Cô Lành nghe ông chủ Kiên dặn dò vậy thì nhanh chóng gật đầu nhưng cứ tủm tỉm cười mãi. Bữa sáng kết thúc, ai đi học thì đi, ai đi làm cũng đi nốt chỉ còn mấy người ở nhà.
Thùy Dung cho Bảo An ăn xong thì cũng giúp cô Lành và cô Thái một tay, mấy cô cháu vừa làm vừa nói chuyện thì Dung nhớ ra việc sắp tới nên có ý hỏi hỏi xem như thế nào:
– Cô Lành ơi? Ngày mốt là giỗ mẹ Bảo An thì nhà mình làm cỗ ra sao ạ?
– Lúc còn sống cứ tuần rằm bà chủ hay đi lễ và ăn chay vào hai ngày đó nên giỗ năm nào ông chủ cũng cúng chay cháu ạ!
– À… Vâng.
– Đồ chay các cô không biết làm nên toàn đặt người ta làm trước.
– Nếu không quá cầu kì thì cháu có thể giúp ạ!
Cô Lành nghe Thùy Dung nói vậy thì ngạc nhiên hỏi lại:
– Cháu biết làm đồ chay à?
– Dạ. Lúc còn là sinh viên cháu có đi làm thuê cho một nhà hàng cơm chay nên cũng học được vài món cô ạ!
– Vậy tốt quá! Thế chiều nay cháu với cô đi chợ sắm đồ dần nhé?
– Vâng. Đợi cháu cho Bảo An ngủ trưa thì cháu với cô đi siêu thị ạ!
– Ừ.
Ru Bảo An ngủ say thì đầu giờ chiều Dung và cô Lành đi siêu thị, làm thuê cả năm ở nhà hàng đó nên Dung cũng có kinh nghiệm, rất nhanh cô đã chuẩn bị xong mọi thứ, ngay cả đồ giúp cho chiều mai Kiên mang ra mộ của vợ cũng mua đủ luôn.
Buổi chiều hôm sau Kiên đi làm về sớm, một mình ra mộ của vợ thắp hương, dọn dẹp trước rồi lại tâm sự mọi điều về các con. Nhưng lần này mấy lời tâm tình đã có sự thay đổi, các con đứa nào cũng tiến bộ, nhất là bé An, tuy chỉ nói được một từ bố duy nhất nhưng anh tin con gái sẽ nói lại được sớm thôi.
Cỏ xung quanh mộ đã được nhổ hết, bụi bẩn bám vào bia mộ cũng được anh lau sạch, tất cả đã được anh cẩn thận làm từng chút. Tấm lòng của anh ba năm qua đối với người vợ đã khuất vẫn luôn trọn vẹn, nay sang cái giỗ thứ tư cũng không vơi bớt đi phần nào, vẫn chu toàn và cẩn trọng. Ánh mắt nhìn vào di ảnh khắc trên đó vẫn một tình cảm sắc son… Cứ vậy Kiên ngồi đó cho đến khi ánh chiều tà ngả hết màu vàng chuyển sang màu tối thẫm mới lên xe rời đi về.
Chính ngày cát kị của vợ, Kiên cẩn thận xuống bếp xem xét lại đồ cúng mà cô Lành và cô Thái chuẩn bị lại thấy Thùy Dung đang lúi húi trong bếp thì lấy làm lạ:
– Việc nấu nướng ăn sáng là của chị Thái và chị Lành, cô làm gì mà dậy sớm vậy?
– Dạ, đồ ăn sáng cô Thái đã chuẩn bị xong ở bàn rồi ạ! Còn mấy đồ này là tôi chuẩn bị để làm đồ cúng cho bà chủ!
– Cô làm gì cơ?
– Dạ…
Thùy Dung sợ Kiên phật lòng nên chưa biết trả lời tiếp ra sao thì anh đã nói thêm:
– Đồ cúng tôi đã bảo chị Lành chuẩn bị trước rồi, cô không cần làm!
– Dạ. Tôi… Tôi có biết làm một ít đồ chay… Nếu ông chủ không chê thì để tôi làm cũng được ạ!
– Cô biết làm?
– Dạ. Nếu yêu cầu nhiều món quá thì tôi không dám nhận nhưng là mấy món mà cô Lành bảo mọi năm vẫn làm thì tôi có thể đảm nhiệm ạ!
– Tôi không muốn chậm trễ thời gian làm lễ đâu.
– Dạ. Nếu ông chủ tin tưởng thì trước 10h là xong ạ!
Kiên không nói thêm gì nữa mà lẳng lặng đi ra ngoài thì đúng lúc thấy em trai chở bố mẹ đến. Trung Hiếu xuống khỏi xe là nhanh miệng hỏi tới mấy đứa cháu mà không thèm hỏi thăm anh trai Kiên lấy một tiếng. Hai anh em cách xa tuổi, dù không hợp nhau nhưng cũng chưa lần nào cãi nhau cả, chỉ là ít nói thôi.
Ngọc Anh và Tuấn Anh lúc này đang ở trong nhà thì nghe có tiếng chú Hiếu ở ngoài là mê mải chạy ra ngay. Ba chú cháu vẫn thường xuyên nói chuyện facetime nhưng cứ gặp nhau là như fan gặp thần tượng. Mà đúng là thần tượng thật vì Hiếu đang là ca sĩ nổi đình nổi đám hiện nay, cũng bởi hôm nay là ngày đặc biệt nên Hiếu mới xuất hiện chứ mấy khi có thời gian rảnh đến thăm các cháu yêu đâu.
Vui thì vui đấy nhưng vì bữa nay đi sớm cùng bố mẹ nên giờ này Hiếu đã đói meo cả bụng, anh không đợi được bố mẹ và anh trai vì ba người đang bận nói chuyện nên kéo vội hai đứa cháu vào ăn trước, mãi lúc sau bà Quyên, ông Đức và Kiên mới vào theo.
Thùy Dung đứng bên trong nghe tiếng nói chuyện quen thuộc ở ngoài phòng ăn thì nhanh chân chạy ra chào hỏi nhưng lời chuẩn bị ra khỏi miệng lại không cất lên được bởi cô bị bất ngờ vì thần tượng của mình cũng đang ở đây, ngay trước mặt cô luôn. Thùy Dung đứng chôn chân một chỗ, cô cứ ngây ngốc nhìn về phía Hiếu thì bà Quyên lên tiếng hỏi:
– Làm gì mà đứng ngây ra thế cháu?
– À… Dạ… Cháu chào ông bà ạ! Em… Em chào anh!
– Cái con bé này! Làm gì mà cứ lắp bắp thế hả?
– Dạ… Dạ cháu hơi bất ngờ ấy mà!
– Sao mà bất ngờ? Cái…
Bà Quyên định mắng vốn cô tiếp thì tự nhiên nhớ ra lí do khiến cô bất ngờ nên cười nói:
– À… Bất ngờ có phải vì anh Hiếu không?
– Dạ… Dạ vâng ạ!
– Gớm! Bà thấy thằng Hiếu chả có gì hay ho mà mọi người cứ vây quanh hâm mộ, rồi lại cả cháu nữa!
– Dạ. Anh Hiếu hát rất hay đó bà. Thể loại nhạc nào anh ấy cũng có thể hát mà hát rất tình cảm nữa, nhiều người hâm mộ lắm đó bà ạ!
– Ôi giời… Đấy! Mải mê quá nên giờ 30 tuổi vẫn ế đó cháu! Thằng anh trước đã lấy vợ muộn giờ thằng em còn muộn hơn. Chán lắm!
– Lập gia đình sớm hay muộn đâu phải mình muốn là được mà còn phụ thuộc vào duyên số bà ạ! Ông bà cứ vui vẻ đón nhận đừng nóng vội.
Gặp được thần tượng bất ngờ đấy, thích thú đấy nhưng việc chính vẫn chưa xong nên Dung không thể lơ là. Hứa là phải đúng hẹn và hoàn thành tốt nên cô tạm gác niềm vui gặp được thần tượng lại mà tiếp tục phần việc của mình:
– Dạ. Cháu đang dở làm đồ trong kia nên cháu xin phép ông bà! Ông bà với anh cứ ăn sáng tự nhiên nhé!
– Ờ… Cháu bận thì làm đi!
Trung Hiếu đợi Thùy Dung đi hẳn vào trong bếp thì quay qua hỏi mẹ mình:
– Mẹ! Đây có phải cô bảo mẫu của bé An không?
– Ừ. Đúng rồi! Con bé này hay lắm đấy!
– Miệng lưỡi cũng không tệ mẹ nhỉ?
– Khéo léo lắm, lại rất biết cách dỗ trẻ con!
Tuấn Anh nghe bà nội nói vậy thì cũng góp vui câu chuyện:
– Chị ấy học siêu lắm đó chú!
– Thế cơ à?
– Vâng. Mấy môn tự nhiên của cháu và em Ngọc Anh dạy ngon ơ. Nghe chị ấy giảng còn dễ hiểu hơn cả thầy cô gia sư vẫn đến dạy chúng cháu đấy!
Trung Hiếu vừa ăn vừa gật gù thì Ngọc Anh còn ghé tai anh nói nhỏ:
– Chị ấy còn biết võ nữa đấy chú ạ! Mấy đứa hay bắt nạt cháu bị chị ấy dọa cho một trận xanh mặt luôn.
– …!!!
– Chú đừng sửng sốt! Cháu nói thật đó! Đã thế còn khéo nấu ăn hơn cả bác Thái và bác Lành nhà mình cơ!
– Giỏi thế mà chịu đi làm bảo mẫu cho nhà cháu à? Có phải các cháu đang tâng bốc không?
– Thì nhà chị ấy hoàn cảnh nên phải vậy! Cháu nghe bố cháu bảo chị ấy tốt nghiệp loại tốt đấy, chú đừng có mà coi thường!
– …
Nghe cháu gái nói câu này thì Hiếu cười tủm tỉm, anh quay sang bố mẹ hỏi câu nửa đùa nửa thật:
– Bố mẹ có để ý gia cảnh không ạ?
– Con hỏi vậy là ý gì?
Tiếng ông Đức hỏi lại Hiếu thì anh trả lời tiếp:
– Là con thấy cái cô bảo mẫu của bé An đúng với gu con thích.
– Con nghiêm túc đấy à?
– Không nghiêm túc thì con hỏi ý kiến bố mẹ làm gì chứ!
– Ai chứ con bé Dung thì bố mẹ lại yên tâm quá!
Ông Đức nói vậy bà Quyên cũng gật đầu đồng tình ngay thì Ngọc Anh vỗ tay hoan hô hưởng ứng:
– Cháu cũng thích chị ấy! Chú mà tán đổ chị ấy thì tốt quá!
– Vậy cháu với Tuấn Anh giúp chú một tay nhỉ?
– Chúng cháu đồng ý luôn!
Hiếu được sự ủng hộ của cả nhà thì lúc này anh mới quay qua anh trai của mình:
– Anh Kiên! Anh thấy em tán cô bảo mẫu của con gái anh có được không?
– Em làm gì miễn là thấy đúng và nghiêm túc là được!
– Anh hay nhỉ? Em hỏi ý kiến anh lại trả lời thế là sao?
– Anh tôn trọng quyết định của em!
– Ui…za…
Kiên mặc kệ thái độ nửa mùa của Hiếu mà tập trung ăn cho xong bữa sáng, sau đó đứng lên đi vào phòng bếp xem Thùy Dung chuẩn bị mọi thứ đến đâu thì hết sức ngạc nhiên vì tốc độ cũng như sự khéo léo của cô. Mới chưa tới một tiếng mà cô đã chuẩn bị gần như tươm tất rồi, mà hơn hết là món nào cô làm cũng rất bắt mắt, như này thì có khi chưa tới 9h cô đã bày xong mâm cỗ đầy đủ rồi…
Trước một kết quả này Kiên tự nhiên buột miệng nói lời khen tặng theo kiểu riêng của mình:
– Xem ra việc cô học mót ở nhà hàng cơm chay nào đó cũng khá đấy!
– Dạ. Ông chủ thấy ổn là được rồi!
– Cần đây món mà cô nói là biết sơ qua thì có vẻ giấu nghề nhỉ?
– Không đâu ạ! Trước tôi làm ở đó có rất nhiều món nhưng mà tôi chỉ học được mấy món như này thôi. Hy vọng bà chủ ở dưới đó sẽ hài lòng.
– Cảm ơn!
Thùy Dung làm mâm cỗ chay thực sự khiến cả nhà Kiên ai cũng gật gù, đến khi cô cắm hai bình hoa cúc và bày biện mâm ngũ quả nữa thì bà Quyên phải thốt lên:
– Thùy Dung! Cháu còn gì là không biết làm không?
– Dạ. Bà cứ động viên cháu! Việc này ai cũng có thể làm mà!
– Ai cũng có thể làm nhưng làm đẹp và bắt mắt thì không phải ai cũng biết. Mà bà hỏi này! Cháu đã có bạn trai chưa?
– Dạ?
– Cháu có người yêu chưa?
– Dạ, cháu chưa ạ! Nhà cháu không nhà, không cửa thì ai yêu chứ!
– Vậy chịu làm con dâu ông bà không?
– …!!!
Đột nhiên bà Quyên hỏi câu này không chỉ có Thùy Dung đơ ra mà cả nhà cùng ngạc nhiên vì tốc độ hỏi vợ cho cậu Trung Hiếu quá nhanh, cơ mà lúc này ai cũng hướng mắt về phía cô chờ đợi câu trả lời thì Dung đỏ mặt lúng túng. Còn chưa biết nói ra sao thì ông Đức lại thêm vào tiếp:
– Cháu thấy anh Hiếu thế nào?
– Cháu… Ơ… Bảo An hình như dậy rồi, cháu xin phép ông bà vào đón bé ạ!
Dung trả lời vội rồi nhanh chân chạy biến về phòng của cô và bé An, vào tới phòng mà cảm giác mặt cô còn ửng đỏ. Vẫn biết ông bà Quyên, Đức đối xử tốt với mình nhưng ngàn vạn lần Dung không dám nghĩ ông bà ấy lại muốn hỏi cô làm con dâu. Nhà cô và nhà ông bà là hai tầng lớp hoàn toàn đối nghịch nhau, có thế nào cũng không bao giờ so sánh được, huống chi cô bây giờ với thân phận làm thuê cho con trai lớn của ông bà nữa. Nói không để ý là không đúng mà suy tính cho cùng làm sao có thể sánh cùng nhau đây.
Thật lòng Thùy Dung rất hâm mộ và thần tượng Trung Hiếu, trước đó cô mong ngày mong đêm được gặp anh ngoài đời một lần và hôm nay đã được toại nguyện thì đó là một vui mừng lớn lao rồi, còn việc trở thành bạn gái của anh thì cô chưa từng dám mơ tới. Tiếng bé An ư a thức giấc đã kéo Thùy Dung về thực tại, cô giúp con bé làm vệ sinh rồi đưa ra ngoài ăn sáng.
Đến giờ làm lễ cúng bà Quyên kêu Thùy Dung đưa Bảo An lên theo bố, lúc dẫn bé vào phòng thờ thì cô mới được nhìn thấy di ảnh của mẹ Bảo An, quả thật là mẹ của con bé rất đẹp, vẻ đẹp hiền thục, dịu dàng, giống hệt người mà cô đã nằm mơ lần trước. Tự nhiên nhìn cảnh mấy bố con ngồi quỳ gối theo hướng dẫn của vị Thầy cúng cô lại thấy thương. Một người mẹ chu toàn, một người vợ hiền thảo ra đi để lại bốn bố con bơ vơ với bao thiếu hụt, một gia đình vốn đang yên lành, ấm cúng nay lại cách biệt âm dương…
Thùy Dung dỗ bé An ở lại ngoan ngoãn, ngồi yên vị như chị Ngọc Anh còn cô tạm tránh ra ngoài ngồi đợi. Mấy năm trước Bảo An còn nhỏ, không theo bố và anh chị lên đây nhưng năm nay con bé đã 4 tuổi và hơn hết là lần này nó đã nhận biết được ít nhiều. Nghe Thùy Dung dặn ngồi bên cạnh chị Ngọc Anh thì con bé cũng ngoan ngoãn làm theo.
Thời gian làm lễ kết thúc, Bảo An theo Dung xuống dưới nhà, Ngọc Anh và Tuấn Anh cũng xuống theo, chỉ còn lại một mình Kiên trên đó. Lần nào anh cũng đợi cho tới khi hương tàn hẳn thì mới ra ngoài, người đàn ông trầm tính lúc nào cũng hướng về người vợ quá cố của mình với tất cả tấm lòng son sắc, thủy chung.
Kiên xuống tới phòng khách thì gia đình nhà Kiều cũng tới, cả nhà được Kiên đưa lên thắp hương xong thì quay trở lại phòng khách nói chuyện. Trung Hiếu cũng tới chào hỏi cho phải lễ rồi lại ra ngoài chơi với các cháu, thấy Dung đang tết tóc cho Bảo An thì Hiếu cũng ngồi xuống chiếc ghế đối diện bắt chuyện:
– Ờ… Nhà Dung có mấy anh chị em?
– Dạ, em có mẹ và em trai ạ!
– Nghe nói em cũng tốt nghiệp lâu rồi?
– Dạ hơn một năm anh ạ!
– Thế trước Dung học gì nhỉ?
– Dạ, em học kế toán.
Hiếu nghe tới Dung học ngành này thì gật gù rồi hỏi thêm:
– Bằng cấp của em khá chứ?
– Dạ, cũng đáp ứng đủ tiêu chí của một số công ty tầm trung trở lên mà không hiểu sao số em lận đận không xin được việc anh ạ!
– Thế sao không xin vào công ty của anh Kiên làm? Công ty của anh ấy phúc lợi khá tốt mà cũng tạo điều kiện cho một số sinh viên có khả năng.
– Dạ, em có xin mà thần may mắn vẫn không ngó tới em.
– Ô…
Nghe câu chuyện Thùy Dung kể thì Hiếu khẽ nhún vai, ánh mắt liếc xéo vào phía trong nhà rồi lại quay qua hỏi cô tiếp:
– Hôm em đi phỏng vấn có anh Kiên trực tiếp ở đó không?
– Có anh ạ!
– Ban tuyển dụng loại em à?
– Dạ, không. Là ông chủ Kiên loại em thẳng tay luôn. Nói em không đáp ứng đủ tiêu chí của công ty.
– Xem ra yêu cầu của ông chủ Kiên này thay đổi nhanh quá nhỉ?
Trung Hiếu nêu câu hỏi nhưng sau đó lại tự trả lời:
– Mà thôi, không nói tới vấn đề của ông chủ Kiên nữa. Xem nào, nếu có cơ hội em có muốn đổi một công việc khác không?
– Sao ạ?
– Anh sẽ giúp em làm đúng với ngành học của mình!
– Anh giúp em thật ạ?
– Ừ. Học đại học xong mà làm trái ngành như này lãng phí lắm! Nhưng tạm thời cứ giúp cháu anh qua thời gian khó khăn này đã nhé!
– Dạ. Em cảm ơn anh!
– …
Hai người nói chuyện công việc một hồi nữa thì Hiếu nhớ ra sự kiện sắp tới nên có nhã ý mời Thùy Dung:
– Chúng ta cũng coi như là chỗ quen biết thân thiết rồi nên em cũng đừng ngại nhé! Cuối tuần tới anh về đây biểu diễn, em có thích đi nghe trực tiếp anh hát không?
– Thật hả anh?
– Ừ.
– Em được mời ạ?
– Ưu tiên cô bảo mẫu đáng yêu của cháu anh!
– Cho em thêm vé được không?
Trước vẻ gần gũi có phần tươi trẻ của Thùy Dung thì Hiếu cũng tỏ ý trêu đùa cô:
– Nè… Cho một lại đòi xin thêm à?
– Em rủ mẹ và em trai đi xem, nhà em ai cũng hâm mộ anh mà không có điều kiện để đi.
– Ô… Nếu phụ huynh cũng hâm mộ vậy thì anh ưu tiên cô và cậu út, còn em là đi ké thôi nhé!
– Hihi… Sao cũng được ạ!
Mới đầu cứ tưởng Trung Hiếu là ngôi sao thì khó bắt chuyện thế nhưng xem ra là rất dễ gần, hòa đồng hơn cả ông chủ Kiên nhiều. Ngay buổi gặp gỡ ban đầu đã mang đến cho cô cảm giác thoải mái chứ không kiểu áp lực như ngày đầu tiên Dung làm việc với Kiên.
Mới đó mà đã đến lịch biểu diễn của Trung Hiếu, ba vé hàng ghế đầu cũng được Hiếu cho người gửi đến trước rồi nên Dung đợi Kiên đi làm về thì xin phép nghỉ để cùng mẹ và em trai đi xem. Tháng này cô cũng mới chỉ nghỉ có hai ngày về qua nhà nên tiện lần này cô xin nghỉ luôn hai ngày nữa để đưa mẹ và em hôm sau đi chơi.
Bữa tối ăn xong, đợi Kiên vào phòng làm việc thì Thùy Dung cũng gõ cửa đi vào theo rồi trình bày lí do:
– Dạ! Ông chủ cho tôi xin vài phút được không ạ!
– Có việc gì cô cứ nói!
– Tôi có thể xin phép nghỉ hai ngày cuối tuần để về nhà được không?
– Nhà có việc gấp à?
– Dạ… Không. Chỉ là lâu rồi tôi và em trai không đưa mẹ đi chơi nên tranh thủ cuối tuần đưa bà đi thôi ạ!
– Cô về luôn bây giờ hay sao?
– Dạ, sáng mai tôi mới về. Tôi còn chưa nói chuyện với Bảo An.
– Nếu thương lượng được với con bé thì cô cứ nghỉ thêm vài ngày cũng được!
– Dạ. Tôi cảm ơn ông chủ!
Sáng hôm sau khi cho Bảo An ăn sáng xong thì Thùy Dung nói việc cô sẽ về nhà hai ngày cho con bé nghe, vẻ mặt nó có hơi buồn nhưng cũng hiểu là cô chỉ về thăm nhà ngắn hạn như mấy lần trước nên cũng gật đầu đồng ý. Hai cô cháu ôm hôn tạm biệt nhau một hồi thì Bảo An mới để cho Dung rời đi.
Thùy Dung vừa đi ra tới cổng tính bắt taxi về thì nghe tiếng bấm còi ở phía sau và cửa kính từ từ hạ xuống:
– Tiện đi làm, lên đây tôi chở về!
– Dạ thôi, ngược đường lát mất công ông chủ phải quay lại. Tôi đi taxi mất mười, mười lăm phút chứ mấy.
– Lên xe đi!
Kiên không chỉ giục cô mà còn tiện tay mở cánh cửa ghế phụ thì Thùy Dung không từ chối nữa mà lặng lẽ ngồi lên xe. Hai người cứ vậy không nói năng gì cho tới khi ra khỏi khu phố nhà Kiên thì anh mới lên tiếng hỏi:
– Gần nhà tôi cũng có khu trọ sao cô không thuê để mẹ và em trai cô ở cho gần mà cô đi lại cũng tiện hơn?
– Chỗ này tôi có hỏi qua nhưng giá đắt lắm! Tháng tôi tranh thủ về mấy lần là được rồi, tiết kiệm được một khoản cũng dùng cho khối việc, với cơ bản là ở bên kia em trai tôi đi học gần hơn.
– Bên này so với bên kia đắt hơn bao nhiêu?
– Dạ! Hơn hai triệu đó ạ!
– À…
Đúng là so với một người đi làm công như Dung thì khoản tiền chênh lệch đó cũng là cả một vấn đề. Thực ra anh giúp người ta cũng được thôi nhưng với tính cách thẳng thắn, tự trọng của Dung có lẽ sẽ từ chối. Không khí lại tiếp tục im ắng cho tới khi xe của Kiên dừng trước khu nhà trọ của mẹ con Thùy Dung thì anh với tay mở hộc tủ xe đưa cho cô một cái Vocher: