GIỜ CHÁU CÓ NHỎ RỒI, CŨNG ĐỪNG QUÊN MẤT ĐỨA LỚN.
Tú Anh có thai quả thật là lễ mừng to của nhà họ Trình, đến cả Ngọc Tỷ, vì đầu năm vừa đánh lộn một trận với Niệm Lang nên cũng biết trong nhà không thể không có con trai. Thế là mừng rỡ chạy đến phòng Tú Anh, chưa kịp đến gần đã bị Tiểu Hỉ giang tay bế lên: “Đại tỷ có em trai rồi, không nên dựa vào người nương tử nữa.”
Ngọc Tỷ bối rối, lòng lại hơi lo, buồn bực giãy ra khỏi lòng Tiểu Hỉ, Đóa Nhi từ đằng sau xông lên một bước, đứng bên cạnh Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ không tiến lên nữa, ngồi xuống cái ghế lụa đặt bên chân Tú Anh, đong đưa chân, ngoẹo đầu, chuông của hai chiếc kiềng bạc đeo trên chân ngân lên từng hồi. Tú Anh cười nói: “Nhóc giặc con này, nhìn mẹ làm gì? Để im chân cho mẹ, không hợp lễ.”
Ngọc Tỷ “Dạ” một tiếng, chậm rì rì leo xuống ghế, đứng im. Tú Anh không còn sức để cười nữa: “Ngày trước nghịch ngợm, hôm nay lại đến quấy phá. Con có sách rồi nhỉ? Chữ cũng biết rồi chứ? Còn không mau đi làm bài.”
Chương trình học của Ngọc Tỷ dần mở rộng, học thanh luật, số học, đến cả vẽ tranh cũng đã bắt đầu phải tập làm quen. Tô tiên sinh dự định đầu xuân năm sau dạy bé học đàn, nghe đâu bậc quân tử đều thích cầm kỳ thi họa, nghe được đàn hát, thông tỏ nhã ý. Tuy thầy Tô chỉ đang dạy trò nữ, nhưng luôn dạy con bé theo cách dạy nam sinh. Cũng vì Ngọc Tỷ quá lanh lợi, dạy ít đi một chút, khiến con bé không có gì để làm, bé sẽ quậy phá một chặp, làm khổ người ta nhiều lắm.
Ngọc Tỷ tuân lệnh, âm thầm bước ra ngoài cửa, Đóa Nhi vội vã đuổi theo, Ngọc Tỷ bỗng ngoái đầu, nói với Tú Anh: “Mẹ, mẹ nghỉ ngơi nhiều một chút, đừng để bị mệt.”
Tú Anh đang lót khăn trên tay, nhón một quả mơ ướp mật định ăn, nghe được lời này, đến khăn cũng không buông xuống, thuận miệng nói: “Bà ngoại con còn chả lắm lời như con đâu.”
Ngọc Tỷ làu bàu một tiếng, Đóa Nhi vén rèm hộ bé, hai người một trước một sau rời đi. Ngọc Tỷ ra đến sân, thấy Bổng Nghiên đang sai vài người chuyển vật dụng trong nhà. Trong sân vốn có đủ loại vũ khí dùng để luyện võ của Trình Khiêm, có cả những thứ như tạ đá, Ngọc Tỷ theo Tô tiên sinh học bắn, cũng đặt bia ngắm trong sân này. Hôm nay, những người kia đang dỡ chúng ra.
Thấy Ngọc Tỷ đi đến, Bổng Nghiên đứng lại, cung kính: “Đại tỷ mạnh giỏi.”
Ngọc Tỷ hỏi: “Mọi người đang làm gì vậy? Ai bảo các ngươi dọn?”
Bổng Nghiên đáp: “Lão an nhân dặn ạ, nương tử có mang, không nên thấy những món đồ mang hung khí này, bảo dọn hết cất vào kho. Cô gia bảo tôi đưa người đến dọn.”
Ngọc Tỷ nhìn trái ngó phải, thở dài một hơi: “Đóa Nhi, chúng ta về phòng ăn hoa quả đi.” Bổng Nghiên thấy bé thở dài nom rất đáng yêu, bật cười khẽ rồi quay lại giám sát mọi người dời vũ khí.
Trong lúc cả nhà mừng vui, Trình Khiêm và thầy Tô là hai người đầu tiên nhận ra Ngọc Tỷ có gì đó khác thường. Trình Khiêm cưng con gái, thấy Ngọc Tỷ bỗng hơi xa cách với Tú Anh, không khỏi hỏi han vài câu. Ngọc Tỷ gặp cha thì lắp bắp, nhớ lại Tố Tỷ từng than thở “Trời nóng, chẳng buồn nhúc nhích.”, bé cũng bắt chước bảo là do trời nóng. Trình Khiêm không tin, Ngọc Tỷ tuy được cưng chiều, nhưng không bị chiều đến độ yếu đuối. Dò hỏi Đóa Nhi, nó cũng khờ khạo không biết. Trình Khiêm đành phải ra lệnh cho Đóa Nhi: “Thuật lại mọi việc đại tỷ làm hôm qua ra đây.”
Chẳng ngờ Đóa Nhi đã được Ngọc Tỷ dặn trước, không được kể chuyện của bé cho người khác nghe, sốt ruột òa khóc nhưng vẫn lắc đầu. Trình Khiêm ngẩn tò te, bèn hỏi mợ Lý. Mợ Lý đáp: “Đại tỷ chưa từng ra khỏi nhà, trong nhà cũng không có người ngoài đến chơi, đại tỷ chỉ đến phòng nương tử thăm nàng một lần, nhưng cũng đi trong tâm trạng vui vẻ.” Trình Khiêm nhủ thầm, đi mà vẫn vui, nghĩa là về mới buồn rồi.
Hỏi lần từng chút, lại khiến Trình Khiêm phát hiện ra vài manh mối, bất giác bật cười, gọi riêng Ngọc Tỷ đến giảng giải: “Mẹ con tính tình kỹ lưỡng, không phải không thương con, vẫn sẽ thương con như cũ. Nhưng bây giờ cơ thể mẹ hơi yếu, không tiện gần gũi. Mấy tháng này, cứ giữ kẽ với mẹ như với bà ngoại, hết giai đoạn này sẽ ổn.”
Thầy Tô lại do bài vở của Ngọc Tỷ, thấy nét chữ trong bài tập bé nộp có vẻ yếu, bèn gọi đến rầy: “Tuy trong nhà có việc, nhưng cũng không thể bởi vì thế mà chểnh mảng bài tập.” Thầy không hiểu được tâm trạng của Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ cũng thế, chả biết lòng mình đang có cảm giác gì, mà Tô tiên sinh lại hiểu nhầm rằng bé vui quá trớn, vì thế mới sao nhãng bài vở, đây là điều thầy không thể nào chấp nhận nổi. Lúc Thánh thượng còn là học trò của thầy, khi cả gan không tập trung còn lãnh đủ hai cú khẻ tay, huống chi là Ngọc Tỷ?
Ngọc Tỷ mới năm tuổi, bài vở cũng nộp đủ, Tô tiên sinh không phạt cô học trò nữ này, chỉ viết một tờ giấy chữ to cho bé, đề là “Sủng nhục bất kinh”. Lại giảng giải cặn kẽ ý nghĩa: “Một thoáng xúc động là thể hiện ngay mình hẹp hỏi, sao thành được việc? Sao có thể khiến người ta kính phục yêu thích?”
Ngọc Tỷ vực dậy tinh thần, buổi tối nộp bài tập lại lần nữa, bấy giờ chuyên tâm viết chữ, thầy Tô vui vẻ nói: “Biết sai biết sửa, còn ngoan.”
Ngọc Tỷ nhân lúc hỏi mượn sân của Tô tiên sinh. Trong sân thầy đã có sẵn một tấm bia dùng để kiểm tra bài, bèn bảo Ngọc Tỷ: “Thầy vốn không thích con gái múa đao xoay thương nhưng con lại quyết định muốn học, đã thế thì không được xao nhãng, ngoài thời gian luyện bắn, buổi sớm nếu muốn luyện vài bài võ thì cứ đến đây.”
•••••
Phía bên kia, Trình Khiêm lại trêu Tú Anh: “Nàng giờ có nhỏ rồi, cũng đừng quên mất đứa lớn. Ngọc Tỷ cũng đã mấy ngày không được ngồi cùng nàng rồi.” Tú Anh cười đáp: “Chẳng trách ta thấy mấy hôm nay ánh mắt con bé hơi lạ, có lẽ là do hai ngày trước Tiểu Hỉ không cho nó nhảy chồm lên người ta nữa. Cẩn thận quá lại dở đi, để ta rầy Tiểu Hỉ. Nhưng cơ thể ngày càng nặng, không thể chăm nom con bé được, Đóa Nhi thì nhỏ quá, chỉ mỗi mợ Lý kèm thôi thì chưa đủ, chẳng biết bên chỗ mụ Vương đã trả lời chuyện mua người chưa? Sai người đến giục thôi.”
Mụ Vương nhận được tin bèn vội vàng dắt hai bé gái khoảng mười tuổi đến nhà họ Trình. Tú Anh cười nói: “Bảo mụ kiểm tra kỹ càng, mụ thì hay rồi, tự xem mình làKhương thái công*! Ta không gọi người đến giục, đến nay chắc mụ cũng chưa tới đâu nhỉ.” Mụ Vương luôn mồm nhận lỗi: “Thực ra không phải lười biếng đâu ạ, phải chọn lấy hai đứa thật tốt trình lên quý phủ. Nghe nói nương tử có mang rồi ạ? Đúng là đại hỷ, cũng là do quý phủ thường ngày hành thiện tích đức. Liên tiếp mấy ngày kiểm duyệt chúng nó, tôi nghĩ bụng nếu bé quá thì không được việc, vậy thì thành ra ai chăm sóc ai chứ? Thế là bèn lựa hai đứa lớn một chút, biết làm việc.” Thực ra thì là do nhất thời tay thối, tìm không được thị nữ nhỏ tuổi.
[*Ý chỉ Khương Tử Nha và điển cố buông cần không mồi chờ cá cắn câu.]
Vì Lâm lão an nhân cũng ở đấy, mụ Vương bèn nhắc đến chuyện bà quyên góp mấy chục vựa lúa: “Đúng là có phúc báo.”
Rồi gọi hai bé gái tiến đến dập đầu. Tú Anh nói: “Đứng lên cả ta xem nào, Tiểu Hỉ gọi đại tỷ đến đây.” Tú Anh nhìn lên, hai đứa bé này đúng là rất gọn gàng ngay ngắn, mắt ngọc mày ngài, mặc quần áo vải bố màu xanh, giày đen. Tú Anh bảo: “Chìa tay ra ta xem.” Hai đứa nghe lời đưa tay ra thật, Tú Anh thấy nốt chai cả trong lòng bàn tay và ngón tay của đứa bé thấp hơn một chút, còn đứa cao hơn một chút thì chỉ có vết chai mỏng nơi ngón tay. Lòng nghĩ thầm đã biết đứa bé thấp hơn đã từng làm việc nhà, đứa bé cao kia e chỉ biết chữ và đánh đàn.
Hỏi thử, mụ Vương quả nhiên chỉ đứa bé thấp kia mà rằng: “Đứa bé này tên là Nhị Ni, vì gia đình không có anh em, cha vừa chết thì họ hàng đã bán nó và mẹ, con bé biết khâu vá, cũng học được dăm ba con chữ.” Mụ biết Tú Anh khác với Tố Tỷ, bởi thế mới không đặt trọng tâm vào chuyện Nhị Ni đáng thương thế nào, chỉ nói nó biết làm việc lại thật thà.
Rồi chỉ vào đứa cao: “Còn con bé này là Mai Hương, vốn là con gái nhà quan, chỉ vì cha chết mà nó cùng mẹ ruột bị mẹ cả bán đến hai nơi khác nhau.” Tú Anh nhướng mày, lòng nghĩ, chắc là vợ lớn vợ nhỏ bất hòa, chỉ chờ chồng chết liền gây khó dễ đến chết lên chết xuống. Chỉ cần nghe tên của con bé nha hoàn này là biết ngay mẹ ruột của nó cũng là thị nữ.
Tú Anh và bà Lâm trao đổi ánh mắt với nhau, đều nghĩ: Thế này là ổn nhất, không còn tý dây mơ rễ má gì với thân tộc, vừa khéo nuôi để hầu hạ Ngọc Tỷ. Tuy đã có Đóa Nhi biết nghe lời nhưng con bé lại hơi khờ, hai đứa bé này trông có vẻ thông minh hơn, cũng lớn hơn mấy tuổi, được việc đây. Tú Anh bèn kiểm tra hai đứa bằng vài con chữ, lại lệnh chúng thêu vài đường, biết Nhị Ni còn biết thổi lửa nấu cơm, bèn nói: “Vài ngày sau lại kiểm tra tiếp.”
Trong lúc họ nói chuyện thì Ngọc Tỷ cũng vừa đến, Tú Anh giới thiệu chúng cho bé: “Con nhìn xem có thích không?”
Ngọc Tỷ mỉm cười: “Con thích cả, mẹ định làm gì?”
Tú Anh đáp: “Mẹ đánh cái đồ mồm mép lém lỉnh nhà con bây giờ, để chúng làm nha đầu hầu con, được không?”
Ngọc Tỷ nói: “Chỉ cần là của mẹ tặng thì con đồng ý cả. Mẹ sẽ không làm gì có hại cho con đâu.”
Mụ Vương nghe thế thì lấy làm mừng rỡ, vụ mua bán này thế là xong rồi. Nhị Ni đáng ba xâu tiền, Mai Hương thì chỉ đáng hai, mẹ cả của nó chỉ cần đuổi được thứ gai mắt chắn đường đi thôi chứ không thiếu tiền. Mua đi bán lại, mụ đã lời được gần hai mươi lượng bạc, lập tức tươi cười rạng rỡ: “Mỗi đứa còn một bọc hành trang, tôi về đem sang đây cho chúng.”
Trả tiền rồi Tú Anh lại thấy cái tên Nhị Ni không hay lắm, bèn đổi thành Quả Nhi, còn Mai Hương thì vẫn giữ nguyên. Rồi bảo hai đứa dập đầu nhận Ngọc Tỷ làm chủ, lệnh mợ Lý sai bảo và dạy dỗ, dẫn đi nhận mặt người, chào hỏi ông Trình, vân vân. Một mình Ngọc Tỷ ở ba gian phòng, mợ Lý ở cùng với bé, sau này có thêm Đóa Nhi ở ngoài chái hiên, đêm còn nghe sai bảo. Giờ lại đến thêm hai đứa, không thể ở vậy nữa rồi.
Trong tiểu viện của Tú Anh, vợ chồng hai người sống trong ba gian nhà chính phía Bắc, Ngọc Tỷ ở mé Tây, bên mé Đông vốn là nơi bọn Tiểu Hỉ ở, bây giờ đưa Quả Nhi Mai Hương và cả Đóa Nhi sang đấy. Quả Nhi Mai Hương một phòng, Tiểu Hỉ Tiểu Lạc một phòng, Đóa Nhi ở riêng một phòng.
Quả Nhi Mai Hương mới đến bèn học hỏi mợ Lý và Đóa Nhi cách làm việc. Đóa Nhi còn bé, chỉ hầu hạ mỗi Ngọc Tỷ, làm chân sai vặt cho Ngọc Tỷ. Quả Nhi vì biết thêu thùa may vá nên xin phép mợ Lý tìm vải may túi sách cho Ngọc Tỷ. Mai Hương thì chơi cùng Ngọc Tỷ, kể chuyện cho bé tiêu khiển, thấy trong phòng Ngọc Tỷ có đàn, bèn nói: “Cây đàn thế mà may được tiểu thư sử dụng. Nhà em vốn cũng có đàn, cũng khá giống với cây đàn này.” Vì biết đàn nên mỗi ngày cầm đàn ra luyện.
•••••
Ngọc Tỷ có tôi tớ mới, Tú Anh cũng lẳng lặng quan sát, thấy cả bọn không chây lười rồi thì chính mình lại mệt, bèn bảo mợ Lý coi sóc kỹ càng. Lâm lão an nhân khuyên nàng: “Vạn sự chẳng có gì quan trọng bằng sức khỏe của cháu, cháu rể chẳng còn mấy năm nữa đã phải quy tông, cháu là vợ thằng bé, thằng bé còn phải tự lập nữa. Cháu cũng phải sinh vài đứa con trai mới được.”
Tú Anh cũng biết cái gì quan trọng, giao hết mọi công việc cho Trình Khiêm lo liệu. Từ đấy Trình Khiêm đi sớm về trễ, tiếp xúc với nhiều người, vừa phải gửi thiệp xã giao vừa phải đến cửa hàng kiểm tra đôn đốc, bận đến chẳng hết việc. Lại khiến Tú Anh sinh nghi: Sao lúc nào cũng về trễ thế này, chẳng có nhẽ lại nuôi bồ nhí bên ngoài? Lòng dạ bắt đầu không yên, hôm nay Trình Khiêm đến phủ nhà họ Dư mới dọn tới đất Giang Châu này, về muộn, Tú Anh đẩy Trình Khiêm đến gặp Trình lão thái công, mình thì tra xét Bổng Nghiên.
Bổng Nghiên thưa: “Thực ra là trò chuyện quá hợp ý với Dư đại hộ, con trai lớn của Dư Đại Hộ còn bảo cô gia năng qua lại. Nương tử không tin thì cứ đến nhà họ Dư thăm hỏi ạ.”
Tú Anh mắng: “Có gì mà tin với chả không? Tối gió lớn, chàng ta ăn mặc đơn chiếc, tin mới chả không tin cái gì? Mai ra ngoài mặc thêm áo lót tơ vào.”
Bổng Nghiên ôm đầu chuồn biến.