"Xích sắt cột ở chỗ này," Dương Thu Trì chỉ vào gốc cột, cầm một con đao bầu lên làm ra vẻ chặt vào, nói: "Nếu như là muội, muốn dùng cái đao chặt củi này để chặt xích sắt muội sẽ chặt thế nào?"
Tống Vân Nhi tiếp lấy con dao, nhìn cột trụ: "Đương nhiên là dùng cột này làm giá đỡ, áp xích sắt lên trên mà chặt."
"Từ chỗ đứt cho thấy xích này bị chém một đao là đứt, nếu như chiếu theo phương pháp của muội, thì trên cột sẽ có dấu vết lưu lại, chí ít là dấu áp của xích sắt lưu lại trên cột khi bị đao chặt vào. Nhưng muội thử nhìn kỹ dấu ma sát trên đó coi, rõ ràng đây là những dấu do chó kéo qua lại ma sát mà lưu lại, chứ không có dấu đao chặt hay dấu xích ép xuống gì cả."
Tống Vân Nhi quan sát kỹ một lúc, gật đầu công nhận: "Đúng là không có." Ngẫm nghĩ một chút, nàng tiếp: "Vậy có thể để trên chỗ gồ lên ở mặt đất chém thẳng vào."
"Muội thử quan sát hình trạng của cái đao này, đặc biệt là phần mỏ cong xuống trên đầu. Muội thử coi có thể chặt được sợi xích đặt trên đất với cái đao cong xuống như vậy không?"
Tống Vân Nhi ướm thử một cái, cười: "Chặt không được, phần cong ngay mũi đao cản lại, cái đao chẻ củi này rõ ràng là không thể chặt được xích đặt trên đất." Nàng lại xoay chuyển ý nghĩ, tiếp: "Nhưng có thể kê một khối gỗ lên chẳng phải là được liền hay sao?"
"Vậy muội nhìn xung quanh xem có khối gỗ nào có thể dùng để kê không?"
Tống Vân Nhi nhìn xung quanh, thấy trong vườn chỉnh tề, không có khúc gỗ nào có thể sử dụng để kê được cả.
Dương Thu Trì lại nói: "Hơn nữa, cây cột trụ này chẳng phải là vật kê tốt nhất hay sao? Bởi vì nếu dùng đao chẻ củi chặt, kẻ ấy trực tiếp chặt lên trên cột chẳng phải là tiện hơn nhiều hay sao?"
"Chính phải, nếu như không có gỗ kê, cột cũng không có dấu chặt, như vậy kẻ này chẳng phải dùng dao chẻ củi chặt đứt xích, vậy thì y dùng cái gì để chặt đây?"
"Có thể là búa, do đó ta muốn đặt trọng điểm điều tra vào búa!" Dương Thu Trì đứng dậy trở lại đống đao búa kia, lệnh cho nha dịch lựa búa mang về nha môn, còn dao chẻ củi thì để cho Tô lý chánh bảo quản, chờ mọi chuyện rõ ràng thì đem trả lại cho thôn dân. Sau đó, hắn dẫn mọi người trở về châu thành.
Tuy có thể sơ bộ loại trừ đao chẻ củi khỏi vật dùng để chặt xích, nhưng số búa mà bộ khoái mang về có hơn mấy chục chiếc! Không còn cách nào khác, chỉ có thể thử kiểm tra qua một lượt xem coi có cái nào có thể là vật dùng để chặt xích hay không.
Muốn điều tra coi rốt cuộc búa nào là cái dùng để chặt xích, thì phải tiến hành giám định dấu vết.
Búa do dân thường sử dụng đều do lò rèn trong thành làm, có cùng một dạng, do đó búa mới không hề có khác biệt gì lớn. Nhưng sau khi đã dùng một đoạn thời gian, việc không ngừng chặt chém sẽ gây ra những dấu mẻ bất đồng trên lưỡi.
Lưỡi của đao búa nếu dùng mắt thường quan sát đều thấy rất sắc bén, chỉ cần thường xuyên mài thì sẽ không để lộ ra nhiều dấu mẻ rõ ràng, nhưng nếu dùng kính hiển vi quan sát lưỡi đao, có thể phát hiện ra những dấu vết đã mài che đi, vì chúng sẽ có độ lồi lõm không đều. Với lưỡi đao búa chém vào vật thể bằng sắt, sẽ để lại một loạt dấu răng rạn mà mắt thường rất khó phân biệt.
Những dấu rạn này rất giống những mã vạch hàng hóa ở trong siêu thị, nhưng mắt thường không thể nào phát hiện ra hết hoặc thậm chí không phân biệt được, cần phải dùng kính hiển vi quan sát mới thấy. Bất kỳ vật thể nào bị vật khác chặt chém vào đều có thứ dấu vết này. Chúng cũng giống như dấu vân tay của con người vậy, hoàn toàn khác biệt nhau, không thể nào tìm được hai dấu rạn giống nhau hoàn toàn.
Đương nhiên, thứ dấu rạn này vẫn rất khác với dấu vân tay của con người, bởi vì dấu tay của người cả đời không cải biến, cho dù dùng đao chặt ngón tay đi, dùng axít hủy đi, hay lột một lớp da đi, thì lớp mô mới (nếu có thể) vẫn sẽ giống y như cũ, không có bất kỳ cải biến gì.
Nhưng dấu rạn trên sắt do chặt chém không phải vậy, chỉ cẩn thông qua mài giũa thì đặc điểm dấu rạn trên mép đao sẽ từ từ biến mất hoặc cải biến. Do đó, sau khi bộ môn điều tra hình sự lấy được dấu vết xước trên mặt cắt, nếu trong vòng sáu tháng mà không tìm được vật dùng để chặt cắt tạo ra vết cắt này, thì trong tình huống bình thường, số tư liệu này về cơ bản không thể dùng được nữa.
Án này mới phát sinh hai ngày, cho nên nếu tiến hành phân tích so sánh dấu xước hay rạn nứt, có thể tìm được vật chặt chém tạo ra vết đứt bề mặt của đoạn xích này.
Dương Thu Trì chỉ cần tiến hành so những vật phẩm nghi ngờ với dấu trượt rạn trên sợi xích trên cổ nạn nhân, nếu có dấu phù hợp rõ ràng, và khi khớp các bộ vị có thể tạo ra sự giải thích hợp lý, thì có thế đoán định vết chặt này là do vật bén kia tạo ra.
Muốn tiến hành so sánh dấu vết này, cần phải sử dụng kính hiển vi. Dương Thu Trì xuyên việt mang tới đây kính hiển vi thuộc loại ngẫu hợp điện tích, có thể khớp nối với máy tính, đem vật quan sát được truyền đến xử lý và so sánh ngay trên máy tính xách tay.
Nhưng mà đầu búa lưỡi đao đều có độ dài nhất định, cần phải tìm được một bộ phận nhỏ đã từng được dùng để chặt qua sắt thép, khi đó kiểm tra mới có giá trị.
Thành phần hóa học của xích sắt và búa đao nhất định khác nhau, đặc biệt là bộ phận lưỡi. Và do tác dụng tương hỗ của vật thể, khi búa chặt vào xích sắt sẽ tạo thành dấu rạn xước trên xích, đồng thời xích sẽ tác dụng ngược lên búa, không những có thể tạo thành vết mẻ, mà còn có thể đem một số bộ mạt sắt trên xích dính vào hai bên của lưỡi búa.
Ví dụ đơn giản nhất để giải thích hiện tượng này là khi dùng búa chặt tay chân người, trên lưỡi búa sẽ dính máu. Hay dùng dao chặt một khúc nến, sẽ quan sát thấy vệt nến lưu lại hai bên mép dao. Nhưng khi dùng búa chặt xích sắt, do xích sắt không thể ra màu, do đó dấu vết mà xích sắt tạo ra hai bên lưỡi búa sẽ không thể quan sát được bằng mắt thường, rất khó phát hiện.
Nếu như ở thời hiện đại, điều trên quá đon giản, chỉ cần kiểm tra thành phần hóa học trên đầu búa đem so với thành phần hóa học trên đoạn xích đứt, sẽ nhanh chóng phát hiện rốt cuộc cái búa nào được dùng để chặt sắt, thậm chí còn xác định luôn chính xác bộ vị nào đã tiếp xúc với xích.
Nếu như muốn tiến thêm một bước nữa xác nhận chính xác hơn, có thể tiến hành so sánh vết rạn như trình bày ở trên, rồi kết hợp phán đoán. Những bước phân tích này nếu như tiến hành kịp thời, thường đều có thể đưa ra nhận định đồng nhất. Cho dù thời gian có dài hơn, đặc trưng ở lưỡi búa đã bị phá, nhưng dựa vào thành phần hóa học dính trên chỗ xích đứt, có thể xác định được lưỡi búa đã chặt dựa trên phân tích đồng nhất như trên.
Trong điều kiện kiểm nghiệm hóa học dễ dàng như thời hiện đại, thì điều trên quả thật là đơn giản. Nhưng trong số thiết bị viện trợ cho Tây Tạng mà Dương Thu Trì mang tới không có thiết bị kiểm nghiệm hóa học, bởi vì để kiểm nghiệm vật chứng khác nhau thì cần thiết bị khác nhau, như vậy số thiết bị cần sẽ vô cùng vô tận.
Trong tay Dương Thu Trì không có thiết bị kiểm tra thành phần hóa học, không thể tiến hành kiểm tra theo phương pháp này, phải dùng cách khác thay thế mà thôi. Biện pháp đó đương nhiên là thứ đã từng lưu hành một thời: tìm bộ phận nghi ngờ đã chặt chém vào sắt, tiến hành so sánh dấu vết ở chỗ cắt, so sánh vết rạn để từ đó đưa kết luận như cách 1 đã nói ở trên.
Xích sắt tuy rất mảnh, chỉ to khoảng đầu cây trâm, nhưng chất sắt vẫn cứng, dù độ cứng của sắt ở Minh triều không bằng thời hiện đại. Do đó, dùng búa chặt xích sắt đầu búa sẽ uốn khúc lại hoặc mẻ ra luôn. Hiện giờ chỉ có thể so sánh nhưng đầu búa thích hợp như thế thôi.
Thứ thí nghiệm này thường phải dùng những sợi nhôm thật mảnh, nhưng ở Minh triều không thể có thứ này, Dương Thu Trì chỉ có thể tìm mấy dây đồng mảnh thay thế. Đồng có độ cứng không bằng sắt không dễ phá hư đặc điểm của lưỡi búa.
Trước hết, hắn kiểm tra mọi đầu búa, tìm kiếm những chỗ bị uốn quăn hay bị mẻ, rồi dùng những thanh đồng mảnh áp lên đó lấy dấu rồi đưa lên kính hiển vi có nối với máy tính quan sát và chụp lấy ảnh, sau đó tiến hành so sánh với vết răng trên sợi xích.
Có đến mấy chục cái búa, mỗi cái có ba đến năm chỗ bị quăn hay bị mẻ, nếu cộng lại có cả thảy cả mấy trăm chỗ cần kiểm nghiệm, quả thật là rối rắm và mệt nhọc. Nhưng kiểm nghiệm pháp y vốn dĩ là như vậy, vừa cực, vừa buồn chán, khiến ngươi ta đôi khi ngấy đến tận cổ, nhưng Dương Thu Trì đã quen rồi.
Bận rộn cho đến trời tối thế mà mới kiểm tra được một phần nhỏ. Trong lúc này, các bộ khoái được phái đi xác minh tình hình gia đình Hoắc tiểu tứ đi mừng thọ bà ngoại các đứa nhóc đã trở về báo, xác định cả nhà Hoắc Thượng Tứ có đến đó, và không hề rời khỏi nơi này, người thân và hàng xóm có thể chứng minh.
Cả nhà Hoắc tiểu tứ không có thời gian gây án, xem ra chỉ có thể tiếp tục điều tra theo dấu vết tiếp xúc của vật chặt chém và sợi xích đứt.
Hồng Lăng đến gọi Thu Trì ăn cơm, hắn ăn vội ăn vàng xong rồi trở lại phòng tiếp tục kiểm tra.
Tống Vân Nhi hỏi hắn kiểm tra tới đâu rồi, hắn chỉ hàm hồ đáp cho qua. Những kết quả kiểm tra trước đó đều không cho thấy kết quả tương đồng nào giữa hai bên chặt chém, khiến hắn đã mất cả buổi chiều vô dụng.
Tống Tình thương xót hắn, bảo hắn đừng có làm bán mạng như vậy, nên nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai rồi tiếp tục.
Dương Thu Trì làm sao không biết "cách mạng" là một công chuyện phải bền chí bền lòng và rất lâu dài, hơn nữa hiện giờ thứ hắn làm đây chẳng phải là công tác cách mạng gì. Nhưng, con người của hắn là như thế, một khi đã bắt tay vào làm, hắn không thích phải dừng lại giữa chừng.
Cho nên, ăn vội xong, hắn trở về phòng pháp y tiếp tục kiểm tra.
Cho đến giữa đêm, đầu hắn váng mắt hắn hoa, trong khi đó chỉ mới kiểm tra được phân nửa, trên bàn để đầy mảnh đồng nhỏ uốn éo cong vẹo từ việc lấy mẫu, nhưng kết quả vẫn chưa tìm ra.
Tống Vân Nhi đến thăm mấy lần, phòng pháp y của Dương Thu Trì cấm bất kỳ ai tiến vào, cửa phòng khóa từ bên trong, Tống Vân Nhi gọi mấy tiếng, nói muốn vào phụ hắn, nhưng Dương Thu Trì vẫn không mở cửa.
Cuối cùng, máy tính xách tay cạn pin. Dương Thu Trì sửng người, không thế kiểm nữa rồi! Chỉ còn phải chờ tới sáng mai, khi mặt trời lên, pin năng lượng mặt trời sạc đủ mới có thể tiếp tục thôi!