Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 17: Trở về thế giới văn minh



Nhà tù Santa Marta

Ra khỏi lãnh thổ của vùng Guajira thuộc người Anh- điêng không có gì khó, chúng tôi vượt qua các đồn biên phòng Lavela bình yên vô sự. Tất cả đoạn đường dài mà tôi và Antonio phải chạy mất bấy nhiêu ngày mới đi hết, thì bây giờ đi ngựa mất có hai ngày. Nhưng không phải chỉ có các đồn biên phòng kia là nguy hiểm: ngoài ra còn có một dải đất hơn một trăm hai mươi cây số kéo dài đến Rio Haeha, cái làng mà tôi đã bỏ trốn. Có Zorillo bên cạnh, tôi đã làm cuộc thí nghiệm đầu tiên về cách dùng tiếng Tây Ban Nha trong khi nói chuyện trong một thứ quán có bán thức uống và thức ăn, với một người thường dân Colombia. Kết quả không đến nỗi tồi, và như Zorillo đã nói cho tôi hiểu, tật nói lắp nặng có tác dụng rất nhiều khi người ta muốn dấu giọng điệu và cách nói của người ngoại quốc.

Chúng tôi lại lên đường đi Santa Marta. Theo dự kiến, Zorillo sẽ chia tay với tôi ở giữa đường và quay trở lại đúng sáng hôm nay. Zorillo đã chia tay với tôi. Chúng tôi đã quyết định là anh ta sẽ đưa con ngựa của tôi về. Vì có một con ngựa tức là có nơi ăn chốn ở, là định cư trong một làng nhất định và do đó rất có thể rơi vào cái tình thế phải trả lời những câu hỏi phiền phức: "Anh ở lại X, vậy có biết ông Mỗ không? ông lý trưởng làng anh tên là gì? Bà Y hiện nay ra sao? Hiện nay ai làm ở trạm?".

Không, tốt hơn là tôi đi bộ, rồi đi xe buýt hay xe tải và đến Santa Marta thì có thể đi xe lửa. Đối với mọi người tôi sẽ là một người "forastero" (một người ở nơi khác đến), đang đi kiếm việc nơi này nơi nọ, ở đâu có việc thì làm và làm bất cứ việc gì.

Zorillo đã đổi cho tôi ba đồng tiền vàng, mỗi đồng ăn một trăm pesos. Anh ta lại cho tôi một ngàn pesos. Một người thợ giỏi kiếm được từ tám đến mười pesos mỗi ngày, vậy với số tiền kia tôi có thể sống được khá lâu. Tôi đã lên một chiếc xe vận tải đang đi đến một nơi rất gần Santa Marta, một hải cảng khá lớn, cách nơi Zorillo chia tay với tôi quãng một trăm hai mươi cây số. Chiếc xe này đến đấy để chở dê hay sơn dương gì đấy tôi cũng không rõ. Cứ cách sáu hay mười cây số lại có một cái quán và nơi nào cũng vậy. Anh lái xe cứ trông thấy quán xuống xe và mời tôi vào. Anh ta thì mời còn tôi thì trả tiền. Và mỗi lần như thế anh ta lại uống năm sáu cốc rượu rất mạnh. Tôi thì chỉ giả vờ uống một cốc. Xe đi được dăm chục cây số anh ta đã say khướt. Anh ta say đến nỗi đi lạc, lái xe vào một đoạn đường bùn lầy: xe bị sa lầy không ra được nữa. Thế mà anh lái xe người Colombia kia không hề nao núng: anh ta leo lên thùng xe nằm và bảo tôi lên ca- bin mà ngủ.

Tôi chẳng còn biết làm thế nào nữa. Còn đến bốn mươi cây số mới đến Santa Marta. Có anh ta thì tôi đỡ phải trả lời những câu hỏi của những người tình cờ gặp giữa đường, và tuy xe hay dừng lại như vậy, đi xe vẫn cứ nhanh hơn đi bộ. Khoảng gần sáng tôi quyết định ngủ một giấc. Khi tôi thức dậy đã gần bảy giờ sáng. Một chiếc xe chở đồ có hai con ngựa kéo đi đến. Chiếc xe tải đỗ giữa đường làm cho nó không đi qua được. Họ đánh thức tôi dậy, tưởng tôi là người lái xe vì tôi nằm trong ca-bin. Tôi nói cà lăm, giả bộ làm người ngủ say mới giật thót thức dậy chẳng biết mình đang ở đâu nữa. Anh lái xe cũng thức dậy và bàn cãi với người đánh xe ngựa. Loay hoay mãi vẫn không sao đưa chiếc xe tải ra khỏi đoạn đường lầy. Bùn ngập đến tận trục bánh xe, chẳng còn biết làm thế nào được. Trên chiếc xe ngựa kéo kia có hai nữ tu sĩ mặc đồ đen, đầu đội mũ xơ, và ba đứa con gái nhỏ.

Sau nhiều lần bàn cãi, hai người đàn ông thỏa thuận được với nhau là sẽ phát quang những bụi rậm ở bên đường để cho chiếc xe kia qua được chỗ mắc nghẽn dài khoảng hai mươi mét. Mỗi người cầm một chiếc "machete" (một con dao phát thường dùng để chặt mía, đi đường ai cũng cầm một cái) họ chặt tất cả những gì có thể làm vướng xe, còn tôi thì cố hướng dẫn cái xe đi hướng nào cho đỡ lăn bánh vào những chỗ còn rậm và những chỗ có thể lún xuống bùn. Khoáng hai giờ sau, chiếc xe ngựa kéo đã có thể đi tiếp. Chính vào lúc ấy hai bà xơ, sau khi cám ơn tôi, hỏi xem tôi đi đâu. Tôi nói: "Santa Marta"

- Thế thì sao lại đi đến đường này, phải quay trở lại với chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ông về gần đến Santa Marta,chỉ cách tám cây số nữa thôi.

Tôi không thể tử chối được, vì làm như thế sẽ có vẻ không bình thường. Mặt khác tôi cũng định nói rằng tôi muốn ở lại với người lái xe tải để giúp anh ta, nhưng muốn thế phải nói rất dài, cho nên tôi đành nói: "Graeias, gracias (cám ơn, cám ơn)".

Thế là tôi ngồi ở phía sau cái xe có hai con ngựa kéo cùng với ba con bé; hai cô tu sĩ thì ngồi trên chiếc ghế dài bên cạnh người đánh xe. Chiếc xe lên đường, và chúng tôi đã đi đủ nhanh để vượt qua cái khoảng năm sáu cây số bùn lầy mà chiếc xe tải đã đi nhầm vào. Ra đến đường cái, xe bắt đầu chạy khá nhanh và đến khoảng giữa trưa chúng tôi dừng lại cạnh một cái quán để ăn trưa. Ba đứa bé và người đánh xe ngồi ở một bàn, còn hai cô nữ tu sĩ và tôi ngồi ở bàn bên cạnh. Hai cô đều còn trẻ, từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi là cùng. Da họ rất trắng. Một cô người Tây Ban Nha còn cô kia người Ái Nhĩ Lan. Cô nữ tu Ái Nhĩ Lan hỏi khẽ tôi.

- Ông không phải là người ở đây, phải không?

- Có chứ, tôi là người ở Baranquilla.

- Không, ông không phải là người Colombia, tóc ông vàng thế... còn nước da ông thẫm màu chẳng qua vì rám nắng. Ông từ đâu đến?

- Từ Rio Hacha.

- Ở đấy ông làm gì?

- Thợ điện.

- À! Tôi có một người bạn ở Công ty điện lực, tên là Perez, người Tây Ban Nha. Ông có quen ông ta không?

- Thế thì thích quá.

Ăn xong, hai nữ tu sĩ đứng dậy đi rửa tay, rồi cô người Ái Nhĩ Lan trở lại một mình. Cô nhìn tôi rồi nói bằng tiếng Pháp:

- Tôi không tố giác ông đâu, nhưng chị bạn của tôi nói là chị ấy đã trông thấy ảnh của ông trên báo. Ông là người tù Pháp đã vượt ngục khỏi nhà tù Hacha phải không?

Tôi mà chối thì tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn.

- Phải, ma soeur ạ. Tôi van ma soeur đừng tố giác tôi. Tôi không phải là người xấu như người ta đăng trên báo đâu. Tôi là người vốn kính yêu Chúa.

Cô nữ tu người Tây Ban Nha trở ra, cô kia liền nói "đúng". Cô người Tây Ban Nha trả lời một câu gì rất nhanh tôi không hiểu.

Hai cô có vẻ như đang suy nghĩ điều gì. Họ đứng dậy rồi lại vào phòng rửa taỵ Trong khoảng năm phút họ vắng mặt, tôi phản ứng rất nhanh. Phải bỏ đi trước khi họ trở lại, hay cứ ngồi đây? Nếu họ định tố giác tôi thì cũng thế thôi, vì nếu tôi bỏ đi thì người ta sẽ tìm ra tôi khá nhanh. Vùng này không có một Selva (rừng) rậm, và những lối đi ra các con đường cái đưa về thành phố sẽ được kiểm soát ngay. Tôi quyết định là sẽ phó thác cho số phận: cho đến ngày hôm nay, tôi chưa đến nỗi quá rủi ro. Hai cô nữ tu đã trở lại, cả hai đều tươi cười. Cô người Ái Nhĩ Lan hỏi tên tôi.

- Enrique.

- Thế thì ông Enrique ạ, ông sẽ cùng đi với chúng tôi về tu viện, cách Santa Marta tám cây số. Ngồi cùng xe với chúng tôi, dọc đường ông không phải sợ gì cả. Ông đừng nói, mọi người sẽ tường ông là người làm công trong tu viện.

Hai cô nữ tu sĩ trả tiền ăn cho cả nhóm.

Tôi mua một tút thuốc lá mười hai bao và một cái bật lửa. Chúng tôi lại lên đường. Suốt dọc đường hai cô nữ tu không nói gì với tôi nữa, và tôi rất biết ơn họ về sự tế nhị đó. Làm như vậy người đánh xe sẽ không nhận thấy tôi nói tiếng Tây Ban Nha không sõi. Cuối buổi trưa xe dừng lại cạnh một cái quán lớn. Ở đấy có một chiếc xe buýt đỗ, trên xe thấy đề: "Rio Hacha - Santa Marta". Tôi thấy muốn lên xe này. Tôi liền nói với cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan là tôi có ý định dùng chiếc xe buýt này.

- Nguy hiểm lắm, - cô nói, - vì trước khi đến Santa Marta có ít nhất hai trạm cảnh sát kiểm tra giấy "cedula" (căn cước) của người đi đường, nhưng ngồi xe của chúng tôi thì không bị hỏi đâu.

Tôi cảm ơn cô một cách nhiệt thành, và nỗi lo âu của tôi từ khi bị họ phát hiện đã hoàn toàn tan biến. Tôi gặp được hai cô nữ tu tốt bụng này thật là cực kỳ may mắn. Quả nhiên chập tối chúng tôi đi ngang một đồn cảnh sát ("alcabale"). Một chiếc xe buýt đi từ Santa Marta đến Rio Hacha đang bị cảnh sát kiểm tra. Tôi nằm ngửa trên chiếc xe ngựa, cái mũ rơm úp lên mặt, giả vờ ngủ. Một trong ba đứa bé, tuổi chừng lên tám, đang gối đầu vào vai tôi ngủ thật sự. Khi chiếc xe đi ngang, người đánh xe ghìm ngựa lại đúng vào giữa chiếc xe buýt và đồn cảnh sát.

- Como estan por quỉ (ở đây khỏe cả chứ?) - cô nữ tu người Tây Ban Nha nói.

- Muy biến, Hermana (Khỏe lắm ma soeur ạ).

- Me alegro, vamonos, muchanos (Tôi rất mừng, chúng mình đi thôi).

Thế là chúng tôi điềm nhiên đi tiếp.

Đến mười giờ tối lại gặp một đồn cảnh sát nữa, thắp đèn sáng trưng: Hai bên đường có hai dãy xe đang đứng đợi, đủ các thứ xe, thứ gì cũng có. Một dãy từ bên phải, dãy của chúng tôi từ bên trái. Cảnh sát đang mở các thùng xe nhìn vào phía trong. Tôi trông thấy họ bắt một người đàn bà xuống xe, bà ta đang lục tìm giấy tờ trong túi xách. Rốt cục bà ta bị đưa vào đồn, chắc vì không có cedula. Trong trường hợp đó thì chẳng còn biết làm thế nào. Các cỗ xe lần lượt đi qua. Vì có hai dãy xe cho nên không thể vượt hàng được. Chúng tôi đành đợi.

Tôi thấy mình nguy mất rồi. Phía trước chúng tôi là một cái xe buýt rất nhỏ chật ních hành khách. Trên mui xe có nhiều va-li và bó lớn, ở phía sau cũng có một thứ lưới to đựng đầy những bó đồ đạc. Bốn viên cảnh sát xua hành khách xuống. Xe chỉ có một cửa ra ở phía trước. Đàn ông và đàn bà lần lượt xuống xe. Có mấy bà bế con. Rồi họ lại lên xe từng người một. - Cedulai Cedula? Mỗi hành khách đều rút ra một tấm thẻ có dán ảnh đưa cho cảnh sát xem. Chưa có lần nào Zorillo nói với tôi về việc này. Giá tôi biết trước, có lẽ tôi có thể tìm cách kiếm một tấm thẻ căn cước giả. Tôi nghĩ rằng nếu chuyến này mà qua được, tôi sẽ trả với bất cứ giá nào để kiếm lấy một cedula trước khi đi từ Santa Marta đến Baranqailla, một thành phố rất lớn trên bờ Đại Tây Dương: hai trăm năm mươi ngàn dân, - cuốn từ điển có ghi như vậy.

- Trời ơi, sao họ kiểm soát chiếc xe buýt kia lâu đến thế!

Cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan ngoảnh lại nói với tôi: "Cứ yên tâm, Enrique ạ". Tôi lập tức thấy oán giận câu nói bất cẩn này, chắc chắn là người đánh xe đã nghe thấy. Đã đến lượt xe của chúng tôi tiến vào khu vực đèn chiếu sáng trưng kia. Tôi đã quyết định ngồi dậy. Tôi thấy nằm có thể gây ấn tưởng là tôi có ý trốn tránh. Tôi ngồi tựa lưng vào mấy tấm ván tháo ra tháo vào được ở sau xe và nhìn về phía lưng hai nữ tu sĩ. Người ta chỉ có thể nhìn nghiêng vào mặt tôi, tôi lại đội mũ trùm thụp trên đầu, nhưng đã chú ý đừng kéo vành mũ xuống quá thấp.

- Como estan todos por quỉ (ở đây các ông khỏe cả.chứ?) - cô nữ tu người Tây Ban Nha lại hỏi.

- May bien, Hermans. Y como viajan tan tardẻ (Thưa các xơ rất khỏe. Sao các soeur đi đường muộn thế?).

- Por una urgencia, por eso no me dentengọ Osmos mấy apuradas (Có việc rất gấp, thành thử xin các ông đừng làm chúng tôi muộn thêm. Chúng tôi đang vội lắm).

- Vayanse con Dios, Hermanas (Xin các xơ lên đường có Chúa phù hộ).

- Gracias, hijos. Que Dios les protège (Cám ơn anh em. Xin Chúa phù hộ tất cả).

- Amen - mấy người cảnh sát nói.

Thế là chúng tôi điềm nhiên đi qua, chẳng bị ai xét hỏi gì cả.

Những phút hồi hộp vừa qua hình như đã gây chứng đau bụng cho hai cô nữ tu nhân hậu, vì đi được một trăm thước thì hai cô bảo cho xe dừng lại rồi xuống xe đi khuất vào trong rừng một lát. Chúng tôi lại lên đường. Tôi lấy thuốc ra hút. Tôi xúc động đến nỗi khi cô người Ái Nhĩ Lan lên xe, tôi nói: "Cám ơn ma soeur". Cô nói với tôi: "Không có chi, nhưng vừa rồi chúng tôi sợ đến nỗi trong bụng rối loạn cả lên".

Vào khoảng nửa đêm chúng tôi về đến tu viện. Tường cao, cổng lớn, Người đánh xe dắt ngựa về cho ăn, còn cái xe cùng với ba đứa con gái được đưa vào phía trong tu viện. Trên bậc thềm, một cuộc tranh luận rất hăng nổ ra giữa bà nữ tu gác cửa và hai cô nữ tu của tôi. Cô người Ái Nhĩ Lan nói với tôi rằng cô không thể đánh thức bà Mẹ Bề Trên để xin phép cho tôi ngủ lại trong tu viện. Đến đây tôi phân vân không biết quyết định như thế nào. Lẽ ra tôi phải nhanh chóng lợi dụng tình hình này dể rút lui và di bộ đến Santa Marta, vì tôi biết chỉ còn có tám cây số. Về sau, sai lầm này tôi đã phải đền bằng bảy năm khổ sai.

Cuối cùng, khi đã đánh thức được bà Mẹ Bề Trên, người ta cắt cho tôi một căn buồng ở tầng thứ ba. Nhìn ra cửa sổ tôi có thể trông thấy ánh đèn của thành phố. Tôi phân biệt được cả ngọn hải đăng và những chiếc đèn hiệu của tàu thủy đậu ở cảng. Một chiếc tàu rất lớn đang rời cảng.

Tôi ngủ thiếp đi, và khi người ta đến đập cửa buồng thì mặt trời đã mọc. Đêm vừa qua tôi mơ thấy một giấc chiêm bao khủng khiếp. Lali mổ bụng ra trước mặt tôi và đứa con của chúng tôi rơi ra từng mảng một. Tôi cạo râu rửa mặt thật nhanh, rồi mặc áo quần xuống nhà dưới. Ở chân cầu thang, cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan đón tôi, trên môi thoáng một nụ cười:

- Chào ông Henri. Ông ngủ có ngon không?

- Thưa ma soeur rất ngon.

- Xin mời ông đến văn phòng Mẹ Bề Trên. Mẹ muốn gặp ông.

Chúng tôi bước vào văn phòng.

Một người đàn bà đang ngồi sau bàn giấy. Một gương mặt hết sức nghiêm khắc của một người trạc năm mươi tuổi hay hơn nữa, đang nhìn tôi bằng đôi mắt đen không có chút gì thân thiện.

- Senor, sa ba usted hablar espanol? (ông có biết nói tiếng Tây Ban Nha không?)

- Muy po co (rất ít).

- Bueno, la Hermana va servir de interprete (được, nữ tu sĩ đây sẽ làm thông ngôn).

- Nghe nói ông là người Pháp?

- Thưa Mẹ vâng.

- Ông đã vượt ngục ra khỏi nhà tù Rio Hacha?

- Thưa mẹ vâng.

- Khoảng bảy tháng.

- Trong thời gian ấy ông làm cái gì?

- Tôi ở với người Anh- điêng.

- Cái gì? ông mà ở với người Guajiros? Không thể tin được, nhưng con người mọi rợ ấy chưa bao giờ cho ai ở trên lãnh thổ của họ. Chưa có một nhà truyền giáo nào lọt vào nổi, ông có thể tưởng tượng được không. Tôi không chấp nhận câu trả lời của ông. Vừa qua ông ở đâu? ông nói thật đi.

- Thưa Mẹ, tôi ở với người Anh- điêng, và tôi có bằng chứng về việc này.

- Bằng chứng gì?

- Một số ngọc trai do họ vớt được.

Tôi tháo cái túi cài vào giữa lưng áo vét của tôi và đưa cho bà Mẹ Bề Trên. Bà ta mở túi, thò tay vào bốc ra một nắm hạt trai.

- Có bao nhiêu viên?

- Tôi không biết ạ, có lẽ khoảng năm sáu trăm gì đấy

- Đây không phải là một bằng.. chứng. Có thể là ông đã lấy trộm của một nơi khác.

- Thưa Mẹ, để cho lương tâm của Mẹ được thanh thản, nếu Mẹ vui lòng, tôi sẽ xin ở lại đây trong một thời hạn để Mẹ có thể xác minh xem có một vụ mất trộm ngọc trai nào mới xảy ra hay không. Tôi có tiền. Tôi có thể trả tiền ăn ở. Tôi xin hứa là tôi sẽ không đi đâu ra khỏi buồng cho đến ngày Mẹ quyết định cho tôi đi.

Bà tu sĩ nhìn tôi trừng trừng. Tôi nghĩ ngay, chắc bà ta tự nhủ: "Thế nếu anh trốn đi thì sao? Anh đã từng vượt ngục, mà ở đây thì dễ trốn hơn nhiều"

- Tôi xin để lại túi ngọc trai nhờ Mẹ giữ dùm. Đây là tất cả tài sản của tôi. Tôi biết rằng nó nằm trong những bàn tay đáng tin cậy.

- Thôi được, cứ như thế. Không, ông không cần phải tự giam hãm trong buồng. Buổi sáng và buổi chiều ông có thể xuống vườn trong khi các nữ tu sĩ đang ở nhà thờ. Ông sẽ ăn dưới nhà bếp cùng với mấy người làm công.

Qua cuộc tiếp kiến này, tôi yên tâm được một nửa. Khi tôi sắp trở lên buồng, cô nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan dẫn tôi xuống nhà bếp. Một chén cà phê sữa lớn, một khoanh bánh mì đen rất tươi và một ít bơ. Cô nữ tu chứng kiến bữa ăn sáng của tôi không nói một lời, và cứ đứng trước mặt tôi, không ngồi xuống. Cô có chiều lo lắng. Tôi nói:

- Cám ơn ma soeur vì tất cả những gì mà ma soeur đã làm cho tôi.

- Lẽ ra tôi muốn làm nhiều hơn thế, nhưng từ bây giờ trở đi tôi không còn làm gì được nữa, anh bạn Henri!

Nói đoạn cô ra khỏi nhà bếp.

Ngồi bên cửa sổ, tôi nhìn ra phía thành phố, hải cảng, lại nhìn ra biển. Những cánh đồng ở xung quanh được chăm bón rất tốt. Tôi không sao thoát ra khỏi cái cảm giác là mình đang lâm nguỵ Cảm giác đó mạnh đến nỗi tôi quyết định ngay đêm nay sẽ trốn đi. Thôi không cần đến mấy viên ngọc trai kia nữa, bà ta cứ việc giữ lấy cho tu viện hay cho cá nhân bà ta cũng được, cái bà Mẹ Bề trên ấy. Bà ta không tin tôi. Vả lại chắc tôi không nhầm, vì làm sao bà lại không nói được tiếng Pháp trong khi bà là người Catalonge, lại là Mẹ Bề trên của một tu viện, tức là người rất có học: thật hiếm có. Kết luận: tối nay tôi sẽ bỏ đi.

Phải, chiều nay tôi sẽ xuống sân để xem có thể trèo qua tường ở chỗ nào. Khoảng một giờ trưa, có tiếng gõ cửa:

- Ông Henri, mời ông xuống ăn.

- Cám ơn, tôi xuống ngay.

Ngồi xuống bàn ăn trong nhà bếp, tôi vừa mới động đến món thịt trộn với khoai tây luộc thì cánh cửa mở toang, bốn viên cảnh sát mặc đồ trắng, tay cầm súng trường, và một viên hạ sĩ quan tay cầm súng lục hiện ra.

- No tè mueve, o te mao! (Ngồi im không thì chết ngay!)

Viên hạ sĩ quan khóa tay tôi lại. Cô nữ tu sĩ người Ái Nhĩ Lan thét lên một tiếng rất lớn và ngất đi. Hai bà nữ tu đang ở trong bếp vội vực cô ta lên.

- Vamos (Đi)?, hắn nói, rồi cùng tôi đi lên buồng.

Cái tay nải của tôi bị mở ra lục soát. Họ tìm thấy ngay ba mươi sáu đồng tiền vàng ăn một trăm peso, nhưng lại bỏ qua cái túi da đựng hai mũi tên độc. Chắc họ tưởng đó là hai cây bút chì. Với một vẻ đắc chí không hề giấu giếm, viên hạ sĩ quan bỏ cả mấy đồng tiền vàng vào túi.Họ giải tôi đi. Năm tên cảnh sát đưa tôi lên một chiếc xe cũ kỹ. Người lái xe mặc đồ cảnh sát, da đen như than. Chiếc xe phóng hết tốc lực. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng, chẳng còn buồn kháng cự, chỉ cố giữ một thái độ tự trọng. Không việc gì phải tìm cách để cho họ nương nhẹ hay thương xót. Hãy là một trượng phu, và phải nhớ rằng không bao giờ được mất hy vọng. Những ý nghĩ ấy lướt qua rất nhanh trong trí tôi.

Và khi tôi xuống xe, ý chí làm kẻ trượng phu và nhất thiết không để cho mình trông như một mớ giẻ rách nó mạnh mẽ đến nỗi câu nói đầu tiên của viên sĩ quan ra đón tôi là: "Cái gã người Pháp này ghê gớm thật, lọt vào tay chúng ta mà nó chẳng có vẻ sợ sệt một tý nào". Tôi được đưa vào phòng giấy của viên sĩ quan. Tôi bỏ mũ và, không đợi cho người ta bảo, tôi ngồi xuống ghế, cái tay nải đặt giữa hai chân.

- Tu sabes hablar espanol? (Anh có biết nói tiếng Tây Ban Nha không).

- Không.

- Llame el zapatero (Gọi thằng thợ giày ra đây).

Một lát sau một người thấp bé mặc tạp dề xanh vào phòng, tay cầm một cái búa thợ giày.

- Anh là người tù Pháp đã vượt ngục ở Rio Hacha cách đây một năm?

- Không.

- Anh nói dối.

- Tôi không nói dối. Tôi không phải là người tù Pháp đã vượt ngục ở Rio Hacha cách đây một năm.

- Cởi khóa tay cho hắn. Còn anh cởi áo vét và áo sơ-mi ra. (Hắn lấy một tờ giấy rồi xem xét người tôi. Tất cả các hình xăm đều được hắn ghi nhận). - Tay trái của anh không có ngón cái. Đúng. Chính anh.

- Không phải là tôi, vì tôi ra đi không phải cách đây một năm. Tôi ra đi bảy tháng.

- Thì cũng thế.

- Đối với anh thì cũng thế, nhưng đối với tôi thì không.

- Rõ: anh là kẻ giết người chuyên nghiệp điển hình. Dù là người Pháp hay là người Colombia, tất cả những kẻ giết người chuyên nghiệp (matadores) đều như nhau: không sao khuất phục nổi. Tôi chỉ là phó chỉ huy của nhà tù này. Tôi không biết người ta sẽ xử lý với anh như thế nào. Hiện giờ thì tôi sẽ cho anh ở chung với các bạn cũ của anh.

- Bạn cũ nào?

- Mấy người Pháp mà anh đã đưa vào Colombia.

Tôi đi theo mấy viên cảnh sát, họ dẫn tôi vào một phòng gian có hàng song sắt trông ra sân. Tôi gặp lại cả năm bạn tôi. Chúng tôi ôm nhau hôn. "Thế mà chúng mình cứ tưởng cậu đã thoát hẳn được rồi", Clousiot nói. Maturette khóc như một thằng con nít (vả lại nó cũng chỉ là thằng con nít thôi). Ba người kia cũng rầu rĩ. Được gặp lại họ, tôi lại thấy mình có thêm sức.

- Cậu kể đi, - họ nói.

- Sau hẵng. Các cậu thì sao?

- Chúng mình thì ở đây đã được ba tháng.

- Họ đối xử ra sao?

- Chẳng khá mà cũng chẳng tồi. Chúng mình đang đợi chuyển sang Baranquilla, và đến đấy hình như người ta sẽ trao chúng mình lại cho các nhà chức trách Pháp.

- Thật là một lũ khốn kiếp! Có cách gì vượt ngục không?

- Vừa mới đến một cái đã nghĩ đến vượt ngục à?

- Nhiều khi cũng thật quá tệ! Cậu tưởng tôi tự dưng bỏ cuộc sao? Chúng canh phòng có ngặt lắm không?

- Ban ngày thì thường thôi, nhưng ban đêm có một đội canh riêng chúng mình.

- Mấy đứa?

- Ba tên giám thị.

- Còn cái chân cậu thế nào rồi?

- Ổn rồi, thậm chí đi cũng không cà nhắc nữa.

- Bị nhốt suốt ngày à?

- Không, ngày nào cũng đi dạo trong sân để phơi nắng, buổi sáng hai tiếng đồng hồ, buổi chiều ba tiếng.

- Bọn tù người Colombia ra sao?

- Có những tay rất nguy hiểm thì phải, kẻ trộm và giết người có cả.

Quá trưa hôm ấy, vào giờ đi dạo trong sân, tôi đang nói chuyện riêng với Clousiot thì họ gọi. Ở đấy tôi gặp viên chỉ huy nhà tù, bên cạnh có viên phó chỉ huy ban sáng. Chiếc ghế danh dự được dành cho một người nước da rất đậm, gần như đen. Màu da giống một người Châu Phi đen hơn là một người Anh- điêng. Mái tóc ngắn và quăn đúng là mái tóc của người Châu Phi. Hắn gần xấp xỉ năm mươi tuổi, hai mắt đen và độc ác. Một bộ ria cắt rất sát trên một đôi môi dày, một cái miệng hằn học. Áo sơ-mi của hắn để phanh ngực, không có ca-vát. Ở ngực áo bên trái có gắn một cái dải nửa trắng nửa xanh, cuống của một thứ huy chương nào đấy. Anh thợ giày cũng có mặt ở đấy.

- Anh người Pháp kia, anh đã bị bắt lại sau bảy tháng vượt ngục. Trong thời gian ấy anh đã làm gì? -

Tôi ở với người Guajiros.

- Đừng có giỡn mặt tao, không tao cho một trận bây giờ.

- Tôi nói sự thật.

- Chưa từng có ai ở với người Anh- điêng được cả. Chỉ trong một năm nay thôi đã có hai mươi lăm lính canh phòng bờ biển bị họ giết.

- Không phải đâu, những người lính canh bờ biển ấy bị bọn buôn lậu giết chết.

- Sao anh biết?

- Tôi đã ở đấy bảy tháng. Người Guajiros không bao giờ ra khỏi lãnh thổ của họ.

- Thôi được, cũng có thể đúng. Anh đã lấy trộm ba mươi sáu đồng vàng ăn một trăm pesos ở đâu?

- Đó là tiền của tôi. Thủ lĩnh của bộ lạc vùng núi tên là Công Bằng đã cho tôi số tiền ấy.

- Làm sao một thằng Anh- điêng lại có thể có được một gia sản như vậy để mà cho anh?

- Thế thì thưa xếp, trước đây có xảy ra vụ trộm tiền vàng nào không?

- Đúng là không có. Trong các hồ sơ chưa bao giờ thấy. Tuy vậy vẫn phải điều tra thêm.

- Xin ông điều tra đi, việc đó có lợi cho tôi.

- Anh đã phạm một tội nặng khi vượt ngục Rio Hacha, và còn phạm một tội nặng hơn nữa khi giúp Antonio vượt ngục: hắn sắp bị xử bắn vì giết nhiều lính canh phòng bờ biển. Bây giờ người ta đã biết rằng chính anh đang bị nhà chức trách Pháp truy nã, Anh là tù chung thân. Anh là một tên giết người chuyên nghiệp nguy hiểm. Vì vậy ta sẽ không mạo hiểm để cho anh có dịp vượt ngục lần nữa bằng cách giam chung anh với mấy người Pháp khác. Anh sẽ bị nhốt xà-lim cho đến khi chuyển đi Baranquilla. Mấy đồng tiền vàng sẽ được trả cho anh khi đã xác minh được là không có vụ trộm tiền vàng nào xảy ra.

Tôi ra ngoài và họ lôi tôi đến cầu thang dẫn xuống dưới đất. Sau khi xuống hơn hai mươi lăm bậc thì đến một dãy hành lang tối mờ mờ hai bên có những cái chuồng chật. Họ mở một chuồng ra và đẩy tôi vào. Khi cánh cửa sắt mở ra hành lang được đóng lại, mùi thối bốc lên từ nền đất nhớp nháp. Có tiếng gọi tôi từ bốn phía. Mỗi cái chuồng có song sắt đều giam một hay ba tù nhân.

- Francés, Francés: Que a hechỏ Por que esta a quỉ (Anh người Pháp kia Anh phạm tội gì thế? Tại sao anh lại ở đây?). Anh có biết rằng những chuồng giam này là những chuồng giam của tử thần không?

- Im cả đi! Để cho anh ta nói - Có tiếng quát.

- Phải, tôi là người Pháp. Tôi bị giam ở đây vì tôi đã vượt ngục ở Rio Hacha.

Cái tiếng Tây Ban Nha giả cầy của tôi được họ hiểu ngay.

- Anh cần biết mấy điều này, anh nghe kỹ đây: ở cuối chuồng giam có một tấm ván để nằm. Bên phải có một cái hộp đựng nước. Phải uống dè dè, vì mỗi sáng chỉ được một ít, mà xin thêm thì không được đâu. Bên trái có một cái xô để đi ngoài. Anh lấy cái áo vét mà bịt lại. Ở đây không cần áo ngoài vì quá nóng, cứ lấy áo mà bịt xô cho đỡ thối. Chúng tôi đều bịt xô bằng áo quần cả.

Tôi đứng sát vào song sắt để cố nhìn mặt các bạn tù. Chỉ thấy rõ được hai người ở trước mặt đang ngồi sát song sắt, hai chân thò ra ngoài. Một trong hai người đó có những nét mặt của loại người Anh- điêng lai Tây Ban Nha, kiểu như mấy tên cảnh sát đầu tiên đã bắt tôi ở Rio Hacha; người kia là một người da đen có nước da rất sáng, trẻ và đẹp trai. Anh ta cho tôi biết rằng đến giờ thủy triều lên, nước ngập vào các xà lim. Tôi không nên sợ vì không bao giờ nó lên quá bụng. Chuột có leo lên người thì đừng bắt, mà phải đánh. Bắt thì nó căn. Tôi hỏi:

- Anh bị nhốt ở đây được bao lâu rồi?

- Hai tháng.

- Còn mấy người kia.

- Không bao giờ quá ba tháng. Ai đã qua ba tháng mà không được chuyển ra, thì tức là phải chết ở đây.

- Người ở đây lâu nhất đã được bao lâu rồi?

- Tám tháng, nhưng chẳng còn sống được mấy đỗi nữa đâu. Đã gần một tháng nay anh ta chỉ quỳ chứ không đứng lên được. Đến ngày nào có thủy triều lớn, anh ta sẽ chết đuối thôi.

- Nhưng thế thì nước các anh là một xứ sở man rợ sao?

- Tôi có bao giờ nói là xứ tôi văn minh đâu. Còn nước anh thì cũng chẳng văn minh gì hơn, vì anh bị xử chung thân đấy thôi. Ở xứ Colombia này thì hoặc hai mươi năm, hoặc xử tử. Nhưng không bao giờ có chuyện chung thân.

- Thôi đi, đâu cũng thế thôi.

- Anh giết nhiều người lắm à?

- Không, chỉ có một thôi.

- Vô lý! Giết có một người mà bị lâu thế à?

- Tôi cam đoan là đúng như thế.

- Thế thì rõ là nước anh cũng mọi rợ như nước tôi.

- Thôi đừng cãi nhau về chuyện nước anh nước tôi nữa. Anh nói đúng. Cảnh sát thì ở đâu cũng là cứt cả. Còn anh, anh có tội gì?

- Tôi đã giết hai vợ chồng và cả thằng con.

- Tại sao?

- Chúng nó đã đem thằng em tôi cho lợn ăn.

- Chẳng lẽ! Chuyện gì mà gớm ghiếc thế.

- Thằng em tôi lên năm, ngày nào nó cũng ném đá thằng con nhà ấy, mấy lần trúng đầu.

- Đó không phải là một lý do.

- Khi tôi biết chuyện tôi cũng nói thế.

- Làm sao anh biết chuyện?

- Thằng em tôi đi đâu mất từ ba hôm, tôi đi tìm mãi mới thấy một chiếc dép của nó trong đóng phân. Chỗ phân này xúc ra từ chuồng lợn nhà nó. Tôi bới phân lợn lên thì thấy một chiếc tất đầy máu. Tôi đã hiểu. Mụ vợ đã thú nhận trước khi tôi giết cả nhà chúng nó. Tôi đã cho chúng nó cầu kinh trước khi bắn. Phát thứ nhất tôi bắn gãy chân thằng bố.

- Anh giết họ là phải. Anh sẽ bị xử ra sao?

- Hai mươi năm là cùng.

- Tại sao anh bị giam xà-lim?

- Tôi đã đánh một tên cảnh sát có họ với vợ chồng bà kia. Hắn làm ở nhà tù này. Bây giờ hắn đã được đưa đi nơi khác. Không có hắn tôi mới được yên.

Cửa hành lang được mở ra. Một tên gác ngục đi vào với hai tù nhân khiêng một cái thùng bằng gỗ. Có thể đoán biết được rằng phía sau họ còn có hai tên gác cầm súng nữa. Hai người tù vào từng chuồng một bưng mấy cái xô đựng phân ra đổ vào cái thùng. Mùi nước đái và mùi phân xông lên nồng nặc, tưởng đến chết ngạt. Không ai nói gì. Khi họ đến chuồng tôi, người tù vào lấy xô đánh rơi một cái gói nho nhỏ xuống đất. Tôi vội lấy chân hất vào phía trong. Khi họ đã ra tôi thấy trong gói có hai bao thuốc lá, một cái bật lửa và một mảnh giấy có viết mấy dòng chữ Pháp. Trước hết tôi châm hai điếu thuốc lá ném cho hai người ở trước mặt tôi. Rồi tôi gọi người tù kế bên bảo hắn thò tay ra bắt lấy một bao thuốc lá để chuyền cho những người tù khác. Phân phát xong tôi châm điếu thuốc của tôi lên và đưa bức thư ra sát hành lang để đọc. Nhưng ánh sáng ở ngoài hành lang không đủ. Tôi bèn lấy tờ giấy gói, cuốn lại rồi bật lửa đốt lên. Tôi đọc vội: "Cam đảm lên Papi nhé, cứ tin tường vào chúng mình. Hãy coi chừng. Mai chúng mình sẽ gửi giấy và bút chì để cậu viết cho chúng mình. Chúng mình ở bên cạnh cậu cho đến chết". Mảnh giấy ấy làm cho tôi thấy ấm lòng. Nó đã đem lại cho tôi bao nhiêu sức lực! Tôi không cô độc, tôi có thể trông cậy vào bạn bè.

Không có ai nói. Ai nấy đều mải hút thuốc. Cuộc phân phát thuốc lá cho tôi biết rằng có cả thảy mười chín người trong mấy cái chuồng giam của tử thần này. Thế là lần này tôi lại bị đưa vào con đường của sự thối nát, và bây giờ sự thối nát ấy đã ngập lên đến cổ! Mấy bà xơ tự gọi là những người "Em Gái của Chúa lòng lành" ấy chính là những đứa em gái của Quỷ. Nhưng có điều hoàn toàn chắc chắn là kẻ đã tố giác tôi không phải là cô nữ tu người Ái Nhĩ Lan hay cô người Tây Ban Nha. Ôi! Tôi ngu biết chừng nào khi tin vào các nữ tu sĩ ấy? Không phải họ đâu. Có lẽ là người đánh xe chăng? Đã hai ba lần tôi và cô nữ tu kia trót nói tiếng Pháp: thật là sơ xuất. Có thể anh ta đã nghe thấy chăng? Thôi, điều ấy có quan trọng gì! Lần này thì sa lưới hẳn hoi rồi, lần này chỉ có đi tong. Nữ tu sĩ người đánh xe hay là Mẹ Bề trên, chung quy kết quả vẫn là một. Thế là tôi đành đi đời trong cái chuồng ghê tởm cứ mỗi ngày lại hai lần ngập nước này.

Trong chuồng nóng nực và khó thở đến nỗi tôi phải cởi sơ-mi, rồi cởi nốt cả cái quần. Tôi tháo giày và đem móc hết các thứ lên cửa song sắt. Thử tưởng tượng là tôi đã vượt hai ngàn năm trăm cây số để cuối cùng đến nông nỗi này? Kết quả thật là mỹ mãn! Lạy Chúa! Chúa đã từng hào phóng, đại lượng đối với tôi như vậy, mà bây giờ lại bỏ rơi tôi sao? Có lẽ Chúa giận tôi chăng, vì dù sao Chúa đã cho tôi tự do, sự tự do chắc chắn nhất, đẹp đẽ nhất. Chúa đã cho tôi một cộng đồng, và cộng đồng ấy đã thâu nạp tôi hoàn toàn. Chúa đã cho tôi không phải là một một mà những hai người vợ tuyệt vời. Và cả ánh nắng, cả biển khơi. Lại cả một nếp nhà tranh trong đó tôi là người chủ tuyệt đối. Với cuộc sống giữa thiên nhiên, cuộc sống nguyên thủy, hoang dã nhưng êm đềm và thanh thản biết bao nhiêu.

Đó thật là một món quà có một không hai mà Chúa đã tặng tôi: được hoàn toàn tự do, không có cảnh sát, không có quan tòa, không có những kẻ ganh tỵ và những kẻ độc ác xung quanh tôi! Thế mà tôi đã không biết giá trị vô song của nó. Vùng biển ấy nước xanh đến nỗi trông như đen huyền, những buổi mặt trời mọc và mặt trời lặn đầy một hương vị dịu ngọt và thanh thản, cái nếp sống không hề cần đến tiền bạc, trong đó tôi không phải thiếu một thứ gì cần thiết cho sự sống của một con người: tất cả những cái đó tôi đã chà đạp lên, đã khinh miệt nó. Tôi đã từ bỏ những cái đó để đi đâu? Để trở về với những xã hội không thèm nhìn nhận đến tôi. Với những con người thậm chí cũng chẳng buồn bỏ công tìm hiểu xem thử trong tôi có gì còn vớt vát được không. Về với một thế giới đang hắt hủi tôi, đang đẩy tôi ra xa mọi niềm hy vọng. Với những tập thể chỉ nghĩ đến mỗi một việc: tiêu diệt tôi bằng bất cứ phương tiện nào.

Khi được tin tôi bị bắt, chúng nó sẽ mừng lắm đấy: mười hai miếng pho-mát trong hội đồng bồi thẩm, thằng Polein thối tha, mấy tên cảnh sát và tên biện lý. Vì thế nào cũng sẽ có một nhà báo nào đấy chuyển cái tin này về Pháp. Lại còn những người thân của tôi nữa. Khi bọn cảnh sát đến nhà để báo cho họ biết tôi đã vượt ngục, họ đã mừng rỡ biết bao nhiêu khi được biết rằng con họ hay anh họ đã thoát ra khỏi bàn tay của bọn đao phủ này! Bây giờ được tin tôi bị bắt lại, họ lại phải đau khổ một lần thứ hai. Tôi đã sai vô cùng khi từ bỏ bộ lạc của tôi. Phải, tôi có thể nói "bộ lạc của tôi" như vậy, vì mọi người trong bộ lạc ấy đều đã chấp nhận tôi như một thành viên của bộ lạc. Tôi đã sai và tôi xứng đáng phải chịu những gì đã xảy đến với tôi. ấy thế nhưng... Tôi vượt ngục đâu phải để làm tăng dân số người Anh- điêng ở Nam Mỹ? Lạy Chúa, Chúa phải hiểu rằng tôi cần phải sống lại trong một xã hội văn minh bình thường và chứng minh cho mọi người thấy rằng tôi có thể làm một thành viên của xã hội đó mà không gây thành một hiểm họa cho nó. Đó là số mệnh đích thực của tôi - có sự tham dự của Người hay không có sự phù hộ của người cũng vậy. Tôi phải chứng minh cho bằng được rằng tôi có thể, rằng tôi đang và sẽ là một con người bình thường nếu không phải là tốt hơn những thành viên khác của bất kỳ tập thể nào của bất kỳ đất nước nào.

Tôi hút thuốc. Nước bắt đầu lên. Bây giờ đã ngang mắt cá tôi. Tôi gọi: - Anh Da Đen, nước vào chuồng giam bao nhiêu lâu thì rút hết? - Còn tùy thủy triều mạnh hay nhẹ. Một giờ, hai giờ là cùng. Tôi nghe thấy mấy người tù kêu: Esta llegando (Nó đến). Nước lên từ từ, rất chậm. Người lai và người Da đen bám lên song sắt. Chân họ buông thõng ra ngoài hành lang, tay họ ôm lấy mấy cái chấn song. Có tiếng động dưới nước: đó là một con chuột cống to bằng con mèo đang bơi lõm bõm. Nó đang tìm cách leo lên chấn song. Tôi cầm lấy một chiếc giày và khi nó bơi đến gần tôi đánh một cái thật mạnh lên đầu nó. Nó vừa bơi ra hành lang vừa kêu chí chóe. Anh tù Da đen nói với tôi;

- Francés, anh nổi máu đi săn rồi đấy. Không sao giết hết được chúng nó đâu. Leo lên chấn song đi, bám chặt vào và ngồi yên đấy. Tôi làm theo lời anh ta, nhưng mấy cái chấn song hằn vào đùi rất đau, cứ cái tư thế này thì tôi chẳng chịu đựng được bao lâu. Tôi lấy cái áo vét bịt xô đựng phân buộc lên chấn song và cưỡi lên đấy. Nó làm thành một thứ ghế để cho tôi có thể chịu đựng được cái tư thế không lấy gì làm thoải mái kia, vì vậy giờ tôi gần như được ngồi.

Cuộc xâm lăng này của nước thủy triều, của chuột cống, của các loài rết và của nhỏ li ti được nước lùa tới là cái điều kinh tởm nhất, có sức làm mất tinh thần nhất mà một con người có thể chịu đựng. Một giờ sau, khi nước đã rút hết, trong chuồng còn lại một lớp bùn lầy lụa dày hơn một phân. Tôi đi giày vào để khỏi phải lội trong lớp bùn này. Anh Da đen ném cho tôi một mảnh ván dài mười phân, bảo tôi dùng để gạt bùn ra ngoài hành lang, bắt đầu từ chỗ đặt tấm ván dùng làm giường ngủ, rồi từ cuối chuồng cho đến chỗ ra vào.

Công việc choán hết cả nửa giờ và buộc tôi phải nghĩ đến mỗi một việc ấy thôi. Như thế cũng đã có được một chút gì ích lợi. Từ bây giờ đến đợt thủy triều sau, Tôi sẽ không bị ngập nước: như thế có nghĩa là trong mười một tiếng đồng hồ, vì sau cùng là giờ nước tràn vào. Phải tính đủ sáu giờ nước biển rút xuống và năm giờ nước biển dâng lên. Tôi tự nhủ một cách hơi lố bịch: Bươm bướm, số mày là phải chịu ảnh hưởng của thủy triều. Dù mày muốn hay không, mặt trăng cũng có một tầm quan trọng lớn lao đối với mày và đời mày. Chính nhờ thủy triều lên xuống mà mày đã ra khỏi sông Maroni một cách dễ dàng khi trốn khỏi trại khổ sai. Khi mày ra đi từ Trinidad và từ Curacao, mày cũng đã phải tính đến ngày giờ thủy triều lên xuống. Sở dĩ mày bị bắt ở Rio Hacha chính là vì thủy triều xuống không đủ mạnh để mày rời bờ biển thật nhanh và cho đến bây giờ mày lại thường xuyên phải chịu đựng nước thủy triều.

Trong số những người sẽ đọc mấy trang này, nếu một ngày nào nó sẽ được xuất bản, có lẽ cũng sẽ có những người thương hại tôi ít nhiều khi biết những nỗi cơ cực mà tôi phải chịu đựng trong chuồng giam của người xứ Colombia. Đó là những người tốt. Còn những người khác, họ hàng thân thuộc của mười hai miếng pho-mát đã xử tội tôi, hoặc là có bà con với viên biện lý thì sẽ nói: "Đáng đời cho nó, ai bảo nó vượt ngục? Nếu nó chịu ở yên trong trại khổ sai thì đâu đến nỗi!" Thế thì tôi xin nói với các người một điều, nói với những người tốt cũng như những miếng pho-mát kia. Tôi không tuyệt vọng, không tuyệt vọng một chút nào, và tôi còn nói hơn thế nữa: tôi thà bị nhất trong những chuồng giam của cái pháo đài cũ do bọn giáo hình Tây Ban Nha xây lên ở Colombia còn hơn bị giam ở Quần đảo Salut là nơi mà lẽ ra tôi phải có mặt vào giờ này.

Ở đây tôi còn phải làm rất nhiều mới hòng có cơ vượt ngục, và dù nằm trong cái hầm thối tha này, tôi cũng tự hào là đã cách xa trại tù đến hai ngàn năm trăm cây số. Chúng nó sẽ phải thi hành rất nhiều biện pháp đề phòng mới có thể bắt tôi đi ngược chiều đoạn đường hai ngàn năm trăm cây số ấy. Tôi chỉ tiếc có một điều: bộ lạc Guajiros của tôi, Lali và Zoraima, và cuộc sống tự do trong thiên nhiên, không có những tiện nghi của người văn minh, nhưng cũng không có cảnh sát, không có nhà tù và càng không có những chuồng nhốt người như thế này. Tôi nghĩ rằng những người bạn hoang dã của tôi, họ không bao giờ lại có thể nảy ra cái ý bắt một kẻ thù của họ phải chịu một cực hình như thế này, và lại càng không bao giờ nảy ra cái ý dùng một cực hình như thế với tôi, một người không hề làm phương hại gì đến người dân Colombia.

Tôi nằm xuống tấm ván và hút hai ba điếu thuốc lá ở tận trong cùng xà-lim để những người khác đừng nhìn thấy. Khi trả tấm ván nhỏ lại cho người da đen, tôi đã ném cho anh ta một điếu thuốc lá châm sẵn, và anh ta cũng làm như tôi vì hổ ngươi với các bạn tù. Những chi tiết này tưởng chừng như không có gì đáng kể, nhưng đối với tôi nó rất có giá trị. Nó chứng tỏ rằng chúng tôi còn giữ lại được chút lịch sự và hổ ngươi tế nhị. ở đây không phải như ở nhà lao Conciergerie, tôi có thể mơ mộng và thả hồn đi lang thang trong không gian mà không cần phải bịt mắt bằng một chiếc khăn mùi soa cho đỡ chói. Ai đã báo cho cảnh sát biết là tôi đang ở trong tu viện? Ôi, nếu một ngày kia tôi biết được, thì tội này sẽ phải đền. Rồi tôi lại tự nhủ: thôi đừng nói nhảm nữa Bươm bướm! Ở Pháp mày còn bao nhiêu việc phải làm để trả thù, còn cái xứ sở heo hút này thì thôi đi, mày đến đây không phải để làm điều ác! Người ấy nhất định sẽ bị chính cuộc sống trừng phạt, và nếu một ngày kia mày phải trở lại đây, thì đó không phải để trả thù, mà để đem lại hạnh phúc cho Lali và Zoraima, cho cả mấy đứa con của mày nữa. Nếu mày sẽ trở về xứ này, thì đó sẽ là vì họ và vì tất cả những người Guajiros đã ban cho mày cái vinh dự được chấp nhận trong bộ lạc của họ như một người đồng chủng.

Tôi hãy còn ở trên con đường của sự thối nát, nhưng tuy bị nhốt trong một cái chuồng thấp hơn mực nước, dù người ta có muốn hay không thì vẫn đang vượt ngục, vẫn đang bước trên con đường đi tới tự do. Điều đó không thể nào phủ nhận được". Tôi đã nhận được một ít giấy, một cây bút chì, hai bao thuốc lá. Tôi ở đây đã được ba ngày. Nói là ba đêm mới đúng. Vì ở đây bao giờ cũng tối. Trong khi tôi châm một điếu Piel Roja, tôi phải lấy làm khâm phục lòng tận tụy của các tù nhân đối với nhau. Anh tù người Colombia chuyển cho tôi gói đồ kia là làm một việc rất liều. Nếu bị chúng bắt được, chắc chắn anh ta sẽ phải nếm mùi chuồng giam dưới đất. Không phải anh ta không biết điều đó, cho nên nhận lời giúp tôi trong cuộc đầy ải này không phải chỉ là can đảm mà còn là làm một nghĩa cử cao thượng phi thường.

Vẫn dùng cách đốt cuộn giấy, tôi đọc: "Papiìlon ơi, chúng mình biết cậu chịu đựng được. Cừ lắm! Cho chúng mình biết tin nhé. Chúng mình vẫn thế. Một nữ tu sĩ biết nói tiếng Pháp có đến thăm cậu, người ta không cho cô ấy nói chuyện với chúng mình, nhưng một người tù Colombia cho chúng mình biết rằng anh ta đã kịp nói cho nữ tu sĩ biết là anh tù người Pháp đang bị nhốt vào chuồng tử thần. Cô ấy nói: Tôi sẽ trở lại. Chỉ có thể thôi. Các bạn cậu hôn cậu. Trả lời không phải là việc dễ, nhưng tôi vẫn tìm cách viết được mấy chữ: "Cám ơn các cậu về mọi thứ: ở đây ổn cả, tôi chịu đựng được. Các cậu hãy viết đơn gửi ông lãnh sự Pháp, may ra thì được. Lúc nào cũng cử một cậu thôi, để khi có chuyện gì thì chỉ một cậu bị phạt. Đừng chạm tay vào hai mũi tên. Vượt ngục muôn năm!"

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv