Trên đường rút quân về Trường Yên (Ninh Bình) và Thiên Trường (Nam Định), Hưng Đạo Vương nhận được tin tức từ Nguyễn Lộc - tướng quân chỉ huy quân chịu trách nhiệm quấy nhiễu vùng Khả Lý (Lạng Sơn) và Nội Bàng (Bắc Ninh) gần Vạn Kiếp. Nguyễn Lộc đã cử quân do thám về Vạn Kiếp, phát hiện quân Mông Nguyên không đóng tại Vạn Kiếp mà dồn hết về kinh thành Thăng Long, y bèn viết tin mật báo gửi cấp tốc bằng đại bàng cho Hưng Đạo Vương.
Ngay lập tức, ngài cho họp khẩn trên thuyền. Hưng Đạo Vương nói: “ thái thượng hoàng, hoàng thượng, thần vừa nhận được tin tức quân Mông Nguyên không đóng tại Vạn Kiếp nên dự tính sẽ đem 1 vạn quân cùng 1000 chiến thuyền bí mật vòng trở về. Quân và dân binh tại Trường Yên và Thiên Trường mỗi bên tầm 2,5 vạn. Thêm 20 vạn quân do Trần Khánh Dư và Trần Nhật Huyên chỉ huy cũng đủ bảo hộ hoàng thượng và thái thượng hoàng an toàn. Thần đem quân về Vạn Kiếp sẽ khiến quân Mông Nguyên buộc phải cảnh giác tìm cách ứng phó, vì con đường lương thảo của chúng phải qua khu vực này. Lấy lại Vạn Kiếp, tức là tuyệt đường quân lương của chúng, quân ta sẽ có cơ hội trở mình thêm 1 lần nữa ”.
Vua Trần Nhân Tông gật đầu: “Vậy theo ý Quốc Công đi”.
Họp bàn kết thúc, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương cùng Phạm Ngũ Lão nhanh chóng triệu tập 1 vạn quân vòng đường biển rồi ngược lên sông Luộc dẫn về Vạn Kiếp...
[Vạn Kiếp]
10 vạn quân cùng 1 nghìn chiến thuyền nhanh chóng hội về bến Bình Than, phòng tuyến bên sông và trên núi ngày đêm được dựng lại.
Hưng Đạo Vương sau khi thị sát tình hình, ngài trở về thư phòng, vào đến bên trong, ngài nói với Trần Thần: “ngươi giúp ta mài mực đi”.
“Vâng, chủ tử”. Trần Thần nhanh nhẹn chuẩn bị giấy bút trải ra bàn, sau y lại đứng 1 bên mài mực. Trần Thần vừa mài vừa nói thầm trong tâm thức với ta: “Này, ngươi nói xem, chủ tử đang muốn làm gì”.
Ta đáp: “theo ta đoán thì Hưng Đạo Vương đang muốn viết 1 bài hịch...uhm, nếu như ta không lầm thì đây là thời điểm Hịch Tướng Sĩ ra đời”.
“Hịch tướng sĩ? Là để cổ vũ sĩ khí cho quân ta”. Trần Thần hỏi lại.
“Đúng rồi, chính là ý đó. Có 1 điều mà khi tìm hiểu lịch sử ta từng chú ý đến, trong bài hịch này, Hưng Đạo Vương đã sử dụng ví dụ toàn bộ là các trung thần người Hán, đặc biệt là chuyện quân Tống bị quân Nguyên xâm lược. Đây vốn là nước đi rất cao tay, bài hịch này theo tính toán sẽ không chỉ truyền trong nội bộ quân Vạn Kiếp mà sẽ truyền ra cả nước, sẽ tới tai binh sĩ quân Mông Nguyên, vốn có không ít quân người Hán thua trận đầu hàng mà bị sung vào lực lượng đánh Đại Việt. Các ví dụ này sẽ trực tiếp khơi gợi sự tủi nhục trong lòng binh sĩ khiến họ lung lay ý chí mà không ra sức vì quân Mông Nguyên”.
“Ồ, nói như vậy, bài hịch này của ngài ấy ngàn năm sau vẫn lưu danh”. Trần Thần hỏi tiếp.
“Đúng”, ta đáp lời Trần Thần: “thời của chúng ta, Hịch Tướng sĩ được ca tụng là áng 'Thiên cổ hùng văn’, nhưng phải tới thời nhà Lê nó mới được tổng hợp, ghi chép lại trong cuốn biên niên sử tên ‘Đại Việt sử kí toàn thư’. Sau này nhờ cuốn sách này chúng ta mới biết đến Hưng Đạo Vương có 1 bản Hùng văn như thế”.
"Thời nhà Lê, tức là sau này nhà Trần sẽ sụp đổ?”. Trần Thần Lo Lắng hỏi.
“Đúng như vậy”, ta khẳng định, “thời kì nào cũng sẽ có thành, trụ, hoại, diệt. Triều đại nào sau khi thành lập rồi phát triển hưng thịnh cũng sẽ đến lúc bị suy thoái rồi được thay thế bằng 1 triều đại mới. Ngươi nên tập chấp nhận sự thật này đi. Học nhiều giáo lý nhà Phật 1 chút”.
Thấy hắn định mở miệng hỏi thêm, ta liền nói chặn trước: “không hỏi thêm về tương lai vài trăm năm sau nữa. Ngươi chuyên tâm mài mục đi, việc lớn còn đang trước mắt”. Nghe ta nói vậy, hắn liền hướng tâm trở lại công việc, chuyên chú mài mực.
Cả 1 đêm dài, Hưng Đạo Vương ngồi lì bên bàn giấy, mặc cho Phạm Ngũ Lão và ngũ hổ tướng sắp xếp chỉnh đốn các lớp phòng ngự. Ngài chăm chú viết lên giấy, thi thoảng lại gạch xóa viết lại, cẩn thận chỉnh sửa từng câu từng chữ một. Sáng sớm hôm sau, Hưng Đạo Vương cuối cùng cũng viết xong, ngài đặt bút xuống, cầm giấy lên đọc lại vài lần kiểm tra. Sau đó, ngài đem bài hịch hoàn chỉnh giao cho Trần Thần nói: “ngươi cho người chép lại bài hịch này rồi truyền ra, đọc cho quân sĩ nghe giúp họ nâng cao ý chí chiến đấu”.
Trần Thần vâng dạ rời đi. Hắn cho người cấp tốc sao chép, lại chọn những người có giọng đọc truyền cảm, hào sảng, yêu cầu họ cầm giấy đọc đi đọc lại cho đến khi trơn tru, thể hiện ra được khí phách mới thôi.
...“không đúng, không đúng, phần tự sự ‘ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối...’ cần phải biểu lộ được sự trằn trọc, day dứt từ tâm khảm. Đoạn kế đó ‘chỉ căm tức không xả thịt lột da...’ là phẫn nộ, căm hận. Các ngươi phải đặt tình cảm vào giọng đọc, cần phải hiểu nội dung tác phẩm, hiểu kĩ rồi mới diễn tấu ra được các cung bậc cảm xúc trong bài văn”. Trần Thần đang nhiệt tình giảng giải cho đám người được chọn.