– Khi anh tỉnh dậy trong bệnh viện thì bố đã nói anh biết anh xảy ra chuyện gì.
Lời của Tống Cảnh không hề nói giảm nói tránh, những từ “lạm dụng thuốc”, “ỷ lại thuốc” nhảy bổ vào đầu Tống Lãng Huy. Anh không nhớ nổi suy nghĩ đầu tiên của mình khi ấy là gì, nhưng câu đầu tiên anh mở miệng là ngơ ngác hỏi bố:
– Con nghiện thuốc phiện sao?
Anh không ngốc, nhanh chóng nhớ ra cái thuốc giảm đau mà Trang Phi Dư nói mua từ Nhật có vấn đề. Anh cũng từng băn khoăn nhiều lần, liệu mình có bao giờ nghi ngờ cái thứ mà Trang Phi Dư đưa không phải là thuốc đau đầu bình thường hay chưa.
Anh không có đáp án.
Trần Trác đi không bao lâu thì anh đã quay lại đóng phim, nhưng trạng thái rất kém, không thể đạt được hiệu quả mà đạo diễn mong muốn. Những viên thuốc kia có thể nguôi cơn đau, cũng có thể cho anh một giấc ngủ yên, giúp anh không còn bị giày vò bởi Trần Trác và những cảnh quay vào sáng ngày mai, anh nhận được sự bình yên từ nó. Có lẽ trong tiềm thức anh dung túng cho hành vi xằng bậy của Trang Phi Dư, nhưng anh luôn cho rằng trước mặt anh Trang Phi Dư vẫn còn biết giới hạn.
Tống Lãng Huy không biện giải gì trước mặt bố mẹ, cũng không liên lạc với Trang Phi Dư nữa.
Ngày mà cả nhà anh cùng bay sang Pháp, điện thoại anh nhắc nhở về chuyến bay đến một thành phố phía Nam mà anh đã đặt trước, Trần Trác đang quay phim ở đó.
Anh đã chuẩn bị sẵn sàng để đi tìm Trần Trác, xin cậu quên những lời nói trong lúc tức giận của anh đi, đó không phải lời thật lòng. Anh không muốn hai đứa phải cạch mặt nhau cả đời, anh chỉ thiếu điều mong ngày nào cũng được gặp Trần Trác thôi.
Lúc đó là hơn một năm sau khi hai đứa chia tay. Thành thật mà nói, từ sau khi Trần Trác bỏ đi, có một dạo cảm xúc của anh diễn biến thành không cam lòng.
Mới đầu anh buồn lắm, nên đến quán bar của Trang Phi Dư tìm niềm vui. Tất cả mọi người ở đó đều nể mặt anh, anh vẫn là một người hô mưa gọi gió, không ai đưa ra yêu cầu với anh, cũng không ai thất vọng về anh. Khoảng thời gian đầu anh không uống rượu, sau này uống thuốc vào thấy đỡ đau đầu hơn nên cũng bắt đầu nâng ly. Anh nâng ly với những người mình không quen biết, tất cả mọi người đều muốn kết bạn với anh. Trong những phút náo nhiệt ấy anh thường hay nghĩ, rời khỏi Trần Trác anh vẫn có thể sống một cuộc đời vô tư phóng khoáng. Trong một ca khúc mà thiên hậu từng hát có câu, thế giới rộng lớn sinh mệnh dằng dặc đâu chỉ chia sẻ với một mình người đó.
Nhưng cuộc sống như vậy chừng hai tháng là mất niềm hứng khởi ban đầu. Anh hờn dỗi như vậy Trần Trác cũng có thấy đâu, tên ngốc ấy chỉ nhớ anh nói cả đời này không gặp nhau nữa thôi. Về lại căn hộ mà hai đứa từng sống chung vẫn chỉ có một mình anh, không ai bảo anh đừng chờn rượu nữa, cũng chẳng ai pha nước mật ong cho anh nữa. Dù khi đó ngày nào anh cũng tụ bạ với Trang Phi Dư nhưng anh cũng không đồng ý cho nó bước vào căn nhà này. Lỡ hôm nào Trần Trác nghĩ thông suốt rồi quay lại thì sao đây?
Nhưng Trần Trác không quay lại. Sau quãng thời gian trụy lạc đó, anh bắt đầu nhận phim mới, phá vỡ bản thân mình trước kia, quay lại học tập làm một diễn viên chân chính. Thậm chí anh còn nghĩ thấu đáo, trâu không tìm cọc thì cọc đi tìm trâu, dỗi hờn không có ý nghĩa gì cả, anh không quên được Trần Trác, anh sẵn lòng là người quay đầu trước.
Dần dần Tống Lãng Huy mới tỉnh ngộ, Trần Trác bỏ đi không đơn giản như hồi bé anh làm mất một món đồ chơi thân thương nào đó. Đồ chơi chỉ đem lại cảm giác mới lạ và hứng thú nhất thời, nhưng người mà bạn nguyện lòng chung sống cả đời trên thế gian này không có được bao nhiêu cả.
Sau khi cả đoàn lên núi đóng phim, không biết là nhờ không khí dịu mát trên đó hay là thế nào mà anh không thấy đau đầu nữa, hộp thuốc mà Trang Phi Dư nhét cho anh cũng không phải động đến. Vai mà anh đóng khá vất vả, bị thương là chuyện thường, nhưng anh quay khá nhập tâm, cũng phối hợp rất tốt với nhân viên trong đoàn.
Tống Lãng Huy cảm giác như cuộc sống của mình đã quay về quỹ đạo hanh thông vốn có, anh còn định sau khi quay xong những cảnh trên núi sẽ tìm thời điểm thích hợp đi gặp Trần Trác. Anh đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, sức khỏe cũng hồi phục, không còn cần dùng thuốc mỗi ngày, anh cũng không uống rượu nữa, những lúc rảnh rỗi anh đều dùng để ngốn phim, xem hết từng bộ phim cũ, bắt đầu học lại cách diễn xuất.
Anh đã đặt vé máy bay, định chơi chiêu mềm mỏng, không nói những câu tàn nhẫn không thật lòng kia nữa, như vậy chắc là Trần Trác sẽ xuôi thôi.
Nhưng khi anh ngất đi rồi tỉnh dậy, cả thế giới của anh đã hoàn toàn đảo lộn.
Khi Trần Trác vừa mới đồng ý làm bạn với anh đã hỏi có phải một năm anh ở nước ngoài vui lắm đúng không, câu trả lời của anh thật ra không hề gạt Trần Trác. Người đàn ông tên Lionel là bác sĩ chữa trị chính của anh, ngày nào cũng đeo khẩu trang chỉ chừa lại mỗi đôi mắt; trong bệnh viện toàn là mùi cồn; ngày nào cũng truyền dịch; anh liên tục ói mửa, nằm mơ hoặc trằn trọc không ngủ được.
Trong mắt Lionel chứa chan lòng thương cảm. Anh ta từng gặp rất nhiều bệnh nhân nặng hơn cả Tống Lãng Huy, cơ sở thu dung của họ chỉ toàn là những người thật sự sử dụng ma túy. Anh ta cũng từng khám cho những bệnh nhân gầy trơ xương vì heroin lúc lên cơn trông như sống không bằng chết, về mặt y học thì bệnh tình của Tống Lãng Huy là ở mức độ lạm dụng thuốc nhẹ nhất rồi.
Nhưng mà chàng trai phương Đông hai mươi mấy tuổi đầu này cũng thuộc tốp người châu Á đẹp trai, các điều dưỡng thường tụ tập lại lén xem video của Tống Lãng Huy trên Youtube, có người lan truyền đoạn video tổng kết những bộ phim Tống Lãng Huy từng đóng, từ lúc nhỏ cho tới bộ mới nhất, có cả những tiết mục đón năm mới. Các điều dưỡng không biết tiếng Trung nhưng cũng có thể nhìn ra được sự điên cuồng của những fan hâm mộ dưới khán đài.
Lionel đi ngang chỉ liếc một cái, gương mặt đó không phải là Song mà anh ta quen.
(*) Chữ “Tống” bính âm là /song/
Chàng trai được bao nhiêu người thích nằm liệt trên giường bệnh, viết đầy hối hận và khổ đau lên đôi mắt mình. Khi lên cơn, Tống Lãng Huy không phát điên hay gào thét, anh chỉ nằm trên giường cuộn tròn mình, lặng lẽ rơi nước mắt. Anh muốn kiềm chế, nhưng không cách nào kháng cự được. Phản ứng của cơ thể không thể được kiềm chế nếu chỉ dựa vào tinh thần, vì thế anh hay nôn mửa và hôn mê. Anh nghiện thuốc, nhưng bản thân lại không biết tí gì. Có lúc ý thức anh không tỉnh táo, hay nói mê sảng, con xin lỗi mẹ… mẹ đừng buồn, sau đó lại gọi tên A Trác, A Trác ơi anh không biết làm câu này, mình đừng làm câu này nữa được không em?
Điều khiến người ta tuyệt vọng nhất không phải là phản ứng sinh lý, mà là bạn không bao giờ biết cơn nghiện sẽ tới vào lúc nào. Nhịn được ba bốn ngày, tưởng rằng đã kiềm chế được rồi nhưng đến ngày thứ năm thì thất bại, dần dần là nửa tuần, nửa tháng, dù đang trong giai đoạn trạng thái ổn định nhất thì lúc nào anh cũng sống trong sợ hãi. Tình huống đầu tiên anh kiên trì được tám ngày, tám ngày sóng yên biển lặng, thậm chí Tống Lãng Huy còn nhờ điều dưỡng mang cho mình một tấm bưu thiếp, anh muốn viết cho Trần Trác, viết gì bây giờ nhỉ?
“A Trác ơi, anh đổ bệnh rồi, chừng nào khỏi bệnh anh sẽ đến tìm em, anh muốn quay lại với em.”
Bưu thiếp chưa được gửi đi thì anh đã phải trải qua chu kỳ đầu tiên. Đầu anh chưa bao giờ đau như thế, không cách nào nguôi lại được, nên anh chỉ có thể đập đầu vào tường liên tục mà thôi. Mấy ngày qua trạng thái của anh rất ổn, Chương Nhân Ỷ và Tống Cảnh cũng nhẹ nhõm hơn. Khi hai người về chung cư lấy quần áo và vật dụng cho anh cũng chưa thông báo cho điều dưỡng trông chừng giúp, nửa tiếng sau về thì trán anh đầy máu, mảng tường đầu giường cũng trây chét máu, anh gào lên “Mẹ ơi con đau quá, cứu con với”.
Lúc trước Chương Nhân Ỷ cũng từng đóng những bộ phim bi thảm, những nhà phê bình điện ảnh khen nức nở cảnh khóc của cô đẹp như hoa lê ngày mưa, đến cả sự đau thương cũng không làm cho vẻ yêu kiều nhếch nhác đi, nhưng lúc này cô gần như là gào khóc. Cô từng đóng cả đống câu chuyện hư cấu, từng đóng mồ côi, đóng quả phụ, nhưng đây là lần đầu tiên cô thật sự cảm nhận được thế nào là đau rứt ruột gan.
Đây cũng là lần đầu tiên Tống Lãng Huy bị trói. Bác sĩ hỏi xin ý kiến Tống Cảnh, Tống Cảnh dìu vợ ký tên. Tống Lãng Huy bị bốn người giữ tay giữ chân, cánh tay bị trói ra sau lưng, bác sĩ tiêm cho anh một liều buprenorphine (*). Suốt quá trình Tống Cảnh và Chương Nhân Ỷ đều bị ngăn bên ngoài phòng bệnh, khi được vào thì Tống Lãng Huy đã nhắm nghiền mắt nom ngoan thật ngoan rồi, trông anh vẫn khỏe mạnh và ngây thơ như ngày nào. Nếu như không nhìn cánh tay bị trói ngược ở sau lưng thì trông không khác gì cậu bé bốn, năm tuổi đang ngủ trưa cả.
(*) buprenorphine được sử dụng để làm giảm cơn đau liên tục và nghiêm trọng
Khi anh tỉnh dậy thì xé luôn tấm bưu thiếp chưa gửi ở dưới gối.
Chu kỳ thứ ba của giai đoạn cai nghiện là khoảng thời gian khó khăn nhất của anh. Khi đó bác sĩ đã nhiều lần giảm liều lượng và thay thuốc, sau thời kỳ tương đối bình ổn thì bệnh tình trở nên nguy kịch. Mất ngủ đau đầu nôn ói thậm chí là bị trói Tống Lãng Huy cũng chẳng còn sợ nữa, anh biết mình có thể nhẫn nhịn được, nhưng anh bắt đầu mất khống chế trong việc đại tiểu tiện. Nhân viên y tế và bác sĩ đã quá quen với tình cảnh này, Tống Lãng Huy nằm trên giường với ý thức tỉnh táo, nhìn các nhân viên y tế thu dọn cho mình, chưa bao giờ anh cảm thấy mình vô dụng như lúc này.
Không phải anh chưa từng có suy nghĩ muốn từ bỏ. Từ bỏ không phải là quay trở lại dùng thuốc, mà là kết thúc mạng sống một cách cực đoan. Chuyện này trong cơ sở thu dung cũng không hiếm. Nhân viên y tế và người thân có trông coi tỉ mỉ cách mấy thì cũng có người không đánh bại được con mãnh thú trong nội tâm mình, hoặc là mắc hội chứng cai quá nặng dẫn đến đột tử. Một cậu trai người Pháp vào viện trước Tống Lãng Huy, nhỏ tuổi hơn anh, chỉ chừng mười sáu mười bảy, tóc vàng hoe mắt long lanh, những khi bình thường thì cậu ta là một chàng trai rất đẹp. Thế mà cuối cùng, nhân lúc mẹ cậu đi rửa tay sau khi gọt hoa quả xong, cậu đã dùng con dao mà mẹ sơ ý để quên để cứa động mạch cảnh trên cổ mình.
Lúc bấy giờ Tống Lãng Huy cũng có một ý niệm xa vời, anh không còn ôm hy vọng có thể quay lại với Trần Trác nữa, anh còn mặt mũi nào cơ chứ? Những điều mà Trần Trác thích ở anh, anh đều đánh mất cả rồi. Cũng vào lúc đó anh mới thật sự ý thức được Trần Trác đã từng bắn ra bao nhiêu mũi tên hy vọng cho mình, và nếm trải ngần nào thất vọng vì mình.
Thậm chí anh còn từng nghĩ, nếu như anh không còn trên đời, chắc hẳn Trần Trác cũng sẽ tiếp tục sống một đời tươi đẹp, em sẽ còn gặp được một người khác hiểu được những điểm tốt của em hơn mình, chín chắn hơn mình, xứng đáng hơn mình. Lúc trước anh từng trách Trần Trác lạnh lùng nhẫn tâm, giờ nghĩ lại thấy cũng may. Sau đó anh lại nghĩ, liệu Trần Trác có tảo mộ mình không? Suy tưởng này khiến anh thấy mình ngu xuẩn hết cỡ, Trần Trác có tới hay không thì anh cũng không thể biết được nữa rồi.
Nhưng Tống Lãng Huy nhìn thấy bố mẹ, bố mẹ luôn ở trước mắt anh, anh ăn bao nhiêu quả đắng thì Tống Cảnh và Chương Nhân Ỷ cũng nếm bấy nhiêu. Cuộc sống của Chương Nhân Ỷ và Tống Cảnh ở Pháp không dễ dàng chút nào, ngôn ngữ không rành, phần lớn thời gian đều là chăm sóc anh ở trong bệnh viện, từng nhận được thư thông báo bệnh tình nguy kịch, cũng từng chứng kiến cảnh con mình đập đầu vào tường. Ngoài cơn đau đầu và những trận nôn mửa rõ rệt thì một biểu hiện khác của hội chứng cai là mất ngủ. Có một khoảng thời gian dài đêm nào Tống Lãng Huy cũng thao thức không ngủ được, trạng thái tinh thần mệt mỏi đến mức gần như suy sụp, nhưng có làm cách nào cũng không thể dỗ giấc. Anh không dám làm bố mẹ lo lắng nên cứ nhắm tịt mắt bắt mình không được mở ra, giả vờ như đã ngủ. Vì thế buổi sáng Chương Nhân Ỷ cố gắng kiềm chế hơi thở nhất có thể vì tưởng rằng anh có thể nghe thấy. Mỗi một tiếng thở dài đều đọng lại trong trái tim anh, anh muốn khóc lắm, nhưng sợ mẹ phát hiện mình không ngủ được. Anh phải đợi cả buổi tối, đến khi Chương Nhân Ỷ thiếp đi bên giường anh mới dám khóc, khóc là hành động rất yếu ớt, nhưng anh không sao nhịn được cả. Mỗi đêm Chương Nhân Ỷ thường chỉ ngủ hai ba tiếng, năm giờ là phải gọi bác sĩ tới kiểm tra. Trời sáng là thời điểm mà anh có thể giả vờ như vừa tỉnh giấc, anh mở mắt ra nói với mẹ:
– Mẹ ơi, con xin lỗi.
Tống Lãng Huy quên mất là hôm nào, ngày đó Tống Cảnh giúp anh phủi tóc trên ga giường. Khi ông khom người xuống, anh mới chú ý thấy hai bên tóc mai bố bạc trắng.
Hai mươi mốt không còn là tuổi nhỏ nữa, suốt quãng đời vừa qua của anh quá suôn sẻ, đến đây mới chừng như thật sự trưởng thành.
Tống Lãng Huy giữ hết trong mắt mình nước mắt của Chương Nhân Ỷ và tóc bạc của Tống Cảnh. Mọi điều thuận lợi từ nhỏ của anh đều nhờ có bố mẹ trải đường sẵn, mọi thứ anh làm cho họ lại không chỉ dừng ở hai chữ “phụ lòng”. Anh hóa thành một cậu bé, mỗi ngày đều ngoan ngoãn uống thuốc, vâng theo mọi chỉ định của bác sĩ, không nghĩ tới sự chật vật do mất khống chế, trước khi ngủ nhắc nhở bản thân nhất định sáng mai phải tỉnh dậy. Anh hệt như một cậu bé làm tập làm văn, mỗi ngày đều mặc niệm với bản thân, hy vọng mẹ không còn phải rơi nước mắt, mong cho bố không còn tóc bạc nữa.
Anh mất rất nhiều thời gian để bản thân trở về làm người bình thường, có thể đi ngủ, không cần lúc nào cũng nơm nớp lo sợ liệu lát nữa mình có lên cơn hay không. Sau đó anh lại mất rất nhiều thời gian để bản thân trở về làm Tống Lãng Huy.
Từ nhỏ anh đã quen với ống kính, chủ đề mà những người bạn đạo diễn của Tống Cảnh thích bàn tán nhất chính là lúc anh còn nhỏ quay quảng cáo mà không hề tỏ ra sợ hãi gì, lên bốn năm tuổi có ý thức hơn anh cũng chưa từng ra chiều gượng gạo trước máy quay. Sau khi cai nghiện thành công, có một khoảng thời gian rất dài anh sợ ánh sáng.
Việc này có lẽ nguyên nhân đến từ tâm lý của anh. Anh không thích những ngày trong xanh, cùng không thích những nơi quá chói lóa. Anh cắt đứt quan hệ với gần hết giới xã giao cũ, lâu thật lâu không bước chân khỏi nhà. Những lúc ở nhà, chỉ cần Chương Nhân Ỷ và Tống Cảnh vắng mặt thì anh sẽ tắt toàn bộ đèn dù là ban ngày hay ban đêm, rèm cửa cũng là loại cản sáng. Ngày mà cả nhà anh từ Pháp về, dù biết lịch trình tuyệt đối được bảo mật, sẽ không có nhà báo xuất hiện, nhưng khi bắt gặp một đôi bạn kia đang chụp ảnh ở bãi đỗ xe và họ không tắt đèn flash, đốm sáng trắng ấy vừa lóe lên, sau khi anh lên xe đã run cầm cập. Anh sợ.
Với bộ dạng người không ra người ma không ra ma như thế này, anh không thể nào quay về bên Trần Trác được.
Anh nghĩ rất nhiều cách, trước khi cầu cứu sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý, thậm chí anh còn từng thử ép mình nhìn bóng đèn phát sáng. Ánh sáng trắng chói đến đau nhừ cả mắt, anh nhịn nỗi bức bối về sinh lý lẫn tâm lý để nhìn hoài thứ ánh sáng ấy.
Một lần nữa anh quay trở về làm Tống Lãng Huy, làm Tống công tử ngậm thìa vàng không biết khổ cực thế gian mà truyền thông hay gọi. Anh bắt đầu nhận phim, làm kiểm tra định kỳ, dọn khỏi nhà bố mẹ để sống riêng. Vì thế anh mới có cơ hội sượt vai Trần Trác ở hậu trường lễ trao giải, mới có tự tin cười với cậu. Anh tự chấm điểm cho mình, ít nhất cũng giống tám mươi phần trăm ngày xưa rồi, vậy chắc là Trần Trác sẽ không nhận ra điểm khác thường đâu.
Nét chân thành hằn rõ trên gương mặt Tống Lãng Huy, thậm chí là trên môi còn treo nụ cười, như thể cái người đáng thương vừa nãy được kể không phải là mình vậy:
– Em đừng giận nhé, không phải anh muốn giấu em đâu, cũng không muốn em buồn. Khoảng thời gian đó có rất nhiều lần không thể kiên trì nổi, anh cũng từng nghĩ rằng mình không dám đi tìm em. Anh xem tất tần tật những bộ phim mà em đóng, em không học vật lý mà vẫn có thể tài giỏi như vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều người thích em. Nhưng khi anh thật sự hồi phục, anh lại nghĩ, dẫu khó đến mấy anh cũng phải lật ngược thế cờ này, em cứ xem như anh sống lại từ đầu, chúng ta quen biết nhau lại từ đầu, và yêu nhau lại từ đầu.
Trần Trác là người rất ít khóc, đóng cảnh khóc là thử thách khó nhằn nhất của cậu rồi. Dù là lúc chia tay với Tống Lãng Huy thì chẳng qua cậu cũng chỉ thất vọng, sau khi dọn đi cậu có một khoảng thời gian dài cậu tự nhốt mình, không muốn nói chuyện với ai, Lý Quyết và Khâu Khải là hai người duy nhất mà cậu muốn mở miệng nói chuyện cùng khi ấy. Cách Trần Trác biểu đạt nỗi thất vọng chỉ là khiến cho bản thân mình thêm lạnh lùng. Nếu Tống Lãng Huy đã nói không gặp lại nhau nữa vậy thì cậu thà để giấc mộng đẹp hằng đêm giày vò mình chứ nhất quyết không chịu nhường bước. Phần giới thiệu bản thân trên WeChat và Weibo chỉ có một câu: Nghìn thước đồ sộ vách đá kia, lòng không dục niệm mới làm nên. (*)
(*) Có nghĩa là vách đá có thể đồ sộ sừng sững như vậy là vì nó không có có những nhục dục của thế tục, so sánh với con người, nếu như không có nhục dục thì sẽ có thể đạt tới cảnh giới hiên ngang lẫm liệt.
Nhưng anh biết chắc hẳn bây giờ hai má anh đang tắm trong nước mắt.
Hai chân Trần Trác bủn rủn, ngày hôm nay quá dài với cậu. Một câu chuyện được thuật lại bởi những người khác nhau và bằng những góc nhìn khác nhau, đã đẩy cậu vào trong cùng một bể khổ. Câu chuyện này khiến cậu không biết nên phản ứng như thế nào, ngồi sụp xuống chân tường, tì tay lên đầu gối bụm lấy hai má, dù có gắng gượng nhưng vẫn run rẩy khắp người. Sự thật thì cậu suýt nữa đã đánh mất người đàn ông này mãi mãi rồi, hoặc là Tống Lãng Huy không thể đánh thắng trận chiến không mấy oanh liệt này, giơ cờ trắng trước cơn nghiện, không thể quay về bên cậu nữa. Hơn nữa có thể cả đời này cậu cũng không biết được chân tướng, vẫn tưởng rằng Tống Lãng Huy trước mặt mình đây luôn có cuộc sống gấm vóc.
Tống Lãng Huy kể lại quá khứ bằng một sự thản nhiên và thoải mái, như thể những vết thương đó đều đã chấm dứt rồi. Tống Lãng Huy ngồi xổm người xuống, kéo tay cậu ra, nhẹ nhàng đặt lên môi cậu một nụ hôn. Trong mắt anh vẫn đậm nét cười, ngón tay anh dịu dàng lau đi giọt lệ trên mặt Trần Trác, sau đó nắm tay cậu thật chặt.
Tay Trần Trác nằm trong bàn tay Tống Lãng Huy, hai mắt đỏ bừng bừng của cậu hoang mang nhìn anh. Đau đến mức phải đập đầu vào tường là cơn đau ra làm sao? Khi bị trói anh đã nghĩ những gì? Trần Trác không biết, cậu không cảm nhận được, cậu mất ngủ lâu đã thấy khó chịu lắm rồi. Người con trai mà cậu thích, người đàn ông mà dù sau khi chia tay cậu vẫn luôn chúc phúc, nỗi đau mà anh phải trải qua có hình dáng như thế nào?
Đột nhiên Trần Trác dướn người về trước, hôn lên môi Tống Lãng Huy. Đầu gối bủn rủn của cậu không giữ nổi mình nên từ từ quỳ sụm xuống. Không mấy khi cậu chủ động hôn mãnh liệt như vậy, dường như bây giờ cậu mới tỉnh giấc khỏi nỗi sợ. Ngoài cọ xát môi lưỡi ra thì không có cách nào tốt hơn để chứng minh sự tồn tại của người đàn ông trước mặt.