Nhu Phúc Đế Cơ

Quyển 5 - Chương 6: Năm tháng



Năm Kiến Viêm thứ ba là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời Triệu Cấu. Năm Tĩnh Khang thứ hai, vó ngựa quân Kim chà đạp lên sông núi Đại Tống, bắt đi người nhà của y, lưu lại dấu vết của sự nhục nhã trên mảnh giang sơn vỡ nát mà y sau đó tiếp quản, khiến y đau đớn khôn nguôi. Thế nhưng, nếu không vì như vậy, y sẽ không có cơ hội đăng cơ xưng đế. Khi khoác long bào ngồi lên ngự tọa, nhìn bá quan phủ phục dưới chân, nụ cười của y vẫn tĩnh lặng như trước đây, song lại có chút gì đó không giống bình thường. Đó là khoảnh khắc mà hi vọng giấu kín suốt nhiều năm của y cuối cùng cũng nở rộ. Bởi thế, y đổi niên hiệu từ Tĩnh Khang năm thứ hai thành Kiến Viêm năm thứ nhất. Tĩnh Khang năm thứ hai sẽ khiến y nhớ về mùi vị của chết chóc, cướp bóc và nỗi đau, trong khi Kiến Viêm năm thứ nhất lại ghi dấu cơ duyên, chí hướng và niềm vui sướng sâu sắc của y. Mặc dù sự uy hiếp của người Kim vẫn còn đó, thế nhưng y tin tưởng đây sẽ không phải là một vấn đề vĩnh viễn, ngẩng đầu lên nhìn vẫn thấy bầu trời tươi sáng.

Thế nhưng năm Kiến Viêm thứ ba đối với y mà nói lại là một cơn ác mộng u ám và bi kịch tột cùng. Niềm vui của y dần dần tan biến trong nỗi buồn phiền vô tận, và từ đó tâm trí y cũng bắt đầu trở nên ảm đạm như bầu trời trong mắt y. Đầu năm, biến cố ở Dương Châu đã khiến sức khỏe và tinh thần y đều bị tổn thương nặng nề, sau đó loạn Miêu Lưu lại xém chút nữa khiến y mất đi ngôi vị Hoàng đế, thậm chí là cả tính mạng. Mà những điều này đều chỉ là khúc dạo đầu. Mấy tháng tiếp theo đã khiến y hoàn toàn hiểu được thế nào gọi là bất hạnh.

Sau khi dẹp xong loạn Miêu Lưu, đám người Trương Tuấn xin Triệu Cấu quay về Biện Kinh. Lần này Triệu Cấu đã tiếp nhận kiến nghị của bọn họ, khởi hành từ Hàng Châu, thế nhưng sau khi tới Giang Ninh lại nhận được tin cấp báo chiến sự, quân Tống thất bại rút lui, tình hình không được khả quan lắm. Bởi thế, Triệu Cấu liền đổi Giang Ninh thành Kiến Khang phủ, tạm thời ở lại đó.

Mà đứa con trai duy nhất của y đã qua đời tại đây.

Có lẽ là vì từ khi còn trong bụng mẹ đã phải trải qua loạn lạc lưu tán, sức khỏe của Thái tử Triệu Phu vốn dĩ đã kém hơn những đứa trẻ bình thường khác. Tháng Bảy, mùa Thu năm Kiến Viêm thứ ba, Triệu Phu lại bị nhiễm phong hàn trong hành cung Kiến Khang, hơn nữa nhiều ngày không khỏi. Cuối cùng, một cung nữ lỡ chân đá đổ một lư hương đã cướp đi sinh mạng của Triệu Phu, đứa bé chưa đầy ba tuổi này bị dọa sợ tới mức sốc nặng co giật, sau một đêm liền bỏ mạng.

Mới nghe được tin tức này, Triệu Cấu đứng lặng trong giây lát, sau đó chạy tới cung của Hiền phi ôm lấy cơ thể đang dần dần lạnh đi của con trai, nhìn Phan Hiền phi khóc không thành tiếng nhàn nhạt nói một câu: "Hiền phi nén bi thương." Tất cả mọi người kiểu kinh ngạc vì sự bình tĩnh không hợp với lẽ thường này của y. Mà vẻ ngoài lạnh nhạt của y thực chất đang che giấu nỗi bi thương và phẫn nộ khôn tả, thế nhưng chỉ có một mình Anh Phất hay biết, bởi thế nàng đã hướng ánh mắt thông cảm về phía cung nữ gây họa kia trước nhất.

Cung nữ kia lúc này đang run rẩy như một phiến lá trong gió Thu, vẫn luôn cúi đầu quỳ ở đó, khi Triệu Cấu bước tới trong tầm mắt của nàng, nàng giật mình bừng tỉnh, nước mắt lưng tròng ngẩng đầu cầu xin: "Quan gia..."

Hai chữ vừa thốt ra, cây roi của Triệu Cấu đã quất tới, một âm thanh chói tai vang lên, nhanh như chớp giật, một vết nứt đỏ rực tức thì xuất hiện trên gò má, cổ và trước ngực nàng.

Nữ tử thảm thiết kêu gào xin tha mạng, thế nhưng không mảy may làm ảnh hưởng tới tốc độ vung roi của Triệu Cấu. Gân xanh trên trán và cổ tay y phồng lên dữ dội, ý hận thấu xương phóng ra từ ánh mắt, cùng cây roi hết lần này tới lần khác rơi xuống người nữ tử. Nữ tử nằm trên nền đất không ngừng kêu khóc, vùng vẫy né tránh, thế nhưng cây roi vẫn không chút lưu tình quất xuống. Động tác của Triệu Cấu càng lúc càng thêm dữ dội điên cuồng, quần áo của nữ tử đã rách bươm, những mảnh y phục vụn và máu tươi bắn tung tóe. Ngoài Phan Hiền phi hả hê ngồi một bên quan sát, những người khác đều quay mặt đi không dám nhìn, thở dài thườn thượt.

Triệu Cấu tiếp tục mất kiểm soát đánh người cung nữ đó, cho tới khi roi ngựa cũng không chịu sức mạnh bất thường của y mà gãy đôi. Y cầm chiếc cán còn lại trong tay, cuối cùng cũng ngừng lại, khẽ thở dốc, ánh mắt căm hận vẫn khóa chặt trên nữ tử đang thoi thóp trên nền đất. Khi hai hoạn quan run lẩy bẩy đi tới hỏi y muốn xử lý thế nào, y lạnh lùng nói: "Chém!"

Anh Phất lập tức bước tới, nhẹ nhàng gỡ tay y đoạt lấy cán roi, sau đó đỡ Triệu Cấu ngồi xuống. Y ngã phịch xuống ghế, cơ thể và khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Anh Phất chậm rãi lau sạch cho y, khi lướt qua vùng da dưới khóe mắt y, đầu ngón tay cầm khăn lụa đột nhiên ấm nóng. Đó là bởi một giọt chất lỏng đã chảy xuôi.

"Anh Phất," y dựa vào thành ghế, nhắm mắt nói: "Ta không còn con trai nữa rồi..."

Trước nay y rất chú ý xưng "trẫm" trước mặt chúng nhân, khi dùng "ta" ắt hẳn đang rất vui hoặc rất buồn, cảm xúc hỗn loạn nhất thời không kiểm soát được. Mà lúc này ngữ khí của y cũng giống hệt sắc mặt, tuyệt vọng tới tang thương.

Anh Phất hiểu sự việc này đối với y thực chất có ý nghĩa gì. Đứa con trai duy nhất của y đã chết rồi, mà tình trạng sức khỏe hiện nay sẽ không cho phép y có thêm bất kì đứa con nào nữa. Sở hữu toàn thiên hạ thì sao chứ, số mệnh đã định y phải làm một kẻ cô độc không con cháu gánh vác giang sơn này. Quả thực là ý trời trêu ngươi, có thể cho y quân lâm thiên hạ trong tình huống mà y chưa từng ngờ tới, thế nhưng lại đột ngột cướp đi huyết mạch của y, bắt y phải chịu nỗi đau đoạn tử tuyệt tôn.



"Quan gia," Anh Phất chậm rãi quỳ xuống dưới chân y, nhẹ nhàng nói: "Rất nhiều thứ mất đi rồi có thể tìm lại được, thành trì và Thái tử cũng không ngoại lệ."

Triệu Cấu mai táng con trai ở một gian phòng nhỏ phía Tây pháp đường chùa Thiết Tháp trong Kiến Khang thành, thường xuyên một mình viếng thăm, đứng thẫn thờ hồi lâu. Bóng hình cô độc đổ dài trên mặt đất, khi dài khi ngắn, biến đổi theo ánh sáng trong ngày.

Nỗi đau khiến tính tình y cũng trở nên thất thường, đa nghi lại dễ nổi giận. Mà lúc này Tiên tỉnh giám hương cống tiến Lý Thời Vũ lại rất không thức thời dâng tấu, nói vị trí trữ quân không nên bỏ trống quá lâu, xin bệ hạ chọn con cháu khác trong tông thất lập làm Thái tử, để dân chúng được yên lòng. Chiếu thư được dâng lên, Triệu Cấu chỉ liếc một cái đã đại nộ, xé tấu chương thành từng mảnh ném xuống đất, tức giận nói: "Truyền khẩu dụ của trẫm: bãi chức Lý Thời Vũ, đuổi về quê cũ sinh sống."

Bởi thế Lý Thời Vũ chỉ đành than thở tấu chương này của mình dâng lên thật không đúng lúc vừa xách hành lý buồn bã quay về quê cũ. Mấy ngày tiếp đó, tin tức chiến đấu của quân Tống cũng không có chút cơ hội giúp Triệu Cấu giải tỏa mỉm cười nào. Thấy y ngày một héo hon tiều tụy, Anh Phất liền biết quân Tống vẫn đang thất bại rút lui, quân Kim đã cách bọn họ càng ngày càng gần.

"Anh Phất, nàng cảm thấy Hàng Châu có phải là một nơi tốt hơn so với Biện Kinh không?" Một đêm, sau khi đọc xong tấu chương, Triệu Cấu như có điều suy ngẫm hỏi Anh Phất.

Anh Phất gật đầu đáp: "Phong cảnh Hàng Châu thơ mộng, khí hậu cũng ôn hòa, nếu xét về định cư lâu dài thì đích thực tốt hơn Biện Kinh."

"Hơn nữa," Triệu Cấu thở dài: "Nó an toàn hơn Biện Kinh."

Ngày hôm sau, Triệu Cấu hạ chỉ thăng Hàng Châu làm Lâm An phủ, lệnh cho quan viên tại Lâm An chú ý tới việc sửa chữa xây dựng hành cung và cầu đường. Quyết định này không khiến Anh Phất cảm thấy kinh ngạc, nàng chỉ lặng lẽ nghe các cung nữ xung quanh phấn khởi thảo luận xem bao giờ có thể quay về Lâm An, sắc hồng của hoa đào bất ngờ lướt qua trong tim, không nén nổi có chút bâng khuâng. Trong lòng nàng hiểu Biện Kinh nơi mình sinh ra lớn lên giờ đây đã xa cách muôn trùng, có lẽ sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội quay lại nữa. Hàng Châu - cái tên mới của tòa thành này có một chữ "An", chắc hẳn sẽ là nơi mà về sau nàng và Triệu Cấu định cư dài hạn.

Cảm giác an toàn là thứ mà hiện giờ Triệu Cấu thiếu thốn và cũng khát vọng nhất. Một việc nhỏ xảy ra trong tháng Mười năm Kiến Viêm thứ ba đã chứng minh rất rõ điều này. Lúc ấy Triệu Cấu từ Kiến Khang di giá về Lâm An, giữa đường nghỉ tạm tại Quy Đức viên trong một tu viện ven sông Tiền Đường. Giữa đêm yên ắng, đột nhiên bên ngoài có tiếng động lớn, nghe như chớp giật gió rền, khiến Triệu Cấu giật mình choàng tỉnh. Cẩn thận lắng nghe lại cảm thấy như có tiếng chiêng trống văng vẳng đâu đây, càng ngày càng vang dội, giống như vó ngựa quân Kim rầm rập tiến tới gần, thiên binh vạn mã đang kịch liệt giao chiến

Triệu Cấu lập tức lay tỉnh Anh Phất nằm bên, mau chóng ngồi dậy, khoác áo giáp hỏi cấm binh bên ngoài: "Có phải quân Kim đánh tới rồi không?"

Cấm binh thoáng ngây ra, vội vã chạy ra ngoài quan sát, lát sau chạy lại bẩm báo: "Không phát hiện thấy bóng dáng quân Kim ạ."

"Vậy tiếng động kia..."

"Là tiếng nước sông Tiền Đường dâng."

Từ xưa tới nay, thủy triều sông Tiền Đường luôn dâng mạnh nhất, lúc nước lên mãnh liệt như núi đổ sông dời, sóng cuộn cao tới hàng trượng, tường nước đổ xuống bọt sóng phun trào, nghe như tiếng hàng ngàn hàng vạn con ngựa đang tung vó phi, âm thanh cũng truyền xa khắp mấy dặm. Triệu Cấu lúc này mới trấn tĩnh lại, thẫn thờ ngồi sụp xuống, hồi tưởng lại hành động ban nãy của mình cũng cảm thấy có chút bẽ bàng, đưa mắt nhìn Anh Phất trào phúng nói: "Có phải nàng cảm thấy trẫm sợ hãi cuống lên, mất hết phong độ?"

Thầm nghĩ ắt hẳn y nhớ tới sự việc ở Dương Châu đêm ấy nên ban nãy mới khiếp đảm như một con thú nhỏ bị kinh sợ. Thế nhưng đối diện với câu hỏi của y, Anh Phất vẫn lắc đầu, cúi người nắm lấy đôi bàn tay lạnh lẽo của y, nói: "Giữa lúc loạn lạc, quan gia phải duy trì cảnh giác trong mọi tình huống." Sau đó cũng nhàn nhạt cười: "Ban nãy nghe thấy tiếng triều dâng, thần thiếp cũng rất sợ hãi."



Lúc ấy tướng Kim Ngột Truật nghe tin Triệu Cấu sắp sửa quay về Lâm An lại càng đôn đáo thúc quân, chuẩn bị đánh vào từ đường biển. Triệu Cấu chỉ ở lại Lâm An bảy ngày, sau đó thấy quân Kim khí thế dữ dội, càng đánh càng hăng đành quay ngược lại sông Tiền Đường lánh về Việt Châu. Trước đó Triệu Cấu đã sai người đưa Long Hựu Thái hậu và Phan Hiền phi, Trương Tiệp dư về Kiền Châu tương đối an toàn, chỉ giữ lại một mình Anh Phất đi theo mình chăm sóc.

Quân Kim công thành phá trại, thế như chẻ tre, chẳng bao lâu sau đã chiếm được Kiến Khang. Triệu Cấu dẫn theo Anh Phất không ngừng di giá chạy trốn, chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi đã lang bạt hết các nơi vùng Giang Chiết. Sau khi thành Kiến Khang vỡ, lá chắn Giang Hoài đã mất, các nơi Lâm An và Việt Châu cũng không còn an toàn nữa, Triệu Cấu một đường lui về tới Minh Châu ở Lâm Hải. Tể tướng Lữ Di Khiết khuyên y vào lúc bất đắc dĩ có thể ra biển lánh nạn, nói: "Trước mắt e chỉ có giong buồm ra khơi mới tránh được giặc. Địch giỏi đi đường bộ, không quen đi thuyền, đợi địch lui quân lại quay về Lưỡng Triết. Ngươi vào ta ra, ngươi ra ta vào, đây vốn là diệu kế của nhà binh."

Tình hình sau đó cũng buộc Triệu Cấu không còn kế sách nào hay hơn nữa. Ngột Truật đánh thẳng xuống phía Nam, trước tiên chiếm Quảng Đức, sau lại kề sát Lâm An. Thủ thần Lâm An Khang Doãn vội vã tháo chạy, Huyện lệnh Tiền Đường Chu Tất tự sát vì nước. Ngột Truật lại phái đại tướng A Ly Bồ Lư Hỗn dẫn quân vượt sông truy bắt Triệu Cấu, thề phải bắt sống được y áp giải về Kim. Triệu Cấu bởi thế đành tiếp nhận kiến nghị của Lữ Di Khiết, lên thuyền giong buồm ra biển tạm thời tránh né sự truy đuổi của quân Kim.

Từ đó thuyền đã lênh đênh trên biển nhiều ngày, ngang qua các huyện Định Hải, Xương Quốc cũng không ghé vào bờ dừng chân, Triệu Cấu cả ngày rầu rĩ không vui, hiếm khi nào nở nụ cười. Một ngày kia ngự thuyền vẫn rẽ sóng rong ruổi trên biển như thường ngày, Triệu Cấu đọc sách trên thuyền, Anh Phất ở bên hầu hạ, đột nhiên nghe thấy bên ngoài "tõm" một tiếng, giống như có vật gì nặng vừa rơi xuống. Hai người liền chạy ra khỏi khoang thuyền xem, trông thấy hóa ra là một con cá trắng lớn nhảy lên khỏi mặt biển, chẳng ngờ lại rơi trúng vào thuyền, lúc này đang nhảy nhót trên sàn, những chiếc vảy đọng nước lấp lánh trong ánh sáng mặt trời.

Các cung nữ liên tiếp trầm trồ, Triệu Cấu lặng lẽ đứng xem, không nói lời nào. Mà Anh Phất lại mỉm cười nhìn Triệu Cấu, nói: "Thần thiếp chúc mừng quan gia, đây là điềm lành lớn."

Triệu Cấu hỏi: "Là thế nào?"

Anh Phất đáp: "Khi xưa Chu Vũ vương vượt biển, giữa đường cũng từng thấy cá trắng nhảy lên báo hiệu. Sau đó quả nhiên đã diệt được Trụ phục quốc. Nay quan gia cũng nhận được điềm lành này, ắt hẳn chẳng bao lâu nữa thiên hạ sẽ thái bình."

Những lời này cuối cùng cũng khiến Triệu Cấu giãn mi mỉm cười, nói với nàng: "Anh Phất, nàng rất có lòng. Trẫm nên cảm ơn nàng thế nào đây?"

Anh Phất mỉm cười đáp: "Anh Phất chỉ cần thấy quan gia vui vẻ nở nụ cười là lòng đã mãn nguyện lắm rồi."

Triệu Cấu dắt tay nàng quay về khoang thuyền, đích thân đặt bút viết chiếu thư: Tấn phong Hòa Nghĩa phu nhân Ngô thị làm Tài nhân.

Ở trên thuyền tới cuối năm, thấy thời tiết mỗi ngày một lạnh hơn, gió Bắc ùa về, tuyết bay ngập trời, thuyền trên mặt nước càng thêm giá rét. Triệu Cấu muốn cập bờ đón năm mới, chẳng ngờ lại nhận được tin Việt Châu thất thủ, bởi thế chỉ đành quay về thuyền, nhìn Anh Phất thở dài nói: "Xem ra chúng ta chỉ có thể đón Tết trên biển rồi."

"Cũng chưa chắc đã là không tốt." Anh Phất an ủi y: "Năm nay quan gia ở trên thuyền đón Tết, giống như ngư ông. Nghe nói tông thất tướng sĩ nước Kim dạo gần đây đang đấu đá lẫn nhau, có lẽ đây là điềm báo trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi."

"Nàng rất biết ăn nói." Triệu Cấu gượng cười: "Việc tới nước này, thật lòng cảm thấy cái chức Hoàng đế này không làm cũng được. Chẳng thà làm một ông lão đánh cá, lại được thanh thản an nhàn, tiêu dao tự tại."

Tiết Nguyên Đán năm ấy bọn họ liền trải qua trên thuyền. Quân Kim truy kích không có kết quả, những thành trì đã chiếm được rồi cũng không đặt nhiều quân trấn thủ. Tri xu mật viện sứ Trương Tuấn nắm binh quyền trong tay trọng dụng các tướng Hàn Thế Trung, Nhạc Phi, từng bước phản kích, dần dần lấy lại được phần lớn đất đai đã mất ở Giang Hoài. Lúc này, Triệu Cấu mới có thể lên đất liền quay về.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv