Người Trong Bao

Chương 18: Những Buổi Học Đắt Tiền



ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ HỌC THỨC thì không biết nhiều ngoại ngữ quả là một điều bất tiện lớn. Vôrôtốp cảm thấy rất rõ điều đó khi ra khỏi trường đại học tổng hợp với học vị phó tiến sĩ và bắt đầu nghiên cứu một công trình khoa học nhỏ.

- Thế này thì đáng sợ thật! - anh ta vừa nói vừa thở khó nhọc (mặc dù mới hai mươi sáu tuổi, anh ta đã phát phì ra, trông nặng nề và mắc bệnh khó thở). - Thật là kinh khủng! Mình mà không biết thêm ngoại ngữ thì khác nào chim không có cánh. Chỉ còn cách là xếp xó công trình lại thôi.

Anh ta quyết định bằng mọi cách khắc phục tính lười nhác bẩm sinh của mình để học tiếng Pháp và tiếng Đức, anh bắt đầu tìm kiếm giáo viên.

Vào một buổi trưa mùa đông, khi Vôrôtốp đang ngồi làm việc trong phòng riêng thì người hầu vào báo rằng có một tiểu thư hỏi anh.

- Cho mời vào, - Vôrôtốp nói.

Rồi một người con gái trẻ, ăn vận lịch sự, theo mốt mới nhất, bước vào phòng. Cô ta tự giới thiệu là Alixa Ôxipốpna Ankét, cô giáo tiếng Pháp và nói rằng một người bạn của Vôrôtốp đã bảo cô đến gặp anh.

- Rất hân hạnh! Mời cô ngồi - Vôrôtốp vừa nói vừa thở khó nhọc, lấy bàn tay che che cái cổ áo ngủ. (Để dễ thở hơn, bao giờ anh ta cũng mặc áo ngủ làm việc) - Pêtơrơ Xerghêíts bảo cô đến đây phải không? Phải rồi, phải rồi... tôi có nhờ anh ấy... Tôi rất mừng!

Trong khi nói chuyện với m-lle(1) Ankét, anh ta nhìn lên cô ta với vẻ tò mò, rụt rè. Đó là một cô gái người Pháp chính gốc, rất kiều diễm và còn rất trẻ. Nhìn gương mặt xanh xao, mệt mỏi, nhìn mái tóc xoăn xoăn cắt ngắn và cái eo lưng thon nhỏ khác thường có thể cho rằng cô ta không quá mười tám tuổi; nhưng nhìn lên đôi vai tròn lẳn, nở nang, nhìn tấm lưng rất đẹp và đôi mắt nghiêm nghị, Vôrôtốp nghĩ rằng chắc cô ta ít ra cũng hai mươi ba tuổi, thậm chí có dễ đến hai mươi lăm tuổi rồi; nhưng sau đấy lại cảm thấy rằng cô ta chỉ độ mười tám tuổi thôi. Gương mặt cô ta có vẻ lạnh lùng, chỉ biết công việc, hệt như nét mặt của một người đến nói chuyện tiền nong. Cô ta không cười một lần nào, không chau mày, và chỉ một lần trên gương mặt cô thoáng hiện vẻ băn khoăn khi biết rằng người ta không mời cô đến dạy trẻ con mà là dạy một người lớn tuổi, to béo.

- Được rồi cô Alixa Ôxipốpna ạ, - Vôrôtốp nói với cô gái, - chúng ta sẽ học hàng ngày từ bảy đến tám giờ tối. Còn về yêu cầu cô muốn nhận mỗi giờ một rúp thì tôi không có điều gì phản đối. Được, mỗi giờ một rúp - thì sẽ mỗi giờ một rúp...

Vôrôtốp còn hỏi cô rằng cô có muốn uống trà hay cà phê không, tiết trời ngoài kia có tốt không, và, vừa mỉm cười phúc hậu, vừa xoa xoa tay xuống lớp vải dạ lót trên bàn, anh ta thân mật hỏi han gia cảnh cô ta, tốt nghiệp ở trường nào, kiếm sống bằng nghề gì.

Alixa Ôxipốpna lạnh lùng, thản nhiên trả lời anh rằng, cô tốt nghiệp một trường tư và được quyền dạy thuê ở các nhà, rằng cha cô mới chết cách đây không lâu vì bệnh sốt phát ban, mẹ còn sống và làm hoa, rằng cô ta, m-lle Ankét, buổi sáng thì làm việc ở trường tư, từ sau bữa trưa cho đến tối thì đi đến các nhà tử tế để dạy học.

Cô ta ra về, vương lại một mùi hương rất dịu nhẹ vẫn thường thấy từ xống áo người phụ nữ. Sau đấy rất lâu, Vôrôtốp không làm việc trở lại, anh ngồi yên bên cạnh bàn, bàn tay xoa xoa lên lớp vải dạ xanh và nghĩ ngợi.

“Kể được thấy các cô gái tự mình kiếm lấy miếng ăn cũng thú vị, - anh ta nghĩ. - Nhưng mà từ một góc độ khác thì cũng thật là chẳng thú vị gì khi thấy sự thiếu thốn đã không thương hại cả những cô gái xinh đẹp, kiều diễm như cô Alixa Ôxipốpna này, và cô ta cũng phải kiếm sống, giành giật lấy miếng ăn. Thật là bất hạnh!...”

Chưa từng gặp những cô gái Pháp có phẩm hạnh, Vôrôtốp còn nghĩ thêm rằng cái cô Alixa Ôxipốpna ăn vận sang trọng, có đôi vai đẹp nở nang và eo lưng rất thon này, ngoài việc dạy học chắc là làm thêm nghề gì khác nữa.

Chiều tối hôm sau, khi đồng hồ chỉ bảy giờ kém năm thì Alixa Ôxipốpna đến, mặt ửng hồng vì trời lạnh, cô ta mở cuốn Margot(2) mà cô mang theo ra, rồi bắt đầu giảng luôn, không cần một lời nhập đề nào:

- Tiếng Pháp có hai mươi sáu chữ cái. Chữ đầu tiên là chữ A, thứ hai là chữ B...

- Xin lỗi cô, - Vôrôtốp mỉm cười ngắt lời cô ta. - Tôi phải nói trước với cô rằng, riêng đối với tôi, cô phải thay đổi phương pháp dạy một chút. Vấn đề ở chỗ là tôi rất thông thạo tiếng Nga, tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp... tôi đã nghiên cứu qua môn ngôn ngữ học so sánh, và tôi có cảm tưởng rằng chúng ta có thể bỏ qua cuốn của Margot mà bắt tay thẳng vào việc đọc một tác giả nào đó.

Rồi Vôrôtốp giải thích cho cô gái Pháp cách học ngoại ngữ của người lớn như thế nào.

- Một người quen của tôi, - anh nói, - muốn học thêm ngoại ngữ mới, đã đặt trước mặt ba quyển Phúc âm bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La tinh, đọc cùng một lúc, vả lại nghiên cứu kỹ càng từng chữ một, và rồi thế nào? Anh ta đã đạt được mục đích của mình trong chưa đầy một năm. Chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Chúng ta sẽ tìm một tác giả nào đó rồi sẽ cùng đọc.

Cô gái Pháp nhìn Vôrôtốp với vẻ nghi hoặc, khó hiểu. Hình như cô ta cảm thấy rằng đề nghị của Vôrôtốp rất lẩn thẩn và ngô nghê. Nếu cái đề nghị lạ lùng đó là của trẻ con thì chắc là cô ta đã nổi cáu và hét lên, nhưng đây là một người lớn tuổi lại rất to béo nữa, không thể quát mắng anh ta được, nên cô chỉ hơi nhún vai rồi nói:

- Tùy ông thôi.

Vôrôtốp lục tìm trong tủ sách của mình một lúc rồi lấy ra một cuốn sách tiếng Pháp nhàu nát.

- Cuốn này được không? - anh ta hỏi.

- Cuốn nào cũng được.

- Nếu vậy thì ta bắt đầu đọc thôi. Cầu trời phù hộ cho. Bắt đầu từ tên sách nhé... Mémoires.

- Hồi ức... - m-lle Ankét dịch ra.

- Hồi ức... - Vôrôtốp nhắc lại.

Vừa mỉm cười hiền lành và thở khò khè khó nhọc, anh ta mất mười lăm phút vất vả học chữ mémoires và mất thêm chừng ấy phút nữa để học chữ de; điều đó làm Alixa Ôxipốpna rất mệt. Cô uể oải trả lời những câu hỏi của anh, nhầm lẫn luôn; hình như cô không hiểu người học trò của mình lắm và cũng chẳng cố công hiểu. Vôrôtốp vừa đặt câu hỏi vừa nhìn lên mái tóc hoe vàng và nghĩ:

“Mái tóc cô ta không phải xoăn tự nhiên, mà là do cô ta uốn. Kể cũng lạ thật! Làm việc suốt từ sáng đến tối, mà còn có thì giờ để uốn tóc”.

Đúng tám giờ tối, cô ta đứng dậy và lạnh lùng, khô khan nói câu “au revoir, monsieur”(3) rồi bước ra khỏi phòng; cô đi rồi mà vẫn còn vương lại cái mùi hương kia, dìu dịu nhẹ, rung động lòng anh. Người học trò lại ngồi bên cạnh bàn rất lâu, không làm gì và nghĩ ngợi.

Vào những ngày sau, anh ta tin chắc rằng, cô giáo của anh là một cô gái đáng yêu, nghiêm nghị và cẩn thận, nhưng trình độ học vấn của cô rất thấp và cô không biết cách dạy người lớn; anh quyết định không tiêu phí thời gian một cách vô ích, thôi không học với cô ta nữa và mời thầy giáo khác. Khi cô ta đến nhà anh lần thứ bảy, anh rút từ túi ra một chiếc phong bì trong để bảy rúp, rồi cầm nguyên trong tay, anh ngượng ngùng nói:

- Xin lỗi cô, cô Alixa Ôxipốpna, nhưng tôi phải nói với cô rằng... tôi thấy cần thiết phải...

Nhìn chiếc phong bì, cô gái Pháp đoán ra ngay việc gì đã xảy đến, lần đầu tiên trong suốt những buổi dạy học ở đây, gương mặt cô run run, và vẻ lo việc, lạnh lùng biến mất. Cô hơi đỏ mặt, mắt nhìn xuống, ngón tay run rẩy lần lần chiếc vòng vàng mảnh nhỏ của mình. Vôrôtốp nhận thấy cô gái lúng túng và hiểu rằng một rúp đối với cô là quý thế nào, cô sẽ buồn rầu đến thế nào nếu mất đi nguồn kiếm sống đó.

- Tôi phải nói với cô rằng... - anh ta lầm bầm nói, càng lộ vẻ ngượng ngùng hơn, có cái gì thắt lại trong lồng ngực, anh vội vã nhét chiếc phong bì vào túi và nói tiếp: “Xin lỗi cô, cô chờ... chờ tôi mười phút...”

Cố làm ra vẻ rằng mình hoàn toàn không có ý định bỏ luôn việc học với cô mà chỉ yêu cầu cô tạm nghỉ ít lâu, anh ta đi sang phòng bên cạnh và ngồi ở đấy mười phút. Khi quay trở ra, anh lại càng tỏ vẻ ngượng ngùng hơn; anh đoán rằng việc anh bỏ ra ngoài phòng một lúc thế này cô ta có thể tự hiểu theo cách riêng của mình, và anh cảm thấy lúng túng.

Buổi học lại bắt đầu.

Vôrôtốp thấy đọc chẳng có hứng thú gì. Biết rằng các buổi học này không đem lại hiểu biết gì thêm, anh ta để mặc cho cô gái Pháp muốn giảng gì thì giảng, anh không hỏi cô một điều gì cả, không ngắt lời cô nữa. Cô ta dịch tùy thích, mỗi buổi mười trang, còn anh để ngoài tai tất cả, thở khó nhọc rồi vì chẳng biết làm gì nên hết ngắm nhìn mái tóc xoăn xoăn anh lại nhìn đến cái cổ, đôi bàn tay mịn màng trắng muốt, và ngửi mùi hương thơm tỏa ra từ xống áo cô...

Anh ta bắt quả tang những ý nghĩ không lành mạnh của mình và tự thấy xấu hổ; hoặc có khi lòng anh dịu lại, và lúc ấy anh cảm thấy phiền muộn, giận dỗi khi cô đối xử với anh lạnh nhạt thản nhiên như với một cậu học trò, không bao giờ cười và lúc nào cũng như sợ anh vô tình chạm vào người cô. Anh cứ nghĩ mãi: làm sao gây được lòng tin cậy ở cô, làm quen gần gũi với cô hơn nữa, rồi sau đó giúp cô hiểu rằng cô bé đáng thương đã dạy kém cỏi như thế nào.

Có lần Alixa Ôxipốpna đến giảng bài, mình vận chiếc váy liền áo màu hồng lộng lẫy, cổ áo hở vai một chút; cả người cô toát ra một mùi hương ngất ngây đến nỗi tưởng như có một đám mây nào bao phủ quanh cô, và chỉ cần thổi nhẹ lên là người cô sẽ bay đi mất hay là tan biến như một màn khói. Cô xin lỗi và nói rằng, hôm nay cô chỉ có thể dạy được nửa giờ vì từ đây cô sẽ phải đi thẳng đến nơi dạ hội khiêu vũ.

Anh nhìn lên cổ cô, nhìn lên chỗ lưng hở gần gáy và anh có cảm tưởng rằng mình hiểu ra vì sao các cô gái Pháp thường mang tiếng là những người nhẹ dạ, dễ bị quyến rũ; anh như chìm ngập trong đám mây hương thơm, sắc đẹp, cổ áo hở vai; còn cô, không biết gì đến ý nghĩ của anh hay chắc là chẳng quan tâm chút nào đến những ý nghĩ ấy, cô nhanh tay lật trang và nhanh nhảu dịch:

- Y đi ngoài phố và gặp một ngài quen và nói: “Ông vội đi đâu đấy, nhìn thấy vẻ mặt xanh xao như thế của ông, điều đó làm tôi rất đau xót”(4).

Cuốn mémoires đã đọc hết từ lâu, và bây giờ Alixa Ôxipốpna chuyển sang dịch một cuốn sách khác nào đó. Có lần cô ta đến giảng sớm hơn một giờ và xin lỗi rằng vào bảy giờ cô cần phải đi đến Nhà hát “Malưi”(5).

Học xong, Vôrôtốp tiễn cô ta rồi quay vào mặc quần áo chỉnh tề và cũng đi đến nhà hát. Anh có cảm tưởng rằng anh đi đây chẳng qua chỉ là để nghỉ ngơi, giải trí, chứ trong đầu anh không hề có qua một ý nghĩ nào về Alixa Ôxipốpna. Anh không thể tưởng tượng được rằng một người đứng đắn, đang chuẩn bị trở thành học giả lớn, chăm chú như anh lại có thể quẳng bỏ công việc và đi vào nhà hát chỉ để sẽ được gặp gỡ ở đây một người con gái ít quen biết, chẳng lấy gì làm thông minh và kém học thức...

Nhưng không hiểu vì sao, trong giờ giải lao, tim anh bỗng đập gấp, anh cũng không để ý thấy rằng anh đang như một cậu bé chạy khắp ngoài hành lang nóng lòng tìm gặp ai; và anh cảm thấy buồn buồn khi giờ giải lao sắp hết; nhưng đến khi anh trông thấy chiếc váy áo màu hồng quen thuộc, đôi vai tròn đẹp lộ ra dưới lần vải tuyn, thì tim anh bỗng thắt lại như linh cảm một niềm hạnh phúc, anh mỉm cười sung sướng và lần đầu tiên trong đời, anh biết đến cảm giác ghen tuông.

Alixa Ôxipốpna cùng đi với hai chàng sinh viên xấu trai và một gã sĩ quan. Cô ta cười nói rất to, hình như cô đang làm dáng; chưa bao giờ Vôrôtốp thấy cô như vậy. Chắc là cô đang cảm thấy sung sướng, thỏa mãn, cởi mở, chân thành. Vì lẽ gì? Tại sao? Có lẽ vì những người ấy gần gũi với cô, cùng thuộc lớp người như cô... Và Vôrôtốp cảm thấy cái vực sâu kinh khủng ngăn cách anh với lớp người đó. Anh cúi mình chào cô giáo của mình, nhưng cô ta chỉ lạnh lùng nghiêng đầu chào lại và đi nhanh qua bên cạnh anh; hình như là cô ta không muốn để cho mấy chàng trai cùng đi với cô biết rằng cô có học trò riêng và vì túng bấn mà cô ta phải đi dạy học.

Sau lần gặp Alixa trong rạp hát, Vôrôtốp hiểu rằng mình đã phải lòng cô ta... Trong những buổi học sau, đưa mắt thèm thuồng nhìn cô giáo kiều diễm của mình, anh ta đã không còn tự kìm mình nữa, anh để mặc cho đầu óc mình theo đuổi những ý nghĩ trong sạch và không trong sạch. Vẻ mặt Alixa Ôxipốpna vẫn lạnh lùng như trước, và tối tối, cứ đúng tám giờ cô ta lại bình thản nói “au revoir, monsieur”; Vôrôtốp cảm thấy rằng cô ta đã lạnh nhạt với anh và sẽ còn lạnh nhạt như thế nữa, tình thế của anh là hoàn toàn tuyệt vọng.

Đôi khi giữa buổi học anh vẩn vơ mơ tưởng, hi vọng, phác vẽ bức tranh tương lai, tự hình dung ra cảnh tỏ tình với cô, và thường nhớ rằng các cô gái Pháp hay nhẹ dạ, dễ bị quyến rũ, nhưng chỉ cần nhìn lên khuôn mặt của cô giáo là mọi ý nghĩ của anh ta liền tắt ngấm như ngọn nến đem từ trong nhà nghỉ ra ngoài hiên lúc trời nổi gió. Có lần anh ta ngà ngà say, như đang trong cơn mê, không nén được lòng nữa, anh đứng chắn lối cô gái khi cô vừa dạy học xong và bước khỏi phòng ra ngoài hành lang; Vôrôtốp vừa thở gấp, vừa lắp bắp nói những lời tỏ tình:

- Cô rất thân thiết đối với tôi! Tôi... tôi yêu cô! Cho phép tôi nói thế!

Còn Alixa Ôxipốpna thì mặt tái nhợt hẳn đi - chắc là vì kinh hãi đoán rằng sau lần tỏ tình này, cô sẽ không thể đến đây mà nhận mỗi giờ một rúp được nữa, cô ta trợn tròn mắt sợ hãi và thì thào nói to:

- Ôi, không được đâu! Đừng nói thế, tôi van ông! Không được đâu!

Sau đó Vôrôtốp trằn trọc suốt đêm, miên man nghĩ ngợi và đau khổ ngượng ngùng, tự chửi rủa mình. Anh ta tưởng rằng, tỏ tình như vậy là anh đã xúc phạm đến cô gái và cô ta sẽ không đến đây nữa.

Anh quyết định đến sáng sẽ hỏi địa chỉ của cô ở phòng lưu trữ địa chỉ và sẽ viết cho cô ta một bức thư xin lỗi. Nhưng Alixa Ôxipốpna đã đến không cần nhận được thư. Phút đầu tiên cô ta cảm thấy hơi lúng túng, nhưng sau đó cô mở cuốn sách ra và bắt đầu dịch nhanh nhảu hăng hái như mọi khi:

- “Ô ngài trẻ tuổi, đừng xé cánh những bông hoa này trong vườn của tôi, những bông hoa mà tôi muốn đem cho con gái tôi đang ốm...”

Cho đến hôm nay, cô vẫn đến dạy học. Bốn cuốn sách đã được dịch ra rồi mà Vôrôtốp vẫn không biết gì hơn ngoài một chữ “mémoires”, và khi có người ???? xua xua tay không trả lời, rồi nói lảng sang chuyện thời tiết.

___________

1. Viết tắt chữ mademoiselle (tiếng Pháp): cô.

2. Margot David - tác giả cuốn “Cours élementaire et progressif de langue française” (sách dạy tiếng Pháp phổ biến ở nước Nga, được xuất bản nhiều lần từ năm 1860).

3. Xin chào tạm biệt ông (tiếng Pháp).

4. Trong nguyên bản, câu dịch sang tiếng Nga của Alixa cũng ngô nghê.

5. Nhà hát kịch nói cổ nhất Nga ở Maxcơva.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv