Luận Anh Hùng

Chương 441: Xưa Nay Mấy Người Từng Biết



Trên đời có một loại người, không kêu thì thôi, một khi kêu sẽ kinh người; không bay thì thôi, một khi bay sẽ đến tận trời.

Hắn ngày thường không ra tay, một khi ra tay sẽ phi phàm, sẽ chết người, long trời lở đất.

Xưa nay Tôn Thanh Hà sát tính rất lớn, lúc cần thiết hắn giết người quyết không chùn tay.

Nhưng bình thường hắn rất ít khi sử dụng một chiêu này, dùng loại vũ khí đủ kinh thiên động địa này.

Thế gian cũng có một loại người, từ trong những chiến dịch lớn lớn nhỏ nhỏ đánh lên, đứng lên, hơn nữa còn đứng yên không ngã.

Hắn gặp phải cao thủ thì dùng thủ đoạn cao minh, đối địch với người kém thì dùng thủ pháp bình thường, tóm lại là gặp thần giết thần, gặp phật giết phật, nhưng cũng gặp ma trừ ma, gặp tà tránh tà.

Người thường gặp y cũng cảm thấy rất hợp khẩu vị, cao nhân gặp y liền biết là cao thủ tuyệt đỉnh, đó là điểm đặc biệt của Vương Tiểu Thạch nô đùa nhân gian.

Thích Thiếu Thương lại là loại người cắn răng, nhíu mày, mím môi, không có may mắn thì tự mình tạo ra một con đường thời vận tốt, có chí ắt làm nên, không làm nên thì ít nhất cũng có thu hoạch.

Y không cầu rực rỡ, nhưng cuối cùng y vẫn là người giỏi nhất; y cầu mong may mắn, nhưng cuối cùng y vẫn phải sáng tạo vận mệnh cho mình.

Hôm nay y ra tay, cũng không giống như bình thường.

Kiếm pháp của y điên cuồng hơn.

Kiếm pháp của y không phải là “không cần mạng, chỉ cần liều” giống như Tôn Thanh Hà, Lãnh Lăng Khí, nhưng lại là một phương pháp chống lại vận mệnh.

Một loại kiếm chiêu đi ngược lại vận mệnh của mình.

Do đó, y vừa hất văng “Thác” kiếm của Tôn Thanh Hà, lại thấy kẻ địch đã “rút” ra một món “vũ khí” khác.

Hơn nữa “vũ khí” kia còn phát sáng, còn “khai hỏa”.

Phản ứng của y là không lùi mà tiến tới.

Tiến đần gần, xuất kích.

Y dường như đã dự đoán Tôn Thanh Hà sẽ lấy ra loại vũ khí càng đáng ghét này, cho nên y cũng đã sớm chuẩn bị phương pháp ứng phó.

Thế nhưng phương thức ứng phó của y lại rất “nguyên thủy”.

Y lại dùng tay trái phất lên, tay phải cầm kiếm đâm vào Tôn Thanh Hà.

Y lại không né/không tránh/không lánh/không lùi/không chậm/không ngừng/không nhường “vũ khí đáng ghét” kia, y thà hi sinh một tay để lấy tính mạng của đối phương.

Bàn tay đang kẹp đóa hoa của y.

Bằng bằng bằng…

Ánh lửa bắn ra, đốm lửa tung tóe.

Lập tức, cánh tay của Thích Thiếu Thương gần như bị phá tan, nhưng kiếm của y đã đâm thẳng đến trước mặt, khi còn cách một khoảng nhỏ hơn cả thể tích của một con muỗi thì đột nhiên dừng lại, nếu không “Si” kiếm này sẽ xuyên qua ấn đường của Tôn Thanh Hà.

Ánh kiếm chiếu vào giữa chân mày Tôn Thanh Hà, không đâm tới.

Trăng sáng trên đầu.

Mũ lọng đầy kinh hoa.

Người có tiều tụy không? (1)

Không.

Thần sắc của Tôn Thanh Hà vẫn ngang ngược ngông cuồng như trước, ánh mắt dường như đang nói: “Giết ta đi! Thế nào? Ngươi không dám giết sao? Ngươi thổi ta không phồng, ngươi cắn ta không vào, ngươi gặm ta không xuống, ngươi mắng ta không sợ, xem ngươi có dám một kiếm giết ta hay không!”

(Giết ta rồi, không hả hê lòng người cũng là hả hê lòng ta/ngươi!)

Sống chết có mệnh không?

Nếu như có, hiện giờ tính mạng của hắn đang nằm dưới kiếm trong tay Thích Thiếu Thương.

Thích Thiếu Thương lẽ ra nên giết hắn, cho dù bọn họ vốn không có thù sâu hận lớn, nhưng ít nhất Tôn Thanh Hà cũng đã phá hủy một cánh tay của Thích Thiếu Thương.

Hắn dùng “vũ khí” kỳ lạ trên tay, trong tiếng vang “bằng bằng”, làm nổ tung một cánh tay của Thích Thiếu Thương.

Không ai muốn một mình sống quãng đời còn lại trong giang hồ, huống hồ là một tay.

Một tay của y đã trúng phải độc thủ của Tôn Thanh Hà.

Thế nhưng kỳ quái là, nhìn dáng vẻ của Thích Thiếu Thương cũng không có hận, dường như cũng không đau lắm.

Một cánh tay đã vỡ, há có thể không đau?

Mười ngón tay còn đau đớn vô cùng, huống hồ là một cánh tay.

Nhưng thần thái của Thích Thiếu Thương dường như vẫn xa xăm quyến luyến, ung dung nhàn rỗi.

Hai người đứng ở nơi đó, đứng yên bất động, đứng yên đối diện.

Mũi kiếm của Thích Thiếu Thương chỉ vào ấn đường Tôn Thanh Hà, “vũ khí” trên tay Tôn Thanh Hà nhắm vào thân thể Thích Thiếu Thương.

Trăng rơi, quạ khóc, sương đầy trời.

Kiếm hoa, giết chóc, đêm kinh đô.

Chuyện vui buồn li hợp.

Mộng đời người tròn khuyết.

Mệnh không toàn mỹ.

Lui chưa chắc tốt.

Uyên ương không phải hồ điệp, sư tử ngăn chặn thần điêu. Một người chiến trời đấu đất, liều lĩnh thiên hạ; một người dựng bang lập đạo, vượt bậc võ lâm.

Bọn họ lại quyết một trận tử chiến trong đêm trăng kinh hoa này.

Ai thắng?

Ai bại?

Ba mươi tuổi cát bụi công danh,

Tám ngàn dặm dầm sương dãi nguyệt. (2)

Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,

Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi! (3)

Xưa nay người phàm từng biết?

Thiên hạ không ai biết được.

Trận chiến này quả thật không mấy người từng biết, không mấy người có thể may mắn gặp dịp.

Nhưng “Hắc Quang Thượng Nhân” Chiêm Biệt Dã chắc chắn là một trong số đó.

Có điều hiện giờ hắn lại kinh hãi, cũng giật mình.

Bởi vì hắn chỉ nhìn thấy kiếm thứ hai của Thích Thiếu Thương và Tôn Thanh Hà.

Lần thứ hai giao thủ, thấu triệt nhân tình và giải thoát, đang muốn định thần để ý quan sát kiếm thứ ba và kiếm thứ tư của bọn họ, bất ngờ đã xảy ra.

Một tiếng “vù” vang lên, một con rồng xanh bay tới.

Sau một tiếng “phập”, cắm vào trên song cửa sổ chỗ hắn.

Kiếm cắm thẳng vào gỗ, chuôi kiếm vẫn không ngừng rung động.

Kiếm chỉ cách mặt hắn ba tấc, gần sát chóp mũi của hắn.

Ba tấc lưỡi.

Hắn sững sốt, nhất thời không dám có bất kỳ động tác nào, ngay cả mắt cũng không chớp.

Kiếm ở trước mắt hắn, quyết chiến ở phía xa.

Rốt cuộc đây là cố ý? Hay là trùng hợp?

(Bọn họ đã phát hiện ta đang nhìn lén, cố ý cảnh cáo? Hay là thị uy?)

(Muốn nói rút kiếm liều mạng? Hay là đả kích?)

Chiến? Hay là chạy?

Tham dự? Nghênh chiến? Hay là rời khỏi? Chạy trốn?

Nhìn một đoạn mũi nhọn màu xanh trong bóng tối vẫn còn phát sáng, Chiêm Biệt Dã không nhịn được dâng lên một bầu nhiệt huyết, lại chìm trong một sự kinh ngạc. Không biết vì sao, trong lòng hắn chợt hiện lên vần thơ do một trăm nhà danh họa viết từng đọc khi còn bé.

Ô rách một đèn hai chân bùn,

Ra đường bán bùa mua đồ đạc

Đường xa vẫn cứ về nhà muộn

Thấp thỏm lo âu sợ quỷ mê

Bất hạnh là, hiện giờ tâm tình của hắn chính là như vậy.

Hắn là quốc sư một nước.

Buồn cười là giờ phút này hắn lại có suy nghĩ như vậy.

Hắn còn là cao thủ võ lâm.

Hắn thật sự không muốn đi đối diện với cao thủ áo rộng tuyết bào, dùng ánh sáng như mặt trời quyết chiến trong đêm trăng.Chú thích:

(1) Trích từ bài “Mộng Lý Bạch kỳ 2” của Đỗ Phủ.

Phù vân chung nhật hành,

Du tử cửu bất chí.

Tam dạ tần mộng quân,

Tình thân kiến quân ý.

Cáo quy thường cục xúc,

Khổ đạo lai bất dị.

Giang hồ đa phong ba,

Chu tiếp khủng thất truỵ.

Xuất môn tao bạch thủ,

Nhược phụ bình sinh chí.

Quan cái mãn kinh hoa,

Tư nhân độc tiều tuỵ.

Thục vân võng khôi khôi,

Tương lão thân phản luỵ.

Thiên thu vạn tuế danh,

Tịch mịch thân hậu sự.

Dịch nghĩa:

Mây trôi bềnh bồng cả ngày nay

Người khách ham chơi lâu ngày không thấy tới

Ba hôm nay nằm mộng thấy bạn

Thâm tình của bạn lộ rõ ta thấy

Lúc cáo từ bạn có vẻ bồn chồn không an

Nói rằng đường xá khó khăn không dễ lại thăm

Sông hồ nhiều sóng gió

Chèo lái sợ sẩy tay chìm thuyền

Ra cửa còn xoa xoa đầu tóc bạc

Có vẻ như nghịch ý mình sao đó

Nào mũ, nào lọng đầy kinh đô

Chỉ có mình người này là tiều tuỵ

Ai bảo lưới trời lồng lộng

Về già rồi hoá ra thân lại bị luỵ

Ngàn năm vạn năm sau danh tiếng

Nhưng chết đi rồi thì im lìm chẳng còn gì để nói

Dịch thơ: (Trần Trọng San)

Mây nổi suốt ngày trôi

Người đi mãi biền biệt

Ba đêm hằng mộng anh

Thấy anh tình thắm thiết

Chào về thường bịn rịn

Ôi đến nhau khó thật

Sông hồ sóng gió nhiều

Thuyền bè e đắm mất

Dường trái chí bình sinh

Bước ra gãi đầu bạc

Mũ lọng đầy kinh hoa

Một người này xơ xác

Lồng lộng lưới trời giăng

Gần già lụy chẳng thoát

Ngàn thu tiếng để đời

Ích gì sau lúc thác

(2) Trích từ bải “Mãn Giang Hồng” của Nhạc Phi.

Nộ phát xung quan,

Bằng lan xứ,

Tiêu tiêu vũ yết.

Đài vọng nhãn,

Ngưỡng thiên trường khiếu,

Tráng hoài khích liệt.

Tam thập công danh trần dữ thổ,

Bát thiên lý lộ vân hoà nguyệt.

Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu,

Không bi thiết.

Tĩnh Khang sỉ,

Do vị tuyết.

Thần tử hận,

Hà thời diệt!

Giá trường xa,

Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết.

Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục,

Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết.

Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà,

Triều thiên khuyết.

Dịch thơ: (Nam Trân)

Tóc dựng mái đầu,

Lan can đứng tựa,

Trận mưa vừa dứt.

Ngóng trời xa,

Uất hận kêu dài.

Hùng tâm khích liệt,

Ba mươi tuổi cát bụi công danh,

Tám ngàn dặm dầm sương dãi nguyệt.

Chớ lỏng lơi nữa kẻo bạc đầu,

Ích gì rên xiết.

Mối nhục Tĩnh Khang,

Chưa gội hết.

Hận thù này,

Bao giờ mới diệt.

Cưỡi cỗ binh xa,

Dẫm Hạ Lan nát bét.

Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ,

Khát, cười chém Hung Nô uống huyết.

Rồi đây dành lại cả giang san,

Về chầu cửa khuyết.

(3) Trích từ bài “Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài” của Lý Bạch.

Phụng Hoàng đài thượng phụng hoàng du,

Phụng khứ đài không giang tự lưu.

Ngô cung hoa thảo mai u kính,

Tấn đại y quan thành cổ khâu.

Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,

Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu.

Tổng vị phù vân năng tế nhật,

Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Trên đài Phụng Hoàng đã từng có phụng hoàng qua lại

Từ khi phụng bay mất chỉ còn trơ lại đài, và nước sông tự mình chảy

Bên mé Ngô cung, hoa thảo mọc che lối đi âm u

Quan lại quý hiển thời Đông Tấn giờ chỉ là gò hoang

Ba ngọn núi nhô lên nối liền với trời xanh xa tít

Đảo Bạch Lộ chia đôi hai nhánh sông Tần Hoài

Chỉ bởi tại mây trôi làm che mất đi mặt trời

Không nhìn thấy Trường An làm người ta cảm thấy u sầu

Dịch thơ: (Khương Hữu Dụng)

Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,

Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi!

Cung Ngô hoa cỏ che đường lối,

Đời Tấn cân đai hoá núi đồi.

Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa,

Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi.

Chỉ vì mây nổi che vầng nhật,

Chẳng thấy Trường An não dạ người.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv