Năm 1922
Hạc Hiên và Thanh Ca vừa về đến thị trấn thì trời cũng tối hẳn. Nàng cứ mãi ngẩn ngơ về câu chuyện chú hạc và khúc hát kia nên chẳng mảy may để ý đến cảnh vật xung quanh. Chỉ khi bà cụ chạy đến, lay mạnh tay nàng trong vui sướng, nàng mới sực tỉnh, nhanh chóng quay về thực tại.
- Hai người về rồi. - Bà không kìm nổi mà reo lên - Mau mau vào trong kẻo lạnh.Chàng gật đầu thay nàng, theo bà trở vào trong. Mọi người trong thị trấn đã đợi ở phòng lớn hơn hai canh giờ, chỉ chực hai người quay về là xúm lại, hỏi han liên tục.
- Bọn họ có làm gì ngài không?
- Có ai dám đụng đến Vương phi không?
...
Chàng cười hiền, vội vàng trấn an bọn họ:
- Ta và Thanh Ca thực sự không sao, khiến mọi người lo lắng rồi.
- Thấy chưa, ta bảo rồi. - Bà cụ đắc ý tiếp lời - Không ai có thể làm hại đến Tuệ Vương đâu.
- Mọi người không sao chứ? - Chàng hỏi - Có bị bọn chúng gây khó dễ không?
- Chúng ta đều không sao. - Ông lão lụ khụ đáp - Chỉ có con của bá mẫu là bị đánh cho bầm dập, gần hai canh rồi vẫn sốt li bì chưa tỉnh.
- Bọn ác ôn. - Nàng gắt lên - Bá mẫu, cậu ấy ở đâu? Ta có thể đến thăm được không?
Bà cụ xúc động gật đầu, dắt nàng rời khỏi phòng lớn. Đứa trẻ nằm gọn trong chiếc chăn bông, mặt mũi bầm dập đến thương. Bà cụ đã tra thuốc, chườm khăn nhưng mãi mà nó chưa tỉnh. Nàng vừa nhìn thấy đã bắt được bệnh, liền xin ít thảo dược quý mới kiếm được từ chỗ đại phu, thức đêm sắc thuốc cho nó. Nàng thương đứa trẻ hẵng còn bé mà phải chịu nhiều đả kích, cũng chẳng khác nàng năm xưa vừa tròn mười tuổi đã mất mẹ, ăn xin khắp nơi cùng chốn. Nghĩ đến mà đã thấy chạnh lòng.
Bà cụ bảo nó yếu ớt không chịu được đau nên mới khai ra tung tích, gây khó khăn cho nàng và Hạc Hiên. Nàng trấn an, bảo rằng Tuệ Vương túc trí đa mưu, chút chuyện ấy đều không thành vấn đề. Chỉ có điều để đứa trẻ bị lũ lính lệ đánh đập như vậy, nàng quả thật không đành lòng.
- Sắc thuốc xong, có lẽ chúng ta sẽ rời đi. - Nàng nói.
- Sao có thể như vậy được ạ? - Bà cụ kêu lên thảng thốt.
- Khi xưa chàng là Tuệ Vương nơi nơi chào đón thì ta không nói. Bây giờ thân phận đã đổi thay, không tiện làm phiền đến mọi người.
- Có là gì? - Bà mếu máo - Được cưu mang Tuệ Vương và người là hạnh phúc của chúng ta. Sao người lại nỡ nói ra những lời như vậy?
- Bá mẫu. - Nàng đỡ lấy vai bà thủ thỉ - Xin hãy giúp ta chăm sóc cậu ấy. Thuốc này cứ sắc theo đơn ta đã kê, ngày uống ba lần thì sẽ khỏi hẳn thôi.
- Nói như vậy là người vẫn quyết đi hay sao? - Bà gạt nước mắt, nghẹn ngào nhìn Thanh Ca.
- Phải. Ta chỉ xin bá mẫu và mọi người giúp ta và Tuệ Vương thêm một việc nữa.
Việc mà nàng nói, có lẽ đã được bàn tính từ trước. Nghe lũ lính lệ kháo nhau rằng Hoàng đế đang hấp hối, thời gian chỉ còn tính bằng ngày, chàng liền nghĩ ngay đến chuyện trở về kinh đô. Dẫu biết nguy hiểm trập trùng, gian khó bủa vây, chàng vẫn không thể giương mắt đứng nhìn phụ hoàng chết dần chết mòn trong tẩm cung. Chàng định sẽ theo xe vải của Lam Thành quay về Hồng Thanh. Nàng bảo kế hoạch này có vẻ hơi khó khăn vì một chiếc xe nhỏ như vậy lấy đâu ra chỗ mà trốn? Chàng lắc đầu, vội nói:
- Xe vải có đến hai ngăn, ta và nàng sẽ nằm ở ngăn dưới, ngăn trên phủ vài cây vải lên là đã đủ để qua mắt đám lính canh.
Đơn giản mà cũng thật hợp lí, nàng nhanh chóng bị kế hoạch của chàng thuyết phục. Sau khi cùng chàng bàn bạc, người dân trong thị trấn đã quyết định đi hàng ngay trong đêm để có thể đến kinh đô càng sớm càng tốt. Cả hai tạm biệt mọi người rồi mau chóng lên xe, theo về Hồng Thanh.
Chàng vào một xe, nàng vào một xe, cả hai dùng dao khoét một lỗ trên thành cho thoáng khí, nằm im chờ qua cửa. Chuyến đi kéo dài hai ngày hai đêm, không ít lần bị lũ lính gác chặn lại, đòi kiểm tra xe hàng. May mắn thay, chàng đã kịp đưa cho chủ xe một túi vàng, dặn có khó khăn gì cứ đưa ra một cục vàng, chắc chắn sẽ qua được ngay.
Cuối cùng, cả hai thành công đến được kinh đô. Từ biệt chủ xe ở quầy vải, chàng kéo tay nàng về phòng trọ, vờ làm khách phương xa đến thuê phòng. Thấy chàng thân thế bí hiểm, mặt lại bịt kín mít, lão chủ không khỏi nghi ngờ. Nhưng ở kinh đô, chuyện gì cũng có thể giải quyết được bằng tiền. Chàng vừa tung cho lão mấy đồng, lão đã đon đả dẫn chàng lên căn phòng tiện nghi nhất của quán. Chàng gật đầu hài lòng, dẫn nương tử vào trong rồi đuổi khéo. Lão vâng vâng dạ dạ rồi lui xuống dưới, nhường không gian riêng cho cặp đôi trẻ.
- Chàng đói chưa? - Nàng gỡ mạng che mặt, quay ra hỏi Hạc Hiên.
Chàng lắc đầu không đáp, tựa như có chuyện gì không được vừa ý. Hỏi ra mới biết chàng đang lo cho phụ hoàng, chỉ sợ về đến tẩm cung thì đã không kịp gặp mặt.
- Ta ít khi thấy chàng kể về phụ hoàng. - Nàng bảo.
Chàng không kể cũng phải thôi, vì giữa chàng và Hoàng đế chưa từng tồn tại bất cứ kỉ niệm nào sâu sắc như với mẫu phi. Nếu có cũng chỉ là một chút gợn sóng giữa biển khơi, căn bản rất khó đọng lại trong trí nhớ. Điều chàng nhớ nhất về ông chính là sự thờ ơ trước cái chết tức tưởi của mẫu phi.
- Nam quốc sơn hà, Nam Đế cưTuyệt nhiên định phận tại thiên thưNhư hà nghịch lỗ lai xâm phạmNhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Mẫu phi ơi, con đã học thuộc bài thơ rồi, sao người vẫn còn chưa dậy?
Đứa trẻ khẩn khoản cầu xin, ngây thơ tin rằng chỉ cần nó chuyên tâm đèn sách thì mẫu phi sẽ tỉnh lại, xoa đầu khen ngợi nó. Nhưng nó nào có hiểu, người đã về nơi chín suối, vĩnh viễn không thể nghe nó đọc thơ nữa. Người đã ra đi, cỗ quan tài cũng đã đóng nắp, thế mà nó cứ cố chấp dập đầu vái lạy, chưa đủ một nghìn cái thì không đứng dậy. Người làm thấy trán nó be bét máu, muốn đón nó về tẩm cung chăm sóc, nhưng bị nó gạt phắt đi. Ngoài mẫu phi ra, nó có nghe lời ai bao giờ? Kể cả Hoàng đế uy cao ngất trời thế kia cũng phải chịu thua trước độ lì lợm của nó.
- Người đâu, lôi Nhị Hoàng tử ra ngoài. - Ông ra lệnh - Sau ấy cho người mang linh cữu của Huệ phi đi đi. Ở đây quá hôi thối rồi.
- Không! - Nó hét vào mặt thiên tử - Không ai được mang mẫu phi của con đi.
Nó ghì chặt lấy cỗ quan tài, bị đám nô tì kéo rơi cả giày vẫn không chịu buông.
- Hiên nhi, ta nói con có nghe chưa? - Hoàng đế tức sôi máu, vào trong gỡ tay nó ra khỏi - Con còn ở đây thêm nữa thì sẽ sinh bệnh đấy có biết không?
Nó thẫn thờ không nói nên lời, chợt nhận ra mẫu phi đã nằm đây được bảy ngày rồi mà chẳng ai đến thăm nom. Chỉ đến khi mùi hôi thối của xác chết nồng nặc bốc lên, bủa vây cả cung điện, Hoàng đế mới sai người đến dọn linh cữu, đem đi chôn cất.
- Nhưng mà đây là mẫu phi của con mà! - Nó vùng vằng.
- Huệ phi đã chết rồi, con hiểu không? - Ông nạt cho nó tỉnh ngộ - Đường đường là một nam nhi, sao lại có thể yếu đuối đến như vậy?
Bởi vì nó thương mẹ, chỉ vậy thôi. Những lúc vua cha bận việc triều chính không đến thăm nom, mẹ nó phải giả dạng thành nam nhân cùng nó đá cầu cả buổi, cốt là để nó quên đi lời hứa gió bay của phụ hoàng. Khi nào bị các phi tần và huynh đệ chèn ép, nó lại tất tưởi chạy về, sà vào lòng mẹ mà khóc. Mẹ bảo nó không được phép yếu đuối, dù chỉ là một giây. Nước mắt để rơi chính là đã thua thiệt so với đối phương. Vậy bây giờ, nó có đang thiệt hay không? Chính xác là có, nhưng là thua với chính nó.
Nó đang lừa ai chứ? Mẹ nó đã chết, một cái chết vô cùng oan ức. Vị Hoàng hậu kia ngoài mặt thì cười nói vui vẻ, bên trong tâm can như giằng xé, chỉ muốn diệt cỏ tận gốc, không để Huệ phi được sống yên ổn. Người sống ngay thẳng thì làm sao bì được với kẻ tàn độc nham hiểm? Hoàng hậu gây hiềm khích, đổ hết tội lỗi lên đầu Huệ phi rồi ngang nhiên đầu độc nàng đến chết. Hoàng đế chứng kiến tất cả cũng chỉ biết nhắm mắt làm ngơ, sợ rằng một chút quan tâm đến cố nhân cũng sẽ dễ dàng đánh mất hoàng quyền.