Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 24: Quần đảo Salut, đến quần đảo



Mai là ngày chúng tôi phải lên tàu ra Quần đảo Salut. Mặc dầu tôi đã đem hết sức bình sinh ra cưỡng lại số phận, thế mà giờ đây chỉ còn mấy tiếng nữa tôi sẽ bị đưa đến nơi giam hãm suốt đời. Trước hết tôi phải qua hai năm cấm cố ở đảo Saint-Joseph. Tôi hy vọng sẽ làm cho cái biệt hiệu mà tù khổ sai đã đặt cho nó: đảo "ăn thịt người", không còn đúng nữa.

Tôi sẽ thua cuộc, nhưng không hề có tâm trạng của một kẻ bại trận. Tôi phải lấy làm mừng là chỉ phải giam hai năm trong cái nhà tù của một trại tù này. Như tôi đã tự hứa, tôi sẽ không để tình trạng hoàn toàn cô độc đưa tôi đến chỗ mất trí. Tôi đã có phương thuốc chống lại nguy cơ dó. Tôi phải thấy trước là tôi sẽ được tự do, lành mạnh như một tù nhân khổ sai bình thường trên quần đảo. Khi ra khỏi nhà cấm cố, tôi sẽ được ba mươi tuổi. ở Quần đảo, những vụ vượt ngục hết sức hiếm hoi, tôi biết điều đó. Nhưng dù có thể đếm trên đầu ngón tay, vẫn có những người đã vượt ngục. Thế thì tôi, tôi cũng sẽ vượt ngục đó là điều chắc chắn. Hai năm nữa tôi sẽ trốn khỏi Quần đảo, tôi nhắc đi nhắc lại như vậy với Clousiot đang ngồi cạnh tôi.

- Bươm bướm, anh bạn già của tôi, quả thật khó lòng có thể làm cho anh nản chí, và tôi thật thèm muốn niềm tin mà anh mang trong lòng, niềm tin là chắc chắn một ngày kia anh sẽ được tự do. Đã suốt một năm ròng anh không ngừng vượt ngục, và chưa có lần nào anh từ bỏ ý định. Vừa mới thất bại vụ này anh đã chuẩn bị một vụ khác. Tôi lấy làm lạ rằng ở đây anh không thử làm gì cả.

- Ở đây chỉ có một cách thôi, bạn ạ: tổ chức một cuộc nổi loạn. Nhưng để làm việc đó tôi không có đủ thì giờ nắm vững trong tay tất cả những con người khó điều khiển này. Tôi đã suýt gây nên một cuộc nổi loạn, nhưng tôi đã thấy sợ bị nó nuốt chứng. Bốn mươi người bị giam ở đây đều là tù khổ sai lâu năm. Con đường của sự thối nát đã cuốn hút họ, họ phản ứng khác chúng ta. Dẫn chứng: "ăn thịt người, hai anh chàng giết người bằng kiến, lại còn cái người đã bỏ thuốc độc vào xoong xúp nữa: để giết một người, hắn đã không do dự đầu độc luôn bao người khác chưa hề làm gì phương hại đến hắn.

- Nhưng ở quần đảo vẫn sẽ là kiểu người đó.

- Đúng nhưng tôi không sẽ vượt ngục ra khỏi Quần đảo mà không cần đến ai hết. Tôi sẽ ra đi một mình, hay quá lắm, là với một người bạn. Tại sao cậu lại cười mỉm hở Clousiot?

- Tôi cười là vì không bao giờ cậu chịu bỏ cuộc. Ngọn lửa dang thiêu đốt ruột gan cậu, sự nóng lòng được về Paris chìa sổ nợ ra cho ba ông bạn kia, cổ vũ cậu mạnh mẽ đến nỗi cậu không thể thừa nhận rằng những điều mà cậu mong muốn thiết tha đến thế lại có thể không được thực hiện.

- Thôi chào Clousiot, hẹn đến mai. Phải, chúng mình sẽ trông thấy cái Quần đảo Salut chết tiệt ấy. Điều đầu tiên cần phải hỏi là tại sao những hòn đảo giết người ấy lại được gọi là Quần đảo Salut (Quần đảo Cứu vãn)?

Rồi quay lưng lại với Clousiot, tôi nghiêng đầu một chút cho mặt tôi đón lấy gió biển ban đêm.

Sáng hôm sau, từ rất sớm chúng tôi đã được đưa lên tàu để ra Quần đảo. Có cả thảy hai mươi sáu người trên một chiếc tàu thủy trọng tải bốn trăm tấn gọi là chiếc Tanon, một chiếc tàu chuyên chạy ven biển đi đi lại lại như con thoi giữa Cayenne, Quần đảo Saint-Laurent và khứ hồi. Cứ hai người một bị ghép vào nhau bằng sợi xích chân và một đôi khóa taỵ Ở phía trước là hai nhóm tám người, mỗi nhóm được bốn tên lính canh cầm súng trường giám sát. Một nhóm mười người ở phía sau với sáu tên lính canh và hai viên chỉ huy đội áp giải. Tất cả đám người ấy đều đứng trên boong của chiếc tàu cũ nát chỉ chực đắm bất cứ khi nào biển động.

Vì đã quyết định sẽ không suy nghĩ trong khi đi đường, tôi muốn bày trò giải trí một chút. Chỉ để làm cho tên giám thị đứng gần tôi nhất bực mình (hắn có một bộ mặt đưa đám), tôi nói với hắn rõ to:

- Với những thứ xiềng xích mà các anh bắt chúng tôi mang, chúng tôi sẽ không có cách gì trốn thoát nếu chiếc tàu mục nát này chìm; điều này rất có thể xảy ra khi biển động.

Đang ngái ngủ, tên gác phản ứng đúng như tôi đã dự tính.

- Chúng mày có chết đuối hết ông cũng đếch cần. Đã có lệnh xích chúng mày lại, chỉ có thể thôi. Trách nhiệm thuộc về những người ra lệnh ấy. Còn chúng tao thì có thể nào cũng không quan hệ gì.

- Xét cho cùng ông nói có lý lắm, thưa ông giám thị, vì có bị xích hay không bị xích thì khi cái quan tài này vỡ dọc đường, tất cả chúng ta đều chìm xuống đáy biển như nhau.

- Ồ! - Tên gác đần độn kia nói, - tàu này đi biển đã lâu lắm rồi mà chưa bao giờ làm sao cả.

- Đúng quá, nhưng chính vì nó đi biển đã quá lâu cho nên đến bây giờ nó đã đến mức sẵn sàng chìm bất cứ lúc nào.

Tôi đã đạt được ý muốn: lay chuyển cái không khí im lặng ở xung quanh đang làm cho tôi bứt rứt. Lập tức đề tài của tôi được tù nhân và giám thị cùng hưởng ứng.

- Đúng, chiếc tàu này đã ọp ẹp đến mức độ nguy hiểm, mà người ta lại xích chúng tôi. Không có xích thì dù sao cũng chút hy vọng.

- Ồ! Cũng thế cả thôi. Bọn tao mặc quân phục đi ủng đeo súng thế này, cũng chẳng nhẹ hơn.

- Súng thì không kể, vì hễ tàu đắm có thể bỏ ngay ra, - một người khác nói.

Thấy câu nói ăn khách, tôi cho ra câu thứ hai:

- Xuồng cấp cứu đâu cả rồi nhỉ? Tôi chỉ thấy một chiếc rất nhỏ. Quá lắm cũng chỉ được tám người, vừa đủ cho ông thuyền trưởng và đội thủy thủ. Còn những người khác thì đi tong!

Thế là nổ ra một phản ứng hàng loạt, ở một cung bậc rất cao.

- Đúng đấy chẳng có xuồng xiếc gì cả, mà cái tàu này thì ọp ẹp đến nỗi người ta phải vô trách nhiệm một cách không thể nào chấp nhận được mới bắt những người có vợ có con phải bất chấp hiểm nghèo để đi áp giải cái lũ khốn kiếp này.

Vì tôi ở trong nhóm tù đứng ở phía sau, hai người chỉ huy đội áp giải đều đứng gần tôi. Một trong hai người nhìn tôi rồi nói:

- Anh là Bươm bướm ở Colombia mới về phải không?

- Vâng.

- Tôi thấy điều đó không có gì lạ: anh có vẻ thông thạo về nghề hàng hải lắm nhỉ.

Tôi trả lời một cách hợm hĩnh:

- Vâng, cái đó thì tôi thạo.

Câu nói của tôi gây được một không khí rờn rợn.

Vừa lúc ấy viên thuyền trường từ trên lầu chỉ huy bước xuống, vì bây giờ chúng tôi vừa ra khỏi cửa sông Maroni, và đó là chỗ nguy hiểm nhất cho nên ông ta phải thân hành cầm bánh lái. Bây giờ ông ta đã trao nó cho một người khác. Vậy thì ông thuyền trưởng, da đen láy như người Tombouctau, khổ người thấp và mập, mặt còn khá trẻ, cất tiếng hỏi xem những tay đã cưỡi mấy mảnh ván nhỏ xíu giong buồm đến tận Colombia ở đâu.

- Đây tay này, và tay kia nữa đứng bên cạnh, - viên chỉ huy đội áp giải nói.

- Ai là thuyền trưởng? - Ông thuyền trưởng lùn nói.

- Thưa ông, tôi ạ.

- Thế thì, với tư cách thủy thủ, tôi có lời ngợi khen anh bạn. Anh chẳng phải là người tầm thường. Tôi có cái này! - Ông ta thọc tay vào túi áo rồi nói tiếp - Anh hãy nhận lấy gói thuốc lá xanh và mớ lá quấn thuốc này. Anh hút để chúc sức khỏe cho tôi đi.

- Cám ơn ông thuyền trưởng. Nhưng về phần tôi, tôi cũng phải ngợi khen ông đã có đủ can đảm đi biển trên cái quan tài này, hình như mỗi tuần một hai lần thì phải.

Ông ta cười ha hả, làm cho những kẻ tôi đang muốn trêu thấy tức đến tận cổ. Ông ta nói:

- Chà! Anh nói đúng quá! Cái tàu khổ này đáng lẽ phải được đưa vào nghĩa địa từ lâu, nhưng bên công ty họ nhất định đợi cho nó chìm để lĩnh tiền bảo hiểm.

Tôi liền kết thúc bằng một câu xỏ xiên:

- Cũng may mà ông và đội thủy thủ còn có được một cái xuồng cấp cứu.

- Phải, cũng còn may - Ông thuyền trường nói một cách thiếu suy nghĩ trước khi mất hút trong cầu thang.

Cái đề tài tranh luận mà tôi đã cố ý nêu ra đã làm cho tôi được khuây khỏa trong hơn bốn tiếng đồng hồ. Ai nấy đều có ý kiến riêng để nói ra, và đến một lúc nào đó, tôi chẳng hiểu bằng cách nào, cuộc bàn cãi đã lan ra đến tận mũi tàu.

Vào khoảng mười giờ sáng, biển không động mấy, nhưng gió không thuận lợi cho chuyến đi. Tàu chúng tôi đi về hướng đông bắc, nghĩa là ngược chiều với sóng và gió, cho nên tất nhiên nó phải tròng trành cả theo chiều ngang lẫn theo chiều dọc hơn mức trung bình. Nhiều tù nhân và giám thị bị say sóng. Cũng may mà người bị xích liền vào tôi chịu sóng giỏi, vì không có gì khó chịu hơn là có một người nôn ọe ngay bên cạnh mình. Anh này là một gã du côn Paris thứ thiệt. Anh ta bị đày đến Quần đảo năm 1927. Vậy là đã được bảy năm. Anh ta còn tương đối trẻ, chỉ ba mươi tám tuổi.

- Người ta gọi tôi là Titi la Belote, vì tôi phải nói cho cậu biết rằng bài belote là môn sở trường của tôi. Vả lại ở Quần đảo tôi sống bằng nghề đánh bài này. Belote suốt đêm, mỗi điểm ăn hai francs, Nếu đánh có "loan báo" thì có thể ăn thua rất lớn. Nếu anh thắng bằng một con bồi hai xu thì người thua phải trả cho anh bốn trăm francs và một ít tiền lẻ cho các điểm khác nữa.

- Nhưng ở Quần đảo sao lắm tiền thế?

- Sao mà chả lắm hở anh bạn Bươm bướm. Ở quần đảo đầy những plan nhét tiền chật ních. Có người thì đến nơi đã có sẵn, có người thì nhận được tiền qua bọn giám thị với điều kiện chia cho chúng năm mươi phần trăm. Rõ ràng anh còn mới toanh, có vẻ như chưa biết gì cả phải không?

- Đúng, tôi chẳng biết chút gì về Quần đảo. Tôi chỉ biết là ở đấy khó vượt ngục lắm.

- Vượt ngục ấy à? - Titi nói. - Thôi đừng nói nữa cho mệt. Tôi ở Quần đảo đã bảy năm, có xảy ra hai vụ vượt ngục, với kết quả là ba người chết và hai người bị bắt. Chưa ai thành công cả. Vì vậy chẳng mấy ai dám cầu may.

- Vừa rồi anh lên đất liền để làm gì?

- Vừa rồi tôi đi chiếu điện xem thử có bị loét dạ dày hay phổi gì không.

- Thế mà anh không cố trốn khỏi bệnh viện à?

- Khéo nói nhỉ! Chính anh đã làm hỏng hết đấy. Papillon ạ. Thế mà vừa rồi tôi lại có cái may mắn rơi đúng vào căn phòng trước kia, anh đã trốn đi. Anh cũng thừa hiểu họ giám sát kỹ như thế nào! Cứ mỗi lần ra gần cửa sổ để thở một chút là họ bắt lùi lại ngày. Khi hỏi tại sao thì họ trả lời: "Để phòng trường hợp anh nảy ra cái ý làm như Papillon".

- Titi này, cái tay cao lớn ngồi bên cạnh viên chỉ huy đội áp giải là ai thế? Một tay chỉ điểm à?

- Anh điên rồi sao? Gã này ai cũng phải quý trọng. Cậu ta vốn là dân trường giả, nhưng lại biết xử sự đúng như một tay giang hồ: không đi lại với bọn gác, không tìm cách chiếm vị trí ưu đãi, biết giữ tư cách một người tù khổ sai. Có khả năng mách bạn một lời khuyên tốt, nói chung là một người bạn tốt, rất biết giữ khoảng cách với bọn cảnh sát. Ngay cả ông linh mục và ông bác sĩ cũng không sử dụng được cậu ta. Con người gốc gác thì trưởng giả nhưng tư cách thì giang hồ chân chính này là con cháu của Louis XV. Thế đấy anh bạn ạ, đó là một bá tước, một bá tước chính cống, được gọi là bá tước Jean de Bérac. Tuy vậy, khi cậu ta mới đến, ai nấy đều xa lánh, và phải một thời gian rất dài cậu ta mới chinh phục được sự kính nể của mọi người, vì cái tội khiến cho cậu ta bị đày khổ sai là một trò rất tởm.

- Cậu ta đã làm gì thế?

- Ấy, cậu ta đã đứng trên cầu ném thằng con trai ruột xuống sông, và khi thấy thằng bé rơi xuống chỗ quá cạn, cậu ta đã đủ gan góc xuống bế nó đến ở một chỗ sâu hơn.

- Sao! Như thế là gần như giết thằng con hai lần còn gì?

- Theo một người bạn của tôi vốn làm kế toán và đã đọc hồ sơ của cậu ta thì cậu ta đã bị giới quý tộc khủng bố. Và mẹ cậu ta đã ném người mẹ của con mình ra đường như một con chó. Cô ấy là một nữ tỳ trẻ tuổi trong lâu đài nhà họ. Theo bạn tôi thì cậu này chịu sự chế ngự của một bà mẹ kiêu ngạo, câu nệ đã hạ nhục con trai đến cùng cực, đã làm cho cậu ta thấy rằng mình là một bá tước mà đi lại với một con đầy tớ là ô nhục cho cả giòng họ, đến nỗi cậu ta hoang mang quá, nói với mẹ thằng bé là mình đưa nó ra cho trại Tế bần nuôi rồi đi ném nó xuống sông: lúc ấy cậu gần như mất trí, cũng chẳng biết mình làm gì nữa.

- Cậu ta bị xử bao nhiêu?

- Mười năm thôi. Papillon ạ, cậu cũng thừa biết cậu ta không phải là một tay như chúng mình. Chắc là bà bá tước phu nhân, người bảo vệ danh dự của gióng giõi de Berac, đã làm cho bọn quan tòa hiểu rằng giết con của đày tớ không phải là một tội quá nặng khi tội nhân là một bá tước muốn cứu vãn thanh danh của gia đình.

- Kết luận?

- Kết luận của tôi, một thằng du đãng Paris hèn mọn, là như sau: về căn bản, bá tước Jean de Bérac này là một anh chàng quý tộc nông thôn đã được giáo dục như thế nào để đi đến chỗ quan niệm rằng trên đời này chỉ có "dòng máu xanh" (huyết thống quý tộc) là có giá trị, còn mọi thứ khác đều vô nghĩa lý và không có chút gì đáng cho người ta để tâm đến. Những người không phải là quý tộc thì không hẳn là hạng nông nô, nhưng dù sao cũng là những con người không cần đếm xỉa đến. Mẹ cậu ta là một quái vật của sự ích kỷ và sự hợm hĩnh, đã nhào nặn và khủng bố cậu ta đến mức làm cho cậu ta trở thành một kiểu người quý tộc như thế. Chính cuộc sống ở trại khổ sai đã làm cho vị chúa đất ấy, xưa kia vẫn tin rằng mình có đặc quyền thưởng thức trước tất cả những người con gái trên lãnh địa của mình trong đêm đầu tiên họ đi lấy chồng, nay đã trở thành một người tôn quý thật sự, theo cái nghĩa đúng của từ này. Nói ra nghe cũng ngược đời, nhưng phải đến bây giờ cậu ta mới thực sự là một người quý phái, là một bá tước.

Quần đảo Salut chỉ còn mất giờ nữa sẽ không còn là một cái gì xa lạ đối với tôi như trước nữa. Tôi biết rằng trốn khỏi quần đảo là rất khó. Nhưng không phải là không thể được. Vừa khoái trá hít mạnh gió biển khơi vào lồng ngực, tôi vừa nghĩ: đến bao giờ thì làn gió ngược này sẽ biến thành một làn gió xuôi trong một chuyến vượt ngục"?

Chúng tôi đã đến. Quần đảo kia rồi? Ba cái đảo ấy làm thành một hình tam giác. Đảo Royale và đảo Saint-Joseph làm thành cái đáy. Đảo quỷ là đỉnh. Mặt trời, lúc bấy giờ đã xế bóng, chiếu vào các đảo những tia sáng rực rỡ mà chỉ có ở vùng nhiệt đới mới có thể chói chang như vậy. Cho nên chúng tôi có thể tha hồ ngắm nghía từng đảo đến những chi tiết nhỏ nhất.

Trước hết là đảo Royale với một dải đất cong phẳng lì bao quanh một ngọn đồi tròn cao hơn hai trăm mét. Đỉnh đồi bằng phẳng. Nhìn toàn cục, nó rất giống một cái mũ Mexico đặt trên mặt biển, cái chóp đã bị cắt mất, đâu đâu cũng có những rặng dừa rất cao và rất xanh tốt. Những nếp nhà nho nhỏ lợp ngói đỏ làm cho hòn đảo này có một sức hấp dẫn lạ thường, và ai không biết rõ trên đảo có gì chắc sẽ mơ ước được sống trên đảo suốt đời. Trên đỉnh đồi bằng phẳng có đặt một ngọn hải đăng được thắp về đêm để khi sóng to gió lớn tàu bè khỏi đâm vào các tảng đá ở xung quanh. Bây giờ tàu đã đến gần hơn, tôi có thể trông rõ năm tòa nhà lớn và dài. Nhờ có Titi tôi được biết rằng trước hết đó là hai phòng giam rộng mênh mông chứa đến bốn trăm phạm nhân. Rồi đến khu trấn áp với những căn buồng giam, xà-lim và chuồng sắt, có một bức tường cao vây quanh. Tòa nhà thứ tư là bệnh viện của tù khổ sai và tòa nhà thứ năm là bệnh viện của những người canh gác trại tù. Và rải rác khắp nơi trên các sườn dốc là những ngôi nhà nhỏ, mái lợp ngói đỏ, của các cảnh sát viên.

Xa chúng tôi hơn, nhưng rất gần với mũi nhọn cuối đảo Royale là đảo Saint-Joseph, ít dừa hơn, ít cành lá um tùm hơn, và trên đỉnh cao nguyên là một cái nhà trệt rộng mênh mông mà từ ngoài biển nhìn vào trông rất rõ. Tôi hiểu ngay: đó là nhà tù cấm cố và Titi la Belote cũng xác nhận điều đó. Anh ta chỉ cho tôi xem, ở phía dưới, những tòa nhà của trại tù, nơi giam các phạm nhân bị án bình thường. Các tòa nhà này rất gần biển. Các tháp canh nổi lên rất rõ trên nền trời, với những ổ súng của nó. Rồi lại đến những nếp nhà xinh xắn đỏm dáng, tường quét vôi trắng, mái ngói đỏ. Vì chiếc tàu đi vào ngỏ đảo Royale từ phía nam cho nên bây giờ chúng tôi không trông thấy đảo Quỷ, đảo nhỏ nhất trong cả Quần đảo.

Trước đây tôi đã có dịp nhìn thoáng qua đảo này từ xa: đó là một tảng đá khổng lồ mọc đầy dừa, không có công trình xây dựng gì lớn. Vài nếp nhà ven bờ biển, sơn vàng, mái đen mồ hóng. Về sau tôi sẽ được biết rằng đó là nhà ở của những người bị đày vì chính trị. Tàu chúng tôi đang đi vào bến cảng của đảo Royale, được che kín sóng bằng một cái đập dài làm bằng những khối đá lớn. Công trình này chắc đã phải tốn nhiều sinh mạng của phạm nhân mới xây được. Sau ba tiếng còi, chiếc Tanon bỏ neo cách bến khoảng hai trăm năm mươi mét. Bến này xây rất chắc bằng xi-măng và bằng đá tảng, chiếm một quãng dài và cao hơn ba mét. Lùi vào phía trong những tòa nhà sơn trắng chạy dài song song với bến. Tôi đọc thấy những dòng chữ sơn đen trên nền trắng: "Trạm gác" - "Sở Dịch vụ thuyền bè" - "Xưởng bánh mì" - "Ban Quản trị cảng". Có thể trông thấy mấy người tù khổ sai đang đứng nhìn chiếc tàu.

Họ không mặc đồ sọc, mà đều mặc quần dài thường và một thứ blouson trắng. Titi la Belote nói với tôi rằng ở Quần đảo những người có tiền thì thuê thợ may "may đo" áo quần bằng những cái bao bột đã tẩy sạch chữ: họ có được những bộ áo quần mặc rất thoải mái và trông có phần diện nữa là khác. Hầu như không một người nào mặc đồng phục tù khổ sai. Một chiếc xuồng đến gần chiếc Tanon. Một viên giám thị ngồi sau lái; hai tên cầm súng trường ngồi hai bên mạn; ở phía sau là sáu người tù khổ sai, mình trần, quần trắng, đứng chèo bằng những mái chèo rất lớn. Chỉ một lát là ra đến tàu. Chiếc xuồng của họ kéo theo sau một chiếc thuyền lớn kiểu xuồng cấp cứu của tàu thủy. Cuộc chuyển từ lên bờ bắt đầu. Trước hết mấy viên chỉ huy đội áp giải xuống thuyền và ra ngồi ở phía sau. Rồi hai viên giám thị cầm súng trường đi ra phía trước. Chân được tháo xiềng, nhưng tay vẫn bị khóa, chúng tôi xuồng thuyền từng hai người một; mười người trong nhóm tôi, rồi đến tám người trong nhóm đứng ở phía trước tàu. Mấy người chèo thuyền bắt đầu cho thuyền tách khỏi chiếc tàu. Họ còn chở ra một chuyến nữa để đưa số tù còn lại vào bờ.

Chúng tôi lên bến, xếp hàng trước tòa nhà "Ban Quản trị cảng" và đứng đợi. Trong chúng tôi không có ai có hành lý gì. Chẳng đếm xỉa gì đến bọn cảnh sát, các phạm nhân tại chỗ bô bô nói chuyện với chúng tôi từ một khoảng cách năm sáu mét - đủ để đừng bị bọn cảnh sát tấn công. Nhiều phạm nhân cùng vượt Đại tây dương trên một chuyến tàu với tôi thân ái chào tôi. Cesari và Essari, hai tên cướp đảo Corse mà tôi đã làm quen ở Saint-Martin, cho tôi biết hiện nay họ chèo xuồng cho sở dịch vụ ở cảng. Vừa lúc ấy tôi trông thấy Chapar, bị đày trong vụ Chứng khoán ở Marseille, mà tôi có quen khi anh ta còn được tự do ở Pháp. Không hề e ấp trước mặt bọn lính canh, anh ta nói với tôi:

- Đừng buồn Papillon ạ! Cậu cứ tin ở bạn bè, ở nhà giam cấm cố cậu sẽ không thiếu thứ gì hết. Cậu bị bao nhiêu?

- Hai năm.

- Được, cũng chóng qua thôi, rồi cậu sẽ ra đây với chúng tớ, và sẽ thấy rằng ở đây cũng khá.

- Cám ơn Chapar. Còn Dega ở đâu?

- Bác ta làm kế toán ở trên kia. Bác chưa ra đây thì lạ thật. Không gặp được cậu bác ta sẽ tiếc lắm.

Vừa lúc đó Galgani đến.

Anh ta xăm xăm đi về phía tôi, tên lính ác toan cản, nhưng anh ta cứ đến, nói: "Chẳng lẽ ra ôm hôn anh ruột tôi mà anh cũng cản à? Thật quá quắt". Rồi anh ta ôm hôn tôi, nói: "Cứ tin vào tôi". Đoạn anh ta lùi ra.

-Anh bây giờ làm gì?

- Đưa thư, giao liên.

- Có ổn không?

- Tôi được yên thân lắm.

Những người tù còn lại đã được đưa hết lên bờ và cho nhập bọn với chúng tôi.

Mọi người đều cởi khóa taỵ Titi la Belote, de Bérac và mấy người không quen tách ra khỏi nhóm. Một viên giám thị nói với họ: "Nào, lên đường về trại". Mấy người này có mang theo bị đựng đồ của trại. Họ vác bị lên vai và đi theo một con đường dốc dẫn lên phía trên đảo. Viên chỉ huy Quần đảo đến với sáu viên giám thị."Điểm danh!". Viên chỉ huy nhận đủ số tù. Đội áp giải chúng tôi lui ra.

- Kế toán đâu? - Viên chỉ huy hỏi.

- Thưa sếp hắn đây.

Tôi thấy Dega đến, mặc một bộ đồ trắng tươm tất, áo vét có nhiều khuy, cùng đi với một viên giám thị; mỗi người cắp một cuốn sách lớn. Cả hai gọi từng người một ra khỏi hàng, theo cách phân loại mới: anh tù cấm cố Jean Mỗ, số tù X, sẽ có số tù cấm cố là Z." - Bao nhiêu? - X năm. Khi đến lượt tôi, Dega ôm hôn tôi mấy lần liền. Viên chỉ huy lại gần.

- Anh này là Papillon à?

- Thưa ông chỉ huy vâng, - Dega nói

- Mong anh giữ sức khỏe ở nhà tù cấm cố. Hai năm cũng chóng qua thôi

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv