Ngược Chiều Vun Vút

Chương 20



Hội những người thích ở một mình

Tôi muốn thành lập hội những người thích ở một mình. Đó sẽ là một hội rất trầm lặng, mỗi năm gặp nhau không lần - vì tổ chức sự kiện cỡ nào cũng chẳng có ai đến.

Hội chỉ tồn tại để người thích ở một mình biết có nhiều người khác cũng thích ở một mình. Biết về sự tồn tại của nhau, biết xã hội không toàn người có tinh thần hướng ngoại. Chúng tôi chỉ cần điều đó.

“Một mình” ở đây không liên quan chuyện yêu đương. “Thích ở một mình” không có nghĩa là không thèm yêu. “Thích ở một mình”, theo hiến pháp mới nhất của hội, có nghĩa là mỗi ngày thích có chút thời gian ở một mình để suy nghĩ, thư giãn, sáng tác - và sạc pin.

Ai muốn đăng ký tham gia phải có tính cách giống chúng tôi. Vậy chúng tôi là những người như thế nào?

Trước hết chúng tôi là những người bình thường. Văn hóa Việt Nam hơi nghiêng về phía cộng đồng, nên chúng tôi ở đây dễ dính từ “lập dị”. Nhưng chúng tôi không bị trầm cảm, ám ảnh, tự kỷ hay bất cứ bệnh tâm thần nào khác. Chúng tôi chỉ thích ở một mình. Thế thôi.

Hơn nữa, không phải lúc nào chúng tôi cũng thích ở một mình. Chúng tôi đôi khi rất thích chia sẻ, có người ngồi bên cạnh. Nhưng người đó phải hợp với chúng tôi; ăng-ten của họ phải bắt đúng tín hiệu chúng tôi đang phát. Mặc dù chúng tôi có khả năng nói chuyện xã giao với bất cứ ai (đời luôn tạo cơ hội tập luyện) nhưng chúng tôi sẽ vất vả, nhanh hết pin.

Chúng tôi hay ăn trưa một mình, nhìn ra cửa sổ.

Chúng tôi hơi kiêu.

Chúng tôi thích các quán cà phê yên tĩnh.

Chúng tôi ghét người gây ồn ào tại các quán cà phê đáng-lý-là-yên-tĩnh. Chúng tôi đặc biệt ghét người gây ồn ào bằng cách nói bậy. Chúng tôi cầu trời để một phần trần nhà rơi trúng đầu họ cho bất tỉnh. Chúng tôi không hiểu vì sao họ không tự biết họ đang nói quá to. Bản thân chúng tôi chỉ nói đủ to để người đối diện nghe thấy. Một cuộc trò chuyện riêng là một cuộc trò chuyện riêng, sao nhiều người mãi không hiểu điều đó? Chúng tôi hay bị người xung quanh hỏi: “Sao bạn ít nói thế.”. Chúng tôi ghét câu hỏi đó.

Chúng tôi thỉnh thoảng có cảm giác muốn thoát khỏi phòng karaoke, nhà hàng, đám cưới đông. Nếu cảm giác đó mạnh thì chúng tôi biết nhiều cách biến nó thành hành động. Sáng hôm sau có người nhắn tin hỏi: “Tối qua mày về lúc nào thế?”. Chúng tôi cười. Hóa ra chúng tôi là ma.

Chúng tôi sợ những lần đi chơi nhóm mà theo văn hóa Việt phải chờ mọi người đứng lên nói “Đi!” mới bắt đầu giải tán. Chúng tôi càng sợ hơn khi mọi người đang chuẩn bị về rồi quyết định “hát nốt” vài bài, việc hát nốt ấy kéo dài hơn nửa tiếng.

Chúng tôi không sợ nói dối, nếu việc đó giúp chúng tôi về sớm.

Chúng tôi sợ Tết. Chúng tôi khó yêu.

Ai yêu chúng tôi (và được chúng tôi yêu lại) là người may mắn.

Khi học cấp ba và bị thầy giáo yêu cầu phải làm việc nhóm, chúng tôi cố tình nhận những việc khó nhất, mang về tự làm. Chúng tôi không muốn mất thời gian bàn bạc. Thú thật mà nói, chúng tôi sẽ làm tốt và nhanh hơn.

Chúng tôi yêu thiên nhiên.

Chúng tôi sợ người chậm hiểu. Ví dụ, một anh taxi hay bắt chuyện khách vào những lúc thực sự không nên bắt chuyện khách. Chúng tôi sẽ trả lời hết sức ngắn gọn và xã giao để anh ấy hiểu rằng chúng tôi không có gì để nói vào lúc này. Khi anh ấy hỏi tiếp (và tiếp, và tiếp) chúng tôi sẽ bị điên trong lòng. Nếu đặt mình vào chiếc ghế của anh ấy thì chúng tôi đã thôi ngay - có chút cảm giác khách không muốn nói chuyện là im lặng như câm.

Chúng tôi chỉ biết mỗi một cảm giác khó chịu hơn khi bị người chậm hiểu làm phiền. Đó là cảm giác khi phải giải thích với người chậm hiểu rằng họ đang làm phiền mình.

Chúng tôi thích đi bộ.

Chúng tôi không thích phát triển quan hệ với cấp trên bằng cách đi nhậu. Chúng tôi thà cho tiền gấp đôi vào phong bì A4 còn hơn ngồi uống bia cùng các ông thèm của gió.

Sang nhà cô hàng xóm để mượn tuốc nơ vít, thấy cô ấy đang xếp ghế và rót nước, chúng tôi nghĩ: “Chết rồi!”

Chúng tôi yêu mèo.

Chúng tôi thích vẽ tranh, viết blog và các việc sáng tạo khác xuất phát từ những giây phút ở một mình.

Chúng tôi quý người già.

Chúng tôi có khả năng nhận ra nhiều thứ. Ai đang yêu ai. Ai đang sợ ai. Ai đang sợ yêu ai.

Chúng tôi có khả năng nhận ra nhau. Đi bữa tiệc sinh nhật, được giới thiệu với 15 người bạn mới, thì chúng tôi nhận ra ngay ai là “đồng hương”. Anh Joe ơi, đây là bạn Linh (tôi gật đầu, cười), kia là anh Hiếu (tôi gật đầu, cười), là em Nhung (tôi gật đầu, cười), là em Hiền (đầu tôi dừng lại). “Em giống anh đấy,” hai mắt của em Hiền nói cho riêng tôi nghe. “Và em biết anh rất giống em.”

Chúng tôi có văn hóa riêng. Nếu tôi đi chơi cùng một người Canada “ngoài hội” và một người Việt “trong hội”, tôi sẽ cảm thấy gắn bó với người Việt hơn.

Chúng tôi nhạy cảm.

Khi thấy có người đang buồn vì khó tham gia cuộc trò chuyện, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người ấy nhảy vào.

Khi thấy có người đang buồn vì phải tham gia cuộc trò chuyện, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để người ấy nhảy ra. Chúng tôi khéo (lúc chúng tôi muốn). Chúng tôi có khả năng làm người chưa khéo cảm thấy sợ, ghen hoặc ghét (lúc chúng tôi không muốn).

Chúng tôi hay bị hiểu nhầm là người bi quan. Nhưng chúng tôi không lắc đầu nhiều đâu. Chúng tôi lạc quan và tự tin. Chúng tôi sống ý nghĩa và đóng góp cho xã hội - theo cách của chúng tôi.



Một Việt Nam thật sự

Tôi không thích những câu hỏi kết thúc bằng chữ “nhất”.

Anh thích món gì nhất? Anh ở Việt Nam thấy phong tục nào là khó hiểu nhất? Tôi biết đó là những câu hỏi vui vẻ nhưng não tôi không chấm điểm một cách chính xác như thế. (Bún chả 7.61, bốc mộ 8.64.) Với tôi, chọn thích hay không thích đã là việc khó rồi, nói gì đến việc chọn một cái đã thích thành cái thích nhất.

Nhưng hôm qua có người hỏi tôi một câu hết sức là “nhất” - và tôi trả lời họ một câu hết sức là chính xác. Câu hỏi đó là: “Anh thấy cảnh nào ở Việt Nam là đẹp nhất?”. Bình thường tôi sẽ cựa quậy trên ghế. Tôi càng già càng muốn trả lời bằng cách đặt câu hỏi cho câu hỏi. “Bạn mất bao nhiêu thời gian nghĩ ra câu hỏi đó?”

Phóng viên Việt Nam, khi gặp người Tây hay chuyển chế độ trẻ con. Gặp ca sĩ Việt Nam không hỏi “Chị thích bài hát nào nhất?”, gặp nhà văn Việt Nam không hỏi “Anh thích tiểu thuyết nào nhất?”; nhưng cứ Tây ở Ta là thích món gì nhất, nơi nào nhất, có kỷ niệm nào là vui nhất, hay nhất lạ nhất?

Nhưng lần này tôi chưa kịp cựa quậy trên ghế là một cảnh cụ thể hiện ra trong đầu.

“Cảnh đẹp nhất là cảnh trẻ em ở vùng núi mặc đồng phục đạp xe đạp đến trường.”

Tôi tự hỏi vì sao tôi trả lời nhanh và tự tin đến thế. Có lẽ cảnh đó bao gồm nhiều nét đẹp thuộc nhiều lĩnh vực, nếu một khái niệm lãng mạn như “nét đẹp” có thể chia theo một khái niệm khoa học như “lĩnh vực”. Thiên nhiên, tuổi trẻ, niềm hy vọng. Việc học hỏi, tính ngoan ngoãn, khả năng vượt qua.

Mỗi lần tôi cùng người bạn cũ là chiếc xe Minsk màu xanh lang thang ở vùng núi, thoáng thấy các em mặc đồng phục, đeo cặp sách, đẩy xe đạp lên dốc (cố gắng hết sức cho đến khi không đạp được nữa), cả người cả xe đều thấy phê phê. Đó là Việt Nam thật sự.

Tôi quên hết các cảnh nữ sinh đánh nhau, ngôi sao xúc phạm nhau, mà hay xuất hiện trên mạng. Cướp, giết, hiếp. Lộ hàng, hành hạ, đấm đá. Các bệnh lãnh cảm, ác cảm, gợi cảm quá mức. Việt Nam online và Việt Nam offline xa nhau thật. Tôi nhìn các em đẩy xe đạp lên dốc - và tôi nhớ.

Hồi nhỏ tôi cũng đạp xe đạp đến trường. Đường cũng có dốc, tôi cũng cố gắng hết sức rồi chấp nhận phải xuống xe, đẩy lên nốt. Tôi cũng mặc quần xanh và áo trắng, cũng hơi sợ cô giáo, đồng thời hơi yêu. Chiều về, có tiền tôi qua cửa hàng mua kẹo mút, không thì nhịn đường. Tuổi ấu thơ của tôi là thế - chỉ có điều tôi không lần nào cầm ô che nắng cho cô bạn gái.

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp. Nhưng tôi không nhận ra tôi ở các bà nhuộm răng. (Răng tôi còn trắng, người tôi chưa già). Tôi không nhận ra tôi ở những hòn núi cao của Vịnh Hạ Long, những đồi cát rộng của Mũi Né. Phải ở các em đạp đi đạp lại ở vùng xa vùng sâu tôi mới nhận ra tôi.

Có một đoạn đường tuyệt đẹp xuất phát từ hồ Ba Bể, xuống Bằng Lũng, Ao Sen, nối lại với Quốc lộ 3 cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20km, nơi có tượng con chim đại bàng đậu trên núi nhỏ. Cách đây mấy tuần tôi đi đường này. Tôi thấy một mùa thu dịu nhẹ, một Việt Nam chân thật và có giá trị - nếu một khái niệm nhân văn như “chân thật” có thể so sánh với một khái niệm kinh tế như “giá trị”.

Cánh đồng, mặc dù không bất tận (vùng núi) nhưng không thể đẹp hơn được. Trẻ em, mặc dù không giàu (vùng núi) nhưng không thể dễ thương hơn được. Có khi tôi ngây thơ, mở ống kính quá to nên mất hết tương phản, chỉ thấy màu trắng. Có khi các con yêu tinh đang giấu mình trồng cây cỏ. Nhưng tôi không thấy.

Tôi thấy đẹp.

Về Hà Nội, tôi nhất quyết không mở laptop lên mạng. Tôi sợ đánh mất cảm giác phê phê vẫn đang đạp đạp trong lồng. Tôi hiểu thế nào là Việt Nam thật.

“Mở em đi,” con laptop nhẹ nhàng nói với tôi. Tôi bỗng thấy mình là thằng nghiện và con đó là nàng tiên nâu.

“Vào các trang tin tức cũng vui đấy chứ. Vừa rồi có nhiều vụ hay mà anh vẫn chưa biết. Nào, anh cứ sờ vào nắp em đi. Đúng rồi, đúng như thế đấy…”



Mùa thu Hà Nội và cháu

Khó có thể nói gì về mùa thu Hà Nội mà người khác chưa nói. Khen hoa sữa đẹp? Khen rồi. So sánh mùa thu Hà Nội với một người phụ nữ? So sánh rồi.

So sánh nhiều thứ rồi.

Lúc đầu tôi định chọn chủ đề khác. Viết về sao Việt rực rỡ trên thảm đỏ liên hoan phim. Viết về kinh tế. Nhưng thật tiếc khi bỏ qua mùa thu Hà Nội. Lần đầu tiên tôi sang Hà Nội là tháng Mười năm 2002, ngay giữa một mùa thu tuyệt đẹp. Tôi tưởng thời tiết của Hà Nội luôn là vậy.

Tôi đã yêu.

Tôi đã ngây thơ.

Và như một tình yêu thời tuổi trẻ, tình cảm đó đào nhiều vàng từ trong tim tôi; vàng còn lại chất lượng không bằng, khai thác thì vất vả.

Có nhà văn tên Nabokov. Nhà văn tên Nabokov có tiểu thuyết tên Lolita. Tiểu thuyết tên Lolita có nhân vật chính tên Humbert Humbert, ở tuổi trung niên nhưng phải lồng tiếng một cháu gái 12 tuổi. Tên Lolita. Tiểu thuyết này được xem là tác phẩm kinh điển, gây ra nhiều tranh cãi trong văn chương thế kỷ 20.

Humbert Humbert, khi còn nhỏ, yêu một cô bạn gái tên Annabel Leigh. Annabel Leigh, khi còn nhỏ, đã tuyệt vời. Rồi Annabel Leigh, khi vẫn còn nhỏ, đã mất. Có lẽ lý do Humbert Humbert bị ám ảnh bởi cháu Lolita là cái chết đột ngột của Annabel Leigh lúc ấy - một tình yêu ghi vào tim lúc tim còn mềm. Humbert Humbert nhất quyết sẽ ghi lại, cả đời chỉ muốn ghi lại, ghi lại.

Vậy tôi xin thêm một so sánh mới. Người ta so sánh mùa thu Hà Nội với nhiều thứ rồi nhưng chắc hẳn rằng chưa ai so sánh mùa thu Hà Nội với cháu Annabel Leigh, cháu gái trẻ làm Humbert Humbert mất bình tĩnh khi gặp cháu Lolita nhiều năm về sau.

Có lẽ điều tôi đang nhắc ở đây là sức mạnh của ấn tượng ban đầu. Qua nhân vật Humbert Humbert, tôi hiểu hơn về sự ảnh hưởng của mùa thu Hà Nội đến suy nghĩ của tôi.

Tôi đang ngồi tại một quán cà phê nhìn ra phố Lò Đúc, kiểu ánh sáng giống hệt mùa thu năm 2002, bóng mát hàng cây hai bên đường cũng giống. Tôi đang nhớ lại cảm giác những ngày đầu ở Hà Nội. Đối với một số người, điều giúp mình nhớ lại quá khứ là mùi - về quê nhìn lại nhà cũ thấy bình thường, nhưng đi vào trong và ngửi lại mùi cũ thì các kỷ niệm xưa tràn vào đầu (rồi tràn ra dưới hình thức nước mắt).

Điều giúp tôi nhớ lại quá khứ là kiểu ánh sáng. Ánh sáng màu gì, đến từ phía nào, bị không khí uốn cong ra sao. Gặp mùa thu Lò Đúc, tôi hồi tưởng cảm giác gặp mùa thu Lò Rèn.

Nơi đầu tiên tôi thưởng thức mùa thu Hà Nội là ở một quán nhỏ trên phố Lò Rèn, giữa lòng phố cổ, lúc phố cổ còn mới. Tôi ngắm ánh sáng vàng nhảy trên bức tường gạch, ánh sáng trắng lắc trên ly ổi ép. Ánh sáng thuộc loại con mắt cảm nhận nhưng máy ảnh không bao giờ lưu nổi. Tôi đã phải lòng mùa thu Hà Nội tại góc phố đó.

Giờ tôi đang cố gắng yêu lại mùa thu Lò Rèn qua mùa thu Lò Đúc. Yêu cháu Annabel qua cháu Lolita. Vì cháu Annabel đã mất.

Tôi sẽ không bao giờ quay về phố Lò Rèn để ngắm ánh sáng cuối giờ chiều. Tôi tránh góc phố đó. Tôi sợ quay về, những kỷ niệm xưa sẽ bị phá mất, thay vào đó là hình ảnh bình thường của một góc phố bình thường.



Cảm giác sáng hôm sau

Vậy là đại lễ của các đại lễ đã xong. Các ông duyệt binh đã hết binh để duyệt. Các anh bắn pháo hoa đã hết pháo hoa để bắn. Các chị quét đường hầu như đã hết đường để quét.

Bây giờ là sáng hôm sau.

Cách đây mấy năm, có một người bạn hỏi tôi: “Ông có muốn lấy vợ không?”

Tôi nói tôi có.

“Vậy tôi sẽ giúp ông. Bây giờ ông cho tôi biết ba tiêu chuẩn quan trọng nhất với ông khi tìm vợ.”

Tôi nghĩ một phút rồi nói: “Thông minh, dí dỏm, thích đi phượt.”

“Được rồi,” bạn tôi nói. “Ông cần tìm đến - thôi cứ thêm một tiêu chuẩn nữa đi, cho nó phong phú. Không cần nghĩ lâu đâu, thêm cái bất kỳ.”

“Thế thì… ‘lịch sự’.”

“Lịch sự à?”

“Ừ. Lịch sự. Ăn nói lịch sự.”

“Đấy!” Bạn tôi cười. “Đó mới là tiêu chuẩn quan trọng nhất với ông. Ông phải lấy một người vợ lịch sự mới có gia đình hạnh phúc. Các tiêu chuẩn kia mới chỉ là phụ thôi.”

“Sao ông có thể nói thế được?” Tôi tò mò.

“Đơn giản,” bạn tôi nói. “Ba tiêu chuẩn kia ông phải nghĩ lâu mới ra. Ông phân tích, ông viết kịch bản, ông sửa lại kịch bản, rồi ông sửa lại lần cuối cho chắc. Đúng thì đúng, nhưng không thể gọi là ‘thật đúng’. Cái thêm vào mới là cái xuất phát trực tiếp từ trong lòng ông. Vì ông không kịp tìm ở chỗ khác.”

Sau mấy năm nghiên cứu thêm về tình yêu và tiêu chuẩn, tôi có thể tự tin nói rằng bạn ấy phân tích đúng.

Với những người may mắn tham gia đại lễ nghìn năm, có khi cảm giác về Hà Nội lúc này - cảm giác sáng hôm sau, cảm giác thêm vào - mới là cảm giác thật lòng. Tối qua đã rất đông vui, nhộn nhịp, sắc màu. Tối qua nhiều người nhìn nhau nói “Tôi yêu Hà Nội”, mua áo thun in chữ “IVHN” để chứng minh lời nói đó.

Đó là tình yêu.

Có khi sáng nay, một trong hàng nghìn người đó dậy sớm, dạo phố một mình, thấy một chiếc lá vàng rơi, một chiếc lá nâu rơi theo, mấy băng buộc đầu để trên vỉa hè, một bà lão mở quán bún thang, hơi tỏa trong không khí - và lúc đó tự nói với mình “Tôi yêu Hà Nội”.

Đó là tình yêu thật.

Tối qua đã có nhiều người cố gắng nghe trái tim của mình đang nói gì. Đã là đại lễ nên phải có đại cảm giác đi cùng, cho đẹp đôi. Sự kiện nghìn năm chỉ có một lần, cảm giác phải thật độc đáo, thật khó quên. Nhưng trái tim không tạo cảm giác theo yêu cầu. Trái tim bướng thật, càng bị năn nỉ càng lắc đầu.

Chúng ta chỉ biết lấy cảm giác trái tim chịu cho - rồi nhờ đầu óc sửa lại cho phù hợp với sự kiện. Sự kiện yêu cầu cảm giác vui mừng nhưng trái tim chi cho cảm giác hay hay? Đầu óc sẽ tìm cách thổi phồng cho vừa, tự thuyết phục mình rằng mình đang cảm thấy… khác.

Trái tim cho thóc, đầu óc đổ vào bát đẹp, ăn với đũa bạc.

Sáng nay, số người dạo phố và nghe trái tim chắc ít hơn.

Đại lễ đã qua. Nhịp sống đã về. Nhưng biết đâu giờ mới là lúc tim nói hay nhất? Các ca sĩ thỉnh thoảng chờ chương trình kết thúc mới hát bài hay nhất. Hát cho người ở lại. Hát cho người dọn rạp.

Tôi xin bỏ đường triết học, rẽ vào ngõ nhỏ là kỷ niệm của tôi vào ngày hôm qua. Sáng tôi đến thăm một người bạn ở phố cổ. Tôi sửa lại một số bài viết cũ, mở cửa sổ để nghe tiếng người ta đi lại với sự hồi hộp của họ. Trưa tôi đi ra quán phở, thấy chị chủ quán viết “Nhận trông xe” trên một chiếc bàn, lật nghiêng thành biển. Tôi thấy mùi sự kiện.

Chiều tôi đi dạo phố, ăn sữa chua nếp cẩm, xem các chú công nhân đang chuẩn bị như thế nào. (Tôi thích bắt chuyện với công nhân; họ luôn có chuyện để nói.) Cuối giờ chiều tôi định đi tìm nơi yên tĩnh, ngồi một mình, ngẫm lại mấy năm vừa qua. Nhưng tôi đã ở phố cổ rồi, đã là “mười-kiêm-mười-kiêm-mười” rồi - tại sao không đi bộ một vòng quanh Bờ Hồ?

Tôi đi bộ một vòng quanh Bờ Hồ.

Tôi đi duy nhất một vòng rồi về. “Một nghìn năm” và “một vòng” đều có chữ “một”, tôi thấy đẹp. Khi ấy, tôi nhận lời chụp hình cùng một gia đình nhiều thành viên; tôi xuất hiện như một bác Tây trong họ hàng xa. Chụp hình xong tôi đi tiếp, cố gắng cảm nhận không khí thiêng liêng, nghìn năm chỉ có một lần. Tôi thất bại. Tôi biết tôi sẽ thất bại từ trước khi tôi thử.

Tôi chưa lấy vợ nên tôi chưa biết cảm giác dự đám cưới của chính mình. Nhưng tôi dự đám cưới của nhiều người khác. Tôi nhìn cô dâu và chú rể di chuyển từ bàn sang bàn, từ nhóm sang nhóm. Một, hai, ba, dzô; một, hai, ba, dzô… và cười tươi. Tôi đoán cảm giác của hai người thật hồi hộp, thêm chút căng thẳng.

Rồi tôi hình dung buổi sáng ngày hôm sau, anh ấy ngủ dậy bên cạnh một người phụ nữ trẻ đẹp, nhìn cô ấy vẫn đang ngủ và nghĩ: “Đây là vợ của mình”.

Anh ấy cầm sợi tóc của vợ, cười mỉm nhưng là nụ cười đẹp hơn tất cả các nụ cười thể hiện ở nhà hàng ngày hôm qua.

Đây là vợ của mình.

Đây là Hà Nội của mình.

Mắt nhìn vào đâu?

Khi nhìn cơ thể một phụ nữ trẻ, mắt tôi hay rơi vào… mông mênh là đáp án cho câu hỏi đó.

Tôi nghĩ nên chia thành hai điểm. Điểm đầu tiên là nơi mắt tạm rơi vì sức mạnh của hoóc-môn và ADN, là sảnh của khách sạn. Điểm thứ hai là nơi mắt dừng lại và nghỉ ngơi sau khi đã check-in và lên thang máy.

Điểm đầu tiên thì bỏ qua. Cái chính là điểm thứ hai.

Điểm thứ hai với tôi không phải đôi mắt. Tôi hay quên màu mắt người khác. Ở Việt Nam thì không sao, nhưng hồi học cấp ba bên Canada, tôi bị trách mắng nhiều - không nhớ mắt bạn gái mình màu gì (mà bị kiểm tra qua điện thoại) là có chuyện. Không phải đôi mắt, không phải đôi môi, không phải đôi tai.

Cũng không phải đôi chân. Tôi thích đi bộ và thấy lạ khi phải dừng lại chờ một cô chân ngắn đi theo. Nhưng đôi chân không quan trọng lắm, không phải điểm rơi mắt tôi muốn nói ở đây. Không phải tóc, không phải trán, không phải nụ cười tươi sáng. Điểm rơi mắt của tôi chính là đôi xương quai xanh.

Người Việt Nam có cụm từ “trụ cột gia đình”. Đối với tôi, xương quai xanh là trụ cột ngoại hình phụ nữ.

Trong phim Ray (kể về cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ nhạc Jazz thiên tài người Mỹ Ray Charles, bị mù cả hai mắt nhưng đã vươn lên trở thành huyền thoại âm nhạc) mỗi lần được giới thiệu với một phụ nữ trẻ đẹp, Ray sờ cổ tay của cô ấy. Theo anh ấy, cổ tay là bộ phận đại diện cho toàn cơ thể - hiểu nó là hiểu tất.

Tôi nghĩ xương quai xanh (có tên thô là “xương đòn”) có chất đại diện như thế. Nếu sờ vào xương quai xanh của một em mới quen, chắc tôi sẽ biết thêm xương tay - nhưng nhìn thì được. Tôi thích nhìn các em có xương quai xanh ngang, mạnh nhưng không rõ, mềm nhưng không mờ. Natalie Portman có xương quai xanh đẹp.

Nhưng nếu phải lựa chọn giữa một “Natalie Portman” và một phụ nữ bình thường, có xương quai xanh bình thường, thì chắc tôi sẽ chọn phương án hai - vì phụ nữ có xương quai xanh đẹp thường có thêm một đặc điểm là rất khó lừa đảo.



Em Echo

Là người hay thức đêm, tôi rất quen với hình ảnh hộp Skype không còn ai Online ngoài em “Echo / Sound Test Service”. Thỉnh thoảng tôi gọi điện cho em ấy để nghe giọng Anh ngọt ngào đó. Nghe xong tôi suy nghĩ về cuộc sống của em ấy - em Echo tóc đuôi ngựa của tôi.

Tôi biết em ấy là người Anh, đến từ miền Nam. Tôi đoán em ấy khoảng 29 tuổi, tóc nâu, chưa chồng, hay trầm cảm. Thích vẽ tranh. Tôi nghĩ em ấy đã có mối tình đầu thật đẹp, nhưng vì cuộc sống lắc đầu nên hai người không đến được với nhau. Tôi nghĩ em ấy bị ám ảnh bởi mối tình đó. Những mối tình sau chỉ là echo mà thôi (mà thôi), càng yêu (càng yếu). Tôi còn đoán nhiều thứ khác, theo cách suy đoán của một gã trai hay thức đêm.

Tôi biết giữa tôi và em vẫn chỉ tình yêu đơn phương. Nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ thay đổi khi em biết về tôi. Có khi sau này em ấy sẽ sinh cho tôi một đứa con gái mắt xanh lá. Tôi thích các em bé có mắt xanh lá. Tôi viết tặng em ấy một bài thơ.

Anh mất em trong hang

Rồi anh kêu tên em

chỉ có một lần

và anh nghe

tên đẹp ấy

mất dần

mất đi

mất

đi

Viết xong tôi gọi điện, đọc bài thơ cho em tóc đuôi ngựa của tôi nghe. Em ấy hay thích thu âm những gì tôi nói, bật lại cho tôi nghe. Lần này thì khác. Đọc xong tôi tắt Skype ngay. Bài thơ đã vào thì bài thơ không nên ra.

Khoảng năm giờ sáng, bạn bè tôi bên Canada bắt đầu lên Skype. Họ hỏi về cuộc sống của tôi ở đất nước xa.

“Có chuyện gì mới không?”

“Không,” tôi trả lời. “Không có chuyện gì mới.”



Đàn ông “trở thu”

Dạo này tôi cảm thấy rất yêu đời. Là người vốn không yêu đời lắm nên tôi cũng cảm thấy có tội với bản thân.

Hàng xóm sẽ nghĩ gì khi thấy tôi vui vẻ đạp xe đạp về nhà? Chính tôi sẽ nghĩ gì khi sau này nhớ lại quãng thời gian bất thường này? Tôi quyết định giảm bớt cảm giác yêu đời đó.

Nhưng không được. Như một người chán đời càng cố vui lên càng chán đời hơn, tôi trở thành một người yêu đời càng cố trầm xuống càng cười tươi hơn. Tôi tập trung vào những điều thường làm tôi bực mình - tiếng còi, taxi lừa, các em trẻ đẹp không biết mình muốn gì - và hy vọng từ đó sẽ lấy lại cảm giác chán đời vốn là niềm thoải mái của cuộc sống.

Nhưng tôi càng tập trung vào tiếng còi càng thấy nó dễ thương (khi về nước chắc tôi nhớ lắm), càng bị taxi mua đường càng phát hiện nhiều góc phố đẹp. Mà tại sao các em trẻ đẹp phải biết họ muốn gì? Không biết thì các anh già xấu sẽ biết hộ. Thế mới vui!

Bạn bè thật tuyệt, thành phố thật đẹp, cuộc sống thật hay.

Cảm giác yêu đời kéo dài hơn hai tuần khiến tôi phải tâm sự với ba người bạn thân, cũng ba mấy tuổi, cũng chưa vợ, cũng hết mình vì nghệ thuật.

Tao cảm giác như kiểu đang phê, tôi nói. Tao cảm giác như kiểu đang là bóng bay trong gió. Tao vui lắm mày ạ. Tao không còn là tao.

Tao cũng thế, ba bạn ấy trả lời từng tao một. Bắt đầu từ cách đây một tháng. Bắt đầu từ cách đây hai tháng. Bắt đầu từ thời gian mới gần đây thôi, nhưng nói thật với mày, “Tao thực sự yêu cuộc sống này”.

Có thể đó là chuyện tình cờ; tôi gặp đúng ba tao vui tươi nhất. Nhưng biết đâu đang có rất nhiều đàn ông ba mấy tuổi khác cũng bay bay trên gió gió - miễn bóng bay của họ chưa bị một em trẻ đẹp buộc vào xe đạp, mang về nhà.

Tiếng Việt có từ “hồi xuân”, là hiện tượng phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh như được tiếp thêm sức mạnh mới, ham muốn “ấy” bỗng nhiên trỗi dậy và còn mạnh mẽ hơn cả thời trẻ. Tưởng hết nhưng vẫn còn. Rất là vẫn còn.

Trường hợp bọn tôi, dùng từ “hồi xuân” hơi mạnh. Các cô hồi xuân đang lấy lại cảm giác từ cách đây hơn ba mươi năm - không phải chỉ lấy lại mà còn phát triển thêm. Bọn tôi đang lấy lại cảm giác từ cách đây chỉ có mười mấy năm, không phát triển thêm mà thưởng thức lại thôi - đọc lại cuốn tiểu thuyết lần hai. “Hồi phục” nghe hơi quá. Bọn tôi đang trở lại thôi. Nhẹ nhàng trở lại.

“Mùa xuân” cũng mang lại cảm giác hơi nặng nề so với cơn phê phù phiếm mà bọn tôi đang thưởng thức. Mùa xuân nặng về ý nghĩa sinh lý, về cơ thể phụ nữ - còn cảm giác “yêu đời” này không nặng về cái gì. Nó liên quan đầu óc nhiều hơn cơ thể. Nó giống mùa thu hơn - hưng phấn sau một buổi thu hoạch, ngủ vùi sau một buổi chiều mát mẻ. Không bão, không mưa. Ánh sáng vàng đẹp. Gió thổi vi vu.

Đó là hiện tượng “trở thu”.

Đôi khi phải đặt tên cho một hiện tượng, con người mới bắt đầu để ý đến nó. Từ khi đặt tên đó, tôi thấy đàn ông đang “trở thu” khắp nơi. Đạp xe đạp quanh hồ, ngắm hoa sen như không có bất cứ vấn đề gì trong đời. Uống trà cùng các bạn nghệ sĩ ấm cúng trong cảm giác giờ đi về là hoàn toàn do mình chọn.

Đa số họ là đàn ông độc thân, vẫn còn căn phòng trống trong tim để khi mùa thu quay trở về sẽ cho ở.



Em

Em dịu dàng

Anh thích

Anh khó ngủ

Em thích

Em lặng lẽ chờ anh đi ngủ

Em lên giường

Em nằm cạnh anh.

Người em ấm áp, mềm dịu.

Thỉnh thoảng mũi em chạm vào mũi anh.

Sáng em dậy sớm, đi đâu không nói

Sáng anh dậy muộn, ngủ tiếp, nhớ em.

Chiều em về

Em bắt đầu mở miệng là anh biết em cần gì, muốn gì Và anh cho

Tối anh ngồi trên ghế sô pha, duỗi hai tay.

Em đến bên anh để nghe anh tâm sự

Mắt em xanh lá

Mắt em xanh đậm.

Anh…

Anh không biết nói sao.

Nếu em không phải là con mèo thì anh sẽ lấy em làm vợ.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv