Mở đầu một câu chuyện luôn như vậy: tình cờ đưa đến, bất ngờ xảy ra, không kịp phòng bị. Kết thúc một câu chuyện luôn là thế: hoa nở đôi bông, chân trời cách biệt.
Hy vọng sẽ le lói khi ta trải qua nhiều lần tuyệt vọng.
Tôi có người bạn tên Trần Mạt, tính khí rất tệ, ngớ ngẩn không thuốc chữa, một ngày cậu ta có thể đánh rơi chìa khóa nhà ba lần. Thế là cậu ta nghĩ ra một cách, gửi một bộ chìa khóa cho người hàng xóm ở nhà đối diện mà quan hệ giữa họ khá thân thiết. Kể từ đó, cậu ta hớn hở rời khỏi nhà mà không cần bận tâm chuyện chìa khóa.
Có lần đi công tác về, lúc đó vào buổi chiều, nhiệt độ ngoài trời khoảng 37 độ, cậu ta thở hồng hộc, mồ hôi đầm đìa lưng áo. Vừa vào nhà thì thấy cảnh tượng này: có khoảng mười mấy người trong căn hộ của cậu ta. Ba máy điều hòa đang bật, ba ti vi đang mở, ba cái máy tính đang chạy. Bọn trẻ con thì vừa quấn chăn vừa ăn kem. Các ông già, bà lão thì mặc áo bông chơi mạt chược. Vợ của người hàng xóm đang đẩy cửa sổ ra và nói:
- Mở cửa ra cho thoáng, cho bớt lạnh, trong nhà lạnh quá.
Hàng xóm thấy Trần Mạt đi vào nhà thì tái mặt, vừa mắng vợ vừa kéo tay con, vừa cười cười, giải thích:
- Nóng quá, mà điều hòa nhà tôi bị rò nước...
Hôm sau, Trần Mạt lắp khóa nhận diện vân tay, chào tạm biệt chìa khóa.
Nếu đánh rơi chìa khóa đã thành bệnh nan y, thì chỉ còn cách không dùng chìa khóa nữa.
Trần Mạt ly hôn năm 32 tuổi. Cậu ta nghĩ, thế là hết, hạnh phúc đã ra đi. Ngày ngày mượn rượu Vodka giải sầu, sau ba tháng tăng thêm hai mươi ký lô, cậu ta không nói với bất cứ ai. Bạn bè cũng không dám hỏi, nên không biết đã xảy ra chuyện gì, chỉ lẳng lặng đến quán bar với cậu ta, chuyện phiếm trên trời dưới bể, và lặng nhìn màn đêm thăm thẳm in trong đáy mắt.
Không thể không buồn.
Buồn là bởi vì không đành lòng. Vì không đành lòng nên không muốn thổ lộ, thậm chí chẳng muốn nghe một lời an ủi. Mang thân đến chốn huyên náo, nhưng kể từ lớp biểu bì trở vào, tất cả đều chìm trong im vắng, quạnh quẽ, tịch lặng.
Nếu buồn bã, ưu phiền đã thành bệnh kinh niên, cách nào cũng không vui lên được vậy thì chỉ còn cách làm cho hết buồn, hết lụy.
Uống liền mấy hôm, nhưng cậu ta phát hiện trong thẻ vẫn còn tiền. Rồi chợt nghĩ, tôi là người đàn ông 32 tuổi, nếu chỉ mình tôi tiêu thì khó mà tiêu cho hết. Tôi có thể ngồi khoang hạng thương gia, có thể mua quần áo mà không cần nhìn mác giá, có thể thoải mái sắp xếp thời gian, có thể thích lúc nào là vào khách sạn ngủ một giấc lúc ấy, tè dầm ra giường cũng không lo phải đi giặt, có thể ga lăng thanh toán tiền hóa đơn cho cô em ở bàn ăn bên cạnh.
Cậu ta khoác ba lô lên vai, tái khởi động những chuyến đi đứt đoạn mấy năm qua. Từ năm 32 đến năm 33 tuổi, vé tàu hỏa và vé máy bay của cậu ta xếp lại có đến ba trăm tờ.
Lúc buồn, dù bạn đi đến đâu bầu trời dường như cũng đều nhạt nhòa nước mắt.
Trần Mạt bắt quen với một anh bạn họ Vương trong ngôi chùa nhỏ ở Việt Nam. Anh Vương đeo trước ngực chiếc máy ảnh 5D2. Anh ta thuê một nhà nghỉ ở Hà Nội đã hơn bốn mươi ngày, chỉ để lang thang đây đó. Anh ta kể, hai vợ chồng từng hưởng tuần trăng mật ở đây, sau đó họ ly hôn và giờ anh ta muốn quay lại nơi này, không phải vì lưu luyến kỷ niệm mà chỉ để chờ một gã người Pháp làm việc trong quán bar ở đây.
Năm đó, anh ta đưa vợ đến quán bar của gã người Pháp kia. Kết quả, gã người Pháp quá chén, nói bằng tiếng Pháp, bảo anh ta là người đàn ông xấu xí theo đúng chuẩn châu Á. Anh Vương biết tiếng Pháp, nghe thấy thế rất muốn ra tay, nhưng vợ anh ta ngăn lại, bảo người ta nói gì mặc họ, em yêu anh là được.
Năm đó, anh ta đưa vợ đến quán bar của gã người Pháp kia. Kết quả, gã người Pháp quá chén, nói bằng tiếng Pháp, bảo anh ta là người đàn ông xấu xí theo đúng chuẩn châu Á. Anh Vương biết tiếng Pháp, nghe thấy thế rất muốn ra tay, nhưng vợ anh ta ngăn lại, bảo người ta nói gì mặc họ, em yêu anh là được.
Mấy năm sau họ ly hôn, anh ta vô cùng đau khổ, bèn quay lại Hà Nội, trong lòng mang một khao khát mãnh liệt là phải quyết đấu một trận với gã người Pháp kia.
Nhưng dù đã thử nhiều lần, anh ta vẫn không sao gạn đủ dũng khí để tẩn cho gã kia một trận, kế hoạch vì thế bị kéo dài đến mấy tháng.
Trần Mạt và anh Vương uống một trận say bí tỉ, sau đó hai người phục sẵn bên ngoài quán bar, chờ khách khứa về hết, lúc đó đã là rạng sáng, gã người Pháp ngật ngưỡng ra khỏi quán. Trần Mạt và anh Vương đưa mắt nhìn nhau, cả hai cùng hét lên, rồi cùng xông vào quần nhau với gã người Pháp.
Mấy tay người nước ngoài đéng bên vừa xem vừa cổ vũ: Cố lên. Ba người quần nhau, ai nấy mũi dập mặt phù, sau mười mấy hiệp thì họ lăn lộn trên đất, anh kéo quần tôi, tôi đấm mông anh, và không ai báo cảnh sát.
Gã người Pháp vừa thở phì phò vừa nói mấy câu, sau đó hai người bắt tay nhau, rồi gã vất vả đứng lên, cùng mấy tay ngoại quốc khác tươi cười vui vẻ đi mất.
Trần Mạt hỏi anh Vương:
- Thằng chó nói gì đấy?
Anh Vương yếu ớt đáp:
- Hắn bảo hắn vẫn nhớ tôi, hắn cứ nghĩ tôi sẽ đẹp trai hơn cơ, nào ngờ, xét về tổng thể tôi vẫn xấu xí như cũ. Và để bày tỏ sự cảm thông, gã bảo nếu tôi đến quán gã uống rượu, gã sẽ giảm giá cho tôi.
Trần Mạt chửi:
- Tổ cha nó!
Anh Vương vừa ngước nhìn hừng đông đã vượt qua dãy dây điện chằng chịt, vừa khóc vừa cười;
- Tôi có thể về nước được rồi.
Trần Mạt bảo:
- Về nước làm gì?
Tôi nghĩ kỹ rồi, không thèm làm trợ lý Tổng giám đốc nữa. Tôi sẽ bán căn hộ, về Giang Tây mua nhà, đón bố mẹ về ở cùng, họ vẫn ngày đêm thương nhớ quê hương Giang Tây của họ. Tôi thích quay phim chụp ảnh, chụp ảnh cũng có thể nuôi sống bản thân kia mà, việc quái gì phải đâm đầu làm những việc mình không thích. Năm nay tôi 36 tuổi, đã ly hôn, bố mẹ còn mạnh khỏe, việc quái gì tôi phải ép mình làm những thứ mình không thích.
Tôi đã yêu cô ấy, mãi mãi yêu cô ấy. Sau này tôi sẽ yêu người khác, thế giới của tôi sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn, vì từ nay nó đã có thể dung nạp một người khác trong đó.
Chúng ta từng mơ về những nơi mình muốn sống. Ví như, những thôn làng lững lờ khói bếp, những núi sông tươi đẹp, rực rỡ hệt như những nụ cười trong giấc mơ, những con đường nhỏ xinh xắn tựa một bài thơ. Hoặc những thị trấn mái ngói thấp lè tè uốn cong, sáng sớm người già thức giấc, tháo cửa gỗ xếp gọn, dòng nước uốn lượn chảy trước cửa nhà, soi bóng những chiếc đèn lồng. Hoặc một căn nhà gỗ dựng bên bờ biển, ban ngày biển cả mênh mang, thăm thẳm, buổi tôi lửa trại bập bùng, rộn rã. Bạn sẽ ngồi mơ mộng trên bãi cát êm mịn như nhung. Hoặc thảo nguyên bao la, nơi ánh nắng thỏa sức nô đùa, chạy nhảy, mỗi lúc nằm xuống, bạn thấy mình là một mặt hồ.
Lúc uống say, Trần Mạt đã viết mấy câu này:
Mở đầu một câu chuyện luôn như vậy: tình cờ đưa đến, bất ngờ xảy ra, không kịp phòng bị. Kết thúc một câu chuyện luôn là thế: hoa nở đôi bông, chân trời cách biệt.
Bạn mải mê kiếm tìm một hình bóng, trong tiết tấu của ca khúc,trong không gian bao la muôn trùng, trong khoảng cách giữa bốn mùa, trong chiều hoàng hôn thành phố. Nhưng càng đi dấu chân xa xôi, mà bờ bến thì ngày một gần. Sau đó, bạn nhận ra rằng, hình bóng cứ thấp thoáng luôn luôn trong ký ức của bạn, là chính bạn.
Nhớ nhung chẳng thà chờ đợi, chờ đợi chẳng thà nên từ bỏ thì hãy từ bỏ.
Lúc buồn, dù bạn đến đâu, bầu trời dường như cũng đều nhạt nhòa nước mắt.
Sau đó, bạn chợt hiểu, có lẽ vì vậy bầu trời mới sáng trong như thế, đến mức có thể nhìn thấu chính mình. Và sống cuộc đời mình mong muốn.
Thượng Đế sẽ buộc bạn phải trả giá cho cuộc đời mà bạn muốn được sống.
Hãy chăm sóc tốt cho bản thân, vì chỉ khi yêu bản thân, bản mới có thể yêu thương người khác. Nếu bạn u uất, đau khổ, tổn thương, mất tự do, thì trái tim bạn sao có thể là căn phòng ấm áp, bao bọc hết thảy những người quan trọng với bạn được? Nếu trái tim bạn loang lổ thương tích, thì người nào ẩn trú trong đó cũng sẽ bị mưa gió dập vùi.
Bạn tìm mọi cách thay đổi, để thích nghi với thế giới này. Nhưng vì thương hại bản thân, bạn lén giữ mộ phần riêng tư nhỏ nhé. Và khi bạn đến một nơi tuyệt đẹp, bạn nhận ra, phần nhỏ bé đó đang đâm chồi, nảy lộc và lan rộng, lặng lẽ mà quyết liệt, không chút sợ hãi.
Thượng Đế sẽ buộc bạn phải trả giá cho cuộc đời mà bạn muốn được sống. Nhưng thành quả sau cùng mà Thượng Đế ban tặng cho bạn, là một con người hoàn chỉnh.
Những khi rảnh rỗi, tôi kể bạn nghe câu chuyện trước giờ đi ngủ, nhưng tôi tuyệt nhiên không có ý rao giảng những cách thức giải quyết vấn đề, tôi chỉ muốn nói với bạn, cuộc sống tồn tại những vấn đề như vậy.
Chúng ta rồi sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề này, mỗi người một cách, vì thế không ai cần ai dạy bảo. Chúng ta chỉ cần thời gian. Thời gian là cơn sóng bạc đầu không bao giờ ngơi nghỉ, vào một ngày đẹp trời, lúc bạn sơ ý, cơn sóng sẽ đẩy bạn lên trời cao biển rộng khôn cùng.
Trần Mạt chính là bản thân tôi, Trần Mạt hay “ trầm mặc” (1)
(1) Trong tiếng Trung Quốc từ “Trần Mạt” đồng âm với từ “trầm mặc”.
Bởi vì tôi cố chấp, bởi vì tôi không đành lòng, bởi vì tôi đã trải qua nhiều lần tuyệt vọng, cho nên tôi nhìn thấy hy vọng le lói.
Dẫu rằng hoa nở đôi bông, cuối cùng cũng đến ngày chân trời cách biệt. Cảm tạ thế giới đã mất đi của người đàn ông 32 tuổi, vì như thế tôi mới có được thế giới của người đàn ông 33 tuổi.
Viết vào sinh nhật lần thứ 33. Chúc tôi sinh nhật vui vẻ!