dù có trận che mắt, huynh ít nhiều gì cũng có thể cảm nhận đôi chút mà.”
Dứt lời, hắn còn quen miệng bổ sung: “Xấu hổ quá, xấu hổ quá.”
Văn Thời: “…”
Còn thêm thằng ngốc Hạ Tiều này nữa. Cậu đứng bên cạnh nhìn Đông ngó Tây, hỏi một câu rất không đúng lúc: “Ủa anh, hai người đang nói chuyện gì bí hiểm vậy? Sao em nghe mà chả hiểu gì hết trơn?”
Mắc mớ gì tới mày.
Văn Thời xoay đầu liếc Hạ Tiều một cái, đang định phun ra mấy lời dữ dằn đựng đầy trong bụng, song bỗng nhớ lại con rối mình đã thả ra để lừa Trần Bất Đáo vì sợ quá trình tách linh tướng của mình hôm phong ấn đó sẽ bị ngắt đoạn…
Nó cũng sạch sẽ và không dính một hạt bụi nào, nhưng bởi lúc đó anh đã mất khống chế, hoàn toàn không để ý con rối mình ném ra rốt cuộc có hình dáng và diện mạo gì, chỉ có một chút suy nghĩ theo bản năng thôi.
Nếu nghĩ như thế, Hạ Tiều thực sự đã được tạo ra từ tay anh.
Vì vậy, lời trào tới mép thì bị mắc kẹt, anh cứng rắn nói ra một câu: “Không hiểu thì đừng nghe.”
Nói rồi anh lại tiếp tục bước về phía cửa.
Bốc Ninh thì trấn an Hạ Tiều một câu: “Không phải chuyện gì to tát cả, phiền con trông chừng nước thuốc một lúc được không?”
Hạ Tiều ngoan ngoãn gật đầu nhận việc.
Bốc Ninh vỗ về cậu xong thì ngồi dậy, hỏi Văn Thời: “Đệ muốn nhanh chân sang thăm sư phụ đó à?”
Lời này vốn chẳng có gì sai, nhưng xét theo mấy điều muốn nói lại thôi trước đó, khi lọt vào tai Văn Thời thì lập tức trở nên khá sâu xa.
Vì thế anh dừng bước và đáp: “Không phải.”
“Vậy đệ ra ngoài để ——” Bốc Ninh hơi thắc mắc.
Văn Thời nhả ra ba chữ: “Thăm Lão Mao.”
Bốc Ninh: “… Được.”
Có lẽ giọng điệu của chữ ‘được’ này khá sinh động, Văn Thời sắp bước khỏi cửa lại đột nhiên hỏi một câu cực kỳ không liên quan: “Sư huynh, vậy cái lồng này ——”
Thông thường khi chưa tới phút cuối, họ không thể nói trắng ra với người trong lồng. Dù sao thì trên đời này ít ai có thể chấp nhận sự thật này một cách bình tĩnh lắm.
Nhưng Bốc Ninh thì khác.
Tuy nhiên, câu trả lời của Bốc Ninh vẫn nằm ngoài dự đoán của Văn Thời. Hắn dịu dàng ngắt lời: “Đây có lẽ không phải lồng đâu.”
Văn Thời ngoảnh đầu nhìn hắn: “Ý huynh là sao? Không phải lồng?”
“Ít nhất không phải loại lồng mà huynh thường gặp phải.” Bốc Ninh nói thêm: “Đệ và sư phụ bị thương quá nặng, hôn mê suốt một khoảng thời gian nên không rõ lắm cũng phải thôi. Hai bữa rồi, bọn huynh cũng đang cân nhắc về việc này.”
“Bọn huynh?”
“À, huynh và hai người của Trương gia.” Bốc Ninh thường không biểu lộ cảm xúc trên mặt, luôn khách khí khi nhắc tới Trương Lam và Trương Nhã Lâm, “Bọn huynh đã trò chuyện đôi điều. Lồng bình thường được tạo nên bởi tâm lồng nơi chủ lồng ở và thứ bao vây bên ngoài.”
Lúc nghe thấy hai chữ ‘chủ lồng’, Văn Thời nhìn chằm chằm vào hắn rồi ‘ừm’ một tiếng.
Bốc Ninh cười một cái bảo: “Huynh biết, trước đây các đệ nhất định đã coi huynh là chủ lồng, bởi dù có nói gì thì trận này của ta cũng được bày ra ở đây, nhưng thực ra thì không.”
“Vậy nó là gì?” Nghe xong lời hắn nói, một suy đoán mơ hồ bỗng lóe lên trong đầu Văn Thời.
Quả nhiên, anh nghe Bốc Ninh nói: “Huynh đã ngẫm nghĩ, có lẽ chủ lồng chính là ngọn núi Tùng Vân này của chúng ta. Trận của huynh đã giấu trọn cả ngọn núi Tùng Vân cũng như thôn xóm và người dân dưới chân núi mà.”
Hắn giơ nắm đấm trống trơn lên và bảo: “Tựa như một hạt đào. Oán sát mà Chung Tư và Trang Dã đã gồng gánh trên người suốt nhiều năm như thế chính là sương đen tràn khỏi hạt đào. Vậy thì phải chăng đạo lý này giống với chủ lồng?”
Vốn chỉ một người, song lại biến thành nguyên một ngọn núi bao bọc lấy người.
“Huynh cứ tưởng chỉ cần dọn sạch oán sát trên người Chung Tư và Trang Dã, cái lồng này sẽ tự nhiên được giải. Không ngờ còn tệ hơn nữa, cụ thể vì sao lại thế này, hai thanh niên Trương gia kia đã chủ động xuống núi thăm dò. Đợi họ trở về, ta lại bàn bạc cũng không muộn.”
“Ừm.” Văn Thời trầm giọng trả lời.
Họ vẫn phải nhanh chóng giải được lồng này để ra ngoài. Dù sao thì… anh còn muốn đi tìm một cái lồng phiền phức hơn, nơi mà linh tướng của anh và Trần Bất Đáo đều kẹt ở trong.
“Được rồi, đệ đi thăm sư phụ đi, nhưng có lẽ ngài ấy còn ——” Bốc Ninh đặt khăn vải lên bàn rồi xoay người, ai ngờ phát hiện Văn Thời đã mất bóng.
Lâu lắm rồi Văn Thời chưa vào căn phòng này, vì vậy lúc bước vô rồi giơ tay ra sau lưng để đóng cửa lại, anh còn chẳng để một tiếng động nào vang lên.
Hiệu ứng của trận vẫn còn đó, bản thân anh đang mặc một bộ áo dài mây tuyết, tóc được cột gọn gàng. Người trên giường thì ngồi khép mắt, áo khoác màu đỏ thòng xuống bên mép giường, trong phòng hỗn hợp hương trà và mùi thuốc thoang thoảng.
Ánh đèn trên bàn lu mờ mà dịu mắt, giấu đi hơi thở ốm yếu của người trên giường.
Trong phút chốc, Văn Thời gần như có một ảo giác.
Như thể mình còn luyện rối thuật từ ngày này tới ngày nọ ở núi Tùng Vân. Ban ngày nghe các sư huynh đệ om sòm không dứt, tối đến thì lên lại đỉnh núi, mượn nhờ ánh trăng rét lạnh và ngọn đèn dầu để liếc người trong phòng một cái, song lại điều khiển dây rối trong tay và không chớp mắt lia sang chỗ khác trước khi đối phương ngó qua.
Mà một nghìn năm dài đằng đẵng này và tất cả mọi thứ xảy ra trong thời gian đó chẳng qua chỉ là giấc mơ hùng hồn mà thôi.
Văn Thời tựa lưng lên cửa đứng đó rất lâu, cuối cùng mới nhấc chân đi tới bên giường.
Anh trông thấy bàn tay nhìn như mấy khúc xương khô gầy bên dưới bóng mờ tạo nên bởi tay áo của đối phương.
Văn Thời nhìn chúng chăm chú trong chốc lát, nhịn không được mà giơ tay cầm lấy. Đó cũng không phải cảm xúc hằn sâu trong nhận thức của anh, mà nó lại xa lạ đến nỗi khiến người ta mờ mịt.
Dường như có biết bao cây kim mảnh nhọn lẳng lặng đâm vào ngực làm anh cảm thấy đau buốt âm ỉ.
Văn Thời nhắm mắt lại, bỗng nghe giọng nói còn hơi khàn của Tạ Vấn vang khẽ bên tai: “Nếu không nhờ đã tỉnh lại, phải chăng ta sẽ không nhìn thấy có người lén lẻn vào phòng mình.”
HẾT CHƯƠNG 81 („• ֊ •„)