.:. 19: Anh dẫn em đi phá hủy nó.:.
Tôi tiễn Lý Trì Thư về ký túc xá xong chạy không ngừng nghỉ đến một con phố cà phê đối diện nhà, giữa chừng rẽ vào một ngõ nhỏ, ở cuối đường có một tiệm sách cũ.
Đây đã là lần thứ tư trong tháng tôi đến đây.
Vẫn là người chủ đeo kính lão ngồi bên sạp hàng, cầm một cuốn sách cũ, bình lọc trà trên bàn ngâm kha khá lá trà đã ngả vàng.
Lúc tôi đi vào chuông gió bên cửa bị đẩy kêu leng keng, ông ngước mắt khỏi trang sách nhìn qua tôi: “Lại đến à.”
“Vâng,” tôi dựa vào sạp, cũng không vòng vèo, vừa ngắm nghía một loạt sách trên giá gỗ bên tay trái vừa hỏi, “Bác đã tìm thấy thứ đó chưa?”
Vốn dĩ nhìn dáng vẻ vững như bàn thạch của ông ấy tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý tay không đi về một lần nữa, ai ngờ ông chủ chậm chạp đứng dậy từ ghế tre: “Chờ đó.”
Ông đi về phía kho hàng đằng sau, không được hai bước thì quay đầu lại, gỡ kính nhìn xuyên qua tròng kính chỉ tôi: “Hôm nay tôi chờ cậu mãi, không ngờ đến muộn như này…”
Tôi ngẩn ra, không đi qua giá sách đằng sau cửa sổ mà đứng thẳng người lên, đôi mắt nhìn thẳng vào kho hàng, lắng nghe âm thanh gấy báo rơi xuống ở bên trong.
“Này, cầm đi.” Ông chủ đi tập tễngh, tuy già nhưng vẫn rất có tinh thần, đưa một quyển báo giấ đã ố vàng và teo tóp lại, “Cậu nhìn xem có phải kỳ báo này không?”
Tôi không có tâm tiếp chuyện, vội vàng cúi đầu kiểm tra.
Tìm mấy giây mới khóa tầm mắt vào một hàng chữ kiểu màu đỏ nhìn mà đau lòng ở góc trái bên dưới: “Công Trình Hải Nghiệp Không Tiếp Tục Thi Công, Đôi Mẹ Con Suy Bại Biết Đi Đường Nào?”. Kế bên còn đính kèm một tấm hình trắng đen.
Tôi không nhìn kĩ, lật tìm ngày tháng phát hành báo, đúng thật là tháng 7 của 10 năm trước, không lâu sau khi cha Lý Trì Thư xảy ra chuyện.
“Chắc là nó rồi, nếu mà không phải cháu sẽ lại tìm bác ạ.” Tôi vội vã nhét báo vào trong túi, móc mấy tờ tiền giấy 100 từ trong ví tiền để lên tủ, “Này, cảm ơn bác ạ ——”
“Lấy về lấy về đi,” xem ra ông bác rất không thích cách làm của tôi, “Đã nói giúp cậu thì là giúp cậu, có thể giúp đến mức này là vận may, không giúp được thì thôi. Không lấy tiền.”
Tôi nhìn xung quanh, tiện tay lấy vài cuốn sách trên giá: “Vậy những cuốn này cộng thêm báo tổng cộng bao nhiêu tiền, cháu mua.”
Ông tính xong giá: “49.”
Thời đại này chỉ vừa rầm rộ mua hàng qua mạng, chưa phổ biến thanh toán qua điện thoại trong cửa hàng, tôi đưa cho ông một tờ tiền giấy 50, ông kiếm một đồng xu từ trong hộp bánh bích quy dùng làm hộp đựng tiền lẻ ném cho tôi.
Tôi đón ánh trăng chạy một mạch về nhà, nắm siết đồng xu tròn tròn, tim đập như nổi trống.
Lý Trì Thư cũng từng cho tôi một đồng tiền xu, nhìn lại những lần trong quá khứ thì đó gần như là những lúc em chuẩn bị tự tử.
Có lần tôi phải đi công tác, đêm trước khi xa nhau làm với em xong, tôi chôn ở cổ em cắn m.út, em ngửa mặt nhìn đèn treo trên trần nhà th.ở dốc khẽ khàng bên tai. Một tay em ôm tôi, một tay vuốt tóc tôi rồi từ từ lần xuống gáy, bỗng nói: “Thẩm Bão Sơn, anh đi rót cốc nước cho em đi.”
Tôi hỏi: “Khát?’
“Ừ.” Lúc ấy Lý Trì Thư còn có thể gật đầu nói đùa, “Sắp bị anh làm mất nước.”
Tôi cười, hôn em một cái thật kêu rồi khoác áo ngủ đứng dậy: “Đợi anh.”
Rót nước xong quay lại, em đã mặc áo ngủ ngồi lặng bên giường, ngẩng đầu nhìn tôi bước vào.
“Sao?” Tôi đặt cốc nước ở đầu giường, đứng trước mặt Lý Trì Thư, vén lại đầu tóc em bị tôi làm rối bời, “Có chuyện muốn nói sao?”
Lý Trì Thư lấy ra đồng xu không biết móc ở đâu ra từ trong lòng bàn tay: “Này, cho anh.”
Ở thời đại đó hầu như tất cả giao dịch đều thông qua điện thoại di động, trong nhà gần như không tìm thấy tiền giấy, không cần bàn đến chút tiền vặt này.
Tôi cầm nó ngắm nghía, đồng xu này không có gì khác với bình thường.
“Là sao?” Tôi hỏi em.
Lý Trì Thư chỉ cười: “Chỉ là muốn đưa anh thôi, không có gì.”
Qua hôm sau là lần đầu trong đời em thử tự tử.
Em làm còn chưa có kinh nghiệm, nuốt một đống thuốc ngủ âm thầm tích trữ rất lâu nhân lúc tôi rời đi, chưa đến nửa tiếng sau tôi quay về do đổi chuyến bay, trên đường đi không thể gọi điện cho em, vừa đến nhà thì bế em đến bệnh viện súc ruột. Cũng bởi thế mà kế hoạch của Lý Trì Thư bị đứt gánh giữa đường.
Em tỉnh dậy trên giường bệnh thở oxy, thứ đập vào mắt đầu tiên là khuôn mặt có thể chảy xệ xuống đất của tôi, ngồi khoanh tay ở đầu giường theo dõi em.
Có lẽ Lý Trì Thư cũng chột dạ mình làm chuyện xấu không lời từ biệt, tránh né ánh mắt tôi im lặng một hồi mới lại nhìn tôi, hai ngón tay vươn ra ngoài chăn kéo áo tôi: “Thẩm Bão Sơn…”
“Gọi ai?” Tôi nhìn xung quanh, “Ai tên Thẩm Bão Sơn? Ai đang gọi Thẩm Bão Sơn?”
Em mím môi, biết mình đuối lý nên cười nhìn tôi bằng ánh mắt lấy lòng, cứ như đang nói: Thẩm Bão Sơn, anh tha thứ cho em đi.
Tôi miễn cưỡng tha thứ cho em ấy.
“Lần sau còn dám làm vậy, anh đánh gãy tay em,” Tôi cảnh cáo, “Đừng nói thuốc ngủ, thuốc gì em cũng đừng hòng lấy. Bị bệnh thì cố chịu cho anh, chết hay không cũng phải xem tâm trạng anh. Anh cho em cơ hội nếm cảm giác ông cụ được con trai hiếu thảo phụng dưỡng là như thế nào.”
Em cười. Về sau mỗi lần tự tử bị tôi bắt tận tay mắng, em đều cười như thế.
Tôi nhét đồng xu vào tay em: “Một đồng xu? Mạng em chỉ trị giá một đồng xu thôi đúng không? Em đưa tiền cho anh xong muốn chạy? Em nghĩ hay quá. Mạng em rẻ, nhưng ông đây không rẻ. Anh nấu ăn cho em, ngủ với em, trong club muốn gọi tay vịn còn phải bốn chữ số kia kìa, một đồng xu đã muốn đuổi ông đây? Mọi món hời ở thiên hạ này đều là của Lý gia em đấy à? Lý Trì Thư anh nói em biết, anh giữ lại mạng em để em từ từ đền đáp, anh còn chưa biết nên đòi thế nào thì em đừng hòng đi đâu hết.”
Lý Trì Thư thấy tôi khóc, cuối cùng không cười nổi kéo cánh tay tôi: “Thẩm Bão Sơn…”
Tôi gạt tay em ra, đứng phắt dậy khỏi fghế, quay lưng lại ngửa đầu nhìn trần nhà một lúc rồi quay lại chỉ vào em, mắng: “Muốn chết không dễ đúng không? Em tưởng em nhắm mắt lại là không sao đúng không? Trong mộng không có chuyện gì hết. Lý Trì Thư, xưa nay Thẩm Bão Sơn ông đây không phải là người em muốn trêu là trêu. Chân trước em chết rồi, chân sau ông đây đuổi xuống âm tào địa phủ dạy dỗ em. Nếu có lần sau…”
Tôi nói không ngừng, hình như càng nói càng lặp lại.
Nếu có lần sau thì sẽ thế nào? Tôi còn không nỡ chạm một đầu ngón tay em ấy. Cuối cùng cũng phải chạy hùng hục đưa người vào bệnh viện, chậm một giây thôi tim cũng như bị đao cắt đó thôi?
Lý Trì Thư giống đứa trẻ mãi không thể dạy, lần nào bị tôi phát hiện cũng tích cực nhận sai nhưng kiên quyết không sửa đổi.
Về sau em vẫn thử đưa đồng xu này cho tôi, nhưng khi em vừa móc nó ra thì tôi phản ứng còn kích động hơn cả em, y như nhìn thấy kẻ thù không đội trời chung, Lý Trì Thư không đưa nữa.
Cho đến nay, đã nhiều năm rồi mà tôi vẫn không hiểu hàm ý của đồng tiền xu đó.
Tôi cũng không muốn hiểu, tôi thà cả đời này không gặp lại nó.
Tôi về phòng, đóng cửa lại dựa vào tường trượt ngồi xuống, đồng tiền xu bị nắm ướt mồ hôi, tôi để nó qua một bên, cẩn thận lấy tờ báo để trên đùi trải nó ra, chạm đầu ngón tay vào tiêu đề bắt mắt, cuối cùng nhìn tấm ảnh trắng đen.
Trong hình không phải là người cha đã mất của Lý Trì Thư, mà là Lý Trì Thư 7 tuổi, ánh mắt ngơ ngác bị kéo đi quỳ gối ở quảng trường trước cổng lớn tòa thị chính.
Đúng như em kể, Lý Trì Thư trong hình đeo khăn quàng đỏ, lưng còn đeo cặp chưa kịp cởi, cổ bị ánh nắng chói chang ghì xuống, mệt mỏi và kiệt sức làm em há miệng không mở mắt nổi. Người mẹ kế bên sườn mặt cứng rắn, lưng vẫn thẳng tắp, cứ như dù mấy con chữ mạ vàng chóe bên trên tòa nhà lớn chói mắt cỡ nào cũng không ngăn được sự cố chấp của bà.
Tôi nhẹ nhàng xoa lên mái tóc rối bù của Lý Trì Thư nhỏ qua tờ báo, trong thoáng ngẩn ngơ như bị ma xui quỷ khiến xâu chuỗi lại cuộc đời ngắn ngủi của em: 7 tuổi, 17 tuổi, 27 tuổi. Chấp nhận, giãy giụa, sau cùng từ bỏ.
Càng bước lên tầng bậc, em càng cách xa nhận thức về nỗi đau.
“Là khi nào đây?” Tôi nhìn tấm ảnh trắng đen dưới tay, nhẹ giọng hỏi.
Khi nào mới có thể đến gần hơn, đến tận cùng trời cuối đất, đến nơi sâu thẳm của thời gian để đời em rực rỡ, không nhiễm một hạt bụi tựa ánh ban mai.
–
Ngày thứ bảy kế tiếp tôi đến rất muộn, trời tối đen.
Tôi chỉ đeo một túi trên người, lúc gặp nhau trong mắt Lý Trì Thư thoáng vẻ mất mát: “Cậu không mang theo Khoai Tây sao?”
Tôi im lặng đi đến trước mặt Lý Trì Thư, lấy khẩu trang đen từ trong túi ra đeo cho em khi em còn đang ngơ ngác, kéo phần mũ của cái áo phao lông ngỗng đội lên đầu em, cả khuôn mặt chỉ chừa lại đôi mắt để nhìn đường.
Hai con ngươi của Lý Trì Thư xoay tròn theo từng động tác của tôi, sau khi tôi chắc chắn toàn thân em đã bị bọc kín mới nắm tay em, nói: “Đi một nơi với anh.”
Tôi dẫn em đến khu cấp hai.
Trên đường đi Lý Trì Thư nhận ra con đường dẫn đến khu cấp hai, em hơi mâu thuẫn, liên tục vùng về sau phản kháng sức mạnh của tôi.
“Thẩm… Thẩm Bão Sơn.” Em gọi.
“Lý Trì Thư,” tôi không chấp nhận ý định của em, rảo bước đi liên tục, “Anh biết em đang sợ cái gì.”
Tôi quay đầu đối diện với ánh mắt sợ hãi của em: “Anh dẫn em đi phá hủy nó.”