Lúc này tôi cảm thấy dường như tôi đang mở rộng vỏ bọc đi quá xa, ngay cả với tôi.
Sáng hôm sau, thay cho lái xe đến ngôi nhà có tường bao ở Brooklyn, tôi theo đại lộ Grand Central đến Northern State và theo biển báo đến Eastern Long Island. Hai giờ sau, tôi lăn bánh qua những cây du lớn nhất, già nhất tôi từng thấy vào khu thương mại East Hampton.
Vì là lần đầu tiên đến đây, tôi chen chiếc Taurus của mình giữa một chiếc Porche và một chiếc Ferrari đỏ chót rồi nhìn quanh.
Đây là phố Main của Mỹ. Từ Bed-Stuy mất hai giờ nhưng tôi cảm thấy gần như tôi ở trong cuộc thám hiểm của National Geographic, giống như Darwin ở Galápagos. Tôi định mua một cuốn sổ và ghi nhanh những cảm tưởng, nhưng chẳng có nơi nào mà mua.
Hình như casơmia, cà phê và bất động sản là những thứ duy nhất để bán. Chó thật, ở đây nhiều đại lý bất động sản hơn cả cửa hàng tạp hóa ở Brooklyn. Trong hai khối nhà tôi đã đếm được bảy cái, tất thảy là những ngôi nhà ốp ván trắng với những cái tên mỹ miều: Devlin McNiff và Brown Harris Stevens.
Nhưng giá cả chẳng mỹ miều tí nào dưới những tấm ảnh đen trắng 8 x 10, giống những tấm ảnh Krauss chụp ở nhà xác. Hai mươi triệu cho những ngôi nhà lớn, bốn triệu cho các ngôi nhà xinh xắn và 950.000 đôla cho một ngôi nhà sơ sài dựng trên một phần tám mẫu tây. Có thể thế được không?
Lúc đã chán đi bộ, tôi thăm thú một “cửa hàng” tên là Golden Pear Café, đủ lạ vì mọi người sau quầy đều là người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, giống hệt một cửa hàng tạp hóa thực sự. Tôi chọn một trong sáu loại cà phê và một miếng bánh ngọt giá bốn đôla, rồi mang ra cái ghế dài ở bên ngoài cửa trước.
Cà phê pha ngon hơn tôi quen uống, còn bánh ngọt giống như Hostess Twinkie nhưng có phần nhẹ hơn. Nhưng tiền chi cho mọi thứ nhiều đến mức tôi không thể nói đoạn cuối thị trấn ở đâu và tiền bắt đầu từ chỗ nào. Thay vì mất thêm thời gian ngẫm nghĩ, tôi cho phép mình nghỉ ngơi và dùng mươi phút tiếp theo sưởi ấm trong nắng, mỉm cười với các cô gái dạo qua, bất chợt nhớ tới cuộc sống quá ngắn ngủi còn biết bao việc phải làm.