Hình như tôi lại xuyên không lần nữa.
Không phải xuyên về 1000 năm trước, không còn ở Đại Cồ Việt mà là xuyên về năm tôi 6 tuổi.
Cả cơ thể tôi nhẹ bẫng, tan ra trong niềm hạnh phúc hân hoan khó tả. Là Cao Phong(1)! Chính là Cao Phong trong tâm tưởng những ngày thơ bé của tôi!
Cả một vùng Cao Phong mát lạnh. Gió mơn man trên da thịt, trên những lá cam xanh mướt, trên những trái chín vàng ươm, căng mọng, óng ánh như rót mật. Tôi hân hoan nhảy chân sáo khắp ngọn đồi, bàn tay bé xíu hái một bông dã quỳ dại cài lên mái tóc. Mùi đất, mùi cây cỏ thơm lừng ươm trọn cả những quả đồi trùng trùng điệp điệp.
Cam đã vào mùa chín. Đồi nối tiếp đồi óng ánh vàng trong nắng, tựa hồ những chiếc đèn lồng bé xinh thắp sáng cả vùng trời.
"Em đừng chạy nữa, về nấu cơm thôi kẻo ông bà chờ."
Tôi quay lại, một khuôn mặt tròn bầu bĩnh đáng yêu cùng đôi mắt đen láy lanh lợi. Cô bé chừng mười tuổi tiến đến nắm chặt tay tôi dắt đi. Rất tự nhiên, tôi cũng nắm lấy, hạnh phúc hân hoan trên đường trở về nhà.
"Ông bà đã bón phân xong hết rồi ạ? Em tưởng bà bảo mấy ngày nữa?"
"Ừ, xong rồi. Em muốn ăn cá không? Mình ra hồ câu."
Tôi gật đầu, miệng cười toe toét. Cá rán giòn là món tôi yêu thích nhất sao có thể chối từ. Chị dắt tay tôi, hai chị em tung tăng trên con đường đất. Về tới nhà chị chạy vào bếp thổi cơm. Tôi đứng kế bên xem chị nhóm lửa, ngửi mùi thơm từ rơm mới bay lên. Những hình ảnh xưa cũ đầy hoài niệm, đầy khắc khoải đã lãng quên từ lâu bỗng chốc ùa về.
Đợi cơm đã chín chị rút bớt củi, chỉ để lại lửa hồng liu riu. Tôi thích ăn cơm có cháy nên lẽ tất nhiên chị tôi chẳng bao giờ quên được. Cơm vừa nấu xong ông bà vẫn chưa về, chị tôi một tay cầm cần câu, một tay nắm tay tôi đi ra hồ câu cá. Bóng hai chị em một cao một thấp in trên con đường phủ đầy tán cây xanh.
***
Nhà ông bà nằm gần một hồ lớn, là hồ tự nhiên, nước hồ xanh không thấy đáy. Đứng từ trên bờ có thể nhìn thấy cá trắm cá chuối từng đàn từng đàn tung tăng bơi lội. Chị ngồi yên tĩnh trên mỏm đá, buông cần câu chờ đợi. Tôi chạy nhảy xung quanh bờ, mải mê tìm hái những ngọn rau sam thân đỏ mập mạp. Rau sam chua chua thanh thanh, luộc hay xào đều ngon cả.
"Chị ơi, để cần câu lại qua đây hái đi!" - Tôi quay lại, không thấy chị đâu.
Giữa trưa nắng chỉ còn lại trên bờ một vết trượt dài. Cần câu rơi trên nền đất, bốn bề yên tĩnh.
Ngày hôm đấy trời nhiều nắng, nắng vàng ươm từng ngóc ngách.
Nắng phủ mật ngọt lên trái chín khắp cả Cao Phong.
Nắng reo trên con đường ông bà chạy về vội vã.
Nắng ồn ào khi người nối người đứng quanh hồ.
Nắng rất nhiều, nhưng không đủ sưởi ấm chị tôi.
***
Tôi bừng tỉnh, cả khuôn mặt ướt đẫm nước mắt. Những giấc mơ về quá khứ liên tục trở đi trở lại bất kể khi nào có dịp. Tôi kiệt sức, bất động nằm trên giường khóc rất lâu. Điều duy nhất đau đớn hơn việc mất người thân là mất đi họ hết lần này đến lần khác, trong giấc mơ.
Dòng cuối cùng trong hướng dẫn sử dụng Seroquel - thuốc trị trầm cảm của tôi đã ghi chú: "Giấc mơ sống động". Vốn dĩ tôi không hiểu giấc mơ có gì đáng sợ đến thế nhưng hoá ra không phải ác mộng mới khiến người ta mất ngủ. Điều mệt mỏi nhất, điều thường xuyên khiến tôi đau lòng nhất, dày vò tôi nhiều nhất lại là những giấc mơ.
Cứ mỗi lúc tôi tôi có thể điều chỉnh tâm trạng tốt hơn một chút lại nằm mơ. Ác mộng không khiến tôi sợ, ngay cả việc xuyên không về một nghìn năm loạn lạc cũng chẳng hề hấn. Tôi sợ nhất là những giấc mơ hạnh phúc - mơ thấy lúc gia đình tôi khi còn bên nhau, chị tôi còn sống, không có chia ly, không có mất mát.
Điều đau lòng hơn, vì tác dụng phụ của thuốc, những giấc mơ ấy sống động như thật khiến tôi bị hẫng trong cuộc sống thật. Cảm giác quá chênh lệch giữa giấc mơ quá khứ với hiện tại làm tôi không sao cân bằng được và như thường lệ, mỗi lần thức dậy nước mắt ướt đẫm, và mỏi mệt, và thương đau.
Lịch Vũ ngồi kế bên im lặng. Chẳng rõ biết đã bao lâu trôi qua tôi vẫn chưa thể tự điều chỉnh lại tâm trạng của mình. Hoá ra tôi vẫn đang mắc kẹt ở Đại Cồ Việt. Hoá ra tôi vẫn chưa thể trở về.
Lịch Vũ đưa cho tôi một chiếc khăn lụa để lau nước mắt. Tôi nhận lấy chiếc khăn trắng tinh mỏng mịn, bần thần một hồi. Người cục mịch như Lịch Vũ lấy đâu món đồ tinh xảo như vậy?
Mãi tới lúc này tôi mới nhận ra quần áo mình mặc là quần áo hoàn toàn khô ráo. Những ký ức về lúc cứu Long Đĩnh cho đến khi tôi nhảy xuống sông chầm chậm tua lại khiến tôi bất giác hơi hoảng hốt.
"Đô chỉ huy sứ, chúa thượng không sao chứ?"
"Người không sao."
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng lúc này vấn đề mới phát sinh: Ai đã thay đồ cho tôi?
"Đô chỉ huy sứ..." - Tôi ngập ngừng.
Lịch Vũ nghiêng đầu im lặng chờ đợi câu hỏi. Vết sẹo dài dọc trên má trái không khiến Lịch Vũ trở nên hung dữ mà trái lại, vẻ phong trần từng trải càng khiến tôi bị thu hút hơn. Tôi nuốt nước bọt, lời muốn hỏi không dám hỏi, tảng lờ:
"Còn quân Man Cử Long?"
"Đã bị đẩy lùi." - Lịch Vũ kiên nhẫn.
"Vậy còn thương binh trong trại thế nào ạ?"
"Đã có quân y lo."
Tôi ngồi im, hai ngón tay cái liên tục bấm chặt vào nhau. Hỏi thế nào cho hợp lý bây giờ? Hỏi xem ai đã thay đồ cho tôi? Hỏi xem người đó đã nhìn thấy gì? Hay hỏi chuyện khi nào tôi sẽ bị chặt đầu? Tôi vô cùng băn khoăn nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Đang ngó nghiêng tứ phía thì tôi chợt nhận thấy có điều gì đó không đúng lắm. Mùi thơm dịu này là ở đâu vậy?
Thấy tôi nhìn chằm chằm vào cây nến thơm, Lịch Vũ lại gần, thổi tắt:
"Hoa cúc sẽ giúp ngươi định thần."
"Người vẫn chưa dùng hết nến ạ? Người dùng đi hết rồi Đam lại làm nữa."
"Cây này là đủ rồi."
Tôi nhún vai, biết làm sao bây giờ. Chỉ là một cây nến mà phải dè sẻn đến mức mới đốt cho tôi ngửi một chút đã vội cất đi, còn mang hết từ Phong Châu qua Thái Bình rồi đến tận đây. Tôi thở dài, ở trong chăn mới biết chăn có rận. Hoá ra Lịch Vũ keo kiệt thế. Sớm biết vậy tôi đã làm cho y hẳn mười cây siêu to khổng lồ.
"Không muốn hỏi gì nữa ư?"
Tôi sợ xanh mặt, ra sức lắc đầu.
"Ta là người đã thay y phục."
Câu nói từ Lịch Vũ khiến tôi tròn mắt không tin nổi vào tai mình.
Cái gì cơ?
"Ta đã nhìn thấy."
Tôi đã chết hẳn. Tôi muốn đào huyệt cho chính mình. Tôi muốn quay về tương lai. Trong tình huống ngặt nghèo này, bộ xử lý trong đầu tôi chạy thật chậm, thật chậm. Toàn bộ ký ức từ ngày đầu tiên tới đây đến lúc Lịch Vũ băng bó tay cho tôi, cái vỗ vai trước đêm làm sứ giả cho đến mùa "dâu rụng" trước mặt y. Từng việc từng việc một khiến tôi cảm thấy hình như mình đã hành xử thật ngu ngốc. Có phải thôi đã múa rìu qua mắt thợ, múa tông đơ qua mặt người cắt tóc không?
Còn chưa đợi tôi định thần hẳn, Lịch Vũ thốt ra tám chữ đánh đổ phòng tuyến tâm lý cuối cùng:
"Ta chịu trách nghiệm, về kinh sẽ cưới nàng!"
_________
Chú thích:
(1) Cao Phong: huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.