Kinh Thành.
Phố Tây An nằm ở trung tâm Kinh Thành nối liền giữa Hoàng Cung và cổng thành phía Tây vẫn nô nức tấp nập như bao ngày. Hai bên lề đường là hàng quán kệ sập, tiếng mời gọi rộn vang, tiếng người đi qua đi lại trả giá chuyện trò.
Kinh Thành đang bước sang những ngày cuối cùng của mùa hè oi ả, nắng không còn quá gắt mà vương chút dịu dàng trong cơn gió thoảng của mùa thu. Lúc mặt trời lên cao cũng không còn quá nóng, mọi người thoải mái tận hưởng tiết trời lúc giao mùa.
Và hòa chung cùng không khí hân hoan đó, người từ thành Đông, thành Bắc đều đổ xô về đây, đặt chỗ sẵn ở mấy quán rượu nổi tiếng hai bên đường, chờ đợi đoàn lính do Trịnh tướng quân dẫn đầu quay về thành báo công.
Ngay sau khi xây xong đê đập ở Thanh Hồ, chuyện tham ô của sư gia và gia đình hắn được lan nhanh không khác gì gió thổi. Chỉ mới mấy hôm sau, theo lời kể của các lái buôn tới kinh thành giao dịch, dân chúng chốn Thành đô đã nô nức truyền tai nhau về chiến tích của đoàn binh đắp xong con đê chỉ trong vòng vài tháng, cứu đói cứu rét cho dân chúng vừa chịu đựng thiên tai. Không những thế họ còn giúp người dân cải tạo lại đất và bắt đầu mùa vụ, đặc biệt nhất vẫn là truyền kì về Trịnh đại tướng quân Trịnh Minh Khải. Người ta kể cho nhau nghe ngài ấy đã mưu lược bắt gọn bọn tham ô tịch thu đầy đủ tang chứng vật chứng như thế nào. Không chỉ tham ô ở công trình đê đập lần này, tướng quân còn tìm thấy nhiều bằng chứng và khối tài sản khổng lồ của vô số lần bòn rút của công.
Đoàn binh do Trịnh tướng quân dẫn đầu vừa mới giành được thắng lợi quan trọng ở biên cương phía Bắc, bảo vệ cho đất nước thái bình, vài tháng sau, đoàn binh đó lại giúp đỡ nhân dân, cứu khổ cứu nạn. Công đức không kể đâu cho hết.
Một đồn mười, mười đồn trăm, sau khi triều đình dán cáo thị ngày hôm nay đoàn binh sẽ khải hoàn về kinh, dân chúng cả thành đều chen chúc chật kín ở phố Tây An này chờ đợi.
Nghe tiếng bước chân đều đặn vang lên, người dân vội vàng tấp vào hai bên đường, người ngồi trên quán rượu cũng chồm đầu ra ngoài nhìn ngắm. Ngay sau đó là tiếng reo hò nô nức của người dân, hoa lá ném tung một góc đường. Trịnh tướng quân cưỡi trên con ngựa đen quen thuộc. Khác với trang phục áo giáp dũng mãnh mỗi khi đi đánh chiến trở về, lần này Trịnh tướng quân khoác trên mình bộ quan phục triều đình, sau khi về phủ xong sẽ đi thẳng vào cung xin yết kiến.
Đoàn quân được chia làm hai nửa, một nửa áp tải Huỳnh Phiên và đồng bọn tới thiên lao chờ thẩm vấn, giao nộp tang chứng vật chứng cho Nội vụ. Một nửa còn lại quay về quân doanh dọn dẹp. Liên Cẩm ngồi trên xe ngựa của tướng quân nên được đưa tới thẳng Trịnh phủ. Vừa nhảy xuống xe, nàng đã thấy bác đánh xe quen thuộc đã chở mình tới kinh thành dịp trước.
Thấy bác ấy đứng thấp thỏm ngoài cửa lớn, vừa gặp Liên Cẩm bước xuống xe đã vội vàng chạy tới nhét bức thư vào tay nàng.
“Ôi cô nương ơi, ta chờ cô nương đã một tuần rồi đó. Tiểu thư dặn có việc gấp phải giao thư cho cô nương ngay. Nhưng mà mọi người ở phủ tướng quân lại bảo đoàn lính đã khởi hành về kinh rồi, không thể gửi thư tới Thanh Hồ như trước nữa. Ta cứ thấp thỏm lo lắng mãi, giờ mới đợi được cô nương”.
Liên Cẩm cũng biết có chuyện gấp Uyển Nhu mới gửi thư gấp gáp như thế này. Nàng mở thư ra đọc, chẳng mấy chốc trên gương mặt đã còn giọt máu. Liên Cẩm hốt hoảng hỏi bác lái xe ngay:
“Uyển Nhu có nhắn gì cho cháu nữa không ạ?”
“Tiểu thư chỉ dặn tôi, đưa thư cho cô nương xong phải cấp tốc đưa cô nương về nhà. Chuyện gấp lắm”.
“Có chuyện gì vậy?”
Sau lưng vang lên giọng nói trầm thấp của Nguyễn Việt Khoa. Từ xa hắn đã thấy lão phu xe nhà mình, cộng thêm gương mặt hoang mang của A Liên cô nương, đoán đã xảy ra chuyện gì, vì thế hắn mới sải bước sang đây trước.
Liên Cẩm bình tĩnh lại lắc đầu cười với hắn:
“Không có gì đâu ạ, người nhà nô tì có việc gấp, nên Uyển Nhu gửi thư lên nhờ bác phu xe chở nô tì về quê”.
Nguyễn Việt Khoa chau mày:
“Đi gấp vậy sao? Chờ mấy hôm nữa chắc chắn muội sẽ được vào cung diện kiến Hoàng thượng đấy. Tướng quân nói sẽ bẩm tấu rõ ràng công trạng của từng người, Hoàng thượng sẽ dựa trên đó để ban thưởng xứng đáng. Hơn nữa muội còn chưa nhận được tiền công sau chuyến đi này mà”.
Bây giờ Liên Cẩm đâu còn nghĩ đến tiền công gì được nữa, nàng cầm lấy túi hành lý để trên bục xe xuống, cười áy náy với Nguyễn Việt Khoa:
“Thực sự ở nhà có chuyện gấp lắm ạ, chắc nô tì phải xuất phát bây giờ. Còn về chuyện tiền lương, nếu được Nguyễn phó tướng gửi cho Uyển Nhu giúp nô tì được không ạ”. Liên Cẩm nói xong thì vội vàng đi theo bác phu xe tới xe ngựa. Trước khi lên xe, Liên Cẩm hơi sững lại một lúc, nàng quay lại nói với Nguyễn Việt Khoa:
“Nô tì chưa từ biệt Trịnh tướng quân được, ngài chuyển lời giúp cho nô tì được không?”
Nguyễn phó tướng khẽ thở dài một hơi, gật đầu:
“Được, ta sẽ chuyển lời cho muội, tiền lương tiền thường cũng sẽ lấy về đủ cho muội, nhớ đi đường cẩn thận. Có việc gì gấp thì cũng nên chú ý tới an toàn của bản thân trên hết”.
Lúc bác phu xe dắt xe ngựa đi ngang qua hướng này, Nguyễn phó tướng thoáng nhíu mày rồi gọi bác lại nhắn nhủ:
“Lúc về bác nói Uyển Nhu gửi thư cho ta nhé, hỏi xem gia đình của A Liên cô nương có chuyện gì khó khăn mà phải gọi cô nương ấy về nhà gấp như vậy. Nếu có gì giúp được thì bảo Uyển Nhu sang giúp đỡ người ta”.
Bác phu xe vâng dạ rồi leo lên chiếc xe ngựa cũ kĩ, vung roi thúc ngựa đi ra tuyến đường lớn.
Nguyễn phó tướng quay lại phủ thay quan phục rồi cũng nhanh chóng vào Hoàng cung, theo Trịnh tướng quân và Đoàn phó tướng lên triều.
Hoàng Thượng rất vui mừng về thành tích lần này, cho nên ban thưởng cho mọi người cũng cực kì hậu hĩnh. Sau khi hạ triều, Trịnh tướng quân giao danh sách lễ vật cho Đoàn phó tướng đi lĩnh thưởng. Hắn đã cho người chuẩn bị tổ chức tiệc ở quân doanh vào tối nay, tranh thủ trao tiền và quà thưởng cho mọi người.
Mới đi được mấy bước, Nguyễn phó tướng đã chắp tay trình bày:
“Tâu tướng quân, do gia đình của A Liên cô nương có việc gấp nên nàng ấy đã xin phép về quê. Cho nên mạt tướng có thể nhận thay số tiền lương của nàng ấy được không ạ? Sau khi về nhà mạt tướng sẽ giao lại đầy đủ”.
Bước chân thoăn thoắt của Trịnh tướng quân bất ngờ sững lại. Hắn nhíu mày nhìn Nguyễn Việt Khoa:
“Bây giờ nàng ấy đang ở đâu, đã xuất phát rồi à?”
“Vâng, lúc mạt tướng vào cung thì cô nương ấy đã lên xe ngựa ra khỏi thành rồi”.
“Có chuyện gì gấp đến mức phải về ngay như vậy, đợi thêm vài hôm nữa nhận tiền lương mà cũng không chờ được?”
Nguyễn phó tướng gãi đầu đáp lại:
“Chuyện này mạt tướng cũng không rõ. Chỉ nghe cô nương ấy bảo là gia đình có việc gấp gửi thư lên bảo về ngay. Nhưng mà mạt tướng có nhờ bác phu xe chuyển lời cho muội muội của mình để nghe ngóng xem có phải chuyện gì hệ trọng không rồi?”
Đôi mày nhíu chặt của Trịnh tướng quân vẫn không hề buông lỏng, hắn khẽ thở dài:
“Phải về gấp như vậy chắc chắn là có chuyện quan trọng rồi”. Một cô nương như nàng lại phải bôn ba đến kinh thành xa xôi tìm việc, khó khăn đến mức nào mới phải vào quân doanh phục vụ vất vả kiếm đồng lương. Bây giờ gia đình có việc lại gọi nàng về sớm. Mới ngồi xe ngựa liên tục suốt mấy ngày giờ lại ngồi trên xe rong ruổi về nhà nữa. Chưa kể cổ chân của nàng vẫn còn cần ngâm thuốc, bệnh phong hàn còn dùng thuốc thêm ba ngày mới khỏi.
Hắn tiếp tục sải bước trên đoạn đường được trải bằng gạch đá bóng loáng sạch sẽ, ánh nắng giữa trưa len qua khẽ lá phủ xuống trên bóng râm loang lổ.
Nguyễn phó tướng thấy tướng quân đang đăm chiêu suy nghĩ thì không dám hỏi gì thêm. Đi được một lúc, tướng quân lại quay sang nói với hắn:
“Bao nhiêu ngày thì cậu có thể nhận được thư của muội muội?”
Hả? Sao tự dưng từ chuyện tiền lương lại nhảy sang chuyện thư từ thế này?
Nguyễn Việt Khoa thật thà đáp: “Mạt tướng có nói nhớ trả lời nhanh, nên chắc chỉ khoảng năm đến bảy ngày là sẽ nhận được thư”.
“Khi nào có thư nhớ báo cho ta biết tình hình”.
Hóa ra tướng quân lo lắng cho A Liên cô nương. Nguyễn phó tướng cũng thấy cảm động trước sự quan tâm của tướng quân với binh sĩ và người dưới cấp của mình. Hắn chắp tay lại nói:
“Mạt tướng đa tạ sự quan tâm của tướng quân. Nếu có tin tức gì về A Liên mạt tướng sẽ báo cho tướng quân ngay. Còn về chuyện tiền lương của muội ấy…”
Trịnh Minh Khải hơi nhướng mày: “Chuyện đó Nguyễn phó tướng không phải lo lắng, sắp tới ta sẽ tới Quế Châu một chuyến. Khi gặp A Liên ta sẽ đưa cho nàng”.
Nguyễn Việt Khoa ngạc nhiên hỏi lại:
“Không phải lúc nãy Hoàng thượng cho phép tướng quân được nghỉ ngơi trong ba tháng là gì? Tại sao lại phải tới Quế Châu vậy ạ? Chuyện lương thực và vũ khí cung ứng bây giờ đã có Lê tướng quân đảm nhiệm rồi mà”.
Trịnh Minh Khải phẩy tay áo rời đi, nhưng mà Nguyễn phó tướng tinh thông võ nghệ mắt tinh tai thính vẫn nghe được câu lẩm bẩm của hắn trước khi rời khỏi đó.
Ngài ấy nói là: “Tới cầu hôn”.
Cầu hôn?
Nguyễn phó tướng ngơ ngẩn nhìn theo bóng lưng người nào đó, huynh đệ tỷ muội nào đó của tướng quân sắp tổ chức cưới hỏi ở Quế Châu quê hắn, nên mời Trịnh tướng quân tới đó dự lễ sao? Hay tại hắn nghe nhầm?
Nguyễn phó tướng một bụng đầy câu hỏi mà không dám hỏi thêm, ba chân bốn cẳng chạy theo Trịnh tướng quân về quân doanh làm việc.