Sáng hôm sau Thiệu Huyền mang những túi da chất đá vào người rồi dắt Caeser chạy đến khu luyện tập.
Trước khi thức tỉnh sức mạnh Totem anh đã cảm thấy rất sợ hãi, sợ không chú ý sẽ bị ngộ thương thậm chí chết người, bây giờ gan dạ hơn nhiều rồi, ít ra anh cũng không còn yếu đuối như trước nữa.
Người trong bộ lạc không nghĩ ra nhiều trò cho lắm, họ chỉ tưởng tượng mình đang gặp một con thú, rồi dựa theo quán tính săn bắt mà trực tiếp tấn công.
Có chiến sĩ sẽ tưởng tượng vách núi là thú dữ rồi đấm đá vào vách núi. Thế nên nếu có nhìn thấy chỗ nào rơi rụng đất đá thì cũng không cần phải sợ, đó chỉ là chiến sĩ Totem đang luyện đấm mà thôi.
Cũng giống như cảnh cái đêm thấy được trong nhà Thầy Mo, thằng nhóc tên Mâu đó đã đập vỡ tảng đá vậy.
Thiệu Huyền chạy đến khu tập luyện thì chọn lấy một ngọn núi rồi vác theo một hòn đá, chạy từ chân núi lên đỉnh núi, trên đường chạy nếu có gặp phôi đá nào có chất lượng tốt thì tiện tay mang về.
“Cũng may mình có năng lực đặc biệt này.” Thiệu Huyền nhìn những tông màu xám đậm nhạt trước mắt cảm khái.
So với sức mạnh Totem thì nguồn sức mạnh khác cũng giúp đỡ anh rất nhiều, đỡ mất công anh phải tìm kiếm.
Đá trung đẳng hay cao cấp Thiệu Huyền sẽ không động đến chúng được, nếu lấy tay không đánh thì cũng chỉ làm bị thương bản thân.
Sau khi đục ra khối đá trung đẳng, nhìn sắc trời cũng đã vào trưa, Thiệu Huyền đành vác đá trở về. Sau khi về nhà gỗ ăn cơm xong anh lại vác đá sang chỗ Khắc.
Buổi trưa của Thiệu Huyền dùng để học rèn đá.
Nhìn rèn đá đơn giản thế thôi nhưng bên trong bao hàm rất nhiều kỹ năng, không chỉ đơn thuần là đẽo đá.
“Đầu tiên con phải học cách nhận biết chất liệu đá, cho dù là đá có độ cứng như nhau thì cách đẽo chưa chắc đã giống nhau.” Lão Khắc lấy ra hai phôi đá có chất liệu như nhau nói.
Thiệu Huyền nhìn Lão Khắc mang một phôi đá đi đục đẽo còn phôi kia thì tiến hành gia công nóng lạnh. Lão Khắc giảng cho Thiệu Huyền hiểu về màu sắc thay đổi sau khi được làm nóng của vài loại đá và nhiệt độ làm lạnh.
Có nhiều loại đá sau khi được làm nóng thì màu sắc và chất liệu sẽ thay đổi ít nhiều, có một số chỉ thay đổi về chất lượng cũng có một số không có phản ứng gì với việc làm nóng cả. Có lúc phải điều khiển cho chuẩn nhiệt độ, nhiệt độ thế nào cho phù hợp với chất đá, nhiệt độ thế nào là không tốt,... tất cả đều phải nắm rõ. Mà nhiệt độ khi không có vật dụng xác định thì chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm, dựa vào cảm giác.
Ví dụ, Thiệu Huyền sờ thấy nhiệt độ giống nhau nhưng Lão Khắc chỉ cần chạm một chút là biết được cái nào có nhiệt độ cao hơn.
Chất đá không giống nhau thì nhiệt độ làm nóng, thời gian làm nóng, sự thay đổi sau khi làm lạnh và những phản ứng khác cũng khác nhau.
Lão Khắc lấy một trong hai phôi đá lúc nãy ra cho vào lửa đốt, một tay cầm một gậy đá kẹp phôi đá vào giữa.
Lửa trong lò cháy rất mạnh, cứ như muốn hong khô người ta vậy, đứng bên cạnh lò một hồi là đổ mồ hôi nhễ nhại, trên mặt Lão Khắc cũng đổ mồ hôi đầm đìa nhưng tay chân vẫn rất vững, động tác lật mặt đá cũng rất nhanh nhạy.
Nửa tiếng sau, phôi đá được nung nóng chuyển từ màu xám sang màu nâu, Lão Khắc mới mang phôi đá ra ngoài nhưng chưa bắt đầu đẽo gọt, mà từ từ làm lạnh phôi đá, đợi đến khi màu nâu nhạt dần đi thì mới bắt đầu đẽo gọt.
Phiến đá bị đẽo ra cho dù dài ngắn tròn méo thế nào cũng có cùng một độ dày!
Phải có kỹ thuật giỏi đến thế nào mới làm được như thế?
Ít ra trong quan điểm lúc trước của Thiệu Huyền, không có máy móc cắt gọn sẽ không bao giờ đạt đến trình độ như thế.
Cái gọi là “luyện tập mà có” thật ra là một quá trình rất phức tạp, người không hiểu được việc này khó mà tưởng tượng ra.
Sau lý luận thì đến thực hành, thời gian buổi trưa đa phần Thiệu Huyền đều dành ở đây để tập luyện đẽo đá.
“Đồ bỏ quá nhiều! làm lại!”
“Con gọt ra cái gì thế này? Làm lại!”
“Khống chế lực búa quá kém! Làm lại!”
“Đợi đã! Loại đá này có thể trực tiếp mang ra đẽo hay sao? Con ăn cá nhiều quá rồi hả?! Mang qua bên kia đốt rồi làm lại!”
...
Những người sống gần Lão Khắc đều biết, tính tình lão gần đây nóng nảy hơn rất nhiều. Nhắc đến Thiệu Huyền ai cũng thở dài lắc đầu “A Huyền thật đáng thương.”
Thực tế thì những gì diễn ra bên trong không thảm như mọi người tưởng tượng.
Lão Khắc tuy miệng mồm độc địa nhưng dạy dỗ Thiệu Huyền rất chuyên tâm, cũng không tiếc phôi đá với cậu.
Trong vòng một buổi trưa Thiệu Huyền đã đẽo năm phôi đá, không bao gồm cái cậu mang qua, bốn cái còn lại đều là của Khắc cả, chất đá cũng không tệ, lấy cho mình luyện tập cũng hơi lãng phí. Lão Khắc không tiếc chứ Thiệu Huyền lại cảm thấy xấu hổ.
Mỗi ngày sau khi từ chỗ Lão Khắc hành xác trở về, Thiệu Huyền cảm thấy mọi cơ bắp trên người đều đau nhức, hơn nữa cảm giác đau đớn đó ngày càng mãnh liệt hơn, nhóm củi bắt nồi cơm cũng đau muốn chết đi sống lại, cầm lấy cán búa huơ huơ lửa trong bếp, phải đặt nồi lên mấy lần mới thành công.
Cả ngàn nhát búa đó, Thiệu Huyền cảm thấy thứ bị đẽo không phải là đá mà chính là anh, nhưng buổi tối nhờ thế mà anh ngủ rất ngon, buổi sáng thức dậy tinh thần rất sảng khoái, cảm giác như những đau nhức đêm hôm qua chỉ là ảo giác vậy.
Không biết đây là năng lực vốn có của Chiến Sĩ Totem hay do năng lực đặc thù kia nữa.
Hôm nay vừa sáng sớm, Thiệu Huyền lại đi đến khu tập luyện như mọi hôm, hôm qua anh có để ý một nơi, chất liệu đá ở đó không tệ, có thể đẽo vài phôi đá tốt, như thế cũng đỡ phải dùng đá của Lão Khắc, lỡ như đẽo mãi như thế lão nghèo luôn thì làn thế nào?
Càng đi Thiệu Huyền càng cảm thấy có gì đó không đúng. Đây là khu vực vốn không đông người qua lại, mọi người đã dậy từ sớm tụ tập về một nơi.
Từ chân núi lên đỉnh núi có một con đường, dường như kéo dài lên trên theo thân núi, hơn nữa con đường này cũng cao hơn so với những con đường khác, cũng không có ai xây nhà ở đây, đội săn đi ra ngoài hay trở về đều đi qua con đường này chứ không làm phiền đến những người dân khác trong bộ lạc.
Lâu dần còn đường này cũng mang một ý nghĩa đặc biệt, người dân gọi nó là “đại lộ danh vọng”.
Cũng giống như tiễn biệt những Chiến Sĩ sắp lên chiến trường, tâm trạng người ta tự nhiên sẽ trở nên phức tạp, có tự hào, có trầm lặng, còn có kỳ vọng, bởi vì không biết khi đội săn trở về, người nhà của họ có thể yên ổn hay không? Có thể mang về đủ thức ăn hay không?
Tụ tập hai bên “đại lộ danh vọng” đa phần là người thân của các Chiến Sĩ đi săn trong đợt này, già trẻ đều có. Đợi đến khi đội săn trở về thì đám người này lại đến đay đón. Mà tâm trạng của hai lần tất nhiên cũng sẽ khác nhau.
Nhưng ngoài việc tiễn đưa và nghênh đón ra, đối với các Chiến Sĩ con đường này cũng mang theo một ý nghĩa đặc biệt, là một loại khẳng định cho năng lực của họ, theo như hình dung của Thiệu Huyền, đối với rất nhiều chiến sỹ mà nói thì đó là “con đường làm giàu”.
Sau khi săn bắt trở về, ai được chia bao nhiêu thức ăn vừa nhìn sẽ biết ngay, cũng như chủ nghĩa tư bản vậy. Người giàu có sẽ có được tiếng nói, địa vị, phụ nữ đây đều là những thứ huy hoàng.
“Đến rồi!” Có người nói.
Thiệu Huyền nhìn sang.
Có khoảng hai trăm người từ trên núi đi xuống, người đi đầu tiên chắc chắn là đội trưởng, trong đêm tế bái Thiệu Huyền đã thấy qua, không chỉ là đội trưởng, những người theo sau người đó Thiệu Huyền cũng cảm thấy rất quen, điều là những người được nhảy múa tối hôm đó.
Người xuống núi cho dù vẻ mặt có cười tươi hay nghiêm khắc, mỗi bước đi đều rất hào hùng cảm giác như họ là Chiến Sĩ sắp lên chiến trường vậy.
Ở vị trí phía sau đội, trong những Chiến Sĩ cao to, chen vào một đám trẻ thấp bé trông rất gai mắt. Trong đó có Mâu cháu trai của Thủ Lĩnh, và Phi đứa từng thể hiện với Thiệu Huyền.
“Ấy, mấy đứa trẻ đó là ai thế?”
“Có thể cùng đi săn trong lần đầu tiên tất nhiên rất có năng lực.”
“Đây đều là những đứa xuất sắc được thức tỉnh trong năm nay.”
“Ý, là Mâu đúng không? Cháu trai Thủ Lĩnh có khác.”
...
Mọi người đều đang bàn tán.
Cha của Trại chỉ bọn nhóc Phi nói: “Con xem xem, người ta cũng lớn như con, cũng cùng thức tỉnh một lúc, vậy mà người ta đã được tham gia đợt đi săn đầu tiên rồi. Con thì sao?”
Trại cứng cỗ cãi lại: “Ai bảo ông không sống trên núi chứ?”
Ba của Trại trợn mắt tát cho nó hai cái rồi rời đi.