*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Măng tây trắng thì vẫn còn, nhưng khách sạn đã hết sạch. Fan hâm mộ bóng đá toàn thế giới ào ạt đổ về Berlin y như thủy triều dâng, ngay cả những nhà nghỉ nhỏ trong mấy con ngõ bé tẹo cũng đã không còn phòng nữa. Tuy nhiên đây chưa phải vấn đề gì to tát, chung cư Minh Tịnh đủ lớn, cô có thể dọn vào phòng ngủ chính để nhường phòng mình cho anh. Không có ai cảm thấy mất tự nhiên. Hồi trước trong nhà nhỏ bọn họ cũng ở cùng tầng, phòng còn sát bên nhau nữa.
Sau khi dọn dẹp xong hai căn phòng, Minh Tịnh ngó qua một vòng rồi hỏi: “Học trưởng, hành lý của anh đâu?”
Nghiêm Hạo đang ngồi ăn mì. Giờ này đã quá muộn, Minh Tịnh chỉ có thể nấu tạm cho anh một bát mì với nước tương.
“Nghe nói là tới Canada rồi.” May mà ví tiền và cặp tài liệu anh vẫn mang theo bên người, nếu không thì đến sân bay anh cũng chẳng ra nổi nữa.
Minh Tịnh nhìn chiếc áo sơmi, quần tây cùng đôi giày da bóng lộn của anh, sau khi trầm ngâm một lúc thì xoay người bước vào phòng ngủ chính, mở tủ lấy ra một bộ đồ ngủ cùng với quần con của nam: “Đêm nay anh cứ mặc tạm đã nhé, ngày mai ra trung tâm thương mại mua đồ mới sau.”
Nghiêm Hạo buông đũa, lẳng lặng nhìn chằm chằm bộ đồ trên tay cô.
Huyệt thái dương của Minh Tịnh nhói lên: “Rồi rồi, đây là trang phục trung niên, không phù hợp với anh lắm, nhưng mà hiện tại có lựa chọn nào khác sao?”
“Của bố em à?” Nghiêm Hạo âm thầm hít sâu một hơi.
“Bằng không còn ai nữa chứ?”
Nghiêm Hạo đứng dậy dọn bát đũa vào trong bếp, rửa bát xong rồi rửa tay, sau đó mới nhận quần áo Minh Tịnh chuẩn bị: “Ngày mai không cần đi mua mới đâu, cứ mặc đồ của chú cũng được rồi. Hành lý của anh chắc ngày kia sẽ về đây.”
“Nhưng mà bố em đâu cao bằng anh.”
“Không sao, đã vào hè rồi, mặc ngắn một chút cũng mát. Nếu như thật sự cần phải ra ngoài thì anh vẫn còn bộ trên người này nữa mà! Giờ anh đi tắm cái đã!”
Đèn trong phòng tắm sáng lên, là ánh đèn cam vàng rất dịu nhẹ. Nước rào rào chảy xuống, quạt thông gió quay vù vù, bóng dáng mơ hồ của Nghiêm Hạo in lên cửa kính. Minh Tịnh chẳng nhìn rõ gì, nhưng không hiểu sao lại nhớ tới tấm ảnh cởi trần kia của anh, hai má bỗng nhiên nóng bỏng.
Nghiêm Hạo bay từ nước Mỹ tới đây. Vốn dĩ anh nên bay thẳng sang Anh, nhưng anh lại vòng qua Đức, muốn xem một trận bóng, nếm thử chút măng tây trắng rồi đi sau cũng chưa muộn. Lần này anh sẽ ở lại Berlin ba ngày, cũng có thể là bốn ngày, còn thùy thuộc vào hành lý khi nào đến được.
Lúc Minh Tịnh tắm xong đi ra thì Nghiêm Hạo đã ngủ rồi. Cô thu dọn nhà cửa một lát như thường lệ, kiểm tra lại những món đồ ngày mai sẽ phải mang theo rồi cho quần áo bẩn vào máy giặt. Sau khi cắm đầu đến cửa phòng ngủ, cô mới chợt sực nhớ ra là mình đã đổi phòng rồi.
Minh Tịnh lặng lẽ chôn chân tại chỗ. Bốn mươi sáu ngày, lần này cô và học trưởng xa nhau đúng bốn sáu ngày. Nghe thì có vẻ chẳng nhiều nhặn gì, nhưng chỉ có cô mới biết, nếu trong lòng đang điên cuồng nhớ mong ai đó, một ngày dài tựa một năm. Khi nói chuyện cùng lão Vi cô nhớ học trưởng, khi phỏng vấn nhớ học trưởng, cả khi nấu cơm cũng nhớ học trưởng… Lần này sự khắc khoải ấy dường như còn khó chịu đựng hơn trước kia. Có thể là sau cái ôm anh trao ở trạm xe điện, một số suy nghĩ không nên có đã nảy mầm, tựa như cỏ dại mùa xuân, len lén nhú lên, rồi càng ngày càng xanh tươi dưới mưa xuân và nắng ấm, ngay cả lửa rừng cũng chẳng thể nào thiêu rụi. Có một đêm, cô còn vùi đầu vào trong gối khóc nức nở, không phải bởi vì đau buồn, có lẽ chỉ là cảm thấy mình quá may mắn mà thôi.
Ngoài may mắn ra, cô còn cảm thấy bất lực. Sự bất lực mông lung tựa như cơn mưa phùn rơi đêm ấy, mặc dù nhuốm ướt màn đêm nhưng lại không có cảm giác tồn tại chân thật, dường như có thể lặng lẽ biến mất bất cứ lúc nào, chẳng để lại vết tích gì, cũng chẳng có ai giữ được.
Mấy ngày hôm nay Minh Tịnh đều phải dậy sớm. Cô phụ trách hậu cần, công việc bộn bề. Trước khi ngủ, cô chỉnh lại đồng hồ báo thức sớm mười lăm phút để hôm sau kịp dậy chuẩn bị bữa sáng cho anh. Âm thanh huyên náo bên ngoài vẫn chưa phút nào lắng xuống, nhưng không biết có phải do trong nhà có thêm một người hay không, đêm nay cô ngủ thật ngon.
Lúc đồng hồ báo thức kêu vang, Minh Tịnh rụt đầu vào chăn, tự cho phép mình ngủ thêm năm phút.
Phòng của Nghiêm Hạo mở cửa, chăn gối đã gấp gọn gàng, quần áo trong máy giặt đã phơi xong. Phòng tắm trống trơn, phòng bếp cũng không bóng người. Minh Tịnh vừa cắm nồi cháo vừa thắc mắc không biết anh đi đâu, hay là chạy bộ buổi sáng?
Khi cô đang rán trứng thì Nghiêm Hạo trở về, trên tay còn xách một túi bánh mì.
“Học trưởng, anh đi mua đồ ăn sáng ạ?” Minh Tịnh từ trong bếp ló đầu ra.
“Ừ, tiện thể chào hỏi hàng xóm tầng trên tầng dưới một chút, cả quản lý chung cư nữa. Tiệm hoa vẫn chưa mở cửa, anh chỉ đành mua quà thôi.” Nghiêm Hạo mặc áo phông và quần bò của Minh Đại Bằng, trông có vẻ khá vừa vặn.
Minh Tịnh cúi đầu nhìn mấy quả trứng đang xì xèo trên chảo rán. Cô định lật một quả lên, nhưng không hiểu sao lại bị run tay, lòng đỏ trứng tràn ra chảo.
“Vào ở là một chuyện lớn, dù sao cũng nên chào hỏi mọi người một chút để còn quen mặt lẫn nhau, tránh cho người ta hiểu lầm anh là phần tử tội phạm nào đó, đối với em cũng không tốt.”
Anh suy tính thật chu đáo, chỉ có điều không biết anh giới thiệu bản thân mình như thế nào, cũng không biết hàng xóm của cô sẽ suy diễn ra kiểu tình tiết gì nữa đây: “Bà Bonnie có nhận quà của anh không?”
“Lần này nhận rồi, chỉ là bà ấy bảo gu ăn mặc của anh chẳng ra cái thể thống gì.”
“Vậy anh trả lời thế nào?” Minh Tịnh khẽ cười.
“Anh bảo là Minh Tịnh chọn giúp cháu đó. Sau đấy bà ấy lại trịnh trọng nói với anh, ở đây mọi người không gọi em là Minh Tịnh, tất cả đều thân mật gọi là Trọc Đầu.”
Món trứng gà trên chảo đã chuyển từ trứng rán thành trứng xào, đã thế lại còn cháy xém. Minh Tịnh tắt bếp, nhìn Nghiêm Hạo mỉm cười: “Học trưởng, nay anh húp cháo trắng nhé, không còn gì khác nữa đâu.”
Minh Tịnh vẫn phải đi làm. Hôm nay ở Munich có một trận bóng giữa đội tuyển Ý và đội tuyển Pháp, trạm trưởng Hoàng và lão Vi đã ngồi tàu hỏa qua bên ấy từ sáng sớm. Minh Tịnh ở lại hậu phương, vừa nghe điện thoại vừa xử lý những việc vặt vãnh, đồng thời còn phải viết báo. Chỉ cần không liên quan trực tiếp đến trận đấu thì cô đều viết được hết, dù sao tin tức râu ria cũng không hề thiếu. Xin hãy hiểu cho Minh Tịnh, cô chưa bao giờ nghiêm túc xem bóng đá cả. Ngay cả vào những giây phút đá phạt đền, hàng vạn khán giả lặng ngắt như tờ, một chiếc kim rơi cũng khiến người ta thảng thốt thì cô vẫn cứ cảm thấy đây chỉ đơn thuần là một trò giải trí phù hợp với mọi lứa tuổi mà thôi.
Sau khi viết xong bản thảo, cô sửa sang lại hai lần rồi gửi về cho tổng trạm. Gần giờ cơm trưa, Minh Tịnh không nhịn được mà gọi điện cho Nghiêm Hạo. Lần này Nghiêm Hạo không được nhàn nhã như lần trước đến đây nữa, vừa ăn sáng xong anh đã phải mở laptop rồi vùi đầu vào làm việc. Trước khi ra khỏi cửa cô còn định nói với anh đôi câu, song anh lại đang bận tiếp điện thoại của ai đó, vẻ mặt vô cùng nghiêm nghị. Cô không quấy rầy anh, đoán chừng anh cũng không có thời gian để đi xem đá bóng.
“Ồ, đã muộn vậy rồi à? Đúng là anh cũng thấy hơi đói thật, bữa trưa lại là cháo trắng tiếp hả?” Nghiêm Hạo vẫn còn thấy hơi sợ hãi.
“Em đã nấu cơm niêu rồi, đang để ở trong niêu cho ấm đấy. Trên tủ lạnh có một bát canh hải sản, anh rót thêm nước sôi vào là ăn được.” Ba chỉ khô thái lát, nấm hương thái hạt lựu, cà rốt và ớt ngọt thái sợi, tài bếp núc của Minh Tịnh giờ đã tiến bộ vượt bậc, đồ cô nấu quả thực chẳng kém các nhà hàng kiểu Hồng Kông là bao. Ngặt nỗi nguyên liệu quá mức khan hiếm, đây đã là miếng ba chỉ cuối cùng của cô rồi, lần sau muốn ăn cũng phải chờ qua năm mới, cô thực sự rất đau lòng.
Minh Tịnh nghe được tiếng kéo ghế, chắc là Nghiêm Hạo đã vào phòng bếp xem qua: “Khẩu phần một người thôi à?”
“Em ăn trưa ở văn phòng. Khi nào tan làm, em sẽ mua măng tây trắng.” Hi vọng các siêu thị vẫn hoạt động như bình thường. Dạo này người Đức làm ăn vô cùng tùy hứng, thích mở thì mở thích đóng thì đóng, vậy mà khách hàng vẫn cứ rộng lượng hết sức, trông thấy đóng cửa liền quay gót trở về nhà, cũng chẳng một câu ca cẩm.
“Đi mua măng tây trắng thì tiện mua luôn ít café nhé, anh tìm khắp nhà mà không thấy có.”
“Không phải học trưởng đang cai café sao?”
“Không cai được, sau này từ từ cai vậy.”
Học trưởng chuẩn bị thức đêm, chắc hẳn là rất nhiều việc.
Lúc Minh Tịnh về nhà, Nghiêm Hạo vẫn đang ngồi bên bàn ăn. Chiếc máy in nhỏ của cô cũng đã bị anh bê ra trưng dụng, bên cạnh nó là một xấp giấy rất dày.
“Em về rồi đấy à?” Nghiêm Hạo ngẩng đầu lên khỏi màn hình máy tính, giọng nói khàn khàn.
Minh Tịnh gật đầu, rót cho anh một ly nước lọc. Anh uống một hơi hết hơn nửa ly, sau đó tựa vào lưng ghế, nhắm mắt lại, giữa đôi lông mày hiện ra nếp nhăn mờ mờ, trông có vẻ như mệt mỏi quá độ. Minh Tịnh chần chờ một thoáng, xong rồi cuối cùng vẫn bước tới sau lưng anh, nhẹ nhàng mát xa thái dương của anh. Anh duỗi tay nắm lấy tay cô, kéo xuống, đặt lên mắt mình: “Anh không mệt, chỉ hơi mỏi mắt tí thôi. Sao trưa em không về nhà? Cơm ăn ngon lắm.”
“Anh để phần cho em à?” Giọng của cô rất nhỏ, nghe giống như đang nói mơ.
“Cũng định để đấy, nhưng mà ngon quá nên anh lại ăn hết rồi.”
“Đã thế anh còn cố ý chọc cho em thèm.”
“Không phải, chỉ là muốn chia sẻ với em một chút.”
“Học trưởng, nếu ăn no xong mà cứ ngồi im một chỗ thì sẽ bị béo bụng đấy.”
“Anh có mấy khi được ăn no đâu!” Nghiêm Hạo thở dài.
Minh Tịnh vui vẻ nói: “Sinh hoạt phí bố mẹ chu cấp cho anh ít ỏi đến thế cơ à?”
“Anh chưa so sánh bao giờ, chắc là cũng tạm. Nhưng mà bọn họ đã không đưa nữa từ lâu rồi, anh có công việc mà. Ở nước ngoài mấy năm nay, chuyện gì cũng thích ứng được, duy có chuyện ăn uống là mãi vẫn chưa chu đáo. Nhưng mà thôi, không chết đói là được rồi, đâu thể chú ý quá nhiều.”
Nhiều người vẫn bảo du học là một con đường dát vàng, nhưng đâu phải ai cũng có thể áo gấm về làng vinh quang hiển hách cơ chứ. Mà cho dù có công thành danh toại thật thì phần lớn đều phải trải qua trăm cay nghìn đắng, học trưởng cũng không ngoại lệ. Nếu như năm ấy cô ra nước ngoài cùng anh… Ôi, năm ấy, cảm giác như đã là chuyện của thế kỷ trước rồi vậy. Tuổi nào làm việc gì, không có đúng hay sai, cũng chẳng có hối hận hay không hối hận.
Măng tây trắng trông rất trắng trẻo mảnh mai dưới lớp sốt vàng làm từ lòng đỏ trứng gà. Cắn một miếng, sốt trứng ngọt dịu tức thì lan trên đầu lưỡi, tỏa ra hương trứng thơm ngậy, còn măng tây trắng thì vừa mềm mại vừa mọng nước. Món này Minh Tịnh nhìn công thức làm lần đầu, cô tự nhận không thất bại.
Nghiêm Hạo nói: “Sao có thể là không thất bại được chứ, phải là trò giỏi hơn thầy.”
Nghiêm Hạo chủ động rửa bát, nhân tiện sắp xếp lại không gian phòng bếp một chút. Minh Tịnh dựa vào khung cửa nhìn anh, có thể thấy được động tác của anh chẳng hề lóng ngóng tí nào, hiển nhiên khi du học cũng phải tự tay làm rất nhiều việc. Không biết những người có hoàn cảnh gia đình tương tự sống ra sao, chứ nhìn anh thì người ta rất có thể quên đi gia thế hiển hách của anh. Sơn Béo cũng đã từng nói, bản thân anh quá chói sáng, chói sáng đến mức át đi hết thảy những gì quanh mình.
Nghiêm Hạo “chói sáng” lại một lần nữa ngồi vào bàn ăn bận rộn. Minh Tịnh không biết anh lên giường lúc mấy giờ, chỉ biết gần như cả đêm cô đều ngửi thấy mùi café quanh quẩn trong nhà. Ngay hôm sau cô thức dậy, bàn ăn đã được thu dọn sạch sẽ, trên bàn có tờ giấy viết: Minh Tịnh, chào buổi sáng! Anh đã làm sandwich rồi, khi nào ăn thì hâm sữa lên uống cùng nhé. Buổi tối gặp!
Nghiêm Hạo vẫn để dành tối hôm ấy để đi xem bóng đá với cô. Đó là trận đấu giữa đội tuyển Đức và đội tuyển Anh, đội Đức làm chủ nhà, hai bên tranh đoạt tấm vé vào vòng bán kết. Nghiêm Hạo và Minh Tịnh ngồi ở khu vực dành riêng cho các đơn vị truyền thông. Trạm trưởng Hoàng và lão Vi đến ngay sau họ, vừa nhìn thấy anh thì liền bước qua chào hỏi.
Người xởi lởi nhất tất nhiên là trạm trưởng Hoàng: “Hôm trước tôi còn vừa hỏi Minh Tịnh tại sao cậu không sang đây đấy, một trận cầu đỉnh cao thế này, nếu như bỏ lỡ lại phải chờ bốn năm nữa.”
Nghiêm Hạo lịch sự cảm ơn.
Sau khi ngồi xuống, Minh Tịnh nhỏ giọng nói thầm: “Anh ta nhắc tới anh lúc nào vậy, sao em chả nhớ gì nhỉ?”
Nghiêm Hạo kéo tay cô, cào cào vào lòng bàn tay, nhìn cô cười, dịu dàng nói: “Ngốc lắm!”
Trận đấu vừa mới bắt đầu đã khí thế ngất trời, người nọ nối tiếp người kia vung chân sút bóng về phía khung thành đối phương. Ngặt nỗi quả bóng ấy lại cứ không nghe lời họ, hết đụng xà ngang lại đến bật khỏi cột dọc, sống chết không chịu vào gôn. Hai đội đấu đến đỏ mắt, vị huấn luyện viên điển trai người Đức liên tục di chuyển ngoài biên hệt như lừa kéo cối xay(1), khiến khán giả cũng phải chóng mặt theo ông ấy. Khắp sân vận động đều là những tiếng la ó chửi bới, không biết có phải họ đã luyện trước ở nhà không nữa. Mọi người không ngừng hò hét hoặc hát quốc ca theo nhịp, khúc ca rất xúc động và hùng tráng, cảm giác như rung chuyển cả mặt đất, khiến Minh Tịnh nổi da gà. Đội tuyển Đức chơi thật sự sôi sục, cuối cùng giành được một bàn thắng cuối hiệp hai. Khoảnh khắc đó, cả khán đài đứng bật dậy, gào la vang dội, Minh Tịnh thực sự sợ mình sẽ bị họ nghiền nát. Tất cả mọi người đều nhiệt liệt vỗ tay hoan hô hoặc hôn môi nhau thắm thiết, bất kể họ có quen biết hay không. Khuôn mặt Minh Tịnh cũng được một đôi tay thon dài nâng lên. Ánh mắt Nghiêm Hạo sáng ngời, hàng mi Minh Tịnh run rẩy như đang sợ hãi. Giây tiếp theo, môi anh phủ lên môi cô, mãnh liệt và ương ngạnh tới mức chấn động lòng người.
Buổi tối hôm ấy, bọn họ vẫn trò chuyện với nhau và nói chúc ngủ ngon như bình thường. Cả hai người đều ăn ý không đề cập gì đến nụ hôn kia, tựa như đó chỉ đơn thuần là sự xúc động nhất thời giữa bầu không khí quá mức cháy bỏng tại sân vận động, hoàn toàn chẳng nói lên điều gì cả.
Sau đó, Nghiêm Hạo lên đường sang Anh.(1) Cối xay dùng sức lừa (hoặc ngựa, bò, chó, lạc đà…) kéo: Một phát minh của người Carthage cổ đại vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, sau này trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.