Ngày mai khắp thành Hoa Lư lại có thêm một chuyện nữa để đồn thổi.
Nối tiếp câu chuyện chàng y sinh nghèo đem lòng yêu tiểu thư hào môn, những tưởng duyên trời tác hợp có thể sánh bước bên nhau nhưng cuối cùng cũng chẳng thể tránh được cường quyền. La Đạc dẫn theo phụ mẫu dứt khoát gõ cửa phủ Chưởng thư ký cướp dâu, thành công có được giai nhân nhờ hậu thuẫn đắc lực từ Khai Phong Vương.
"Kịch bản" khó thế mà phu nhân ngài Chưởng thư ký cũng có thể nghĩ ra, tiếc là bà sống ở thời kỳ phong kiến bằng không nhất định sẽ là một biên kịch hàng đầu nền điện ảnh nước nhà. Được cái La Đạc nhiệt tình đóng vai người đàn ông si tình, nhất quyết đòi cha mẹ cho cưới Linh An. Họ La nhiều đời độc đinh mà xưa nay La Đạc được chiều chuộng có tiếng, dù chẳng mấy cam lòng nhưng cuối cùng vợ chồng ông bà Tuyên uỷ sứ cũng tặc lưỡi cho qua. Đối với tất thảy chúng tôi mà nói thì đây cũng là kế sách vẹn toàn nhất.
***
Mọi chuyện sắp xếp xong xuôi tôi dẫn Sạ mau mau rời khỏi nơi thị phi này. Đi qua một khúc quanh có cây hồng, tôi níu tay thằng bé lại, hỏi:
"Điện hạ, sao người biết Đam gặp nguy mà đến cứu?"
Sạ bĩu môi:
"Chị xem cả cái Đại Cồ Việt này làm gì có ai gây chuyện mà đến mức đảo lộn luân thường như vậy không?"
Tôi cười khì, thuận tay nựng đôi má phính của Sạ một cái. Sạ trừng mắt nhìn tôi khiến tôi chỉ biết nhăn nhở đánh trống lảng:
"Điện hạ, sao phố xá hôm nay vắng hoe vậy? Đam có bộ quần áo mới mãi mới được diện ra đường, không ai trông thấy thì thật thiệt thòi."
"Mọi người ra đường lớn đón xa giá phụ hoàng rồi. Giờ ta phải đi cho kịp, chị tự lo liệu nhé!"
Còn chưa đợi tôi nói năng gì Sạ đã nhanh thoăn thoắt lên kiệu võng, buông rèm. Đám Thân quân nghe lệnh chủ rời đi còn nhanh hơn cả bị ma đuổi.
"Ra đường lớn đón xa giá"? Nghe thì vui đấy nhưng tôi biết cân nhắc thiệt hơn. Nếu may mắn có thể biết thêm nhiều nét văn hoá thú vị của Đại Cồ Việt, đen đủi để Lê Long ĐĨnh thấy tôi trong bộ dạng này thì... Bỗng dưng khắp người tôi gai ốc nổi hết lên. Thôi thì vẫn cứ là về nhà đánh một giấc thì hơn. Suốt mấy ngày lo lắng chuyện lấy vợ thần kinh tôi căng như dây chão, giờ tôi cần được ngủ bù. Ngủ bù vạn tuế, ngủ bù muôn năm! Nghĩ là làm, tôi nhanh nhẹn đi tắt lối từ phủ Chưởng thư ký về phủ Đô chỉ huy sứ. Lòng không khỏi tiếc thương cho chúng sinh đã bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn một trang tuyệt sắc như tôi ngày hôm nay.
Nhưng khoảnh khắc vui vẻ yên bình đó chẳng kéo dài được bao lâu.
Ngay khi tôi đang nhảy chân sáo tung tăng trên con đường quen thuộc thì từ trên trời một con gà mái mẹ bay qua hàng rào, đáp thẳng xuống. Phản xạ đầu tiên của tôi là đưa tay ra đỡ.
Gà?
Sao lại có gà từ trên trời "rơi" xuống thế này?
Chỉ từng nghe vẻ ngoài "chim sa cá lặn", chưa từng nghe tới "gà bay quạ mổ." Tôi biết mình không xinh đến độ khiến cho muôn loài ghen tức nhưng chắc cũng không xấu đến mức khiến vạn vật bỉ bai. Còn chưa kịp đem con gà thả về đất thì đã thấy một người đàn bà lực điền nhảy bổ từ cổng ra, không nói không rằng phăm phăm cầm đòn gánh lao đến nhằm tôi mà đánh. Lẽ thường nhất của một người bị đuổi đấy chính là chạy!
Vậy là khung cảnh hề hước nhất trên đường phố Hoa Lư đã bắt đầu. Một cô gái thanh nhã vén váy đến ngang đầu gối, tay ôm con gà co giò chạy trối chết, phía sau người đàn bà vừa chửi vừa đuổi, lúc lúc lại nhằm thẳng tôi mà phi đòn gánh vào. Cứ như thế độ dăm ba vòng, cũng may là tôi có kinh nghiệm đào tẩu sau vô số lần gây hoạ trong doanh trại bằng không đã sớm bị lăn tròn, bỏ "vỏ", cán mỏng dưới đôi tay lực lưỡng kia. Bà ta đuổi không nổi nữa liền đứng lại, tốc váy, chống nạnh nhằm thẳng mặt tôi mà chửi:
"Con gà ở nhà tao là con gà, con qué.
Nó về nhà mày là con cú, con cáo.
Nó mổ gan, lòi ruột những đứa ăn miếng thịt gà nhà tao.
Nó là thần nanh, đỏ mỏ rút gan, rút ruột nhà mày ra.
Mày không thả con gà nhà bà ra, bà đóng ghế 3 tháng 10 ngày,
Buổi sáng bà chửi, buổi tối bà chửi, buổi trưa bà hú,
Bà nguyền, bà rủa cho cây vàng lá, cho quả chột thui,
Cho Thần Trùng đến rút từng khúc ruột của cha ông, chồng con nhà mày ra!"(1)
Tôi đứng im như trời trồng, cằm tưởng rớt xuống tận đầu gối. Tôi chưa từng bị ai chửi mà còn có vần điệu như vậy, đã thế còn không hề mảy may suy nghĩ hay ngắc ngứ lấy một giây một phút. Cứ như thể bà ta đã sửa soạn cho phần "battle rap" này từ rất lâu và chỉ trực chờ gặp tôi để "on the mic" ngay lập tức. Người hiện đại trao kỷ lục bắn rap cho Eminem(2) hẳn là chưa từng thấy người Việt cổ cãi nhau như thế nào đấy thôi. Trong lúc tôi đang bận suy nghĩ về "lời hay ý đẹp" của bà ta kia thì người đàn bà với nốt ruồi như con đỉa trâu ngay mép ấy đã phăm phăm tiến lại. Đương nhiên người ta có gậy gộc thì tôi cũng phải có gì phòng thân. Tôi cúi xuống tháo một chiếc hài cầm sẵn trên tay. Đánh nhau có thể thua nhưng nhất định không thua khí thế được!
"Tôi... tôi tự bay vào con gà. À con gà tự bay vào tôi chứ ai thèm trộm." - Mẹ nó, lúc cãi nhau lo lắng quá lại thành ra nói lắp. Tôi hận chính mình!
"Cha chả ôi, đúng là cái đồ già mồm. Con gà nó tự bay qua hàng rào rồi đậu lên tay mày phỏng? Không trộm thì sao phải chạy?"
Đám đông đứng chờ xa giá vua thấy bên này ồn ào bắt đầu hóng hớt. Tôi tức quá, nỗi oan này đúng là kêu trời xanh không thấu. Rõ ràng đúng thật là con gà tự bay vào tay tôi. Nếu tôi mà trộm dễ gì để người khác bắt thóp.
"Thế chị cầm gậy đuổi theo dân lành là đúng chắc? Logic gì kỳ cục thế?"
"Logic là cái gì? Ối giời ơi bớ làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi; ai ở gần mà qua, ai ở xa mà lại ra đây mà xem có con trộm gà mà còn gân cổ cãi này." - Mụ kia quẳng gậy, giãy đành đạch lăn ra đất.
Tôi bắt đầu nổi đoá. Sau tất cả những gì phải chịu đựng những ngày qua thì mưu cầu duy nhất của tôi là được về nhà đi ngủ. Chẳng ngờ hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra, đã vậy còn bị đổ vấy tội trộm cắp giữa đường giữa chợ. Con giun xéo lắm cũng quằn, tôi quay sang quắc mắt nhìn:
"Này bà chị, tôi cũng nhịn chị từ nãy đến giờ rồi đấy nhé. Chị chửi tôi thì tôi đây cũng truyền đời báo kiếp cho cái đồ mặt nạc, đóm dày, mo nang trôi sấp chó cụt đuôi(3) nhà chị hay. Nếu chị xin tử tế thì tôi trả lại con gà, nếu chị thích chửi nhau tôi sẽ đứng đây thi gan với chị đến mãn kiếp. Bẻ đại một miếng vàng trên cây trâm tôi cài cũng đủ mua cả đàn chứ đừng nói một hai con. Nếu muốn đánh tôi thì ta lên quan!" - Tôi mạnh miệng thế chứ đồ của Sạ cho mượn nào dám tắt mắt đâu.
"Đúng rồi, đẹp thế không ai trộm gà."
"Ừ, trông còn quen quen nữa."
"Thế này mà báo quan nhì nhiễu sự."
Đám người đứng chờ xa giá vua xì xào.
Biết là tụ tập ở giữa đường giữa lộ chỉ tổ thu hút sự chú ý của đám lính canh cùng xa giá của Long Đĩnh, tôi quay sang bảo:
"Giờ tôi là người bị con gà này rơi vào người, nếu chị muốn xin lại thì theo tôi ra ngõ kia."
Tôi đương nhiên muốn giải quyết mấy việc như thế này càng nhanh càng tốt. Nhì nhằng mãi cũng chỉ thêm mỏi mệt chứ chẳng được lợi lộc gì. Thấy tôi cứng giọng lại không phải là người dễ bắt nạt, mụ kia ngoan ngoãn im re nhận lại con gà. "Hiệp ước đình chiến" vừa được ký kết, tôi "trao trả" xong con tin quay lưng đi thì bỗng dưng trên đỉnh đầu đau nhói khiến mặt mày xây xẩm. Mất một lúc để tôi có thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh, phát giác dưới chân mình có một quả ổi xanh lăn lông lốc. Tôi quay lại nhìn thì thấy mụ kia vừa ném tôi xong đã xách con gà tháo chạy mau mau.
Mẹ nó!
Có thù không báo tôi không phải là Đam!
Tôi cúi xuống rút giày, nhằm thẳng mụ ta mà ném.
Hẳn đây sẽ là cú home run(4) tuyệt đẹp nếu như chiếc hài của tôi không đi chệch hướng, đáp thẳng lên đầu con voi nọ - một con voi được dát vàng vào bồng la ngà(5), kéo phía sau xe vàng của Long Đĩnh. Khoảnh khắc ánh mắt ngây thơ vô tội của tôi va phải đôi mắt sắc lạnh đến gai người của Long Đĩnh tôi biết ngày tàn của mình đã đến rồi. Có thể y nhận ra tôi, có thể không nhưng tôi đã thấy rõ Long Đĩnh cầm chiếc hài lên cười nhàn nhạt, đoạn ra hiệu cho binh lính:
"Thánh tiết rồi, cho toàn Hoa Lư thử hài thôi!"
____
Chú thích:
(1) Phỏng theo vè chửi mất trộm gà. Nguồn: dân gian.
(2)Eminem: Nam rapper nổi tiếng với tốc độ rap kỷ lục 11,3 âm tiết/giây.
(3) Mặt nạc, đóm dày, mo nang trôi sấp chó cụt đuôi: Theo quan niệm xưa, mặt nạc là mặt nhiều thịt, hàm ý chê.
(4) Home run: Trong môn bóng chày, home run dùng để chỉ một cú đánh quả bóng xa đến độ người đánh quả bóng có đủ thì giờ chạy quanh các gôn để trở về chỗ cũ và thắng điểm. Thành ngữ này cũng được dùng để chỉ một thành công mỹ mãn.
(5) la ngà: mui bành voi đóng lên lưng voi.
Do các chi tiết về lễ nghi trước triều Lý không thể khảo được, chi tiết này được dựa một phần trên "xe thái bình" của vua Lý Thái Tông (1045) khi tham dự lễ thánh tiết.