Trần Trác đến phim trường nhiều nên dần dần cũng quen nhân viên ở đó. Mấy bận đến rồi mà Tống Lãng Huy vẫn chưa quay xong thì sẽ ngồi trong phòng nghỉ vừa làm bài tập vừa đợi anh, trước khi Tống Lãng Huy đi vào thì thường hay nghe thấy nhân viên ở ngoài cửa chọc anh:
– Thầy giáo của em đang ở đây đợi em nè.
Tống Lãng Huy rất thích cách nói Trần Trác đang đợi mình.
Theo thông lệ, Trần Trác thường sẽ giảng ngắn gọn bài học anh đã bỏ lỡ trong tuần này trước rồi mới làm bài tập, Tống Lãng Huy nghiêm túc lắng nghe, không muốn lãng phí công sức và thời gian của Trần Trác, huống hồ anh cũng đã hứa với cậu là sẽ đạt điểm trung bình các môn tự nhiên rồi.
Giảng xong thì bắt đầu làm bài, trong lúc Trần Trác đợi anh thì đã viết được kha khá rồi nên giờ ngồi bên cạnh đọc sách. Bình thường trong khoảng thời gian dạy kèm này trong phòng nghỉ không có ai khác, Trần Trác mà không viết chữ thì Tống Lãng Huy sẽ dùng tay trái của mình để nắm lấy tay phải của cậu.
Trần Trác nghiêng đầu nhìn anh, hỏi:
– Làm gì thế?
Tống Lãng Huy ung dung đáp:
– Cậu cũng có viết bài đâu, tay phải cậu không dùng thì cho mình mượn tí.
Trần Trác không phá hỏng bầu không khí, hai người cứ nắm tay nhau như thế, một người làm bài, một người đọc sách, Tống Lãng Huy không có tay trái để chặn vở nên hàng chữ cứ xiêu xiêu vẹo vẹo.
Hôm đó Tống Lãng Huy làm bài sai nhiều, Trần Trác hơi lo lắng, hỏi anh tuần này nhiều cảnh quay quá nên không có thời gian đọc sách phải không.
Tống Lãng Huy cười lơi lả, trả lời:
– Cậu không thể yêu cầu quá cao với mình được, bây giờ mình chỉ là một đứa không não thôi.
Trần Trác tưởng Tống Lãng Huy đang tự chê bản thân dốt. Cậu còn đang tự kiểm điểm mình đừng nên đả kích anh quá chăng, toan giải thích thì Tống Lãng Huy đã nói tiếp:
– Minh không có não, bởi vì bây giờ mình là người đang yêu. (*)
(*) Mấy bạn hay nghe câu “Những người đang yêu thường không có não, thường làm trò ngu ngốc”, thì ý là vậy đó.
Trần Trác cũng hùa theo đùa luôn, chả biết xấu hổ là gì:
– Mình đâu thấy cậu không có não, nhưng đúng là chỉ số đường huyết của cậu dạo này không được bình thường.
Tống Lãng Huy tưởng đường huyết không bình thường là một câu đùa sinh học cao thâm nên không nói lại, mặt viết đầy dấu chấm hỏi. Trần Trác bảo:
– Vì dạo gần đây cậu quá ngọt ngào.
Tống Lãng Huy cảm thấy mình mỗi lúc mỗi thích Trần Trác hơn. Bình thường cậu toàn lạnh lùng như băng đá, không ngờ lúc đùa cợt cũng chẳng hề biết xấu hổ là gì. Giống như lúc anh gọi điện thoại cho người ta nói chuyện mình sắp quay cảnh hôn để tán tỉnh người ta, thật ra cũng không nghĩ Trần Trác lại dứt khoát và thẳng thừng như vậy.
Tống Lãng Huy xuôi theo, mím môi rồi bảo:
– Miệng của mình ngọt hơn lời mình nói nữa đấy, cậu có muốn thử không?
Mãi đến khi Tô Lịch gõ cửa đi vào thì hai đứa mới chịu tách ra.
Khi lớp 11 sắp kết thúc thì Tống Lãng Huy mới quay xong cảnh cuối cùng, sau đó anh về trường làm một học sinh chân chính chỉ đọc sách thánh hiền. Tuy ở trường thì không dễ máy mó tay chân nữa nhưng ưu điểm là ngày nào cũng được gặp Trần Trác, chứ không cần cậy nhờ vào điện thoại.
Ngoài thời gian học bù vào kỳ nghỉ hè thì Trần Trác cũng thường đến nhà dạy kèm cho anh. Tống Lãng Huy từ chối mấy đợt rủ đi chơi của Trang Phi Dư. Trang Phi Dư hỏi anh:
– Này, Lãng công tử định thi vào Thanh Hoa đấy hả?
Tống Lãng Huy chán nói nhiều với nó, nên đốp lại luôn:
– Dù sao cũng tốt hơn đứa chả có chỗ để học như ông.
Tống Cảnh thấy con trai học hành ngày càng chú tâm, điểm số cũng ngày một tăng dần, càng cảm thấy quyết định ban đầu chuyển trường cho con là đúng. Giờ ăn cơm ông còn nói:
– Gần mực thì đen gần đèn thì rạng, con xem con chơi với người bạn mới đấy, tên Trần Trác phải không, tốt lên gấp mấy lần hồi chơi với đám Trang Phi Dư kia.
Tuy bố Trang Phi Dư và Tống Cảnh cũng là chỗ quen biết, nhưng Tống Cảnh không hài lòng về một số tác phong của người bạn này. Trang Phi Dư học y xì đúc như bố mình, lớp 8 đã từng dạy Tống Lãng Huy hút thuốc, may mà hôm đó Tống Cảnh bị hủy lịch trình nên về nhà sớm và tóm được.
Tuy Tống Lãng Huy đồng ý là Trần Trác tốt, nhưng cũng không muốn bố mình nói trước kia mình giao du bậy bạ. Huống hồ Trang Phi Dư có lúc ngỗ nghịch nhưng dù sao cũng là anh em với nhau, nên anh lên tiếng bảo vệ:
– Trang Phi Dư cũng đâu phải người xấu, con biết bố thấy nó ngày ngày hút thuốc đánh nhau không chịu học hành, nhưng nó chỉ chơi chơi vậy thôi, nó biết giới hạn mà.
Tuy Tống Cảnh vẫn bảo lưu quan điểm của mình nhưng cũng tôn trọng quyền tự do kết bạn của con trai, cũng không nói nhiều về chủ đề này nữa, Chương Nhân Ỷ chuyển sang chuyện khác:
– Hôm nào bố mẹ phải mời Trần Trác ăn một bữa đàng hoàng tử tế mới được, lần nào nó tới bố mẹ cũng không ở nhà. Hôm trước mẹ gặp nó trong thang máy một lần, đâu có giống như lúc trước con miêu tả, thằng bé này đẹp trai phết đấy chứ.
Tống Lãng Huy gần như quên mất lúc trước mình còn “dìm hàng” Trần Trác. Anh đã định là thi đại học xong sẽ thẳng thắn với bố mẹ về chuyện của hai đứa, vì thế anh cho rằng đây chưa phải thời cơ thích hợp để mời cơm, Trần Trác cũng không phải người thích nói chuyện với người lớn nên nói lập lờ cho qua:
– Bây giờ ai cũng bận hết, thầy nói tụi con bây giờ là học sinh lớp 12 rồi, không có thời gian rảnh ngồi xuống thong thả ăn cơm với bố mẹ đâu. – Câu tiếp theo anh không dám nói tồ tồ ra, nên giảm âm lượng và tăng tốc độ – Với lại sau này bố mẹ với cậu ấy vẫn còn nhiều cơ hội để ăn cơm mà.
Thời học sinh chân chính trong ký ức của Tống Lãng Huy thật ra cũng chỉ có khoảng thời gian nghỉ hè lớp 11 đến hết lớp 12 mà thôi. Anh không tới phim trường, trong lớp cũng không có ai tìm anh thảo luận tin tức giải trí, mọi người đều hy vọng dùng chút nỗ lực cuối cùng để xông pha vào con đường tươi sáng nhất. Trước mặt Trần Trác anh cũng không lãng phí thời gian để nói đùa nữa, anh hiểu áp lực của Trần Trác còn lớn hơn mình, không có điểm cộng từ kỳ thi học sinh giỏi, nếu cậu muốn vào trường đại học hàng đầu thì không thể xảy ra sơ sót gì.
Khi ngày đếm ngược còn hai con số, bạn học trong lớp đi rót nước cũng phải chạy. Thành tích của Tống Lãng Huy bây giờ muốn đạt điểm trung bình các môn văn hóa thì không thành vấn đề nữa, rõ ràng đã không còn áp lực, nhưng sống trong bầu không khí như thế này thì anh cũng chả dám lơi lỏng.
Tan học, hai người tạm biệt nhau vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Ngày hôm sau có kiểm tra Toán, Trần Trác dặn dò Tống Lãng Huy tối nay nhớ xem lại ví dụ về cấp số cộng cậu đã giảng hôm nay, Tống Lãng Huy cũng ngoan ngoãn đồng ý.
Ăn tối xong Trần Trác đang đọc sách trong phòng thì bà gõ cửa phòng cậu nói có điện thoại.
Giọng Tống Lãng Huy trong điện thoại hôm đó trầm thấp hơn mọi bận, nói một cậu mà ngắt nghỉ mấy lần, anh hỏi:
– Trần Trác, bây giờ mình đang ở 7-11 gần nhà cậu, cậu ra đây được không?
Khi Trần Trác tới thì Tống Lãng Huy đang đứng trước cửa 7-11, nơi mà ánh đèn không chiếu tới, không thấy rõ vẻ mặt anh. Lần cuối cậu thấy Tống Lãng Huy như vậy có lẽ là lần đoàn phim xảy ra sự cố. Trần Trác hiểu nên cũng không hỏi gì nhiều, cậu dắt tay anh tới băng ghế ở công viên gần đó. Hơn chín giờ rồi, ở đây chẳng có bao nhiêu người.
Tống Lãng Huy bình tĩnh lại mới nói:
– Cái người mới lên bản tin hôm nay, Triệu Hách, hồi tiểu học mình từng quay chung phim với anh ấy, hai hôm trước Trang Phi Dư còn nói có rảnh thì hẹn ảnh ra ngoài chơi.
Trần Trác cũng xem được bản tin này, nhưng không ngờ lại có liên quan đến Tống Lãng Huy. Tin tức không chỉ chiếm cứ trang đầu các mặt báo, nam minh tinh trẻ tuổi đua xe gặp tai nạn, đến cả tivi ở 7-11 lúc nãy cũng đang chiếu bản tin này.
Tống Lãng Huy tì khuỷu tay lên đầu gối, bàn tay bụm lấy mặt, tiếp tục kể:
– Thật ra không phải tự dưng anh ấy đi đua xe đâu, bọn họ có một cuộc thi, có rất nhiều người trong giới đều chơi trò này, mới đầu chỉ có vài người thôi, nhưng đứa này rủ đứa kia nên số người chơi ngày càng tăng, lúc trước Trang Phi Dư cũng từng chơi, khi đó nó còn chưa có bằng lái.
Trần Trác tưởng là anh đang lo cho Trang Phi Dư, nên an ủi:
– Cậu có thể khuyên nhủ Trang Phi Dư, sau này đừng chơi cái đó nữa.
Tống Lãng Huy lắc đầu:
– Không phải mình lo cho nó, lúc nhỏ Triệu Hách quay phim chung với mình đã từng là một anh trai rất đơn thuần, bố mẹ ảnh đều không làm trong ngành này, ảnh cũng chẳng có chống lưng gì hết. Trang Phi Dư có một đứa bạn thân tên Châu Lưu Thâm, nhà thằng đó còn ghê gớm hơn gia đình Trang Phi Dư, sẵn lòng lót đường cho nó, nhưng lại cho nó chơi với đám kia. Bản thân Châu Lưu Thâm không thích đua xe, nhưng thích xem người ta đua, cho nên kiếm người dạy Triệu Hách, sau đó để Triệu Hách thi đấu với người ta.
Khi Trần Trác xem bản tin cũng không ngờ đằng sau lại có câu chuyện như vậy. Rất nhiều người qua đường cũng có tư duy giống y như cậu, tiếc thương cho chàng minh tinh không tiếc rẻ mạng sống, cứ như vậy là thôi. Đua xe là một hình thức “tự làm tự chịu”, giới giải trí cũng có vô vàn hậu bối sẵn sàng lên thay thế.
Khi Tống Lãng Huy ngẩng đầu thì hai mắt anh đỏ lừ:
– Triệu Hách gặp tai nạn, đám Châu Lưu Thâm không hề được nhắc tên tới, Châu Lưu Thâm muốn xem đua xe thì vẫn sẽ có kẻ khác đua cho hắn ta coi. Bây giờ mình vẫn còn nhớ lúc nhỏ đóng phim chung với Triệu Hách, đạo diễn khen ảnh ngoan ngoãn. Ở phim trường tụi mình còn nghịch phá, nhưng anh ấy luôn là người nghe lời nhất. Cái giới này, quá dễ để khiến một người biệt tăm khỏi thế gian. Nhà Châu Lưu Thâm có chống lưng, có tài nguyên, dù không thể cho người ta được tài nguyên nhưng cũng sẽ có cách chơi cao cấp nhất, trước sau gì hắn cũng có thể khiến cậu lún sâu vào bùn lầy.
Trần Trác không nói gì, chỉ ôm Tống Lãng Huy vào lòng, dịu dàng vuốt lưng anh dỗ dành:
– Mình tin cậu, cậu sẽ không làm như vậy đâu.
Tống Lãng Huy vùi đầu vào lòng cậu, câu này không an ủi được gì cả, mà ngược lại còn chạm tới nơi dễ tổn thương nhất của anh:
– Mình không biết nữa Trần Trác à, mình không biết. Trang Phi Dư từng dẫn mình đi xem tụi nó đua xe, thật ra lúc đó mình còn cảm thấy trò này thật kích thích. Cảm giác sung sướng đó, mình cảm nhận được, Trang Phi Dư thường xúi mình thử đi, mình chưa từng từ chối nó thẳng thừng, mình nói với nó đợi mình lấy được bằng lái… Cho nên mình mới bảo, chuyện này quá dễ dàng, vào lúc đó cậu sẽ không thể cảm nhận được đây là sai trái đâu.
Trần Trác siết anh thật chặt, vươn tay lên giữa ngực mình và mặt Tống Lãng Huy, chạm tới khuôn mặt tèm nhem nước mắt của anh. Nỗi sợ và sự đau lòng dồn dập tràn lên trái tim cậu, Trần Trác dùng âm giọng dịu dàng nhất của mình, thủ thỉ bên tai anh:
– Cậu sẽ không làm chuyện đó đâu, mình sẽ trông chừng cậu, chúng ta sẽ cùng nhau làm những chuyện vui vẻ thì cậu sẽ không cần những thú vui mạo hiểm đó nữa.
Tống Lãng Huy ngẩng đầu lên nhìn cậu, đôi mắt đỏ bừng bừng, tô đầy áy náy, yếu đuối, tủi thân, và sợ hãi. Anh nói:
– A Trác, cậu hãy trông chừng mình thật nghiêm vào, sau này mình sẽ luôn luôn ở bên cạnh cậu, ngày nào cũng bám sát lấy cậu, được không?
Hai tay Trần Trác còn đang lau nước mắt cho anh, mặt treo nụ cười an ủi:
– Được mà, cậu đừng sợ.
Tống Lãng Huy bộc bạch như vậy là chỉ vì trong buổi đêm yếu mềm này, anh muốn được người yêu an ủi một chút. Câu “Được mà” của Trần Trác qua tai anh cũng chỉ là lời vỗ về nhất thời trong tình huống đó. Anh biết rõ sau khi tốt nghiệp, mình và Trần Trác không cách nào ở bên cạnh nhau hoài được, dù có cùng một thành phố thì cũng đứa nào cũng có cuộc sống và việc học của riêng mình. Thậm chí anh còn tra thử tuyến đường từ học viện hí kịch đến trường bách khoa, đi Vành Đai Hai phía bắc chỉ mất nửa tiếng đi xe, tính ra một tuần hai đứa cùng lắm chỉ gặp nhau được ba lần.
Sau đêm hôm đó Trần Trác vẫn chuyên tâm học tập, giám sát Tống Lãng Huy làm bài, kỳ thi khảo sát chất lượng lần hai, tổng các môn tự nhiên của Trần Trác lại đứng đầu cả trường. Tống Lãng Huy buồn bã hai ba ngày, gọi điện thoại chửi nhau một trận với Trang Phi Dư, rồi lại vùi đầu vào sách vở.
Ngày cuối thi đại học, xong môn tiếng Anh là mọi người tan cuộc, giáo viên lớp bên cạnh thấy bóng lưng Trần Trác rời đi còn nói với thầy Chu:
– Lần này thủ khoa ban tự nhiên lại bị lớp thầy cướp mất rồi.
Tháng Bảy năm đó trời mưa suốt, Tống Lãng Huy phải theo bố mẹ đến nam bán cầu thăm ông bà, rồi đi lặn biển ở đảo Palau, nghe nói ở đấy đường truyền điện thoại không tốt lắm. Ngày công bố điểm, điều đầu tiên anh làm là gọi điện thoại từ nước ngoài về cho Trần Trác để hỏi điểm, Trần Trác báo cho anh một con điểm cao chót vót đúng như tưởng tượng của anh. Anh muốn hỏi Trần Trác có phải định nộp đơn vào trường bách khoa đó không, nhưng lại sợ nói ra sẽ không linh nghiệm, nên anh hỏi:
– Cậu điền nguyện vọng trường học ở Bắc Kinh phải không?
Sau khi nhận được đáp án khẳng định, Tống Lãng Huy lại ra chiều như không còn cách nào:
– Thôi được rồi, không cần đoán mình cũng biết. Vậy sau này mình đành phải ngày ngày chạy sang khu Hải Điến (*) rồi.
(*) Hải Điến: một quận nội thành Bắc Kinh, ở đó có một làng đại học.
Trần Trác không nói tiếp nữa.
Trần Khải Sinh cũng đánh điện cho Trần Trác, hỏi cậu điền nguyện vọng một là gì, rồi bảo là mẹ con có liệt kê một danh sách xếp hạng những trường giỏi về Toán Lý nhất, rồi còn những ngành nghề nào có triển vọng việc làm có cần nói chuyện với mẹ con không. Trần Trác từ chối ngay tắp lự, cậu bảo nguyện vọng một là một trường đại học ở Hồng Kông.
Trường học đó không thua gì mấy trường ở Bắc Kinh, tuy hơi xa nhà nhưng Trần Khải Sinh cũng không bất mãn gì. Ông nghĩ là có lẽ con trai mình thích cách giáo dục ở đó hơn, nếu như vậy thì ông sẵn sàng nhượng bộ. Trần Khải Sinh tự tin với thành tích của Trần Trác thì có thể trúng tuyển vào nguyện vọng một, cho nên không hỏi nguyện vọng hai và ba là gì. Thế là ông bắt đầu nêu ra những tán đồng của mình về cách giáo dục ở Hồng Kông, lợi thế để sau này ra nước ngoài, thậm chí là có thể lấy được thân phận định cư vĩnh viễn ở đó, như để chứng minh với Trần Trác rằng mình cũng là một phụ huynh cởi mở. Sau đó ông hỏi Trần Trác trong lúc đợi giấy báo trúng tuyển có muốn đến viện nghiên cứu chơi không, Trần Trác từ khước.
Đối với Tống Lãng Huy và bố mình, Trần Trác đều không nói dối. Hai nguyện vọng đầu tiên trong đơn nguyện vọng của cậu đúng là ở Hồng Kông và Bắc Kinh.
Nguyện vọng một là một trường ở Hồng Kông, nhưng trường này yêu cầu phải tham gia phỏng vấn trực tiếp, Trần Trác nhận được tin báo thời gian và địa điểm phỏng vấn nhưng cậu không đi. Trần Khải Sinh không hề biết rằng đây là một nguyện vọng thừa thãi.
Nguyện vọng thứ hai là ở Bắc Kinh, học viện hí kịch, chuyên ngành lý luận, lịch sử và phê bình kịch nghệ.