Nếu Như Yêu

Chương 4-1



Chiều mồng Một Tết, tôi ra sân bay đón dì.

Dì tên là Nghiêm Tiểu Thanh, năm nay bốn mươi chín tuổi, là nhân viên nghiên cứu của một viện nghiên cứu hóa học. Có điều dì là một người hay nói, tính cách hoàn toàn khác mẹ tôi, điều này thường khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Tối đó, tôi và dì ở chung phòng. Dì cười, bảo: "Ngủ thế này giống y như ngày trước con được nghỉ hè về nhà, thích ghê!"

Tôi im lặng không nói gì. Đúng vậy, dì chỉ hơn tôi mười lăm tuổi, sự thân thiết giữa tôi và dì còn trên cả tình cảm dì cháu, thậm chí giống như mẹ con, hay chị em. Chúng tôi thường ngủ chung giường. Khi tôi học mẫu giáo, dì là người phụ trách đưa đón tôi. Lúc tôi được bố mẹ đón về, người tôi không nỡ xa nhất là dì. Dù ở hai nơi khác nhau nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc, viết cho nhau những lá thư dài, nói chuyện qua điện thoại đến nỗi máy nóng sực lên. Chưa bao giờ tôi giấu dì bất cứ bí mật gì. Còn dì lại giấu tôi một chuyện lớn đến như vậy.

Dì nắm tay tôi. “Đừng trách dì nhé, Khả Khả. Nếu là con, con có nói cho cháu ruột của mình biết không? Nào, lại đây, dì nói cho con biết, mẹ con đến chết vẫn không muốn tiết lộ bí mật rằng người mà con luôn gọi là bố đó lại không phải là bố ruột của con."

Đương nhiên, dì không thể làm như vậy thì tôi cũng chẳng có tư cách trách dì. Tôi dựa đầu vào vai dì, dì xoa đầu tôi, thở dài. "Dì luôn hy vọng con không biết chuyện này, như vậy sẽ bớt phiền phức cho con!"

Đúng thế, tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ cùa dì. Đáng tiếc, chẳng có ai quay lại được trạng thái vô lo vô nghĩ. Có rất nhiều chuyện, chỉ cần một nghi ngờ nhỏ hay không chắc chắn một việc nhỏ nào đó là đổ vỡ tất cả, không thể trở lại như trước được nữa.

"Tại sao bố con lại đồng ý lấy mẹ con? Họ có quen nhau từ trước không?"

Dì cười buồn bã. "Sau khi biết được lai lịch của con, dì cũng hỏi bà ngoại con câu hỏi tương tự như vậy, bà rất tức giận, mắng dì một trận té tát nhưng vì không thể từ chối được những câu hỏi dai như đĩa của dì nên bà cũng kể vắn tắt. Bà nội con từng là người giúp việc trong nhà mình, sau khi ông bà ngoại con được đi làm lại, sức khỏe của hai người rất kém, thế nên mới bảo bà nội con tiếp tục giúp việc trong nhà. Để cho bố mẹ con kết hôn với nhau cũng chính là đề nghị của bà nội con."

Tôi há hốc miệng kinh ngạc, không nói nên lời. Đương nhiên, tôi chưa từng sống cùng bà nội, lần đầu tiên gặp bà chính là năm mẹ sinh Tử Đông. Bà mang theo trứng gà và cả gà mái đến thành phố Hán Giang. Trong phòng sơ sinh, bà bế đứa cháu trên tay mừng rơi nước mắt, sau đó bà nội nói một tràng tiếng địa phương mà tôi nghe chẳng hiểu gì, nhưng điều đó để lại cho tôi ấn tượng rất sâu đậm. Sau này, số lần tôi gặp bà chỉ đếm trên đầu ngón tay, năm tôi khoảng mười tuổi thì bà qua đời. Một bà lão thôn quê chủ động để cho con trai mình lấy một người con gái đã có chửa về làm vợ, đúng là chuyện không thể tin được.

"Quê của bố con, con cũng đã từng đến một lần, chắc con cũng biết nơi đó rất nghèo. Nhà bố con lại đông anh chị em, ông nội con mất sớm nên trong nhà không có người làm việc, bà nội con phải đi làm giúp việc cho các gia đình. Bố con lúc đó là người con trai duy nhất trong nhà đi bộ đội, nếu giải ngũ, ông ấy có thể bị cho về quê.

Vậy đây có thể hiểu là một cuộc hôn nhân hai bên cùng có lợi. Bố đã chấp nhận nghe lời khuyên của bà nội, đồng ý lấy người con gái đang mang bầu có hoàn cảnh gia đình khá giả, trở thành một người bố trên danh nghĩa, đổi lại, ông sẽ có cơ hội làm việc trong công ty nhà nước, có thu nhập khá ở thành phố lớn. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao mẹ không bao giờ phàn nàn việc bố lấy lương gửi về quê cho anh chị em của bố học hành hoặc chu cấp cho họ, đến nỗi chính bản thân gia đình nhỏ của mình cũng gặp khó khăn, chật vật. Trong hơn ba mươi năm, họ hàng thân thích của bố đến như mắc cửi. Họ tùy tiện ra vào khắp phòng, tiện tay lấy bất cứ thứ gì họ muốn, mặc dù tôi và Tử Đông không có đồ riêng tư gì nhưng vì quá chán ngán, không biết bao lần chúng tôi đã làm mặt lạnh với họ và cũng không biết bao nhiêu lần phàn nàn việc này sau lưng bố, nhưng mẹ chỉ im lặng, luôn giữ thái độ hòa nhã, không có bất cứ lời ca thán hay trách móc nào.

Từ nhỏ, vì có một tấm màn vô tình ngăn cách nên tôi chẳng thể nào gần gũi với bố được. Lúc nào tôi cũng oán giận bố, còn ngây thơ nghĩ rằng mẹ quả là một người khác thường, một phụ nữ truyền thống giàu tính vị tha, chịu đựng. Tôi thường xuyên cảm thấy bất bình thay cho mẹ. Xem ra bây giờ mẹ và bố chẳng qua cũng chỉ là cặp vợ chồng “đồng sàng dị mộng”, sống để chịu đựng nhau, và tôi lại chính là nguyên nhân khiến cho cuộc sống của họ trở nên như vậy. Tất cả những nhận thức của tôi trong suốt ba mươi tư năm qua hoàn toàn bị đảo luộn.

“Sau khi phát hiện mình có thai, tại sao mẹ không đi phá thai ạ?”

Dì tôi trợn mắt, mắng: "Càng nói càng chẳng ra sao, nếu mẹ con đi phá thai, làm sao có con như bây giờ được?”

“Đó không phải là lựa chọn rất tự nhiên sao? Mẹ không nhất thiết lôi theo một đứa trẻ lai lịch bất minh đẻ lấy một người không yêu mình làm chồng, sống một cuộc sống khổ sở như thế, chẳng khác nào địa ngục."

"Mọi chuyện không đơn giản như con nghĩ đâu, Khả Khả ạ. Thời đó không như thời nay, thòi nay người ta treo biển nạo phá thai đầy đường, họ coi đó là chuyện vô cùng đơn giản, bình thường, và cũng chẳng có ai bận tâm đi hỏi cái thai đó ở đâu ra."

Tôi thật sự muốn biết những năm tháng đó, mọi người đã sống như thế nào!

"Tóm lại, bố mẹ con gặp nhau, quen nhau rất nhanh chóng, sau đó họ kết hôn rồi định cư ở Hán Giang."

"Chỉ vì một sai lầm mà họ đã phải trả giá cả đời."

"Không, không nên nói như vậy, Khả Khả à..."

Lúc tôi chào đời thì dì đang học trung học. Chắc dì không nghĩ đến việc có điều gì không thỏa đáng khi cô cháu gái này được sinh ra không bao lâu sau ngày chị gái và anh rể đăng ký kết hôn, dì chỉ biết vui sướng cùng ông bà ngoại đón tôi về nhà, bận rộn chăm sóc tôi.

Dì phát hiện ra cuộc hôn nhân của anh chị mình có điều gì đó bất thường vào mùa hè năm mẹ tôi mang thai Tử Đông. Lúc ấy dì đang học đại học, dì đưa tôi về thành phố Hán Giang để học tiểu học. Lúc chia tay, tôi khóc rất to, nắm chặt lấy tay dì không chịu buông, thế nên dì quyết định ở lại nhà bố mẹ tôi một thời gian cho tôi quen dần.

Lúc đó, bố tôi thường xuyên phải làm đêm, mẹ làm trong bệnh viện của thành phố, hai người rất bận rộn. Dì băn khoăn nói: “ Hay là cứ để em đón Khả Khả về, chị sắp sinh rồi, cũng cần chăm sóc em bé, mà anh rể thì xem ra cũng không biết chăm sóc trẻ, làm sao chăm nổi ba mẹ con?"

Mẹ tôi lắc đầu, nói: "Anh ấy nhất quyết bảo đón bé Khả Khả về anh ấy nói chính vì sắp có đứa con thứ hai rồi, nên không thể để Khả Khả nghĩ rằng anh chị không cần nó."

Nghe dì tôi kể lại chuyện này, tôi thấy sống mũi cay cay.

Rổi dì nói nhẹ nhàng: "Khả Khả, con người của bố con mặc dù không tinh tế, chu đáo, nhưng ông ấy nói ra câu này chứng tỏ ông ấy thực lòng đã chấp nhận con, coi con như con gái ruột. Lúc đầu, dì cũng không thích ông ấy, luôn cảm thấy ông ấy quá sĩ diện, gia trưởng, nói năng cứng nhắc, quen sống bừa bãi, ích kỷ. Quan trọng nhất là lúc nào cũng chăm chăm bù đắp cho bố mẹ, anh chị em mình ở quê, không quan tâm lo lắng gì cho mẹ con con cả. Nhưng ông ấy cũng có ưu điểm, về chuyện của mẹ con, ông ấy và bà nội con giữ chuyện này kín như bưng, vì muốn giữ danh dự cho mẹ con. Dì nghĩ ông ấy như thế cũng đã rất tôn trọng mẹ con. Cho dù sau tang lễ mẹ con, con tỏ ra bực bội, không hài lòng, ông ấy cũng không có bất cứ hành động nào không hợp lý, đúng không?"

Đúng vậy, tôi không thể phủ nhận điều này, cô tôi không giữ được mồm miệng, chỉ nói lỡ một lời, mà còn bị bố tôi lập tức gạt đi ngay.

"Với kiểu người truyền thống như ông ấy, chắc chắn ông bà nội con cũng đã nghĩ đến việc nối dõi tông đường, nhưng hơn năm năm trời, mẹ con chưa sinh cho ông ấy đứa con nào mà ông ấy vẫn không trách móc gì. Sau khi Tử Đông chào đời, ông ấy đối xử với hai chị em con rất công bằng. Đúng là bố mẹ con không vì tình yêu mà kết hôn, nhưng sống được với nhau lâu dài như vậy thì không còn là vợ chồng trên danh nghĩa nữa. Thế nên con không thể coi cuộc hôn nhân của họ là một sai lầm được."

Dì nói đúng, tôi làm gì có tư cách đánh giá sự lựa chọn của họ chứ?

“Vậy dì biết ông ấy không phải là bố đẻ con từ lúc nào?"

“Đó là vào dịp nghỉ hè, thời tiết ở thành phố Hán Giang rất oi bức. Lúc đó đương nhiên chưa có điều hòa như bây giờ, chỉ trông chờ vào cái quạt điện, nhưng quạt cũng chỉ toàn thổi ra gió nóng, vô cùng khó chịu. Hôm đó, bố con trực đêm ở công xuởng, còn dì đến đêm nóng quá không thể ngủ đuợc, bèn dậy uống nước, thấy mẹ con đang ngồi trong phòng khách cầm lá thư, nước mắt tuôn rơi. Dì chưa từng nhìn thấy mẹ con khóc lần nào nên sợ hết hồn, gặng hỏi mãi, nhưng mẹ con chẳng nói một lời. Thực ra, mặc dù dì và mẹ con là hai chị em ruột nhưng chênh nhau đến tám tuổi. Lúc mẹ con tham gia đội sản xuất ở nông thôn thì dì mới tốt nghiệp tiểu học, lúc mẹ con quay về thì đã hoàn toàn trở thành một người xa lạ. Mẹ con chưa bao giờ tâm sự với dì, cho dù dì có hỏi điều gì, mẹ con cũng chỉ nói hai, ba câu gạt đi. Vì thực sự rất lo lắng nên ngày hôm sau khi mẹ con đi làm, dì đã lục đồ và xem trộm bức thư đó, đọc thấy cái tên Hà Nguyên Bình."

Tôi nghĩ đó là lá thư trả lời của dì Mai gửi cho mẹ mà sau đó tôi đã đọc được. Tại sao sau sáu năm, mẹ mới hỏi thăm tin tức về người đàn ông đó? Vì tôi đã được đón trở về sống bên cạnh mẹ, gợi lại kỷ niệm cũ của mẹ? Hay là vì lần thứ hai mang bầu, sự thay đổi nồng độ hormone trong người khiến mẹ cảm thấy hối hận, áy náy?

"Dì không còn là học sinh trung học nữa nên đã hiểu biết đôi chút về cuộc sống, nghĩ đến thời gian ra đời của con, dì cũng mang máng nhớ lại năm đó đã xảy ra chuyện gì. Vì thế dì mới hiểu được tại sao khi mẹ con về thành phố đã phải nhanh chóng kết hôn với bố con, một người không hề quen biết từ trước, tại sao mẹ con từ bỏ cơ hội trở về Bắc Kinh để cùng bố con ở lại thành phố Hán Giang, tại sao mẹ con luôn tỏ ra quá nghiêm túc, thậm chí khắc nghiệt với bản thân, không hề phàn nàn trách móc bố con bất cứ chuyện gì trong việc gánh vác trách nhiệm gia đình.”

"Lúc đó, dì có hỏi mẹ chuyện này không?”

Dì lắc đầu. "Dì nói rồi, đối với dì, mẹ con luôn là người chị cả, nhưng sau khi về thành phố mẹ con bỗng trở thành môt người hoàn toàn khác, lạnh lùng, trầm mặc, dì sợ mẹ con hơn cả ông bà ngoại. Xem trộm thư của mẹ con mà dì đã cảm thấy tim đập chân run rồi. Cho dù có tò mò thế nào, dì cũng không dám hỏi thẳng mẹ con những câu như: Chị và người đàn ông tên Hà Nguyên Bình đó rốt cuộc có quan hệ thế nào?"

Đúng vậy, mẹ luôn là người rất nghiêm nghị, thế nên cái tát mà mẹ dành cho Tử Đông, tôi cũng không tiện nhắc đến. Tôi không kìm được ý nghĩ, nếu như người phát hiện ra nhóm máu có vấn đề không phải là Tử Đông mà là tôi thì mẹ sẽ có phản ứng thế nào. Thật khó nghĩ, tôi cũng là một đứa sợ mẹ, tôi chỉ không xác định được là, khi phải đối mặt với nguồn gốc xuất thân của mình, tôi sẽ sợ hãi im lặng không nói gì, hay coi như chưa có chuyện gì xảy ra?

"Khả Khả, đối với ông Hà Nguyên Bình, chuyện này là một ký ức không tốt đẹp gì. Dì đoán có lẽ ông ấy còn không biết mẹ con có thai. Thế mà con lại đứng trước mặt hỏi ông ấy, làm sao ông ấy có thể chấp nhận được? Nghe lời dì, đừng tự ý nhận ông ấy là bố nữa."

"Ông ấy đã từ chối không nhận con rồi."

Dì ngạc nhiên. "Ông ấy đã nói thế nào?"

“Ông ấy nói con nhận nhầm rồi, đừng nhắc đến chuyện này nữa. Nhưng ông ấy cũng không nói rằng con không phải là con gái của ông ấy.”

Dì tôi im lặng rất lâu, không nói câu nào. Trạng thái trầm mặc như thế của dì rất hiếm, tôi nghĩ đây đúng là tình huống mà bất cứ ai cũng không thể nói được gì.

“Cuộc sống hiện nay của ông ấy thế nào?” Đột nhiên, dì hỏi tôi.

“Ông ấy sống ở một thôn nhỏ tên là Lý Tập, làm nghề chủ trì tang lễ, cuộc sống cũng khá khó khăn. Nhưng ông ấy có một cô con gái rất đặc biệt, năm nay mười tám tuổi.”

Dì tôi “ồ” lên một tiếng.

“Thế nên cho dù nói thế nào, việc con được sinh ra cũng là một sai lầm.”

"Khả Khả..."

"Con biết mà dì, con sẽ không tự làm khó mình đâu."

“Không chỉ la chuyện này, còn cả chuyện con và Á Âu nữa..."

Khả năng quan sát của dì thật giỏi, quả nhiên dì đã đoán đúng, quan hệ giữa tôi và Á Âu đã khác trước.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv