Mùa Hè

Chương 9



Charity ngồi trước tấm kiếng để thử cái nón mà Ally Hawes bí mật trang trí cho nàng. Nón rơm trắng với cái vành rủ xuống, có những sọc màu đỏ anh đào làm cho gương mặt nàng rạng rỡ hẳn lên.

Nàng dựa cái kiếng soi mặt hình vuông vào quyển phúc âm bằng da màu đen của ông Royall, làm cho nó đứng vững với một hòn đá trắng trên đó vẽ khung cảnh cầu Brooklyn, và nàng ngồi đối diện với mình trong gương, rồi bẻ cong vành mũ kiểu này, kiểu khác, trong khi gương mặt tái xanh của Ally Hawes nhìn qua vai nàng giống như con ma lãng phí cơ hội.

“Trông tớ kỳ quá, phải không?” - Sau cùng nàng nói với một cái thở dài khoan khoái.

Ally mỉm cười lấy cái nón ra. “Tớ sẽ gắn những cái hoa hồng ở đây, vì vậy cậu có thể bỏ nó đi lúc nào cũng được.”

Charity vừa cười vừa luồn các ngón tay qua các lọn tóc đen cứng của mình. Nàng biết Harney thích thấy diềm đăng ten màu đỏ trước trán và cuốn thành những vòng tròn nhỏ sau gáy mình. Nàng ngồi trên giường và nhìn Ally cúi mình làm việc cẩn thận trên chiếc mũ với một cái cau mày.

“Có bao giờ cậu thích đi đến Nettleton không?” - nàng hỏi.

Ally lắc đầu mà không nhìn lên: “Không, tớ luôn nhớ thời gian tồi tệ mà tớ với Julia - đến nhà bà bác sĩ.”

“Ôi, Ally!”

“Tớ không thể giúp được gì. Ngôi nhà ở trên góc đường Wing Street và Lake Avenue. Xe chở đồ từ nhà ga ở gần ngay đó, và vào ngày vị giáo sĩ đưa chúng ta xuống để xem những hình ảnh đó thì tớ nhận ra ngay, tớ thấy dường như không có gì khác. Có một tấm biển màu đen lớn với những chữ mạ vàng Cố vấn tư. Chị ấy giống như một sinh vật đang hấp hối.”

“Ôi, Julia đáng thương!” - Charity hít một hơi dài từ đỉnh cao của sự thuần khiết và an toàn của mình. Nàng có một người bạn để tin và người ấy biết kính trong nàng. Nàng sắp sửa đến để vui vẻ với anh ta ngày hôm sau - ngày 4 tháng 7 (ngày Quốc khánh) - ở Nettleton. Đây là chuyện của nàng, có hại gì chứ? Việc đáng thương của những cô gái giống như Julia là tại vì họ không biết chọn và giữ không cho những gã xấu xa đến gần Charity chui tọt vào giường, dang rộng đôi bàn tay của mình ra.

“May xong chưa? Cho tớ thử nó lại nào.” - Nàng đội nón lên, mỉm cười trước hình ảnh của mình. Ý nghĩ về Julia không còn nữa.

Sáng hôm sau nàng thức dậy trước bình minh, nhìn thấy những tia nắng vàng trải rộng bên các sườn đồi, rực rỡ óng ánh như bạc báo trước một ngày nóng đáng kinh sợ trên những cánh đồng đang ngủ.

Những kế hoạch của nàng được vạch ra hết sức cẩn thận. Nàng tuyên bố sẽ đi dã ngoại ở Band of Hope, Hepburn. Sẽ không một người nào ở North Dormer có ý định mạo hiểm đi xa như vậy, để có thể mừng vui báo cáo về sự vắng mặt của nàng. Ngoài ra, nếu có ai đến thì nàng cũng chẳng cần. Nàng cương quyết khẳng định sự độc lập của mình, nếu nàng có hạ thấp bản thân mình để nói bịa chuyện đi dã ngoại ở Hepburn thì đó chính là vì nàng muốn giấu đi nỗi kinh hãi bị rẻ khinh trước niềm hạnh phúc của mình. Bất cứ lúc nào nàng ở cùng Lucius Harney nàng cũng muốn có một đám sương núi dày đặc che phủ họ mà không ai nhìn thấy được.

Việc đã được sắp xếp, nàng sẽ đi bộ đến một điểm trên đường Creston - nơi Harney sẽ đón nàng và cả hai cùng lái xe băng ngang những ngọn đồi để đến Hepburn cho kịp chuyến xe lửa 9 giờ 30 đi Nettleton. Thoạt tiên, Harney tỏ ra lạnh nhạt thờ ơ với chuyến đi. Anh ta nói sẵn sàng đưa nàng đến Nettleton, nhưng rồi nài nỉ nàng đừng đi vào ngày 4 tháng 7, lý do vì ngày Quốc khánh rất đông người, và có lẽ vì sự chậm trễ của các chuyến xe lửa sẽ gây khó khăn cho nàng trở về nhà trước khi đêm xuống. Nhưng nhìn thấy vẻ thất vọng của nàng, anh ta bỏ ý định, và anh ta trở nên ít nhiệt tình với chuyến đi đầy mạo hiểm này. Nàng hiểu tại sao anh ta không còn hăm hở: anh ta ắt hẳn đã thấy những cảnh tượng mà ngay cả vào ngày 4 tháng 7 ở Nettleton cũng vô vị nốt. Nhưng nàng thì chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ thứ gì. Một niềm khát khao to lớn chiếm lấy nàng là được đi bộ trên những con đường của một thành phố lớn vào dịp lễ, ghì chặt vào cánh tay anh ta và chen lấn giữa đám đông nhàn nhã trong những bộ quần áo đẹp nhất của họ. Chỉ một đám mây phủ trùm toàn cảnh là các cửa hàng sẽ đóng cửa, nhưng nàng hy vọng anh ta sẽ đưa mình đến vào một ngày khác khi chúng mở cửa.

Ra đi vào sáng sớm mà không bị ai để ý, nàng chui tọt qua nhà bếp khi Verena cúi mình trên bếp lò. Để tránh bị phát hiện, nàng gói chiếc mũ mới, khoác chiếc khăn dài màu xám trùm đầu của bà Royall trên chiếc áo đầm bằng mút sơ lin trắng mà bàn tay khéo léo của Ally đã may cho nàng. Nàng mang theo tất cả 10 đô la của ông Royall cho và số tiền để dành được mà một ít đã tiêu vào việc thay tủ áo mới. Khi Harney nhảy ra khỏi xe ngựa để đón nàng, nàng đọc được sự tán thưởng trong đôi mắt anh ta.

Thằng bé mặt đầy tàn nhang đã mang cho nàng mẩu giấy nhỏ hai tuần trước chờ trong xe ngựa cho tới lúc họ trở về. Nó ngồi ở ngay chân của Charity, hai chân nó đong đưa giữa các bánh xe, họ không nói chuyện nhiều vì sự có mặt của nó. Nhưng đó không phải là chuyện lớn lao gì, vì những ngày qua cũng đủ cho họ có biết bao nhiêu ngôn ngữ riêng tư; và với ngày dài trải rộng trước mặt họ cũng giống như khoảng trời xanh trên những ngọn đồi nơi có nguồn vui thanh tú bất tận.

Trong sự hồi âm thông điệp của Harney, Charity đã đi gặp anh ta ở hồ Creston. Tuy nhiên trái tim nàng cũng đong đầy xấu hổ và giận vì những lời nói đầu tiên của anh ta làm như nàng là kẻ lạ. Với việc đã xảy ra thì anh ta đã tìm đúng từ, mà đơn giản là tình bạn. Anh ta có lý do chính đáng trong giọng điệu của mình làm cho nàng hiểu ngay lập tức và tránh cho nàng sự hiểu lầm. Anh ta không nói bóng gió về những gì xảy ra giữa anh ta và ông Royall mà để nó tự nói lên rằng anh ta ra đi vì phương tiện chuyên chở khó kiếm ở North Dormer, còn ở trung tâm Creston River thì tiện lợi hơn. Anh ta nói mình đã “mướn tuần” xe ngựa của cha thằng bé mặt đầy tàn nhang, ông ta trông coi chuồng ngựa cho thuê ở một vài nhà trọ ở Creston Lake. Trong khi lái xe đường xa, anh ta đã phát hiện có một sô” ngôi nhà xứng đáng để anh ta vẽ. Anh ta cũng nói rằng mình không thể bỏ đi niềm hân hoan được gặp nàng thường xuyên, nếu có thể được trong khi anh ta ở trong vùng lân cận.

Khi họ chia tay, nàng hứa tiếp tục nghe theo sự hướng dẫn của anh ta, và trong suốt hai tuần lễ tiếp theo, họ rong chơi trên những ngọn đồi trong tình bạn vui vẻ. Trong hầu hết tình bạn giữa các chàng trai và các thiếu nữ trong làng đều thiếu sự tâm tình để hình thành một sự ướm thử, vuốt ve, mơn trớn, nhưng Harney chưa bao giờ vòng tay quanh nàng hay lợi dụng lúc nàng không để ý mà có những cử chỉ sàm sỡ, ngoại trừ cái lần anh ta cố xoa dịu nỗi đau của nàng trên chuyến trở về từ ngôi nhà của Hyatt. Khi có nàng bên cạnh, dường như anh ta ngửi được mùi hương của nàng giống như mùi hương của hoa. Anh ta cảm thấy sự trẻ trung và duyên dáng của nàng ngời lên trong mắt mình một cách bất diệt lúc ở bên nàng. Những lúc đó giọng anh ta trở nên dịu dàng, anh ta dè dặt không đề nghị những gì khó xử mà là chiều theo một cô gái của riêng mình.

Chiếc xe ngựa được kéo đi bởi một con ngựa được huân luyện thuần thục, chạy nhanh đến nỗi mỗi bước chân của nó đều tạo ra một luồng gió nhẹ; nhưng khi họ đến Hepburn thì tất cả sức nóng trong buổi sáng thiếu không khí đổ ập trên họ.

Ở trạm xe lửa, sân ga đông nghẹt những người mồ hôi nhễ nhại, và họ rút lui vào phòng chờ để trú nóng. Trong đó còn có một đám đông khác, họ rất thất vọng về cái nóng và việc chờ đợi những chuyến xe lửa đến chậm. Những người mẹ phờ phạc đang vất vả vì những đứa bé cáu kỉnh, hoặc cố gắng đưa những đứa lớn hơn ra ngoài đường ray; những cô gái và những “bồ nhí” cười khúc khích và xô đẩy nhau, chuyền nhau kẹo trong những túi xách nhớp nhúa. Những người đàn ông lớn tuổi hơn, mở cổ áo, mồ hôi chảy nhễ nhại, họ đang chuyền những đứa bé từ cánh tay này sang cánh tay kia một cách khó nhọc, và đưa đôi mắt phờ phạc nhìn những thành viên trong gia đình mình.

Sau cùng, chiếc xe lửa ầm ầm vào sân ga, áp đảo hành khách khác đang chờ đợi. Harney kéo Charity lên chiếc xe đầu tiên và cả hai ngồi riêng ở băng ghế dành cho 2 người. Họ vui vẻ trong khi chiếc xe lửa lắc lư, gầm rú dọc theo những cánh đồng phì nhiêu và những bụi cây thiếu sinh động. Sương mù buổi sáng lung linh những giọt trong veo trên vạn vật, rung rinh trên ánh hồng bình minh, những cảnh vật đẹp đẽ dường như gục đầu dưới nó. Nhưng đối với Charity, sức nóng như là một chất kích thích: nó bao phủ cả thế giới cũng như sự bừng cháy trong trái tim nàng. Chiếc xe lửa lắc qua lắc lại ném Charity vào Harney, qua làn áo mút sơ lin mỏng nàng cảm thấy tay áo anh ta chạm vào da thịt mình. Nàng ngồi im, mắt họ chạm vào nhau, và hơi thở nồng nực của ban ngày dường như bao trùm lấy họ.

Xe lửa rú còi vào sân ga Nettleton, đám đông xuống xe cuốn họ theo dòng. Họ bị kéo ra quảng trường bụi bặm cùng với đám người mệt mỏi tay cầm những chiếc búa và hạt giống. Charity và Harney đi đến chiếc xe hai tầng có màn che tua dài được hai con ngựa kéo với cái lưới ruồi trên u vai. Người ta ngồi, đầu lắc lư qua lại trong tâm trạng chán nản.

Đám người trên xe la ó: “Đến Eagle House,” “Đến Washington House”, “Đường này đến hồ,” “Đến Greytop trước nghen.” Tiếng la của họ hòa lẫn vào những tiếng pháo đì đùng như tiếng ngư lôi, cộng thêm tiếng nổ của súng đồ chơi và tiếng chập cheng của một đội cứu hỏa chơi bài “Người góa phụ vui vẻ” trong khi họ nhập vào đoàn cờ trang trí.

Những khách sạn bằng gỗ xiêu vẹo quanh quảng trường treo lủng lẳng cờ và những chếc đèn lồng bằng giấy. Khi Harney và Charity quẹo ra con đường chính thì bị chặn lại bởi gạch và đá granit. Trên cột tháp thì chằng chịt những dây tua rung rinh trong gió nóng. Ớ công viên tận đằng xa, họ thấy hai hàng cờ và đèn lồng vui mắt.

Tiếng ồn và màu sắc của cảnh tượng ngày lễ dường như biến Nettleton thành một thủ đô. Charity không thể tin rằng Springfield hay ngay cả Boston có được cái gì lớn hơn để coi. Nàng tự hỏi, ngay lúc này Annabel Balch có tay trong tay với một chàng trai lịch lãm nào trong bầu không khí tưng bừng rực rỡ này không.

“Chúng ta sẽ đi đâu trước?” - Harney hỏi, nhưng khi nàng quay sang với đôi mắt ngời sáng, Harney đã đoán được câu trả lời và nói: “Chúng ta sẽ xem quanh đây vậy nhé?”

Nhiều người du lịch, tham quan đến từ nhiều hướng khác nhau. Họ tụ tập trên đường cùng với cư dân vùng Nettleton và những người thợ máy ở trọ từ các nhà máy vùng Creston. Những tiệm thì đóng cửa, nhưng người ta vừa nhìn thấy vô số cửa kiếng mở ra trên những hội trường, nhà hàng, tiệm tạp hóa có bán cô ca, trên những cửa hàng trái cây và bánh kẹo nhân dâu, nhân dừa, những khay kẹo mạch nha óng ánh, những hộp kẹo ca ra men và singum, những giỏ dâu tươi mọng nước, và những nải chuối treo lủng lẳng. Bên ngoài, một vài cửa hàng có những giá đỡ đầy cam, táo, lê, dâu rừng còn đầy bụi phấn, và nồng nặc mùi trái cây và cà phê, bia, mùi thổ phục linh và khoai tây chiên.

Thậm chí những cửa hàng đang đóng cửa cũng phục vụ qua mặt kiếng rộng và dày, cho biết có những vật quý ở bên trong. Trong một vài cửa hàng, không biết cơ man nào là những chiếc mũ đẹp mê hồn màu hồng với những dây ruy băng cột chéo. Chúng được treo trên một cây cột phủ rêu giả, làm cho những chiếc mũ này nom như những đóa hoa phong lan miền nhiệt đới. Trong những cửa tiệm khác, những chiếc cần màu hồng của những chiếc máy hát mở ra dồn dập cái thứ nhạc không lời của dàn đồng ca; hoặc có những chiếc xe đạp sáng bóng được xếp gọn gàng sạch sẽ như đang chờ đợi dấu hiệu xuất phát. Nhiều loại hàng hóa giả da và chất dẻo nom rất vui mắt được treo lủng lẳng, phô vẻ xinh xắn duyên dáng của chúng. Lại còn có những ma nơ canh được làm bằng sáp ong trong trang phục táo bạo nhưng thanh lịch đứng trong một không gian rộng. Chúng dường như phô ra vẻ đẹp để công chúng chiêm ngưỡng qua những cử chỉ chào mời thân mật không chê vào đâu được. Chúng đưa tay chỉ vào áo nịt ngực màu hồng trong suốt bằng hàng dệt kim của mình.

Harney phát hiện đồng hồ của mình ngừng chạy nên quay lại một tiệm kim hoàn nhỏ, may mà nó còn mở cửa. Trong khi đồng hồ đang được mở ra để xem thì Charity tựa mình trên quày kính nơi đó, những chiếc kẹp, nhẫn, kim cài áo lấp lánh giống như mặt trăng và các ngôi sao được đặt trên một nền vải nhung xanh đậm. Nàng chưa bao giờ nhìn gần những món nữ trang như vậy. Nàng chìm đắm trong giấc mơ: nàng đang giở mặt kính lên cho tay mình sờ soạng vào kho tàng bóng sáng đó. Nhưng rồi đồng hồ của Harney cũng được sửa xong và anh ta đặt tay mình vào cánh tay nàng và kéo nàng về từ cõi mộng.

“Em thích cái nào nhất?” - anh ta hỏi trong khi tựa mình vào trên mặt quày bên cạnh nàng.

“Em không biết!” - nàng chỉ tay vào một cành huệ tây bằng vàng với những đóa hoa trắng ngần trên nó.

“Em không nghĩ cây kẹp màu xanh đẹp hơn sao?” - anh ta đề nghị, và tức khắc nàng thấy rằng cành huệ tây chỉ là vật lòe loẹt so với hòn đá tròn nhỏ, xanh như mặt hồ trên núi, với những tia sáng lấp lánh xung quanh nó. Nàng đỏ mặt trong sự mơ ước được nhận thức sự vật một cách đúng đắn.

“Nó rất đẹp và em nghĩ là em ngại khi nhìn thấy nó.” - nàng nói.

Anh ta cười, rồi họ bước ra khỏi tiệm, nhưng được vài bước anh ta la lên: “Ôi, trời ơi! Anh quên một thứ gì đó.” và quay trở lại để nàng đứng giữa đám đông. Nàng đứng nhìn xuống một dãy máy hát có cần cổ màu hồng cho tới khi anh ta trở lại và vòng tay quanh nàng.

“Em không cần phải e ngại khi nhìn cái kẹp màu xanh nữa, bởi vì nó thuộc về em.” - anh ta nói và ấn một cái hộp bé xíu vào tay nàng. Trái tim nàng rộn rã niềm vui mà nó lan tận đến đôi môi làm nàng thẹn thùng lắp bắp. Nàng nhớ tới chuyện những người con gái khác có ý định bòn rút những món quà tặng từ các gã bồ bịch của họ, thình lình nàng thấy sợ, có lẽ Harney nghĩ mình ngắm những món đồ đẹp như vậy là hy vọng được tặng một món gì đó.

Đi xuống một chút, họ bước vào một cửa kính mở toang trên một cái sảnh sáng choang có một cầu thang bằng gỗ và những ô thang máy ở các góc. “Chúng ta phải kiếm gì để ăn nhé.” - Harney nói. Một lát sau Charity vào phòng thay quần áo có gương soi sáng loáng trên tất cả mặt tường. Trong đó các cô gái lòe loẹt đang dặm lại phấn và nắn thẳng lại những chiếc nón bằng lông vũ khổng lồ. Khi họ đã đi rồi, nàng thu hết can đảm để rửa gương mặt nóng bừng của mình trong bồn rửa bằng đá cẩm thạch. Nàng sửa thẳng vành mũ của mình mà những chiếc dù, lọng của đám đông đụng vào làm cho méo mó. Những chiếc áo đầm dài trong các cửa tiệm thật ấn tượng đến nỗi nàng không dám nhìn hình ảnh của mình phản chiếu trong gương, nhưng khi nàng nhìn vào thì thấy gương mặt mình bừng sáng dưới chiếc mũ màu sơri, và đôi bờ vai cong, trẻ trung lồ lộ qua làn vải mút sơ lin nên nàng đã lấy lại sự tự tin của mình. Nàng lấy ra cái kim cài áo màu xanh từ trong chiếc hộp nhỏ cài lên ngực áo, nàng bước thẳng vào nhà hàng, đầu ngẩng cao như thể nàng luôn luôn đi thong dong trên những sảnh lót đá hoa bên cạnh những người đàn ông trong bộ đồ bằng vải flanen.

Trong chốc lát, tâm trí nàng chìm vào cảnh tượng những cô hầu bàn mặc bộ đồ đen với cái eo thon nhỏ, chiếc mũ trùm đầu đẹp mê hồn trên những cái đầu cao ngạo di chuyển từ bàn này sang bàn khác một cách khinh khỉnh. Không lâu sau, một trong số họ dừng lại nơi Harney ở lối đi, và anh ta đứng nhìn một cách nghi ngại xung quanh mình.

“Ôi, chúng ta không thể ở nơi ngột ngạt này.” - anh ta quyết định với một ý tưởng sẽ làm cho Charity khuây khỏa vì đã theo mình đến cái cảnh nguy nga thiếu thiện cảm này - “Chúng ta thử tìm một nơi khác”.

Sau những bước đi nặng nề trong cái nóng oi bức, họ đã tìm được một “nơi nào khác” đó, thoáng khí phía sau con đường được gọi là nhà hàng Pháp gồm vài ba chiếc bàn ọp ẹp đặt trên một tấm thảm màu đỏ sậm, giữa một miếng đất nhỏ có những cây hoa cúc Zinnias và những cây dã yên thảo màu tím cùng một cây đu to nghiêng mình từ sân kế bên. Ở đây người ta phục vụ bữa trưa với những món có hương vị rất kỳ cục, trong khi Harney tựa mình vào cái ghế đá khập khễnh, hút xì gà giữa những món ăn và rót rượu vang màu vàng nhạt vào cốc của Charity mà anh ta nói đó là cách người ta uống trong các nơi vui chơi như vậy ở Pháp.

Charity nghĩ rượu vang không ngon hơn rượu bổ thổ phục linh, nhưng nàng cũng hớp một ngụm đầy vì vui được làm theo những gì anh ta làm. Nàng rất hạnh phúc vì được ở một mình cùng anh ta nơi miền xa lạ. Cái cảm tưởng họ được phục vụ tận tình tăng lên bởi một người đàn bà có bộ ngực to, mái tóc óng ả và một nụ cười vui vẻ đã nói với Harney những lời khó hiểu, và dường như bà ta ngạc nhiên và vui quá mức về cái cách trả lời của anh dành cho mình. Ở các bàn khác có người ngồi, có lẽ là những tay thợ nhà máy giấy. Nhìn họ có vẻ chất phác nhưng vui tươi, họ nói nheo nhéo những biệt ngữ. Họ nhìn Harney và Charity với những đôi mắt đầy thân thiện. Ở giữa những chân bàn, một chú chó vá xù với đôi mắt hồng đang ngửi ngửi những mảnh thức ăn thừa và ngồi lên hai chân sau một cách lố bịch.

Trong góc họ ngồi trở nên quá nóng nhưng Harney không có vẻ gì muốn di chuyển, dẫu sao thì nơi đó cũng có tí bóng râm và yên tĩnh. Những tiếng nổ lớn không ngừng vang vọng từ các đường phố chính, tiếng đàn organ réo rắt, tiếng nói oang oang trong loa và những tiếng thì thầm của đám đông càng lúc càng tăng. Anh ta ngửa người ra sau hút xì gà, vỗ đầu con chó, và khuấy cà phê trong hai tách của họ. “Đây là thực tế, em biết không.” - anh ta giải thích, và Charity thì xem lại quan niệm trước đây về thức uống của mình một cách vội vàng.

Họ không có kế hoạch gì cho những phần sắp tới, và khi Harney hỏi nàng muốn làm gì cho những bước kế tiếp, nàng bối rối không biết trả lời ra sao. Sau cùng nàng cũng thú nhận là lâu lắm rồi nàng chưa đến hồ nơi mà lần đầu nàng được thăm viếng. Anh ta trả lời: “Ồ! Đã đến lúc đi đến đó, chắc sẽ vui hơn.” Nàng đề nghị được xem những bức tranh mà ngài Miles đã cho nàng xem lúc trước. Nàng thấy Harney có vẻ hơi ngại nhưng anh ta đưa cái khăn tay sạch của mình lên lau lông mày rồi nói một cách vui vẻ: “Nào, chúng ta đi thôi!”, anh ta vừa nhổm dậy vừa vỗ vào đầu con chó.

Những bức tranh của ngài Miles được trưng bày ở một sảnh đường mộc mạc ở Y.M.C.A. trên những bức tường trắng cùng một cây đàn organ. Harney dẫn Charity đến một nơi sáng trưng và mọi thứ có vẻ rực rỡ. Nơi họ đi qua, giữa bức tranh khổng lồ có những người đẹp tóc vàng trong y phục buổi tối đang giết những kẻ côn đồ, sau đó họ vào một thính phòng chật ních khán giả. Trong một lúc, mọi thứ kết hợp vào trong não của nàng gồm sự quay cuồng của cái nóng, ánh sáng và bóng tối. Tất cả thế giới dường như diễn ra trước nàng một sự hỗn loạn của những cây cọ và tháp chuông nhà thờ Hồi Giáo, cộng vào quân đoàn kỵ binh, những con sư tử gầm rông, những chàng cảnh sát khôi hài và sự giận dữ của kẻ giết người. Đám đông xung quanh nàng, hàng trăm người già, trẻ, trung niên miệng nhai kẹo nhóp nhép trong trạng thái hồ hởi đã trở thành một khung cảnh nhảy múa trước những gì còn lại.

Chẳng mấy chốc ý nghĩ đến hồ tăng lên không cưỡng lại nổi, vì vậy họ phải tranh thủ ra khỏi rạp hát. Khi họ đứng trên vỉa hè, Harney tái xanh vì nóng, và Charity hơi bối rối vì việc ấy. Một người đàn ông trẻ lái một chiếc xe điện ngang qua với một băng vải đề hàng chữ: Mười đô la chở quý khách đi quanh hồ. Trước khi Charity biết có việc gì đang xảy ra thì Harney đưa tay ra vẫy và họ leo lên xe.

“Này, “hai mươi năm đô na” tôi sẽ đưa các vị đi “đá bóng” và trở về.” - người tài xế đề nghị với cái cười đầy bóng gió, nhưng Charity nói nhanh: “Ồ, tôi chỉ đi chèo thuyền trên hồ.” Con đường rất đông người đến nỗi hành trình chậm lại; nhưng niềm danh dự được ngồi trên chiếc xe nhỏ trong khi nó quằn quại trên đường giữa những chiếc xe buýt hai tầng và những chiếc xe đẩy làm cho những giờ khắc dường như quá ngắn. Người lái xe gọi ới qua vai: “Chỗ rẽ kế tiếp là Lake Avenue.” Khi họ dừng lại phía sau một chiếc xe buýt lớn hai tầng đang rền rĩ với những hiệp sĩ Pythias trong những chiếc mũ không vành và những cây kiếm, Charity nhìn lên và thấy trên một góc của một ngôi nhà gạch có một biển hiệu màu đen và hàng chữ mạ vàng dễ thấy: “Bác sĩ Merkle cố vấn tư nhân làm việc 24/24, phục vụ quí bà.” Nàng đọc, và bỗng nàng nhớ lại những lời của Ally Hawes: “Ngôi nhà ở góc đường Wing Street và Lake Avenue... có một bảng hiệu lớn màu đen và trên đó có...” Xuyên qua cái nóng có một cơn ớn lạnh chạy suốt thân thể nàng.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv