Nửa Chén Rượu

Chương 9: Cuối truyện



Hoa lửa đất cằn

Truyện ngắn này được lên ý tưởng từ một năm rưỡi trước, từ lúc bắt đầu đăng đến khi kết thúc chỉ trong mười lăm, mười sáu ngày, nhưng tôi đã viết trọn một năm lẻ hai tháng, khó khăn lắm mới hoàn thành. Một phút diễn trên đài mười năm luyện dưới đài, đại khái chính là đạo lí này.

Ban đầu tôi không ngờ sẽ khó khăn như vậy.

Gorky nói: “Ngay từ đầu đã viết một tiểu thuyết trường thiên vĩ đại là một phương pháp vô cùng vụng về, học sáng tác hẳn nên bắt tay từ truyện ngắn. Nhà văn xuất sắc nhất Tây Âu và nước ta đều vậy, bởi truyện ngắn dùng chữ súc tích, dễ sắp xếp hợp lí vật liệu, tình tiết rõ ràng, chủ đề rõ ràng.”

Vì lúc bắt đầu sáng tác không có chỉ dẫn chuẩn xác, hết thảy đều tự mình mày mò. Trước “Nửa chén rượu”, tôi từng viết năm, sáu trăm ngàn chữ, nhưng chưa bao giờ viết thành công một tác phẩm nào kết thúc quá năm ngàn chữ. Hành văn thì được mài giũa tốt hơn, nhưng năng lực viết đối thoại nhân vật và bố trí văn chương thì đích thị một đống phân – hiển nhiên, tôi đã tiến hành sáng tác bằng một phương pháp vụng về. Thế nên một năm rưỡi trước, tôi đã nghĩ, tôi muốn viết một truyện ngắn chừng ba chục ngàn chữ mà bản thân mình đủ hài lòng, nhất định phải viết cho ra.

Hồi lớp mười hai, vừa mới bắt đầu, vì rất nhiều nguyên nhân như việc học căng thẳng, hoang mang trước văn học mạng, vân vân và vân vân, tôi rơi vào giai đoạn cổ chai (bottleneck), viết thế nào cũng không tử tế cho nổi một mở đầu, viết rồi lại xóa xóa rồi lại viết, toàn thân nằm sát mép một sự sụp đổ. Cuối cùng cũng cấu tứ viết xong chương thứ nhất, cảm thấy OK, đây chính là mở đầu tôi mong muốn, tôi nhớ rất rõ là vào tháng Giêng năm ngoái, buổi tối một ngày trước kì thi xét tuyển đợt 1, tôi đã viết xong chương đầu tiên.

Sau đó lại là hoang mang, tiếp theo nên viết thế nào?

Sáng tác là sản phẩm của xung lực sáng tạo, mà xung lực này thường chỉ có tác dụng với mở đầu và cái kết. Tôi tin rằng không ít tác giả đều có thể nghiệm như vậy, cho là mình đã nghĩ xong mọi phương hướng của câu chuyện, hứng thú bừng bừng viết xong chương một thì mờ mịt. Bởi có xung lực sáng tạo còn xa mới đủ, văn chương cần kết cấu, cần sắp xếp bố cục. Kết cấu, hành văn và tình tiết là ba tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một tác phẩm có hay hay không. Còn trong ba cái cái nào quan trọng hơn cái nào thì mỗi người một ý.

Thế nên tôi mất nhiều thời gian như vậy lên ý tưởng cho kết cấu và tình tiết của một tác phẩm ngắn ngủi chỉ trong ba chục ngàn chữ, thời điểm gian nan nhất, ba bốn tiếng cùng lắm chỉ viết được năm trăm chữ. Tôi vẫn luôn rất hâm mộ những đại tác giả viết vừa nhanh vừa tốt kia, thời điểm cảm hứng dâng trào, viết trôi chảy nhất, tốc độ nhanh nhất của tôi cũng chỉ là một ngàn chữ một giờ. Sáng tác là một việc cần thiên phú và cần cù, hiển nhiên tôi không có thiên phú, chỉ có thể nỗ lực nhiều hơn, cần cù bù thông minh.

Sau đó thì đọc được một đoạn hỏi đáp của Giả Chương Kha và Hầu Hiếu Hiền trong tùy bút “Giả tưởng” của Giả Chương Kha, hai người trong đó đều nói, phàm tiến hành sáng tác, trong quá trình nhất định sẽ không ngừng xuất hiện cổ chai, bất kể là ai.

Thế nên tôi bình thường trở lại, hóa ra là bình thường, hóa ra mãi không viết tiếp được không phải vấn đề của tôi mà là quy luật tự nhiên của sáng tác. Vì vậy, sáu chương đầu tôi viết suốt hơn một năm, hai chương cuối viết năm ngày là xong, bởi toàn bộ tình tiết kết cấu tình cảm nhân vật đều đã được chải xuôi.

Lý Hân Tần, một chuyên gia sáng tạo nổi tiếng nhờ viết quảng cáo ở Đài Loan từng nói, khi bạn viết không nổi nữa thì hãy đặt bút xuống, bỏ máy tính xuống, đi ra ngoài thư giãn tinh thần đi.

Tôi rất vui, cuối cùng mình cũng kiên trì được, chịu đựng qua giai đoạn cổ chai.

Sau khi đọc “Nửa chén rượu”, bạn tôi đưa ra ba ví von, khen truyện này tôi viết giống như một bài thơ, êm ái rủ rỉ; giống như một bức họa, không phải họa trải từng chút cho người xem mà là trải thẳng toàn bộ ra; giống như một chung trà, nhàn nhạt mà có vị, cũng chẳng quá đắng, đọc lên có cảm giác buồn man mác, nhưng không hề bi thương. Cô ấy nói, lúc đọc đến chương kết, cô ấy cảm thấy rất vui.

Tôi thật sự rất vui khi nghe đánh giá này, có thể khiến độc giả đọc đến chương kết cảm thấy phấn chấn, truyện này xem như tôi đã viết thành công.

Cuối cùng, liệt kê đôi chút mấy chủ đề tôi muốn biểu đạt trong “Nửa chén rượu”, có thể có độc giả nhìn ra nhiều chủ đề hơn, cũng có thể độc giả đọc không đến, tạm thời coi như một tổng kết nho nhỏ của bản thân với câu chuyện này.

Chủ đề lớn nhất là mất đi lí tưởng. Nhạn Cửu là kẻ mất tâm lạnh nhạt hờ hững, Tiết Vô Y là kẻ không vong không quên được quá khứ, Thạch Thu Phong là kẻ đuổi mộng ôm hùng tâm tráng trí.

Ba thành viên của S.H.E là những cô gái từng đuổi mộng, nay đã và đang già đi, trong “Tôi từng là thiếu niên”, họ hát: Bạn và tôi đến từ thôn quê trấn nhỏ Hồ Bắc Tứ Xuyên Quảng Tây Ninh Hạ Hà Nam Sơn Đông Quý Châu Vân Nam / Từng thề rằng phải làm người ưu tú / Nhưng một đêm nào đó bỗng bừng tỉnh ở Bắc Kinh Thượng Hải Quảng Châu Thâm Quyến / Đứng trên ban công tịch mịch / Chỉ muốn trốn khỏi tịch mịch vô biên.

— Đó là Tiết Vô Y sau khi Tô Thu Trì chết.

Trong bài này còn hát: Rất nhiều năm trước bạn từng là một thiếu niên mộc mạc / Yêu một người chẳng sợ trả cả đời / Tin vào tình yêu vĩnh hằng / Tin vào mỗi một người xa lạ / Tin rằng bạn sẽ trở thành người mình muốn trở thành nhất.

— Đó là Thạch Thu Phong ôm tráng chí hiên ngang, thích Nhạn Cửu.

Còn có một câu: Những tưởng thành công rồi có thể xoa dịu vết thương / Bờ dục vọng chôn người lỡ dịp / Khi thanh xuân hao hết / Chỉ còn lại mặt mày khó ưa.

— Đó là Nhạn Cửu không buồn không vui.

Nhưng trong điệp khúc lặp đi lặp lại, S.H.E hát: Bạn và tôi đến từ thôn quê trấn nhỏ Hồ Bắc Tứ Xuyên Quảng Tây Ninh Hạ Hà Nam Sơn Đông Quý Châu Vân Nam / Từng thề rằng phải làm người ưu tú / Nhưng một đêm nào đó bỗng bừng tỉnh ở Bắc Kinh Thượng Hải Quảng Châu Thâm Quyến / Như bị vận mệnh đánh thức / Nó nói bạn không thể cứ thế sống hết đời.

— Đây là Tiết Vô Y sau khi gặp Thạch Thu Phong, quyết tâm liều chết đánh một trận.

Tôi rất thích câu này của Cao Hiểu Tùng: Cuộc sống không chỉ là tạm bợ trước mắt mà còn có thơ ca và phương xa. Lúc mới nghe “Tôi từng là thiếu niên” của S.H.E, toàn thân tôi nổi da gà, như thể thấu suốt thông tỏ, cả người mát rượi. Trong bài hát là Nhạn Cửu, là Thạch Thu Phong, là Tiết Vô Y, là những tôi, bạn, anh/cô ấy tràn trề tráng chí thuở thiếu thời rồi mất đi lý tưởng. Giả Chương Kha thích quay điểm chung của một loại người, ông nói, trên mặt những người khác nhau có những điểm giống nhau. Mà ước mơ của chúng ta cũng có điểm giống nhau.

Đó là ý tưởng ban đầu để tôi viết nên câu chuyện này. Có lẽ đến từ bạn bè cùng lứa năm lớp mười hai điền nguyện vọng gần như đều ưu tiên ngành nào kiếm được nhiều tiền chứ không phải ưu tiên ước mơ – đáng buồn là có những người sống mười bảy, mười tám năm rồi vẫn không có lí tưởng của mình, mờ mịt luống cuống trước việc chọn ngành gì.

Những chủ đề khác thì tương đối vụn vặt, tôi tổng kết ra ba điểm để liệt kê. Một, sự cô độc trong nhân tính. Tất cả mọi người nhìn thì như sống giữa bầy người, nhưng đều là cá thể cô độc. Sartre nói người khác là địa ngục, tôi đồng ý từ tận đáy lòng. Hai, về tự do, đối thoại giữa Nhạn Cửu và Hoài Ngọc trên tháp Đại Nhạn là cách hiểu của tôi về tự do. Rousseau nói rất hay, con người sinh ra trong tự do nhưng mọi nơi anh ta ở đều trong gông xiềng. Thứ ba, về sự nảy sinh và chết yểu của thiên tài trên giang hồ, cái gọi là trời xanh đố kị anh tài, cái gọi là hết thời mạt vận, cái gọi là thành công muộn chỉ là do thùng nhuộm khổng lồ mang tên xã hội này nghiền ép tạo thành mà thôi.

Đến đây, “Nửa chén rượu” kết thúc.

Mục tiêu tiếp theo là viết thành công một truyện dài hai trăm ngàn chữ.

Andersen nói, phía trước là đường chông gai dẫn tới vinh quang. Tôi không có thiên phú, chỉ có từng đợt đốm lửa cằn cỗi, khó khăn thử đốt từng đốm lửa thành tia lửa, từng tia lửa thành ngọn lửa, cuối cùng thành đống lửa hừng hực.

Chúng ta vượt núi băng đèo, cùng đạt mục tiêu.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv