Trên chuyến tàu bốn mùa ấy, nếu em phải xuống trước, xin đừng đánh thức khi tôi vờ say giấc, hãy được tôi được ngủ yên cho đến trạm cuối cùng và tự ru mình rằng: tôi không hề hay biết em đã bỏ đi.
Những thứ ta hay làm mất nhất gồm có: di động, ví tiền, chìa khóa và ô.
Nếu ai chưa từng làm mất mấy thứ đó bao giờ, chứng tỏ cuộc đời người ấy chưa hoàn thiện.
Có lần tôi đứng vẫy xe giữa trời mưa, chẳng được chiếc nào cả. Mãi mới chặn được một chiếc dừng lại thì trong xe đã có người, đành chấp nhận đi ghép. Bữa tối hôm đó tôi hơi quá chén, cảm giác biêng biêng, tôi lên xe , đọc địa chỉ cho tài xế rồi thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy và phát hiện ví tiền của mình rơi xuống chân, tôi cúi xuống định nhặt thì nghe tài xế bảo:
- Không phải của anh đâu, của khách lúc trước đánh rơi.
Tôi nhặt cái ví lên, nhìn kỹ, tiên sư, là ví của tôi mà.
Gã tài xế kiên quyết:
- Không phải của anh, anh thử nói xem trong ví có bao nhiêu tiền, mà phải chính xác từng đồng từng hào thì mới chứng thực nó là của anh.
Vì đã nhiều lần làm mất, nên tôi sợ, không dám bỏ chứng minh nhân dân vào ví. Tôi cũng chưa bao giờ nhớ được trong ví có bao nhiêu tiền. Gã tài xế lải nhải dọa nạt mãi không thôi, gã chỉ thiếu nước dừng xe, tấp vô lề đường rồi cướp trắng cái ví trên tay tôi.
Tôi cố kìm chế, nói lời phải quấy với gã. Từ ánh mắt sắc lạnh của gã, tôi chợt hiểu, gã muốn cuỗm cái ví của tôi.
Đúng lúc căng thẳng nhất, cô gái ngồi ghế sau bỗng cất lời nhỏ nhẹ:
- Tôi có thể làm chứng, cái ví là của anh ấy. Chính mắt tôi trông thấy nó rơi ra khỏi túi quần anh ấy.
Gã tài xế mặt xưng lên như cái thớt, ấn còi inh ỏi, thò đầu ra ngoài cửa xe, quát tháo người đứng trước mũi xe:
- Muốn chết đừng có đâm đầu vào xe của ông đây! Trời mưa trời gió thế này mà còn dưỡn dẹo đi xe điện, muốn đầu thai kiếp khác kiếm con Santana hả.
Xuống xe, tôi lảo đảo bước đi, được vài bước thì cô gái kia đột ngột đuổi theo, sợ sệt bảo:
- Chìa khóa, di dộng và ô của anh này.
Tôi thất kinh:
- Sao cô nhặt được?
- Anh đánh rơi trên xe.
Khi ấy trời vẫn đang mưa. Trong tay cô gái có ô, nhưng cô gái không mở ra vì nó là ô của tôi. Tôi cũng có ô nhưng nó nằm trên tay cô gái, tôi không thể bật lên. Thế là cả hai chúng tôi cùng chịu trận ướt như chuột lột.
Tôi bảo:
- Ha ha, cô không phải đồ lừa đảo đấy chứ?
Cô gái bé nhỏ run rẩy trong mưa:
- Trả anh này.
Tôi nhận lại đồ đạc, cô gái lập tức chạy đến nhà chờ xe buýt. Có lẽ cô ấy định đi hướng khác, nhưng vì muốn trả lại đồ cho tôi nên xuống xe sớm. Tôi gọi lớn:
- Tặng cô cái ô này.
Cô gái lắc đầu.
Từ đó, cô gái trở thành bạn thân của tôi. Cô ấy tên Quỳnh Tập, tôi thường gọi cô ấy là Gà Con.
Gà Con thường xuyên có mặt trong các buổi tụ tập của nhóm chúng tôi, nhưng không khi nào hòa chung cuộc vui vì cô ấy là người hướng nội. Bất kể đi karaoke hay đến quán rượu, cô ấy đều thu mình trong góc khuất, hai tay ôm cốc nước chanh, hai mắt chớp chớp, chăm chú lắng nghe cả đám nói nhăng nói cuội.
Trong nhóm, Mao Mao là cô gái sẵn sàng đứng gặm thịt xiên nướng bên đường, nhưng lúc hứng lên cũng có thể nhảy lên vỉa hè, trình diễn một vũ điệu truyền thống. Gà Con đã bị bất ngờ và kinh ngạc đến mức làm rơi cả xiên thịt nướng trong tay.
Trong nhóm, Bò Hà là kẻ chỉ hát được duy nhất bài Chiếc giày cỏ của cha. Vừa vào phòng hát hắn lập tức bấm chọn bài hát đó liên tục mười lần. Hắn hát cho đến khi nước mắt, nước mũi chảy ra ròng ròng mới chịu an phận. Có lần, hắn bấm chọn hai mươi lần, hát đến lần thứ mười chín thì Gà Con không chịu nổi nữa, “a-xê-nôn” tại chỗ.
Trong nhóm, Nói Láo là kẻ không bao giờ động não trước khi phát ngôn. Thấy Gà Con lúc nào cũng một mình lặng lẽ thì nổi cáu, bảo:
Trong nhóm, Nói Láo là kẻ không bao giờ động não trước khi phát ngôn. Thấy Gà Con lúc nào cũng một mình lặng lẽ thì nổi cáu, bảo:
- Các cậu nghĩ đến cảm xúc của Gà Con một chút được không hả?
Gà Con vừa khoa chân múa tay, vừa lắc đầu bảo:
- Em không sao, em vui mà..
Nói Láo:
- Đi chơi với tụi anh, có khi nào em cảm thấy mình như bị cưỡng dâm không?
Tôi nói với Gà Con:
- Em không hợp gu tụi nó, lần sau đừng đi nữa.
Gà Con lắc đầu:
- Không sao. Tuy em không hiểu lối sống của các anh nhưng em biết tôn trọng. Mặc dù các anh rất luộm thuộm, lếch thếch, nhưng không ai lừa gạt em, không ai bất chấp đạo lý. Các anh không ngưỡng mộ người khác, cũng không châm chọc người khác, các anh sống theo cách các anh muốn. Em không làm được như vậy nhưng em rất mến, rất quý các anh.
Tôi bảo:
- Gà Con em là người tốt!
- Anh là người xấu
- Anh sẽ tốt dần lên, tốt đến mức khiến em giật mình thảng thốt!
Bạn bè khuyên tôi thuê căn phòng rộng rãi hơn, để cả nhóm có thể tụ tập ở nhà tôi uống rượu, xem phim, tiết kiệm được khối tiền. Tôi bảo, ừ thì thuê căn to hơn. Cả bọn nhẩy cẫng hoan hô vui sướng, đồng lòng nhất trí giúp tôi chuyển nhà. Sắp xếp xong đâu đấy, mỗi người nhét vào tay tôi một phong bao, bảo xem như cả nhóm bỏ tiền ra thuê.
Gà Con hai má đỏ lựng, nói:
- Em vẫn đang đi thực tập nên chỉ góp được tám trăm.
Tôi cười toét miệng, tự dưng có một khoản bỏ tiết kiệm.
Cả bọn khiêng đến một két bia, không chờ tôi thu dọn gọn gàng đã đè ra ăn uống linh đình.
Nhân lúc mọi người không để ý, Gà Con ôm cốc nước lọc trên tay, lẳng lặng đi tham quan khắp nơi.
Tôi nhìn cô ấy đầy nghi ngờ hỏi:
- Em làm gì thế?
- Suỵt, anh nói khẽ thôi. Anh thấy cốc uống nước của em đẹp không? Hình chó đốm đấy.
- Đẹp bình thường.
- Mọi người nhậu nhẹt, uống lẫn cốc của nhau, lung ta lung tung, đây là cốc uống nước chuyên dùng của em, em phải dấu nó đi, để không ai tìm được nó. Lần sau đến đây, em sẽ dùng cái cốc này, chỉ mình em được dùng nó.
Cô ấy vênh mặt lên, đắc ý nói;
- Em góp vào đây tám trăm đồng, cũng phải có thứ gì trong căn phòng này thuộc về em chứ.
Nói xong cô ấy lại ôm cái cốc đi hết chỗ này đến chỗ kia.
Cả bọn đều quá chén, nằm la liệt trong phòng, thằng trên sofa, thằng dưới đất, đứa nào đứa nấy ngủ say như chết.
Tôi ra ban công uống bia tiếp, vừa ngắm nhìn bầu trời đầy sao lấp lánh, nhớ lại một vài chuyện cũ, lòng thấy buồn ảo não.
Gà Con nhón chân đi tới, nói:
- Không sao đâu, rồi sẽ qua thôi.
- Em biết anh đang nghĩ gì không?
- Anh đang nhớ ai đó.
Rồi cô ấy trỏ tay tôi và hỏi:
- Đây là bưu thiếp “ai đó” gửi cho anh à?
Là anh định gửi tặng người ta, nhưng lại nghĩ, có lẽ nên thôi. Gà Con, có khi nào em trở thành bạn gái anh không?
Gà Con trợn mắt, chạy mất.
Tôi cũng quá chén, gục lên bậu cửa sổ, thiếp đi. Tôi nghe thấy tiếng chân Gà Con nhè nhẹ đến gần, cô ấy đắp chăn cho tôi và nói:
- Em về đây, gần mười hai giờ rồi.
Tôi không muốn nói gì hết, đành vờ say ngủ.
- Thực lòng em rất thích anh, nhưng em biết anh không bao giờ thích em. Nếu em là bạn gái anh, sẽ có ngày anh rời xa em. Em là kẻ ngốc nghếch, em không hiểu thế giới của các anh, nên không cách nào bước vào được tim anh. Nhưng, hơn ai hết, em tin anh sẽ tốt dần lên, hơn trước kia rất nhiều, sẽ khiến em giật mình thảng thốt.
Gà Con đi rồi, tôi gượng ngồi dậy, không thấy tấm bưu thiếp kia đâu. Có lẽ Gà Con đã mang nó đi.
Tôi muốn gửi bưu thiếp cho “người đó”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi.
Bưu thiếp viết:
Tôi gặp em vào mùa thu. Nay mùa hạ đã sắp qua, có lẽ mười năm trước, em đang ở nơi này đợi tôi. Em là ánh trăng dập dềnh theo sóng nước thủy triều vỗ vào bờ cát. Em là chiếc thẻ đánh dấu sách để mặc gió thời gian cuốn đi. Em là tia sáng lung linh, róc rách trong khe suối. Tôi ước sao mùa thu tràn về trên khắp các đường ray, để biển báo trạm dừng sẽ ghi mãi rằng tháng Tám còn chưa hết. Trên chiếc tàu bốn mùa ấy, nếu em phải xuống trước, xin đừng đánh thức khi tôi vờ say giấc, hãy để tôi được ngủ yên cho đến trạm cuối cùng, và tự ru mình rằng, tôi không hề hay biết em đã bỏ đi.
Tôi ngẩng nhìn màn đêm tối đen ngoài cửa sổ, bóng cây lay động trong gió.
Nếu bạn nhớ nhung một người, bạn sẽ biến thành làn gió nhẹ, la đà đến bên người ấy. Dù người ấy không nhận ra, nhưng đó là tất cả sự cố gắng của bạn. Cuộc đời là vậy, mỗi người đều sẽ biến thành cơn gió mà họ thương nhớ.
Sau đó, tôi rời Nam Kinh. Trước khi đi, cả nhóm lại gom tiền đưa cho tôi, bảo đó là trả tiền thuê phòng. Nhưng có ai ở đâu mà thuê nữa. Quản Xuân nói:
- Cậu đi bao lâu, chúng tôi sẽ trả tiền thuê căn phòng này bấy lâu. Cậu hậu đậu lắm, thường xuyên đánh rơi đồ đạc, nhưng chúng tôi không muốn cậu đánh rơi cả chúng tôi.
Tôi lang thang khắp nơi, có lúc còn bắt xe đi Đạo Thành (*), giữa đường xe chết máy, phải cuốc bộ đến lúc mặt trời lặn mới đến được chỗ có nhà nghỉ. Đen đủi thay lại không còn phòng trống, ông chủ nhà nghỉ đem cho tôi mảnh chăn bông. Tôi cuộn tròn trong chăn, nằm ngay trên lối đi, ngắm bầu trời ngàn sao lấp lánh. Vừa nhấm được ngụm rượu cho ấm bụng thì Quản Xuân gọi đến. Chúng tôi chuyện phiếm rồi tình cờ nhắc đến Gà Con.
Quản Xuân kể, một hôm Gà Con đến quán rượu, dắt theo người chồng là cán bộ nhà nước mà gia đình mai mối cho cô ấy.
Tôi không biết cô ấy sống ra sao. Có lần, đang đêm, tôi nhận được điện thoại của Gà Con khi tôi đang ở hồ Lô Cô (**). Cô ấy khóc thổn thức trong điện thoại mà không nói gì cả, tôi cũng chỉ lẳng lặng lắng nghe tiếng khóc thương tâm của cô ấy.
Tôi biết vì sao. Có thể vì người chồng cán bộ nhà nước đối xử với cô ấy không tốt, cũng có thể vì cô ấy hơi quá chén.
Từ bữa đó, cô ấy không liên lạc với tôi nữa, dù tôi có chủ động gọi, cũng không ai nghe máy. Vài tháng sau, khi tôi gọi lại lần nữa, thì số điện thoại đó không còn tồn tại.
Hơn một năm sau, tôi trở lại Nam Kinh. Chủ nhà nói với tôi, căn phòng vẫn được nộp tiền thuê đều đặn, chìa khóa chưa thay, tôi cứ việc vào nhà.
Tôi đã đánh rơi rất nhiều thứ trong suốt hơn một năm đó, trừ chìa khóa căn phòng này.
Tôi về đến nhà, bụi bay mù mịt.
Tôi sắp xếp lại từng thứ, lau dọn từng thứ.
Tôi hì hục lôi hết quần áo trong tủ ra để giặt. Và rồi tôi tìm thấy chiếc cốc uống nước hình chó đốm nằm trong chiếc áo khoác lông vũ của tôi.
Tôi đã tìm mãi mà không tìm ra chiếc cốc của Gà Con.
Thì ra nó ở đây.
(*) Đạo Thành: một điểm du lịch hoang sơ, rất đẹp thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
(**) Hồ Lô Cô nằm ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là hồ nước ngọt sâu nhất nước này.