Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 52: Quả Hồng





Xung quanh Vĩnh Định đều là vùng núi, cũng không bằng phẳng, thuộc loại đồi dốc, nếu học qua chút lịch sử sẽ biết. Đừng nhìn ở hiện đại là một khu duyên hải phát triển, cổ đại thì lại là một nơi nam man (1), là nơi sinh sống của bọn dân xảo quyệt ngu đần. Người dân ở đây không được khai hóa, kinh tế phát triển lạc hậu, tính nhân văn cũng kém.


(1) Nam man: man ở đây ý nói thô bạo, ngang ngược. Nam là chỉ những người dân phía nam. Phúc Kiến trước đây là đất của vương quốc Mân Việt, có bộ tộc bị coi là man di trong lịch sử Trung Quốc. Vương quốc này sau đó bị nước Nam Việt của Triệu Đà thôn tính, sau đó thành đất của Việt Nam từ năm 183 – 135 TCN. Sau bị nhà Hán xâm chiếm từ năm 110 TCN (tính luôn cả Việt Nam). Về sau phần đất này qua nhiều năm lịch sử, tranh chấp thì trở thành đất của Trung Quốc ngày nay. Nói cách khác, hai chữ nam man này của tác giả không chỉ nói về bộ tộc Mân Việt này mà còn phần nào ám chỉ người Việt cổ giai đoạn trước, thậm chí có lẽ là nói đến người Việt Nam bây giờ. Lời lẽ của đoạn này khá gay gắt và châm biếm, cho thấy tác giả có định kiến không mấy tốt đẹp (phần nhiều do ảnh hưởng của sử sách) về các dân tộc ở khu vực này.



Nếu đã quyết định sống tốt ở cổ đại, Lâm Dịch cũng bắt đầu quan sát tỉ mỉ nơi này, thông qua hoàn cảnh tìm hiểu những đặc sản ở đây, rồi kết hợp với hiểu biết hiện đại để tìm phương thức phát triển, tiến hành khai phá.


Lũ lụt qua đi, chức Huyện thái gia của hắn cuối cùng cũng có quyền lợi sử dụng thủ hạ, nên hắn đã phái nha dịch đi khảo sát địa hình. Kỳ thực, cũng không biết được nhiều, vì đám nha dịch cũng là đến từ nhiều thôn khác nhau của Vĩnh Định thôi. Hắn đành bảo nha dịch miêu tả một chút về tình huống thôn mình, thôn dân trồng và thu hoạch gì, sau đó tổng kết lại rồi đưa ra kết luận.


Thông qua điều tra, hắn phát hiện, người dân ở đây phần lớn là trồng lúa nước, vì khí hậu mỗi năm chỉ có hai mùa. Nhưng hắn nhớ, trước kia khi học địa lý, phía nam có thể một năm có ba mùa. Tò mò, hắn thuận miệng hỏi một câu với người dưới, thì nhận được đáp án đúng là thế. Tùy thời gian, một năm có thể có ba mùa. Chỉ là mấy tháng kia là lễ mừng năm mới, bình thường đều bỏ hoang. Vì thời tiết lạnh lẽo, nên cho dù có gieo trồng cũng không thu hoạch được nhiều.


Trong đó, hắn còn phát hiện được một việc, ở huyện Vĩnh Định có rất nhiều cây hồng dại. Chỉ là, người dân đối với loại cây này không có ấn tượng tốt. Bởi, quả hồng nếu không được xử lý sẽ có vị cổ quái, chát chát sượng sượng, thành ra, dân làng không hứng thú với loại quả dại này. Hơn nữa, ở trong thôn từng có đứa trẻ, sau khi ăn hồng bị đau bụng, nôn mửa liên tục. Từ đó, dân làng đối với thứ quả này càng làm ngơ.


Lâm Dịch biết, mọi người chắc đã hiểu lầm. Lúc ở hiện đại, hắn đã từng thấy qua, hồng có thể ngâm rượu, làm dấm, chế biến thành mứt hồng khô, làm bột phấn, làm thành hồng ép khô, hồng trà, hồng ướp lạnh, vân vân. Như vậy, xem ra hồng có thể được sử dụng rất nhiều cách. Còn về việc đứa trẻ trong thôn, vì sao ăn hồng dại lại nôn mửa, đi tiêu chảy, có thể là do ăn phải thức ăn gì đó tương khắc với loại quả này chăng?


Còn nữa, ở bên cạnh Vĩnh Định cũng có trồng cây mía, chỉ là quy mô nhỏ, mỗi hộ trồng một ít, chắc chỉ đủ để chu cấp cho bọn trẻ trong nhà gặm chơi.


Lâm Dịch đối với nông nghiệp không hiểu biết nhiều lắm. Song cũng biết mía có thể ép thành đường. Đến giờ hắn thật hối hận sao lúc ở đại học không chọn ngành nông nghiệp. Mặc dù đôi khi có chút phi thực tế, nhưng nếu đoán được số mệnh éo le thế này, hắn hẳn đã sớm tìm hiểu một chút kiến thức về phương pháp gieo trồng trong nông nghiệp rồi.


Gieo trồng thì hắn không hiểu, chỉ có thể nhìn từ góc độ thương nghiệp mà tiến hành. Đối với sản phẩm trước hết phải tiếng hành "đóng gói" đẩy mạnh tiêu tụ. Nói trắng ra là thông qua sản phẩm mà chế biến sao cho phù hợp với thị trường tiêu thụ, đem đặc sản địa phương quảng báo trong dân, kích thích buôn bán, đưa kinh tế Vĩnh Định đi lên.


Quả hồng thường là mười tháng mới chín muồi. Tám chín tháng thì còn có chút sống. Lâm Dịch cho người mang về một ít, tự mình ăn thử. Quả nhiên cảm thấy đầu lưỡi tê ngứa. Cũng khó trách tại sao không ai muốn ăn.


"Cô gia, thứ này hương vị không ngon chút nào, sao ngài bảo Tô đại ca mang về nhiều vậy chứ?" Quyển Bích đem miếng hồng trong miệng nhổ ra, nhìn Tô Nghiễn khiêng về một cái sọt đây hồng xanh, nhăn mặt hỏi.


Tô Nghiễn ném một quả màu xanh trong tay xuống. Vừa nghĩ đến việc lúc y đi hái quả hồng, bị đám thôn dân nhìn như nhìn một kẻ ngốc, liền cảm thấy bản thân như làm một việc điên khùng.


"Quả cứng, vị chát, tính hàn. Phu quân khẳng định có thể cải thiện vị chát này?" Chương Thiển Ngữ khẽ cắn miếng hồng trong tay, đôi mi nhíu lại. Có thể nhìn ra được nàng cũng không thích hương vị này, nhưng vẫn đem miếng hồng trong miệng nuốt xuống.


"Ta biết có một phương thuốc dân gian có thể làm mất vị chát này. Chỉ là chưa từng thử qua, cũng không biết có hữu hiệu hay không."


Trước đây, Lâm Dịch từng cùng một bạn học về quê nội cậu ta ở lại, mọi khi đều rất thích quấn quít lấy cậu ta để nghe kể chuyện hồi nhỏ. Bởi, với một đứa bé bình thường sống ở thành phố, tuổi thơ cũng chỉ có đồ chơi gì đó được mua cho, hoạt hình rồi gì đó được xem thì so với người bạn học này là hoàn toàn khác. Như người bạn học kia, lên núi xuống biển, mò cua bắt chim, so với những người chưa từng thử qua mà nói là rất mới mẻ. Bà nội của người bạn này sống ở nông thôn, trong thôn cũng có quả hồng. Một lần nhắc đến loại quả này, người bạn kia bảo, có một phương pháp làm quả hồng không còn vị chát, là ngâm vào nước vôi. Mà vừa lúc, Vĩnh Định chắc chắn có rất nhiều đá vôi, có thể tận dụng một chút.


<br>


Trong mắt người dân của huyện, Huyện thái gia mới đến này tuy tính tình không tệ nhưng đầu óc có chút vấn đề, luôn làm một ít việc ngu ngốc. Trước kia mua một đám ruộng bị phá hủy không nói, giờ lại muốn hái quả hồng chát ngấy kia để ăn. Ngay cả một đứa trẻ ba tuổi còn biết loại quả kia không ăn được, mà Huyện thái gia là một đại nhân, sao việc này mà cũng không biết?


Nhưng họ không ngờ được là, không bao lâu sau, phu nhân của Huyện thái gia ở trong thành mở một cửa hàng mứt. Ban đầu cũng có không nhiều người đến, chỉ mấy nhà giàu trong thành, nể mặt Huyện thái gia, sai quản gia đi mua một ít. Ai biết hương vị không tệ. Sau đó biết mứt kia được làm từ quả hồng, lại càng tò mò hơn.


Sau một thời gian khai trương, cửa hàng cũng dần đắt khách hơn. Chủ yếu là... những cửa hàng thường lui tới chưa từng thấy qua loại đồ ăn mới lạ này.


Mùa thu trong huyện lạnh thấu xương, không nhà nào không có một món ăn làm từ quả hồng. Quả hồng chín của mùi vị thèm đến nhỏ dãi, béo ngậy, ngọt ngào vô cùng.


Quả hồng sau khi được chế biến có màu vàng óng, mềm nhuyễn, ngọt mà không ngán, hương thơm nức mũi, rất được ưa thích. Giữ ý định ban đầu, Lâm Dịch cho nha dịch dán thông cáo bên ngoài. Nha môn có thể thu mua hồng chất, dân làng được phép thu hoạch hồng dại bán cho nha môn. Hắn còn để Tô Nghiễn lập một nhà xưởng trong thôn không khác gì nhà máy ở hiện đại, còn thu nhận phụ nữ trong thôn đến để hỗ trợ gia công, trả tiền lương hàng tháng.


Chuyện này Lâm Dịch cũng không thể đề cập nhiều quá, vì làm quan tối kỵ chính là có quan hệ với thương nhân. Mà ngay cả triều định cũng có văn bản quy định rõ ràng, nhà làm thương gia ba đời không được ra làm quan. Vì thế Lâm Dịch cũng chỉ có thể chỉ đạo xuống, không thể tham gia.


Việc này chính là phải dùng đến bọn "đích đầu xà (2)" trong huyện. Hắn để Trương Thành làm đầu mối, mời đến mấy nhà giàu có ở Vĩnh Định, để bọn họ cùng đồng lòng góp tiền. Những người đó cũng có thể nhìn ra việc này béo bở, đều tỏ vẻ nguyện ý xuất bạc. Đương nhiên, tiền lời cũng phải có một phần. Lâm Dịch đem toàn bộ việc làm ăn giao cho Trương Thành, để bọn họ tự mình thỏa thuận, ai góp nhiều nhất, ai làm chủ, hắn cũng không quan tâm.


(2) Đích đầu xà: là một phần trong câu Cường long bất áp đích đầu xà (xuất hiện ở chương 44 ), nghĩa là 'bọn rắn độc'. Câu này ý nói bọn cường hào hay người có quyền lực, tiền tài ở những địa phương nhỏ.


Trương Thành này làm rất được việc, cũng không biết y đã thuyết phục những người kia thế nào, dù sao cuối cùng vẫn là hòa thuận vui vẻ.


Tìm được nhà đầu tư, lập được "nhà xưởng," cũng có cả "công nhân," sản phẩm có thể sản xuất, kế tiếp chính là vấn đề nguồn tiêu thụ. Chỉ dựa vào khả năng tiêu dùng của Vĩnh Định thì không thể hoàn toàn tiêu thụ hết số thương phẩm này.


Lâm Dịch nhớ lại, trước đây Dương Tri Vũ từng tặng cho hắn một mảnh ngọc bội. Hắn cho người mang lên châu lý, tìm chủ nhân của miếng ngọc đó.


Người kia tên là Long Khải, dáng vẻ đứng đắn, bề ngoài cũng không ưa nhìn, tướng mạo chỉ thuộc loại bình thường, nhưng trong mắt ngẫu nhiên lại lóe lên tia trí tuệ, khiến người ta không dám khinh thường. Long gia ở Long Nham xem như cũng giàu có, kinh doanh bên dưới không ít tửu lâu và trang viên.


Đến Long Nham, tìm được y, yêu cầu y hợp tác. Có thể, Dương Tri Vũ đã gửi thư nói cho y biết về thân phận của Lâm Dịch, cho nên ban đầu tuy y có chút không lưu tâm, nhưng đọc thư xong thì rất khách sáo, đối với đề nghị hắn đưa ra cũng tỏ vẻ có hứng thú.


Lâm Dịch tất nhiên cũng nhận ra sự biến hóa trong thái độ của hắn, song, đây dù sao cũng là chuyện bình thường.


Đến Long Nham chuyến này xem ra thuận lợi. Ở đó mấy ngày thì trở về. Lúc về còn tiện thể mua cho mấy nữ nhân trong nhà một ít vải vóc làm quà.


<br>


Mùa thu năm nay, người dân Vĩnh Định phát hiện ra rằng, từ khi Huyện thái gia trẻ tuổi đến đây, Vĩnh Định hình như có thay đổi. Không chỉ mùa mưa năm nay không như mọi năm, không phá hủy hết hoa màu, hơn nữa còn thu hoạch được nhiều hơn so với năm ngoái. Mà, những mẫu ruộng được Huyện thái gia biến thành hồ nước, thời gian trước còn bắt được không ít cá lớn, lúc bán lại cho người dân và các tửu lâu trong thành lại rẻ hơn so với giá ngoài chợ. Hơn nữa, kỳ quái là, loại quả hồng chát ngấy kia thế mà cũng có người mua, lại còn làm thành mứt ăn rất ngon, nghe bảo còn cấp cho mấy nhà có trẻ nhỏ thích gặm mía để thay thế, còn số mía kia thì dùng để ép lấy đường.


Tóm lại là rất nhiều. Người kinh đô quả nhiên lợi hại, cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được.


<br>


Hiếm lắm mới được tuần hưu, thời tiết lại tốt, không có việc gì quan trọng, Lâm Dịch quyết định hôm sau mang những nữ nhân suốt ngày bị ở nhà đến phát chán ra ngoài đi dạo. Kỳ thật, chủ yếu là mang Chương Thiển Ngữ ra ngoài. Từ lúc tới đây, vì phải chọn nguyên liệu nấu ăn, Nhị Nha từng đi dạo trong trấn nhiều lần. Quyển Bích cũng không chịu ngồi yên, thường cùng Nhị Nha ra ngoài mua chút son và bột nước.


Chỉ có Chương Thiển Ngữ, ban đầu vì bận lo việc sửa chữa ở hậu viện, quản lý chuyện trong phủ, rồi sau đó lại liên tục mưa mấy ngày, hết mưa thì phải chiếu cố Lâm Dịch đổ bệnh, sau đó lại giúp đỡ trông coi việc sản xuất, chế biến quả hồng, tổ chức phân việc cho phụ nữ trong thôn, công việc cũng không thong thả mấy. Cũng may trước kia lúc ở phủ Tể tướng, nàng được mẫu thân, là chủ mẫu trong gia tộc, bồi dưỡng quy cách, đối với việc gì cũng chỉ cần làm quen một chút là có thể vào guồng, lại có Tô Nghiễn ở bên cạnh hỗ trợ, cũng không xem là quá khó khăn, chỉ là có chút mệt mỏi. Vì một loạt sự việc thế này nên mấy tháng nay, từ khi đến Vĩnh Định, nàng cũng chưa từng một lần rời khỏi nha môn.


May có Chương Thiển Ngữ giúp đỡ, bằng không tự Lâm Dịch cũng không thể quản hết. Hơn nữa, Chương Thiển Ngữ ngoài việc phải trông coi cửa hàng còn phải chiếu cố hắn. Cũng không biết nàng đã sắp xếp thế nào. Vì cả Lâm Dịch cũng bận đến tối mắt tối mũi.


Mà mấy tháng nay, hai người kỳ thật cũng không nói chuyện được nhiều. Lâm Dịch cả ngày phải ở bên ngoài, nha môn thì không có ai xử lý, dù sao cũng không có việc gì lớn, hơn nữa ở nơi này cũng sẽ không có người tố cáo hắn tạm thời rời khỏi cương vị công tác. Mỗi ngày trở về đều đã đến lúc lên đèn, ăn cơm rửa mặt xong cơ hồ vừa chạm gối liền ngủ ngay.


Chương Thiển Ngữ bình thường đều sẽ đợi hắn về, có đôi khi về muộn nàng sẽ dựa vào bàn mà ngủ thiếp đi. Bởi vì nàng cũng bận rộn cả ngày, nên nàng thường không đợi được đến lúc lên giường mà ngủ gục ngay trên bàn. Có vài lần, lúc Lâm Dịch trở lại phòng đều nhìn thấy nàng mặc trung y mỏng manh, một tay chống cằm mà ngồi ở chỗ nào đó ngủ gục, đầu thì gục lên gục xuống, như thể sắp ngã tới nơi, nhưng vẫn cứ gục gục giữa không trung như vậy, mà tay còn cầm một quyển sách, cũng không biết rốt cuộc đã lật được mấy tờ.


Mỗi lần dặn nàng không cần phải chờ, nàng liền nói trước lúc đi ngủ muốn xem sách. Mà có nói nhiều hơn Lâm Dịch biết nàng cũng sẽ cố chấp, nên cũng không nói nữa, chỉ dặn nàng buổi tối lúc đọc sách phải mặc nhiều quần áo chút mà thôi.


Đêm nay, lúc Lâm Dịch về phòng thì lại thấy nàng ngồi một chỗ gục lên gục xuống. Hắn im lặng thở dài, đến gần, tay phải ôm sau lưng nàng, tay trái nhẹ nhàng rút quyển sách từ tay ra. Động tác này hắn đã làm không biết bao nhiêu lần, cũng đã thành thói quen. Trước, đem đầu nàng dựa vào mình, cánh tay trái hạ xuống, vòng dưới chân nàng, cẩn thận ôm nàng đến bên giường. Từ khi đến Vĩnh Định nàng càng lúc càng gầy, tựa như cũng không còn nặng nữa, cho nên khi ôm cũng không cần dùng sức gì.


Lâm Dịch sau khi đặt nàng lên giường thì giúp nàng cởi áo khoác, nhẹ nhàng đặt đầu nàng xuống gối, mà trong lúc như vậy, nàng hầu như cũng không tỉnh lại. Xem ra đã mệt lắm rồi. Hắn tự mình tắt đèn rồi nằm xuống giường. Vừa nằm xuống, Chương Thiển Ngữ đã cọ sát vào, tay ôm lấy thắt lưng hắn, mặt vô ý dúi dúi vào ngực hắn, tìm một vị trí thoải mái mà tiếp tục ngủ. Lâm Dịch cũng thuận theo, điều chỉnh tư thế, kéo chăn đắp lên hai người, rồi mới nhắm mắt lại mà từ từ tiến vào mộng đẹp.


Rốt cuộc, từ lúc nào việc này đã thành thói quen, không ai biết. Dù sao, từ rất lâu rồi cho đến bây giờ, lúc ngủ bọn hắn đều như vậy.


___________________________


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv