Nếu Như Yêu

Chương 11-3



Chúc Minh Lượng gọi cho tôi báo tin ảnh của tôi đã “ra lò”, tôi chỉ dửng dưng “ừ” một tiếng khiến anh ta không khỏi ngạc nhiên. “Cô không muốn qua đây xem à?”

“Sáng nào tôi chẳng soi gương và nhìn thấy mình trong đó, cần gì phải đi một quãng đường xa như thế để xem ảnh của chính mình!”

Anh ta bật cười thành tiếng trong điện thoại. “Cô là nữ sinh đầu tiên tôi gặp không có hứng thú với ảnh chụp của mình đấy.”

“Anh đưa cho chị Hạnh Địch xem là được rồi, được duyệt thì báo cho tôi một tiếng, không được duyệt thì…”

“Không được duyệt thì đừng đến làm phiền cô, đúng không? Cô thú vị thật đấy.”

Anh ta và Hứa Tử Đông đều bảo tôi thú vị, có lẽ bọn họ coi tôi là đứa con gái không bình thường. Tôi chỉ biết cười nhạt.

“Có lẽ mấy hôm nữa là biết kết quả thôi, dù có nghỉ hè cô cũng đừng bỏ về quê ngay là được.”

“Vâng, tạm biệt anh.”

Tôi không cố ý tỏ ra lạnh nhạt như thế, có điều bây giờ đầu óc tôi đnag bị chuyện khác làm phân tâm.

Đêm qua, tôi đã mơ một giấc mơ.

Tôi đứng trên cánh đồng cỏ bao la, mắt nhìn ra xa, làn sương mỏng bao phủ khắp cánh đồng, không khí ngập tràn hơi nước. Có người từ xa bước lại gần phía tôi, tôi nín thở chờ đợi, cảm giác như đã mong chờ rất lâu. Cuối cùng, anh cũng đến trước mặt tôi, đôi tay mạnh mẽ ôm chặt lấy tôi, phút chốc tôi cảm giác cả người mình như tê dại trong vòng tay ấy. Dường như anh nói câu gì đó bên tai tôi, nhưng tôi không thể hiểu câu đó có ý gì, chỉ cảm giác xung quanh thật ấm áp, bỏ mặc mọi sự chống đỡ, tôi tình nguyện tan chảy như kem…

Cảm giác tan chảy đó vẫn kéo dài đến khi tôi tỉnh dậy. Không cần phải có Chu Công giải mộng thì tôi cũng biết giấc mộng này có nghĩa là gì.

Rõ ràng đang là mùa hạ, vậy mà tôi lại có một giấc mộng xuân. Điều khủng khiếp là, người tôi gặp không phải minh tinh nào đó xa vời, không thể với tới, mà chính là một người đàn ông mà tôi quen.

Người đó mặc dù tôi không nhìn rõ mặt, nhưng vóc dáng cao ráo, mặc chiếc áo blouse trắng, không cần phải đoán, tôi cũng biết người tôi gặp trong mộng chính là Hứa Tử Đông.

Tâm trạng tôi bất ổn đến mấy ngày, sau đó tôi tự nhủ thầm: Mười chín tuổi rồi, có mỗi giấc mộng xuân thì đã sao chứ?

Nhưng tại sao người tôi gặp trong mộng không phải là Chu Nhuệ, Triệu Thủ Khác hay bọn con trai học cùng lớp, thậm chí cũng chẳng phải là bị phó giáo sư trẻ tuổi, phong độ ngời ngời dạy môn kinh tế quốc tế làm bao nhiêu nữ sinh điên đảo, hay là Chúc Minh Lượng cũng được, nếu là họ thì tôi cũng không đến nỗi băn khoăn như thế này.

Dì Hồng từ thôn Lý Tập lên thành phố tham gia lễ tốt nghiệp của anh Triệu Thủ Khác, tôi cùng đi với dì.

Nghe nói đây là lần đầu tiên nhà trường gửi thư mời tất cả phụ huynh của sinh viên tốt nghiệp, nhưng số người đến dự được không nhiều lắm. Chúng tôi ngồi cạnh nhau, dì bèn hỏi chuyện tình cảm của anh ấy. Tôi cười, nói: “Đợi lúc nữa, dì tự hỏi anh ấy không phải tốt hơn sao?”

“Nó có bao giờ nói thật cho dì biết đâu.”

“Dì lo lắng thì ích gì, đến lúc kết hôn, anh ấy chắc chắn sẽ dẫn một cô gái về ra mắt dì.”

“Cháu đừng có nói lảng đánh lừa dì nữa. Bạn gái nó ngồi chỗ nào? Cháu chỉ cho dì xem!”

Thực ra, tôi đã nhìn thấy Đổng Nhã Minh, chị ấy cũng nhìn qua chỗ tôi ngồi, ánh mắt phức tạp, nhưng tôi đâu dám chỉ chị ấy cho dì Hồng xem, đành nói mơ hồ: “Bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp thế này, cháu đi đâu tìm bây giờ?”

Dù không hài lòng với câu trả lời của tôi nhưng khi nhìn thấy Triệu Thủ Khác khoác lễ phục cử nhân, dì cảm động đến nỗi nước mắt rưng rưng, cầm điện thoại chụp liên tục.

Tôi đưa khăn giấy cho dì. “Bây giờ dì đã xúc động như vậy, sau này anh ấy lấy bằng thạc sĩ, chắc dì không khóc to đấy chứ?”

“Bọn trẻ các cháu không hiểu được tấm lòng của những người làm cha làm mẹ, Thủ Khác cũng vậy, nó còn bảo dì đừng đến đây.”

“Cháu mà tốt nghiệp chắc chắn sẽ bảo bố đến.”

“Nhắc đến bố cháu…”

“Ông ấy làm sao ạ?”

“Ông ấy trở nên hơi… kỳ lạ.”

“Có phải uống rượu nhiều hơn trước không ạ?”

Dì Hồng gật đầu. “Tuần trước, ông ấy được những người trong tổ chủ trì tang lễ đưa về nhà, lần đầu tiên dì thây sông ấy say không biết gì như vậy.”

Trước đây, bố không bao giờ uống rượu ở bên ngoài. Đương nhiên tôi biết điều này nhưng không tiện nói ra.

“Lúc nào cháu về hãy lựa lời khuyên nhủ ông ấy, ở độ tuổi này, uống rượu nhiều rất hại sức khỏe.”

“Nhưng cháu không biết vì sao bố lại trở nên… suy sụp như vậy.”

“Ngày trước, lúc ông ấy vừa đến thị trấn cũng như vậy đấy.”

Tôi ngạc nhiên. “Lúc nào ạ?”

Dì Hồng nhăn mặt cố nhớ lại. “Năm nào nhỉ, trí nhớ dì càng ngày càng kém rồi. À, đúng rồi, lúc đó Triệu Thủ Khác được khoảng sáu tháng, dì vừa hết tháng nghỉ đẻ phải đi làm, thế nên ngày nào dì cũng tranh thủ thời gian về nhà cho nó bú. Lúc đó dì trông thấy ông Trương dẫn bố cháu về, ông ấy rất tiều tụy, trầm mặc, hầu như không nói chuyện với ai, có điều…”

“Có điều gì ạ?”

Dì Hồng có chút ngại ngùng, cười, nói: “Có điều lúc đó trông ông ấy vẫn rất đẹp trai.”

Đó là chuyện hai mươi năm trước rồi. Nếu tôi tính không nhầm, lúc đó bố mới ba mươi ba tuổi, đang là độ tuổi sung sức của một người đàn ông. Biết bố lúc còn trẻ rất đẹp trai, tôi cảm thấy trong lòng vô cùng tự hào.

“Ông Trương có nói đã dẫn bố cháu về từ chỗ nào không ạ?”

Dì lắc đầu. “Ông Trương nhà cháu là người mộ đạo, nói năng hư hư thực thực, không biết câu nào là thật, câu nào là giả. Ông ấy chỉ nói bố cháu là đồ đệ ông thu nhận về. Hai thầy trò tối nào cũng uống rượu, chẳng khác nào một cặp ma men. Sau khi uống say, một người kéo đàn, một người hát kịch, cứ thế sống ngày nào hay ngày ấy, sống hôm nay không biết ngày mai. Chồng dì hồi đó nhìn hai người họ thấy rất chướng mắt đấy.”

“Cháu cứ hỏi về chuyện quá khứ là bố lại trả lời qua loa, thế nên cháu chẳng bao giờ biết rõ những chuyện trước kia của bố.”

“Dì đã nói rồi mà, dì biết ông ấy bao nhiêu năm, ông ấy vẫn luôn giữ khoảng cách nhất định với mọi người.”

Nhưng mình là con gái bố mà, cho dù là đứa con gái được bố nhặt về. Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn, ít nhất giữa tôi và dì cũng khác nhau về vị trí.

“Ông Trương của cháu ấy, mặc dù toàn làm những việc huyền bí, lại hay lợi dụng lòng tin của người khác, cũng đã từng bị đi cải tạo, nhưng con người ông ấy cũng không đến nỗi nào, luôn đối xử với bố cháu rất tốt…”

Đi cải tạo ư? Tôi nắm lấy cánh tay dì. “Ông Trương bị đi cải tạo lúc nào ạ? Tại sao phải đi ạ?”

“Đó là chuyện cách đây nhiều năm rồi, cụ thể năm nào dì cũng không nhớ rõ nữa. Lúc đó mọi thứ còn rất nghiêm khắc, không cho phép tổ chức các hoạt động mê tín, vậy mà ông ấy lại làm những việc xem bói, cúng bái, lúc đó ai đến xem mà chẳng mê tín, lại bị họ gặp đúng lúc nên mới bị bắt. Vợ và con trai ông Trương bảo ông ấy làm mất mặt họ nên đã từ mặt ông.” 

Vậy có nghĩa là, bố và ông Trương quen nhau thời đó. Họ cũng phải lưu lạc, bị gia đình từ bỏ, thảo nào sau này họ trở thành thầy trò của nhau. Tôi một lúc lâu không nói nên lời. Dì Hồng thở dài. “May mà những năm qua, bố cháu luôn chăm sóc ông ấy, chi phí mua thuốc men cho ông ấy không biết bao nhiêu mà kể, nếu không, cuộc sống của ông ấy đã không thể kéo dài đến tận hôm nay.”

“Dì Hồng, dì nói bố cháu ngày trước cũng rất hay uống rượu, thế tại sao từ nhỏ tới lớn, cháu thấy hằng ngày sau bữa cơm bố chỉ uống một chén thôi?”

“Từ sau khi mang cháu về nhà, ông ấy trở thành con người khác hẳn, ít uống rượu hơn. Thế nên dì mới bảo cháu khuyên ông ấy, ông ấy sẽ nghe cháu đấy.”

Tôi ngẩn người, dì Hồng bỗng thấy lo lắng, nói: “Ôi, sao tự nhiên dì lại nhắc đến chuyện mang cháu về chứ, coi như dì chưa nói, cháu đừng suy nghĩ nhé!”

“Không sao đâu, bố cháu đã kể hết cho cháu nghe rồi.”

Lúc đó, dì mới có vẻ yên tâm. “Đúng là ông ấy đối với cháu rất tốt. Ông Triệu nhà bác trước kia cũng rất thương Thủ Khác nhưng đi làm về cũng chỉ trêu đùa với nó một chút, đâu có như bố cháu, ông ấy chăm cháu rất tỉ mỉ và kiên nhẫn.”

Trái tim tôi lúc này đang rối bời, không thốt nên lời.

“Cháu nghỉ hè rồi thì về nhà ở với bố cháu ít hôm, đừng có như Thủ Khác, nó chẳng bao giờ ở nhà nổi vài ngày, nuôi con trai đúng là như nuôi hộ con nhà người ta, chẳng được tích sự gì cả…”

Dì đang mải ca thán, nhưng nào tôi có nghe thấy cái gì. Tôi đã lên kế hoạch kỳ nghỉ hè này ở lại làm thêm, kiếm một ít tiền, vậy mà lúc này tôi bỗng thấy nhớ nhà da diết, chỉ muốn về nhà ngay lập tức.

Chưa đến ngày được nghỉ hè chính thức, sáng sớm hôm đó, tôi nhận được đện của bố nói: “Ông Trương đã qua đời rồi.”

Tôi bắt xe khách đường dài về nhà, lúc về đến nhà đã gần trưa, nhưng thấy nhà cửa vắng tanh, hoàn toàn không giống những nhà có tang ma, không có người ra kẻ vào ồn ào tấp nập, cũng không có linh cữu, thậm chí không có cả vòng hoa. Tôi đẩy cánh cổng khép hờ, thấy bố đang ngồi uống rượu dưới mái hiên, con chó Lai Phúc đang ngồi bên cạnh.

“Bố, ông Trương đâu rồi ạ?”

“Con trai ông Trương đưa ông ấy về làm tang rồi.”

Tôi ngớ người. “ Mấy lần ông Trương nằm viện, chẳng thấy bóng dáng hắn đâu, lúc tổ chức tang cho ông thì tự nhiên lại xuất hiện. Chắc là muốn mang xác ông về nhà hắn để nhận tiền phúng viếng đây mà, thật vô liêm sỉ!”

“Tiểu Hàng!”

“Con nói sai à?”

Dù sao bọn họ cũng là bố con, anh ta đón ông về làm tang lễ, ai có thể ngăn cản chứ, như thế cũng tốt mà. Nuối tiếc lớn nhất của ông Trương là không hòa hợp được với con trai ông, bây giờ ông đã yên lòng về nơi chín suối, sau này dù sao người nhà bọn họ cũng phải thờ cúng, thắp hương cho ông.”

Tôi tức đến nỗi nói không nên lời, chỉ ngồi bên cạnh bố không nói gì. Cả người bố tỏa ra mùi rượu, rõ ràng đã hơi say.

“Con trai ông ấy giờ đang sống ở huyện, nếu con muốn nhìn mặt ông Trương lần cuối...”

Tôi bực bội ngắt lời bố: “Người cũng đã mất rồi, có gì mà nhìn mặt chứ. Con không đi đâu.”

Bố không cảm thấy ngạc nhiên, giơ tay xoa đầu tôi. “Đừng buồn nữa, ông đi rất bình yên, không chịu bất cứ đau đớn nào.”

Tôi chẳng thể nào không buồn.

Bối luôn giúp mọi người tổ chức tang lễ, từ nhỏ đến lớn, tôi đã quen với nhiều cảnh tượng đám ma, nên nhìn nhận cái chết có lẽ bình thường hơn những người khác. Hơn nữa ông Trương bị bệnh cũng đã lâu, đương nhiên tôi cũng có chuẩn bị tâm lý từ trước. Nhưng từ lúc tôi còn bé, ông đã sống ở đây, cho dù không có bất cứ quan hệ ruột thịt nào với tôi, cũng không có tình yêu của ông nội dành cho cháu gái, nhưng tôi vẫn yêu quý ông, luôn coi ông như ông nội của mình.

Lúc trí nhớ và tâm trí ông còn minh mẫn, ông thích uống rượu, có hơi rượu vào, ông hay khoe với tôi cái tài lẻ của ông, khoác lác về sự nổi tiếng của ông, kể cho tôi nghe truyện Liêu trai mà ông đã thay đổi nội dung gần như hoàn toàn. Sau khi mắc bệnh đãng trí, ông còn không nhớ bố và tôi là ai. Nhưng sự có mặt của ông khiến chúng tôi sống như ba thế hệ trong nhà, thật hoàn chỉnh.

Ông đã đi xa, mang đến cho tôi một cảm giác mất mát, trống rỗng trong lòng.

“Bố quen ông đã gần ba mươi lăm năm rồi, thời gian trôi nhanh quá.”

Giọng bố trầm lắng như đang nói với chính mình. Tôi nín thở lắng nghe, thầm nhẩm tính, chị Hứa Khả năm nay ba mươi tư tuổi, có nghĩa là rất có thể lúc chị ấy chào đời, bố đang phải đi lao động cải tạo, ở đó bố gặp và quen ông Trương.

“Ban đầu, con rất ghét ông, lúc nào cũng lừ đừ không nói, lúc nói thì toàn khoác lác, lại vừa ích kỷ vừa keo kiệt.”

Tính cách của hai người đúng là hoàn toàn khác nhau, cho dù bố có uống rượu cũng là một người rất ít nói.

“Có mấy năm bố không gặp ông, lúc gặp lại, ông đang xem bói cho một bà thím ở gần công viên. Ông nói thế nào bà thím đó gật đầu lia lịa. Bố đứng cạnh nghe một hồi, cũng rất ngạc nhiên. Sau khi bà thím đó rời đi, bố hỏi ông, sao ông có thể xem bói giỏi thế. Ông bật cười, nói rất đơn giản rằng, những người tìm đến ông muốn xem bói đều là những người gặp vấn đề nào đó trong cuộc sống. Ông chưa từng gặp người nào thuận lợi mọi đường mà đến xem bói cả. Những vấn đề phụ nữ gặp phải thường là liên quan đến chồng hoặc con cái, và không nằm ngoài những lo lắng về cuộc sống và tương lai.”

Tôi không nhịn được bật cười, đúng vậy, tôi xem bói cho mấy đứa bạn của Chu Nhuyệ, đúng là cũng làm theo cách này.

“Bố không thể nào ngờ, sau này mình lại trở thành đồ đệ của ông và sống cùng nhau lâu như thế, đến bố mẹ, anh em ruột cũng đâu có duyên phận dài lâu như vậy.”

Bố bưng cốc rượu uống một hơi cạn sạch, rồi tiếp tục rót nữa, bàn tay cầm bình rượu run run. Cuối cùng, tôi không nhìn nổi nữa, nắm lấy tay bố: “Bố, bố uống ít rượu thôi.”

Bố không miễn cưỡng, cứ mặc cho tôi cầm bình rượu cất đi. Lúc đó, cánh cổng bị đẩy ra, một người ngó vào, nói: “Thầy Hà, tôi là người sáng nay gọi tới, thầy có thể đi được không?”

Bố gật đầu. “Được, đợi tôi một chút.”

Tôi hỏi: “Bố định đi đâu à?”

“Không xa đâu, cạnh thôn mình có một tang lẽ cần người chủ trì.”

“Bố đừng đi nữa, sắc mặt bố kém lắm, nghỉ ngơi một ngày đi ạ.”

“Làm thế sao được, bố đã hứa với người nhà họ rồi.”

Bố thay quần áo rồi xách túi đi theo người đó. Tôi ngồi một mình trong sân, xoa đầu con Lai Phúc. Bình thường nó không thích cho người khác sờ vào, hôm nay chỉ “gừ gừ” rất nhỏ, còn đổi tư thế nằm xuống, cuối cùng nó vẫn không chịu được bỏ đi.

Con người sống và chết, đến và đi.

Sau này bố chỉ có một mình ngồi ở đây, sống qua ngày, cô đơn biết bao!

Điều tôi hoàn toàn không ngờ tới là, những ngày sống như vậy cũng không có.

Hai ngày sau, con trai của ông Trương gọi điện đến thông báo với chúng tôi, hắn ta muốn lấy lại căn nhà.

Tôi chưa từng nghĩ sẽ phải đối diện với vấn dề này nên cứ ngớ người ra.

Dì Hồng nghe tin, tức tối nói: “Đứng là đồ vô liêm sỉ, thật xấu hổ khi ông Trương có đứa con này. Hắn ta dám đuổi hai người đi, không biết hắn có phải là người không!”

Kỳ nghỉ hè này anh Triệu Thủ Khác không ở lại làm thêm mà về nhà. Anh tỏ ra khác bình tĩnh và nói với thái độ khách quan: “Trên lý thuyết, sổ hộ khẩu ghi tên bố của hắn ta, hắn là người thừa kế duy nhất, có quyền đưa ra yêu cầu này mà.”

Dì Hồng bực quá, quay sang kể lể với bố tôi: “Ban đầu, rõ ràng ông và ông Trương cùng bỏ tiền mua căn nhà này, vậy mà ông lại ghi mỗi tên ông Trương. Ông ấy đã mất khả năng lao động ít nhất cũng mười lăm năm, chưa nói đến đều dựa vào ông. Con trai ông ấy không bao giờ hỏi han, ngó ngàng tới bố, cũng không thực hiên nghĩa vụ chăm sóc, dưỡng già, vậy mà ông cũng không bảo ông ấy chuyển tên sở hữu ngôi nhà cho ông. Bây giờ thì hay rồi, con trai ông ấy danh chính ngôn thuận thừa kế tài sản, ông và Tiểu Hàng sống ở đâu bây giờ?”

“Đa số thời gian Tiểu Hàng ở trường, tôi lên thị trấn thuê một phòng trọ là được.”

Thấy bố bình tĩnh khác thường, dì Hồng gợi ý: “Lúc ông và ông Trương mua căn nhà này từ ông Thang, chủ cũ ngôi nhà, tôi và lão Triệu nhà tôi cũng có mặt làm chứng, tôi có thể đứng ra làm chứng là hai người cùng bỏ tiền ra mua. Đúng rồi, nếu muốn kiện ra tòa, có thể tìm ông Thang đó làm chứng. Giờ ông ấy đã chuyển lên Thượng Hải sống cùng con trai, nhưng em gái ông ấy vẫn còn ở thị trấn này, có thể liên hệ được với ông ấy. Ông việc gì phải giao nộp căn nhà cho con trai oonh ấy vô điều kiện như thế chứ?”

Tôi nhìn sang bố, thấy bố lắc đầu. “Tôi không muốn kiện cáo gì cả.”

Dì Hồng cuống lên. “Con người hắn ta chẳng tốt đẹp gì, nếu ông không kiện ra tòa, sợ rằng không đòi lại được căn nhà đâu.”

“Tôi nói rồi, anh ta muốn căn nhà này, tôi trả lại anh ta là xong.”

Bố quay người bước vào nhà. Dì Hồng trố mắt nhìn, rồi vừa bực vừa tức quay sang tôi, bảo: “Cháu xem, bố cháu uống rượu nhiều đến nỗi trở nên hồ đồ rồi.”

“Bố chấu không phải vì căn nhà mới chăm sóc ông Trương.”

“Cháu nói thế có ý gì? Con người ông ấy như thế nào, ông ấy đối xử với ông Trương ra sao, hàng xóm láng giềng ở đây đều biết cả. Lẽ nào cứ nhất định giao căn nhà cho con trai ông ấy, sống những năm cuối đời ở phòng trọ, như vậy mới chứng minh mình là người tốt sao?”

Tôi cũng nghĩ mình không thể nói được gì hơn.

Anh Triệu Thủ Khác đứng bên cạnh, bình tĩnh nói: “Làm người tốt đúng là không sai, những để người khác lợi dụng lòng tốt thì mình vừa thiệt thòi, vừa phải sống khổ sở. Phòng thuê ở trên thị trấn cũng chỉ mười mấy đến hai mấy đồng, không đắt đỏ như ở thành phố nhưng cũng là một món tiền. Căn nhà này bố em xứng đáng được hưởng, em không cần ủng hộ cách nghĩ sai lầm của chú ấy, em cần khuyên nhủ chú ấy thì đúng hơn.”

Sau khi dì Hồng ra về, tôi vào nhà thấy bố đang thu dọn đồ đạc.

“Bố, nếu bố cũng bỏ tiền ra mua thì căn nhà này bố cũng có phần chứ ạ.”

“Tiểu Hàng. Năm đó bố không có nhà để về, người thân không thừa nhận bố, chỉ có ông Trương thu nhận bố.”

“Nhưng bố cũng chăm sóc ông nhiều năm rồi mà.”

“Trả nợ tình cảm không đơn giản như vậy đâu con ạ. Cuộc đời của ông rất lận đận, phải xuất gia rồi lại hoàn tục, sau khi lập gia đình lại bất hòa với họ, không thể sống chung, nhưng ông lại luôn nhớ con trai mình. Trước đây, kiếm được đồng nào, ông đều tìm mọi cách gửi họ hàng mang về cho con trai. Bố nghĩ ông rất muốn để lại một chút tài sản này cho con trai. Bây giờ con trai ông cần căn nhà này thì cứ lấy bố không muốn tranh giành làm gì.”

“Nhưng...như thế không công bằng.”

“Đối với bố, từ lâu vố đã không nghĩ đến chuyện công bằng hay không công bằng rồi.”

Tôi định hỏi lý do vì sao, căn cứ vào đâu mà bố nghĩ thế, nhưng nghĩ kĩ mới thất bố bị lao động cải tạo oan ứ, bị người thân đuổi ra khỏi nhà, từ thành phố lưu lạc đến thị trấn nhỏ, có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi và một đứa con gái nuôi. Nếu việc gì cũng hỏi lý do vì sao, căn cứ vào đâu thì đúng là hỏi không hết.

“Chỉ có điều, bố rất áy náy, Tiểu Hàng à, bố làm con phải chịu khổ cùng bố. May mà sau này con tốt nghiệp đại học, có lẽ sẽ không trở về đây nữa, bố phải đi ở trọ cũng không sao cả.”

“Sau này con sẽ sống cùng bố.”

Bố cười gượng. “Lại nói ngốc nghếch rồi, sau này con phải lấy chồng chứ.”

Con nói rồi, con không muốn lấy chồng.”

Bố như không thèm nghe lời tôi nói. “Có thời gian về thăm bố là được. Không phải lo cho bố đâu, ở đâu cũng có người cần chủ trì tang lễ, bố không sợ không có việc làm, lúc nào nhàn rỗi bố có thể đọc sách, kéo đàn nhị hồ, uống chút rượu, ngày tháng rồi cũng trôi qua nhanh thôi.”

Bố nsoi với vẻ mặt bình tĩnh nhưng khắc khổ, có cảm giác phải thuận theo số mệnh sắp đặt, tim tôi bỗng thắt lại tưởng như không thở nổi.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv