Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 13: Lòng mây trăm mối ngổn ngang - Một đêm lửa cháy, Trường Giang quặn buồn



Ngày hôm sau, Nguyên Huân kể tất cả cho Long Điêu và Qui Loan nghe về hoàn cảnh cùng bước phong trần vạn dặm của chàng. Qui Loan kêu lên :

- Vậy mà...?

Rồi bà âm thầm đứng dậy bỏ đi không nói. Đêm ấy bà thức trắng đêm, lập bàn thờ riêng trong phòng mình, thắp hương lạy và khóc. Bà thức như thế suốt ba đêm, sang ngày thứ tư bà ngã bệnh. Nguyên Huân đến thăm viếng, săn sóc hết sức tận tình, Dương Long Điêu thấy thế rất hài lòng: Từ đấy, không biết có phải vì sự chăm sóc ân cần kia mà Dương Qui Loan xem Nguyên Huân như con đẻ. Những ngày bà đau ốm, bệnh không ra bệnh, chàng viếng thăm sớm chiều, duy có điều chàng phân vân nhưng không dám hỏi, chàng đã nhìn thấy bài vị thờ cha chàng, cùng với nỗi buồn héo hắt trong đôi mắt đẹp của bà. Qua mười ngày, bà có vẻ bình phục, nhưng mái tóc mây của bà bây giờ đã bạc trắng.

Dương lão nhân truyền thụ toàn bộ khẩu quyết võ công nhà họ Dương cho Nguyên Huân, ông tận lực chỉ dạy cho chàng, ông nói :

- Phượng Thánh, con không đủ thời gian học tập, ta truyền thụ khẩu quyết cho con. Với nội lực hiện có, con sẽ luyện thành công phu của nhà họ Dương ta, kết hợp với võ công của Châu lão tiền bối để lại, ngày ấy con sẽ nhận từ tay ta Độc Cô kiếm, con sẽ trở thành thiên hạ vô địch!

Ngừng một lúc, ông tiếp :

- Ta có điều này muốn nói với con, con trai ta ngày xưa có thu nhận một tên đồ đệ, y vốn người họ Tiêu của Khiết Đan, sau đổi làm họ Dương, lấy họ cũ làm tên, là Dương Tiêu. Y chỉ là một đệ tử ngoại truyền, chưa được vào chốn này, nhưng sau khi học toàn bộ võ công của Ly Cát con ta, y đã đầu độc sư phụ của y. Đáng lẽ ta không thể để cho y sống đến ngày nay, nhưng vì ta đã có lời nguyền không bao giờ ra khỏi nơi này. Bởi vậy, nếu công việc của con hoàn thành, con hãy mau trở về đây, ta truyền hết nội lực của ta cho con, con sẽ thay ta mà thanh toàn môn hộ, quét sạch cửa ngõ!

Nguyên Huân giật mình, thế là chàng đã biết rõ lai lịch của Dương Tiêu. Vậy thì Cửu Âm chân kinh y đã luyện thành. Châu Bá Thông, Lão Ngoan Đồng tiền bối, ngày về già, kết giao huynh đệ với Thần Điêu đại hiệp Dương Qua và truyền cho Cửu Âm chân kinh, đến đời Dương Ly Cát, nhận Dương Tiêu làm đệ tử và truyền lại cho y. Vậy công phu âm hàn của y là do từ Cửu Âm chân kinh mà ra.

Dương lão nhân lại nói :

- Tuyệt Tình đàm này cả ngàn năm trước vốn là miệng của Hỏa Sơn, dãy núi này qua nhiều phen biến thiên thay đổi hình dạng, nên nay mới có vách đá phía Nam dựng đứng. Thân phụ ta khi đến đây khám phá ra một mỏ kim cương và hồng ngọc, chính vì vậy mà ta không muốn để bất cứ kẻ nào lạ mặt vào đây, lòng người tham lam sẽ tàn phá tất cả. Nơi này ngoài địa thế vô cùng hiểm yếu, còn có đàn ong hàng triệu con canh giữ. Tuy vậy, vẫn có một con đường ra vào từ hướng Bắc, con đường cực kỳ bí mật, được sắp xếp theo Cửu Cung Bát Quái trận đồ, ta phải chỉ dẫn cho con mới được.

Từ đó, ngoài buổi học khẩu quyết võ công, tôi luyện nội công tâm pháp, học cách điều khiển đàn ong, chàng theo Dương lão nhân quan sát, xem xét địa hình, kể cả những nơi tuyệt mật của dòng họ Dương.

Hai tháng đã trôi qua, Nguyên Huân nghĩ đến trách vụ nặng nề đang chờ chàng, chàng xin phép Dương lão và Cô cô để ra đi. Dương Long Điêu khảo hạch tất cả những gì đã truyền thụ cho chàng lần cuối, và ông chấp thuận để chàng lên đường.

Riêng Qui Loan cô cô thì hết sức âu lo khi biết chàng đơn độc đối phó với những hiểm nguy bất trắc, và nhất là việc tương lai chàng sẽ không tránh khỏi, đó là phải trừ khử Dương Tiêu, kẻ giảo hoạt, thế lực tuyệt cao và võ công của y gần như không ai thắng nổi. Bà biết rõ bản lãnh Dương Tiêu, cha bà đã truyền thụ cho y toàn bộ công lực của ông, Nguyên Huân không thể là địch thủ của gã, ngay chính bà vị tất đã là đối thủ của Dương Tiêu, y hấp thụ toàn bộ Cửu Âm chân kinh, mà trong đó vì có một số chiêu số quá độc ác bà đã không luyện tập. Người duy nhất có thể khuất phục y, ngoài Nội tổ của bà, là một người họ Trương, ngoài ra chẳng còn ai. Trần Nguyên Lữ của bà đã chết trong tay y bây giờ đến lượt con trai của chàng. Bà dặn dò Nguyên Huân từng chút một, từng li từng tí, nhưng bà vẫn chẳng thể làm cho mình an tâm.

Nguyên Huân quỳ lạy Dương lão nhân gia và lên đường, Qui Loan đưa Nguyên Huân đến tận nơi mà tại đó bà đã thề không bao giờ bước thêm một bước để vượt qua từ mười lăm năm nay. Nguyên Huân giống cha như tạc, lòng bà quặn đau nhớ đến những hình ảnh và kỷ niệm đã xa vời trong quá khứ mà bà đã cố quên và đã chẳng thể quên.

Nguyên Huân biết Cô cô thương mình, và chàng cũng mơ hồ thấu hiểu được từ ngày nhìn thấy bài vị của cha trong phòng bà, khi nghe chàng thuật lại thân thế và cái chết của cha chàng. Chàng cầm tay bà, quỳ xuống từ giã, Cô cô ôm lấy chàng. Tự dưng chàng thấy bà như một người mẹ và chàng xúc động. Chàng lớn lên không biết mặt cha mẹ, chàng đã khao khát tình mẫu tử, khao khát sự dịu dàng, vỗ về mà chàng chỉ có trong giấc mơ, trong nỗi xúc động, chàng khẽ gọi bà, như trong những giấc mơ thuở thiếu thời :

- Mẹ, mẹ của con!

Dương Qui Loan nghe được tiếng gọi ân cần kia, nỗi đau buồn suốt cả một đời, bỗng dưng một phút tiêu tan như bọt nước.. “Ôi, con ta, con ta... con của chàng...?”

Bà ôm đầu chàng vào người thì thầm :

- Nguyên Huân! Con của mẹ, con yêu thương của mẹ!

Trong suốt đời bà, bà khao khát có bấy nhiêu. Bốn mươi năm trôi qua trong đời bà, kể từ ngày còn là cô gái áo vàng đi lại trong võ lâm, kể từ khi bà gặp người con trai Đại Việt đó một Vương gia của Trần triều Đại Việt phương Nam, từ ấy suốt đời bà không còn thấy ai có phong cách hào hùng, uyên bác và anh tuấn hơn chàng. Bà khao khát có với chàng một người con, nhưng bà không thể có. Bà đã có cùng chàng tám năm trong hạnh phúc và ba mươi hai năm chia lìa, bây giờ tóc bà đã bạc, và chàng không còn trên cõi đời này nữa, thì giờ đây, niềm ao ước suốt bốn mươi năm kia mới hình thành, con trai duy nhất của chàng, và giờ đây là con của bà, đứa con trai như chính bà sinh ra :

- Huân nhi, con của mẹ, con đừng để mẹ lo lắng, con phải trở về cùng mẹ, mẹ...!

Nguyên Huân xúc động, chàng như thấy chính mẹ chàng vẫn còn sống trên đời, và đích thực tự trong tâm hồn chàng, bà là mẹ của chàng :

- Mẹ, con xin hứa, con sẽ về cùng mẹ!

Nói xong, chàng nhảy vút ra khỏi tay bà, chàng không muốn mẹ chàng khóc vì âu lo cho đứa con vừa gặp lại với khoảng thời gian đoàn viên thoáng chốc, chàng không muốn nhìn những giọt nước mắt vì chàng mà lã chã...

Phải hai tháng trời, Nguyên Huân mới đi qua khỏi dãy núi ngăn cách Bắc Nam. Đương dài còn trước mặt. Từ Ứng Thiên phủ, ngày ra đi đã năm tháng qua, mà đoạn đường đến Yên Kinh còn dằng dặc. Hai mươi ngày sau, chàng đến bờ Hoàng Hà, con sông lớn thứ hai sau Trường Giang chảy ra biển Hoàng Hải. Cứ xuôi theo dòng sông này chàng sẽ đến Yên Kinh, dòng sông chảy qua cực Bắc của tỉnh Hà Nam, một phần của Sơn Đông và đổ ra cửa biển. Từ đấy chàng phải đi một khoảng mấy trăm dặm nữa mới đến được Yên Kinh.

Trên suốt đường đi, chàng cố tránh không can dự gì đến chuyện ân oán của võ lâm Trung Thổ dù chàng đã chứng kiến sự thanh toán đẫm máu trong nội bộ Cái bang, chàng đã chứng kiến những bạo tàn của quan lại triều Minh đối với thần dân của họ, và những cướp bóc, hãm hiếp, cả những khốn khổ của người dân gây ra bởi hai đạo võ lâm Hắc, Bạch.

Nguyên Huân dừng lại đợi chuyến đò xuôi vào chiều ngày mai, chàng thuê một căn phòng trong thị trấn sát bờ sông. Thị trấn Tam Lư trên hữu ngạn Hoàng Hà là một thị trấn sầm uất, thương thuyền xuôi ngược tấp nập. Các thương thuyền ngược xuôi Hoàng Hà phải đợi ra đi từng nhóm, và phải thuê các tay võ lâm hảo thủ làm nghề bảo tiêu, vì trộm cướp trên sông nước Hoàng Hà xảy ra thường xuyên.

Buổi chiều nay, chàng lang thang trong phố để tìm hiểu sinh hoạt nơi thị trấn cận giang này. Chưa đi được mấy con đường thì bỗng nhiên cả thị trấn nhốn nháo hẳn lên bởi tiếng tù và rúc lên u u và tiếng vó ngựa phi rầm rập. Chẳng nhẽ giữa ban ngày mà bọn cướp lộng hành đến thế?! Nhưng chỉ một lúc sau chàng đã biết là triều đình đang chuyển quân. Bọn kỵ binh, bộ binh đông như kiến cỏ đang di chuyển về hướng Tây, binh lính rùng rùng kéo đi làm bụi bốc lên mù trời, tiếng vó của hàng chục ngàn con tuấn mã khiến mặt đất rung chuyển. Cũng may đại quân kéo đi cách thị trấn khoảng chừng hai dặm về hướng nam.

Nguyên Huân tự nghĩ, hẳn phải có cuộc biến động gì mới khiến triều đình điều động một đạo quân lớn như thế. Dân chúng xôn xao, thì thầm bàn tán, trên khuôn mặt của người dân thị trấn chợt hằn nỗi âu lo.. Cứ mỗi lần có binh biến, thuế má nặng nề lại dồn dập đổ lên đầu đám lê dân nghèo khó.

Chiều hôm sau đoàn thuyền nhổ neo xuôi dòng, đi đầu là một con thuyền lớn, nối tiếp theo là dòng thuyền trên ba mươi chiếc, đi cách bờ chừng hai mươi trượng, những cánh buồm lớn kéo lên căng gió. Thuận dòng nên cả đoàn thuyền đi băng băng..

Trên khoang con thuyền lớn dẫn đầu, một bọn hảo hán chừng tám, chín người đang quây quần bên những vò rượu dưới ánh trăng thượng tuần. Tiết trời đang vào thu, gió mát từ mặt sông rộng lồng lộng thổi ngập thuyền, mặt nước lấp lánh dưới ánh trăng mênh mang huyền ảo, không gian tĩnh mịch. Nguyên Huân ngồi ngay đầu mũi thuyền, cách đám hảo hán chừng một quảng ngắn. Chàng ngồi im ngắm vẽ đẹp của Hoàng Hà mênh mông dưới ánh trăng dịu dàng. Sóng vỗ vào mạn thuyền như ru ngủ.

Ngoài đám hảo hán đeo kiếm trên lưng đang ăn uống, nói cười, có lẽ là bọn bảo tiêu do đoàn thuyền thuê mướn, còn có hai người đàn ông và một cô gái ngồi dựa mạn thuyền; cô gái này chàng đã thấy buổi chiều lúc lên thuyền, khoảng chừng mười chín đôi mươi, có đôi mắt sáng, gọn gàng trong bộ võ phục màu xanh dương, lưng đeo một thanh trường kiếm. Cô gái nằm gối đầu lên bọc hành lý, thanh gươm để sát cạnh xuôi theo thân người. Hai lão già vẻ người quắc thước ngồi gần về phía chàng đang to nhỏ nói chuyện. Tuy họ nói nhỏ, nhưng thính lực chàng rất cao nên vẫn nghe rõ. Lúc đầu chàng không muốn tò mò nghe chuyện người khác, nhưng đến khi họ nói đến cuộc chuyển quân ngày hôm qua Nguyên Huân chú ý lắng nghe..

Một người nói :

- Bọn Ngõa Thích hưng binh làm phản, lần này Triều đình lúng túng lắm!

Một giọng trầm hơn cất tiếng hỏi:

- Lão huynh nói lúng túng là thế nào? Chỉ cần đưa một đạo binh tiểu phạt thì đâu lại vào đó thôi!

- Sao lại không lúng túng. Phía Nam dân Đại Việt rùng rùng nổi lên, quan quân không lúc nào yên. Trên một mảnh đất Đại Việt nhỏ bé như thế, mà có đến hơn mười cuộc khởi nghĩa dấy lên cùng một lúc. Tổng binh đại nguyên soái Lý Bân bị giết chết, nhưng nói thác đi là chết bệnh, Trần Trí phải lên thay, triều đình không còn tướng tá nào khác!

- Binh của Thành Tổ dư trăm vạn, tướng giỏi có ngàn viên, sao lão huynh lại nói là không còn ai.

- Hừ! Chỉ toàn là một lũ vô dụng, ức chế dân lành thì giỏi, vơ vét thì tài, mãnh tướng gì chúng nó. Còn quân, dẫu có dư trăm vạn thật, nhưng có phải là gom được cả đâu, trấn đóng các nơi, thì trăm vạn nào có là gì!

- Lão huynh nghĩ sao không biết, chứ cứ theo ý của đệ thì Đại Việt là cái xương khó gặm, nhả quách cho rồi!

- Hà! Đó bởi lão đệ không phải là Hoàng đế đó thôi, chứ Đại Việt là miếng mồi ngon lắm đấy, nhưng nuốt trôi được hay không thì lại là đằng khác. Giống dân ở phương Nam này cương cường lắm, đàn bà cũng mấy phen đấy nghĩa làm vua. Lão đệ còn nhớ hai câu thơ thời Hậu Hán không:

Hoành qua đương hổ dị

Đối diện Vương bà nan.

(Múa giáo diệt hổ dễ

Chống vua Bà khó thay)

Và bao nhiêu đời kế tiếp nữa, anh hùng hào kiệt của xứ ấy đông như kiến, lại một lòng một dạ. Kìa như thời Mông Thát, sức mạnh như chẻ tre, khắp trong thiên hạ không nước nào chống lại, mà đến Đại Việt ba lần đều bị đánh cho tan tác đến nỗi Thoát Hoan, Hoàng Thao phải chui vào ống đồng mà chạy trốn, danh tướng lẫy lừng như Toa Đô, Ô Mã Nhi đều bay đầu. Dân xứ ấy không thể coi thường được, đến như bọn quân lính tham dự những trận năm xưa ấy, mỗi lần nhắc đến cái thuở Nguyên Phong sợ quá đến bạc trắng đầu. Nhưng cũng may, nếu dân xứ ấy mà lúc bình cũng như lúc chiến đều một dạ giống nhau, thì dân Trung Nguyên chúng ta chẳng còn đất chôn thây. Gần bốn trăm năm trước, họ đem quân đánh thẳng vào Trung Nguyên giữa lúc Tống triều đương thịnh, khiến mấy trăm dặm không còn thấy bóng người bởi quân dân ở đó sợ quá bồng bế nhau mà chạy hết cả. Họ tiến vào, kéo ra như chỗ không người. Ta thấy dân Đại Việt không thể đàn áp được, nên lấy vương lễ mà an! Ta vừa nghe Trần Trí xin viện binh, nhưng tình hình đang rối ren lắm, lấy đâu ra quân binh mà cứu viện?

- Sao lão huynh biết rõ như vậy?

- Lão đệ không nhớ Từ Trung Ngoạn à! Y làm việc trong Binh bộ, chức Thị lang nên việc gì y chẳng biết!

- Vậy tình hình rối ren là ra làm sao?

- Lão đệ suốt đời cầm gươm, chuyện giang hồ thì việc gì cũng rõ, mà chuyện đại sự quốc triều thì chẳng rõ việc gì. Để ta nói cho lão đệ nghe: Rợ Ngõa Thích ở phía Tây, chiếm cứ mạn Bắc, tù trưởng là Mã Cáp Mộc được Thành Tổ phong làm Thuận Minh vương, hiện giờ y đang dấy binh tạo phản, xua quân vào chiếm lấn đất đai, thành trì, quấy rối biên cương vùng Ninh Hạ, Cam Túc. Triều đình phải cử Thế Thuận hầu làm Bình Tây đại nguyên soái mang mười lăm vạn quân đi tiểu trừ. Rồi mới đây hậu duệ của Nguyên Thuận đế là Qui Lực Xích tiếm xưng Đại Hãn xưng là Đạt Đát Khả Hãn, rồi bị A Lỗ Đài giết đi, rước Bản Nhả Thất Lý tôn lên làm Đại Hãn, thường đem quân quấy nhiễu vùng Tuy Viễn. Thạch Thái Công là Khấu Phúc vâng mệnh đi đánh dẹp, liên tiếp bại trận. Quân Thát Đát vượt Trường Thành tấn công vùng Sơn Tây, đích thân Hoàng đế phải thân chinh, dẫn bốn mươi vạn quân bộ chiến, năm vạn kỵ binh, xử dụng mười tám vạn cỗ xe, ba bốn vạn lừa ngựa, ba mươi vạn dân phu cung đốn quân lương vũ khí. Dân Sơn Tây bị nạn đói trầm trọng, tình cảnh hết sức đáng thương, mà còn bị thêm nạn binh lửa nữa. Tình trạng trong ngoài rối ren như thế, chưa kể đến những cuộc khởi nghĩa của nông dân vùng Phúc Kiến, Triết Giang. Đó chẳng phải là rối ren ư? Chưa kể đến bọn cường đồ, trộm cướp nổi lên như rươi, nhân dân đồ thán, sưu cao thuế nặng để cung đốn cho các cuộc hành quân liên tiếp. Sức người, sức của biết là bao! Lão đệ, còn chuyện giang hồ tình hình thế nào?

- Lão huynh biết đấy, giang hồ trên ba mươi năm nay đã im sóng gió, chỉ có những bọn lục lâm thảo khấu, cường đạo hoành hành, không đáng nói. Nhưng gần đây đã có những dấu hiệu của những cuộc thảm sát đẫm máu. Võ Đang sơn bị xâm nhập quấy phá, Thiếu Lâm, Tung Sơn cũng bị nhòm ngó, nhiều môn phái, đại gia bị tiêu diệt, thảm sát. Tất cả đều dường như bởi một bàn tay mà ra. Rồi mới đây, nội bộ Cái bang lủng củng, chia rẽ, đến nay vẫn chưa chọn được Bang chủ, các Trưởng lão Cái bang kéo bè, chia phái tiêu diệt lẫn nhau. Còn Minh giáo, bao nhiêu năm im tiếng, bắt đầu hoạt động lại. Dương Minh vương trước đây là người của Minh giáo, nhưng đã ly khai, truy tìm nhân vật Minh giáo cũ mà truy sát. Võ lâm lại một phen máu đổ. Phái Nga Mi cũng bắt đầu đi lại giang hồ, Chưởng môn nhân cũ của Nga Mi xuất hiện nhiều nơi. Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Viên Nhẫn đại sư, gởi thiếp mời các Đại chưởng môn của các danh môn chính phái, các đại gia và quần hào tụ họp để ngăn chặn thảm họa đang gieo rắc trong võ lâm. Bạch Mi giáo cũng vừa trổi dậy, bọn giáo phái Tiêu Dao của Miêu tộc vùng Vân Nam bắt đầu đi lại giang hồ, xâm nhập vùng Quí Châu, Hồ Nam làm nhiều điều dâm loạn. Ôi thôi, sát nghiệp của võ lâm đã lại dấy lên!

- Còn Bạch Hạc phái của lão đệ thế nào, sao lão đệ lại bỏ đi như thế?

Người kia thở dài đáp :

- Phái Long Môn, phái Điểm Thương, phái Thanh Thành và Bạch Hạc chịu sự chi phối dưới áp lực của Quang Minh Vương Dương Tiêu, đã trở thành công cụ cho hắn, chịu cúi đầu để hưởng miếng xương thừa. Điều ấy ngu đệ không thể nào chịu được, nên cùng đứa con bỏ về quê nhà làm người dân cày ruộng, rửa tay, gát kiếm, không chen vào chốn thị phi nữa!

Nguyên Huân để tâm nghe hai lão già nói chuyện, bỗng thoáng trước mắt chàng ở phía trước đầu mũi thuyền, dưới ánh trăng nhạt, một đoàn ba, bốn chiếc thuyền nhỏ từ hướng bờ vút ra chặn ngay đường đi của đoàn tàu, trong chốc lát đã ép sát hai bên con thuyền đầu tiên. Bọn hảo hán còn chưa có kịp phản ứng gì vì còn đang ăn nhậu, thì từ bốn con thuyền nhỏ, những bóng người vùn vụt phóng lên, bọn hảo hán vội chụp nhanh khí giới, đứng lên thủ thế.

Nguyên Huân nhận ra bọn vừa đến gồm mười một tên, bảy tên đứng trên mui, bốn tên còn lại đứng chặn ngang mũi thuyền. Con thuyền chở hàng, những bao hàng xếp gọn ghẽ giữa lòng thuyền có mui che. Con thuyền tuy lớn, nhưng hàng hóa nhiều, khoảng trống không còn mấy, nếu cuộc chiến xảy ra rất khó xoay xở.

Mặt trăng ra khỏi đám mây, chiếu sáng rõ khuôn mặt từng người. Nguyên Huân đã nhận ra bảy tên đứng trên mui thuyền ngay dưới cột buồm là bọn Thất Sát đoàn, chúng đều bịt mặt đủ màu như thông lệ, duy bốn tên còn lại không bịt mặt, dù chúng có đứng xoay lưng về phía ánh trăng chàng cũng nhận được mặt chúng rõ ràng, cả bốn tên xấp xỉ ba mươi, lưng đeo trường kiếm. Một trong bốn tên lớn giọng :

- Hôm nay chúng ta có chuyện riêng, không can dự đến người khác, chẳng nên lo sợ!

Hắn có ý nói với bọn bảo tiêu đang lăm lăm vũ khí trên tay đứng chặn ở giữa. Một tên rời khỏi đồng bọn tiến bước đến trước mặt hai lão già, cả hai vẫn ngồi im, nàng thiếu nữ thì đã ngồi dậy.

Nguyên Huân ngồi trên lô hàng hóa được phủ lớp vải quét dầu chống ẩm ướt, đó là những bao bắp hột trong số thực phẩm chở về Sơn Đông, chàng nghe nói những bao thực phẩm này được đưa đến Sơn Tây, nhưng vì binh biến xảy ra nên phải quay đầu trở về. Chàng thò tay nắm lấy một ít hạt, tay chàng làm rách lớp bao ngoài gây tiếng động nhẹ, một tên quay lại nhìn chàng nhưng không nói gì khi thấy Nguyên Huân vẫn ngồi im bất động.

- Hà sư thúc, sư phụ mời sư thúc và Hà muội quay trở lại!

Tên này cất giọng đột ngột, tuy câu nói có vẽ bình thường nhưng âm hưởng lại tiềm ẩn một lời ra lệnh đầy sát khí. Người họ Hà chính là lão già phái Bạch Hạc, ngước mặt nhìn lên, hai mắt quắc sáng long lanh dưới ánh trăng, gằn giọng:

- Thạch Trung, ngươi đến đây mời ta hay bắt ta mà mang theo nhiều thuộc hạ lắm vậy!

Gã họ Thạch cười thành tiếng, nói:

- Hà sư thúc, chỉ là muốn long trọng nghênh đón sư thúc trở về đó thôi!

Giọng cười của y thật vô lễ, người thiếu nữ đứng sau lưng Hà lão cất tiếng :

- Thạch sư huynh, chẳng có luật lệ nào trong môn quy bắt buộc cha con tiểu muội phải làm những điều mình không muốn?

Thạch Trung cười nhạt nói :

- Hà Phi Thoa, cô còn nhỏ không nên chen vào chuyện của người lớn, chuyện này để sư thúc quyết định. Đây là lệnh của Chưởng môn nhân đấy!

Hà Thiết, nhân vật thứ hai của phái Bạch Hạc, gay gắt :

- Chưởng môn nhân của môn phái nào vậy? Ta thấy có đến ba nhân vật đi với ngươi là người của Long Môn, Thanh Thành, và Điểm Thương!

- Chuyện ấy sư thúc không cần hỏi, cũng không cần biết. Xin sư thúc cho biết quyết định của sư thúc thế nào?

- Nếu ta không trở về thì ngươi nói sao? Nay ta đã già, ta muốn về quy ẩn, điều ấy trong môn quy của Bạch Hạc không hề cấm đoán, vậy sư phụ ngươi lấy quyền gì áp chế ta như thế?

- Sư thúc không muốn trở về cũng không được, chúng tôi có bổn phận phải đưa sư thúc trở về, dù sống hay là đã chết!

Bọn hảo hán bảo tiêu thấy chuyện xảy ra, nên không còn căng thẳng nữa, vì biết đây là chuyện nội bộ trong môn phái của võ lâm, tuy nhiên họ vẫn cẩn mật đề phòng đứng yên không nhúc nhích.

Hà lão giận dữ quát :

- Ngươi dám vô lễ đến thế à?

Thạch Trung nói lớn :

- Các vị huynh đệ, bổn phận của ta đã xong, bây giờ là bổn phận của quí vị!

Một trong ba tên đi với Thạch Trung quát :

- Lão già ngoan cố kia, rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt thì được thôi!

Nói chưa dứt, hắn múa gươm phóng người về phía Hà lão chém xuống. Thấy cha bị tấn công, thiếu nữ họ Hà rút kiếm nghênh đón. Lưỡi kiếm của nàng vút lên như một dải lụa, nhằm huyệt Nhũ Căn của y đâm tới, tên này hoành kiếm gạt, nhưng kiếm nàng đã chuyển nhanh, mũi kiếm như cùng một lúc tấn công vào bốn bộ vị khiến y phải lùi lại; ba tên còn lại cùng lúc trờ tới bao vây người thiếu nữ vào giữa.

Hà Phi Thoa giở Bạch Hạc kiếm pháp phản công không chút úy kỵ, thân pháp nàng nhẹ vút cao như cánh hạc, nhẹ nhàng nhưng dũng mãnh, kiếm phong xé gió ào ào khiến ba tên đồ đệ của Long Môn, Điểm Thương, Thanh Thành nhất thời không thể áp đảo được.

Hà lão biết cuộc diện trước mắt sẽ rất khó khăn. Bốn tên này không làm ông lo lắng e ngại, nhưng còn bảy tên kia, mà ông cũng biết chúng là bọn Thất Sát, không bao giờ giao thủ lẻ loi, chúng xuất thủ theo trận pháp; bọn này được phái đến hôm nay chắc chắn đã được lựa chọn kỹ, Thất Tinh trận pháp của chúng lại cực kỳ lợi hại.

Bọn Thất Sát đoàn đã vào cuộc như một bầy ong dữ, cả bảy tên phóng đến bao vây Hà lão vào giữa. Nhìn thân pháp của chúng, ông biết ngay bọn này chẳng đứa nào thuộc loại tầm thường cả.

Nghe “tanh” một tiếng, lưỡi cương ty ở tay ông đánh bật ra chớp nhoáng, đẩy bật tên tấn công ở chính diện, đồng thời lưỡi kiếm như sợi chỉ vút mạnh, rít lên như tiếng đàn, Hà lão đảo nhanh bộ vị, Thạch Trung trong lúc không ngờ, bị lưỡi cương ty chém trúng đổ ập xuống.

Lão già cùng đi với Hà Thiết từ lúc sự việc diễn tiến vẫn ngồi im, bây giờ mới đứng lên nhưng vẻ vẫn thản nhiên, nhìn trận đánh như không liên can gì đến mình. Thấy vẻ văn nhược của lão, bọn sát tinh không thèm chú ý đến, mọi chú tâm đổ dồn vào Hà Thiết đang ở giữa vòng vây, lão già lui lại phía trái, đứng cách xa một đoạn.

Xử dụng cương ty kiếm, mới ra chiêu đã tận diệt được tên đồ đệ trong bang phái, hào khí nổi lên, Hà lão vận hết bản lĩnh sở học đối phó bọn Thất Sát. Nguyên Huân nhận ra bảy tên trong toán này, võ công chúng hơn hẳn những tên trong các toán khác mà chàng đã gặp, chắc bọn này là do từ Tổng đoàn phái đến, có lẽ vì tầm quan trọng của sự việc.

Ba tên cao đồ của ba phái Long Môn, Thanh Thành, Điểm Thương đang vây Hà Phi Thoa tấn công tới tấp, dù đã học hết sở học của Bạch Hạc kiếm pháp, nhưng nội lực nàng có hạn nên lúc này nàng đã lâm vào thế hạ phong, luôn luôn ngộ hiểm. Lão già đứng ngoài bất chợt nói lớn :

- Thoa nhi, yên tâm, đã có ta!

Nói xong, ông nhảy vút đến với hai tay không, ông sử dụng chảo pháp, chỉ lực chụp bắt, kình phong phát ra ào ào dũng mãnh ép ba tên lùi lại. Bỗng có tiếng quát :

- Ngô Quán Trung! Thì ra cũng có lúc ngươi lộ mặt nhảy vào chốn giang hồ?

Một bóng đen từ con thuyền nhỏ dưới sông vút lên như một cánh đại bàng, bóng người vừa đáp xuống đã xuất chiêu tấn công lão nhân mà y gọi là Ngô Quán Trung, chỉ trong chớp mắt hai bên đã giao thủ hai mươi mấy chiêu. Nguyên Huân nhận ra chiêu thức của y hết sức quái dị, chàng thấy hai bàn tay y đỏ tía: Tử Hà thần công.

Ngô Quán Trung quát lớn :

- Lâm Kỳ Sơn, ba mươi năm không gặp, có bản lĩnh gì hãy giở hết ra đi!

Ba tiếng Lâm Kỳ Sơn vừa vang lên, bọn hảo hán từ nãy giờ vẫn đứng ngoài im lìm bất giác nhìn nhau: Chưởng kỳ sứ, Hậu Thổ kỳ Lâm Kỳ Sơn, một nhân vật dưới tay của Quang Minh Vương, võ công ảo diệu kỳ quái, mà hành động thì vô cùng tàn ác. Y là người cầm đầu Thất Sát đoàn của Minh triều, hôm nay y đích thân tham chiến, đó là một việc ngoại lệ, vì từ xưa nay không thấy xảy ra. Hôm nay y xuất hiện, có lẽ không một ai có mặt tại hiện trường mà y để cho sống sót.

Kẻ thù số một của y là Ngô Quán Trung, nguyên là Nhuệ Kim kỳ, người đứng đầu trong Ngũ Hành kỳ của Minh giáo năm xưa. Ngô Quán Trung đã gát kiếm quy ẩn từ trên ba mươi năm trước, không lý đến chuyện giang hồ. Hơn ba mươi năm trước, Lâm Kỳ Sơn đã ôm một mối thù khôn nguôi đối với Ngô Quán Trung, vì một việc mà thực ra Ngô kỳ sứ không hề nhúng vào. Bản chất tàn độc của Lâm kỳ sứ bắt nguồn từ mối thù ấy, mối thù cả gia đình bị tàn sát, nên bất cứ y xuất hiện nơi nào, những người đã nhìn thấy y lúc ấy, y phải giết cho bằng hết. Sở dĩ y đứng đầu Thất Sát đoàn, mục đích thứ hai là để tìm kiếm Ngô Quán Trung, trả cho được mối thù mà y cho Ngô Quán Trung chính là sát thủ.

Ngô Quán Trung biết là không thể biện minh được, vì ông đã bị coi là thủ phạm khi Lâm kỳ sứ bắt gặp ông một mình trong tư thất của y, giữa quang cảnh đã tàn của cuộc thảm sát mười tám người của họ Lâm, bị giết hại hết sức tàn nhẫn. Vụ này ông đã âm thầm theo dõi để tìm ra hung thủ, giải mối hàm oan; nhưng kẻ thù như bóng ma, ông không lần ra manh mối. Từ đó ông bỏ đi tuyệt tích để tránh việc ân oán. Và Lâm Kỳ Sơn cũng tìm kiếm ông suốt ba mươi năm ròng rã, đồng thời cũng giết rất nhiều người trong dòng họ Ngô mà y bắt gặp.

Sau ba mươi năm gặp lại trên con thuyền xuôi Trường Giang trong đêm trăng mờ này, ông nghĩ đến những cái chết thảm của gia tộc ông và của gia đình Lâm Kỳ Sơn, với oán cừu không sao hóa giải được, ông quyết định trong giờ phút này sẽ chấm dứt nỗi cừu hận đau lòng bằng cái chết của cả hai. Ông vận dụng toàn lực, hai bàn tay ông từ từ chuyển sang một màu vàng óng loang loáng dưới ánh trăng, tay ông vung lên, chỉ phong, chường phong, ưng trào phong xô tới rít ào ào như gió; vận toàn lực Kim Long thần công lên hai bàn tay phối hợp với Ưng Dục trảo pháp để đối phó với Tử Hà thần công. Trên khuôn mặt lầm lỳ của Lâm Kỳ Sơn, sát khí bốc lên ngùn ngụt.

Hà Phi Thoa bị ba tên đồ đệ của ba môn phái vây hãm kịch kiệt, bọn hảo hán bảo tiêu biết mình đang đứng trước hàng cao thủ nức tiếng giang hồ của các đại phái, sự sát phạt không thể lường trước được, một người trong bọn bất thần tung người nhẩy xuống sông định tẩu thoát.

- Muốn chạy đi đâu?!

Trong tay Lâm Kỳ Sơn phóng ra một luồng ánh sáng bạc, ám khí có hình ngôi sao năm cánh cắm phập vào gáy của gã hảo hán vô tội, y chìm nghỉm dưới lòng sông đêm.

Nguyên Huân kêu nhỏ :

- Ái chà! Công phu của Ninh Thiết Thủ trường phái!

Tứ thúc phụ Điền Hoành Thứ Lang đã chỉ dạy, đã huấn luyện cho chàng những thủ pháp công phu thiết thủ thuộc trường phái Ninh gia.

Số hảo hán còn lại hoảng sợ, phản ứng tự nhiên của chúng là phóng mình bỏ chạy, toan nhảy qua mạn thuyền xuống sông. Tám vệt sáng lấp loáng lại từ tay họ Lâm phóng ra truy sát, cùng lúc bỗng nghe tiếng xé không khí, rồi không hiểu vì đâu, tám ngôi sao kia như gặp phải vật vô hình đánh trúng, nghe tiếng “tang, tang”, vọt bay lên và mất tăm tích cùng với tiếng ùm ùm của những bóng người lao xuống sông, lặn sâu trốn chạy. Trong lòng bàn tay của Nguyên Huân, nắm bắp ngô đã vơi đi một nửa.

Ngô Quán Trung không bỏ lỡ cơ hội Lâm Kỳ Sơn trong một thoáng ngây người, ông phóng người về phía y, hai cánh tay vung ra đẩy mạnh. Liếc nhìn về phía Hà lão và bọn Thất Sát, Nguyên Huân hiểu sự thảm bại của ông chỉ là trong giây lát, khói trên đầu Hà lão bốc lên như sương, chứng tỏ ông đã vận toàn bộ kình lực, thủ pháp đã có chiều rối loạn. Bọn Thất Sát, trước mặt Tổng đoàn chủ, nên ra tay bằng tất cả bản lãnh chúng có được, và uy lực Thất Tinh trận mỗi lúc một tăng. Trong lúc đó Hà Phi Thoa đã dần đi vào tuyệt lộ. Chỉ có trận kịch đấu giữa Lâm Kỳ Sơn và Ngô Quán Trung là còn đang ngang ngửa.

Giữa những tiếng rít của đao kiếm, tiếng vù vù của chưởng phong, quyền, chỉ, trảo, thốt nhiên có tiếng “véo véo” chen vào, và hai tên trong bảy tên toán Thất Sát bỗng thấy huyệt Độc Ty và Huyết Hải ở đầu gối và bắp đùi nhói buốt, chúng quỵ xuống cùng một lúc, người chưa ngã lăn ra đã bị lưỡi cương ty của Hà Thiết chém chết. Thất Tinh trận đột ngột rối loạn, một tên nữa lại bị cương ty kiếm đâm xuyên qua người trong lúc chúng đang ngơ ngác vì sư kiện chuyển biến quá bất ngờ. Ba tên bị loại trong khoảnh khắc, trong đó có Kình Dương và Đà La, hai bộ vị quan trọng trong Thất Tinh, có võ công thâm hậu hơn hết.

Cùng lúc ấy, hai tên đồ đệ của Long Môn, Thanh Thành chợt thấy huyệt Thiên Đột ở ngực và Trung Quản ở bụng bị đánh trúng, chúng chưa kịp kêu thì lưỡi kiếm của Hà Phi Thoa chém đứt tay trái một tên, tên kia bị lưỡi kiếm của nàng lia ngang đốn ngã.

Dù đang cùng Ngô Quán Trung kịch chiến, tất cả việc xảy ra không qua khỏi mắt của Lâm Kỳ Sơn, y nhanh chóng biết đã có kẻ nào ra tay trợ thủ, và biết kẻ ấy có võ công thuộc loại thượng thừa, y gạt mạnh tay và tung người nhảy ra, đảo mặt quát lớn :

- Hãy dừng lại!

Cả bọn nghe lệnh, nhảy vụt ra, lùi về phía sau. Ngô Quán Trung cũng dừng tay, bởi ông cũng ngạc nhiên như y. Họ Lâm liếc mắt nhìn quanh, đập mạnh vào mắt y là gã thiếu niên đang ngồi ở mui thuyền, ngoài y ra không còn ai khác.

“Gã thiếu niên trông rất tầm thường, mặc bộ áo màu vàng sẩm pha đen, cầm trong tay một cây gậy trúc lớn, ánh mắt buồn bã, không có tinh quang: chẳng nhẽ thằng nhỏ này lại luyện đến mức Tinh Hoa nội liễm được sao?”, y không tin, nhưng trên dòng sông mênh mông này, còn ai khác nữa?

Y cau mày quát lớn :

- Cao nhân hà cớ gì lén lút như chuột ngày, sao không lộ diện?

Vài giây trôi qua không thấy ai lên tiếng, y bước đến trước mặt Nguyên Huân, dừng lại, quan sát chàng. Nguyên Huân ngước mắt nhìn y, rồi cúi xuống. Lâm Kỳ Sơn không tin rằng gã thiếu niên này lại có công phu cao thâm đến vậy, nếu vừa rồi gã sử dụng Đạn Chỉ thần công đánh rơi tám quang tinh của y, thì kình lực ấy phải hơn y mấy bậc về nội lực Trong tay gã này không có một tấc vũ khí, ngoài nắm ngô và cây gậy trúc lớn cỡ cổ tay. Lâm Kỳ Sơn tức giận, và giận cá chém thớt, chân phải y xử dụng thế Xà Vĩ độc cước, đá mạnh vào sườn trái của Nguyên Huân, toan hắt tung chàng xuống dòng sông, người có võ công tầm thường, trúng cước này, bể tim mà chết ngay trước khi rơi xuống.

Ngô Quán Trung giật mình, toan phóng lại, nhưng ông biết là quá trễ. Sinh mạng người thanh niên vô tội kia ông không tài nào cứu kịp. Riêng Lâm Kỳ Sơn, y muốn giết một người để giải tỏa cơn tức giận, nhưng khi độc cước đá vào huyệt Kỳ Môn của gã thiếu niên, y bỗng phát giác ra một luồng kình khí cực kỳ cương mãnh...

“Bùng!”

Hà Phi Thoa quay đi, không muốn nhìn thấy cái chết của gã thanh niên hiền lành mà buổi chiều nàng đã gặp, một chàng trai có đôi mắt buồn buồn và khuôn mặt tuấn tú. Một bóng người tung lên cao, bị kình lực phản chấn, Lâm Kỳ Sơn với kinh nghiệm giang hồ, y đưa người tung cao hơn sức đẩy để giảm bớt sự phản chấn khủng khiếp ấy; lộn một vòng, y đặt chân xuống đất, mắt mở lớn lắp bắp :

- Ngươi... áo vàng... họ Dương...

Nguyên Huân vẫn ngồi im lặng như không có chuyện gì xảy ra. Bỗng từ trong khoang thuyền, lẫn trong đám hành lý bừa bộn, một nhà sư bước ra, dừng lại trước của khoang, phóng tia mắt nghiêm nghị nhìn Lâm Kỳ Sơn :

- Mô Phật, Lâm thí chủ không đi đi, còn đợi gì nữa?

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía nhà sư có dáng người cao lớn, ăn vận nửa tăng nửa tục, tay cầm chuổi bồ đề lên nước loang loáng dưới ánh trăng. Nguyên Huân vội đứng dậy cúi chào. Lâm Kỳ Sơn nhìn nhà sư đăm đăm như muốn tìm hiểu thân phận kẻ vừa xuất hiện bất ngờ. Lão sư làm như không để ý ông tiếp tục nói với y :

- Ân có nơi, oán có chỗ, bần tăng ngày xưa đã nói với thí chủ nhiều lần, sao thí chủ cứ cố chấp thế! Hiện nay bần tăng quả thật vẫn chưa tìm ra được hung thủ của vụ án năm xưa, nhưng bần tăng trước sau vẫn đoán chắc với thí chủ, thủ phạm không phải là Ngô thí chủ đây, bần tăng lấy danh dự mà nói!

Thoáng chốc phân vân, Lâm Kỳ Sơn vòng tay nghiêng mình thi lễ :

- Xin bái biệt!

Y nói xong quay mình bỏ đi sau khi ra dấu cho đồng bọn mang theo mấy xác chết và tên đồ đệ của phái Long Môn. Cả bọn xuống thuyền lao đi vun vút.

Ngô Quán Trung quỳ một gối, cung kính :

- Thuộc hạ Ngô Quán Trung tham kiến Hữu sứ!

Nhà sư nâng họ Ngô lên :

- Ngô huynh đệ, đừng đa lễ!

Nói xong, quay sang Hà Thiết chắp tay đáp lễ. Hai cha con họ Hà vội vòng tay thưa :

- Đa tạ Đại sư đã ra tay cứu trợ!

Nhà sư cười lớn :

- Hà thí chủ lầm rồi, đã có cao nhân ở đây, bần tăng đâu dám múa may!

Nói xong bước lại cầm tay Nguyên Huân nói :

- Cứ mỗi ngày công lực của Trần thí chủ một cao thêm, mới có sáu tháng mà bần tăng không tướng tượng được rồi đấy!

Nguyên Huân đáp lễ :

- Đại sư quá khen vãn bối đấy thôi! Hôm nay được diện kiến với Đại sư, vãn bối mừng rỡ lắm. Chẳng hay Đại sư sao mãi hôm nay còn ở đây?

Kiến Nghiệp đại sư đáp :

- Bần tăng đã cố gắng hết sức để can ngăn cuộc đổ máu của Cái bang. Hà! Sự chia rẽ này có bàn tay của Dương Minh vương đấy!

- Vãn bối cũng đoán chừng vậy!

Quay sang Ngô Quán Trung và Hà Thiết, Đại sư nói :

- Xin giới thiệu với Trần thí chủ, vị này là Ngô Quán Trung, Chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim kỳ của Minh giáo năm xưa, còn...

Ngô Quán Trung tiếp lời :

- Vị này là Hà Thiết, người anh em kết nghĩa của thuộc hạ, Đệ nhất Phó chưởng môn của Bạch Hạc phái!

Tươi cười hướng về Nguyên Huân, Đại sư vui vẻ :

- Và đây là Trần Nguyên Huân thí chủ!

Hà Thiết vòng tay :

- Lão phu đội ơn thiếu hiệp đã ra tay cứu mạng lão phu cùng tệ nữ. Xin nhận cho lạy này!

Nói chưa dứt toan quỳ, Nguyên Huân vội cầm tay giữ lại, chàng ân cần nói :

- Hà lão tiền bối, xin đừng làm thế, vãn bối tổn thọ mất!

Bọn hảo hán bám sau đuôi thuyền, thấy đã yên leo lên, tất cả quỳ xuống :

- Chúng tôi xin tạ ơn ân nhân cứu mạng!

Nguyên Huân đưa tay ra, một luồng kình khí ôn nhu đỡ bọn hảo hán đứng lên, cả bọn cố cưỡng không được, đưa mắt nhìn nhau. Nguyên Huân nói :

- Xin các vị đừng câu chấp như thế, tại hạ thấy điều bất bình thì phải như thế thôi, nào có đáng gì!

Từ lúc xảy ra chuyện lộn xộn, hai người tài công trốn dưới sàn thuyền bây giờ mới bò lên, phụ cùng với bọn hảo hán quét dọn, lau chùi những vết máu trên thuyền. Ánh trăng mỗi lúc một tỏ thêm, mọi người ngồi quay quần bên mâm rượu nhà đò vừa dọn lên. Hà Phi Thoa giữ lễ ngồi lui lại sau lưng thân phụ.

Kiến Nghiệp đại sư lên tiếng :

- Việc này tất còn nhiều rắc rối, sở dĩ bần tăng đến đây và ẩn thân trong khoang là vì tình cờ biết được chuyện này từ trước nên chờ dịp mà trợ thủ, nhưng nếu biết có Trần thí chủ thì bần tăng không phải lo ngại nữa!

Ngô Quán Trung hỏi :

- Lúc nãy, Lâm Kỳ Sơn kêu lên: áo vàng, họ Dương là thế nào?

Kiến Nghiệp đại sư nói :

- Khoảng sáu mươi năm về trước, dưới thời Nguyên Thuận đế, có một nhân vật họ Dương, khoác áo vàng như Trần thí chủ đây, thường đi lại giang hồ, võ công cực kỳ cao diệu, tên gọi là Ly Cát, không hiểu sao bỗng dưng tuyệt tích giang hồ. Nay bất ngờ gặp Trần thí chủ cũng y phục cùng màu, võ công cao thâm ảo diệu như thế, nên làm hắn thảng thốt kêu lên thế chăng.

Nguyên Huân yên lặng không nói gì, sau cùng chàng kể tất cả mọi chuyện đã trải qua trong sáu tháng, những việc lạc vào Tuyệt Tình đàm thì giấu kín.

Hà lão nói :

- Bọn Thất Sát đoàn vâng mệnh chủ nhân tối cao của chúng, bấy lâu nay khắc chế võ lâm hết mức: mua chuộc chia rẽ, tàn sát các bang hội, môn phái. Chúng cấu kết với giáo phái Tiêu Dao làm nhiều điều tàn bạo, chướng tai gai mắt, chúng tàn sát phái Điểm Thương, đưa người của chúng lên, mua chuộc, gây áp lực với Long Môn, Thanh Thành và Bạch Hạc, tận diệt những người chống lại chúng không từ thủ đoạn nào. Đưa những kẻ bất chính lên cầm đầu các môn phái, và kết hợp bốn môn phái này, tuyển chọn người của chúng mua chuộc được để tạo thành thực lực trong cái gọi là “tứ phái hợp nhất”. Tại hạ cô thế biết mình không thể làm gì được nên đã âm thầm cùng tệ nữ bỏ ới, vậy mà chúng cũng đuổi theo truy sát bằng được, may nhờ có Trần thiếu hiệp nên còn sống sót. Tuy vậy, chúng sẽ chẳng bỏ qua, vì cha con tại hạ để giết mất bốn người và làm bị thương một số người của chúng. Tại hạ chuyện sống chết để ngoài tai, chỉ lo tệ nữ rơi vào tay chúng thì thật dẫu chết cũng không nhắm mắt được!

Ngô Quán Trung nói :

- Bẩm Hữu sứ, thuộc hạ e rằng thế nào trong đêm nay, hoặc đêm mai, Lâm Kỳ Sơn cũng dẫn đồng bọn đến vây hãm, vì y sẽ không bỏ qua, Hữu sứ nghĩ thế nào?

Đại sư đáp :

- Lâm Kỳ Sơn là kê cố chấp, ta biết y sẽ trở lại, nhưng y là người rất thận trọng, vì vậy y chưa ra tay ngay đâu. Chiến thuật của y là đánh tỉa. Lần này y tính sai vì không ngờ sự có mặt ngẫu nhiên của Trần thí chủ, chúng ta phải để tâm, bọn Thất Sát lúc hành sự thì mang mặt nạ, nhưng khi theo dõi thì như một người dân thường, không biết chúng là ai, thật khó đề phòng!

Liên tiếp trong năm ngày đêm trôi qua không thấy động tĩnh gì. Qua đêm thứ sáu, trăng tròn vành vạnh, không gian yên ả trên mặt sông mênh mông. Bờ sông phía hữu ngạn bị cát bồi nên rất nông, thuyền phải đi vào giữa dòng. Trăng mỗi lúc một lên cao, lấp loáng trên mặt nước như dát vàng, hai bên bờ là rừng già trùng điệp, bỗng mơ hồ có tiếng tù và nổi lên, và từ hai bên bờ, những con thuyền nhỏ xuất hiện mỗi lúc một đông, theo chiều gió từ hữu ngạn lướt tới. Đoàn thuyền ghe thương hồ bị gió ngang nên đi rất chậm. Đoàn ghe nhỏ im lìm xốc mũi đến áp sát cùng lúc một đợt tù và thứ hai nổi lên, cả trăm ngọn lửa đồng lúc bừng sáng mặt sông. Hơn chục chiếc ghe nhỏ chở đầy rơm, bồi và những chất dẫn hỏa đang lao vào đoàn thương thuyền.

Giật mình trước diễn biến không một ai ngờ được là bọn Thất Sát có thể có hành động như thế, sinh mạng hàng trăm người khách buôn vô tội sắp làm mồi cho thần hỏa và hà bá, Nguyên Huân cùng với Kiến Nghiệp đại sư, Ngô kỳ sứ và cha con Hà lão giở khinh công chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, lớn tiếng ra lệnh cho từng chủ thuyền lập tức tỏa rộng đội hình. Bọn chủ thuyền cuống cuồng làm theo lệnh, nhưng ghe thuyền thương hồ chở nặng nề, xoay trở khó khăn, chỉ một số ít thoát ra khỏi vùng lửa hãm mà vẫn không thoát khỏi bọn sát thủ từ phía tả ngạn chực chờ từ trước xông ra chém giết. Tiếng la khóc, tiếng quát tháo vang dậy một góc trời. Lửa đã bắt cháy vào đoàn thuyền buôn, ánh lửa ngút trời, sáng rực cả một vùng sông rộng.

Nguyên Huân, Đại sư và ba người trong bộn nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ đi cuối đoàn thuyền, thuyền này chở nhẹ vì chủ thuyền đã bán hết đồ hải sản, lúc trở về chỉ mang theo một số sản phẩm địa phương. Nguyên Huân kéo buồm chính, thuyền nghiêng qua một bên, bọc gió, vút như tên bắn về tả ngạn...

Vài con thuyền nhất thời thoát khỏi sự chém giết vẫn bị bọn Thất Sát ẩn dọc theo bờ bắn tên lửa lên thuyền. Nguyên Huân, Đại sư, Ngô kỳ sứ dùng chướng phong đánh bạt đi. Cha con Hà Thiết xử dụng kiếm, loang loáng gạt rớt những mũi tên lửa đang bắn tới như mưa.

Trên Trường giang, chỉ còn duy nhất con thuyền của năm người là chưa bốc lửa, bồng bềnh giữa tranh tối tranh sáng trên mặt nước, làm đích cho bọn xạ thủ trên những chiếc ghe nhỏ bâu đến bắn tên vun vút. Kiến Nghiệp đại sư đứng ở mũi thuyền, phất tay áo đánh bạt từng đợt tên. Người cho đò đã bị bắn trúng ngực nằm chết từ lúc nào. Trên những con thuyền khác, nhiều người không chịu được sức nóng ghê hồn đã lao cả xuống sông và mất dạng. Đứng trước cảnh bi thảm với bao mạng người thác oan, Kiến Nghiệp đại sư không còn chịu được, căm giận thấu tim gan, ông quát lớn :

- Lũ khốn kiếp này tàn bạo quá lắm, không thể tha được!

Lời chưa dứt, ông như một cánh đại bàng lao vút lên không, chân nọ điểm chân kia, lộn mấy vòng trên cao, thân pháp tuyệt đẹp, bọn xạ thủ giết người quên cả bổn phận, ngây người đứng nhìn...

Từ trên cao, song chướng ập xuống vỗ mạnh, kình lực như núi đổ, chiếc ghe gần nhất tan tành nhiều mảnh cùng với năm tên xạ thủ chìm nghỉm mất tăm. Nguyên Huân cùng một sát khí như Đại sư, chàng buộc dây buồm vào cọc, xoay mạnh người tung mình lên không, dùng thân pháp Điểu Phong mà chàng mới được Dương lão nhân gia truyền thụ, bóng chàng như con Thần điêu vỗ cánh, lướt nhanh, cùng lúc xử dụng Thủy Thượng Phiêu thân pháp, chưởng lực vỗ mạnh lên mặt nước, và dưới Nam Hoa chưởng pháp, từng chiếc ghe của địch vỡ nát, bọn xạ thủ trên ghe vỡ mật bay hồn tìm đường nhảy xuống sông tẩu thoát, cả một vùng rộng trên sông mở ra, Kiến Nghiệp và Nguyên Huân truy sát, sát chưởng đánh tan liên tiếp trên chục chiếc, những chiếc ghe còn lại kinh hoảng quay đầu chạy trốn.

Cả một mặt sông rộng bùng bùng những lửa, nhìn thảm cảnh đau lòng, Nguyên Huân phẫn hận: “Đến ngay đám lương dân cùng chủng tộc mà bọn chúng cuồng sát không từ, thì đối với dân Đại Việt chúng còn tàn nhẫn đến đâu!” Càng nghĩ lòng chàng càng quặn thắt.

Con thuyền do Hà lão điều khiển tạt vào tả ngạn và chìm khuất trong bóng đêm...

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv