Lúc Biết Xuyên Không Thì Đã Muộn!

Chương 71: Ô ăn quan



Đầu đuôi câu chuyện là hôm đấy sau khi Long Đĩnh hồi cung, tôi bâng quơ hỏi Sạ mình có bao nhiêu tiền "mừng tuổi", Sạ đã kể rõ mỗi người mừng tôi từng nào, tổng lại là 27 đồng. Lúc nhận đếm chính xác có 27 đồng Thiên Phúc(1) trên tay và mình đang nói chuyện với một thằng bé 7 tuổi ở thời cổ đại thì tôi mới ngã ngửa. Tính nhẩm nhanh và chính xác đến vậy có khi nhiều khi người lớn ở thời hiện đại còn nhầm lẫn.

Vậy là thi thoảng cao hứng tôi vẫn hay đố Sạ mấy câu toán dân gian, vừa muốn thằng bé phát triển tư duy vừa vui vẻ. Ấy vậy mà đáp lại lòng nhiệt thành của tôi vị "Khai Phong Vương" kia chỉ khinh bỉ nhìn lại rồi "tạt nước lạnh" thẳng thừng:

"Chị bị chém ở lưng hay ở đâu mà toàn nói linh tinh? Hỏi cái gì khó hơn đi."

Những lúc như vậy tôi chỉ biết nín thinh. Không phải vì tôi không muốn thôi "thử thách" Sạ mà là vì giọng điệu cay nghiệt của thằng bé y hệt Lê Long Đĩnh khiến trái tim non nớt của tôi cảm thấy bị đe doạ.

Nhưng tôi nào đâu phải là kẻ dễ bỏ cuộc, thua keo này bày ngay keo khác!

Mấy ngày sau Sạ vừa đến đã thấy tôi ngồi trước cửa chờ, miệng cười ngoác đến tận mang tai.

"Khai Phong Vương, hôm nay Đam sẽ chơi với người trò này vui lắm!"

"Sao chị lại nồi đây? Không sợ lạnh à?"

Sạ nhướn mày, còn chưa càm ràm thêm đã bị tôi đã nhanh chân đến dưới tán hoa đào.

Tết Nguyên Đán đã qua được vài ngày, vốn dĩ đào trong cung đã nở hết nhưng không hiểu vì sao chỉ có cây này bây giờ mới bắt đầu hé nụ. Thân cây xù xì mốc trắng địa y. Lá già đã được trảy hết tự bao giờ, trên cành những lộc non xanh mơn mởn nhú lên tựa hồ hàng trăm cây nến tí hon lung linh mỡ màng dưới nắng xuân ấm áp. Cánh đào phớt hồng mỏng manh, chúm chím nở như nụ cười của cô gái đương tuổi trăng rằm. Cảnh xuân đẹp như vậy quả không dễ gì được ngắm.

"Trò chơi chị nói là ngắm hoa đào nở muộn à?" - Sạ ngồi xuống nhấp một ngụm trà bày sẵn, giọng đều đều.

Tôi ưỡn ngực, thẳng lưng vô cùng hùng hồn:

"Không phải ngồi ở đó, Khai Phong Vương ngồi bệt xuống đây chơi trò này với Đam đi."

Nói rồi tôi nhanh nhẹn ngồi xuống đất làm mẫu, trước mặt đã vẽ sẵn trò ô ăn quan cùng số sỏi tương ứng để tranh tài cùng Sạ. Sạ nhíu mày khó hiểu nhưng không nỡ từ chối nên đành ngồi xuống cùng tôi.

Ô ăn quan là trò chơi dân gian lâu đời. Bàn chơi gồm tổng cộng 12 ô. Mỗi vuông gồm năm viên sỏi nhỏ gọi là "ô dân". Hai ô hình bán nguyệt gồm hai viên sỏi to hơn gọi là "ô quan". Mỗi "quan" bằng 5 "dân". Qua những cách bốc quân, rải sỏi khác nhau để đến cuối cùng, người chiến thắng sẽ là người có số sỏi nhiều hơn.

​​ Xét về toán học, ô ăn quan là một trò chơi đếm số dạng tổ hợp. Người chơi cần tính toán, lựa chọn cách hợp lý để giành điểm cao hơn cho mình. Cứ mỗi một nước đi lại ra một bài toán tổ hợp mới khác nhau. Tôi bài trừ việc chăm chăm bắt trẻ tuổi này trong phòng đọc sách rèn chữ cả ngày nhưng phát triển tư duy thông qua những trò chơi thì hoàn toàn ngược lại.

Sau khi nghe tôi nói qua về luật chơi, Sạ hỏi lại:

"Nếu thắng thì ta được gì?"

Tôi suy nghĩ một lúc, quả là với thân phận như của Sạ thì tôi đâu có gì để cá cược? Nhưng một người "nhiều năm lăn lộn trong nghề" như tôi sao có thể để thua đứa trẻ bảy tuổi nên liền mạnh miệng:

"Nếu Khai Phong Vương thắng Đam sẽ thực hiện một yêu cầu bất kỳ của người. Đổi lại nếu Đam thắng thì người cũng phải đáp ứng một nguyện vọng bất kỳ của Đam."

Sạ gật đầu ngay lập tức không hỏi gì thêm, đoạn bảo:

"Cứ quyết định như vậy đi."

Không ngoài dự đoán của tôi, trận đầu tiên Sạ thua thê thảm.

Thằng bé vẫn tỏ ra vô cùng bình tĩnh, chầm chậm nói:

"Một ván nữa."

"Một ván một đồng." - Tôi đục nước béo cò.

Sạ phẩy tay ra ý tiếp tục. Có hề gì, một đồng với gia sản của Khai Minh Vương thì so như hạt cát trong sa mạc vẫn còn là khiêm tốn. Tuy cảm thấy mình hơi vô liêm sỉ, đã chơi với một thằng bé bảy tuổi thì thôi đi lại còn lừa thêm tiền của nó nhưng có hề gì? Mấy ai làm ăn trong thiên hạ mà không lừa lọc kẻ khác? Tôi cười hê hê vô cùng đắc thắng tiếp tục màn "chinh phạt của mình".

Đại khái đến giữa trưa ngoại trừ "nguyện vọng bất kỳ" thì Sạ đã nợ tôi một khoản kha khá. Nhìn thằng bé má phúng phính, mắt ầng ậc nước, bĩu đôi môi hồng xinh tôi vừa thấy tội vừa thấy buồn cười.

"Sao hoàng tử, làm ván nữa không?" - Tôi hỏi đểu.

Sạ ngôi lâu quá tê chân, duỗi duỗi ra rồi lại hậm hực:

"Tất nhiên là chơi nữa!"

Tôi phá lên cười thành tiếng. Cái tính cố chấp này thì thật đúng là cha nào con nấy. Rất tiếc cho Sạ tôi lại là kẻ có thú tính, càng thấy người khác buồn bực thì tôi lại càng buồn cười.

Còn chưa kịp bày mưu bẩn chơi thêm một ván nữa thì Bạch Vỹ từ hướng ngự hoa viên tiến lại. Thấy tôi với Sạ ai nấy đang ngồi bệt xuống đất, lấm lem từ mặt mũi Vỹ liền lườm tôi một cái sắc lẹm:

"Ngươi khá lắm, lại bày trò gì cho Khai Phong Vương đây?"

Tôi cười trừ xua tay, ra sức chối tội:

"Có gì đâu, chỉ là chơi vui một chút."

Tôi dạy Sạ chơi ô ăn quan rõ ràng là chuyện tốt, có truyền đến tai Long Đĩnh cũng không hề gì nhưng tôi lại vừa cá cược vừa lừa tiền của con trai y thì hỡi ôi, chắc chắn kẻ bị thả cho giao long cắn đến chết trong sử sách kia chắc chắn là tôi rồi.

Nghĩ đến đây tôi rùng mình, giả bộ hỏi chuyện khác đánh trống lảng:

"Ngươi đến đây làm gì?"

Vỹ rút từ trong tay áo ra đưa cho tôi một phong thư.

Thư? Còn có người gửi thư cho tôi cơ à?

Tôi lau sạch hai tay vào áo, đón lấy rồi mau chóng mở ra. Chà chà, khó nhỉ, cái gì đây ta?

Tôi ê a một hồi vẫn chưa đánh vần xong, cả Vỹ và Sạ đều sốt ruột, đồng thanh:

"Cần ta đọc giúp không?"

Tôi cười nhăn nhở đưa sang cho Vỹ, Vỹ cầm lấy thư nhìn lướt qua một hồi, nét mặt bỗng dưng căng thẳng hẳn. Y gấp thư lại, giọng hơi run run bảo tôi:

"Ngươi đã khoẻ lại chưa?"

Tôi không hiểu gì, ngơ ngác gật đầu:

"Đã tốt hơn rất nhiều rồi."

"Vậy thì xin chúa thượng xuất cung ngay nếu không sẽ muộn mất!"

***

Chú giải:

(1)Thiên Phúc: Tiền được đúc và sử dụng trong thời Tiền Lê, chất liệu bằng đồng.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

Giáp Thân, /Thiên Phúc năm thứ 5 [984], (Tống Ưng Hy năm thứ 1). Muà xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv